[KhánhNam] Hạt Rang
"Nếu em khóc, anh sẽ dỗ em liền.".
---oOo---
Sở Nhi mang tiếng là gia đình có truyền thống kịch. Phải nói, trong làng Gai, chuyên môn về kịch, múa, đều nên tìm tới nhà Sở Nhi để nhờ vả. Gia đình ấy tuy là nhà lớn, có quyền hành, song lại sống khiếm tốn, nguyện mình phục vụ cho nghệ thuật và dân làng.
Trong nhà có một đứa trẻ còn đang tuổi ăn lớn. Thằng bé hoạt ngôn tùy lúc. Đặc điểm nổi bật nhất của thằng bé là dễ khóc. Tuy đứa trẻ này được gia chủ, chú Tiến Đạt, đánh giá là thực sự tài giỏi, mang trong mình một thiên phú nghệ thuật về kịch, ấy mà cảm xúc của đứa trẻ này lại mỏng manh tới...khó lý giải?
Nghe Quốc Thiên, gã ca công cũng như anh em trong đoàn kịch thuật lại: "Trước khi em diễn, em chỉ nói với nó "anh chuẩn bị lên diễn nè, dưới đó có gì cổ vũ anh nhé". Nó nhìn nhìn sân khấu, rồi bỗng mếu máo, láo liên mắt trông qua lại em với trên trển. Em không nghe nó nói rõ chữ, chỉ nghe loáng thoáng mấy chữ 'cố lên' mà nó nghẹn họng khóc ra tiếng."
---
Làng Gai có một con sông kỳ lạ, nó cắt làng làm hai mảnh đất lớn nhỏ, mảnh nhỏ lấy lại là nơi sinh sống của nhà Thục Lạc. Sừng sững cạnh nhà chính của Thục Lạc cũng như cạnh con sông lạ đó là một cây liễu rũ đã già, gốc nó to như cái bàn đá uống trà ở Đại Ngư. Nếu như không ai nghe được tiếng lăn tăn của nước chảy, thì ắt họ vẫn phải nghe được tiếng gảy đàn nguyệt văng vẳng những dịp sát trưa hoặc chiều tà. Tấm áo ngũ thân màu tím hoa sim, đầu đội khăn đóng, một thân hình bé xíu vậy mà lại ôm cây đàn to hơn nửa người mình thi thoảng lại gảy đi gảy lại một giai điệu.
Thằng bé đó là cậu ba của nhà Thục Lạc, năm sau đã tuổi tròn chục. Tuy người làng gọi là cậu ba, nhưng lại nhỏ nhất nhà, trước nó thì có thằng bé Khoa cùng tuổi. Gọi như vậy không phải do tuổi tác, mà do thằng bé vào thứ ba nhà Thục Lạc. Thằng bé người nhỏ con, khác hẳn với vóc dáng của anh em, nhìn nó là hay ngay nhặt nhạnh ở đâu về rồi nuôi cho lớn chứ không có dính dáng gì tới nhà Thục Lạc. Mà nói vậy cũng không sai cho lắm, thằng bé là người mà Trường Sơn, người anh thứ 2 trong nhà dắt về. Không biết là vô tình hay do người nhà của thằng bé gửi gắm, mà khi đưa qua cửa, anh ta nói với anh Sơn Thạch, chủ nhà, rằng:
- Đoàn hát mình đang thiếu người phớ không? Vừa hay có thằng bé này. Nó có phú về nhạc lắm, mình bóc lột nó cũng không tồi.
Trường Sơn vừa nói vừa đánh một ánh mắt nghiêm túc mà lại có phần giỡn giỡn hay thấy. Sơn Thạch biết là anh ta đùa. Dẫu vậy, anh ta vẫn thuận theo Trường Sơn. Và thế là, đứa trẻ đó đã trở thành người trong đoàn hát của nhà Thục Lạc.
Dưới gốc liễu rũ, cậu ba cứ gảy đi gảy lại mấy nốt nhạc. Nốt nào nốt nấy cũng thô, có nốt lại êm, rồi lại nghe cậu ba lẩm nhẩm thắc mắc cách gảy cái nốt đó như thế nào. Có cái cậu quên, song có cái cậu lại gảy thanh như tiếng suối.
Ấy mà giữa những âm thanh tựa hồ chỉ có thiên nhiên và nghệ sĩ mới tạo nổi, Nam nó lại nghe được tiếng thút thít. Cái tiếng hướng từ phía Đại Ngư, một nhà lớn ở làng. Cậu tò mò mà lần theo, ôm lấy cây đàn to hơn nửa người cậu lon ton nghe tiếng khóc vọng lại. Cậu đi, đi cũng không xa, và thấy một cái bóng màu đỏ ôm gối ngồi trên cỏ, đầu đội khăn đóng, đôi mắt trong veo nhìn ra xa xăm bên kia con sông lạ cắt ngang làng. Đứa nhỏ đó chắc xem chừng bằng tuổi cậu, và nó cứ ngồi, nó khóc hưng hức.
Cậu ba từ từ tiến lại gần để nhìn cho rõ mặt, ấy mà vô tình lại đánh tỉnh nó bằng cái tiếng loạt khi guốc gỗ của cậu sượt lên cỏ. Nó ngước mắt, lộ cái dáng mặt bầu bĩnh non choẹt mà đỏ hết cả má lẫn mũi, khóe mắt nó cũng đỏ, còn mắt lại ươn ướt long lanh trông về cậu.
Trông thấy cậu, thằng nhỏ vội vã lấy cái tay áo lau nước mắt. Cậu thấy yết hầu nó động đậy, và mắt nó lảng đi chỗ khác. Cậu không rõ nó nhìn đi đâu, nhưng nó không nhìn về sông, cũng chẳng nhìn về nhà Thục Lạc, chỉ biết nó cứ nhìn, và nhìn đi đâu thì cậu không biết.
- Đằng ấy ơi!
Cậu gọi vẳng.
Đứa nhỏ ở đó rụt người lại, rồi lắc mắt giả bộ nhìn chung quanh xem còn ai. Đoạn, nó mới len lén nhìn cậu. Cậu tiến lại nhanh hơn, tay vẫn cầm khư khư cây đàn. Tới khi cậu đang đứng đối diện cái bóng đỏ với khăn vấn ấy, chỉ cách có con sông làng, cậu nhìn chằm chằm, rồi ngồi xổm xuống, đặt cây đàn cạnh bên mà hỏi:
- Sao cậu khóc?
Đứa trẻ ngượng ngùng lau nước mắt, nó biết nó vẫn còn đang khóc, nhưng lại mếu máo:
- Tui không có khóc, cậu nhìn nhầm rồi.
Dù nó nói vậy, nhưng cái mũi đỏ vì khịt quá nhiều, và khóe mắt đỏ hoe với cặp má sưng lên lại phản bội nó. Cậu ba cứ im im, nhìn chằm chằm nó không nói gì cả. Cậu cứ nghiêng đầu nhìn nó thút thít làm nó ngượng, khiến nó không hiểu sao lại muốn khóc hơn.
- Đợi tôi tí nhé.
Rồi nó thấy cậu đứng phắt dậy, cầm cây đàn nguyệt to đùng chạy đi đâu. Nó toan tính chạy đi, nhưng từ phía của Đại Ngư, nó đã thấy cậu cầm cây đàn loạt xoạt chạy lại.
- Cậu đợi lâu không? Tại phải chạy tới tận chỗ của Đại Ngư mới có cầu. - Cậu vừa nói vừa ngồi xuống cạnh nó. - Thường nhà tôi qua sông bằng đò nhà, nhưng nay lại không, nên phải chạy tới đó lận.
Lần đầu nó thấy người như cậu, quan tâm người lạ như này đúng thật là lần đầu tiên nó thấy. Nó để ý cậu bằng đôi mắt len lén. Nó nhìn, cậu mặc áo màu hoa sim, vậy thì chắc là người của đoàn hát Thục Lạc bên bờ kia.
- Tự nhiên anh qua đây, tôi có quen anh đâu?
- Nhưng tôi thấy cậu khóc mà. Đa Đa dặn thấy người ta khóc là phải biết dỗ. Cậu có chuyện gì buồn sao?
Cậu nói bằng cái giọng mềm xèo, làm nó cũng buông buông một tí. Nó không còn lén nhìn cậu nữa, nó nghiêng nhẹ mặt mà trông thấy đôi mắt của cậu hiền hiền, cái má bầu bĩnh, và cái dáng mặt tròn xoe dưới chiếc khăn đóng.
- Nói rồi. - Nó mếu máo nữa - Tui không có khóc...
Cậu ba nghi hoặc mình nó:
- Không khóc mà đỏ cả mắt vậy? Thôi nào, khóc là sau này mặt tròn như trái bí nha.
Cậu ba nói dỗ nó linh ta linh tinh là vậy, thế mà nó lại cứng người mà tin thật. Nó khịt mũi cuống quýt lau mặt, dù câu nói của cậu hù nó muốn khóc to hơn. Song nó vẫn tỉnh táo mà đớp lại cậu.
- Giỡn kì!
Nó mắng cậu.
Thấy đối phương chịu nhìn mình, cậu mới dịu dàng vỗ vai nó. Đoạn, cậu lấy từ trong túi ra một gói hạt thoang thoảng cái mùi đường thắng. Cậu mở ra, đầy ụ trong cái túi rút là mấy hạt trắng đen đẫy đà, thơm phức.
- Nè, thử không? Hướng dương Đa Đa nhà tôi rang đó.
Cậu niềm nở mời nó. Nó e dè mở to hai con mắt đen láy, quên cả việc nó vừa mới khóc xong, rụt rè không biết làm gì cả.
- Nè, như này nha. - Cậu cầm một hạt trong túi, đưa lên răng cắn nhẹ. Rồi cậu tách cỏ ra, đưa phần nhân bên trong vào miệng nhai. - Nó giống quả bàng khô á.
Trước cái nhìn ngơ ngơ của nó, cậu lại lấy thêm một hạt trong túi, đặt cái túi lên đùi mình. Cậu cắn đôi ra, rồi tách nhẹ vỏ, cười cười lấy phần nhân đưa cho nó.
- Cậu thử nè, ngon lắm đó.
Nó chịu thua cậu, chậm rãi lấy phần hạt đã tách ra đưa vào miệng nhai. Cái vị bùi béo lan trong miệng nó. Đúng thật, vị giống như trái bàng khô vậy, chỉ có cái là nhỏ hơn, và khi tách không phải lấy đá đập ra. Trẻ con ai mà chả thèm ăn vặt, dính phải món lạ miệng, nó lại muốn ăn thêm cho đỡ nhạt lưỡi. Thế là đứa nhỏ bạo dạn xin thêm. Cậu thấy nó nín rồi, liền tươi tươi mà cho nó cả một nắm rõ nhiều.
- Nói nè, sao cậu khóc?
Cắn được nửa số hạt trong tay, cậu lại hỏi nó cái câu khi nãy.
- Sao anh hỏi hoài thế?
- Vậy không hỏi nữa. - Cậu lại cười, rồi vỗ lưng nó.
Nó cắn thêm 2 hạt, lúc này nó mới bắt chuyện với cậu.
- Anh ở nhà Thục Lạc phải không?
Cậu quay qua nhìn nó, và trông cậu vui lắm. Chắc vì do từ nãy, giờ nó mới chịu nói với cậu một câu.
- Ừ, nhà tôi bên kia sông. - Cậu chuyển chủ đề - Tôi tên Nam, họ Bùi, người nhà Thục Lạc gọi quen tôi là cậu ba. Còn cậu?
- Tôi họ Nguyễn, tên Khánh, nhà Sở Nhi, người nhà tôi hay gọi đùa tôi là bé Thu.
Cậu ba ồ lên một tiếng, rồi tít mắt cười.
- Tôi có gặp anh Luật nhà đằng ấy đó, ảnh bảo ảnh có đứa cháu dắt về, nhỏ tuổi hơn tôi, ra là cậu.
Khánh nó giật mình. Cậu cứu cánh:
- Ảnh chưa có kể gì với tôi về cậu cả. Chỉ nghe anh Thiên nói, cậu hay khóc nhè mà thôi.
Khánh im im, nhăn mặt lại, mà sắc xéo mắng cậu, dẫu tay vẫn còn xin thêm một nắm hạt rang.
---
- Khánh! Tối sông có nhã nhạc, em có muốn đi xem không?
Khánh đang loay hoay trong bếp lấy hũ quế mà nó hay lén chui vào rồi thó một miếng nhỏ gặm. Nghe giọng anh Thiên, nó giật mình xém rớt cả hũ quế trên tay. Khánh giấu nhẹm trong tay áo tấc hũ quế, rồi gấp gáp lon ton chạy ngược ra gian nhà chính. Anh Thiên trông thấy nó chạy vội, nhưng không nói gì, anh chỉ hỏi lại lần nữa:
- Trên sông tối nay có nhã nhạc, em có muốn đi xem không?
Khánh nó không biết nhã nhạc là cái gì cả, nhưng nghe tới nhạc, nó chỉ biết chắc cũng như các anh, họ tụ lại với mấy loại nhạc cụ khác nhau rồi hát hò gì đó. Tò mò âu cũng là cái tính của nó, thế là nó gật gật tỏ ý muốn đi.
- Vậy tối nay, em đốt đèn theo anh Đan qua bên nhà Thục Lạc. - Anh Thiên nhìn nó rồi xoa đầu, song đột nhiên anh lại nhắc nhở - Còn nữa, cất hũ quế đi nghe chưa, anh nhai em trước khi em nhai cả hũ quế đó.
Khánh hoảng hốt. Nó suýt khóc òa lên. Mà trước khi để nó kịp rơi ra cái gì từ mắt, anh Thiên đã thả nó đi. Khánh vội chạy xuống bếp mà cất cả hũ quế. Nó không quên đậy nắp cận thận, thế mà lại quên cả việc thó một thanh quế đi để làm thức đồ vặt.
Nó núp dưới chậu cây lưỡi hổ dụi mắt, và nó chợt nhớ tới lời gã ca công kia nói. Nhà Thục Lạc, không phải là cái nhà mà mấy tuần trước nó gặp cậu ba bên bển sao? Nó ít khi đi tới tuốt tận khúc sông, vì xa, đâm ra Khánh không nhớ mặt cậu như nào nữa rồi, chỉ mang ấn tượng lớn nhất là cái cây đàn nguyệt to hơn cả người cậu, và một túi hạt rang bùi như hạt bàng mà cậu cho nó cả nắm. Còn lại, nó không nhớ rõ cậu trông như nào cả.
À, cậu còn nói, cậu có quen cậu Luật. Nhớ tới đó, nó lăn tăn chạy đi kiếm cậu Luật. Cậu ngồi ngoài sân, ngồi ngay cái bàn đá, dưới gốc đa mà uống trà với cậu Đạt và anh Thiện. Nó tỏn tẻn lại gần. Khi cậu Luật ngồi, nó cao còn không tới ngực của cậu. Khánh rón rén kéo cái gấu áo tấc đỏ của cậu, gặng hỏi về cậu ba bên bển.
- Con có quen thằng bé nhà bên sao?
Nó lắc đầu, xong chỉ bảo nó vô tình gặp cậu Ba nhà đó cạnh sông khi nó lủi thủi khóc vì lo lắng cho tiết mục của anh Thiên mấy tháng trước, nó chỉ nhớ cậu có nhắc tới cậu Luật.
- Cậu không gặp thằng bé bẫng cũng lâu rồi. Nó lớn hơn con 1 tuổi. Hồi nhỏ, nhà nó ở gần chỗ Mật Khương. Về sau, gia đình nó gặp nạn, không chốn chung thân nữa, được cậu hai nhà Thục Lạc dắt về cưa mang tới giờ.
Đoạn, cậu đưa chén trà lên môi nhấp một ngụm. Khánh bên cạnh chỉ gật gù dẫu có đôi chỗ không hiểu. Nó chỉ hiểu, có vẻ cậu Luật cũng quý cậu ba nha bển. Vậy là nó đúc kết ra một điều: Cậu ba nhà bển không phải người xấu xa.
Thấm thoát tới gần tối, trăng nay còn khuyết. Giữa cái canh Hợi cuối ngày, Khánh nó vận cái áo tấc đỏ quen thuộc, đầu vấn thêm cái khăn đen. Nó ra sân, đánh đá lửa, rồi châm vào cái đèn bão. Lửa bên trong lấp lửng, rồi ổn định, không còn lùng bùng muốn tắt, phủ lên nó cái ánh sáng vừa vàng vừa ấm. Nó cầm cây đèn chắc trên tay, rồi gọi vọng vào nhà:
- Anh Đan ơi, mình đi nè!
Gã ca công Trung Đan bước ra, đầu đội chiếc khăn vấn giống như Khánh, nhưng áo tấc lại sẫm màu hơn. Đan cầm trên tay mình một cái quạt đỏ xếp . Anh nhìn quanh nhìn lại, rồi lấy từ trong tay áo một cái gói giấy nhỏ. Khánh nghe thoang thoảng mùi của hoa hồi và vỏ quế, mắt nó long lanh ngước nhìn anh. Đan đưa cho nó, rồi thỏ thẻ:
- Nè, cho em. Anh lén lấy từ bếp đó. Nhã nhạc tới tận khuya lận, nên có nhạt miệng thì lấy ra nhai.
Khánh tít mắt đón lấy cái gói giấy, cất vào trong áo, rồi nó đưa đèn bão cho Đan cầm, tay mình thì nắm lấy tay Đan mà háo hức tới sông làng.
Tuy là do nhà Thục Lạc tổ chức, nhưng nhã nhạc lại được diễn trên một con thuyền nhỏ trôi trên sông. Đan dắt nó tới tận tuốt sân sau của Đại Ngư, sắp qua khỏi biên giới làng. Rồi ở đó, có một tên con trai cao ngất ngưởng, thậm chí là cao hơn anh Đan, và mặt thì cũng xéo xắc. Khánh nó sợ dần, nhưng anh Đan thì có vẻ biết cái tên đó. Lúc sau, Khánh mới thấy hắn mời họ lên thuyền.
Không gian trong thuyền không nhỏ, sức chứa ít nhiều cũng cả 30 đầu người, và một gian đủ rộng trống bên trên. Khánh chắc ngẩm, chỗ đó là nơi để biểu diễn, giống như sân khấu kịch của nhà Sở Nhi, nhưng chỉ có cái ít người hơn thôi. Anh Đan thổi cái đèn bão đi, kêu nó ngồi ngay ngắn xuống. Lúc này Khánh mới có dịp để ý chung quanh một chút: Những cái lồng đèn lụa treo quanh trần của mạn thuyền, màu tím hoa sim như y phục của nhà Thục Lạc. Anh Đan có nói, nhã nhạc xuất phát từ một tỉnh miền Trung trong nước, màu sắc đặc trưng lại là sắc tím, nên mới trang trí như vậy. Khánh gật đầu tỏ ý hiểu, rồi nó lập tức để mọi thứ sau đầu. Nó lén lén lôi từ trong áo ra cái gói giấy khi nãy, rụt rè lấy bông hoa hồi khô, bẻ một cánh nhỏ, rồi cất cái gói đó lại vào trong áo. Khánh cắn nhẹ một góc nhỏ, cắn theo cái kiểu li ti như sợ hết cả thứ đồ vặt ngon lành. Vị cay và ngọt nhẹ, nhưng lại thơm nhiều, cả miệng nó chỉ có vị thơm hơi nồng của hoa hồi. Khi cái vị đó dần nhạt và hết hương trên lưỡi nó, Khánh lại nuốt cái vỏ hoa đó vào bụng, và nó lại lén lén cắn thêm một tí nữa.
Mãi tới khi anh Đan vỗ nhẹ lên vai nó, Khánh mới nghiêm chỉnh ngồi lại, không quên bẻ nửa cái cánh hoa hồi ra, chia cho anh một nửa, mà anh từ chối, nên nó lại thôi.
Cả khoang thuyền như đã đủ người. Lúc này, nó thấy bên trên đã bày cả mấy loại nhạc cụ. Có đàn tranh, đàn nguyệt, có một cái trống nhỏ nữa, rồi có thêm mấy loại nhạc cụ mà nó không biết. Thuyền bắt đầu có phần lao đao. Nó đoán, ắt thuyền đã được tháo dây và trôi theo dòng chảy của sông làng. Những người mặc áo tím sim lúc này bước vào, ngay ngắn ngồi trên phần sân khâu đó, giữ trên tay những thứ nhạc cụ của mình. Khánh loáng thoáng thấy được người ngồi trước cây đàn tranh, người lại ôm cây đàn nhị, có thêm cả cây đàn tỳ bà nữa. Ấy mà mắt khánh cứ chăm chú nhìn người ôm cây đàn nguyệt. Cái dáng nhỏ như con nít, còn cây đàn thì to bằng cái người của người đó khiến nó băn khoăn liệu ấy có phải cậu Ba nhà Thục Lạc hay không.
Trong không gian tĩnh lặng của khoang thuyền, âm điệu du dương của đàn tranh vang lên, nhẹ nhàng như làn gió thoảng, mang theo những câu chuyện xa xưa. Khánh thấy trong tiếng đàn có một câu chuyện, lờ mờ, rồi tự nhiên hiện lên trước mắt Khánh về cái cầu Ô Thước. Cái tiếng đàn nhị cao vút khéo léo nối lại, như đan lên những sợi tơ lòng, khắc khoải và trăn trở. Cứ như đàn quạ đặng nên cây cầu rời nhau đi, khi hai người đã từ biệt trong đêm mưa mùng bảy. Người ngồi giữa vê cây đàn tranh rung lên thuận theo những làn sóng đẩy thuyền sâu lắng, trong khi tiếng đàn tỳ bà như những câu thơ mượt mà, vừa thanh thoát vừa trầm bổng. Mọi thứ đều làm Khánh đắm mình vào trong thứ nhạc mà mình chưa từng hay.
Và khi nó kịp nhận ra, tiếng đàn nguyệt đã vang lên nhẹ nhàng như một làn gió thoảng, tràn ngập không gian với sự trầm bổng an ủi. Âm thanh của nó vừa thanh thoát, vừa sâu lắng, như tiếng lòng đang thì thầm tâm sự với những kỷ niệm, nhưng cũng là niềm vui gặp gỡ, niềm vui được sát lại gần nhau sau bao ngày của kẻ nương trời và người đương đất. Khánh nó chăm chăm ngước nhìn cái bóng nhỏ của người đang gảy những dây đàn nguyệt, dù điệu múa chén đã văng vẳng bên tai nó. Trông dưới cái màu tim tím của đèn lồng lụa, nó vô tình nhìn được nét cười của cậu và đôi mắt nghiền nhắm, lâu lâu lại he hé ra nhìn xuống phía dưới, rồi cười với thính giả. Cậu gảy từng dây phím, mà trông như tận hưởng từng thứ tiếng đàn và tiếng chén leng keng, của loại nhạc cụ dân gian, hòa mình với những thanh âm khác của phiên nhã nhạc. Cậu tận hưởng từng phím đàn mình nên âm, và cũng tận hưởng cả phiên nhã nhạc. Cậu vừa là một nghệ nhân, mà lại vừa giống như một thính giả, giống như Khánh lúc này đây.
Phiên nhã nhạc kết thúc cũng là lúc thuyền nhà Thục Lạc cập bến tới gốc liễu rũ, đã được một canh. Trời cũng đủ tối để Khánh mệt lả người, dẫu trong đầu nó vẫn i ỉ hình ảnh của cái cầu Ô Thước. Nó níu chặt tay anh Đan, toan gọi anh dẫn nó về nhà, thì nó nghe thấy giọng từ trên thuyền vọng xuống.
- Anh Đan, anh Đan ơi!
Khánh hướng mắt về cái giọng trẻ măng, lai lái người xứ khác. Nó chỉ kịp thấy một cái bóng màu tím chạy vụt từ trên thuyền xuống rồi ôm chân anh Đan của nó. Trên thuyền, cái một cái đầu bạc đội khăn vấn cũng hay đi xuống khỏi thuyền.
- Hì, nhớ anh quá, anh Đan. Nào rảnh em qua nhà, anh dạy em viết thơ nha.
Anh Đan xoa đầu nó. Chỉ khi thấy cái người đầu bạc đội khăn đóng ấy gọi đổng cái bóng tím lim kia, nó mới buông anh Đan ra, rồi tỏn tẻn chạy về phía người kia mà nép sau lưng.
Khánh lúc này mới để ý, cái bóng tím lim đó là cái người lùn tịt cầm cây đàn nguyệt to hơn nửa cái người mấy tuần trước.
Nó nép mình sâu hơn sau lưng anh Đan.
- Chào cậu Thạch, cũng lâu rồi, nhà tôi mới có dịp qua đây. Nhã nhạc rất tuyệt, hiếm lắm mới có cơ hội được nghe lại.
- Cảm tạ anh đã khen, cũng nhờ anh em trong nhà chăm chỉ, mới có được hôm nay. Tuy còn kém xa với các anh chị ngoài nơi đất Huế, nhưng thấy các em tiến bộ từng ngày, tôi cũng mừng lắm rồi. - Cậu cả Thạch nhìn cái bóng nép sau lưng anh Đan. - Đây là...
Anh Đan nhẹ vỗ vai trấn an Khánh:
- Ừ, thằng bé này là con của họ hàng xa nhà anh Luật lần trước tôi có kể với nhà anh, ba má nó gửi nó lên đây. Nó là Khánh, nhỏ hơn Nam nhà anh một tuổi.
Khánh nó lén lút ló mắt ra khỏi chân anh Đan. Và nó thấy, cậu ba nhà bên chăm chú nghe anh Đan giới thiệu về nó. Khi anh Đan dứt câu, cũng là lúc cậu đưa mắt xuống nhìn nó. Bắt gặp nó đang xăm xoi anh, anh bèn chào nó một câu hí hửng.
- Chào Khánh nha.
Khánh lại rụt rè nép mình vô chân anh Đan tiếp.
- Khánh, không có thế. - Anh Đan dìu nó lên trước mình. - Chào người ta một tiếng nào, họ lớn tuổi hơn em đó. Đây là cậu Thạch, cậu cả nhà Thục Lạc, còn đây là cậu ba nhà bên ấy, Nam.
Khánh nó ngước lên chào hai người lớn tuổi hơn nó, rồi ậm ừ đưa mắt lên nhìn. Nó chỉ thấy, mắt cậu ba nhìn nó long lanh và cười.
---
Từ sau buổi diễn trên thuyền, cũng có nhiều lần Nam gặp Khánh ở khúc sông ngang làng, khi anh ngồi dưới gốc liễu nghịch ngợm mấy thứ nhạc cụ khác nhau, hay lên dây thử mấy giai điệu mới mới.
Nói là nhiều lần gặp gỡ thế thôi, chứ Khánh cũng chỉ tới, xong lại vội vã lén lút rời đi. Có hôm thì Nam thấy Khánh tới bên sông ngồi khóc, rồi thấy Nam, Khánh lại vụt chạy đi về hướng ngược lại. Khi thì Khánh tới, với một trái banh lăn lóc theo tới, rồi nó chụp lại, xong rồi lại chạy về. Cuộc gặp gỡ của anh với nó suốt mấy tháng chỉ có vậy thôi. Dẫu sau ngần ấy, sau bao lần đổi loại nhạc cụ khác nhau, Nam với Khánh cũng chỉ biết nhau qua ánh mắt người phía ấy, điều đó lại làm cậu ba nhà Thục Lạc dấy lên một câu hỏi.
"Khánh không thích chơi với mình phải không ta?".
Tròn bốn tháng Khánh và Nam chỉ "chào nhau" qua những lần nhìn nhau rồi bỏ chạy cũng là lễ cúng tổ. Phúc, lớn thứ 2 trong nhà, mà ông giời quên coi tử vi của nó, cho nó vô cái nhà cà nhây Thục Lạc, nên nó xuống làm người nhỏ nhất trong nhà, hay làng gọi là cậu bảy. Đương lúc cậu bảy đang sắp con gà ra bàn thờ ở trước nhà, Nam lon ton chạy vô, hỏi có phụ gì không, nó giúp. Cậu chửi đổng nó lên:
- Nè nha, tao nói ngày cúng ngày viếng ngày bái đừng có để tao chửi nha. Năm kia thì hai vò rượu, năm ngoái thì bốn chén cơm, tao sắm cho mày cái săng còn vừa á chứ ở đó mà phụ. - Nói vậy, chứ Phúc vẫn vớt vát danh dự cho nó. - Mày xuống xem ông Thạch có cần bê cái gì đi đình thì bê, đừng có ở nhà báo hoài mãi.
Thế là cậu phụng phịu, mà mặt non choẹt của cậu vẫn cười hì hì, tay đẩy nhẹ vai của Phúc suýt nữa rớt luôn con gà luộc vàng ươm khiến Phúc chửi rầm cái nhà Thục Lạc. Nam nó vội chuồn đi ra sau nhà, chỗ anh Thạch với anh Sơn sửa soạn đồ cúng lên đình.
- Anh Thạch, anh cần em phụ gì không?
Nguyễn Cao Sơn Thạch nhìn nó, rồi không có biết nói gì, trông cậu cả nhà Thục Lạc khó xử thấy vội. Rồi anh thấy ông Sơn ngoắc ngoắc, rồi kéo vô tai nói cái gì đó, Thạch mới đưa cho nó cái bó nhang nhỏ xíu:
- Nè, cầm phụ anh lên đình nha.
Nhìn thấy cái nụ cười vô hại đầy sự gượng gạo của anh, mà Nam cũng không biết anh không muốn cậu phụ. Bởi vì cậu báo. Cái danh cậu ba báo nhà Thục Lạc trừ khi chỉ mấy đứa con nít con non ơi là non, hay người xa làng đã lâu, hay người mới di dời vô làng mới không hay. Nói là, trừ nhạc ra, cậu làm cái gì cũng báo được người trong làng. Nhưng Nam không có để ý gì nhiều tới vụ có báo hay không. Chỉ biết, có việc để làm, phụ các anh này nọ, thì có cũng còn hơn không. Thế là cậu Nam nhà Thục Lạc lon ton cầm cái bó nhang nhỏ xíu, rồi theo sau anh Thạch và anh Sơn hí hửng đi lên đình làng.
Nay là lễ cúng tổ của cả làng, nên đình cũng hơi đông. Đình làng Gai do chú Long chủ trì, hay nói đúng hơn là do Đại Ngư chủ trì. Do vậy, cậu ba nhìn đâu cũng thấy người quen của 4 nhà lớn trong làng. Thế là tự nhiên cậu nghĩ nghĩ, không biết có gặp được Khánh nhà Sở Nhi hay không nữa. Lúc cậu chuyển về Thục Lạc sống, Khánh nó chưa có về làng, mãi tới hôm cậu thấy nó khóc ngay sông làng mới hay nó là ai. Nên Nam cũng tò mò về Khánh lắm, dẫu qua cách kể của anh Thạch về Khánh, Nam vẫn tò mò. Cái nết thèm tiếp xúc lại bộc phát mà ngó ngó nghiêng nghiêng. Nhưng không phải chỉ chăm chăm kiếm Khánh nhà Sở Nhi, gặp ai Nam cũng chào theo thói quen cả. Nó gặp chú Kiều nhà Mật Khương, nó "chào anh Kiều ạ.", nó gặp chú Long nhà Đại Ngư, nó "chào anh Long ạ.", gặp Thanh Duy cũng cùng nhà, nó lại "Chào anh Duy". Gặp ai cậu cũng chào, gặp ai cậu cũng gọi anh cả, mà cái giọng cậu ngọt xơn ngọt xớt, mặt bầu bĩnh cười hì hì mà duyên.
Cậu phụ anh Thạch bưng vò rượu bỏ dưới cái cột đình to. Quay lưng lại liền thấy cái màu áo tấc đỏ của nhà Sở Nhi. Vậy là cậu hào hứng quay qua chào mấy anh lớn. "Chào anh Đạt", "chào anh Luật", "chào anh Thiện",... nhà Sở Nhi có bao nhiêu người, cậu chào hết. Xong cậu ngó ngó, rồi hỏi liền:
- Anh Luật ơi, Khánh nay không đi cùng nhà mình ạ?
Tự nhiên anh Luật loay hoay quay qua quay lại, mấy anh khác cũng vậy.
- Đan, Khánh đâu rồi?
- Nãy em mới thấy Khánh ở đây mà!
- Chết rồi, Khánh đi đâu rồi.
Cả nhà Sở Nhi nháo nhào lên, làm Nam đang chưa hiểu chuyện gì cũng hiểu ra: Khánh nhà Sở Nhi biến mất rồi.
Thế là Nam bỏ cái vò rượu ngay ngắn dưới cột đình, chạy theo nhà Sở Nhi đi kiếm Khánh. Kiếm mãi, kiếm mãi, Nam mới thấy nó núp sau cây quất trong góc sân đình, ngồi bệt xuống. Cậu ba trông thấy bèn vội chạy lại gần. Cậu toan tính gọi nó ra, thì như là biết có người tới, Khánh cứ cúi gằm cái mặt xuống, không chịu ngước lên. Nam thấy vai nó cứ được lúc lại run lên, mới hay nó đang khóc. Nam không có nói gì cả, bò xuống dưới tán quất trong chậu, xích lại gần nó.
Cậu lay nó, nhưng nó cúi đầu chặt cứng xuống. Cậu lay nó thêm một cái, lúc này nó mới chịu quay sang nhìn cậu.
Mắt mũi Khánh tèm lem nước này nước nọ, và hốc mắt nó hoe đỏ, đầu mũi cũng thế, mà nó sưng phồng, nhìn nó thấy mà thương. Mắt nó ướt đẫm nhìn cậu, và môi nó thì mếu máo như muốn nói gì đó. Cậu vuốt lưng nó mấy cái, tay rảnh thì lâu nước mắt trên khóe mắt nó.
- Nói anh nghe, sao Khánh khóc?
Khánh toan tính quay qua chối, là nó không có khóc. Chỉ là nó không nói được, nó nhìn mắt cậu cứ long lanh chân thành nhìn nó mà nó muốn òa khóc to hơn. Nam càng vuốt lưng của Khánh nhiều hơn. Khánh không còn u u a a khóc nữa, nó còn khịt mũi, nhưng vẫn cố nói với Nam.
- Em... em làm mất... mất... cái khăn đóng... rồi.
Nam lúc này mới để ý, đầu Khánh cứ trống trống. Mỗi lần anh gặp Khánh, là nó đều trong cái áo tấc đỏ đặc trưng và khăn vấn đen trên đầu. Ra là khi nãy, lúc Khánh đứng trước cửa đình, có thằng nhóc nào đó lao ra, giật cái khăn đóng của nó đi mất. Nó chạy không có lại người ta, do tay vẫn còn đang cầm bình cát cánh, nên nó đuổi theo không lại. Mặt người ta nó cũng không nhớ, do nhanh quá. Thế là nó lo lắng, nó lo cho mấy anh, rồi nó rón rén sau lưng mấy anh, đặt ngay ngắn bình cát cánh lên bàn, rồi kiếm một chỗ òa khóc. Nó mãi khóc, mãi tới khi Nam đứng trước mặt hỏi han, dỗ nó.
Rồi nó thấy Nam chạm lên tóc nó, quấn cái gì đấy, nhưng nó không đủ sức để làm gì nữa, mắt nó đỏ hoe muốn sưng vù luôn. Chỉ tới khi Nam chạm lên má nó lau nước mắt tiếp, nó mới hay anh làm gì.
- Ngoan nha, Khánh ngoan, anh cho Khánh cái khăn của anh nè. - Nam dỗ nó, cái giọng anh mềm xèo như dỗ con nít. - Mình về chỗ anh Luật hen, ảnh kiếm em nãy giờ, cả nhà em cũng lo lắm đó.
Chả hiểu sao mấy lần trước đanh đá bao nhiêu, giờ nó lại ngoan mấy nhiêu. Nghe anh nói thế, nó cũng chỉ còn khịt mũi. Anh kéo nó dậy, thế là nó cũng đứng dậy. Anh nắm chặt tay nó, tựa như sợ nó lạc thêm lần nữa, rồi nó lại sợ, nó lủi thủi khóc ở một góc tiếp như khi nãy.
Anh Luật thấy được Khánh với Nam khi một đứa thì tóc hơi xù, một đứa thì mắt mũi tèm lèm đỏ hết cả khoé mắt. Toan tính mắng thằng Khánh, thì Nam lại vô nói đỡ.
- Nãy lúc đi kiếm Khánh, em có bị mất cái khăn vấn. Ấy mà vô tình gặp Khánh đang phụ chú sáu đuổi muỗi ở góc quất, hay em loay hoay nên đi tìm phụ. Khánh kiếm hong có ra, nên Khánh sợ em bị anh Thạch mắng, nên ẻm khóc.
Khánh thì không nói gì nữa.
Anh Luật rõ hai đứa này nói dối, song anh nghĩ, chuyện cũng qua, hai đứa cũng ở đây, vậy thì không lo nữa.
- Hai bây vào thắp nén hương đi. Lần sau còn vậy là mỗi đứa một roi.
Anh Luật rời đi, ra chỗ giữa sân để dâng đồ cúng. Khánh nghe anh doạ vậy mà suýt nữa khóc tiếp. Nhưng nó nhịn, mà cũng không làm sao cho nước mắt rơi ra.
- Khánh không khóc nữa nè. - Nam nhích sang dỗ nó, anh vẫn như thường, lấy ngón tay vuốt má lau nước mắt nó đi.
- Anh dỗ tui hoài vậy, tui không có khóc mà. Anh thích dỗ người lắm hở?
- Đa Đa dặn thấy người khóc là phải biết an ủi. Khánh hay khóc, nên anh muốn dỗ Khánh lắm. - Nói rồi Nam cười cười.
Khánh nó vùng khỏi anh.
- Làm như anh dỗ tui hoài được vậy ấy!
- Được chứ! Nếu em khóc, anh sẽ dỗ em liền! Thôi, mình lên thắp nén hương cúng tổ nha.
Nam chỉnh lại cái khăn đóng cho Khánh, còn mặt Khánh thì cúi gằm không muốn nói chuyện với anh. Anh chạy ra chỗ anh Sơn gần đó, xin anh sáu nén hương rồi nhờ anh đốt. Trước khi đưa hương cho Nam, anh còn dặn cầm cẩn thận, cầm cao lên, không là châm vào áo người khác. Nam cũng ngoan ngoãn mà nghe, rồi cậu chạy ngược lại chỗ Khánh đang đứng chết dí. Nam chỉ tay vào sáu nén hương vui vẻ với Khánh, rồi kéo cái thụng áo tấc của Khánh đi. Khánh cứ đứng như trời trồng, rồi nó vẫn lựa chọn đi theo anh lên chính điện. Toan, nó thấy cái áo tấc tím sim của cậu ba nhà Thục Lạc dơ hày. Ấy rồi nó mới nhớ, khi nãy lúc cậu ngồi xuống dỗ nó, góc sân lúc nào cũng dơ hơn chỗ khác. Mùa lễ tới, mỡ nhớt rượu chè có đổ có không, sân đình đã dơ càng dơ hơn, đã vậy áo cậu còn sáng màu...
- Áo của anh...
Nam nghe thấy Khánh nói, chân cả hai đã đặt lên trước cái lư hương giữa đền, bèn xoay qua xoay lại xem cái tà áo tấc.
- Có cái gì hả Khánh? Mấy vết dơ này á hả? Nhà anh có ông anh, ổng giỏi mấy vụ việc nhà lắm, cái gì cũng biết hết á. - Nam lại khoe người nhà của cậu. - Chắc ổng biết cách rửa mấy này ra ấy à.
Nam càng nói, Khánh chỉ có một cái suy nghĩ duy nhất: cái người gì đâu mà vô tư vô thưởng vô phạt vậy? Rồi cậu đưa cho nó ba nén hương. Cậu cận thẩn lắm, dơ cao lên, tránh châm trúng thụng áo của thằng Khánh.
Khánh một tay nhận 3 nén hương, tay còn lại thì cứ giữ chặt tay áo của Nam. Rồi mãi nó mới chịu buông. Nam thì cứ thấy Khánh ngơ ngơ, nghĩ đứa nhỏ này mới lên chùa lần đầu, nên cũng từ từ chỉ lắm:
- Mình cầm nhang, chắp tay trước ngực nè. Rồi mình niệm trong đầu điều mình muốn. Tổ tiên trên trển sẽ phù hộ mình đó.
Khánh ngoan ngoãn làm theo những gì cậu ba nói. Nó niệm một lúc lâu trong đầu, rồi mở mắt ra. Nó thấy cậu vẫn đang niệm. Nó thắc mắc, cậu niệm gì mà lâu tới vậy. Lúc sau, cậu mới mở mắt ra, thấy nó đã niệm xong từ lâu, cậu lại kêu nó lạy ba cái trước chính điện. Nó cũng ngoan ngoãn làm theo. Khi cả hai buông tay khỏi cây nhang còn nửa, cậu ba còn kêu nó vái thêm ba cái. Kỳ là nó cũng làm, giống như cậu ba kêu gì Khánh cũng đi làm hết.
Khánh với Nam đi ra khỏi chính điện, gặp anh Luật. Anh biết Khánh với Nam đã thắp hương xong, bèn kêu Khánh đi đâu chơi thì chơi, nhưng không có phá, cả Nam anh cũng dặn vậy, nhưng phải thêm câu "mày báo lắm đó, nãy mày đi kiếm Khánh, báo hại thằng Sơn phải canh cái vò rượu, để ông Thạch bưng gà bưng qué lên một mình đấy.". Thế là Nam nó cười, nó chạy đi xin lỗi anh Thạch với anh Sơn nhà Thục Lạc vội. Khánh cũng đi theo muốn giải trình. Nhưng khi tới đã thấy cậu ba bị cậu Sơn với cậu Thạch nhà bên ký đầu một cái, dặn là có đi đâu thì ra báo họ một tiếng hẳn đi.
- Em xin lỗi ạ. Mà cho em đi chơi với Khánh một tẹo nha, anh Thạch.
- Mày muốn đi đâu thì đi, về trước giờ cơm chiều. Mày mà đi quá giờ, tao kêu con Hạnh cắt cơm mày. - Chưa để anh Thạch lên tiếng, cậu Sơn đã ký đầu nó một cái.
Nam phụng phịu, rồi để lại câu "vậy em đi nha" cho cậu cả nhà Thục Lạc, rồi lon ton đi ra chỗ Khánh.
---
Tới khi anh Luật nói với Khánh rằng "em cao hơn thằng Nam rồi đó", Khánh mới hay mình đã tới tuổi trăng tròn. Từ hồi thắp nén nhang ở đình, nó với Nam cũng không còn giữ mối quan hệ "chào nhau bằng ánh mắt lướt qua" nữa.
- Khánh không thích chơi với anh hả?
Nam đột nhiên hỏi nó, làm nó sượng người. Chốc nó không biết nói gì hết.
- Không có, tui có chơi với anh bao giờ đâu mà thích với chả không.
- Chứ Khánh né anh như né tà, anh dỗ Khánh cũng không cho anh dỗ.
- Tui không có. Nói nè, có mấy ai như anh khi dỗ người ta đâu. Anh dỗ, mà toàn dỗ tui khóc to hơn. Tự nhiên khi không nói người ta khóc nhiều, mặt sẽ sưng như trái bí!
Cái cuộc hội thoại "chấm dứt hiểu lầm đôi bên" nó diễn ra như vậy đó. Khánh càng nghĩ càng thấy bực. Nhưng nó lớn rồi, nó sẽ không còn bực chuyện bé xíu xìu xiu như vậy nữa.
Kể ra từ sau đó, lâu lâu, ở trước nhà Sở Nhi, nó lại thấy cái bóng tím sim, đầu vấn khăn lon ton chạy ra rủ nó đi đâu đó trong làng. Lúc thì hai đứa ra xin chú Long nhà Đại Ngư mấy cục đường phèn ngậm, khi thì lén chui vô bếp nhà Khánh thó hai ba miếng hoa hồi hay vỏ quế, có bị phát hiện vài lần, rồi ăn mắng té tát, lúc thì lại chui vô sân nhìn anh Nhất nhà Mật Khương tập võ, anh Kiều hát cải lương. Dẫu vậy, không đâu nhiều bằng ra chỗ sông làng, dưới gốc liễu đánh đàn nguyệt, đàn tranh, lúc lại thử thổi cây sáo, cây tiêu. Có khi, sáng hôm trước thì rủ rồi, sáng hôm sau lại rủ tiếp, cứ đều đặn một tuần ít nhiều cũng bốn, ba lần Khánh nó phải ra gốc liễu cạnh nhà Thục Lạc nghe cậu đàn mấy khúc.
Từ hồi thân với Nam hơn, Khánh cũng không còn dè chừng cậu ba nhà Thục Lạc nữa. Nó nói chuyện với anh nhiều hơn một chút, chia sẻ với anh nhiều hơn một chút, có những chuyện vô thưởng vô phạt ở Sở Nhi người trong làng chưa kịp biết, thì Nam nó đã biết qua cái miệng của thằng út Khánh nhà bển rồi. Ngược lại, Nam cũng cho Khánh biết nhiều thứ, dù vốn anh đã kể cho nó rất nhiều từ hồi Khánh còn e ấp ngại ngùng nói chuyện với anh. Có những cái như những câu chuyện hài không có tiếng cười mà cậu út Phúc chưa từng kể cho người làng biết, Khánh là người biết đầu tiên. Có khi là chuyện cái guốc gỗ của anh Bảo hay người làng gọi là con Hạnh bị gà mổ trong vườn, đứt luôn cái quai mà ổng không biết, đang đi bị té u hết mặt, Khánh cũng là người biết đầu tiên.
Hôm nay, Khánh hí hửng khoe.
- Mấy ngày nữa em lên 16 rồi đó.
Tự nhiên tiếng kèn bầu mà cậu ba nhà Thục Lạc đang thổi nhẹ ngừng, xong cậu đưa đôi mắt đầy bất ngờ qua nhìn Khánh. Cậu nhìn từ trên xuống dưới, rồi bật nói:
- Hèn chi dạo này Khánh cao ơi là cao!
Khánh nó vui ra mặt, nó cười cười với cậu ba nhà bển, rồi ngồi dưới gốc liễu cạnh Nam. Nam đặt cây kèn bầu xuống, lấy trong túi ra một nắm hạt rang. Lần này là hạt bí đỏ, Nam có nói, hạt này ăn không bùi như hạt đợt trước.
- Anh tính lấy mấy này làm quà mừng tuổi em đó hả? Em không chịu đâu đó!
- Chứ giờ em muốn gì nè? Anh Thạch không có cho anh tiền đâu.
- Thì thử cái khác đi! - Khánh hí hửng cười.
- Anh thổi cho em khúc Hò giã gạo nhé!
- Dẹp đi, anh thổi như ma chay ai ấy!
Khánh phụng phịu, rồi nó giả bộ dỗi anh. Nhưng rồi nó vẫn quay qua khoe với Nam:
- Mùng 3 Tết này, em được anh Luật cho lên diễn kịch làng á!
Nam im lặng, rồi đánh mắt lên trời nghĩ gì đó. Rồi cậu ồ lên:
- Khánh được diễn rồi hả! Vậy là anh được xem kịch của Khánh rồi!
Cậu ba nhà Thục Lạc toe toét cười, nắm lấy tay Khánh dung dăng dung dẻ. Khánh nom vậy mà còn cười tít mắt lại, cười còn nhiều hơn cả Nam. Thường mỗi năm, Sở Nhi hay đi khắp chốn quanh nước nhà để lưu diễn, hiếm thì Tết, hay Trung thu, còn không thì mấy cái hội do chú Long Đại Ngư lên tiếng tổ chức hằng năm, nhà Sở Nhi có năm có, có năm không tới diễn, nhưng thường là diễn ngoài làng, nên mỗi lần hay tin Sở Nhi có tuồng, ai cũng háo hức đi xem cả.
Nhà Thục Lạc cũng vậy, cũng hiếm khi tổ chức diễn trong làng, do mỗi người có một sở trường khác nhau, chỉ có nhã nhạc là vô tình được cậu cả Thạch chọn làm cái chung để biểu diễn. Thường thì trong năm, mỗi người một ngả. Có khi thì cậu út Phúc leo xuống Sóc Trăng hát ca cổ, có lúc thì cái Hạnh đi diễn chung với nhà Sở Nhi nên không ở nhà, Thạch là người bận nhất, vắng nhà những cả tháng cùng với chú Sáu nhà Đại Ngư đi đẩu đi đâu, Nam chỉ biết là đi diễn ở đó, còn diễn cái gì Nam cũng không hay. Nên tuy nói là làng Gai hoạt động nghệ thuật mạnh, nhưng sự thật không có quá nhiều buổi diễn nội làng, gần đây chỉ có mấy bài vọng cổ mà con bé Kim Anh hay là anh Thanh Duy nhà chú Long tự diễn tự hát cho mấy đứa nhỏ trong làng nghe, xa hơn tí thì là cải lương anh Kiều độc diễn, mà cũng là tự phát, xa hơn nữa thì là buổi nhã nhạc trên sông hôm đó. Cậu ba nhà Thục Lạc cũng khoái đi nghe nhạc nghệ lắm, thằng Khoa nhà đó cũng vậy, Nam với Khoa nhỏ hơn các anh trong nhà những sáu tuổi, nên có đòi thế nào mấy anh cũng chẳng chịu cho đi. Cũng vì lẽ đó nên ngoài ở nhà luyện chơi đủ thứ nhạc cụ, hay lâu lâu lại thử giọng với mấy thứ ca trù, chèo, hát xoan, đủ thứ trên trời dưới đất, Nam chẳng được thấy cái sân khấu hoặc cái khoang thuyền mình đã từng đàn trên đó là bao.
Số buổi diễn trong làng Gai đếm trên đầu ngón tay, số cái sân khấu Nam từng nhìn thấy cũng vậy, nên khi Khánh nói với Nam rằng nó sẽ được diễn trong làng, Nam háo hức lắm. Mắt anh long lanh, cái miệng lại tía lia hỏi tới hỏi lui Khánh, nào là diễn tuồng nào, có nhân vật ra sao, Khánh đóng vai gì, kết của nó ra sao, sân khấu có lớn không. Khánh thì kín miệng không nói, dù nó mủi lòng khi trông mắt anh tròn xoe, tay anh thì miết mãi tay nó đòi, nhưng nó vẫn nhất quyết không nói với anh, chỉ bảo rằng, chờ tới hôm đó, anh sẽ hay. Rồi nó nhìn anh nhẩm chỉ tiết, và xụ mắt khi ngẫm về thời gian.
Sông làng vẫn chảy, và thời gian vẫn trôi, như cách mỗi ngày Nam lại lôi một loại nhạc cụ khác nhau vậy, rồi cũng tới ngày mùng ba Tết Nguyên Đán. Nam nhà Thục Lạc lại vận lên mình cái áo tấc tím màu hoa sim, vấn một cái khăn đen lên đầu. Hôm nay nó đi cùng Khoa và anh Phát nhà nó, cùng với một cây sáo trúc gắn ngọc bội. Từ lúc Nam thích chơi nhạc cụ, đi đâu Nam cũng phải mang một nhạc cụ nào đó theo, các anh trong nhà có cản thì nó cũng lén đem đi, nên dần nhà coi đó là cái chuyện thường rồi, không cản nó nữa.
Kịch ở nhà Sở Nhi hôm nay cũng đông lắm, do hiếm khi trong làng tổ chức kịch kiếc này nọ, đã vậy nhà Sở Nhi cũng thường không đủ người để dựng sân khấu nữa, nên lượng người tới hóng cũng khủng khiếp.
Sân khấu kịch đơn giản đến phát lạ, chỉ có một tấm tranh lụa làm phông nền, vẽ cảnh mây và một mặt trời đỏ chót trên cao, phía sau treo hai cái đèn lồng thì phải, nên Nam thấy nó sáng lên. Trên sân khấu kịch của nhà Sở Nhi cũng có nhạc cụ. Nam hứng hởi nhìn rồi nhẩm trong đầu tên của chúng. Đàn nhị, một cặp phách, một cái trống con nữa, và thêm một cái đàn tỳ bà. Nam có nghe vọng từ chỗ anh Duy nhà Đại Ngư, hôm nay nhà Sở Nhi quyết định diễn một vở chèo, điều họ chưa từng ngẫm tới trước đó. Sở Nhi đơn giản là một nhà lớn có tiếng về kịch, nhưng chèo thì không ai trong nhà hay cả. Nam bị bất ngờ, và mọi người trong làng cũng bất ngờ. Nam có lẻn qua chỗ của anh Duy nhà Đại Ngư han hỏi, thì mới hay đây là vở chèo Từ Thức, phỏng theo truyện "Từ Thức gặp tiên" của Nguyễn Dữ.
Nam nắm chặt tay của anh Phát nhà nó, không phải vì sợ, mà là vì háo hức. Lần đầu nó được xem một vở chèo đúng nghĩa đen. Chú Long nhà Đại Ngư chỉ diễn chèo ở nơi đất khách, từ khi chú về đây không thấy chú đóng chèo lại, nên với Nam, chèo còn lạ lắm. Nhạc cụ bên trên, lại còn có thêm một loại hình nghệ thuật cậu chưa từng hay, nên đã hóng lại còn hóng hơn nữa. Cậu ba nhà Thục Lạc chăm chăm nhìn lên sân khấu, thậm chí còn muốn nhờ anh Phát đưa cậu lên vai, cậu muốn nhìn toàn cảnh vở chèo. Nhưng anh Phát lại khéo chối, khiến nó mừng hụt rõ rệt.
Vở chèo bắt đầu khi có một tiếng trống lạ từ sau sân khấu. Đôi mắt của Nam long lanh trông về phía âm thanh. Những người quen thuộc trong nhà Sở Nhi đi ra, mỗi người đón lấy một nhạc cụ khiến Nam xoe tròn con mắt. Anh Đạt thì giữ sáo trúc, anh Đan thì chơi tỳ bà, anh Thiện thì chơi cây đàn nhị, còn anh Thiên thì cầm cặp phách, cái trống con còn lại anh Luật lại cầm, khiến Nam trầm trồ. Nam cố chen lên trên đầu hàng, cậu tách khỏi anh Phát và thằng Khoa, chui lên nhảy nhảy như muốn chào các anh một tiếng.
Một tiếng trống nữa vang lên, lúc này, khúc phách của anh Thiên đã gõ, như bắt nhịp cho vở chèo từ câu chuyện kinh điển, với tiếng trống cái điểm từng nhịp chậm rãi, sâu lắng, tựa hồ một lời nhắc đã xưa. Tiếng trống tạo bức tranh vững vàng, như rằng các anh đang vẽ lại cái bối cảnh cổ kính và có phần linh thiêng của câu chuyện tiên. Tiếng đàn nhị của anh Thiện nhẹ nhàng cất lên theo, âm hưởng đầy hoài cổ.
Giữa cái non nông, Khánh xuất hiện, với một chiếc quạt đỏ trên tay, một bộ đồ giản dị màu quả trám của những sĩ tử nương xưa. Nam trầm trồ, đôi mắt long lanh nay như rực sáng, Nam nhìn chằm chằm vào hình ảnh Khánh trên sân khấu với cái vai kép của vở chèo - Từ Thức - một chàng trai trẻ hào hoa, say mê cái đẹp và lòng yêu thương con người. Khánh nhìn vô cùng nhập tâm vào trong hình tượng anh chàng thư sinh miền núi non, nhìn cách nó đưa chiếc quạt, cái đóng tay theo từng ngón của thức nghệ dân gian mà uyển chuyển. Tựa hồ giữa cái xuân mơn mởn sắc, và núi non mộng mộng mơ mơ trong cả một câu chuyện hiện hữu quanh quầng mắt của cậu ba nhà Thục Lạc.
Sự xuất hiện bất ngờ của anh Hà là điều làm Nam ngạc nhiên rõ mắt. Anh thường ngày không ca không hát, nay lại trong cái mã hề áo ngắn. Trông ngày thường anh Hà có phần lãng tử, chả biết đâu nay ảnh lại bị ai đánh cho cái má hồng đỏ chót, cái mặt thì trắng hến lên, mắt thì lại đánh đậm lè, lại thêm đâu cái nhọ nồi quệt dưới cằm, chấm cái nốt ruồi to như ụp cái bát lên nữa, còn cầm theo cái gậy gỗ trông khoắc khoải mà hài hước. Ấy mà ca lại duyên, ấy mà lại nghe ra được cái chất chèo tinh nghịch mà nhân vật hề thường mang lại. Trống và tiếng đàn lại vang lên nhanh hơn nữa rồi. Khánh cũng ca í a theo với nhân vật hề của anh Hà, rồi cả hai dùng những đạo cụ đơn sơ, theo nhau lên nơi đất Phật nương nhờ.
Nam không chớp mắt nhìn những đoạn diễn của nhà Sở Nhi, mấy âm thanh dây đàn rung, những tiếng kéo diết da, hay cả tiếng sáo mang theo cái lãng mạn trầm lắng, cậu nghe chẳng sót cái nào. Cậu ngâm nga, cậu ca cùng họ lí nhí, có đoạn còn múa theo rồi lại nhìn lên trển im im. Cậu ba nhà Thục Lạc cứ long lanh trông về từng thứ một trên sân khấu, như muốn khắc ghi tới cuối đời những điều diễn ra hôm nay. Khánh hôm nay thật khác, nhà Sở Nhi hôm nay thật tuyệt vời, từ những vai kép, vai đào, cả cái vai hề chèo chỉ xuất hiện ở đầu của anh Hà cũng làm cậu như muốn hòa mình làm một với vở chèo còn non nớt trên chiếc sân khấu con con của nhà Sở Nhi. Khánh là người khiến Nam ấn tượng nhất cả vở chèo. Dù không có mấy nhiêu là lời thoại, nhưng chỉ với một cái quạt, một chiếc áo sĩ tử màu quả trám và chiếc khăn đóng đen, Khánh lại có thể tao nhã, nhã nhặn tới mức Nam như lỡ tin ấy chính là Từ Thức khi xưa lên chốn đất tiên.
Vở chèo kéo dài những một canh, nhưng Nam chẳng thấy mệt tí nào cả, cậu còn muốn xem thêm nữa mới thỏa. Khi người người đã bắt đầu về sau buổi diễn, Nam lại lẻn đi vào sau tấm tranh lụa trên sân khấu. Anh lén đi gặp Khánh, anh muốn nhìn Khánh diễn lại cái điệu dáng đầy nhã nhặn kia của Từ Thức.
Khánh đang phía sau sân khấu rửa mặt, lớp phấn hơi dày khiến nó cay cả mắt. Trời tối om nữa, có tiếng dế mèn kêu làm cả khung gian rộng tới phát sợ.
- Khánh! Khánh ơi!
Khánh nghe tiếng gọi thoảng nó từ đằng sau, vậy mà khi nó gấp gáp ngoảnh đầu lại, nó chẳng thấy ai cả. Mà giọng người đó cứ "Khánh ơi! Khánh ơi Khánh! Anh ở chỗ này nè", trời còn tối, khiến nó muốn khóc la lên rồi chạy về. Tới khi cái tiếng loạt xoạt trong lùm cây chui ra, một cái bóng tím sim từ trỏng chạy vụt tới chỗ Khánh làm nó phát hoảng. Tới lúc hoàn hồn lại, nó mới hay là cậu ba nhà Thục Lạc, mà không sao kìm được cái hơi thở lo lắng gấp gáp ban nãy.
- Nãy Khánh diễn hay lắm đó!
Khánh nó chưa thở xong, nó chỉ chăm chăm nhìn cậu Nam lúc này đang áp sát nó, nắm lấy cái thụng áo. Mắt Nam long lanh nhìn nó, như không muốn rời đi vậy. Nam có nói thêm mấy câu nữa, nhưng Khánh không có nghe nổi cái gì cả. Đôi mắt của nó không thể rời khỏi cách Nam đang nhìn nó lúc này. Dẫu rằng có nghe thấy Nam nói, nghe được Nam hỏi, rằng có thể diễn lại cái nét tao nhã và hát lại khúc chèo Từ Thức ban nãy không, Khánh cũng không trả lời nổi.
Lần đầu tiên trong đời, nó thấy chính nó còn kỳ lạ hơn cả Nam, lạ hơn cả chính nó khi đó.
...
- Tui không có. Nói nè, có mấy ai như anh khi dỗ người ta đâu. Anh dỗ, mà toàn dỗ tui khóc to hơn. Tự nhiên khi không nói người ta khóc nhiều, mặt sẽ sưng như trái bí!
Nam tự nhiên ồ lên một tiếng, rồi xoa đầu Khánh. Kỳ là nó không phụng phịu dỗi hay là hất tay anh ra. Anh có cười hỏi lại nó:
- Vậy Khánh có thích chơi với anh không?
Khánh nó đờ mình, nó không hiểu nổi con người này cái tí ti gì hết cả. Là do người này quá vô tư và không thật sự nghĩ gì nhiều, hay là chính cái tên này cũng như mình, không muốn bị người ta ghét. Nhưng khi thấy đôi mắt Nam long lanh nhìn nó, nó như chẳng nghĩ nổi gì nữa. Mắt của Khánh ám chặt lên anh, mà chắc nịch kết luận: Nó có muốn ghét Nam đi chăng, nó làm cũng không có nổi.
- Nhưng em không thích anh làm em khóc!
Nam ấy mà lại cười thật tươi, ôm lấy vai của Khánh đưa qua đưa lại:
- Anh thích chơi với Khánh lắm đó!
---
Rồi một ngày hạ tàn, Nam chợt nhận ra Khánh cũng thích ngồi dưới gốc liễu rũ như Nam. Khi có những ngày Nam chưa kịp lôi cây đàn nguyệt ra dưới gốc, đã thấy Khánh mặc áo tấc đỏ đứng dưới gốc liễu đợi anh rồi. Nam có vui không? Vui chứ, cứ thấy Khánh là anh không thể thôi tít mắt cười. Cứ vậy cầm cây đàn nguyệt, lao khỏi nhà, rồi chạy đến gốc liễu rũ, nhảy lên người Khánh ôm vai bá cổ, chân treo trên eo của Khánh. Hồi đầu Khánh còn hoảng, về sau quen dần, nó cũng thuận người bế anh. Tới mức sau này, chỉ cần thấy anh chạy lại, nó đã dang sẵn tay đỡ anh rồi.
Dẫu rằng câu chuyện của Nam với Khánh dường như chỉ dừng lại ở những khúc ca thử, bằng giai điệu của cây đàn nguyệt vẳng văng, và bóng của gốc liễu rũ đã già mà còn xanh mươn mướt, Nam vẫn chẳng thấy chán cho nổi. Chợt anh cũng nhận ra, cảm giác có Khánh dưới cây liễu nó cũng vui, nó cũng bồi hồi, anh cũng mong chờ lắm.
Dạo gần đây, Khánh cũng lên mười tám, anh cũng gần tròn đôi mươi, vứa vừa là độ tuổi đi đây đi đó của người trong làng. Nam cũng cao hơn mấy phần, cây đàn nguyệt hồi bé bự gần bằng cả người anh, nay vẫn to, nhưng chỉ to hơn nửa người của Nam. Khánh còn cao hơn nữa. Khánh nó đã cao hơn Nam rất nhiều, nhưng vẫn chưa quá nửa cái đầu. Khánh càng lớn càng đẹp hẳn ra, có cái chất hào hoa, nhã nhặn như Từ Thức trong vở chèo khi xưa Nam xem Khánh đóng. Dẫu vậy, người ta vẫn thấy ít khi Nam rời khỏi nhà Thục Lạc, hay ru rú dưới bóng cây liễu cạnh bờ sông làng. Còn Khánh thì khác, Sở Nhi là nhà về kịch, nên buộc phải đi nhiều, Khánh cũng nào là ngoại lệ. Có hôm, Khánh đi, mà tới những tháng sau nó về, có khi nó đi vào dịp Trung Thu, song ngày Tết Thường Tân mới thấy dáng nó ở làng. Từ khi Khánh qua ngưỡng tuổi, Khánh cũng ít lui lại gần cây liễu cạnh bờ sông hơn rất nhiều, thành thử nhiều khi người nhà Thục Lạc lướt qua bóng cây, chỉ thấy có Nam là đang vê dây đánh tiếng cho những nhạc cụ khác nhau.
Nếu hỏi Nam, Khánh đi lâu như vậy, dưới gốc liễu có một mình, Nam có buồn không? Có chứ, Nam không buồn sao cho nổi. Nam thích chơi với Khánh lắm, thích tới mức chẳng biết từ bao giờ, cứ mỗi ngày, dưới gốc liễu xanh ươm, Nam lại đợi thằng Khánh nhà Sở Nhi đi tới, với cái áo tấc đỏ, và chiếc khăn vấn đen trên đầu, hồi đầu thì rón rén, về sau lại hùa theo anh chơi cái này cái nọ, hay đôi mắt xoe tròn nhìn anh chơi đàn nguyệt dưới tán cây. Khánh tựa như một thính giả cho những buổi độc tấu đầy lỗi chơi nhạc, và những tiếng đàn đầy lỗi ấy lại như chỉ dành cho Khánh vậy.
Rồi bỗng Nam cũng chợt nhận ra, mình cũng không còn hóng những ngày được chơi đàn cho Khánh nghe nữa.
Hôm nay, nhà Sở Nhi về đầy ồn ào. Nghe tin Khánh về, Nam ôm cây đàn nguyệt hí hửng đi đến nhà Sở Nhi.
Ấy mà, Nam lại hay tin dữ. Khi thấy cả nhà Sở Nhi xúm lại, anh Đạt thì hô to, kêu người bưng chậu nước, người thì lấy cái khăn, kêu cả thầy thuốc, kêu cả chú Long nhà Đại Ngư tới, Nam biết là nhà bển có chuyện. Nam lo lắng lẻn vào trong, nhà Sở Nhi có thấy anh, nhưng không có cản lại, còn kêu Nam vô thăm người. Nam để cây đàn gọn lại, rồi rướn mắt lên nhìn.
"Thằng Khánh nó mắc thương hàn trên đường đi về, có gì em phụ mấy anh một tay, chứ anh lo lắm.".
Nam thấy Khánh nằm vật vã trên phản tre, nó thở mạnh lắm, như là lá lách của nó bị ai đó ép cho không ra hơi nổi. Người nó nổi mấy cái đốm đỏ chót, nhìn như trong thịt của nó chảy cả máu bên trong, mà lại bị lớp da bên ngoài ngăn lại. Khánh nó trông có vẻ ngứa, nhưng tay chân nó ắt vì bệnh, nên rã rời, chẳng làm nổi cái gì cả, và nó ho liên tục, thế là nó u u khóc, liên tục kêu đau.
- Anh Long tới chưa!
- Thằng Đan đang đi gọi, vẫn chưa thấy về.
- Lấy khăn lau người cho Khánh đi! Thay nước liên tục!
Mọi người xung quanh tá hỏa lên, thằng Khánh như thập tử nhất sinh vậy. Nam cũng vậy, cậu vội chạy ra sau giúp các anh bưng một chậu nước, rồi lao xuống dưới bếp lấy cái khăn. Xong chuyện, cậu lao lại xuống bếp, trông thấy anh Thiên đang nấu nước sắc thuốc, Nam cũng hỏi anh có cần phụ gì không. Thấy anh Hà đi thay chậu nước, Nam cũng hỏi. Gặp ai nhà Sở Nhi, Nam cũng hỏi có cần phụ gì. Nam lo cho Khánh lắm. Tới khi chú Long đến, còn dắt theo thầy lang bắt mạch cho Khánh, rồi kê đơn, anh Luật mới bảo Nam ở lại giường, trông thằng Khánh, kẻo có bất trắc gì, thì cõng nó gấp tới chỗ thầy lang.
Nam ngồi cạnh Khánh trên chiếc phản tre, chốc chốc lại kiểm tra miếng khăn ướt trên trán. Thấy nó đã không còn mát nữa, cậu ba nhà Thục Lạc lại luống cuống đem đi thay. Người của Khánh nhễ nhại, nhưng nó không còn khóc nữa, song vẫn còn sốt cao. Nhà Sở Nhi vẫn chưa về, Nam càng lúc càng sốt ruột hơn, nhìn những vết phát ban vẫn còn lốm đốm đỏ, Nam chợt còn lo lắng hơn cả nhà Sở Nhi nữa.
- Nam... Anh Nam...
Nam ngoảnh đầu vội vã, thấy Khánh mở mắt lờ mờ, và nó mê man nhìn qua đây. Cậu ba nhà Thục Lạc chẳng rõ, có phải nó thấy anh hay không, nên mới mơ mớ gọi cậu như vậy.
- Khánh tỉnh rồi hả? Còn đau ở đâu không.
Nam áp mình gần lại Khánh hỏi han, và thấy hơi thở của nó còn nặng, nên lập tức kiểm tra nhiệt độ của cái khăn chườm trán. Không còn mát nữa, Nam toan lấy thêm một chậu nước để giặt khăn thì lại bị Khánh giữ lại. Nó mê man, nhưng mắt nó không rời khỏi anh, tay nó cầm tà áo của anh không chắc, dường như chỉ đủ để Nam biết nó đang níu Nam lại.
Thấy Khánh không muốn cho mình đi nữa, Nam chốc lát chẳng biết làm gì. Anh lo cho Khánh lắm, nhưng Khánh là lại níu anh lại.
- Em sốt á, để anh đi thay khăn cho em, nhé?
- Anh...ở lại với em đi.
Khánh nó bỏ cái tà áo tấc của Nam, rồi chẳng hiểu lực đâu nó lại nắm lấy tay anh hờ hờ, rằng như cả sức lực của cơn tỉnh mê này chỉ để níu anh lại. Nam không hiểu nổi, nhưng Khánh nó làm vậy, bỗng lòng anh cũng chẳng nỡ rời đi. Nhưng anh lo cho Khánh, anh sợ nó sốt lại, anh sợ nó trở bệnh nặng hơn nữa, rồi nó ra sao thì anh sẽ hận mình cả đời. Nam dỗ dành Khánh, nói anh đi một tí, rồi quay lại liền, anh không có đi đâu đâu, anh thay khăn cho em mà. Anh nói xong, bỗng Khánh nó khóc. Không phải khóc theo kiểu vì đau như lúc nãy, càng không phải khóc nức nở như khi anh thấy nó ở góc sân đình, chỉ là nước mắt nó chậm rãi chảy từ khoé mắt nó, và vai nó run nhẹ, cùng đầu mũi đỏ dần.
Nam chợt hiểu, Khánh đang sợ, là đang sợ mà thôi. Rồi Nam cũng nhớ ra, Khánh dễ khóc tới mức nào, Khánh cảm xúc ra làm sao.
Nam nắm lấy tay Khánh chắc hơn, khiến nó chuyển mắt từ bàn tay của mình sang gương mặt của cậu ba nhà Thục Lạc. Nam vuốt ve, mân mê nó, từ từ đặt thân trở lại cái phản tre, ngồi sát bên nó. Rồi anh vuốt má nó, lau hai hàng nước chảy từ khoé mắt ra, rồi vuốt tiếp vai của Khánh tỉ tê:
- Khánh ngoan, Khánh không khóc nhé, anh ở đây với em.
Khánh lúc này mới chịu lỏng tay của nó ra thêm một xíu, nhưng vẫn giữ lấy tay của cậu ba nhà Thục Lạc chẳng buông. Mặt nó trông đã hồng hào hơn tí nãy, ắt bệnh cũng thuyên giảm rồi, Nam nghĩ thế, hơi thở nó cũng đều hơn và nhẹ hơn nãy rồi. Rồi Khánh lim dim ngủ, mà vẫn chẳng bỏ tay Nam ra. Nó nắm tay anh, chỉ để nó biết anh còn ở đây với nó, ở cạnh nó tới khi những người anh nhà Sở Nhi từ thầy lang trở về, với cát cánh, tang diệp, bạc hà và hương phụ sắc ra cho nó uống. Ít nhất chỉ vậy thôi.
Nam chợt thấy tay Khánh siết nhẹ lấy anh, như níu lấy, như vịn lại, mà mủi lòng. Cậu nhẹ xoay người, hai tay chạm vào những cái ngón cong cong đang giữ lấy mình yếu ớt. Nam vuốt ve nó, như cách Nam vẫn thường làm. Nam mân mê chúng, như những gì Nam vẫn làm dưới gốc liễu xanh mơn. Chỉ là Nam thấy lạ. thấy lạ thôi. Bỗng dưng hôm nay Nam lại mê mẩn những ngón tay của Khánh. Bỗng dưng hôm nay, anh lại chỉ muốn nhìn sắc mặt của Khánh thêm hồng hào hơn như những lúc ảnh tỏn tẻn chạy qua bên nhà. Bỗng dưng, chỉ là bỗng dưng thôi, mắt anh chẳng tài nào rời khỏi Khánh cho nổi, vừa có phần lo lắng, lại vừa có phần muốn ngắm nhìn. Bỗng dưng, Nam lại nhớ Khánh, nhớ Khánh tới phát lạ.
Rồi Nam chợt nhận ra, từ một khắc nào đó, dưới gốc liễu rũ, Nam chỉ muốn Khánh tới mà thôi.
---
Chuyện Khánh thương Nam, bí mật đến mấy, nhà Sở Nhi ai cũng biết hết rồi. Nhưng anh Đan, người thân với cả hai đứa nhất, lại là người biết đầu tiên.
"Có gì đâu mà giấu diếm", anh Đan nói với Khánh. Sau buổi diễn đầu tiên của Khánh tại nhà Sở Nhi, Khánh nó diếm sự lạ lùng của mình tới đâu cũng có qua khỏi mắt của người theo nó từ con bé bé. Ai là người dắt Khánh ra khúc sông nghe nhã nhạc của cậu ba nhà đó? Xin thưa là anh Đan. Ai là người giới thiệu nó với thằng Nam? Xin thưa, đó là anh Đan. Ngoài cậu ba Nam nhà bển, anh Đan với Khánh như hình với bóng. Anh theo nó từ hồi nó mới về nhà Sở Nhi tới giờ, nên với anh, nó như một đứa em ruột thịt vậy. Tính thằng Khánh, ngoài Nam, anh Đan cũng chính là người rõ nhất. Thử hỏi xem, nếu một ngày trời xanh mơn mởn, anh trông thấy thằng Khánh cứ ngồi trước cái bàn đá thô được mài nhẵn đơn sơ, mặc áo tấc đỏ, vấn khăn gọn gàng, tay nghịch cái quạt đỏ, mắt lâu lâu lại trông ra cái cổng nhà như chờ ai đó, điều mà chỉ có ở Khánh của trước đây khi nó chờ anh Đan đi diễn từ những chốn xa xăm trở về thì nay anh Đan ở nhà, ai là người nó chờ nó trông tới thế. Rồi từ đâu một cái bóng tím hoa sim lon ton chạy lại, đằng sau là một cây đàn nguyệt bự hơn cả nửa người hí ha hí hửng tới, chào anh bằng cái giọng Quảng đặc nghe mà thấy duyên, cười thật tươi gọi với thằng Khánh nhà anh ra. Mà thằng Khánh cũng lao ra, rồi ngoan ngoãn nắm lấy tay cái người đó mà đi đẩu đi đâu anh nào có biết.
Một lần như vậy thì đâu có nói gì, cả mấy lần như vậy thì ắt có mờ mờ ám ám ở đây. Hồi đầu, anh Đan chỉ nghĩ Khánh nó quý Nam, mến cậu ba nhà Thục Lạc thôi. Nhưng rồi anh chợt nghĩ lại, có ai mà mến, mà quý, mà lại chờ từ lúc ván cờ của anh Thiện với ông Hiệp nhà Mật Khương đã xong ba ván rồi mà vẫn ngồi chờ, chờ tới giờ Ngọ lại vào ăn cơm, rồi khi nắng trời hết gắt lại ra chờ tiếp. Cái cảnh Khánh chờ cái bóng tím hoa sim đó lon ton đi tới, mỗi lần là một loại nhạc cụ khác nhau nó dần trở thành cái cảnh thường thấy ở nhà Sở Nhi. Về sau, có khi người ta không thấy nó chờ nữa, mà không thấy nó trong nhà, cũng chẳng biết nó đi đâu cả, đi tới tận chiều mới về, có khi là lúc trăng đã lên rồi mới thấy dáng nó ở nhà. Duy chỉ có anh Đan là hay, từ lúc gà vừa gáy, nó đã dậy, vận cái áo tấc đỏ, vấn cái khăn đen chạy về bờ sông làng rồi.
Bỗng một hôm anh Đan đánh liều, anh đi theo nó, đời đưa đẩy anh vào cái thế tò mò mà theo nó tới khúc sông chảy lạ ở làng. Nó dừng lại ở cái gốc liễu gần nhà Thục Lạc, rồi ngay ngắn ngồi ở đó, chẳng làm gì nhiều, chốc chốc lại đưa mắt về nhà Thục Lạc gần đấy, nóng quá thì lấy quạt ra vẫy mấy cái. Rồi bỗng cậu ba Nam cũng từ đó mà chạy, hôm đó nó ôm theo cây tỳ bà của cậu hai Sơn nhà đó. Trông thấy thằng Khánh nhà anh, mắt cậu sáng long lanh lên, rồi cà cái guốc gỗ loạt xoạt ra gốc liễu cạnh bờ sông. Khánh với Nam chẳng là gì nhiều, chỉ là một đứa ngồi nhạc, một đứa có khi lại diễn kịch, hát chèo, thử hát xoan, thử cả cải lương nữa, mệt quá thì lại ngồi xuống nghỉ ngơi, nói chuyện này chuyện nọ, hoặc ăn những thứ quà vặt mà cả hai mang theo, có khi là hoa hồi, vỏ quế, táo đỏ, hạt rang, hoặc là đánh liều lấy cả gạo trong nhà ra nhai nữa.
Với anh, chuyện này bình thường, nhưng cách thằng Khánh nhìn thằng Nam thì lại rõ bất thường. Mà thật, có người bình thường nào nhìn bạn mình chơi nhạc, hay nhìn bạn mình cười, mà có cái ánh mắt đắm đằm như vậy, như thể cả trường nhìn chỉ có mình người ấy như Khánh. Có ai lại nắm lấy tay người đó, rồi lại mân mê. Có mấy ai lại dựa người vào, rồi để yên cho người ấy ôm lại. Ánh mắt Khánh khi nhìn vào Nam khác với ánh mắt nó nhìn anh Đan, cũng như những người trong nhà, nó long lanh khó tả, nhưng không phải là ánh mắt háo hức, mà là muốn đắm chìm vào trong.
Rồi anh Đan biết nó lạ, nhưng không biết phải diễn tả từ lạ đó như thế nào. Mãi tới khi anh lên lời cho những khúc nhạc mới cho gã ca công Quốc Thiên, anh mới nhớ ra từ đó nên diễn tả ra sao.
Là yêu, là thích, là thương, là muốn ở cạnh.
Chuyện đã tới mắt anh Đan, rồi vô tình chui vào tai anh Luật, rồi tới tai gã Thiên, rồi tới tai mọi người trong nhà. Tất nhiên, chỉ nghi vấn mà thôi, rồi ngoảnh ngược lại anh Đan một cái nhiệm vụ oăm oăm oái oái, là đi tra hỏi thằng Khánh nhà mình xem có thật thế không.
Ấy mà, thằng Khánh hồi đầu còn ậm ậm ờ ờ, rồi lúc sau nó lại thừa nhận thật, khiến anh Đan cũng ngớ mắt ra nhìn nó.
- Chuyện... em thích anh Nam, em thương anh Nam, nó là thiệt. Cả nhà không buồn em chứ?
Anh Đan xoa đầu nó:
- Em nói vậy là nghĩ xấu bọn anh đó. - Rồi anh ký đầu nó một cái - Nhà mình thương nhau, trừ phi là chuyện chẳng lành, thì mới cấm nhau làm này làm nọ. Cái vụ em thương ai, bọn anh nào cấm cho nổi.
Đoạn, nó nói tiếp:
- Em... chỉ sợ, anh Nam ảnh không...
Đột nhiên, Khánh nó muốn khóc.
Anh Đan vuốt lưng nó:
- Nam nó không có thương em, thì có mấy anh thương em, có người khác thương em. Em đẹp như này, Sơn nhà anh Long còn ghen tỵ, em nói sao ấy.
Nó biết anh Đan đùa, nhưng nó không vui nổi:
- Có mấy anh thương em, em cũng vui lắm, nhưng mà cái thương của em dành cho anh Nam, với cái thương em muốn anh Nam dành ngược lại, nó khác cái thương mấy anh.
Đan nghe nó nói, Đan hiểu chứ, có khờ, mà khờ tới mức như thằng Nam mới không hiểu. Cái thương của thằng Khánh là cái thương của con tằm bối rối vì tơ, của cây đa lá rụng đầu đình. Cái thương của Khánh là vậy, là cái thương đôi lứa, là cái thương như cách cha mẹ từng thương nhau, là cái thương mà anh Đan thường viết đặng nên câu ca, chuyện tình. Mà đâu thể nói, Khánh nó thương như vậy, là Nam cũng thương nó như vậy.
Làng Gai thì vẫn cứ thế thôi, chuyện thằng Khánh thương Nam, cũng chỉ cứ thế thôi, rồi mây cứ trôi, trời lúc xanh lúc xám, nhưng nó đâu thể vì chuyện bị người nhà hay nó thương người ta mà để người ta buồn được. Chuyện nó thương Nam, Nam có thể không biết, chứ nó biết, nó buồn, nó khóc là được rồi. Thế là đều đặn, Khánh nó vẫn ra gốc liễu rũ, nó ngồi nó nghe anh đàn, có khi nó lại hát, như mọi khi thôi, nó vờ như giữa nó với Nam, chẳng có gì cả. Có gì đâu, Khánh nó nghĩ, Nam không có thích mình, thì ở cạnh Nam thôi, nắm tay, ôm ấp, hoặc khi nó khóc, anh Nam sẽ dỗ nó, vậy là được rồi.
- Anh sắp được đi Huế rồi.
Khánh nó quay qua nhìn anh, rồi nói lên một tiếng cảm thán. Nó mừng cho anh, mừng thiệt, mãi anh mới được ra khỏi làng. Lúc nó đang tính chúc anh một tiếng, anh lại nói:
- Chỉ là lần này anh đi, sẽ lâu hơn Khánh đi. - Ánh mắt Nam trông về xa xăm - Mãi mới có dịp anh được ra khỏi làng, anh có ngỏ ý với anh Thạch, rằng anh không chỉ muốn tới Huế, anh muốn đi thêm nhiều nơi. Anh đã ở làng những một ba cuộc đời, anh nghĩ có ở đây mãi, anh cũng chẳng hay thêm được gì về nhạc nhã cả. Anh chưa biết hát xoan thật chất nó như thế nào, hát bội cũng vậy, cả quan họ, cả cách chơi cây sáo mèo mà anh Duy có nói với anh khi anh ấy đi lên vùng Tây Bắc. Anh có nói với anh Thạch, là anh muốn đi, anh muốn nghe người Bắc Ninh hát quan họ, muốn nghe người Nghệ An hò, anh cũng muốn xuống nương Nam nghe thử cải lương.
Rồi Nam chợt im lặng, anh quay lại nhìn Khánh han hỏi:
- Anh đi lâu vậy, Khánh ở làng sẽ buồn chứ?
Khánh không nói gì, chỉ là nó không biết mình nên nói gì cả. Tự nhiên, cả năm trời, cả cuộc đời, một chốc nó trách mình ích kỷ. Nó ích kỷ, ừ, nó ích kỷ, vì khi Nam bảo Nam đi lâu, nó có buồn không, nó tức khắc muốn trả lời là buồn. Nó nghĩ, nếu như mình bảo là buồn, anh Nam của nó sẽ chẳng đi đâu cả, sẽ ở làng với nó, có đi thì anh đi ba bốn tuần trăng thôi, rồi anh sẽ về, như mỗi lần nó đi lưu diễn ở nơi đất khách quê người. Rồi nó chợt nhớ ra, Nam cũng như nó, cũng muốn đi đó đi đây, anh thích những cái anh chưa từng thấy, như cái cách nó nhìn lên khoang thuyền khi anh diễn lên khúc nhã nhạc. Nếu cậu ba nhà Thục Lạc không như vậy, thì lý nào mỗi ngày cậu lại chơi một loại nhạc cụ khác, rồi cứ xoay vòng, hôm nào người trong nhà Thục Lạc mang về đồ mới, cậu lại chơi tiếp tới khi biết, khi hay, đời nào cậu vừa gặp anh Đan đã lập tức nhảy vào lòng anh, đòi anh dạy viết thơ.
Chợt nó nhận ra, không có cậu, cuộc sống ở làng cũng không quen lắm, vì nó đã quen có cậu suốt những ngần ấy năm rồi. Nghĩ tới đó, Khánh thoáng muốn khóc, vì nó biết cậu đời nào có ngồi một chỗ dưới gốc liễu xanh um, chờ nó dưới đó mãi, hay nếu có đi thì cũng đứng trước cổng gọi với nó, chào các anh mãi, đời nào mỗi dịp cúng tổ, Trung Thu, Tết Nguyên Đán, Nguyên Tiêu, cậu cũng dắt nó đi mãi được. Đáng ra nó phải chúc mừng cậu, nó phải mừng cho anh vì được đi đến nơi đất khách, biết những cái mình chưa từng hay, vậy mà giờ nó lại ích kỷ muốn giữ anh lại.
Khánh lén nhìn Nam, anh vẫn đợi nó trả lời. Nhưng thật sự nó không biết trả lời gì cả, cổ họng nó nghẹn ứ, và trong lòng nó chốc nghẹn lại. Rồi nó thấy tay mình âm ấm, không cần nhìn, cũng biết anh đang nắm lấy tay nó trấn an.
- Em không có buồn, sau ngần ấy năm, anh mới được đi ra ngoải, em vui gần chớt!
Càng nói, Khánh càng muốn khóc. Nó muốn khóc thật, nó muốn khóc thật to, rồi bảo với anh Nam của nó, là nó không muốn ảnh đi đâu cả. Lần này nó quyết định kiềm nước mắt lại, nhưng Nam lại ôm lấy hai má của nó, như cách anh thường dỗ nó khi nó khóc oà. Anh vuốt má nó nhẹ nhàng, lần này lạ thay, Khánh lại dụi má mình vào tay của Nam. Anh dịu dàng nhìn nó, một cái nhìn chân thành tới mức nó ngỡ đã quen nhưng lại khiếp tim nó hẫng mất một nhịp.
- Em không có khóc mà...
Nam không nói gì với nó cả.
- Anh hổng có lo, em không buồn đâu, em hứa với anh là sẽ không khóc, hứa danh dự luôn!
Nam xoa đầu Khánh:
- Khánh vậy là ngoan, lớn rồi, mình buồn thiệt buồn mới khóc nhé!
Thoáng chốc, cũng là ngày Nam theo anh Minh nhà Thục Lạc lên đường lên đất Huế. Nam đi chỉ có một cái tay nải lớn, và anh ôm theo cây đàn nguyệt đi theo. Vẫn cái áo tím hoa sim, vẫn cái khăn vấn, chỉ là lần này, cũng là lần đầu tiên, nó thấy anh ở cổng làng. Cũng là lần đầu tiên, anh không nói với nó là "mai gặp nha Khánh":
- Anh đi nha! Khánh ở làng không có nhõng nhẽo nhé!
- Em lớn rồi! Anh coi anh đi, đôi mươi mà như con nít!
Nam phì cười, rồi vẫy tay chào các anh, cũng như chào Khánh.
Đời nào Nam có biết, cái lời hứa ở sân đình khi đó, nó đã quên bao giờ.
---
Ngót nghét cũng mười năm rồi từ khi buổi hát chèo của nhà Sở Nhi diễn tại làng.
Khánh nó cũng tới tuổi lập thân rồi, nó lại đẹp mã, cười nói lại duyên, nên cũng hay được hỏi là đã có ý chung nhân chưa.
Hồi đầu, Khánh còn bảo chưa, vẫn còn muốn học hỏi thêm từ các anh chuyện kịch kiếc, sau lại nói muốn học thêm ca. Rồi càng ngày ngày được hỏi nhiều, Khánh đổi từ "còn muốn" thành "đã có":
- Dạ, cháu có người trong lòng rồi.
Người không hay thì rầu, người nào hay thì chỉ biết chúc thôi. Anh Luật là người ở sát nghe nó nói câu đó. Lúc người ta đi về, anh lấy cây quạt khẽ gõ đầu nó:
- Em đó, cả cái làng này sắp biết hết rồi đó!
- Hì hì, có gì đâu anh, người ta biết thì người ta ít tới đây hỏi cưới em hơn.
- Chả biết em cưới được người ta hay không, bày đặt.
- Ê, giỡn kỳ!
Tháng đầu thì nửa làng, thêm một tuần nữa, thì hết nguyên cái làng biết Khánh đã có người nó thương. Anh Đan thở dài, ngao ngán lắc đầu, rồi nhấp chén trà uống.
- Khánh nó liều thiệt. Em còn tưởng mấy cô mới là người loan tin. Ai dè, miệng Khánh mới to nhất, anh Đạt ạ.
Anh Đạt ngồi cũng ngao ngán lắc đầu.
Anh Đan nhấp một ngụm trà đặc, rồi nhìn mãi thằng Khánh đang ngồi trò chuyện với gã ca công Quốc Thiên về buổi diễn tháng tới của gã. Cũng đã bảy năm từ lúc thằng Nam nó đi, Khánh nó cũng lớn rồi, giờ nó là người cao nhất cái nhà Sở Nhi, tướng tá cũng trưởng thành, mà chẳng hiểu sao cái nết trẻ con của nó chỉ có trẻ con hơn khiến anh Đan cũng ái ngại. Điểm thay đổi nổi bật nhất là từ khi Nam đi, Khánh không còn khóc nữa. Ừ, chỉ là không khóc nữa thôi, còn lại bao nhiêu thứ vẫn giống như thằng Khánh của thuở còn bé. Hỏi lý do vì sao, thì Khánh nó lại không nói, chỉ nói em lớn rồi, khóc thì có làm được gì đâu.
Nhưng mà Đan có hay đấy, ắt vì một lời hứa nào đó với cậu ba nhà Thục Lạc, Khánh mới không chịu khóc. Người nó thương trong lòng suốt ngần ấy năm, có ai ngoài ông Nam nhà đó. Nó vẫn giữ cái thoái quen lâu lâu lại đi ra cái gốc liễu rũ gần sông, rồi đó bứt hoa kèn hồng, nghịch ngợm cây quạt đỏ. Hỏi tới thì nó nói đang đợi người, mà đợi ai nó không thèm nói, chỉ có anh Đan hay người nào hay, thì mới biết nó đợi ai. Nó đợi, đợi suốt bảy năm không thừa không thiếu, đôi mắt nó trông về cái cổng làng là cái cảnh thường thấy của Khánh ở làng rồi, Đan không có gì muốn nói cả. Khánh nó đã quyết, thì anh cản nó làm gì.
- Em đợi Nam lâu như vậy, có thấy mệt không?
Khánh nó cũng ủ rũ trả lời, tay lặt cọng rau muốn:
- Mệt sao mà nổi, anh thương chị Châu như nào, thì cách em thương anh Nam cũng như vậy mà. Huống hồ, em còn chưa trả đồ cho ảnh, ảnh mà không về lấy là em diếm luôn.
Anh Đan dí đầu nó một cái an ủi.
- Dạo này em lớn rồi.
- Ừ, em lớn rồi, hì hì.
Tất nhiên Khánh biết anh Đan lo cho nó, nên nó mới phải chấn chỉnh lại chính mình. Rồi nó cũng tự nhủ, anh Nam cũng về, chỉ là không biết khi nào ảnh về mà thôi. Nam có việc riêng của anh, mình đâu thể làm phiền anh mãi. Thế là nó chấp nhận không biên thư, không lẽo đẽo theo sau mấy anh hỏi về tình hình của cậu ba nhà Thục Lạc, cũng không chạy theo mấy anh của Nam để kêu mấy anh nói. Nó cũng lựa chọn không khóc nữa, vì sâu trong nó nghĩ, chỉ cần nó vô tình rơi nước mắt, anh Nam sẽ chạy về tức thì dỗ nó. Nó không muốn, anh có ước mơ của anh, nó có câu chuyện của nó, chỉ là vô tình giao vào nhau thôi, sao nó phiền anh mãi được.
Nói thì nói thế thôi, chứ Khánh biết nó đời nào buông Nam cho được. Khi dây tơ hồng nối anh và nó tới một cái cây liễu xanh rũ, bên một khúc sông, cạnh một khúc nhã nhạc, hay âm thanh của khúc nguyệt cầm mơn mởn, nó đã biết anh là gì với mình rồi. Say sưa nghe khúc nhạc anh đàn, mỉm cười tấu anh một chương kịch ngắn, với nó, từng thứ đã khắc sâu, hình thành nên một xúc cảm mà ắt vĩnh viễn cả đời nó buông không nổi.
Rồi ngót nghét một chiều ngày hạ tàn, nó lại vận cái áo tấc đỏ, đi ra khúc sông lạ cắt ngang làng, ngồi dưới gốc liễu rũ xanh. Nó tự hỏi mình, chẳng biết cái cây liễu này ăn cái gì, mà nó xanh mãi, từ bé tới giờ cũng đã những mười sáu năm mà nó vẫn xanh. Nó nghĩ vậy thôi, rồi lại lơ đễnh nhìn ra cái hướng sông chảy.
- Khánh, lại ngồi đó hả!
Tiếng con Hạnh, hay là anh Bảo nhà Thục Lạc vẳng gọi.
- Trời đất ơi Khánh, mày đợi lằm đợi lốn, đợi hoài ở nhà tao vậy.
- Khì, thì người ta hẹn, em đợi thôi.
- Mày á, riết cây liễu nhà tao sắp thành của mày luôn rồi đó.
- Liễu của làng, có phải của anh đâu.
Nó xéo xắc đối đáp lại, khiến con Hạnh tức thì muốn vả nó đôm đốp mấy cái. Cũng lâu rồi nó chưa có gặp lại anh Bảo, mà cái tính anh vẫn xéo xắc như thường lệ. Mà anh trông cũng có vẻ quý nó, nên nó chưa bao giờ coi mấy chuyện như đánh nó đôm đốp, hay cà khịa nó là do ghét nó bao giờ. Anh Bảo nói anh đi vô nhà, sắp tới ông Thạch đi thêm chuyến nữa, nên là phải giúp ông út Phúc sửa soạn mọi thứ. Rồi anh chạy tót vô nhà, khiến nó ú a ú ớ không biết nói thêm cái gì cả. Hôm nay nó ra buổi chiều, nên với mấy anh nhà Thục Lạc thì hẳn là không quen, thường nó chỉ ở dưới gốc liễu mỗi buổi sáng, do đó thấy nó ở đây buổi chiều, mấy anh tưởng nó đợi từ sáng tới tận chiều lận.
Khánh cũng hay, nhưng tự nhiên hôm nay nó nghĩ, mình đợi tới tối, ắt cũng không có quá tệ. Kịch thì cũng tập xong rồi, chỉ có muốn thì nhờ cách anh giúp nó duyệt thêm lần nữa thôi. Nên nó mới chịu ngồi đây tới khi trời đã tàn lên cái áng đỏ đỏ, rồi trăng lên lờ lờ dưới cái xanh đen của trời gần khuya. Nay trăng không khuyết, nhưng cũng chưa có tròn tròn. Chỉ là ở lâu, nó thấy hơi mệt nên lả người nằm dựa lên gốc liễu mà đánh một giấc.
- Ủa Khánh?
Nó nghe thấy giọng ai đó, nó không biết là ai. Nghe có quen có lạ của cái giọng người Quảng Nam. Bỗng nó thấy hơi thở ai đó sát lại mình, rồi có cái tiếng loạt xoạt của cỏ dại lướt qua. Nó biết có ai ở đó, vì nó thấy cái bóng đen lờ mờ sau mí mắt của mình. Khánh chậm rãi mở mắt, đập vào nó là cái dáng mặt bầu bĩnh, cặp mắt xoe tròn nhìn chằm chằm nó. Nhìn giống anh Nam của nó quá. Nó thấy mình khờ, khờ thật, thoáng nó nghĩ nó nhớ anh, nhớ tới phát khờ. Rồi cái áo tím sim, cái khăn vấn đen, cái giọng ngơ ngớ của anh lại gọi nó. Tự nhiên suy nghĩ nó lung lay.
- Anh Nam...
- Anh nè, sao Khánh ở đây dợ?
Nó lấy cái thụng áo đỏ dụi nhẹ mắt, tay nó vịn lên cỏ đến dậy người. Nó mở nhẹ mắt, vẫn cái má bầu bĩnh, khuôn mặt xoe tròn, và đôi mắt long lanh, cái áo tim hoa sim với khăn vấn đen tuyền vẫn ở trước mắt nó. Nó ngơ ngác nhìn anh dưới cái gốc liễu màu xanh tơ:
- Anh Nam?
- Ừ, anh nè. Sao Khánh ở đây dợ?
Khánh ngỡ ngàng, và phút chốc nó không biết mình cần làm cái gì hết. Tự nhiên nó muốn chạm vào anh, để xác nhận xem đây có thật là anh Nam của nó. Nhưng nó không dám, nó lo nếu là anh thật, thì nó không biết phải nói gì kế tiếp với anh cả. Nó nhìn nhìn, khiến Nam cũng nhìn nhìn. Vẫn cái đôi mắt tròn xoe, cái mặt bầu bĩnh...
Đúng rồi, đúng là anh Nam rồi.
- Anh về khi nào thế! Sao không báo em!
- Anh về hồi chiều, tính chạy ra chào các anh tiếng rồi về lại, mà thằng Khoa nó kéo vô ăn cơm, nên trễ rồi. Nay anh tính ra chơi tỳ bà thì lại thấy em.
Bỗng Khánh nó muốn khóc, và nó khóc thật. Nó vồ ôm anh thật chặt, khiến anh ngã lên thảm cỏ. Nhưng nó không thèm buông, nó cứ ở đó, vai nó run lên bần bật. Nam hoảng đến mức không biết làm gì, nhưng chẳng hiểu phản xạ từ đâu, anh lại vuốt ve cái lưng của nó. Anh ôm nó lại, mãi tới khi Khánh nó chịu buông anh ra, dựng người dậy với cái mặt tèm lem nước mắt, má sưng mũi đỏ, anh lại lấy tay vuốt lấy má của Khánh mà dỗ dành.
- Sao lại khóc nữa rồi này. Anh về em không vui hở?
- Anh về rồi, em mới khóc đó!
Nam chẳng hiểu gì, nhưng thấy Khánh khóc, thì cũng phải dỗ nó trước đã.
Nam về mà cả nhà Sở Nhi mừng còn hơn cả nhà Thục Lạc, đón nó về như đón người thân quen. Chẳng như cái nhà Thục Lạc, nó về thì chỉ bảo nó vô ăn cơm, nói đúng hơn là kéo nó vô ăn cơm, chứ nào có nhớ nhung gì nó. Điểm chung của cả hai nhà là có người rất vui, và người vui của cả hai nhà là Khánh và Nam. Gặp lại người đã gắn bó với mình những thuở còn lẽo đẽo theo sau mấy anh, tới khi đã trưởng thành rồi đi đây đi đó. Vui chứ, sao lại không vui. Nhưng hỏi có làm gì khác không, thì lại là không. Vẫn cái gốc liễu, vẫn một cây đàn, vẫn một cái quạt, lại chơi với nhau những lúc chập chiều. Cả làng thấy cũng hay, hai đứa này chơi với nhau như vậy mà chẳng chán, chỉ thấy thương nhau hơn mà thôi.
Lần này Nam về, Khánh nó bám Nam, bám tới nỗi đã những giờ cơm chiều nó cũng chẳng thèm về, báo hại anh xém bị con Hạnh chọi guốc bốn năm lần phát ớn. Nhưng Nam thì nào có cưỡng nổi cái cặp mắt long lanh Khánh nhìn Nam làm nũng, thế là anh cũng vội quên đi thời gian đã quá chiều, rồi lại bị con Hạnh chọi một đôi guốc ngay cái gốc liễu cạnh nhà.
Bỗng một ngày, một buổi sáng sớm, Khánh nó lại vấn khăn, mặc áo tấc đỏ, tính đi ra gốc liễu xanh um như mọi khi. Ấy mà lại thấy Nam ngồi sừng sững trước cái bàn đá mài nhắn, uống trà với anh Thiện. Khánh nó thấy mà ngỡ ngàng. Nam sực thấy nó, lập tức gọi với "Khánh ơi", rồi chạy đến chỗ nó nhảy chồm lên. Khánh cũng theo phản xạ đưa tay ra đỡ anh, Nam ngày càng lớn rồi, nhưng mà vụ ôm ấp khi nào anh cũng như đứa con nít vậy.
Khánh nó buông anh xuống, đặt tay lên eo anh:
- Nay anh qua nhà em sớm vậy?
- Hì, anh qua có chuyện muốn thưa với nhà mình.
Khánh nó không hiểu, có chuyện gì mà lại phải thưa với nhà Sở Nhi. Bỗng anh chợt nói tiếp:
- Vừa hay có Khánh ở đây, anh cũng có chuyện... muốn nói cho Khánh nghe.
Nam dắt Khánh lại chỗ cái bàn đá. Bàn có bốn ghế, mà anh Thiên, anh Thiện, anh Đan đã chững ngồi ở đó, thêm một chỗ nữa là của anh Nam, nên nó đứng sau lưng ba anh nhà mình. Khánh nó thấy kỳ kỳ, cứ như cả nhà nó đang chuẩn bị bắt nạt Nam ấy.
- Nay em qua, có chuyện muốn thưa với mấy anh ạ.
Nam lễ phép nói:
- Chuyện là lần này em về làng, cũng chẳng hay về làng mấy lâu. Em cũng suy nghĩ nhiều rồi, nay em quyết định nói. - Nam hít một hơi thật sâu - Anh Đan, anh Thiện, anh Thiên, em muốn... ở cạnh Khánh.
Nam vừa dứt câu, bốn cặp mắt quay lại nhìn anh. Nhưng đó là tính thêm cặp kính thầy đồ của anh Thiện, nên chỉ có ba cặp thôi. Cặp mắt không hướng về Nam chính là anh Đan. Anh nghe, chỉ hơi sững người lại, rồi gật gù. Chốc Nam lại nói tiếp:
- Em xin lỗi nếu bộc chộp em lại nói chuyện này, các anh ạ. Nhưng chuyện em thương Khánh là thiệt.
Nam đưa mắt nhìn Khánh:
- Khánh... có muốn ở với anh không?
Khánh nó ngỡ người, nó không làm gì cả, chỉ mở to mắt ra nhìn anh. Anh Thiện, anh Thiên thì liên tục bàn qua bàn lại, rồi quay qua nói gì đó với anh Đan mà Khánh không nghe nổi. Trong tâm trí Khánh khi này chỉ văng vẳng mấy chữ "Khánh có muốn ở với anh không?". Nó không biết làm gì cả, nó nên đáp lại anh thế nào cho phải.
- Khánh, em nghĩ sao?
Khánh lúc này sực tỉnh, nó chỉ chăm chăm nhìn anh Nam, quên mất các anh đang nhìn hỏi nó. Khánh nó vẫn nhìn, nhìn vào cặp má ửng hồng, nhìn vào đôi mắt sáng trong, nhìn, nhìn lâu lắm, rồi nó trông thấy tai anh ửng đỏ. Anh Nam nói:
- Em cám ơn các anh đã nghe em nói, mọi điều em nói đều là thật lòng. - Nam trông mắt về Khánh. - Khánh chưa cần trả lời anh đâu-
Nó lúc đó chẳng còn nghĩ thêm được gì nữa. Khánh lao về phía anh, nắm chặt tay rồi dắt anh qua khỏi cổng nhà.
---
Đêm trăng hôm nay đã tròn, tròn vằng vặc mà lại sáng trưng. Nam ngồi trên cây liễu ngắm mãi sắc trăng tròn, lòng thầm cảm thán "Đúng là trăng mười sáu, đẹp thiệt đó. Ngày này mà đánh đàn nguyệt, ắt tiếng nó cũng ngân lắm". Nam cứ ngồi ngắm trăng, rồi cuối cùng không chịu được, đành nghĩ cách leo xuống lôi cây đàn nguyệt lên cây.
- Anh nói anh trên cây chờ em, mà giờ anh sắp leo xuống rồi đó.
Khánh nó cầm trên tay một cái khay rượu chén, gọi vẳng Nam. Nhìn thấy người thương chợt tới, Nam không chọn nhảy xuống nữa. Nam khì cười nhìn Khách, rồi đưa tay ra hiệu "bế anh". Khánh mỉm cười ngại ngùng, rồi đặt khay rượu chén xuống, tay đưa ra. Nam chỉ chờ mỗi thế, rồi nhảy thẳng vào lòng Khánh. Cành liễu Nam ngồi không quá cao, nên khi anh nhảy xuống, Khánh nó vừa sức ôm trọng cả người trong lòng. Khánh toan tính đưa anh xuống, Nam đã nhanh nhẹn quấn chân của mình quanh eo Khánh, dụi người kêu nó nhấc bổng anh lên. Nam nhìn Khánh từ trên cao, và tay anh chạm vào má nó xoa dịu dàng.
- Khánh đợi anh tẹo.
Khánh nó hoang mang nhìn theo anh, chỉ thấy anh lôi từ trong thụng áo một cái khăn đỏ xếp gọn. Anh bung nó ra, một cái khăn lụa trơn chẳng có gì cả. Nó không hiểu anh tính làm gì, thì chợt anh đặt cái khăn lên đầu. Khăn che phủ cả mặt anh, rồi anh vén nó ra từ từ.
- Hù!
Nó phì cười:
- Chưa dùng rượu nữa, mà đòi là người của người ta rồi đó.
Anh vịn lấy vai Khánh, nó liền có thế véo lấy má anh.
- Gì đâu, miễn là Khánh, là gì chẳng được.
Má anh đỏ ửng, má nó cũng vậy, nhưng đâu có ai ngại ngùng. Nó đặt anh trở lại mặt cỏ mơn mởn, rồi phủ lại cái khăn lên đầu anh, rồi chính nó vén lại lần nữa. "Lần này em mới chịu", Khánh nó cười nói. Anh véo nó một cái nhẹ, rồi kéo Khánh về cái gốc cây liễu xanh um.
Dưới bầu trời ngày hạ đen tuyền, cạnh khúc sông chảy lạ, vẫn là cái góc liễu ấy thôi, mà vừa thanh vừa lặng. Tay Khánh cầm bình rượu trắng ngà, nó kéo chỉ, mở cái lớp vải phía trên. Hương men của gạo trắng vừa cay vừa ngọt. Mắt nó nhìn anh dịu dàng, như muốn nói thêm mấy lời nữa, nhưng lại ngại ngần, chỉ trả lời bằng cách đưa cho anh chén rượu cay.
- Em, Nguyễn Hữu Duy Khánh, nguyện một lòng thủy chung son sắt.
- Anh, Bùi Công Nam, nguyện một đời cạnh bên Nguyễn Hữu Duy Khánh.
Dưới cái trời chứng giám, dưới gốc liễu ngày nào, cạnh khúc sông chảy lạ, hai con người nâng lấy chén rượu xưng mình với đất và trời.
Khi chén rượu thề nguyền đã cạn, Khánh và Nam đặt xuống cái khay mây chén sứ trắng, nắm chặt tay nhau. Đôi tai Nam đỏ ửng, trong mắt Khánh là vậy.
Đột nhiên nó muốn làm liều.
- Anh Nam...
Mặt nó sát lại gần anh. Bỗng nhiên gió từ hướng anh thổi về chỗ nó. Má anh ửng hồng, nhìn mãi đôi mắt long lanh làm nũng của Khánh, chợt anh hiểu nó muốn gì. Nam cố né đi ánh mắt của nó, vì ngại, nhưng anh làm không nổi. Hơi thở của Khánh, rõ gần, và nó thôi thúc anh ngoảnh lại nhìn nó. Một giây lặng im, thời gian cứ như ngừng trôi vậy. Nam chỉ chậm rãi gật đầu. Khánh khẽ cười thoáng, rồi sát lại gần anh hơn. Bỗng đôi mắt của Nam dại dần, và đợi chờ cái chạm khẽ lên môi mình từ người anh thương. Khẽ chạm vào nhau, như những cánh hoa vừa mở nở, không có sức ép, không có gì gấp gáp. Cảm giác ấy, nhẹ nhàng và thanh thoát, tựa như một cơn gió thoảng qua, vừa đủ để khiến trái tim rung lên nhè nhẹ. Trái tim Nam đập bình bịch, bỗng nhiên anh muốn ôm lấy Khánh, muốn kéo dài hơn cái nụ hôn vụng về non nớt này của cả hai. Rồi khi nó buông ra, má anh lại ửng đỏ, và trông vào đôi mắt long lanh của Khánh cùng cặp tai như rỉ máu đào.
Khánh và Nam ngồi đàn dưới cái trời đã chững tối, đã là canh cuối của ngày rồi. Khánh ngồi cạnh không nói gì cả, chỉ vươn tay mân mê những ngón tay gảy phím.
- Nhưng mà, anh đã thưa với nhà anh chưa?
Những ngón tay đang lướt trên những dây đàn chợt khựng lại, lúc này anh mới ngoảnh lại:
- Chết! Anh chưa!
- Anh giỡn đó hả, chuyện thưa nhà em thì anh nhớ, chuyện thưa nhà anh thì anh quên!
Khánh nó véo má Nam, la oai oái. Rồi nó ngồi thẳng dậy, tự nó thấy lo lo. Nam ngồi cạnh an ủi nó:
- Thôi, em không có lo, mấy anh nhà anh đúng là khó tính, nhưng chắc cũng chẳng chèn ép gì.
- Em không có lo việc đó. Nhưng chuyện này phải thưa với ông Thạch. Ổng đi được nửa năm rồi chưa thấy lết về.
Thạch thường xuyên phải ra ngoài rất lâu, có khi còn lâu hơn chuyến đi vừa rồi của Nam trên nơi đất khách. Thường thì nếu anh Thạch chẳng ở nhà, anh Sơn sẽ là người giải quyết mọi vấn đề. Chỉ là anh Sơn có tính, nên Khánh nó sợ, anh không chịu nó thôi.
- Mình về thưa anh Sơn một tiếng đi anh.
Nam chợt nghĩ cái gì đó.
- Mình giao bôi, thì cũng giao bôi rồi. Ổng không chịu thì cũng phải chịu thôi. Thôi thì... mai mình hẵng thưa, được không em.
Nam nắm chặt lấy tay Khánh, bỗng chữ làm nũng chuyển từ Khánh ngược lại sang Nam. Khiến nó phát hoảng, mà hoảng vì ngại ngùng. Nam lại tròn xoe đôi mắt. Nhưng trước khi cả hai kịp thời, đã nghe vẳng từ nhà Thục Lạc cái tiếng chửi:
- Nè he, hai đứa chim cu cú má nhà chúng mày có tình có tứ thì đi về bên kia mà đóng cửa bảo nhau! Mày ỷ mày có kép là mày thích làm ở trước mặt mấy người như tụi tao đó hả Nam!
Là tiếng cậu hai Sơn. Nam nó chẳng chừa, nó kêu vẳng lại:
- Chứ em về thưa, mấy anh có đồng ý không?
- Mày láo vừa nha! Khánh, mày đừng có tưởng bọn tao nhận mày làm rể nhà tao là mày dụ thằng Nam ra ngoài mỗi tối nha thằng quỷ. Lớ ngớ tao sút về nhà mày lại đó! Còn thằng Nam thì đi về, không thì đi chỗ khác! Trời đất ơi, nghĩ cái gì mà tình tình tứ tứ ngay giữa cái chỗ của mấy con mèo già bọn tao hả mạy!
Tự nhiên Khánh với Nam nghe không kịp đoạn sau nữa, chỉ dừng lại ở cái đoạn "bọn tao nhận mày làm rể nhà tao.". Khánh nó hỏi vẳng lại, bồng Nam hướng mắt ra phía cái bóng người đang chống nạnh trước cổng nhà.
Lần về làng gần nhất của anh Thạch là hai năm trước. Anh vừa về làng, anh Đan nhà Sở Nhi đã chủ động qua ngỏ lời chào, xin uống một chén trà têm chuyện:
- Thạch à, chuyện là nhà tôi có nhã ý muốn hỏi, liệu Nam đã có người nó thương chưa?
Anh Thạch hồi đầu không hiểu chuyện gì cả, chỉ thấy ông Sơn ở trong buồng bước ra, chống nạnh hóng hớt. Nghe tới chuyện anh Đan hỏi, ổng liền xéo xắc lên:
- Nó có.
Anh Đan ngớ mắt, rồi chợt rầu rầu:
- Vậy à...
- Anh hỏi vậy có chuyện gì sao?
Anh Đan cũng thành thật nói:
- Chuyện là thằng Khánh nhà tôi, chỉ duyên ông tơ bà nguyệt se luồn nó mang lòng muốn ở cạnh cậu ba nhà mình. Tôi chỉ tính sang thưa hỏi, rằng mọi người liệu có nhận Khánh không? - Rồi anh lại chợt rầu rĩ - Ấy mà Sơn nói Nam nhà mình có người rồi, thôi thì đành về nói với Khánh, để thằng bé...
Anh Thạch hiểu điều anh Đan nói, liền lập tức nghiêm chỉnh lại:
- Chuyện này, nhà tôi không thể quản thằng Nam. Để mà muốn biết câu trả lời, thì chỉ có nước chờ Nam về làng thăm ghé rồi hỏi. - Anh Thạch ngưng lại, rồi nói tiếp. - Nãy Sơn nói gì, anh đừng để ý. Với chúng tôi, Khánh không phải là người xấu xa, nhưng không thể vì quan hệ tốt đẹp của hai bên gia đình mà chúng tôi chấp nhận dù không hỏi ý kiến của Nam.
Chợt tiếng cậu út Phúc gọi vọng vô:
- Thôi thôi thôi, khỏi có hỏi nó!
Lập tức cậu cả nhà Thục Lạc và anh Đan ngoảnh lại. Cậu út Phúc đành hanh bước vào.
- Nó hả, anh không biết nó đã tra tấn tui với ông Sơn về cái liên khúc "Hôm nay em với Khánh..." như thế nào đâu. Trời đất quỷ thần ơi, ngày nào đi gặp Khánh về ăn cơm ăn mắm nó cũng kể. Ông đó Thạch, ông không có ở nhà ông không biết chúng tui đã khổ thế nào cả. Người mù nghe nó nói còn biết nó mê thằng út nhà bển như nào, người điếc mà nhìn còn thấy nó say đắm thằng Khánh ra sao, có mỗi ông là đi hết tám chín năm trời để mình tui với con Hạnh ông Phát nuôi cái nhà này rồi bị nó tra tấn thôi đó. Anh Đan, tui nói nè, lẹ lẹ, lần sau Nam nó mà về, anh kêu thằng Khánh hốt nó về luôn, nghe chưa, đó giờ nghe nó ngày nào cũng "Khánh hôm nay...", tui với con Hạnh sợ phát ốm rồi, thiếu điều muốn quẳng nó về nhà anh luôn đấy.
Rồi cậu út Phúc lấy hơi:
- Còn chuyện nó có thương thằng Khánh không ớ hả? Hỏi ông Sơn nè, ổng nói lại bằng tiếng Quảng còn được ấy chứ ở đó mà tiếng miền Nam miền Bắc. Nên là tui bảo anh đấy, hốt về, lẹ lẹ lẹ, nhe?
Rồi tự nhiên Sơn nó dí đầu nó:
- Mày điên, tụi nó lớn rồi, tự mà đi tỏ tình ngỏ ý. Mình mèo già mình độc thân thì mình để yên cho tụi nó làm, mày chê cái tuần sau của mày chưa đủ dày phải không?
- Rồi mắc gì anh đánh em!
Nhà Sở Nhi đã ngỏ lời bằng cách đó, và Thục Lạc cũng có đáp lại. Tuy vậy, hai bên cũng chốt lại là sẽ không nói với Khánh và Nam chuyện này. Anh Đan cũng nghĩ như cậu hai Sơn, chuyện tình cảm thì ắt nên tự nói ra.
Khánh với Nam phì cười, ôm chặt lấy nhau, mặc cho cậu hai Sơn đứng chống nạnh ở đó.
---oOo---
Lời đầu tiên, cám ơn mọi người đã đọc con fic ghẻ này ạ =33
Fic này hồi đầu dàn ý nó không như này, hồi đầu nó chỉ là một đoạn xuân thư mà vì tui vã hai tía trong cái áo tấc. Mà cái nết... viết cái gì cũng phải có lí do của tui nó trỗi dậy nên tui lết đi viết phần dẫn, nên là nó dài thành phần chính luôn =))
Văn phong của tui không quá chắc trong chiếc fic này, phần vì đây là lần đầu tiên tui viết một con fic với bối cảnh Việt Nam, với nhân vật là người Việt Nam, trừ cảnh chửi của mấy ông nhà Chín Muồi ra, tại chửi nó là sở trường của tui =)). Khó khăn lớn nhất của tui là miêu tả một người như anh Nam Bùi, vô tư và có phần ngơ ngớ. Khánh cũng vậy, một nhân vật năng động như Khánh cũng là lần đầu tiên tui viết. Nhã nhạc và hát chèo hoàn toàn xa lạ với tui, chủ yếu tui nghe quan họ là nhiều, nên để viết tui đã cần có rất nhiều sự giúp đỡ. Có mấy kiến thức về nhạc thì nó chỉ là những câu tám chuyện với thầy của tui (thầy của tui thích nhạc lắm). Về nhã nhạc thì bạn của tui nó đã bắt tui phải đọc thêm mấy loại sách vở với toàn bộ bài Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ để tui có thể miêu tả cảnh khoang thuyền trên cho tốt hơn. Shout out tới cậu ấy, người đã chấp nhận đọc một bài nghị luận về chèo và nhã nhạc trên cái văn phong chán ốm của tui. Nói chung là cũng còn nhiều thiếu sót lắm, mong các bạn có thể góp ý để mình cải thiện hơn ạ >V<
Hồi đầu được viết để vã OTP thôi, về sau thì để manifest trúng vé, mà cuối cùng hụt gòi TvT, tui cần tìm ai pass lại cho tui huhu.
Chưa beta, nào có thời gian tui sẽ soát lại lỗi một lượt nha!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro