Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 7

Chương 7

Mấy hôm rày quang cảnh trước cửa nhà của ông Tám có mòi trở nên ồn ào náo nhiệt hẳn lên , khác với vẻ vắng teo yên tỉnh như mọi khi . Chẳng biết từ đâu , một gánh hát dạo mò tới chọn cái sân đình ngang nhà của ông để căn rạp trình diễn . Sân khấu , màn che , sáo phủ đâu đó dàn dựng xong xuôi . Đó đây giăng mắc tòn ten nhưng tấm phong quãng cáo sặc sở , hình ảnh đào kép cũng được treo tứ tung xung quanh rạp , màu mè hoa lá cành trông thiệt là bắt mắt . Cộng thêm tiếng nhạc xập xình khiến cho không khí càng thêm tưng bừng náo nhiệt , có thể so sánh còn hơn cả những dịp lễ hội cúng tế đình làng hằng năm nữa .

Nhưng tất cả sự chuẩn bị sẳn sàng đó chỉ để người qua kẻ lại và đám con nít hiếu kỳ trầm trồ ngắm nghía chơi thôi chớ gánh hát thì chưa diễn tuồng ra mắt bà con được . Bởi lẻ họ còn đang nằm dài mà chờ thời … tiết . Chẳng biết mắc cái chứng gì mà lóng rày ông trời ổng cứ mưa mãi , mặc dù đang tiết Lập đông sắp Tết .

Ông Bầu Dục . Tên thật của ông vốn là Đực , nhưng đã đổi lại thành Dục khi lên làm bầu của gánh hát Tiếng Ve Sầu này . Tưởng đổi lại cho nó nghe thanh tao một chút vì ông nghĩ cái tên Đực cho chỏi lỗ tai quá , thô tục quá . Nhưng khi sửa lại thành Dục rồi thì ráp lại với chữ Bầu chỉ vai vế của ông mới ra cái tên Bầu Dục , thoáng nghe cũng kỳ cục hết sức . Nhưng thây kệ nó , Bầu Dục có vẻ thanh tao hơn Bầu Đực , chỉ trách là trách tía má của mình ngày xưa hổng chọn cho một cái tên văn hoa chút xíu cho nên bây giờ tên họ đã rõ ràng ghi trong thẻ căn cước rồi , có thay đổi chút xíu như bỏ đi dấu ư và cái gạch ngang của chữ Đ rồi cứ đổ thừa cho cái ông thư ký làm giấy khai sanh đánh mấy lộn là xong .

Nhìn thời tiết âm u , ông Bầu Dục cứ ngồi rầu rầu mà chờ đợi mãi . Tiền thì chẳng thấy vô được đồng nào mà gạo trong bao cứ vơi dần theo mỗi ngày ba bửa ăn của bọn đào kép . Ông đâm lo lắng ngồi đứng chẳng yên , nếu tình trạng mưa gió này cứ kéo dài thêm vài ngày nữa thì Tiếng Ve Sầu của ông sẽ trở thành Tiếng Ăn Mày mất . Úy , ông khẻ chép miệng nói một mình:

- Thì một trong ba ông tổ nghề của mình cũng là ăn mày chớ là cái gì !

Nhìn lên trời thì mây xám âm u , nhìn xuống đất thì bùn sìn lầy lội , dù có lạc quan tới đâu thì ông Bầu cũng phải lo toan tính trước . Vốn là người có tánh hay lo xa , bởi lèo lái cái gánh hát dạo te tua này hơn chục năm nay , mà lúc nào nó cũng bấp bênh ba chìm bảy nổi , thế cho nên cái kinh nghiệm bầu tèo đã dạy cho ông tốt nhất là lúc nào cũng biết phòng xa và hà tiện . Đã ba hôm rồi ông bầu đã nhìn ra cái viễn ảnh không mấy lạc quan của Tiếng Ve Sầu trên cái sân đình Cái Trăm dưới trời mây mưa giông gió này . Nếu được lên sân khấu hò hát ngày nào thì ngày đó còn có cháo cơm đấp đổi , ngược lại cứ cà nhỏng cả đám kiểu này ba hôm liền như vậy thì nồi cháo cầm hơi cũng khó có rồi chớ nói gì đến chén cơm nóng hổi cùng dĩa thịt kho tiêu .

Suy đi tính lại , ông nãy ra ý định kéo cờ thu dọn tìm nơi khác cho xong . Nhưng dù trong bụng đã quyết định ra đi , ông bầu vẫn còn do dự . Mỗi một lần dọn đi là một lần tốn kém , chẳng những hao tiền tốn của mà còn phải bỏ ra vài ngày ăn hút để đi dò la tìm địa điểm mới . Những vùng khỉ ho cò gáy này mà lại có một địa thế trống trãi như cái sân đình ở đây thì quả thật là hiếm . Vì ngại phí công e tốn của và tiếc hùi hụi cái sân đình Cái trăm đầy hứa hẹn này nên ông bầu Dục vẫn còn phân vân chưa quyết định vội . Phân vân chưa quyết định được gì nhưng khi nhìn lại một bầy phu thê tử ăn không ngồi rồi , một đám thất nghiệp đang cố bám vào cái túi tiền còm sắp cạn của mình thì ông bầu càng rũn chí , hết muốn nghĩ gì ráo !

Gánh hát càng ế ẩm có mòi sắp rả đám tới nơi thì ông bầu càng tỏ ra tin tưởng nhiều hơn đối với ông Tổ của nghề . Chứng tỏ lòng thành của ông là những cây nhang liên tục nghi ngút khói và đám đào kép lúc nào cũng bị ông làm phiền bằng cách luôn miệng nhắc nhở họ là hằng đêm , bắt buộc làm cái gì thì làm nhưng phải lên bàn thờ tổ thành tâm khói nhang khấn nguyện ít nhất một lần mới được .

Chiếc bàn thờ tổ , còn gọi là khánh tổ được ông mang từ chiếc ghe bầu đậu dưới bến con rạch lên và trân trọng đặt trong góc của ngôi đình làng , ngay bên cạnh tấm bình phong có hình rồng vàng uốn khúc . Trên đó có đặt ba cái tượng mà ông kính cẩn gọi là Tam vị Thánh tổ , tức ba ông tổ ngành cải lương .

Ông Từ Quỷnh là người chuyên lo hương đăng trà quả cho bàn thờ tổ của gánh hát , một nhiệm vụ thiêng liêng chỉ để dành cho những anh kép già sống lâu lên lão làng phụ trách , vì bàn thờ tổ của gánh hát vốn là một nơi thiêng liêng nên cần người có uy tín trong gánh hát trông chừng ngày cũng như đêm .

Lúc này gánh hát đang ế độ , đào kép chẳng phải tập dợt tuồng tích gì cả nên mạnh ai muốn đi đâu thì đi , muốn làm gì thì làm miễn đừng có bỏ gánh mà trốn là được . Mà họ có làm cái gì đâu , toàn là một đám vô công rỗi nghề , hết đi rong trong xóm thì trở về lại ngôi đình làng ngáp vặt , ngủ nghỉ tùy thích .

Con Tám Sàng Sê tuy nó đã theo gánh hát hơn hai năm , nhưng nó chưa bao giờ thấy ông bầu Đực siêng năng cầu nguyện như mấy ngày nay . Một hôm khi tới đốt nhang bàn thờ tổ , nhân lúc rảnh rổi nó ngồi lại lân la hỏi chuyện ông Từ Quỷnh .

Ngước nhìn bàn thờ tổ có tới ba cái tượng , nó có hơi thắc mắc trong bụng vì hổng biết tượng của ông nào mới là ông Sáu Lầu . Vì nó nghe người ta nói ông tổ của nghề là ông Sáu ở dưới Bạc Liêu cho nên nó cứ tưởng đất Bạc Liêu mới phải là thánh địa của nghề ca cổ , cải lương . Tám mới tò mò lại gần hỏi ông Từ Quỷnh :

- Bác Hai ơi , trên bàn thờ tổ sao có tới ba cái tượng lận ? Bác mần ơi chỉ cho con biết cái tượng nào là tượng của ông Sáu dưới Bạc Liêu .

Ông Từ Quỷnh đưa tay lên môi ra hiệu cho nó nói nhỏ nhỏ như sợ sệt điều gì :

- Con Tám mày có phải đương nói ông nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở dưới Bạc liêu đó hả ? Ổng còn sống nhăn răng dưới ấy mà tổ tiếc gì mậy . Nói thấu tai người ta người ta cào nhà bây xuống sông bây giờ .

(Ông Cao Văn Lầu mất năm 1976 vì truyện này viết ở bối cảnh năm 1974 lúc ấy nhạc sĩ Sáu Lầu vẫn còn sống)

Con Tám ngạc nhiên tròn mắt , nó nói trớ đi :

- Ủa vậy sao Bác . Vậy mà xưa nay con cứ tưởng ông Sáu ở dưới Bạc liêu mới là ông tổ nghề của mình chớ ? Con nghe người ta ai ai cũng nói như vậy mà bác .

Từ Quỷnh lắc đầu nguầy nguậy :

- Hổng có phải vậy đâu . Thiên hạ người ta nói bậy nói bạ rồi bây nghe theo đi ăn nói quàng xiêng kiểu đó coi chừng ông bầu ổng nghe được thì phiền đa . Ông Sáu Lầu tuy là cha đẻ của bản Dạ cổ hoài lang chớ dứt khoát không phải là tổ nghề của mình đâu . Để từ từ rồi tao kể hết ra cho mà nghe ai là tổ nghiệp của mình .

Đoạn ông quay sang bà vợ :

- Má con Ba à , bà sanh đẻ và lớn lên ở Bạc Liêu . Bà có đọc sách học chữ và biết rất rõ gốc tích của ông nhạc sĩ đất Bạc liêu . Đâu bà kể ra cho con Tám nó nghe để nó biết chớ hông thôi nó nói bậy nói bạ nghe chỏi cái lổ tai tui quá .

  Bà Từ đã có hơn nửa cuộc đời nổi trôi theo gánh hát , từ những gánh đại bang nổi tiếng cho đến những gánh mạt hạng te tua như Tiếng Ve Sầu hôm nay . Cuộc đời thăng trầm của cô đào về chiều đã không còn đất dụng võ nữa nhưng cái nghiệp dĩ nặng nề quá khiến cho bà từ bỏ không dứt . Ánh đèn sân khấu đối với bà lúc nào cũng hấp dẫn một cách kỳ lạ cho dù hiện thời bà đã giã từ sân khấu chỉ phụ việc bếp núc chợ búa phục vụ các bửa ăn hàng ngày cho đào kép trong đoàn . Tuy nhiên cái kiến thức sân khấu cùng những giai thoại có liên quan đến các nghệ sĩ , nhạc sĩ , soạn giả cải lương nổi tiếng bà vẫn nhớ nằm lòng . Nghe chồng hỏi , bà vui vẻ dòm con Tám Sàng Sê cười hóm hỉnh nói :

- Ông Sáu tuy không phải là tổ nghiệp của cải lương nhưng người mình cũng kính nễ ổng lắm . Ổng tên thiệt là Cao Văn Lầu , người Bạc Liêu . Ổng sanh năm 1892 lận ở xóm Cái Cui làng Chí Mỹ , quận Vàm cỏ tỉnh Long an . Tới năm 1921 , ông Sáu mới theo gia đình dọn xuống Bạc liêu lập nghiệp rồi ở luôn cho tới ngày nay .

  Bà Từ ngừng một chút như cố ôn lại trong trí cái dĩ vảng của một nhạc sĩ tài hoa , đoạn bà lên tiếng kể tiếp :

- Hồi còn nhỏ , ông Sáu được cho đi học chữ Nho rồi tới chữ Quốc ngữ . Học đâu tới lớp nhì năm thứ hai . Lớp nhì hồi đó tức là lớp bốn bây giờ đó bây . Sau đó ông quy y tại chùa Vĩnh Phước Bạc Liêu được một thời gian , ông trở lại đời rồi học nhạc lễ . Ông Sáu là một trong những môn đệ giỏi của vị nhạc sư Lê Tài Khị , ông sử dụng rành rẽ đờn tranh , cò , kìm rồi trống lễ nữa .

  Đến đây thì ông Từ Quỹnh chen vào như để cho bà vợ nghỉ ngơi lấy hơi :

- Hễ nhắc tới ông Sáu Lầu là người ta nhớ ngay tới bản Dạ cổ Hoài lang , bản nhạc này được coi như là tiền thân của bản vọng cổ ngày nay . Bản này ông Sáu viết gồm 20 câu , nhịp 2 để trút nỗi niềm tâm sự của lòng mình . Cái câu “Tam niên vô tử bất thành thê” có nghĩa là vợ chồng ăn ở với nhau ba năm mà hổng có con thì người chồng có quyền bỏ người vợ cũ để lấy người vợ mới , hầu có con nối dõi tông đường đó mà . Vì hồi đó , nếu vợ chồng ăn ở với nhau mà hổng có con thì người ta trút tất cả mọi lỗi về phần người vợ . Ứ hự , cái này mới là chuyện bất nhơn hết sức .

  Ông từ ngưng lại , đưa tay đón cái dĩa trái cây từ một gã kép hát kiêm phụ việc lặt vặt mới mua ở đâu đó mang vào . Trong dĩa lèo tèo một chùm chôm chôm đỏ lòm cùng hai ba trái ổi xanh lét . Ông trịnh trọng hai tay đặt cái dĩa trái cây lên bàn thờ tổ đoạn xá ba xá rồi mới quay lại với tụi đào kép tò mò nghe kể chuyện đứng phía sau ông . Ông chậm rãi kể tiếp :

  - Ông Sáu vốn thương vợ nhưng không dám ra mặt chống đối với song thân vì đó là nghiêm lệnh của gia đình . Ông không đem cô vợ trả lại gia đinh bên vợ mà âm thầm đem gởi nhờ ở một gia đình quen biết , có mối cảm thông sâu sắc cho tình cảnh chia uyên rẻ thúy của ông .

    Bà Từ Quỷnh kéo xệ cái khăn trên vai xuống chậm chậm vào đôi mắt . Nước mắt nghệ sĩ quả thật không thiếu , dù là nghệ sĩ về chiều . Có lẽ bà đang mơ tưởng tới tình cảnh trái ngang đau lòng của người đàn bà thời trước , chỉ vì vướng vào đại tội không con mà phải đổ vỡ một đời , hương phai một kiếp . Bà trầm buồn , kể với giọng bi thiết :

- Trong một thời gian dài , phu thê phải cam chịu cảnh “đêm đông gối chiếc cô phòng” , tâm tư đè nặng bởi mối u hoài nên nhạc sĩ Sáu Lầu mới đêm đêm mượn tiếng đàn ai oán cho bớt nỗi muộn phiền của lòng mình , vì ông cũng dư biết là cô vợ cũng mang cùng một tâm trạng như ông . Bản Dạ cổ hoài lang được ra đời trong một hoàn cảnh đau lòng như vậy đó mấy đứa .

Ông Từ cũng góp tiếng cùng bà :

  - Nói tới cổ nhạc thì mình phải biết chút đỉnh lai lịch của bài Dạ cổ hoài lang để hông thôi nói bắt quàng râu ông này cắm càm bà kia thì trật bàn đạp , người ta nghe người ta cười thúi đầu , cho là đào kép hát gì mà hổng biết cái gì hết trọi . Trong cái thời gian mà tác phẩm của ông Sáu Lầu còn chưa hoàn chỉnh thì ổng thường cùng với mấy anh em tài tử ở quanh vùng đờn tới đờn lui để lấy ý kiến của đồng nghiệp vậy mà . Khi họ đờn ca thì có tiếng chuông trống công phu trong chùa ngân vang trong đêm cho nên mấy anh em nhạc sĩ đất Bạc liêu nhớ lại cái thời ông Sáu Lầu còn nhỏ , lúc ổng thọ giới sa-di tại chùa Vĩnh Phước , là chú tiểu từng đánh trống dộng chuông công phu hai buổi sớm chiều bèn đề nghị thêm hai chữ Dạ Cổ tứ là tiếng trống về đêm cho ý nghĩa thêm sâu đậm . Ông Sáu hoan nghênh đồng ý ngay cho nên bản nhạc có tên hoàn chỉnh là Dạ cổ Hoài lang tức là đêm nghe tiếng trống nhớ chồng .

   Câu chuyện bắt đầu bằng thắc mắc của con Tám Sàng Sê rồi chuyện nọ bắt chuyện kia , khiến cho đám đào kép rảnh rổi có hơi tò mò từ từ kéo tới ngồi quanh vợ chồng ông Từ Quỷnh để nghe kể chuyện xưa , chuyện liên quan đến nghề nghiệp của chính mình . Trước đám đào kép hạng hậu bối quây quần đông đảo , đào già Tư Ngang , tức bà Từ Quỷnh cũng vui lây như trở về với cái thuở còn huy hoàng trên sân khấu . Bà giảng giải thêm về gốc tích của bài cổ nhạc đầu tiên , bài Dạ cổ hoài lang thoát thai từ đất Bạc liêu , xứ sở thân yêu của bà mà đã từ lâu cứ ngược xuôi phiêu bạc đó đây với Tiếng Ve Sầu nên ít có thời gian để trở về thăm nguyên quán . Bà nói :

  - Bài Dạ cổ hoài lang , đứa con của nhạc sĩ Cao Văn lầu lúc nó khởi điểm từ nhịp 2 nhưng khi hòa nhập vào sân khấu cải lương thì hai soạn giả tiền phong là Tư Chơi tức là ông Huỳnh Thủ Trung cùng với Mộng Vân , tức soạn giả Trần Tấn Trung đã biến bản nhạc này từ 2 nhịp trở thành 4 nhịp . Bản Vọng cổ hoài lang 4 nhịp đầu tiêng là bản Tiếng Nhạn kiêu sương của soạn giả Tư Chơi viết vào năm 1925 . Rồi sau đó sau nhiều chặng đường phát triển , vọng cổ hoài lang được nâng lên 8 nhịp ở những thập niên 30 và 40 . Sau khi đổi tên thành Vọng cổ bỏ đi cái đuôi là hai chữ Hoài lang đi . Từ năm 1950 vọng cổ tăng lên nhịp 16 rồi 32 rồi tới bây giờ là nhịp 64 .

  Bà ngừng lại một chút như để ôn lại quá khứ , ôn lại chặng đường dài mấy mươi năm từ những ngày huy hoàng khi bắt đầu lao vào cái nghiệp đờn ca hát xướng cho đến khi sân khấu giã từ , đoạn đường đầy thăng trầm sóng gió . Cũng như sự thăng trầm của nên nghệ thuật cải lương mà hai ông bà đã có gần cả đời gắn bó với nó . Bài Dạ cổ Hoài lang nguyên thủy của nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng đã theo trào lưu mới mà thay đổi dần , khi mới khai sinh nó từ nhịp 2 theo chuyển thành nhịp 64 , từ cái tên mới thoát thai là Dạ cổ Hoài lang biến thành Vọng cổ của ngày hôm nay .

Bà nhìn con Tám Sàng Sê , nói như để chấm dứt câu chuyện vừa kể :

- Tổ nghiệp của cải lương hổng phải bác Sáu như bây tưởng đâu . Bởi vì bản Dạ cổ Hoài lang ra đời năm 1919 mà sân khấu cải lương của mình bắt đầu từ năm 1916 lận . Như vậy ông Sáu không phải là ông tổ cải lương mà chỉ là người khai sinh ra bản Dạ cổ hoài lang , rồi sau đó người ta mới biến nó thành Vọng cổ hoài lang , rốt cục là vọng cổ ngày hôm nay đó .

  Chuyện có mòi hấp dẫn nên đám đào kép rảnh rổi bu quanh càng lúc càng đông . Thằng Hề Oánh chạy lăng xăng đi rót nước mang tới cho ông bà Từ uống thông cổ để kể thêm chuyện . Bây giờ còn sớm chưa tới giờ lo cơm nước nên đào già Tư Ngang còn chưa vội gì . Vã lại mấy hôm nay chẳng có ca hát , tiền không vô được đồng nào vì vậy ông Bầu chẳng phát cho tiền ăn bao nhiêu , sáng đi chợ một lần thì tiền ăn trong ngày đã hết sạch cho nên buổi chiều , đào kép chỉ cơm nguội cầm hơi còn đồ ăn thì kho quẹt là món chính .

(Ông bạn già , đoạn này bà 6 Tét đọc sao đó nên bả thư cho tui hỏi ông coi sửa dùm hén)

((Tập 7 đoạn này tui đọc sao tới 3 hay 4 chử "cho nên". Ông hỏi Dũng coi bỏ bớt 2 lần "cho nên" được hong? Nếu hỏng được thì tui đọc lại đoạn này:

Bây giờ còn sớm chưa tới giờ lo cơm nước, nên đào già Tư Ngang cũng chưa vội gì . Vã lại mấy hôm nay chẳng có ca hát nên tiền không vô được đồng nào, vì vậy ông Bầu chẳng phát cho tiền ăn bao nhiêu , sáng đi chợ một lần thì tiền ăn trong ngày đã hết sạch, cho nên buổi chiều đào kép chỉ có cơm nguội cầm hơi, còn đồ ăn thì kho quẹt là món chính))

  Từ Quỷnh uống một ngụm nước rồi mới ngẫng lên nhìn vào khánh tổ một hồi đoạn trầm ngâm kể :

- Theo những gì tao biết thì hồi đó , khoảng đâu những thập niên 20 , các gánh cải lương mới nổi lên như gánh Thầy Năm Tú , gánh Thầy Thận , gánh Đồng Nữ điều không hề có bàn thờ tổ và dĩ nhiên họ cũng hổng có ba cái vụ cúng kiếng kiêng kỵ chi cả . Cho đến khi đoàn Tập Ích Ban của người Triều Châu ra đời ở Thốt Nốt mới thấy người ta bắt đầu thờ cúng tổ ngành . Bởi vậy về sau này người ta thỉnh các Khánh tổ , cốt tổ đều ở Thốt Nốt cả vì họ nghĩ gốc gác tổ phát sinh từ đó .

  Chợt có tiếng thắc mắc của một cô đào con chen vào :

- Bác Tư ơi , rồi mần sao mà tụi con bị cấm hổng cho mang guốc vông , dưới lại mắc võng phía sau sân khấu vậy bác ? Chắc cũng phải có lý do gì đó chớ chẳng không đâu hén bác ?

Bà Từ cười hiền hòa , kiên nhẩn cắt nghĩa :

- Chuyện cấm kỵ này là chuyện kiêng kỵ chung của đào kép mà bất cứ gánh hát nào cũng phải giữ . Nói về những điều kiêng cữ thì ôi thôi nhiều lắm , nhưng riết rồi người ta cũng bỏ bớt từ từ . Như bây giờ mấy đứa thấy đó .

Bà đưa tay chỉ về phía bàn thờ tổ :

- Khánh để thờ tổ thì tuyệt không dùng đến đinh để đóng mà chỉ ráp lại với nhau bằng mộng thôi vì tổ kỵ kim khí , còn cốt tổ thì tiện bằng gỗ của cây vông . Bởi vậy đào kép cải lương kỵ nhất là đi guốc vông .

Ông Từ Quỷnh tiến lại gần bàn thờ tổ , vẻ mặt nghiêm trọng như đang đối diện với bậc bề trên từ một cõi vô hình nào đó . Ông cung kính xá ba xá như để xin phép trước rồi mới quay sang đám đào kép , kẻ đứng người ngồi xung quanh , nói bằng một giọng nghiêm trang như ông giáo giãng bài :

- Còn cốt tổ thì cũng tùy theo nơi người ta thờ , có chỗ 6 ông có chỗ 4 ông không đồng nhất . Nhưng đứng hàng đầu là ba ông có thể cho là ba ông chánh , gọi là Tam vị Thánh tổ . Ông ở giữa khăn áo màu vàng , ông bên trái khăn áo màu đỏ và ông còn lại thì vận màu xanh . Mấy ông màu sắc lẫn lộn phía sau chắc có lẽ là những vị thủ quan cũng nên .

  Sau đó Từ Quỷnh chỉ vào từng cốt tổ tuần tự ông màu vàng rồi đến đỏ , sau chót là ông áo màu xanh . Chỉ tới đâu ông cắt nghĩa rành mạch tới đó . Theo lời của ông Từ thì theo truyền thuyết , ông ngồi giữa tức vận áo màu vàng là một vị hoàng tử đâu từ thời Đông Châu bên Tàu , ông Hoàng này thuộc loại phóng đãng ham vui , không khoái cái màn bái lạy mà ông cho là rườm rà thuộc triều nghi lễ mễ , cho nên mới lẻn trốn ra ngoại thành sống chung với dân phàm phu tục tử . Ông ngày ngày đi rong quanh chợ để kể lại cho bá tánh nghe chuyện thâm cung bí sử , chuyện cấm lưu truyền trong dân chúng để đổi lấy ngày hai bửa độ nhật . Ông Hoàng này cũng thuộc vào hàng miệng lưỡi thượng thừa nói năng lôi cuốn nên thiên hạ thường thì thích lắm , chẳng những thích mà họ còn tỏ ra hâm mộ đến cuồng nhiệt . Đến một ngày kia tin tức động trời này thấu tai triều đình thì nhà vua tức tốc sai người tới bắt ông Hoàng nghịch ngợm này về trị tội , cái tội thèo lẽo dám đem chuyện cấm trong cung ra ngoài nói tùm lum .

   Lúc quan quân kéo tới bủa giăng thiên la địa võng , ông Hoàng nột quá đâm ra hoãng hồn hết biết chạy theo hướng nào bèn leo tuốt lên ngọn cây vông mà trốn . Quân triều đình biết tỏng là ông ta đang đong đưa trên ngọn cây nên mang võng lớn võng nhỏ ra giăng mắc tứ phía rồi kêu gọi ông nhảy xuống . Nhưng ông ta biết thế nào về triều cũng bị xử chết cho nên thôi thì chết trên ngọn cây coi bộ đở hơn bị chém đầu máu me ghê quá . Cuối cùng thì ông bị chết khô trên ngọn cây vông . Do đó tượng của tổ thì khắc bằng cây vông , đào kép không được mang guốc vong . Lại một cấm kỵ nữa là mấy cái võng , đào kép không được phép mắc võng ở sân sau hậu trường hoặc dùng võng trong các tuồng hát . Đó là ông tổ chánh của ngành cải lương , tổ đã quyết tử vì nghệ thuật , nghệ thuật nói xấu vua !

  Cả đám đào kép mê mẫn lắng nghe như chính tụi nó được làm khán giả ngồi coi cải lương . Trong số cũng có những đào già kép cũ đã biết rõ nguồn gốc xuất xứ của Tam Vị Thánh Tổ nhưng ít khi nghe hai vợ chồng của Từ Quỷnh hợp tấu kể chuyện như thế này , khiến cho họ cũng cảm thấy thú vị , ngồi nghe chăm chú hết sức .

  Bà Từ Quỷnh bây giờ mới lên tiếng kể tiếp theo ông chồng của mình . Bà ngước nhìn cốt tổ phía bên phải , nghiêm giọng kể :

  - Vị tổ vận khăn áo màu đỏ có tên gọi là Hồng Tào Xạc . Ông ta là một ông ăn cướp biển đã hết thời nên bị triều đình truy lùng gắt quá , đến nổi ông ta phải cải dạng để trốn tránh . Lúc đi ngang qua ngôi chợ kia , thấy một chỗ có nhiều người bu quanh đông đảo nghe kể chuyện . Tuy là trọng phạm của triều đình nhưng ông cướp biển này cũng thuộc loại ham vui , hiếu kỳ liền trà trộn vào nhóm người bu quanh ấy để nghe ông Hoàng kể chuyện thâm cung bí sử . Nghe một hồi thì khoái quá nên ông bèn xin ông Hoàng cho mình làm gạt đờ co , theo chân bảo vệ ông Hoàng trong những ngày lang bạc kể chuyện kiếm ăn này . Nghề làm gạc đờ co này coi vậy chớ hổng có đơn giản chút nào , ngoài cái bổn phận chánh là lo cho sự an nguy cho ông Hoàng , còn phải đứng ra dàn xếp cho êm đẹp những vụ ăn quịt nữa , mà những cái vụ quịt này lại là chuyện xảy ra hàng ngày mới đáng tức . Ông ăn cướp hết thời lâu lâu cũng nổi máu cướp biển thượng cẳng tay hạ cẳng chân , đánh thôi mẻ đầu sứt trán mấy người nghe kể chuyện không chịu chi tiền thù lao sòng phẳng . Cũng vì ổng hung dữ quá nên người ta mến mộ ông Hoàng bao nhiêu thì lại run sợ trước ông em là Hồng Tào Xạc bấy nhiêu . Cứ theo cái thuyết nầy thì tự nhiên ăn cướp chẳng bao giờ ăn hàng của mấy gánh cải lương , thậm chí cho tới ngày hôm nay trong lịch sử cải lương chưa từng có một vụ gánh hát rong nào bị ăn cướp chận đường cướp của .

   Thằng hề Oánh nghe tới đây nó liền bật cười , thuận miệng thốt một câu nghe mà tự ái hết sức :

- Mà nếu chẳng có mấy truyền thuyết trên thì chắc ăn cướp cũng chẳng thèm ngó ngàng gì đến mấy cái gánh hát cải lương . Gánh đại bang nổi tiếng thì hổng nói gì , chớ như Tiếng Ve Sầu của mình thì nếu họ đánh cướp được đi nữa thì cướp được cái gì ngoài áo mão thùng thình màu đỏ màu xanh sặc mùi mồ hôi vì lâu ngày không giặt , cùng mấy cây gươm cùn , đao mẻ vô dụng đó chớ .

Từ Quỷnh nhìn thẳng vào mắt thằng hề Oánh . nghiêm giọng trách :

- Cái thằng ăn nói hổng coi trước coi sau , ông bầu mà nghe câu nói này của mầy là ổng cho mầy về quê cấm câu tức thời đó .

Cả đám đào kép cùng cười ồ lên như hả hê lắm . Đối với họ thì thằng hề Oánh này nói đúng quá rồi còn gì . Gánh hát te tua chỉ có chiếc ghe bầu là còn tương đối có giá trị chớ ngoài ra có thứ nào đáng để cho ăn cướp để mắt tới đâu .

Chắc đói quá nên người ta đâm ra dễ tánh , ông Từ Quỷnh chỉ trách nhẹ Oánh một câu rồi quay trở lại với câu chuyện Tam Vị Thánh Tổ còn đang dang dở của hai vợ chồng ông . Ông kể tiếp :

- Ông tổ thứ ba tức ông mặc đồ màu xanh có tên là Quách Dị . Ông này vốn đệ tử cái bang , thuộc loại ăn mày chính cống . Chẳng có tài cáng gì ráo mà cũng xin gia nhập nhóm hai người của ông Hoàng . Khi ông Hoàng kể chuyện thì Quách Dị mang cái nón lật ngữa chìa ra rồi đi vòng vòng hễ thấy ai lắng tai nghe thì xin tiền . Tùy hỉ nhiều ít hổng cần biết nhưng nghe cọp thì ổng hất cái đầu tóc rối bù ra để làm hiệu cho ông ăn cướp biển Hồng Tào Xạc ra tay dạy cho họ bài học để hết nghe cọp , tức là nghe mà hổng trả thù lao . Bởi cái thuyết như vậy cho nên sau này ăn mày dù có đói meo cũng chẳng thèm ngửa tay xin tiền đào kép hát , ngược lại đào kép cải lương cũng kiêng kỵ không bao giờ bố thí cho ăn mày dù là nửa xu một cắc . Vì họ vốn đã coi nhau như những người cùng chung một ông tổ .

Bà Từ bấy giờ cũng cất tiếng giải thích tiếp :

- Còn cái việc kiêng cữ của các gánh hát , nói riêng là cải lương như tụi mình thì quan trọng nhất cũng là cái bàn thờ tổ . Bàn thờ tổ là nơi phụng thờ , nơi linh thiêng cấm kỵ nhất là để cho người lạ mặt xúc phạm tới . Cũng như bất cứ đào kép nào trong đoàn không được phép mang trái thị chín đi ngang bàn thờ tổ , bởi vì làm như vậy Tổ sẽ đi theo trái thị kia mà bỏ đoàn hát hổng có phù hộ nữa . Không được mang đồ dơ đi qua bàn thờ tổ vì như vậy ô uế sẽ làm cho Tam vị Thánh Tổ kiêng kỵ bỏ gánh mình mà đi . Rồi cái đèn chưng trên bàn thờ cũng không được dùng nó để mồi thuốc hay mồi lửa , làm vậy sẽ bất kính với Tổ nghiệp của mình . Một điều cấm kỵ khác mà mình phải nhớ là không ai được đóng đinh hoặc để hoặc nhét một vật gì bằng kim khí ở trên hay ở dưới bệ lư hương của bàn thờ tổ , vì đó là hành động phá hoại , xúc phạm tới tổ nghiệp . Điều này gây xào xáo cho gánh hát , hoặc tan rã hoặc bầu gánh mất mạng cũng không chừng .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: