Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Bài làm thứ nhất
Hướng dẫn giải
Nguyễn Thành Long (1925 - 1991) quê ở Quảng Nam, là cây bút truyện ngắn xuất sắc, nổi tiếng với các tác phẩm như: Giữa trong xanh (1972), Lý Sơn mùa tỏi (1980)... Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa rút trong tập Giữa trong xanh. Truyện ca ngợi những con người sống giữa non xanh lặng lẽ nhưng vô cùng sôi nổi, hết lòng vì Tổ quốc, có trái tim nhân hậu rất đẹp.
Một bức tranh thiên nhiên rất đẹp, đầy chất thơ. Lào Cai, miền Tây Bắc của Tổ quốc, không hề hoang vu mà trái lại, rất hữu tình, tráng lệ. Khi xe vừa "trèo lên núi" thì "mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng". Trạm rừng là nơi "con suối có thác trắng xóa". Giữa màu xanh cùa rừng, những cây thông "rung tít trong nắng", những cây tử kinh "màu hoa cà " hiện lên đầy thơ mộng. Có lúc, cảnh tượng núi rừng vô cùng tráng lệ, đó là khi "nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn". Sa Pa với những rặng đào, với đàn bò lang cổ đeo chuông... như dẫn hồn du khách vào miền đất lạ kì thú.
Trên cái nền bức tranh thiên nhiên ấy, cuộc sống của con người nơi miền Tây Tổ quốc thân yêu càng thêm nồng nàn ý vị: "nắng chiều làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo". Có thể nói đó là những nét vẽ rất tinh tế và thơ mộng.
Con người đáng yêu nơi Sa Pa lặng lẽ.
Bác lái xe vui tính, cởi mở, nhiệt tình với hành khách.
Ông họa sĩ già say mê nghệ thuật, "xin anh em hoãn bữa tiệc đến cuối tuần sau" để ông đi thực tế chuyến cuối cùng lên Lào Cai trước lúc về hưu. Lúc nào ông cũng trăn trở "phải vẽ được một cái gì suốt đời mình thích".
Cô kĩ sư trẻ mới ra trường đã hăng hái xung phong lên Lào Cai công tác, bước qua cuộc đời học trò chật hẹp, bước vào cuộc sống bát ngát mới tinh, cái gì cũng làm cho cô háo hức. Cô khao khát đất rộng trời cao, cô có thể đi bất kì đâu, làm bất cứ việc gì...
Ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa suốt đời nghiên cứu và lai tạo giống su hào to củ và ngọt để phục vụ dân sinh và xuất khẩu. Đồng chí cán bộ nghiên cứu khoa học "suốt ngày chờ sét", nửa đêm mưa gió hễ nghe sét là "choáng choàng chạy ra", mười một năm không một ngày xa cơ quan, "không đi đến đâu mà tìm vợ", lo "làm một bản đồ sét riêng cho nước ta", cái bản đồ ấy "thật lắm của, thật vô giá". Trán đồng chí ấy cứ hói dần đi!
Tiêu biểu nhất là anh thanh niên 27 tuổi, làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, "một trong những người cô độc nhất thế gian". Anh có nhiệm vụ "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất" góp phần dự báo thời tiết, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Những đêm bão tuyết, rét ghê gớm, một mình một đèn bão ra "vườn" lấy số liệu vào lúc nửa đêm cả thân hình anh "như bị gió chặt ra từng khúc", xong việc, trở vào nhà, "không thể nào ngủ lại được". Anh đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, với ý chí và nghị lực to lớn để vượt qua gian khổ và đơn độc giữa non xanh. Chí tiến thủ là một nét đẹp ở anh: đọc sách, tự học. Cần cù và chịu khó: nuôi gà lấy trứng, trồng hoa... làm cho cuộc sống thêm phong phú. Rất khiêm tốn khi nói về mình, dành những lời tốt đẹp nhất ngợi ca những gương sáng nơi Sa Pa lặng lẽ. Rất hiếu khách, anh mừng rỡ, quý mến khi khách lạ đến chơi. Một bó hoa đẹp tặng cô kĩ sư trẻ, một làn trứng gà tươi biếu ông họa sĩ già, một củ tam thất gửi biếu vợ bác lái xe mới ốm dậy... là biểu hiện của một tấm lòng yêu thương, đối xử chân tình với đồng loại. Anh sống và làm việc vì lí tưởng cao đẹp, vì quê hương đất nước thân yêu, như anh thổ lộ với ông họa sĩ già: "Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?". Vì thế sau khi vẽ xong chân dung anh cán bộ khí tượng, họa sĩ nghĩ về anh: "Người con trai ấy đáng yêu thật..."
Tóm lại, những nhân vật trên đây là hình ảnh những con người mới đã sống đẹp, giàu tình nhân ái, hết lòng phục vụ đất nước và nhân dân. Sống nơi lặng lẽ non xanh nhung họ chẳng lặng lẽ chút nào! Trái lại, cuộc đời của họ vô cùng sôi nổi, đầy tâm huyết và giàu nhiệt tình cách mạng. Đúng như Bác Hồ đã nói: "Đất nước ta là một vườn hoa đẹp. Mỗi người là một bông hoa đẹp". Nhà văn Nguyễn Thành Long đã dành những lời tốt đẹp nhất nói về những con người đang sống và cống hiến giữa Sa Pa lặng lẽ. Mỗi người nơi non xanh ấy là một gương sáng, là một bông hoa ngát hương.
Truyện Lặng lẽ Sa Pa là một bài thơ bằng văn xuôi rất trong sáng, trữ tình. Trên cái nền tráng lệ của thiên nhiên rừng, suối Sa Pa hiện lên bao con người đáng yêu. Mỗi người chỉ một vài nét vẽ mà tác giả đã lột tả được tâm hồn, tính cách, dáng vẻ của họ. Nguyễn Thành Long rất chân thực trong kể và tả, nhờ thế mà ta thấy những nhân vật như bác lái xe, ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ, anh thanh niên... rất gần gũi và mến yêu.
Bài làm thứ 2
Hướng dẫn giải
A.Einstein đã từng nói rằng: “Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý”. Câu nói ấy khiến ta phải trăn trở khôn nguôi về trách nhiệm, bổn phận của bản thân đối với mọi người và với cuộc đời. Đồng thời lời nó ấy cũng gợi nhắc cho ta nhớ đến hình ảnh anh thanh niên âm thầm cống hiến cho đất nước cho tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa. Có lẽ anh là minh chứng tiêu biểu nhất cho lối sống hi sinh, phục vụ cộng đồng, tổ quốc.
Anh thanh niên hai mươi bảy tuổi, quê ở Lào Cai, công việc của anh là làm vật lí địa cầu và khiêm khí tượng thủy văn. Công việc của anh không ở đâu xa mà ngay ở trong tỉnh đó là làm việc trên đỉnh Yên Sơn cao hơn 2000m. Người anh bé nhỏ, thấp, nhưng ẩn sau đó là một người hết sức kiên cường, có trách nhiệm trong công việc.
Trước hết, anh thanh niên bị đặt vào các thử thách khắc nghiệt. Anh có nhiệm vụ “đo gió, đo mưa, đo nắng tính mây và đo chấn động mặt đất, dự báo thời tiết hàng ngày để phục vụ sản xuất và phục vụ chiến đấu”. Công việc của anh nhìn tưởng rất đơn giản nhưng đó thực sự là một thử thách, bởi công việc ấy đòi hỏi sự chính xác cao, thức dậy đúng giờ, ngay cả lúc một hai giờ sáng – trời rét căm căm, mưa tuyết thấu da vẫn phải dậy để đo cho đúng giờ ốp.
Là một con người trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết và lòng yêu cuộc sống nên khi anh thanh niên phải một mình sống ở nơi heo hút, hẻo lánh cũng là một thử thách rất lớn. Không chỉ sống ở nơi heo hút, thèm người đến nỗi phải lấy khúc cây chắn ngang đường, mà công việc của anh còn có phần đơn điệu, giản đơn. Thử thách lớn nhất với anh là vượt qua được nỗi cô đơn, sự vắng vẻ quanh năm suốt tháng ở nơi núi non không có lấy một bóng người. Nhưng bằng lòng nhiệt huyết, bằng tình yêu công việc và tinh thần trách nhiệm anh đã vượt qua mọi thử thách đó.
Những khó khăn kia chỉ như một thứ thuốc thử, để qua đó bộc lộ những phẩm chất và suy nghĩ đẹp đẽ, tích cực của anh thanh niên. Để vượt qua được thử thách mưa gió phải đi đúng giờ ốp thì trong anh có lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với công việc cao. Bản thân anh hiểu rằng công việc của mình tuy nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với sản xuất và chiến đấu của đất nước. Bởi vậy, dù làm việc một mình, không ai thúc ép nhưng anh thanh niên vẫ luôn tự giác, tận tâm trong công việc. Trong những năm anh làm việc, anh chưa từng một lần báo sai giờ ốp, dù hôm đó là ngày mưa lạnh cóng, tuyết phủ kín trời anh vẫn không ngần ngại xách chiếc đèn bão đi đo.
Anh yêu công việc của mình, coi nó như một người bạn: “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Trong lời tâm sự của anh vừa có sự say sưa, vui sướng vừa có cả sự tự hào. Những lời tâm sự ấy rất đỗi giản dị, chất phác và vô cùng hồn nhiên đã phần nào thấy được vẻ đẹp nhân cách của anh. Và anh sẽ càng cảm thấy vui hơn khi thấy công việc của mình giúp ích cho đất nước: với đám mây khô anh phát hiện được đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta trên cầu Hàm Rồng. Quả thật đối với anh, lao động, làm việc đã trở thành niềm vui và lẽ sống trong cuộc đời. Với mục tiêu và động cơ làm việc đúng đắn, phục vụ cho nhân dân, đất nước, người đọc cũng phải thốt lên rằng “người con trai ấy đáng yêu thật”.
Để vượt qua nỗi cô đơn, anh đã tạo cho mình một cuộc sống nề nếp, văn minh và đầy thơ mộng. Sống một mình trên đỉnh núi cao nhưng anh đã sắp xếp cho bản thân một cuộc sống hết sức ngăn nắp, sạch sẽ: “căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm”. Mọi thứ đều được kê một cách ngăn nắp, còn cuộc sống của anh được thu lại một góc nơi trái gian với chiếc giường đơn con con, một chiếc bàn học nhỏ và một chiếc giá sách. Sống một mình nhưng anh luôn có ý thức làm giàu tri thức của bản thân bằng cách nhờ bác lái xe mua hộ. Đối với anh, sách là người bạn giúp anh vượt qua nỗi cô đơn, buồn tẻ. Sách cũng là người bạn giúp anh thanh lọc tâm hồn và kết nối với thế giới bên ngoài
Ngoài ra, để cuộc sống thêm phần vui tươi, lãng mạn anh cũng còn trồng những khóm hoa xinh xắn ngay trước nhà, với đủ hương thơm màu sắc. Và một đàn gà vừa phục vụ cuộc sống, vừa làm cho cuộc sống bớt phần tẻ nhạt. Anh thanh niên không chỉ ngày ngày lo nghĩ đến công việc mà con là người tự biết làm cho cuộc sống vật chất và tinh thần của mình thêm phần phong phú, thú vị.
Ngoài ra, ở người thanh niên này ta cũng thấy anh có những phẩm chất rất đáng tự hào, là sự cởi mở, chân thành, yêu quý và quan tâm những người xung quanh, một củ tam thất cho vợ bác lái xe, một giỏ trứng, một bó hoa tươi đã giúp cô kĩ sư thêm phần tự tin vào con đường mình đã chọn. Không chỉ vậy anh còn là người hết sức khiêm tốn, thành thực, anh cho rằng những đóng góp của mình còn hết sức nhỏ bé. Khi bác họa sĩ vẽ chân dung anh sẵn sàng giới thiệu những người anh cho là xứng đáng được vẽ hơn.
Chỉ bằng vài nét phác họa hết sức đơn giản, bằng cuộc trò chuyện ngắn ngủi, nhưng khoảnh khắc ấy cũng đủ để người đọc thấy được vẻ đẹp phẩm chất và tinh thần của anh thanh niên. Anh sống đúng như những gì A.Einstein đã quan niệm, cho đi là mang lại niềm hạnh phúc cho mình. Anh thanh niên là gương mặt tiêu biểu cho những con người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro