Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Ngoại truyện - TRAI LÀNG Ở GÓA CÒN ĐÔNG

*** Ghi chú: Chuyện về Lưu Bình – Dương Lễ - Châu Long đã khép lại trọn vẹn trong Một quan là sáu trăm đồng. Ngoại truyện này chỉ nhằm thỏa mãn trí tò mò bạn đọc về quãng thời gian xa cách mười sáu năm của Bình – Long và những gì diễn ra sau khi họ gặp lại nhau. Mọi người có thể xem đây là một truyện hoàn toàn độc lập về một ông Trạng đã hưu non để chuyên tâm... tán gái.

Mình viết Ngoại truyện này trong lúc nghe bài Cô hàng nước của Elvis Phương, mọi người có thể nghe trước cho có không khí rồi hãy đọc. ^_^

Link nhạc:


TRAI LÀNG Ở GÓA CÒN ĐÔNG (1)

(Một quan là sáu trăm đồng tiếp theo) 

Từ mấy trăm năm, người dân ở huyện Thanh Oai trấn Sơn Nam đã quen với cuộc sống thanh bình, nào nuôi tằm ươm tơ, nào phơi lá dệt nón, trăm làng nghề cũng chỉ quẩn quanh trong một lũy tre, cạnh gốc đa, giếng nước. Chẳng trách sao những câu chuyện về cái sự phong lưu trác táng rất đỗi thông thường của một cậu ấm nhà bá phủ tận Vĩnh Lại từ mười mấy năm trước, được một người khách phương xa mang ra làm quà cho buổi chè trưa, cũng trở thành một sự lạ để họ rỉ tai nhau, người nọ bảo người kia, thêu hoa dệt gấm trở thành câu chuyện truyền kỳ.

Nào là, không có ả đào nương nào ở Vĩnh Lại và các huyện lân cận chưa từng qua tay cậu, cũng không có ả nào được cậu để mắt quá một tuần trăng. Cậu muốn xem tuồng thì dời cả giáo phường về phủ, để bọn họ đàn ca hát xướng chán chê mê mỏi rồi lại mời đi.

Nào là, mỗi ngày cậu không uống rượu thì đi đánh bạc, mà không chỉ đi một mình, đám bạn học cùng đều được dẫn đi cùng, ăn uống thua bạc hết bao nhiêu một tay cậu chi trả hết. Ấy là chưa kể, chuyện trăng gió của họ cũng nhờ cậu sẻ chia.

Nào là, sau khi song thân đều vắn số, bỗng dưng một hôm cậu lại mang về một ông anh, lệnh cho bọn kẻ ăn người ở trong nhà phải cung kính vâng lời hệt như với cậu. Câu còn xây riêng một gian phòng tách biệt hẳn với cái sảnh lớn lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào trong phủ để ông anh kia yên tĩnh dùi mài kinh sử. Các thầy trước đây được ông bá mời về dạy học cho cậu lúc bán tin bán nghi trở lại chốn xưa, thấy có một anh học trò đương ngồi học thật thì mừng đến rơi nước mắt, có thầy còn xúc động đến mức ngỡ đâu đã về gặp tổ tiên.

Nào là, cô Hai nhà ông huyện đẹp người đẹp nết, lễ giáo gia phong là thế, cậu tốn công tốn sức tán tỉnh cũng mất mấy năm, mà đến khi người đẹp xiêu xiêu, cậu vẫn tiếp tục trêu hoa ghẹo nguyệt, bảo rằng chừng nào thành gia lập thất mới chịu ngoan ngoãn vào chuồng, còn bấy giờ cứ để yên cho cậu làm con ngựa chứng.

Kể mãi, kể mãi, trai làng, nhất là trai làng đã yên nơi yên chốn ở khắp Thanh Oai ngoài mặt không dám tỏ ra nhưng trong lòng ai nấy cũng thầm ngưỡng mộ cậu công tử nọ. Có tiền, có quyền, lại có giai nhân, ai mà không muốn?! Nhưng ngưỡng mộ người xa chuyện cũ là một lẽ, ngậm đắng nuốt cay khi mình trở thành nhân vật phụ trong sự tích anh hùng kia lại là lẽ khác. Nhất là khi cả mình lẫn "anh hùng" đều không còn trẻ trung trai tráng gì cho cam, mà "giai nhân" kia cũng đã trạc tứ tuần.

Sáu năm trước, Thanh Oai tự dưng xuất hiện một cô đồ. Trông nàng tuy không mơn mởn như gái đôi tám song eo vẫn thon, da vẫn nhẵn và dung nhan vẫn mặn mà nên không ai ngờ, cậu Tuất năm nay đã ngoài ba mươi, chết vợ năm trước, lại bị nàng xoa đầu gọi chú em ngọt lịm. Hàng thư pháp của nàng ở chợ huyện lúc nào cũng tấp nập người qua kẻ lại, trai trẻ thì đến nhờ nàng cho ít chữ để đong đưa gái trẻ, trai ít trẻ hơn thì đến tán nàng. Tán mãi không đổ, dần dần bọn trai làng cũng thôi mơ mộng, kháo nhau rằng trước nàng bị thầy bói phán số khắc phu nên đến giờ vẫn phòng không chiếc bóng. Thế là thôi, họ tạm vui với việc mỗi ngày qua chợ được ngắm nàng.

Nhưng sau đó ba năm, niềm vui cỏn con này cũng bị người ta dọa cướp đi. Nghe bảo có ông lớn ở Thăng Long đã từ quan, về Thanh Oai mua một ngôi nhà nhỏ. Ông gọi là nhà, dân trong làng gọi là cái phủ. Từ dạo ấy, ngày nào cũng thấy kẻ ăn người ở nhà ông đi tìm trẻ con trong làng, dụ ngọt: "Cháu có muốn ăn mứt không?", hệt như ông ba bị. Hóa ra ông nhờ trẻ nhỏ giúp ông mua chữ của cô đồ, ngày nào cũng một chữ "Bình", nhưng cô đồ cũng lạ, không biết viết chữ ấy vẫn kiên quyết không chịu học để kiếm tiền, ngược lại còn tốn bạc mua mứt dỗ bọn trẻ ra về. Thời gian thấm thoát trôi, ông bá và cô đồ cũng giúp anh hàng mứt sống sung túc được ba năm.

Trai làng thấy có người muốn dụ dỗ gái làng đi thì đâu chịu để yên, dẫu đó là gái ế. Thế là, không chỉ các ông góa vợ, các cậu mang tiếng khắc thê, mà cả trai trẻ xưa từng nhờ cô đồ dạy cho ít câu thơ để lòe thôn nữ, giờ mang thơ ấy ra để ngọt nhạt với nàng, nhằm tỏ cho ông bá ngụ cư kia thấy khó mà lui. Chẳng ngờ ông bá là một người không những có tiền, có nhiều tiền, lại còn rất biết cách dùng tiền. Có hôm trong lúc mấy cậu trai trẻ đang ngồi mãi ở chiếu thư pháp chẳng chịu đi, một gã ăn mày ở đâu dạo ngang mà lớn tiếng hò rằng:

"Hò ơ, nước lên xăm xắp chân đăng

Kêu anh cũng dở mà kêu thằng khó kêu..." (2)

Cô đồ đang xơi dở bát chè bỗng nghẹn rồi ho sặc sụa đến chảy cả nước mắt, còn mấy cậu trai thẹn quá hóa giận, bỏ đi một nước.

Một sáng nọ, người nhà ông bá quay về báo với ông rằng tìm mãi chẳng được đứa trẻ nào lạ mặt, bọn trai làng hí hửng kháo nhau thế là từ nay cô đồ sẽ được yên thân, chẳng cần tốn bạc mua mứt nữa. Nhưng lạ kìa, nhìn cặp mắt phượng cứ hấp háy ngóng trông rồi lại buồn buồn, ai cũng đoan chắc cô đồ chẳng còn ở nơi này thêm được mấy. Quả nhiên, chiều hôm ấy có người đến dẫn nàng đi.

- Tôi muốn mua em. – Ông bá mỉm cười.

Cô đồ chẳng nói gì, nhìn một lúc rồi cúi đầu đếm ngón chân, mái tóc thề rơi xuống một bên vai che đi gương mặt hây hây thẹn thùng như thiếu nữ. Hai người cứ đứng như vậy hồi lâu, chừng chắc mẩm bọn trai làng đã đợi không nổi mà bỏ đi hết, ông bá mới lên tiếng hỏi:

- Em đồng ý bán không?

Cô đồ khẽ ngẩng đầu, đưa tay dụi mắt, tự bảo mình cứ đến hoàng hôn là không nhìn rõ thứ gì, vẻ trách móc lan ra cả trong giọng nói:

- Em gật đầu từ lâu, sao ông đợi mãi chẳng trả tiền?

Ông bá chỉ chờ có thế, bước đến nắm chặt tay nàng:

- Vội gì, tôi còn cả đời để trả.

***

Ông bá theo cô đồ về căn nhà nhỏ gần chợ huyện, suốt dọc đường tay vẫn nắm chặt tay. Đến cửa, ông bỗng hóa ngại ngùng như bọn thanh niên mới lớn:

- Em... cho phép tôi vào nhé?

Được một chữ "vâng" của nàng rồi, bước vào trong, ông bỗng hóa trưởng thành.

- Em chờ lâu có giận tôi không?

Ngón tay mảnh khảnh của cô đồ chặn giữa môi ông bá.

Đêm ấy, cô đồ khóc ướt vai ông, có lẽ nàng vui vì gái ế cuối cùng cũng lấy được chồng, mặc kệ bên ngoài, đám trai làng mất vợ đâm tức ném đất lên mái hiên nghe lộp bộp như mưa.

***

Người vú già đã chăm sóc ông bá phủ Vĩnh Lại từ tấm bé sáng nay được tin ông đưa vợ về thì đứng ngồi không yên, cứ ra ra vào vào mãi. Năm tháng trôi qua như nước chảy dưới chân cầu, ngày nào ông còn đỏ hỏn già bế trên tay. Lúc ông về đến cổng í ới gọi già ra đình làng nói vợ cho mình, già còn tưởng ông vẫn là đứa trẻ ngây thơ được ai cho quà bánh liền mang về khoe mẹ.

Hai mươi mấy năm sống bên già, ông có lớn được ngày nào. Không kể tuổi nhỏ nghịch phá, lúc thành niên ông cũng chẳng nên thân. Cái hôm ông dắt cậu Lễ về nhà gọi bằng anh, già mừng vui khôn tả, cứ ngỡ rồi đây ông sẽ chí thú học hành. Hóa ra từ dạo ấy già có thêm một người để chia tiếng thở dài, để cùng chăm ông mỗi lần ông say bí tỉ. Ông đi đánh bạc với người ta, thua mất căn nhà thì ông cũng bặt tăm, già nhìn người khác đến làm chủ, thay đổi mọi thứ, không còn dấu vết gì thời hai cụ thân sinh ông còn sống mà đau tím ruột bầm gan. Chừng một năm sau thì cậu Lễ về tìm gặp già, khổ công đèn sách bấy lâu, cá chép nay đã vượtvũ môn để hóa rồng    . Cậu Lễ quỳ dưới chân già khóc nghẹn, thề sớm muộn gì cậu cũng mang ông về trả cho già. Vài năm sau, đúng là ông về thật, chỉnh tề áo mũ cân đai, đường hoàng mà mua lại căn nhà Tổ. Già nhắc chuyện xưa hỏi sao cậu Lễ không về cùng, ông chỉ buồn buồn không đáp, tối hôm ấy lại bỏ cơm. Giờ thì hay, cuối cùng ông cũng chịu yên bề gia thất!

Võng đưa ông bá và người vú già đến đình làng, ông bá nhanh nhẹn đỡ già đi vào trong, đến trước mặt cô đồ Thanh Oai mà ông tốn bao công sức để đón về.

- Ông bảo em đợi ở đây là để... - Cô đồ nhìn khay trầu rượu trên tay già, thảng thốt đưa tay che miệng.

- Tôi đã hứa sẽ cho em một hôn lễ rỡ ràng, nhưng nghĩ lại giờ mà gióng trống khua chiêng chắc em không ưng bụng, đi đường xa đến Thanh Oai thì sức khỏe của già không cho phép, tôi đành nhờ già thay phụ mẫu xin vợ giúp tôi ở nơi này vậy.

Sau đó, già nắm tay nàng nói những câu gì, hay dân làng đến xem chúc tụng những gì, nàng đều không nhớ rõ vì tai đã ù, mắt đã nhòe đi. Chỉ biết trong "đám rước" ấy bỗng đâu có tiếng người hỏi lớn:

- Sao mấy năm trước người ta bảo ông bá "lực bất tòng tâm" nên không lấy vợ kia mà?!

Chẳng là từ lúc ông bá mua lại căn nhà Tổ, quan lớn quan nhỏ quanh vùng đều có ý kết thông gia. Ông từ chối mãi cũng không xong, một hôm bèn mời ông tri huyện Vĩnh Lại năm xưa qua dùng cơm. Ông huyện lúc đầu thẹn chuyện đã gả cô Hai Phụng cho người khác lúc ông bá sa cơ nên không đến, chẳng ngờ ông bá đích thân sang rót trà mời ông huyện, nói chuyện thân tình như gặp người quen cũ. Chừng trà đã được mấy tuần, ông bá mới úp mở rằng cũng may ngày xưa cô Hai Phụng không gả cho ông nên giờ mới có một mụn con để sau này lo hương khói. Ai cũng ngỡ ông bá đến nhà ông huyện đòi danh dự nên nội dung cuộc trò chuyện kia chẳng bao lâu mà khắp làng trên xóm dưới đều hay. Từ đó đến tận bây giờ, không còn vị quan nào muốn nhận ông bá làm rể nữa.

Cô đồ Thanh Oai – lúc này nên gọi là bà bá phủ - tròn mắt nhìn chồng, chớp chớp hàng mi cong vút như chờ đợi. Ông bá cả thẹn, quắc mắt nhìn khắp đám đông xem kẻ nào vừa nói xằng nói bậy làm ai nấy im thin thít.

- Có thật là...?! - Vợ ông hỏi khẽ.

- Rồi em sẽ biết. – Tay ông siết chặt eo nàng.

- Ý em hỏi, có thật là ông không giận cha con cô Hai Phụng nữa không?! – Nàng khúc khích cười.

Hiếm hoi lắm người ta mới thấy cậu ấm ăn chơi trác táng của năm xưa – ông bá từng làm quan to giàu khét tiếng của bây giờ - đỏ mặt.

***

Bà bá được rước vào phủ bằng cửa chính đã treo đầy hoa đầy đèn, đưa đến trước bàn thờ gia tiên của họ Lưu, bà quỳ sụp xuống lạy, đôi vai gầy cứ run run thổn thức. Ông bá đứng cạnh bên nhìn vợ, miệng cười mà mắt cay vì hương khói.

"Châu Long ơi Châu Long, tôi ngoan ngoãn ôm em ngủ suốt mấy tháng nay chẳng phải bởi lực bất tòng tâm, mà vì tôi sợ nhỡ em có mang thì tôi không thể đón em về qua cửa lớn", ông thầm than nhẹ trong lòng.

Già trải xong giường tân hôn thì nói mấy câu chúc tốt lành rồi khẽ khàng lui. Khi cửa ngoài đã chốt, ông bá nhìn vợ hồi lâu, vẻ áy náy dâng đầy trong mắt:

- Xin lỗi, vẫn không thể cho em một tân phòng lộng lẫy giữa phủ Trạng Nguyên, tôi tệ quá!

Bà bá chừng đến giờ vẫn chưa qua cơn xúc động, nhìn ông bằng cặp mắt ầng ậng nước:

- Phải, ông tệ lắm! Ông chỉ giỏi làm em khóc rồi thương ông mãi...!

- Cuối cùng cũng chịu nói thương tôi. – Ông đưa tay lau nước mắt cho nàng, không nhận ra mắt mình cũng hoe hoe đỏ.

Ông ôm vợ vào lòng, siết chặt cho thỏa bao nhiêu nhớ mong đã dày vò ông suốt mười mấy năm qua. Cuối cùng nàng cũng chịu nói thương ông, là vì thật lòng thương ông chứ không phải vì một người nào khác mới thốt ra chữ ấy. Cuối cùng ông cũng có thể đặt xuống mọi hoài nghi thắc mắc trong lòng, sau bao nhiêu năm dằn vặt giữa chữ "tình" chữ "nghĩa", sau bao nhiêu lần muốn bất chấp tất cả mà chạy đi tìm nàng rồi tự mắng mình khốn nạn, sau những năm tháng nhìn nàng lẻ bóng mà ông chẳng thể ở bên chắn gió che mưa. Cuối cùng, ông thấy cả việc nàng hiểu lầm đứa bé nhà bà Trạng là con Dương Lễ cũng không cần ông làm rõ nữa, có còn quan trọng gì đâu.

Bà bá phủ khóc mệt thì nằm yên trong lòng ông, thiêm thiếp ngủ. Ông bá vuốt tóc vợ, chừng đến cái eo thon, dải yếm màu điều bỗng trở nên chói mắt.

- Em có biết một người đàn ông có chức có quyền lại từng nổi tiếng đào hoa nay bị người ta đồn... e hèm... khó chịu nhường nào?

Bà bá chậm chạp ngẩng đầu, dụi dụi mắt ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đưa tay vòng qua cổ chồng nói như rót mật:

- Sợ gì, em còn cả đời để đền ông!


(1) "Trai làng ở góa còn đông


Cớ sao cô lại lấy chồng ngụ cư?"


(Ca dao)


(2) Ca dao.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro