tuyết trong hoa.
1.
La Tại Dân và Hoàng Nhân Tuấn cùng nhau lớn lên trong thời kì triều Thanh sụp đổ, Trung Quốc rơi vào hỗn chiến giữa Quốc dân đảng và Chính phủ Bắc Dương, nhưng cả hai dường như không mảy may ảnh hưởng, mỗi ngày đều phá làng phá xóm rầm trời. Hoàng Nhân Tuấn từ nhỏ đã yếu ớt, lại là con một, người nhà chỉ thiếu nâng cậu tới trời, tay không dính lấy một hạt bụi trần gian. Dân trong phố đều bảo nhà họ Hoàng chiều hư Hoàng Nhân Tuấn, nhưng chẳng ai biết La Tại Dân cũng chiếm phần không nhỏ tạo nên tính bướng bỉnh của cậu.
Năm 1915, Nhật giành lấy khu vực ảnh hưởng của Đế quốc Đức ở Sơn Đông, lúc ấy La Tại Dân cùng Hoàng Nhân Tuấn mới lên 5, mỗi ngày tan học xong Hoàng Nhân Tuấn đều đạp vai La Tại Dân trèo lên vách tường ngó ra hàng ngô nướng góc phố, cậu thèm thuồng nuốt nước bọt, nhưng dù có năn nỉ ỉ ôi thế nào mẹ cũng lấy cớ mất vệ sinh không chịu mua cho cậu. Sau đó Hoàng Nhân Tuấn nghĩ ra một kế, cậu rủ La Tại Dân đi trộm ngô ở ngọn núi sau nhà. Lúc ông Hoàng trông thấy hai đứa bị người ta xách cổ về, mặt mũi thì lấm lem như mèo chui góc bếp, biết thừa là do thằng con trời đánh của mình hại người ta liền nổi trận lôi đình lôi gia pháp ra định đánh cho nhừ tử. La Tại Dân cuống cuồng nhận hết lỗi về mình, lại lấy thân che cho Hoàng Nhân Tuấn, cuối cùng ông Hoàng hạ thủ lưu tình phạt hai người không được ăn tối mới bỏ qua.
Lại đến năm mười hai tuổi, La Tại Dân được đặc cách dùng chiếc xe đạp cũ trong nhà, anh cố tình lao thật nhanh xuống dốc, Hoàng Nhân Tuấn ngồi đằng sau sợ tái mặt mày, dang hai tay ôm chặt lấy anh, siết đến mức sương sườn cũng tím một mảng lớn. Mỗi ngày khi phố đã lên đèn rất lâu hai người mới trở về, thỉnh thoảng Hoàng Nhân Tuấn sẽ tựa vào lưng anh ngủ gật, rồi thình lình tỉnh dậy khi nghe tiếng kít phanh. Những con đường dọc theo bờ sông, mái hiên nằm rải rác, con hẻm nhỏ dài mà tĩnh mịch đều mang một mùi ngai ngái của làng quê Đông Bắc, cứ thế ngấm vào da thịt hai người theo từng vòng quay bàn đạp của La Tại Dân.
Năm 1927, Quốc – Cộng nội chiến, hôm sinh nhật 16 tuổi của Hoàng Nhân Tuấn, La Tại Dân biến mất suốt một ngày. Đếm mấy trăm con cừu mà vẫn không ngủ được, cậu vừa phiền muộn trở mình thì nghe tiếng gõ cửa vang lên rất nhẹ. Hoàng Nhân Tuấn từ trên giường nhảy xuống, tim cũng đập loạn theo tiếng cửa kêu. Bên ngoài cơn mưa phùn đang rả rích, không khí lạnh lẽo thoáng cái ập vào phòng. Tóc cùng vai áo La Tại Dân ướt mất một mảng, anh rút trong ngực ra hai cái vòng bạc, lẳng lặng đeo lên tay Hoàng Nhân Tuấn, rồi lại tự đeo cho mình một cái y hệt. Sau đó La Tại Dân nói: "Tớ thích cậu."
Hoàng Nhân Tuấn không hiểu nổi anh, tâm trí cậu quẩn quanh ở ranh giới của trẻ con và người lớn, giữa thích La Tại Dân như tình yêu nam nữ và yêu quý anh như một người bạn. Cậu ngước mắt lên hỏi anh có ý gì, La Tại Dân đáp: "Tớ có ý gì cậu còn không hiểu sao. Tớ thích làm cách mạng, không khí, đất, nước, thậm chí cả những đốm lửa đạn vụt qua trong chốc lát hay những bản lý luận của Các Mác mà cậu vẫn thường chê khô khan. Ôi, tớ có kể cậu cũng chẳng muốn nghe, nhưng tớ muốn nói với cậu, rằng thì tớ thích cậu hơn cả lý tưởng cách mạng."
Năm 1929, hai người vừa tròn mười tám tuổi, đón cái Tết đầu tiên sau tuổi trưởng thành, bên tai là tiếng pháo nổ không dứt, Hoàng Nhân Tuấn ngồi dựa vào tường nghiêng đầu hỏi La Tại Dân:
"Thế cậu định đi đâu?"
"Chắc tớ sẽ tới Nam Kinh tham gia Quốc Dân đảng, tớ không nỡ nhìn gót chân giặc giày xéo quê hương mình."
"Xa quá." Hoàng Nhân Tuấn cắn môi nói: "Như thế một năm cậu chỉ về nhà vào dịp Tết được thôi."
La Tại Dân chầm chậm thở dài: "Cậu ở nhà phải giữ gìn sức khỏe, không được chọc mấy cô nương đầu phố, không được thành thân." Anh ngừng một lúc mới nói tiếp: "Đợi giặc lui tớ sẽ xin Hoàng thúc thúc cưới cậu về nhà."
Hoàng Nhân Tuấn dẩu môi "Ai thèm đợi cậu? Cậu đi xa như thế cũng có quản nổi tớ đâu."
Anh nhìn vẻ mặt hờn dỗi của Hoàng Nhân Tuấn, cậu cũng quay qua nhìn anh. Cuối cùng anh đưa tay che mắt Hoàng Nhân Tuấn, nghiêng người hôn lên đôi môi mềm mại của cậu. Giữa xuân về hoa nở, giữa tiếng pháo nổ chập chờn, giữa trăng trời vằng vặc, hai người tựa vào nhau như muốn đem toàn bộ thế giới ồn ào này quên đi, để sinh mệnh mãi mãi dừng lại.
Ngày La Tại Dân đi, Hoàng Nhân Tuấn nhất quyết vùi mình trong chăn không chịu ra tiễn, lúc người hầu trong nhà chạy vào bảo La công tử đi rồi, cậu mới như người vừa bừng tỉnh khỏi cơn mê, vội vàng xỏ giày chạy lên ngọn núi sau nhà. Cậu thấy bóng người cầm chiếc roi dài thúc xe ngựa phía xa, Hoàng Nhân Tuấn tự nói với bản thân mình, rằng chỉ cần anh quay đầu nhìn cậu một cái thôi, cậu sẽ mặc kệ sự ngăn cản của bố mẹ, mặc kệ bệnh tật quấn thân, mặc kệ hết tất cả mà gánh vác cùng anh. Cuối cùng La Tại Dân sang đến bên kia bờ sông, dòng Tùng Hoa đã dạt dào chảy biết bao mùa như thế, còn anh tựa một kẻ lữ khách chẳng quay đầu.
2.
Ngày 19 tháng 8 năm 1931, Nhật bắt đầu xâm chiếm Đông Bắc, chỉ trong vòng vài tháng toàn bộ núi rừng rộng lớn đều rơi vào tay giặc. Cha mẹ cậu do bí mật quyên tiền cho Chính phủ, cuối cùng bị người Nhật bắn chết.
Từ sau ngày ấy, Hoàng Nhân Tuấn rất hiếm hoi ra khỏi nhà. Cậu tự khóa mình trong căn thư phòng của cha, mỗi ngày chăm chỉ đọc chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn. Thỉnh thoảng vào ngày trăng tròn mỗi tháng, cậu sẽ bỏ một ít thuyền giấy vào túi vải, rồi cứ thế đạp xe đến bên bờ Tùng Hoa ngồi từ sáng sớm đến lúc tối mịt. Khi trăng đã lên được nửa chừng, cậu ngả mình xuống bãi cỏ, nằm im lặng giữa bốn bề sông nước còn đầy mùi mồ hôi và khói đạn, ngước mắt lên nhìn những ngôi sao lướt qua rồi chợt tắt. Ánh trăng dát bạc cả mặt hồ, cậu nghe tiếng mình nức nở vọng lại trong đêm tối.
Năm 1937, chiến tranh bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, tới tháng 7, cả Bắc Kinh và Thiên Tân đều đã rơi vào tay giặc. Hoàng Nhân Tuấn gầy đi thấy rõ, cậu ăn gì cũng không vào, giống như chỉ duy trì mạng sống nhờ việc đợi thư của La Tại Dân vậy. Đến tận bây giờ cậu mới biết bản thân mình cũng có thể lâm vào tâm bệnh.
Một ngày tháng 12 nọ, khi gà mới vừa gáy sớm, Hoàng Nhân Tuấn mơ màng thấy tiếng xe đạp lạch cạch của người giao thư, cậu vội vã lao ra khỏi nhà, không cẩn thận xô phải bàn trà, tiếng cốc sứ lao xuống nền đất lanh lảnh như cứa vào lòng.
Trong thư La Tại Dân viết:
"Xa gửi Nhân Tuấn,
Quốc – Cộng hợp tác, cùng với sự hỗ trợ của Liên Xô, tớ nghĩ rất nhanh rất nhanh thôi chiến tranh sẽ kết thúc. Khi hoa mai đỏ chớm vươn mình giữa tuyết trắng tớ sẽ trở về nhà. Nếu Nhân Tuấn đồng ý, tớ mong được cùng cậu tới Nam Kinh ngắm anh đào nở, hoa thường đột ngột nở rộ trong đêm tối rồi lặng lẽ biến mất khi bình minh lên, cậu nói xem mới lãng mạn làm sao. Tớ cũng muốn tiếp tục chở cậu qua con phố vắng ở Cát Lâm, cùng ngắm rừng hồ dương rực rỡ giữa lòng Nội Mông, xem sương mù vờn quanh Lư Sơn nơi phương bắc. Hoặc nếu cậu vẫn chưa hài lòng, tớ có thể cùng cậu ngồi bên thềm cửa trông ngày tàn rồi lại đón sớm mai, mỗi phút mỗi giờ, mỗi ngày mỗi tháng, mỗi năm mỗi mùa, hoặc là cả đời cũng được."
Hình như đó là một ngày trời chớm vào đông. Hoàng Nhân Tuấn nghiêng mình khỏi ô cửa sổ, ngắm những tia nắng lấp ló nhảy nhót giữa làn tuyết bay, mặt đất trắng xóa thỉnh thoảng lại được mạ lên ánh vàng kim nhàn nhạt.
Đó là lá thư cuối cùng của La Tại Dân.
3.
Năm 1945, chiến tranh chấm dứt do Nhật Bản đầu hàng phe đồng minh, Tết năm 1946 cả xóm làng như được khoác lên mình tấm áo mới, người người nhà nhà rộn rã đón xuân về, đèn hoa đăng giăng đầy phố lớn ngõ nhỏ hòng cầu chúc một năm mới bội thu. Hoàng Nhân Tuấn không rõ có phải do mình gặp ảo giác hay không, giữa màu trắng mênh mông cậu có thể thấy rất nhiều rất nhiều cánh hoa bay. Ở vùng lạnh giá khắc nghiệt thế này, hiếm khi thấy mai đỏ nở rực rỡ như vậy, lạ thường như thể sắp phủ được cả vùng tuyết trắng. Mà dường như tất cả sự vui vẻ rộn ràng ấy cũng chẳng thể chạm đến cậu, Hoàng Nhân Tuấn chầm chậm đứng dậy khỏi bậc cửa, quay vào căn thư phòng quen thuộc, dùng một mồi lửa thiêu trụi cậu nơi cậu đã dành suốt nửa đời ở đây.
Ánh hoàng hôn trên những mái nhà tuyết nhuộm chúng thành màu cam nhàn nhạt, khói bếp vấn vít bay lượn, khung cảnh trông như một bức tranh thủy mặc nền nã ý nhị. Hoàng Nhân Tuấn mượn chiều tà làm xiêm y ngày cưới, hai hàng tùng bách kiên cường xanh mướt bên đường làm phù dâu, chỉ có điều cậu không chờ được tình lang áo gấm quay về, không kịp đợi tuyết tan, chưa được thấy chim di trú quay về tổ.
Hoàng Nhân Tuấn kết thúc sinh mệnh bằng cách gieo mình khỏi đỉnh núi tuyết. Lúc đó, tóc cậu đã chớm màu sương mai, trên người là chiếc áo khoác lông đỏ rực, tay nắm chặt chiếc vòng bạc đã xỉn màu. Sau lưng cậu là bài ca dao được đám trẻ thay phiên nhau truyền tai vọng lại.
"Rèm thưa gió thổi tỉnh cơn say
Lại một ngày bình minh tới
Ta lại vì chàng hát một khúc ca
Vì chàng hát một khúc ca
Ngày mai chàng hành quân xa ngàn dặm
Chàng đi xa ngàn dặm
Từng tiếng thổ lộ không dứt
Nào đã nói lời biệt ly."
Fic được viết dựa theo "Dân ca Đông Bắc" của Mao Bất Dịch, hi vọng mọi người có thể nghe thử để hiểu thêm các chi tiết trong truyện. Phần lời ca dao cuối cũng trong "Sầu biệt ly" của Mao Bất Dịch luôn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro