Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Trung - Nhất

Từ nhỏ La Tại Dân đã bị bệnh tật quấn thân, quanh năm suốt tháng chỉ có thể quanh quẩn trong La phủ tại kinh thành hết đọc sách lại uống thuốc. Ngoài huynh đệ nhà họ Lý đã quen biết với hắn từ lúc cả ba còn quấn tã ra, La Tại Dân không thật sự giao du với bất kì ai khác. Ngoài mặt lễ độ nho nhã, thế nhưng trong thâm tâm hắn vô cùng chướng mắt những thế gia công tử quần áo là lượt, hoặc là đầu óc rỗng tuếch hoặc là mưu kế thâm sâu. Điều này càng khiến cho phạm vi bằng hữu đồng niên của La Tại Dân thu hẹp lại còn đúng một người họ Lý. Khi nhận mệnh vua đến nơi này nhậm chức, La tri phủ lại hoan hỉ quen biết thêm một người bằng hữu đồng niên nữa mà hắn đặc biệt yêu thích: Hoàng sư gia Hoàng Nhân Tuấn.

Ấn tượng ban đầu của La tri phủ về Hoàng sư gia chỉ gói gọn trong một từ: nghiêm túc. Hoàng sư gia nghiêm túc đọc sổ sách, Hoàng sư gia nghiêm túc luận bàn, Hoàng sư gia nghiêm túc ăn cơm. La tri phủ đã dành cả đêm liền để ngẫm nghĩ, thật sự trên đời này có người trẻ tuổi, mặt mũi sáng sủa xinh xắn đáng yêu, thế nhưng đến cả ăn uống ngủ nghỉ cũng cẩn trọng như vậy sao? Đương nhiên là không, ngay buổi sáng hôm sau hắn đã có thể tự cho mình đáp án rồi.

Thông thường La tri phủ sẽ dậy sớm để nấu bữa sáng, làm bánh chẻo hay nấu mì sợi gì đó, trước cả khi gia nhân trong nhà bắt đầu làm việc. Thế nhưng khi bước vào nhà bếp, La tri phủ đã thấy một làn khói mỏng bốc lên từ bếp lò cùng dáng người nho nhỏ lúi húi quạt lửa bên cạnh. Khi đã ngồi ngay ngắn trên bàn ăn, nhìn thấy Hoàng sư gia phía đối diện mặt mũi lấm lem bởi nhọ nồi và khói bếp, La tri phủ không nhịn được cười mấy tiếng ha ha, cuối cùng cũng vớt vát chút lương tâm còn sót lại mà đưa cho y chiếc khăn tay trắng tinh của mình. Hoàng sư gia không khách sáo nhận khăn, vừa lau mặt vừa chỉ vào chiếc nồi đất trên bàn, giọng êm ái như tấm chăn bông phơi trong nắng.

"Tay nghề học trò có hạn, mong đại nhân rộng lượng."

"Không sao, không sao. Sư gia đã đích thân xắn tay xuống bếp thì nhất định ta sẽ..."

Nhìn thấy nồi gà tiềm đen ngòm cùng mùi thuốc quen thuộc, La tri phủ tắt dần nụ cười, bỏ dở câu đang nói. Đùa gì vậy? Kỷ tử, táo tàu, ngọc trúc và hàng chục thứ thuốc bắc khác đang được xếp quanh con gà đen này chẳng phải là đống đồ bổ mà La đại phu nhân gửi từ kinh thành, vừa mới đến đây vào hôm qua hay sao? Biết tính tình mẫu thân hay lo lắng, La tri phủ vừa nhận được đã múa bút thành văn viết hơn hai mặt giấy tỏ rõ lòng biết ơn, đồng thời miêu tả bản thân đã khoẻ mạnh như thế nào, gửi thư cho bà. Có điều, hắn đã quá ngán ngẩm mùi thuốc đắng ghét, cho nên đã bảo quản gia mang đi sắc thuốc cho mấy gia nhân già yếu trong phủ, sau đó...

"Học trò cũng được tính là gia nhân già yếu, phần thuốc này dĩ nhiên là về tay học trò."

La tri phủ lẳng lặng nhìn Hoàng sư gia trắng trẻo non mềm, không biết xấu hổ mà phun ra câu nói kia. Hắn không ngờ sư gia cũng có một khía cạnh này.

"Sư gia, ngươi sinh năm Thìn, là đồng niên với ta."

"Đại nhân, hai mươi ba cũng không còn trẻ trung nữa."

Hoàng sư gia cười, rạng rỡ hơn cả mặt trời vừa mới lấp ló sau mái đình. La tri phủ không thể nào từ chối, đành gắng gượng cầm muôi lên, định múc ra chén nhỏ thì bị bàn tay nhỏ nhắn có vết bớt nhạt màu của Hoàng sư gia chặn lại.

"Nồi gà này học trò hầm riêng cho đại nhân đấy ạ, không cần cho ra chén đâu."

"Vậy còn ngươi?"

Chỉ thấy Hoàng sư gia đi đến chỗ bếp lò, mang một lồng hấp bằng tre vẫn còn bốc khói nghi ngút đặt lên bàn, miệng xuýt xoa kêu nóng, tay nhanh nhẹn mở ra. Là một lồng tiểu long bao! La tri phủ nghiến răng ken két, tại sao hắn phải ăn nồi gà hầm đen sì đầy mùi thuốc; trong khi sư gia lại được nguyên một lồng tiểu long bao nóng hổi hấp dẫn như vậy chứ? Thế nhưng lời đã nói ra chẳng khác gì chén nước đổ đi không thể nào hồi lại, La tri phủ đành ngậm ngùi húp nồi canh gà đắng nghét mà mình đã trăm phương ngàn kế đẩy đi cho người khác vào mấy ngày trước kia. Hắn cố gắng ăn thật nhanh, sau đó tu ừng ực chén trà để rửa trôi vị thuốc trong miệng, xong xuôi định bụng sẽ "dạy dỗ" sư gia một trận ra trò. Vừa nhìn sang, La tri phủ đã thấy Hoàng sư gia cẩn trọng dùng đũa gắp một cái tiểu long bao vào muỗng, miệng chúm chím thổi phù phù rồi cho cả vào miệng, nhai say sưa đến mức hai má phồng lên, đôi mắt nhắm tít lại vô cùng vui vẻ.

"Tiểu long bao thật sự rất ngon, đại nhân không chê thì hãy dùng thử một chiếc."

Bàn tay nhỏ nhắn cầm chiếc muỗng sứ, bên trên là chiếc tiểu long bao nóng hổi vẫn còn bốc khói đưa đến trước mặt La tri phủ. Hắn lập tức ném ý định "dạy dỗ Hoàng sư gia" sang một bên, hoan hỉ đón lấy chiếc tiểu long bao mà không hề hay biết đó là lúc hắn hình thành nên thói quen ngoan ngoãn nghe lời một cách tâm phục khẩu phục đối với Hoàng sư gia cho đến tận bây giờ. Vậy mới nói, Hoàng sư gia thật sự rất lợi hại!

Có điều con người ta dù có lợi hại đến mấy, ắt cũng sẽ tồn tại điểm yếu. Hoàng sư gia cũng không ngoại lệ. Không biết là may mắn hay bất hạnh, kẻ đầu tiên tìm ra được điểm yếu của Hoàng sư gia luôn nghiêm túc trông coi sổ sách, thẳng thừng không khoan nhượng trên công đường này lại là La tri phủ. Và dĩ nhiên, điều này khiến hắn vui đến nỗi cười suốt đêm không ngủ.

Hoàng sư gia trời không sợ, đất không sợ. Ngay cả khi ở chốn lầu xanh - một nơi đầy rẫy các tỉ tỉ ngực bự da thịt trắng bóng, cả người sực nức mùi dầu thơm nồng đến mức khi có việc đến đó tra án, La tri phủ phải dùng một tay che mắt một tay bịt mũi, miệng liên tục lẩm bẩm mấy câu Luận ngữ "phi lễ vật thị, phi lễ vật thị"* , Lý quân trưởng đi theo góp vui cũng hoảng loạn chạy mất tăm - y cũng điềm nhiên như chốn không người, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng mà đường hoàng hỏi thăm manh mối. Bình thường trông y oai phong là thế, nhưng La tri phủ biết Hoàng sư gia vô cùng sợ hãi một thứ: bóng tối.

Trong một lần, hai người bọn họ đang tiến hành điều tra một vụ án tham ô nhỏ, thì được quân lính báo cáo có một mật thất ẩn phía dưới sàn nhà nghi phạm, cần tri phủ cùng sư gia xem xét. Xét tổng thể biệt viện thì căn mật thất này không quá rộng, cho nên La tri phủ cho quân lính đứng ở bên trên chờ lệnh, chỉ cần hắn và sư gia cùng xuống là được. La tri phủ cầm đuốc đi trước, Hoàng sư gia cứ thế theo sau. Càng xuống sâu dần, La tri phủ càng cảm thấy bàn tay nhỏ bé nắm vạt áo mình càng chặt, khi đi qua chỗ ngoặt dường như còn run lên từng hồi.

"Đại nhân, cẩn thận."

"Ta biết, sư gia chớ lo. Có điều... phiền ngươi nới lỏng tay một chút được không? Cổ áo ta sắp bị ngươi kéo rách rồi."

"Học trò thất lễ."

Mật thất tối đen như mực, ánh sáng duy nhất chỉ là đốm lửa không quá lớn từ cây đuốc trên tay La tri phủ. Vượt qua mấy chục bậc thang ngoằn ngoèo, hai người họ đã xuống đến gian mật thất cuối cùng của tên quan tham ô kia.

"Hự... Áaaaa!"

"Sư gia đừng sợ. Chỉ là con chuột mà thôi."

"V...vâng. Thứ lỗi cho học trò thất lễ."

"Cứ theo sát ta là được. Đây, bám lấy tay ta."

"Thưa, vâng."

Sau sự kiện này, từ trên xuống dưới La phủ, thậm chí cả thím Trần giặt đồ ở hậu viện cũng biết rằng thật sự Hoàng sư gia rất mạnh mẽ! Đừng nhìn bề ngoài thư sinh yếu đuối, gió thổi liền ngã ấy mà lầm. Nghe nói khi đi tra án, một mình Hoàng sư gia tả xung hữu đột, dũng mãnh đến mức La tri phủ ở gần đó cũng không tránh được chưởng pháp, áo choàng gần như bị rách cả cổ. Ông bà ta dạy cấm có sai, đừng nên trông mặt mà bắt hình dong!

Là kẻ duy nhất biết ngọn nguồn câu chuyện, La tri phủ cũng chỉ gật lấy gật để khi nghe thấy lời bàn tán mà không buồn lên tiếng đính chính. Bởi hắn hiểu được nhiều hơn thế.

Thật lòng mà nói, khi phát hiện kẻ nghiêm túc, lại thường xuyên quản thúc hắn như Hoàng sư gia cũng có nỗi sợ, La tri phủ vừa ngạc nhiên vừa buồn cười. Có điều thân là một vị quan phụ mẫu yêu dân như mạng, hắn cảm thấy mình không nên khiến sư gia chịu đựng quá sức, liền ngỏ ý bảo Hoàng sư gia sau này không cần theo hắn ra ngoài tra án, đừng nên tự ép chính mình. Hoàng sư gia dĩ nhiên từ chối đặc quyền này, sau một vài câu nói qua lại mới chịu kể cho hắn nguyên do. Hồi còn nhỏ, y ham chơi đi xa khỏi làng, bị đám người ngoài đánh đập đến mức tối tăm mặt mũi, lúc tỉnh táo lại thì toàn thân đau nhức không cử động được, xung quanh đều tối om không một tiếng động, kêu cứu mãi mà không có lời hồi đáp, khiến y trở nên ám ảnh với bóng tối cho đến bây giờ. Tuy nhiên Hoàng sư gia lại nói thêm, khi đi cùng La tri phủ thì y dường như có thể bình tĩnh lại một chút, cho nên từ nay y sẽ cố gắng vượt qua nỗi sợ và nhất quyết không để chuyện này ảnh hưởng đến việc tra án của cả phủ. Vậy là La tri phủ gật đầu lia lịa, mọi chuyện đều nghe theo sư gia.

Đã nói là Hoàng sư gia lợi hại, La tri phủ cứ gọi là tâm phục khẩu phục!

Không chỉ việc nhất nhất vâng lời, ngay cả thói quen sinh hoạt thường ngày của La tri phủ cũng dần dần giống với Hoàng sư gia. Bắt đầu từ giờ giấc buổi sáng. Thông thường La tri phủ sống theo "giờ đạo tặc" - theo như lời miêu tả của Lý quân trưởng, dù giờ giấc hai người bọn họ y hệt nhau - tức thức khuya dậy muộn, chỉ khi nào cần thăng đường xử án mới hòng dậy sớm hơn mọi ngày một chút. Từ khi Hoàng sư gia nhập phủ, y cứ đến canh năm là lại đến gõ cửa phòng La tri phủ, nói rằng y có thói quen tập dưỡng sinh buổi sáng, nhưng vì lạ nước lạ cái nên mới ngỏ ý "mời" tri phủ đại nhân dời gót đi cùng. La tri phủ ban đầu vì phép lịch sự, đầu óc lơ mơ, mắt mũi kèm nhèm mà đứng trong sân múa mấy đường quyền dưỡng sinh cùng Hoàng sư gia, và cho đến khi hắn chợt nhận ra mình đã bắt đầu đi ngủ trước canh hai - chuyện mà lúc còn ở kinh thành, mẫu thân hắn khuyên khản cả cổ vẫn không thành công - thì tất cả đã trở thành thói quen mất rồi! Có điều La tri phủ cũng không lấy đó làm phiền, Lý tướng quân thấy đường đệ càng ngày càng quy củ cũng không lấy đó làm phiền, Hoàng sư gia có người cùng tập luyện lại càng không lấy đó làm phiền.

Mỗi sáng, bọn họ dậy khi tiếng gà đầu tiên vừa cất lên, tập bài quyền dưỡng sinh nhẹ nhàng sau hậu viện rồi cùng ăn sáng, thường là do La tri phủ tự tay vào bếp. Khi xử lý xong mọi việc trong ngoài phủ thì mặt trời cũng đã xuống núi, bọn họ lại cùng nhau dùng bữa cơm đạm bạc, thường thì không đặc sắc như bữa sáng bởi vì tay nghề Hoàng sư gia không bằng La tri phủ. Hoàng sư gia nói buổi tối nên ăn uống nhẹ nhàng để dễ tiêu hoá, cho nên La tri phủ vui vẻ nghe theo, ăn cũng cảm thấy ngon miệng. Sau đó, cũng vì để bụng dạ dễ chịu, bọn họ tản bộ một vòng, khi thì đi chợ đêm, lúc thì dạo bờ hồ. Kể ra thì đây là khoảng thời gian La tri phủ thích nhất trong ngày. Trăng thanh gió mát, phong cảnh hữu tình, mà Hoàng sư gia đi bên cạnh dường như mềm mại hơn, không còn thần thái nghiêm nghị như lúc ở trên công đường hay trong thư phòng. Bọn họ trò chuyện rất nhiều, chủ đề vô cùng phong phú, từ chuyện La tri phủ hồi nhỏ thích thu nhặt chó mèo hoang về nhà nuôi, đến nỗi hậu viện của hắn ở kinh thành ngày nào cũng mèo kêu chó sủa vô cùng náo nhiệt, đến chuyện Hoàng sư gia có ước mơ ăn lẩu của mọi địa phương trên khắp cả nước, mong rằng sẽ thực hiện được trước khi bước vào tuổi tứ tuần. Thật nhiều câu chuyện vụn vặt như vậy đều được bọn họ mang ra thảo luận mỗi ngày, khiến La tri phủ tin rằng hắn cùng Hoàng sư gia thật sự là bằng hữu tốt.

Cho đến khi xảy ra một sự việc cách đây khoảng một tháng, Hoàng sư gia đã không còn là bằng hữu tốt, mà thăng cấp hẳn lên chức "tri âm tri kỷ" trong lòng La tri phủ!

Chuyện là La đại phu nhân ở kinh thành cũng đã đầu hai màu tóc, chứng kiến hết thiếu gia này đến tiểu thư kia - đều là những đứa trẻ cùng lứa với nhi tử nhà mình - thành thân, thậm chí còn rộn ràng thu nạp thê thiếp, thế nhưng đứa nhỏ nhà bà lại chẳng thấy động tĩnh gì, đại phu nhân cũng sốt ruột lắm chứ. Bà lập tức gửi bồ câu cho La tri phủ, bên trong ngoài bốn mặt giấy viết kín nỗi mong ngóng có cháu chắt cùng nhiệm vụ khai chi tán diệp cho nhà họ La, đại phu nhân còn đính kèm thêm danh sách một loạt thông tin và tranh vẽ của những thiên kim tiểu thư ở kinh thành lẫn phụ cận, "nhẹ nhàng" bảo nhi tử phải gửi tranh vẽ chính hắn đến cho từng người để đáp lại. Mục đích của chuyện này quá rõ ràng, chẳng phải là do đại phu nhân đợi không nổi nữa, đành phải đích thân ra tay "tuyển tú" cho nhi tử hay sao?

Tập tranh đính kèm trong thư tuy chỉ vẽ chưa đến mười người, thế nhưng ai nấy đều hoa nhường nguyệt thẹn, muốn tuyệt sắc có tuyệt sắc, muốn thông minh có thông minh. Đúng là La đại phu nhân đã bỏ thật nhiều tâm huyết vào chuyện hôn nhân đại sự cho nhi tử. Có điều La tri phủ lại nhìn mà ngao ngán, vò đầu bứt tóc không biết làm sao để có thể cho qua vụ này mà vẫn không làm phật lòng mẫu thân. Thấy hắn trong bữa ăn cũng thở dài không dứt, Hoàng sư gia liền dứt khoát nói, đôi mắt hừng hực như có lửa.

"Đại nhân chớ lo nghĩ mà quên ăn quên ngủ. Học trò xin mạn phép thay đại nhân giải toả ưu phiền."

La tri phủ mừng như bắt được vàng, hỏi sư gia nhà mình rằng đã nghĩ ra cách gì sao, nhưng chỉ nhận được một câu "thiên cơ bất khả lộ" và nụ cười tủm tỉm để lộ hai má bánh bao của y mà thôi. La tri phủ nửa tin nửa ngờ, thế nhưng cũng vui vẻ gật đầu, quyết định tất cả đều nghe theo sư gia.

"Sau khi xong chuyện, ta sẽ dẫn sư gia đi ăn lẩu chua cay ở tửu lâu xa hoa nhất huyện."

"Thành giao."

Vậy mà Hoàng sư gia thành công thật! Gần một tháng sau đó, bồ câu đưa thư từ các vị thiên kim tiểu thư bay đến La phủ, dù viết dài hay viết ngắn, viện lý do này hay duyên cớ nọ, tất cả đều tỏ ý từ chối, không muốn La tri phủ làm rể nhà họ. Dĩ nhiên, sau đó Hoàng sư gia rung đùi ngồi bên nồi lẩu đỏ au đang sôi sùng sục, trong khi đó La tri phủ vừa trút dĩa tôm trứng tươi rói vào nồi, miệng không ngừng khen ngợi Hoàng sư gia, nào là thông minh tuyệt đỉnh, anh tài đất nước, báu vật quốc gia,... có bao nhiêu văn hay chữ tốt đều mang ra dùng cả. Hoàng sư gia tài giỏi như vậy, khen bao nhiêu cũng không đủ!

Phần La đại phu nhân thì đã giải quyết êm xuôi, thế nhưng tiếp đến, Lý quân trưởng Lý Đế Nỗ lại không chịu tha cho hắn. Thật ra so với việc mẫu thân hối thúc chuyện thành thân, chuyện Lý quân trưởng nhờ La tri phủ điều ba trăm quân lâu nay vẫn nuôi ở phụ cận đến thành Tây - nơi đang xảy ra hạn hán trầm trọng - để giúp quân đội đào đất tìm nguồn nước đối với hắn dễ như trở bàn tay. Năm nào tri phủ cũng cử người đi cứu tế bá tánh gặp nạn, ngay cả La tri phủ và Hoàng sư gia cũng đích thân có mặt để tự mình điều phối, có thể nói là kinh nghiệm dồi dào. Tuy nhiên lần này địa điểm lại là thành Tây, đường đi lẫn về mất khoảng mười ngày nửa tháng, cả hai người bọn họ không thể đóng cửa nha môn để cùng đi được, mà La tri phủ cũng không muốn để Hoàng sư gia bôn ba cực khổ, cho nên hắn đành phải tâm trạng ủ rũ mà gói ghém hành lý chuẩn bị lên đường một mình. Hơn hai năm làm tri phủ, chưa bao giờ hắn phải giải quyết công việc mà thiếu Hoàng sư gia!

Khi đại quân đã rầm rập khởi hành, La tri phủ một tay siết chặt chiếc túi lụa chứa thảo dược mà Hoàng sư gia dặn dò hắn phải luôn mang theo bên người để phòng côn trùng, một tay vén tấm màn mỏng ngoái nhìn thân ảnh nhỏ bé đứng trước cửa phủ kia đang xa dần ra khỏi tầm mắt. 

(*) Câu đầy đủ của Khổng Tử "Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động", có nghĩa là "không nhìn điều sai, không nghe điều bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro