Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Ngoại truyện 1

Lý Thái Dung ngồi đọc sách ngoài phòng khách, chợt nghe tiếng ho trong phòng, anh vội bật dậy bước vào trong. Trong phòng ngủ, Lý Vĩnh Khâm sắc mặt tái nhợt, khó khăn ho từng tiếng. Bác sĩ bảo, bệnh viêm phổi này cần nghỉ ngơi cho tốt, ăn uống điều độ và tránh ra gió. Thái Dung bước đến bên giường, lấy chăn quấn lấy Vĩnh Khâm đang khó chịu, tay vuốt dọc sống lưng giúp cậu bình tĩnh. Anh khẽ hôn lên mái tóc đen nhánh, thủ thỉ nói:

"Em này, cố nghỉ ngơi cho khỏe, rồi đến hè anh đưa em về Việt Nam nhé! Về đó rồi ta thăm thầy u, cũng đã mấy năm nay rồi chưa về, thư thầy gửi cũng nhiều...chắc thầy u cũng lo lắm..."

Vĩnh Khâm trong lòng Thái Dung khẽ gật đầu, dựa đầu vào lồng ngực anh tìm hơi ấm. Cậu nhớ mùi Hà Nội quá, giá như năm ấy không đồng ý với thầy sẽ sang bên đây học, chắc cũng không phải xa quê thế này. Hà Nội Tết đến sẽ rất vui, cùng u ra chợ sắm Tết, cùng Đông Hách đánh Tam cúc, thầy sẽ ngồi bên cạnh, thi thoảng mách nước... Bên Tây người ta không ăn Tết như Việt Nam, những ngày Tết đến vẫn phải đến trường học. Năm ấy anh Thái Dung chạy theo cậu sang bên đây, đến bây giờ cũng đã bốn cái Tết, hè này thôi sẽ về. Ôi, sao mà nhớ Tết quá! Nhớ mùi bánh Chưng thầy gói năm nào, nhớ nồi cá kho của u, nhớ những Tết cùng thầy u về quê ngoại, cùng đám trẻ hàng xóm chạy khắp xóm làng, hò hét nhau đốt pháo hoa...

Nghĩ đến đã thấy sống mũi cay cay, cậu dựa vào lòng anh, mắt nhìn ra khung cửa sổ. Bên Pháp xuân rồi sao mà vẫn lạnh thế. Vẫn thi thoảng thấy vài bông tuyết nhẹ rơi, bám trên những cành cây. Cậu rúc vào trong lòng anh như đứa trẻ, anh vẫn ngồi đó, yên lặng không nói gì, tay vuốt vuốt sống lưng cậu.

"Anh ơi!" Vĩnh Khâm khẽ gọi.

"Sao thế em?" Thái Dung nhìn xuống chỏm đầu đang rúc vào trong lồng ngực anh. Vĩnh Khâm của anh, vẫn đáng yêu như ngày mới gặp.

"Em nhớ Hà Nội quá, nhớ nhà, nhớ thầy u, nhớ cả thằng Hách nữa..." cậu thủ thỉ rồi thở dài "...đêm nay là giao thừa rồi..."

___

Tiếng pháo nổ khắp các con phố, thầy Lý ngồi trên chõng trước hiên nhà, tay cầm chiếc quạt mo nhìn lũ trẻ con nô đùa. Thằng Hách từ lúc anh nó đi sang Pháp học, không ngày nào là không sang. Ông chánh tổng thi thoảng cũng sang làm vài chén trà hàn huyên. Thầy Lý ngồi đấy, yên lặng ngước lên nhìn trời. "Giao thừa rồi đấy!" thầy nghĩ. Nhà thầy có mỗi đứa con trai, giờ nó sang bên Pháp học, đến hè này mới về. Ấy thế mà đã bốn năm ròng. Sao mà nhớ nó thế! Lúc nó ở nhà thầy còn thi thoảng nói vài câu cằn nhằn, giờ nó đi rồi, nhà vắng hẳn. Thầy đang nghĩ thì chợt có tiếng chuông xe đạp kêu. Thằng bé đưa thư bước vào nhà, tay cầm một gói to, nói chào:

"Chào thầy ạ! Con đến gửi thầy gói này, chắc là anh Dung gửi từ bên Pháp về đấy ạ, thầy mau xem đi!"

"Dương đấy hử?" thầy nheo mắt hỏi, nghe ra giọng thằng Dương năm năm trước thằng Dung nó xin cứu đấy mà "...giờ này còn đi đưa thư à con, về nhà mà đón Giao thừa, đón Tết với u mày đi chứ!"

"Thưa thầy, con còn mấy bức thư chưa giao, còn thư bên nhà ông Chánh Lý, hay thầy đưa giúp con với? Mấy bức kia con đạp xe hai ba nhà nữa là xong, rồi con về ăn Tết với u con..."

"Gớm! Khổ! Anh đưa đây thầy xem nào!...Đưa cái thư nhà lão chánh ấy, rồi thầy đưa qua cho lão ấy! Nhanh cái chân lên! Nhanh lên còn về không u anh mong! Khổ!"

Thằng Dương mừng ra mặt, nó hớn hở đưa phong thư rồi chạy biến. Thầy nhìn vào phong thư con trai thầy đưa với phong thư con trai nhà ông bạn già, khẽ thở dài. Sao mà nhớ chúng nó thế?! Rồi từ ngoài cổng, thằng Hách chạy vào cười toe toét:

"Thầy ơi! Thầy ra mà xem, người ta đốt pháo hoa kìa!"

Không biết từ đâu, mấy đứa Hưởng, Nam, Minh cũng chạy vào, chúng nó cừ ầm ầm hết cả lên, í ới gọi thầy ra. Mợ thầy trong nhà thấy ồn ào cũng chạy ra ngoài, nẹt mấy đứa trẻ con:

"Chúng bây có trật tự không? Đêm Giao thừa rồi, đứa nào về nhà đứa nấy đi! Thầy u chúng bây mong thì sao hử? Đi về!"

Mấy đứa trẻ con thế mà không sợ, chúng nó còn cười to hơn rồi chạy ra ngoài. Pháo hoa rực trời, thời khắc chuyển giao tới. Thầy Lý khoác chiếc áo mỏng vào rồi cầm phong thư sang nhà bạn. Phía bên kia, thầy chánh cũng đang ngồi bên vợ, vừa nhìn thấy thầy Lý sang, tay bắt mặt mừng, mời thầy Lý vào nhà ngồi. Thầy đưa phong thư ra rồi xin phép về luôn, còn ăn bữa cơm Tết với mợ thầy ở nhà. Thầy lại nhìn lên bầu trời một lần nữa, giao thừa rồi, bên Pháp bây giờ mới xẩm tối thôi, không biết chúng nó bên ấy có gì ăn chưa? Có lạnh lắm không?...

___

Lý Vĩnh Khâm mở mắt, khẽ nghiêng đầu nhìn đồng hồ. Sáu giờ chiều, bên Việt Nam bây giờ đã sắp đến thời khắc giao thừa rồi. Nghĩ đến sống mũi lại cay, cậu vùi đầu vào chăn rồi khóc nấc lên. Cánh cửa phòng hé mở, Lý Thái Dung nhìn vào, trong lòng quặn lên. "Chờ một thời gian nữa thôi, anh đưa em về!".

Trong nhà còn một ít bánh mì cùng với sữa, Lý Thái Dung cho sữa lên bếp, đun nóng lại cho Vĩnh Khâm. Bên đây, bánh mì, bơ và sữa gần như trở thành nguồn sống của hai người họ, đôi khi còn chẳng có bơ ăn cùng. Nghĩ vậy lại nhớ đến những ngày còn được ăn cơm với gia đình, anh khẽ lắc đầu rồi chuẩn bị bữa tiếp. Trong tủ bếp còn mấy quả trứng được cho, anh mang xuống làm bữa cho cậu. Cũng không biết từ bao giờ, cậu đã đứng lặng yên nhìn anh trong bếp chuẩn bị bữa cho cả hai. Căn bệnh quái ác cứ khiến cậu ho suốt nên chẳng làm được gì. Vừa nghĩ đến ho, trong lồng ngực bỗng dưng khó chịu, phổi giống như muốn vỡ ra, Lý Vĩnh Khâm ho mấy tiếng. Lý Thái Dung vừa thấy cậu đứng bên ngoài liền tắt bếp, chạy đến bên cậu, đưa áo khoác của anh choàng lên vai rồi ôm cậu ngồi xuống ghế:

"Sao em lại ra ngoài? Đợi anh chuẩn bị xong bữa sẽ mang vào phòng cho em!"

"Anh ơi!"

"Sao thế em?"

"Bên thầy u bây giờ chắc đã Giao thừa rồi nhỉ? Mọi người chăc đang ăn Tết vui vẻ rồi đúng không anh?"

"...Ừ, có lẽ thế... Đợi thêm mấy tháng nữa, rồi hè mình về Việt Nam em nhé!" đợi em khỏi bệnh rồi anh đưa em về Việt Nam, đưa em về nhà, xin phép thầy cho anh đón em về. Tết năm sau, rồi Tết năm sau nữa,Tết năm nào cũng vậy, anh sẽ cùng em, cùng hai gia đình chúng ta đón Tết. Nên đừng buồn nữa em nhé!...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro