Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 52

  

Chương 52

  Có chút đồ ăn bỏ bụng , dằn được cái bao tử rồi thì nhóm thuyền nhân lang mang nghĩ chuyện sắp tới . Bốn mươi lăm mạng vừa trẻ vừa già , mấy bà mất của xuýt xoa còn mấy ông thì sợ lo đủ thứ . Xứ sở gì quái quỷ , dân với lính giống y như nhau , cùng là một lũ cướp rặt . Giờ phải biết làm sao . Chiếc tàu thì coi như bất khiển dụng , chung quanh là rào ngăn thêm lính gát , trên rừng dưới biển cả mênh mông . Bốn mươi lăm kẻ lạc loài này vừa mới khoát lên mình chiếc áo ly hương , nay phải nằm lại vĩnh viễn nơi đây là cái chắc .

  Anh thông dịch viên ngồi gần gia đình Bảy Tôn Tẩn , lắc đầu than thở bâng quơ :

  - Tụi đầu trâu mặt ngựa này ác đức thất nhơn thiệt nghen mấy cha . Đồ đạc của mình nó muốn lấy là lấy . Lấy mà còn chửi mình như con chó . Cái đó mới bực chớ .

  Bà vợ của lão chủ ghe lúc nãy bị đám dân làng giựt hết một mớ nữ trang , nhờ lời cảnh cáo của anh nào lúc nãy nên còn số còn lại mà mau mau vùi hết dưới cát nên đợt này bà thoát nạn . Bà lên tiếng hỏi :

  - Mà cái ông nào hồi nãy lên tiếng biểu bà con mình giấu đồ vậy cà ? Mần sao mà ổng biết hay quá hén .

  Một giọng khàn khàn trỗi lên từ phía sau gốc dừa , ngay bên trái chỗ gia đình anh Bảy đang định cư :

  - Tui qua xứ này một lần rồi bà ơi . Ở Bidong nhớ vợ quá nên tụi tui cướp ghe quay về Việt Nam để rước bả đi . Tụi Mã Lai này hễ thấy đồng bào mình là cướp sạch sẻ rồi đuổi đi . Hồi năm ngoái chuyến tui đi cũng bị nên biết tụi nó quá .

  Mọi người đang nằm rầu rỉ lo sợ , nghe thằng cha nào nói chuyện ngồ ngộ , cái gì mà đi tới đảo lại còn cướp ghe quay trở về rước vợ . Cha này chém chết cũng là thứ dóc tổ . Bảy Tôn Tẩn lấy làm thắc mắc , anh quay qua dòm thử coi cái diện mạo của hắn ra làm sao mà nói năng nghe ngon quá . À , thì ra tay này là một trong cái đám cầu thủ bị ăn báng súng no nê hồi nãy đây mà . Chiếc áo thun mang số 11 và cái quần sọt màu xanh dờn của hắn đã nói lên điều đó . Anh Bảy mới cất tiếng hỏi :

  - Anh bạn có nói thiệt hông ta ? Đã lọt ra tới đảo rồi mà còn quay về Việt Nam rước vợ ?

  Bà con đa số đều có cùng một thắc mắc chung giống như anh Bảy . Bao nhiêu nổi lo âu phiền muộn tạm thời gát lại , những cặp mắt tò mò đổ dồn về phía gã thanh niên có thành tích hai lần vượt biển . Anh ta tự dưng thấy mình được mọi người chú ý thì lấy làm khoái chí . Đang nằm gát đầu lên tàu dừa , chợt ngồi dậy cất giọng sang sảng đáp lại anh Bảy :

  - Vậy đại ca coi ở đảo có một mình ên , buồn thúi củ hủ . Có con vợ mới cưới đi hổng kịp đem theo , nhớ nó muốn chết . Tụi tụi năm thằng lén tụi Mã , tối mò ra cây cầu cướp một chiếc ghe kha khá rồi dông luôn . Cũng may phước , chiếc ghe của ai đó chưa bị tụi nó đụt cho chìm , với lại dầu trong ghe dự trự cũng còn bộn nên tụi này thẳng một lèo dìa tới Rạch Giá luôn . Lúc đó tụi này hết biết sợ là cái gì , kệ mẹ tới đâu thì tới chớ ở bển có một mình , buồn hổng có chịu thấu .

  Có một bà sồn sồn lên tiếng hỏi :

  - Rồi cậu có rước cổ đi theo luôn chuyến này hông ? Sao tui thấy cậu đây có một mình ên . Còn cổ đâu rồi he ?

  Chẳng cần biết ai đã hỏi mình , anh ta hậm hực đáp :

  - Vợ con gì nữa bà già ơi . Tui mới đi có một tuần thì nó xách gói dông theo thằng khác rồi . Bởi vậy tui buồn tui bỏ xứ đi luôn . Lang bạc xuống miệt Cần , rồi thời may thằng bạn cho biết có mối đi nên tui dông theo nó luôn .

  Gì chớ tội đi ké không đánh mà khai thì thiệt là xui sẻo quá . Ông chủ ghe nghe vừa nghe tới đó  chớp liền :

  - Ê , cái thằng bị dịch . Mày đi canh me phải hông mậy ? Hèn gì có ba đứa canh me tụi bây theo mà ghe của tao xui quá . Đã vậy mà còn xém chút nữa tao bị cái thằng râu rìa hồi nãy nó đánh vì cái tội nói dóc . Tao nhớ rõ ràng tàu đi có bốn mươi mốt người mà bây giờ lọt đâu ra tới bốn mươi lăm . Rồi tụi bây tính toán làm sao với tao đây chớ .

  Chuyện nọ bắt quàng sang chuyện kia , từ chuyện cướp ghe về Việt Nam giờ quay tới chuyện ông chủ ghe đòi vàng . Đòi vàng vì cái tội canh me . Gã thanh niên kia cũng đâu có phải tay vừa , gã cười hề hề chỉ chiếc ghe :

  - Ông chở tụi tui dìa bển lợi đi rồi bao nhiêu tui cũng giao đủ số . Hứa chắc như đinh đóng cột đó ông già .

  Biết gặp thứ dân chẳng vừa gì nên ông chủ chỉ hừ một tiếng rồi đáp xụi lơ :

  - Tao nói cho mà biết . Qua tới bển , đi làm có tiền thì phải trả lợi tao đó nghen mấy thằng canh me tụi bây .

  Thiệt là dân chẳng vừa rồi , gã kia hỏi ngược lại :

  - Ông bỏ người giữa rừng như vầy mà còn dám mở miệng đòi tiền nữa sao trời . Xe đưa tới chỗ , đò đưa tới bến . Chơi mững này phải đòi tiền ông lợi mới phải .

  Ừ , cái thằng nói nghe cũng phải quá . Ông chủ ghe hầm hừ cho có lệ :

  - Mầy thiệt ngang ngược tổ mẹ . Rồi mấy ổng bắt mình nằm ở đây tới chừng nào nữa đây trời . Ủa , mà mầy tên gì ? Mầy biểu là hồi đó có đi qua Mã Lai này rồi nên biết . Vậy mầy nghĩ coi chừng nào họ mới cho mình đi Mỹ hả mậy ?

  Anh chàng kia thấy chủ ghe không còn nhắc đến chuyện canh me của mình nữa thì cũng bớt giọng ngang như cua , anh ta cười :

  - Tui tên Thành . Lê Hiến Thành . Ông hỏi chừng nào mấy thằng lính đen thùi này đưa ông đi Mỹ hả . Mỹ cái khỉ khô . Họ đương nhiên là hổng có bỏ tù ông đâu . Chỉ bắt mình nằm ì ở đây cho đã , để làm chi ông biết hông . Để lòi vàng ra cho nó nữa đó . Tới chừng nào nó lột mình sạch sẻ không còn cái quần xả lỏn để bận thì tụi nó mới báo lên Liên hiệp quốc , người ta sẽ cho tàu tới đưa mình vô đảo Bidong . Đưa vô đảo để nằm chờ tới chừng nào có phái đoàn phỏng vấn , nếu họ nhận mình mới được đi . Ở  Bidong đó hả , nhà cửa là nhưng cái tum che tạm . Hồi tui mới tới đó hả , có người phải trả cả cây vàng mới có được chỗ ở đó mấy cha . Lều tum thì dày đặc như ổ ong mà cái nào cái nấy đầy nhóc người là người , luôn cả trên đồi cũng ở, muốn đi tắm một lần cũng khổ trần thân .

  Ông chủ ghe nghe qua nhăn mặt :

  - Mày giỏi tài dóc tổ . Bộ Mỹ hổng lo cho mình à ? Sao tao nghe người ta nói tới nơi rồi thì uống Bia ăn bánh mì không hè .

  Nghe chuyện như cõi thần tiên nào đó chớ chẳng phải trại tị nạn , nơi mình đã từng tới và ở qua cả hai tuần lễ . Anh thuyền nhân không sợ biển Lê Hiến Thành ngữa mặt cười lên trời hô hố . Ông chủ ghe nghe Thành cười tưởng nó ngạo mình nên ứa gan , xẳng xớn liền :

  - Cái thằng , mắc chứng gì mầy cười như đười ươi nhập . Bộ tao nói hổng phải sao chớ ?

  Anh ta cười cho đã đời rồi lắc đầu nhìn ông chủ ghe bằng đôi mắt tội nghiệp :

  - Thôi đi ông già ơi , toàn là tin đồn dóc , xạo . Bên Việt Nam mình có ai từng ở đó chưa mà biết để nói cho ông nghe chớ . Tui đã ở đảo Bidong hai tuần nên biết chút đỉnh . Hổng có bánh mì hay là bia gì ráo . Chỉ có nhịn đói và nhịn ghiền dài dài mà thôi . Hồi tui ở là cuối năm 79 , hổng biết bây giờ ở đó có đỡ hơn chút nào hông nữa .

  Ông chủ ghe nghe qua thì tá hỏa . Có lẽ ông tin theo cái miệng độc địa của thiên hạ . Họ dựa những lá thư do thân nhân gởi về hồi đợt di tản 30 tháng Tư , rồi thêu dệt đồn đãi rùm beng ra thêm . Hồi đó người ta di tản bằng phi cơ trực thăng và có sẳn hàng không mẫu hạm Midway nằm chờ ngoài biển Đông , đón tiếp để chở đến đảo Guam . Từ đó phi cơ bốc họ vào thẳng những trại tị nạn nơi chính quốc Hoa kỳ . Trại Pendleton ở tiểu bang California là trại đầu tiên , lần lượt ba trại khác cũng được thiết lập theo Chiến dịch Đời sống mới sau đó là : Trại Fort Chaffee tiểu bang Arkansas , trại Eglin Air Force Base tiểu bang Florida và trại Indiantown Gap  tiểu bang Pennylvania . Mang tiếng là trại tị nạn nhưng ở đây bà con ta ăn ngày ba bửa tắm rửa lu bù đâu có tốn đồng xu nào . Cứ sáng tới tối tà tà tán dóc , ăn uống có người nấu nướng phục dịch ,  chén bát có người thu dọn rửa ráy đàng hoàng . Mỹ quốc mà .

  Pulau Bidong , hòn đảo nơi Thành náu nương trong hai tuần lễ , nơi tạm dung cho những thuyền nhân may mắn tới được bến bờ chỉ là một hoang đảo dưới quyền kiểm soát của chánh quyền Mã Lai , bên cạnh đó còn có những thành viên đại diện Liên hiệp quốc tới làm việc . Những người này được gọi là Cao ủy tị nạn Liên Hiệp quốc . Nhờ sự hiện diện của họ mà an ninh của người tị nạn mình được bảo vệ tối đa . Từ cái ăn cái mặc , thậm chí cả cây kem , bàn chãi đánh răng hoặc cuộn giấy vệ sinh cũng do quỷ của Liên hiệp quốc tài trợ . Cuộc sống tạm bợ để chờ ngày lên đường đi định cư đương nhiên là thiếu thốn mọi bề , nhưng nếu không có họ và giả thử như chánh quyền Mã Lai không dang tay chấp thuận thì những chiếc thuyền mong manh lênh đênh không bến bờ của đồng bào mình biết trôi dạt vào đâu .

  Gì chớ đi vượt biên mà nghe kể chuyện ở trại tị nạn , nơi sắp được đặt chân đến thì ai nấy đều tò mò rất muốn biết . Không mấy chốc mà cả ghe bu lại quanh Lê Hiến Thành để lắng nghe . Ngồi đối diện với bao nhiêu cặp mắt đang nhìn mình đầy vẻ thán phục , tự dưng anh ta thấy mình trở nên quan trọng quá . Hổng thán phục sao được . Cái biển rộng mênh mông đi cả ba bốn ngày mới thấy bờ . Chỉ cần đi qua một lần thôi cũng đủ tởn tới già rồi , đàng này thẳng đi đi về về giống như đi chợ . Cái đó mới thiệt là đáng sợ .

  Lê Hiến Thành sơ lượt chuyện ở đảo cho bà con nghe . Câu chuyện vòng vo tam quốc xoay quanh đề tài trại tị nạn , chuyện những chuyến vượt biển tấp vào đất liền Mã lai , bị binh lính bổn xứ khó dễ cướp bóc mà Thành đã trãi qua và nghe những tàu khác kể lại hồi cái lúc còn ở đảo . Chuyện hấp dẫn quá cho nên tới lúc bà con ai nấy hả hê , cho rằng mình không còn gì thắc mắc nữa thì mặt trời cũng sắp lặn . Vầng dương còn luyến tiếc thế gian nên còn dùng dằng sau đám mây mềm óng mượt , tô đậm trời Tây một màu đỏ thẫm . Chú Ba , ông già sồn sồn nãy giờ ngồi im đốt thuốc liên miên , chợt chép miệng bâng quơ :

  - Ráng vàng thì nắng , ráng đỏ thì mưa . Coi cái mững này tối nay chắc có mưa đó nghen bà con .

  Câu nhắc nhở của chú Ba khiến cho mọi người đâm lo . Ráng đỏ thì mưa ! Chết rồi , đang bơ vơ trong cảnh mền trời chiếu cát này rũi trời mưa xuống một cái là khổ dữ . Màn đêm phủ xuống , tối dần tối dần . Quang cảnh biển cả lúc đêm về rờn rợn làm sao . Gió thổi rì rào , sóng vỗ lao xao , nhóm thuyền nhân lưu vong lạc bước lòng chợt nao nao với biết bao buồn lo lẫn lộn . Vài người lính Mã canh gát phía bên ngoài vòng rào đang im lìm , tưởng họ đã ngủ quên tự bao giờ chợt có tiếng xì xào rồi vài ánh đèn pin quét thẳng vào nhóm người tị nạn . Một anh lính dõng dạc ra lệnh :

  - Come here !

  Tư Thìn , anh tài công thạo Anh ngữ từ xế tới giờ thất nghiệp nằm ngáp vặt , bây giờ lại có việc làm rồi đây . Anh kêu bà con tập trung nơi có mấy gã lính cầm đèn pin đứng sẳn . Thì ra họ có lệnh di chuyển nhóm thuyền nhân ngay trong đêm . Tất cả 45 người được đám lính dẫn đến một bãi biển gần đó . Nơi đây có vài chiếc ca nô đậu sẳn . Leo lên được ca nô an toàn rồi thì mọi người mới thở cái phào nhẹ nhõm . Tránh được cơn mưa tối nay là chuyện nhỏ , thoát ra khỏi cái đám dân làng ác ôn và đám lính tham lam ấy mới là chuyện lớn . Đúng là ơn trên còn ngó xuống .

  Bốn mươi lăm người được những chiếc ca nô đưa ra ngoài tàu lớn . Theo anh Bảy nhận xét , thì đây là chiếc tàu tuần duyên của Hải quân Mã . Không ngờ trên ấy đã có sẳn hơn 30 thuyền nhân khác cũng đang có mặt trên ấy . Vượt biển gặp vượt biển , ai nấy thấy mình được tàu lớn cứu thì sung sướng giống y như bước tới ngưỡng cửa Thiên đàng , hỏi thăm nhau tíu tít , nói cười không ngớt miệng . Thì ra nhóm người có mặt trên chiếc tàu tuần duyên cũng tấp vô đất liền nhưng bị chính quyền địa phương đuổi ngược ra biển vì ghe của họ còn tốt . Đang lúc lênh đênh thì gặp tàu tuần duyên , họ vớt hết thảy và chiếc ghe thì kéo theo phía sau .

  Ở đây , họ được lính Hải quân Mã lai đối xử rất tốt , rất có tình người với nhau . Cũng với khẩu phần mì gói ăn liền , cũng chén tô đàng hoàng nhưng làm gì có đũa nên bà con ta phải dùng tay để bốc . Thây kệ , có cái để bốc bỏ bụng cầm hơi cũng còn vui hơn cả đêm ngồi trên bờ biển vừa phơi mưa vừa phập phòng cái đám dân làng cướp cạn .

  Khi mọi người ai nấy yên nơi yên chỗ thì chiếc tàu tuần duyên quay đầu về hương đông bắc chạy thẳng . Khoảng hai tiếng đồng hồ sau thì mọi người được lệnh chuyển sang một chiếc tàu khác . Chiếc tàu sắt to đùng , có lẽ đây là chiếc tuần dương hạm cũng nên . Lần này chiếc tuần dương hạm rẽ sóng hướng mũi về phía đông chạy mãi .

  Bên ngoài mưa gió ầm ầm suốt cả đêm . Mọi người biết mình được sống nên yên tâm đánh một giấc thẳng kè cho tới sáng .

  Anh Bảy giật mình thức giấc trước hơn ai hết . Nhìn sang phía ba đứa con đang vô tư ôm mẹ ngủ vùi , những ưu tư lo lắng vừa tạm quên trong giấc ngủ ngắn , giờ lại trở về . Chuyến đi trót lọt không bị công an bắt lại , mừng vui chưa kịp cười thoải mái được một tiếng , giờ lại phải lo nghĩ với những bất an trước mắt . Thân phận của một kẻ bỏ nước ra đi bị người ta khinh khi , đối xử thật tệ bạc . Chào mừng những con người khốn khổ vừa tới được bến bờ tự do là cướp giựt , là thóa mạ , là đánh đập chẳng chút nương tay hay sao . Mỗi lần nhớ tới hành động của gã đại đội trưởng trên bờ biển hôm qua là cổ họng anh Bảy lại nghèn nghẹn . Uất ức , tủi nhục trào dâng trong lòng người chiến binh đã giã từ vũ khí .

  Vài ba tiếng ho khan của ai đó , rồi có tiếng gãy ngứa soàn soạt . Bà con lụt đụt thức dậy rồi đây . Tiếng ngáp kéo dài như tiếng hú Tặc Răng của một thanh niên nào đó phá tan sự yên lặng của mọi người . Ngáp xong anh ta cằn nhằn một mình :

  - Mẹ bà . Hôm qua đánh lộn với tụi ăn cướp đã oãi . Thêm cái thằng lính đen thui , chả đá tui mấy cái nữa . Tới bửa nay mình mẫy còn rêm quá trời quá đất . Ủa , mà mình đang ở đâu vậy ta ?

  Lại một giọng thanh niên khác trổi lên :

  - Ở đâu thây kệ ở đâu . Miễn thoát ra khỏi mấy ông nội cô hồn đó thì mình hết còn bị ăn đòn . Mẹ , tui chỉ sợ ổng thấy mình bận đồ như cầu thủ đá banh , bắt tụi mình hái dừa xuống đá thì chết cha hết cả lũ .

  Có tiếng cười khùng khục của ai đó :

  - Thằng mắc dịch mầy còn nhắc chuyện đó nữa hả . Đi qua khỏi cái biển ngày sanh tháng đẻ tao quên tuốt luốt hết , nhưng mà cái vụ đá banh bằng trái dừa tới già chắc cũng hổng quên đâu .

  Tiếng ngáp có dây có nhợ của anh thanh niên nọ có lẽ đã đánh thức hết mọi người . Ai nấy còn nằm ì ra nghe hai thằng đực rựa đối đáp . Có một ông già thắc mắc chuyện không đâu nên lên tiếng hỏi :

  - Mắc cái giống gì mà tụi bây lại đá trái dừa hả . Bộ chân cẳng của tụi bây bằng sắt à ?

  Tiếng gã nọ phát lên cười hắc hắc rồi đáp :

  - Tụi tui mê đá banh quá nên hay đi ăn trộm bưởi của thiên hạ , phơi cho nó háp háp rồi đem ra đá . Cũng đã lắm à nghen . Xui cho bửa đó , tụi tui hái trộm bưởi của ông già tía thằng công an xã . Nó bắt được nên phạt tụi tui bằng cách phải đá trái dừa . Trời ơi là trời , đá tới bể trái dừa nó mới chịu tha đó ông già . Sau lần đó chân cẳng tụi tui sưng lên chù vù . Đau cả mấy tuần lễ chớ bộ giỡn chơi sao .

  Tiếng của ông già hừ lạnh :

  - Tụi con nít phá làng phá xóm mà còn khoe . Nó phạt tụi bây vậy còn ít đa !

  Lại có một người khác chêm vào :

  - Nói tới chuyện công an phạt làm tui nhớ bửa đi xe đò hôm hổm . Mấy ông nhà nước ra cái luật gì mà lái xe hổng được hút thuốc . Gặp bác tài là một tay ghiền nặng . Vừa ra khỏi bến là chả đốt liền tù tì . Xui cho khứa lão , hổng biết chả hút làm sao mà có hai thằng công an đứng gát bên đường dòm thấy . Nó bắt xe dừng lại để phạt ông tài xế . Mấy cha biết dòng thứ thuốc bó củi ba số 7 hông . Bó nào bó nấy cả đâu năm chục điếu . Tụi nó bắt ông tài xế hút hết một bó năm chục điếu mới cho xe chạy . Trời đất thánh thần ơi , tụi thấy cha tài xế hút thuốc mà như thể ăn thuốc vậy . Ổng mồi một lần đâu cả chừng hai chục điếu rồi trợn trắng con mắt mà rịt . Cha mẹ ơi , khói như cái đống ung , mịt mù cả xe .

  Câu chuyện phạt vạ đang ngon trớn bỗng dưng chiếc tàu lại mất trớn . Tiếng máy đang rầm rì , tiếng sóng xô mạn tàu đang xôn xao chợt như chậm lại rồi dừng hẳn . Anh Bảy ngước nhìn ra ngoài qua ô cửa sổ . Bình minh chưa lên nên biển vẫn còn chìm trong một màu thâm u đen đặc .

 Những người lính Hải quân Mã xuất hiện , họ mời đại diện tàu ra để nói chuyện . Anh tài công kiêm thông dịch viên cho cả tàu Tư Thìn bước ra ngoài một chốc thì trở lại . Anh nói lớn cho mọi người cùng nghe :

  - Tụi mình tất cả phải xuống ghe thôi . Mấy ổng biểu từ chỗ này tới đó chỉ hơn hai tiếng đồng hồ là tới . Đảo Letung hay Letong gì đó . Chỗ đó là đất của Nam Dương nghen bà con .

  Lê Hiến Thành , gã thanh niên vượt biển như đi chợ vụt lên tiếng :

  - Vậy là mấy thằng Mã lai đuổi hổng cho mình vô xứ của nó rồi . Cha chả Nam Dương là ở đâu vậy mấy cha ?

  Một tiếng đáp trả , hình như của ông già ngồi coi ráng đỏ ráng vàng chiều hôm qua :

  - Là In Đô chớ đâu . Có người gọi là Nam dương có người thì kêu In đô . Thôi cũng được , người ta không cho mình vô nước của người ta mà đưa tới đây cũng tốt quá rồi . Ứ hự , hổng biết ở đây ra làm sao nghen tụi bây . Gặp cái mững dân làng y như ăn cướp nữa thì chỉ còn có nước nhào xuống biển chết phứt cho yên thân .

   Bà con nhao nhao , kẻ bàn thế này người tán thế nọ rùm beng . Tuy nhiên , nói gì thì nói nhưng cũng phải lo dọn dẹp thu xếp hành trang để xuống ghe nhỏ đi tiếp . Nhóm anh Bảy bốn mươi lăm người nhập chung với 32 mạng trên chiếc ghe được tàu tuần duyên vớt , tất cả 77 người  dồn xuống chiếc ghe nhỏ xíu đang được kéo theo phía sau .

  Theo sự chỉ dẫn của những người lính Hải quân trên tàu thì nơi xa tít đàng xa , chỗ có ánh hải đăng lúc ẩn lúc hiện là đảo Letung , điểm đến của chiếc HG 2679 .

  Sau khi cắt dây thì chiếc tuần dương hạm quay đầu chạy ngược trở lại , để 77 thuyền nhân trên chiếc tàu nhỏ xíu , khẩm đừ ì ạch tiến về phía ngọn hải đăng . Tất cả mọi người , chỉ ngoại trừ Lê Hiến Thành với thành tích vượt biên hai lần ra thì ai cũng nơm nớp lo sợ . Cả đêm nằm trên chiếc hạm to đùng , mưa to gió lớn cũng chẳng hề hấn gì , bây giờ ngồi trên chiếc ghe nhỏ xíu , y như cái võ trấu nổi trên nồi cám heo đang sôi , chẳng biết nó chìm lúc nào , hỏi ai mà không sợ . Cũng may là sáng nay biển yên gió lặng , chiếc ghe cuối cùng rồi thì cũng tới được gần bờ . Bấy giờ trời đã sáng tỏ nên mắt thường có thể nhìn thấy rất rõ . Thì ra đây là một nhóm gồm nhiều hòn đảo nhỏ nằm gần nhau .

  Trước mắt mọi người , những hòn đảo nhô cao nằm phơi mình giữa vùng trời nước mênh mông . Màu xanh tươi thắm nơi có sự sống nổi bật giữa màu nước biển đen thùi khiến cho ai nấy mừng vui vô hạn . Hy vọng đang ở ngay phía trước kia rồi . Người ta mừng vui bàn tán râm rang nhưng ông chủ ghe thì ngược lại , ổng luôn miệng nhắc chừng tài công là nên cẩn thận . Trợt vỏ dưa thấy vỏ dừa cũng ớn lắm . Ổng tuy không phải chủ của chiếc ghe nầy nhưng kinh nghiệm lần va vô đá ngầm ngày hôm qua vẫn còn ám ảnh .

  Chiếc ghe tiến vô thêm một đoạn nữa thì gần bờ , lác đác phía trước có vài chiếc xuồng đánh cá . Khi tới gần thì mọi người lại hốt hoãng , cũng mấy ông đen thùi lùi râu ria rậm rạp y như đám dân làng cướp cạn ngày hôm qua . Một chiếc ghe bơi lại gần tàu vượt biên . Ông lão ngồi mũi xuồng quơ quơ tay ra dấu chỉ vào một hòn đảo rồi nói :

  - Ghe vượt biên hả ?

  Nghe giọng phát âm tiếng Việt lơ lớ , đúng là người ngoại quốc nói tiếng Việt rồi . Nhưng bà con ta vốn đang run sợ quá , cứ tưởng lầm ông già ấy là người Việt Nam , bụng bảo dạ cho là mình bị tàu Mã lai trả về lại cố thổ nên thầm kêu khổ . Lần này đi tù hết cả đám chớ chẳng chơi .

  Anh thanh niên đứng chèo phía sau lái gật gật cái đầu như chào mọi người rồi nhe hàm răng trắng dã cười bảo :

  - Letung . Letung .

  Đoạn anh ta quay xuồng rồi ngoắc chiếc tàu ý như biểu chạy theo mình . Anh Tư Thìn nghe Letung thì biết đây là hòn đảo mà tàu Mã lai đã chỉ cho ghe mình tới nên nói với anh tài công chạy rề rề theo phía sau chiếc xuồng kia .

  Letung là một hòn đảo nằm ở vị trí trung tâm quần đảo Anambas thuộc Nam dương . Quần đảo này nằm chơi vơi ngoài khơi , hướng tây bắc Indonesia , phía biển đông của Mã lai , từ mũi Cà mau thẳng xuống hướng 176 độ . Ghe của anh chị Bảy vì tránh vịnh Thái lan lại gặp hai lần giông gió nên bị đánh giạt xuống tận miền Nam bán đảo Mã Lai , gần Tân gia ba .

  Quần đảo Anambas nằm ngoài khơi nhưng thuộc địa phận của Nam dương nên hải quân Mã thay vì kéo tàu về trại Pulau Bidong nơi chính quốc , họ lại thẳng một đường bán cái sang cho anh láng giềng . Thế là xong .

  Cũng nhờ vị trí nhóm đảo này nằm tại cực Nam của mũi Cà mau nên ghe tàu vượt biển thường hay tấp vào . Bắt đầu những năm cuối thập niên 70 , từ khi có phong trào ra đi chính thức hoặc bán chính thức thì đã có sự hiện diện của thuyền nhân Việt nam ở đây rồi .   

   Nhờ có nhiều người tị nạn tới nên hòn đảo lèo tèo chỉ trên dưới một ngàn dân bổn xứ , họ chuyên sống bằng nghề chài lưới và làm rẫy . Khi có làn sóng người Việt kéo tới , nơi đây lại trở thành một nơi khá sầm uất . Đường xá thì chỉ một lối đi ngoằn ngoèo quanh đảo nhưng lều trại nhà cửa san sát . Hàng quán do dân cư sống trên đảo , người Tàu hoặc In đô làm chủ nhưng khách hàng đa số là thuyền nhân . Để giải quyết tình trạng ngày càng chật chội , khó khăn cho việc điều hành và kiếm soát , chính quyền In đô cho trưng dụng luôn những hòn đảo khô cằn chung quanh Letung .

  Chỉ cách cầu tàu , nơi ghe anh Bảy được xuồng đánh cá hướng dẫn ghé vào , nhìn xéo sang phía tay phải là một hòn đảo nhỏ xíu , đó là đảo Berhala . Hòn đảo này nếu đứng ở điểm cao một chút cũng có thể nhìn thấy được toàn bộ khu đảo . Với sức chứa khoảng 600 người nhưng vào những năm 1979 , 1980 , khi số thuyền nhân gia tăng khủng khiếp thì hòn đảo tí hon này cưu mang gần ba ngàn người tị nạn . Berhala thời ấy được mệnh danh là đảo Ruồi . Chỉ nghe cái tên Ruồi thôi thì cũng đủ biết tình trạng vệ sinh trên hòn đảo nhỏ mà người ngợm đông đúc này nó tồi tệ như thế nào rồi .

  Vì quá chật chội lại thiếu thốn mọi bề . Cực khổ nhất là không tìm đâu nguồn nước ngọt , người tị nạn sống trên đảo Ruồi phải đợi lúc nước ròng lòi bãi cát , xách thùng vào đảo Letung tìm nước . Người có tiền không muốn đi bộ mỏi chân thì đón đò máy  , tiền đò rẽ rề , chỉ 30 đồng Rupies là xong . Tiền Indo lúc đó 1 US ăn 350 Rupies . Còn muốn chơi sang hơn nữa thì chỉ ngồi một chỗ , mua lại của những thuyền nhân nghèo hành nghề bán nước , tuy hơi mắc một chút nhưng được khỏe re . Đều là đồng hương với nhau , người mua kẻ bán cùng là dân tị nạn , coi như giúp đỡ lẫn nhau trong thời gian khó khăn cùng cực nầy vậy . Từ 1979 trở về trước , khi trại tị nạn Galang chưa thành hình thì đảo Ruồi vẫn thường có các phái đoàn đến phỏng vấn và giải quyết cho thuyền nhân đi định cư ở các nước đệ tam quốc gia . Nếu đi Mỹ thì họ sẽ được chuyển về Singapor để học Sinh ngữ và đời sống mới trước khi nhập cư . 

   Xa hơn đảo Ruồi một chút nữa là đảo Toley . Khi Letung và đảo Ruồi chật nít người là người rồi thì hòn đảo tí hon xa tít ngoài cõi chơi vơi này cũng được dùng để cho thuyền nhân căng liều ở tạm luôn . Khỏi cần phải kể lể cho dông dài cũng biết đời sống tạm bợ của những thuyền nhân nơi đây nó khốn khổ ra sao rồi . Tự do quả là một sự đánh đổi quá lớn .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: