1. Thế tử Phan Phục Linh
Hồng Đức năm thứ mười.
Trấn Ái Tử, phủ chúa Phan.
Giờ Thìn, tiếng trống chầu vang lên. Các quan lại trong Nội Phủ mặc áo lam, áo tím lũ lượt vào chầu chúa. Các ngài đi chân đất vào sân chầu lát đá, đi qua một hàng binh lính cầm giáo dài. Khi nhìn thấy bóng dáng chúa ngự trên đài cao, các ngài mới kính cẩn quỳ rạp xuống, đồng thanh hô:
“Chúa thượng thiên tuế!”
Trên đài sơn son lộ thiên, Thái Ninh Vương (chúa Phan) đang ngự trên ghế rồng bằng vàng ròng. Ngài diện triều phục đỏ rực, đằng sau lưng và trên ngực áo thêu hình rồng vàng đang giang cánh. Mái tóc dài được vấn lại gọn gàng; đội mũ xung thiên, điểm những hoa văn thiếp vàng lấp lánh.
“Bình thân.” Thái Ninh Vương khoát tay, nhàn nhã nói.
Phía bên cạnh là hai hoạn quan đang ngồi quỳ để hầu trà, đồng thời để chuyển lệnh của chúa tới các quan. Đằng sau lại là một dàn nữ tỳ xinh đẹp cầm quạt và che lọng vàng.
Dưới đài, người ta bày biện rất nhiều nghi trượng. Cờ và lọng đều ánh lên màu vàng kim rực rỡ, hàng vũ khí thì bóng loáng dưới ánh mặt trời.
“Sắp tới, là lễ Tứ tuần đại khánh của vua Hồng Đức.” Thái Ninh Vương ngồi trên cao, đưa mắt nhìn xuống quần thần và nói: “Ta nghiễm nhiên được mời tham dự yến tiệc. Các ngươi có cao kiến gì không?”
Tuy rằng Bắc triều và Nam triều luôn âm thầm đấu tranh, nhưng mối quan hệ ngoài mặt giữa vua Hồng Đức và Thái Ninh Vương vẫn là quân - thần thân thiết và hòa hoãn. Việc Thái Ninh Vương đến tham dự lễ Tứ tuần đại khánh là một chuyện tốt, không chỉ làm theo đúng lễ nghĩa, mà còn xoa dịu nỗi lo lắng của dân chúng hai đàng.
Tuy nhiên, nghe giọng điệu của Thái Ninh Vương, những quan lại tinh ý sẽ biết rằng ngài không muốn đi.
Một viên quan võ đội mũ cong gắn lông ngựa, hùng hổ tiến lên và tâu:
“Muôn tâu Chúa thượng, nghe nói Thánh thượng gần đây long thể giảm sút, cần được bồi bổ. Thần thiết nghĩ cống phẩm của Đàng Trong năm nay phải là sừng tê giác và ngà voi, kỳ nam, mật ong và quế ạ.”
Viên quan võ vừa dứt lời, những vị quan lại xung quanh đều toát mồ hôi hột, chỉ sợ làm phật ý của Thái Ninh Vương. Rõ ràng, hàm ý trong câu nói của Thái Ninh Vương là hỏi ý các quần thần rằng mình nên tham dự yến tiệc hay không, chứ không phải mình nên tặng cống phẩm là gì.
Một viên quan văn đội mũ tiến sĩ thếp vàng, đành vội vàng bước lên và kính cẩn tâu:
“Dạ muôn tâu Chúa thượng, thần lại thấy hiện tại đang là mùa xuân, thời tiết Đàng Ngoài vô cùng lạnh giá. Nghe nói, thời điểm này năm ngoái, thành Thăng Long đã có tuyết rơi. Chúa thượng lại phải vượt ngàn dặm đến kinh sư, vừa mệt mỏi, lại không thích nghi thời tiết, rất dễ suy tổn đến thánh thể ạ.”
Lời lẽ hợp tình hợp lý, giống như gãi vào chỗ ngứa của Thái Ninh Vương. Hiển nhiên, ngài liền chống cằm, giọng nói ẩn chứa niềm thích thú:
“Ồ, vậy thì ta phải làm sao?”
Viên quan văn liền mạnh dạn thưa tiếp:
“Dạ thưa, thần thiết nghĩ Chúa thượng nên dùng lý do chính đáng để ở lại trong phủ, cống phẩm thì vẫn được binh lính vận chuyển ra Đàng Ngoài.”
“Vậy, lý do chính đáng là gì?” Thái Ninh Vương lại hỏi.
“Dạ, tỉ dụ như… gần đây Chúa thượng bị trúng gió, cộng thêm tuổi cao sức yếu, âm dương đều bị tổn hại, không chịu được đường xá xa xôi…”
Viên quan văn chưa nói hết câu, các quan lại đã nghe thấy tiếng cười vô cùng sảng khoái của Thái Ninh Vương. Điều này có nghĩa là cao kiến vừa rồi rất vừa ý của ngài.
Viên quan võ vừa rồi liền cảm thấy ghen tị vì không được tán thưởng, lại tiến lên để trình bày ý kiến:
“Nhưng thưa Chúa thượng, nếu chúng ta chỉ có chút cống phẩm do một lũ binh lính mang đến chính là bất kính với nhà vua. Xin Chúa thượng suy xét lại ạ.”
Quả thật, nếu Thái Ninh Vương không đến, đám người ở Đàng Ngoài sẽ nói rằng chúa ở Đàng Trong quá ngạo mạn, vô phép tắc. Đúng là “tiến thoái lưỡng nan”.
“Ngài đã quên rằng chúng ta còn có Thế tử hay sao?” Viên quan văn lại không cho vậy là đúng, liền phản bác: “Thế tử hoàn toàn đủ tư cách đại diện chúa, vào cung chúc tụng Thánh thượng.”
Nghe vậy, vị quan viên làm việc trong Đông cung liền đứng ra lên tiếng:
“Thế tử vốn đang chinh chiến ngoài biên cương, dẹp loạn quân Chân Lạp. Ngài nghĩ, Thế tử có thể về kịp để—”
Leng keng, leng keng.
Lời nói của vị quan viên còn chưa dứt, bên ngoài sân chầu đã truyền đến loạt âm thanh ồn ào, huyên náo. Các quan lại cũng xì xào, ngó nghiêng xem chuyện gì đang xảy ra. Nào ngờ, lính gác cổng chưa kịp đi vào bẩm báo, thì đã có một người con trai phấn khích chạy vào.
Người con trai ấy mặc áo giáp bạc lấp lánh, mỗi bước chân đều tạo ra âm thanh “leng keng, leng keng” đầy khí thế. Áo choàng đỏ như lửa, trên bao tay và thắt lưng bằng da đều tô vẽ hoa văn cầu kỳ. Tóc dài được cột lại bằng dây vải đỏ, một tay ôm mũ giáp, một tay xách theo súng hỏa mai.
“Bái kiến phụ vương!”
Người con trai vội vàng cúi người hành lễ. Hóa ra, đây chính là con trai trưởng của Thái Ninh Vương - Đông cung Thế tử Phan Phục Linh. Chiến trận vừa kết thúc, Thế tử đã cưỡi ngựa một mạch trở về để báo tin thắng lợi cho cha, thậm chí còn chưa kịp thay triều phục.
Ánh mắt của Thái Ninh Vương liền sáng lên, không khỏi thầm khen ngợi tư chất lẫn dung mạo của người con trai này. Mặc dù Thế tử lên triều mà vẫn chưa tắm rửa, lại còn phạm phải điều tối kỵ là mang vũ khí lên sân chầu, nhưng người vẫn dung túng cho qua.
“Đứng lên đi.” Thái Ninh Vương nhìn xuống, cười nói với con trai mình: “Ta đã nghe kể về chiến công của con rồi. Lần này, nhất định phải thưởng thật lớn.”
Nghe vậy, Thế tử Phan Phục Linh liền chống hỏa mai để đứng dậy, trên môi nụ cười rạng rỡ như ánh dương. Hắn mới chỉ là thiếu niên mười bảy, được cha ban thưởng tất nhiên là không giấu nổi sự vui mừng.
“Tạ ơn phụ vương. Nếu như người đã cho phép, con cũng xin thưa ạ.”
“Đương nhiên rồi.” Thái Ninh Vương cười lớn: “Con cứ nói đi. Vàng bạc châu báu, kỳ hoa dị thảo, cung tần mỹ nữ, lâu đài hay cung điện, ta đây chẳng thiếu thứ gì cả.”
Vốn tưởng rằng Phan Phục Linh sẽ đòi hỏi những của cải, vật chất cao sang. Nào ngờ, hắn lại chỉ duỗi vai vài cái để thư giãn gân cốt, đồng thời nói:
“Con muốn có một kỳ nghỉ dài. Mỗi ngày không phải lên lớp học của Quan ngự sử thôi ạ.”
Thái Ninh Vương: “...”
Quần thần xung quanh: “...”
Quan ngự sử chỉ muốn tìm một cái mo để che mặt: “...”
Thật là mất mặt quá.
Thực ra, phàm là người trong Nội Phủ, ai ai cũng ngầm biết: Thế tử Phan Phục Linh là một bậc anh tài trong quân sự. Dung mạo xuất chúng, khí chất cao quý, phong thái hiên ngang, không sợ trời, cũng chẳng sợ đất. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của Thế tử chính là… sách thánh hiền.
Nửa chữ cũng không thuộc.
Dù cho Thái Ninh Vương đã đổi cho Phan Phục Linh biết bao nhiêu vị giáo đạo, hoặc là cắt bổng lộc để trừng phạt… hắn vẫn chứng nào tật đấy. Nén hương vừa mới thắp, mép sách chưa kịp lật, hắn đã chống tay lên bàn, ngủ gật một cách trang nhã.
Ngay phần thưởng cho chiến công sau bao ngày chinh chiến cũng là nghỉ học, vậy mới biết Phan Phục Linh ghét sách vở đến nhường nào.
Điều này thành công khiến cho Thái Ninh Vương nổi giận, tâm trạng tốt đẹp vào sáng sớm đã bay biến. Người chỉ tay về phía con trai mình, gằn giọng quát:
“Mười mấy đời Thế tử, có ai lại lười học giống như ngươi không? Ngươi đúng là một vết nhơ trong vương tộc. Đã vậy, sẽ không có một kỳ nghỉ nào hết!”
“Nhưng, thưa phụ vương…”
Phan Phục Linh vẫn chưa biết sợ, định rằng sẽ tiếp tục thuyết phục cha mình. Nào ngờ, Thái Ninh Vương ngay lập tức chặn họng hắn, quả đúng là không ai hiểu con hơn cha:
“Ta sẽ trừng phạt ngươi. Ngươi sẽ thay ta ra Đàng Ngoài, tham dự lễ Tứ tuần đại khánh của vua Hồng Đức. Ba ngày nữa phải khởi hành. Biểu hiện cho khôn khéo, đừng để ai biết được ngươi ngay cả Tứ Thư, Ngũ Kinh cũng chưa thuộc, hiểu chưa?”
Phan Phục Linh vừa nghe đến hai chữ “Đàng Ngoài”, toàn thân đã vô thức ngứa ngáy. Do bị ảnh hưởng tư tưởng từ cha và các quan đại thần, hắn cực kỳ ghét Đàng Ngoài, đặc biệt là người trong hoàng tộc.
Vị quan viên làm việc trong Đông cung dưới trướng Thế tử, nên tất nhiên đứng ra bênh vực cho hắn:
“Thưa Chúa thượng. Thuở ấu thơ, Thế tử của chúng ta và Đông cung Thái tử đã có hiềm khích. Thần nghĩ, nếu để Thế tử tham dự yến tiệc, hai vị điện hạ gặp nhau, e rằng sẽ lại gây ra phiền phức lớn.”
Nghe vậy, Phan Phục Linh liền gật đầu, tỏ ý vô cùng tán thành.
Đây cũng là điều mà Thái Ninh Vương đau đầu từ lâu. Nhưng người vẫn muốn để Thái tử ra Đàng Ngoài một chuyến, vì đây sẽ là một cơ hội tốt để sửa bản tính ấu trĩ và xốc nổi của hắn. Vậy là người mặc kệ các quần thần khuyên ngăn, từ trên cao ném xuống tấm thẻ vào cung cho Thế tử:
“Ta không cần biết trong quá khứ các ngươi có hiềm khích gì. Nhưng một khi đã đặt chân đến hoàng cung, ngươi phải tỏ ra mình là một chính nhân quân tử, không chấp nhặt chuyện cũ. Đông cung Thái tử không phải kẻ tầm thường, nghiêm cấm ngươi dây vào, hiểu chưa?”
Phan Phục Linh cắn môi, biết rằng mình không thể lay chuyển được cha nên chỉ có thể hành lễ chấp thuận:
“Nhi thần… tuân mệnh.”
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro