MỘT QUAN LÀ SÁU TRĂM ĐỒNG
I.
"Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng"
Đối với một cô gái nghèo mồ côi từ thuở nhỏ như tôi mà nói, cái hôm quan Trạng – lúc ấy vẫn chưa phải là chồng tôi – vinh quy bái tổ là dịp cả đời chỉ được thấy một lần. Chàng bước xuống từ trên lưng ngựa quý, đầu đội mão, thân mặc triều phục, cân đai chỉnh tề, dưới ánh nắng lấp lánh như dát vàng, sau ngựa còn có mấy kẻ hầu theo. Chàng muốn làm tôi bất ngờ nên không cho người loan báo, lúc ấy tôi đang đưa lụa cho bà bá hộ xem, ngỡ quan lớn từ đâu đến dẹp gánh hàng rong nên luống cuống thế nào quấn luôn cả dải lụa lên người khách.
Cũng may, họ thấy quan ông đến tìm tôi nên dễ dãi không bắt tội.
Tôi gặp chồng tôi – lúc ấy vẫn chưa phải là quan Trạng – cũng ở góc chợ này, khi chàng đang bị bọn người làm của nhà ông phú Hữu vây đánh. Tất nhiên là tôi không dám chen vào, đợi chàng bị đánh xong mới đến hỏi thăm, hóa ra chàng là sĩ tử ở Vĩnh Lại đang trên đường đến Thăng Long để tham gia kỳ thi Hội tháng ba. Không hiểu tại sao khi ấy tôi lại rất hào phóng, cắt ngay một vuông lụa để lau máu cho chàng, còn mời chàng ăn một bát bánh đúc của hàng bên cạnh.
- Tay trói gà không chặt mà còn đi gây sự với chúng, ông liều thật đấy! – Tôi vừa nhìn chàng ăn bánh đúc vừa xuýt xoa.
- Ta đọc sách thánh hiền, không thể để bọn chúng ăn nói ngông cuồng mà vẫn làm ngơ được.
Xung quanh tôi chỉ có dân lao động nghèo, suốt ngày lo làm sao kiếm được hai bữa cơm no bụng, người giỏi nhất cũng chỉ viết được tên mình, gặp quan lớn thì cúi gằm mặt để tránh phải tội không đâu. Lần đầu tiên tôi được kết giao với một người có học mà còn dũng cảm như chàng, tôi lấy làm vinh dự lắm. Mấy cậu công tử con quan mỗi lần nói chuyện đều một chữ "thánh hiền", hai chữ "cổ nhân" giống hệt chàng, mà cái mồm chàng khi nói trông lại có duyên hơn hẳn, tôi biết chàng chẳng chóng thì chầy cũng sẽ làm quan to. Đến hôm nay tôi không khỏi thán phục mình có con mắt tinh đời, đã nuôi được ông quan Trạng đến ngày đỗ đạt.
Chuyện tôi thỉnh được ông Trạng về nuôi cũng lắm công phu. Ông sống chết không đồng ý, bảo rằng nam nữ thụ thụ cái gì gì đấy, lại bảo sĩ khả sát gì gì đấy, không chịu bám váy đàn bà. Tôi mới bảo ông rằng tôi còn con gái chứ chưa phải đàn bà, vả lại, tôi chẳng dại gì mà để ông bám váy, nhỡ ông quá tay thì hóa ra tôi tồng ngồng giữa chợ à. Cuối cùng ông cũng chịu về ở tạm nhà tôi, sau hai đêm ôm gốc đa ngoài đình ngủ.
Ấy là những ngày tháng êm đềm hạnh phúc nhất của vợ chồng tôi – lúc ấy vẫn chưa phải vợ chồng. Đêm đêm tôi chong đèn quay tơ dệt vải, chàng ngồi đọc sách cạnh bên. Sáng tôi mang vải ra chợ bán, chàng vẫn ở nhà đọc sách. Tiền trước đây tôi dành dụm để mua trầu mua cau nhai cho môi đỏ má hồng bằng chị bằng em giờ mang đổi hết thịt hết cá cho chàng ăn lấy sức học hành, à còn thêm vài thỏi mực, vài cây bút nữa. Chàng thấy tôi vất vả thì xót, hầu như ngày nào cũng làm tặng tôi một bài thơ, ví tôi với con vịt con ngỗng gì đấy gánh gạo nuôi chồng. Tôi không biết chữ, nghe chàng vừa đọc vừa giảng giải cũng không hiểu được bao nhiêu, nhưng thế nghĩa là chàng thương tôi lắm.
Có những đêm trời gió, tôi muốn rúc vào lòng chàng ngủ cho ấm nhưng chàng không đồng ý, bảo làm thế sẽ phá hủy danh tiết của tôi, sau này không ai lấy. Tôi ức lắm, vừa lạnh vừa tủi, mắt rươm rướm nhìn chàng bảo:
- Nhưng mà em có định lấy ai khác ngoài ông đâu?
Chàng ngớ người, ôm tôi vào lòng vỗ về một lúc rồi vẫn kiên quyết ngủ riêng.
***
Lần đầu chúng tôi ngủ chung, tôi đã là vợ lẽ của chàng. Đêm ấy chàng cứ nhìn mãi vệt máu loang trên tấm lụa trắng trải ngang giường, cơ hồ xúc động khôn tả, ôm tôi vào lòng vỗ về cho đến sáng.
Tôi biết chàng thương tôi nhiều, nhưng vì mấy chữ môn đăng hộ đối, quan Trạng như chàng không thể lấy một ả bán tơ ở chợ về làm vợ lớn. Dù chàng có nhớ đến công tôi nuôi chàng ăn học mà bất chấp lời ra tiếng vào đón tôi qua cửa chính đi chăng nữa, tôi cũng không dám ngẩng cao đầu mà đối đáp thi từ ca phú với khách đến nhà chơi như bà Trạng – lúc chưa phải là bà Trạng thì làm tiểu thư tri huyện – kia. Người đâu vừa đẹp người, cử chỉ thanh cao, chữ lại đầy một bụng, tôi đứng cạnh nghe bà nói mà thấy mình đúng là con vịt con ngỗng thật, vừa xấu vừa đần. Chồng tôi hay bảo chàng trọng tôi không kém gì bà Trạng, nhưng tôi biết trong mắt mọi người, tôi chính là nỗi xấu hổ của chàng. Dần dần, mỗi khi nghe có khách đến tìm chàng, tôi đều trốn biệt ở nhà sau.
Ngoại trừ một hôm, tôi nghe ngoài sân có tiếng ồn ào to lắm nên tò mò đứng ở chái bếp trông ra, hóa ra là một gã đầu đường xó chợ đang bị hai tên gác cổng giải vào.
- Ngươi là ai? Một tên ăn mày sao dám đòi gặp bổn quan? – Chàng đứng trên thềm cao nhìn xuống. Chồng tôi mới đỗ đạt chẳng bao lâu đã có dáng vẻ oai phong y hệt mấy vị quan lớn mà tôi thấy ở chợ rồi.
- Dương Lễ, bác nói gì lạ vậy? Em là Lưu Bình đây! – Gã hình như có quen biết chồng tôi.
- Lưu Bình...?! Hình như ta từng nghe cái tên này... - Chàng gấp cây quạt giấy trên tay, day day thái dương ra chiều khó nghĩ. – À, ngươi là tên phá gia chi tử đã làm nhà họ Lưu lụn bại có phải không?!
- Dương Lễ! – Gã kia ném mạnh bình rượu đang cầm trên tay xuống đất, vạt áo của chồng tôi bị ướt mất một mảng to, cũng may không bị mảnh bình vỡ đâm trúng.
- To gan! – Mấy tên lính hầu vội bước đến giữ chặt gã lang thang, ép hắn quỳ xuống. Phải như thế chứ, mày là ai mà dám lớn tiếng với quan Trạng chồng bà?
- Ngươi đói à? Cũng tội. Một cậu ấm quen ăn sung mặc sướng giờ lại rách rưới thế này... - Chồng tôi quả nhiên là người có học, không hề tức giận mà còn thở dài ra chiều thương cảm. – Nể tình ngươi từng mời ta mấy bữa cơm, ta cũng chẳng nỡ để ngươi ôm bụng rỗng ra về.
Nói rồi chàng đi vào nhà, sai người bưng ra cho hắn một mâm cơm. Cái Nụ cứ tần ngần không dám đến gần hắn, cuối cùng nó đặt vội xuống đất rồi chạy biến vào trong. Tôi đứng xa không thấy được món gì, chỉ thấy hắn như hóa đá, ngồi nhìn mâm cơm rất lâu, rất lâu. Tôi nhìn thật kỹ, thấy vai hắn run run không rõ đang khóc hay cười, hay là đang muốn đánh một ai, chỉ biết một hồi sau hắn đứng dậy cầm cả mâm cơm lật nhào xuống đất nghe một tiếng "xoảng" giòn tan rồi bỏ đi mất hút.
Tôi đợi hắn đi một lúc mới tò mò chạy đến xem, trên nền đất ngoài những mảnh vỡ còn có cơm đã lên mốc từ hôm trước, mắm tôm đã đổi màu và mấy quả cà pháo dập nát một bên.
Thảo nào ánh mắt của gã lang thang tên Lưu Bình lúc bỏ đi lại đáng sợ đến mức trong mơ mấy ngày sau tôi vẫn thấy.
***
- Sao ông không ngủ mà cứ ngồi nhìn ra sân mãi, nhỡ ốm thì sao? – Tôi khoác áo lên vai cho chồng rồi ngồi xuống bên cạnh. – Ông buồn vì lúc chiều tên kia đập vỡ cái bát tô ông mới mua à?
Chàng cười khe khẽ rồi lại lắc đầu, mặt buồn rười rượi.
- Người đến ban chiều là em trai kết nghĩa của ta, tên là Lưu Bình.
- Em biết. Em nhìn trộm sau bếp, hơi xa nhưng cũng nghe rõ lắm. – Tôi đáp lại.
Chàng quay sang nhìn tôi một lúc với vẻ mặt rất lạ kỳ, mãi sau mới tiếp tục kể chuyện:
- Thầy của ta chẳng may qua đời sớm, một mình u buôn bán nuôi ta khôn lớn nên người. Sau khi u mất, ta lâm vào cảnh túng thiếu, có hôm suýt đói ngất giữa đường, may nhờ một lần gặp Lưu Bình, cậu ấy nể tài học của ta nên nhận ta làm anh kết nghĩa, còn mời ta về nhà tặng một thư phòng để ta chuyên tâm đèn sách.
Hóa ra tên Lưu Bình đó chính là tình địch của tôi, học đòi tôi nuôi chàng ăn học. Cũng may hắn không phải là nữ nên không thể nào làm vợ của chồng tôi được.
- Nhà hắn giàu như vậy sao bây giờ lại rách rưới thế kia? – Tôi bỗng dưng nhớ ra vấn đề quan trọng.
- Lưu Bình quen được nuông chiều, thường ngày thích nhất là đi nghe hát, đi đánh bạc, ta khuyên nhủ thế nào cũng không nghe. Sau khi ta đỗ Trạng Nguyên có cho người dò hỏi, cậu ấy thua bạc nên mất cả căn nhà tổ, giờ lang thang đầu đường xó chợ. Lần này đến đây chắc muốn nhờ ta giúp.
- Hay là ông mang hắn về đây, dù gì trong phủ cũng còn rất nhiều phòng trống mà. Em nghĩ bà lớn chẳng biết ghen đâu. – Tôi rụt rè đề nghị, quên mất tô cơm hẩm và bát cà thiu ấy chính chàng sai người mang ra đãi bạn.
- Không được. – Chàng lắc đầu, mặt buồn so. – Nếu ta làm như thế, Lưu Bình sẽ không bao giờ khôn lớn. Ta phải cho cậu ấy một bài học để sáng mắt ra, phải dùng cách khích tướng để đưa cậu ấy về với cửa Khổng sân Trình. Cậu ấy vốn sáng dạ, nếu chăm học sẽ đỗ đạt cao lắm, có khi công danh chẳng kém gì ta.
Tôi không hiểu hết ý của chàng, nhưng nhìn ánh mắt sáng ngời lúc chàng nói ra những câu ấy chỉ thấy ngưỡng mộ, kính trọng vô cùng. Chồng tôi quả nhiên là một người hiểu rõ đạo lý, lại có tấm lòng vô cùng vĩ đại.
- Ông cũng biết bản thân mình rất vĩ đại có phải không?!
Nghe tôi hỏi, chàng chỉ mỉm cười không đáp.
II.
"Vì tằm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay"
Tôi biết chồng tôi rất coi trọng Lưu Bình, hơn cả tôi và bà lớn. Chàng vẫn giữ mấy quyển sách năm xưa hắn tặng, đặt ở nơi trang trọng nhất trong thư phòng. Từ hôm hắn đến nhà, chàng luôn cho người theo dõi, mỗi lần nghe tin về hắn là lại trầm ngâm suốt một ngày. Nghe nói hắn đang viết thư pháp kiếm cơm qua ngày tại góc chợ Tây, cách phủ chúng tôi một quãng khá xa chắc vì muốn tránh mặt chồng tôi. Một hôm, chàng đưa tôi ít bạc, nhờ tôi đến mua chữ của hắn thay chàng.
Tôi đã lâu không ra chợ cũng chẳng gặp ai, được dịp không phải mang danh phận bà lẽ nhà ông Trạng thì vui sướng lắm, mặc một chiếc yếm đào, khoác thêm áo mỏng, vấn tóc như hồi con gái rồi cắp mũ đi. Lúc ra đến cửa, chồng tôi cứ nhìn không chớp mắt.
Chợ gần Thăng Long nhộn nhịp hơn hẳn phiên chợ nhỏ ở làng tôi ngày trước, tấp nập người qua kẻ lại. Tôi tìm khá lâu mới thấy hàng thư pháp của Lưu Bình, cũng vì trông hắn mặc áo thư sinh khác hoàn toàn dáng vẻ bụi bặm lang thang hôm trước làm tôi nhìn mãi mới nhận ra. Có vẻ việc viết thuê của hắn cũng chẳng khá khẩm là bao, vì khi tôi đến, hắn đang nhàn rỗi ngồi đọc sách.
- Cô muốn viết chữ gì? – Hắn hỏi làm tôi giật nảy mình, tên này thính thật.
- Tôi... – Tôi quên mất việc mình không biết chữ, hắn có viết gì cũng như nhau cả, lắp bắp một hồi. – Ông biết viết chữ gì?
Tôi không biết câu hỏi của tôi có chỗ nào vui mà hắn bật cười, đầu lắc lắc, mắt nheo nheo, gương mặt có nét điếm đàng, quả nhiên là tên công tử quen ăn chơi trác táng.
- Nếu cô nói ra đúng một chữ ta không viết được, ta sẽ gửi lại cô phần tiền công một bức.
Cái tên dở hơi này, đã nghèo rớt mồng tơi mà còn khéo vẽ trò. Tôi rủa thầm trong bụng nhưng vẫn cố nghĩ ra một chữ để hắn khỏi cười tôi ngu dốt.
- Ông viết chữ "Lễ" cho tôi. – Cuối cùng, tôi chỉ nhớ được tên của chồng mình.
Hắn bỗng dưng thừ người, nghệch mặt, sau đó lục túi bạc cỏn con, đứng dậy đưa tôi bằng cả hai tay:
- Ta nhận thua, không viết được chữ này.
Đấy, có phải ông đọc được một quyển sách thì chữ nào cũng biết cả đâu! Nghĩ đến đây, tôi càng thêm kính phục ông quan Trạng nhà mình.
Nhưng tôi đến đây để thay chồng giúp hắn kia mà, sao có thể lấy tiền của hắn. Huống hồ, trông vẻ mặt của hắn bây giờ rất khó coi, có lẽ vì tự thấy bản thân thấp kém lại còn chơi dại mất tiền. Tôi thở dài, dúi túi bạc trở vào tay hắn:
- Ông đừng buồn, trước đây tôi nghèo hơn cả ông, dốt hơn cả ông nhưng vẫn sống vui vẻ đến bây giờ đấy, rồi ông sẽ khá lên thôi. Có điều sau này ông đừng chơi ngông vậy nữa.
Hắn nhìn tôi bằng một ánh mắt rất lạ kỳ làm tôi tự nhiên thấy nóng ran hai bên má. May thay có người đến giải vây:
- Đây có phải cậu cả nhà họ Lưu giàu khét tiếng ở Vĩnh Lại không, sao giờ ra nông nỗi thế này?
Một tên công tử người gầy như que củi đang che quạt hỏi, đứng sau hắn còn có một vị tiểu thư mặt hoa da phấn, trông nét mặt nàng ta còn khó coi hơn cả tên Lưu Bình vừa nãy. Tôi liếc họ rồi lại liếc sang em trai kết nghĩa của chồng tôi, hắn đang nhìn cô gái nọ không chớp mắt. Đúng là tên háo sắc, thấy gái đẹp là quên mọi thứ. Hắn đứng như trời trồng một lúc rồi cười nhẹ, ngồi xuống chiếu bắt đầu viết chữ, xem như bọn tôi không hề có mặt trên đời. Tên công tử ốm yếu nở nụ cười đầy vẻ khinh thường rồi nắm tay vị tiểu thư kia đi mất. Cô ả có vẻ không vừa ý, lúc đi còn ngoái lại nhìn Lưu Bình đầy ái ngại, nhưng hắn vẫn chăm chú viết không ngẩng đầu lên.
- Hay là... ông tên gì thì viết chữ đó cho tôi vậy. – Tôi vẫn không quên việc chồng giao phó.
Hắn dừng bút, cuộn bức thư pháp đang viết dở lại:
- Xin lỗi, hôm nay ta không viết. Hẹn cô hôm khác.
- Nhưng mà... - Tôi lúng túng nhìn túi bạc nhất định phải đưa cho hắn. – Tôi muốn mua chữ, ông bán cho tôi bức nào cũng được.
- Không bán nữa. – Hắn nói thế rồi dọn hàng, mặc tôi đứng đấy.
***
- Ông đừng giận, em đã tìm đủ mọi cách rồi nhưng tên Lưu Bình cứ chê tiền ông ạ! – Tôi rón rén quạt mát cho chồng, cố thanh minh vì không làm tròn nhiệm vụ. – Ngày mai em lại đến mua chữ cho ông nhé.
- Không phải lỗi của nàng, cậu ấy xưa nay vẫn tùy hứng như thế. – Chàng ngập ngừng một lúc. – Cô gái đó chắc là cô hai Phụng nhà ông phủ Vĩnh Lại, người yêu ngày xưa của Lưu Bình. Nghe nói sau khi cậu ấy thua mất căn nhà, ông phủ đã hứa hôn cho nàng ấy với một vị công tử ở Thăng Long.
- Ra là vậy. – Tôi sửng sốt, thảo nào hắn buồn đến quẫn trí, tiền đưa đến trước mặt mà chê. – Buồn ông nhỉ, không phải ai cũng giàu không đổi bạn, sang không đổi vợ như ông. – Tôi ngồi xuống tựa đầu vào gối chàng, thấy mình hạnh phúc biết bao.
Chàng vuốt tóc tôi âu yếm hồi lâu rồi lại thì thầm:
- Phải chi Lưu Bình cũng may mắn như ta, gặp được một người tảo tần chăm lo để hắn chuyên tâm đèn sách như nàng. Chỉ tiếc... - Chàng nói đến đấy rồi thở dài não nuột làm tôi cũng thấy buồn lây. – Không có Lưu Bình đã chẳng có ta của hôm nay. Nếu ta không thể thấy cậu ấy công toại danh thành, chỉ e đến lúc chết cũng không nhắm mắt.
- Hay là em lại bán tơ thay ông nuôi hắn được không? – Tôi hỏi, chỉ muốn chàng cảm thấy được sẻ chia.
Không ngờ chồng tôi đồng ý thật.
***
- Hôm nay cô lại muốn mua chữ gì? – Lưu Bình dừng bút, ngẩng đầu lên hỏi tôi.
- Tôi không mua chữ, tôi muốn mua ông.
Chiếc bút trên tay hắn rơi xuống làm mực ướt nhòe cả giấy.
***
- Châu Long, nàng đừng đùa nữa, ngày nào nàng cũng ngồi đây thì khách đâu dám đến! – Lưu Bình nhăn nhó.
- Tôi cũng là khách sao ông không bán? – Tôi hỏi câu này lần thứ chín trong ngày, ngày thứ hai mươi ba kể từ hôm đầu gặp mặt.
- Tôi là thân trai tráng, lưng dài vai rộng, mặt mũi nào bám váy đàn bà.
À, lần này thì tôi đúng là đàn bà thật nên không cãi được nữa rồi.
- Nhưng ông nói muốn ôn bài để đỗ kỳ thi Hương năm tới mà, ông cứ ngồi viết chữ mãi ở đây mà chẳng kiếm được mấy tiền, làm sao đỗ được?!
Lưu Bình nhìn tôi rồi trỏ trỏ vào thái dương của hắn, cười cười, sau đó tiếp tục mài mực viết.
- Ông đau đầu à, thấy chưa, tôi đã bảo ông ăn uống cho tử tế vào!
Không ngờ hắn đặt hẳn cây bút trên tay xuống, ngồi chống cằm nhìn tôi trân trối.
- Cái xứ nào mà sinh ra được một người con gái như em?! – Hắn tò mò.
- Tôi quê ở Thanh Oai, lụa ở đấy đẹp không nơi nào sánh kịp, ông đã nghe chưa. – Tôi tự hào giới thiệu.
- Nghe rồi. Nhưng tôi thấy con gái xứ ấy mới đẹp không nơi nào sánh kịp.
Cái tên phá gia chi tử này lại làm tôi đỏ mặt rồi! Hắn thấy vậy lấy làm thích thú lắm, cứ cười mãi không thôi.
- Giờ ông cứ ngủ ở đình làng mãi cũng không phải cách, nhỡ trúng gió độc lại méo mồm...
Nụ cười trên môi hắn vụt tắt.
- Tôi có phải người nhà của em đâu, em lo lắng làm gì?
- Nhưng mà em lỡ thương ông... - Gai ốc nổi khắp người tôi, may mà hắn đang nhìn xuống nên không để ý.
***
- Sao em lại ngồi ngủ gật ở đây? – Tiếng Lưu Bình gọi làm tôi choàng tỉnh. Tôi ngồi chỗ chiếu thư pháp của hắn, tựa cột mà đợi, không ngờ đã thiếp đi tự lúc nào.
- Ông hẹn em nửa tháng, nay đã là ngày thứ mười lăm rồi nên em đến tìm ông? – Tôi dụi mắt.
- Tôi đâu có bỏ trốn, sao gà chưa gáy em đã đến làm gì? – Hắn hơi lớn tiếng.
Tôi nhìn hắn, mắt ươn ướt vì chưa tỉnh ngủ.
Lưu Bình cứ nhìn tôi mãi, nhìn mãi, cuối cùng hắn thở hắt ra một tiếng rồi kéo tay tôi dắt đi đến gánh trầu cau của bà cụ Mít mua một mâm nhỏ, rồi lại kéo tôi đến hàng rượu mua lấy một bình lớn đi mời từng người ở chợ:
- Hôm nay bọn tôi nên nghĩa vợ chồng, chỉ có ly rượu này để báo tin mừng, mong bác bỏ quá cho!
Bàn tay tôi nóng rẫy trong tay hắn, tôi đã đi mấy vòng chợ rồi, sao mắt vẫn còn cay cay buồn ngủ thế này...
III.
"Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa
Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng"
Tôi đưa Lưu Bình về ngôi nhà nhỏ mà chồng tôi chuẩn bị sẵn ở làng Dầu bên cạnh chợ Tây. Khi tôi gọi "chồng tôi" nghĩa là tôi đang nói về ông quan Trạng Dương Lễ, không phải tên "chồng" bỗng dưng cưới được, mong ông bà tổ tiên linh thiêng ở trên trời suy xét, việc này chẳng qua là bất đắc dĩ mà thôi!
- Lúc nãy ông không cần phải làm vậy, em đâu có ép ông cưới em về. – Tôi xếp quần áo của Lưu Bình vào tủ.
Không có tiếng trả lời, tôi quay người lại, Lưu Bình đã đứng sát cạnh tôi. Tôi chưa kịp hoảng hốt đã bị hắn ôm chầm lấy, hơi rượu phả đầy mặt, môi hắn ép vào môi tôi, lạ lẫm.
- Ông làm gì vậy? – Tôi cố né tránh nụ hôn của hắn.
- Em có biết đón một người đàn ông về nhà có nghĩa gì không? – Hắn cười cười hỏi, vòng tay vẫn giữ chặt lấy tôi.
Tôi không biết những điều này! Trước đây chồng tôi bao giờ cũng rất nho nhã, đúng mực, chẳng bao giờ chạm vào tôi, tôi ngỡ Lưu Bình cũng thế nên mới an tâm nuôi hắn thay chồng...
- Dù tôi thực sự giữ lễ với em thì người ngoài cũng sẽ nghĩ chúng ta đã xảy ra những chuyện này. Tôi không muốn để em ấm ức, dù thật sự "hôn lễ" kia cũng chẳng vẻ vang gì...
Ra là vậy! Tôi thở phào nhẹ nhõm, tên công tử phong lưu này cũng thật là...
Nhưng tôi lầm, hắn không dừng lại. Hơi rượu càng lúc càng nồng, vòng tay rắn chắc của hắn giữ chặt lấy tôi, đôi môi cứ đi xuống, đi xuống mãi.
- Đừng mà! – Tôi hoảng hốt, cố đẩy hắn ra.
- Châu Long, đừng sợ! – Hắn cố gắng vỗ về tôi.
Sức lực tôi chẳng là gì so với hắn, chuyện này không thể nào là thực được! Nước mắt tuôn thành dòng, trong đầu tôi gào thét tên chồng không biết bao nhiêu lần, nếu chuyện này xảy ra, tôi biết nhìn mặt chàng thế nào, tôi còn mặt mũi nào sống trên đời này nữa?!
Hoảng loạn, đớn đau, cuối cùng tôi thét lên thành tiếng:
- Chồng ơi, cứu em!
Dường như kẻ nọ lập tức buông tay.
Tôi sụp xuống góc nhà, khóc nấc.
Tôi đâu biết mọi chuyện sẽ thế này, tôi phải quay đầu thế nào đây?! Chồng ơi, em muốn về nhà, chúng ta tìm cách khác để giúp hắn, được không?!
Lưu Bình nửa quỳ nửa ngồi trước mặt tôi, đưa tay toan buộc dây yếm lại cho tôi nhưng tôi đã lùi nhanh lại phía sau, nước mắt vẫn rơi lã chã. Hắn nhìn tôi bằng ánh mắt ngỡ ngàng, rồi chuyển sang xót xa, cuối cùng là ân hận.
Mãi lâu sau hắn mới thì thầm:
- Xin lỗi đã làm nàng sợ, nhưng đây vốn là chuyện rất bình thường...
Tôi lắc đầu nguầy nguậy, môi vẫn mím chặt không đáp. Tôi biết hắn không sai, chuyện không bình thường là một con đàn bà đi lấy hai chồng như tôi mới phải.
Rất lâu rất lâu sau đó, hắn tiến đến gần, tôi không lùi lại nữa. Lần này hắn cẩn thận như thể nâng niu một chiếc bình gốm mỏng, ôm tôi lại.
- Tôi xin lỗi!
Nước mắt vẫn còn tuôn, tôi hít thật sâu rồi bảo hắn qua tiếng nấc:
- Khi nào ông đỗ đạt, thì... thì mình mới động phòng, có được không?!
- Được, tôi hứa với nàng. – Hắn ghì chặt lấy tôi.
***
Kể từ hôm ấy, Lưu Bình không đòi hỏi gì tôi nữa. Bù lại, hắn rất hay làm nũng. Tôi cố gắng né tránh những đụng chạm của hắn được lần nào hay lần ấy, mỗi lần không được lại lầm rầm xin tội với chồng. Lạy trời chồng tôi đừng biết những chuyện này!
- Ông đợi tí, em lấy gối cho ông.
- Yên nào, gối đầu lên đùi nàng học bài mau thuộc lắm.
- Ông nằm thế này sao mà em dệt vải?
- Muộn rồi đừng làm nữa, đọc sách cùng tôi.
- Em có biết chữ đâu...
Hắn cười suốt một ngày rồi bắt tôi học chữ, tôi từ chối thế nào cũng không xong. Hắn bảo tôi sau này thành bà Trạng mà không biết chữ sẽ có lúc xấu hổ với mọi người. Tuy hắn sẽ không cho phép ai bắt nạt tôi, nhưng cũng không thể ở cạnh để bảo bọc tôi mãi được. Hắn rất kiên nhẫn, tôi chậm hiểu như thế nào cũng chẳng phiền lòng, dạy đến khi nào tôi viết được mới thôi. Dần dần tôi đã viết được tên mình, tên hắn.
Vẫn còn một cái tên tôi muốn học.
- Bây giờ ông đã học được cách viết chữ "Lễ" chưa? – Một hôm tôi không giấu được sự tò mò nên hỏi hắn.
Ánh mắt hắn lại hệt như lần đầu gặp tôi hôm trước, tôi cứ ngỡ hắn sẽ gạt đi, không ngờ hắn dừng bút, kéo tôi vào lòng bắt đầu kể chuyện:
- Chữ đó chẳng có gì khó viết, tôi chỉ không muốn nhắc tên kẻ phản phúc ấy mà thôi.
Hắn đang nói đến chồng tôi. Tôi lùi ra khỏi vòng tay hắn, vờ như không biết chuyện gì, nghiêng đầu nhìn hắn đợi chờ.
- Trước đây tôi là cậu cả của một gia đình địa chủ ở Vĩnh Lại, giàu nức tiếng cả vùng. Từ nhỏ tôi thích theo cha đi xem việc buôn bán làm ăn hơn là đọc sách. Một lần đang uống rượu cùng đám bạn, tôi ra một câu đối, cuối cùng chỉ có tên Dương Lễ đang ngồi gục bên ngoài quán rượu là đối được. Hóa ra hắn vừa dùng hết tiền dành dụm để chôn cất u của hắn nên không còn chỗ ở. Tôi nể hắn có tài lại hiếu thảo nên kết nghĩa anh em, mời hắn về nhà ở, lại mời thầy giỏi về dạy, mong hắn vinh quy bái tổ. Cuối cùng, đúng là hắn đỗ Trạng Nguyên thật, được phong quan ở Thăng Long.
- Trước đây ông giàu như vậy, sao bây giờ lại...
Hắn cười cười nhìn tôi có vẻ thẹn, mãi sau mới đáp:
- Tôi thua bạc.
Tôi cau mày, giả vờ không vừa ý. Lưu Bình kéo tôi lại gần, đưa tay vuốt tóc:
- Châu Long giận là phải, tôi đã sai rồi!
- Sau đó ông có đi tìm ông quan Trạng kia không? – Tôi lại ngồi ra xa một chút.
- Có. – Hắn không nhìn tôi nữa, ánh mắt bỗng xa xăm. – Dương Lễ không những xem tôi như người xa lạ, còn cho người bưng cơm hẩm cà thiu ra để mời tôi.
Lưu Bình nhếch mép cười nhưng ánh mắt của hắn đủ để dọa trẻ con khóc thét. Đây chính là ánh mắt mà tôi đã thấy ngày hôm đó, rừng rực lửa, chua chát lẫn căm hận. Bàn tay hắn đặt trên đùi, nắm lại thành đấm, nổi gân xanh.
- Từ lúc tán gia bại sản tôi đã nhìn rõ sự tráo trở của biết bao nhiêu kẻ ngày xưa từng xưng huynh gọi đệ, cả cô gái mà tôi định lấy về làm vợ. Nhưng tôi không ngờ, một người chí nghĩa chí tình như Dương Lễ... Trong lúc trắng tay tôi vẫn vui mừng khi nhìn thấy hắn danh đề bảng hổ, còn gom hết số tiền sót lại mua một bình rượu thật ngon, vượt đường xa đến Thăng Long để chúc mừng.
Thì ra hôm ấy hắn đến nhà chúng tôi không phải muốn xin giúp đỡ.
Trong một lúc tôi không biết nên nói gì, đành đặt tay mình lên tay hắn, hắn ngạc nhiên rồi xúc động nắm chặt tay tôi.
- Ông phải đỗ thật cao, phải làm quan to hơn cả ông Trạng đó, để ông ấy sáng mắt ra!
Lưu Bình chợt mỉm cười, đưa tay vén lấy sợi tóc mai đang rơi xuống trước mặt tôi rồi cứ nhìn tôi mãi.
- Áo mão cân đai có thể làm người ta thay đổi hoàn toàn đấy, nàng có sợ không?
Tôi lắc đầu. Hắn lại tiếp tục nhìn tôi, một lúc sau bàn tay đương giữ sau gáy chuyển sang véo má tôi đến ửng hồng.
- Bà Trạng tương lai mà không biết viết chữ "lễ" cũng không hay cho lắm, đến đây tôi dạy nàng. – Lưu Bình đưa tay mài mực.
- Không cần đâu... - Tôi bỗng nhiên không muốn hắn buồn thêm nữa. – Ông không nghĩ đến chuyện môn đăng hộ đối sao, em không thể nào làm bà Trạng được!
- Môn đăng hộ đối? – Hắn nhìn tôi thảng thốt. – Chưa gì nàng đã thấy tôi không nhà không cửa nên không xứng với nàng sao?!
Cũng may tôi biết hắn là tên dẻo miệng, cũng may tôi đã có chồng, cũng may chồng tôi là một người xuất chúng, nếu không, hẳn là cái lòng tôi đã rung rinh...
***
Lần đầu tôi gặp lại chồng tôi là cái hôm Lưu Bình dự hội thi Hương, tôi có mấy ngày để về nhà. Chồng tôi thấy tôi về thì vui mừng lắm, cho người bày cỗ linh đình, sợ tôi ở bên ngoài ăn chẳng đủ no. Tôi nhìn thấy chàng đã đủ ấm lòng, còn thiết tha gì chuyện ăn uống nữa.
Khi mọi người đã rời đi cả, tôi ôm gối chàng thủ thỉ:
- Em không ngờ Lưu Bình lại muốn cưới em, em cứ lo ông biết chuyện sẽ buồn nhưng không biết làm cách nào để báo tin...
- Ta không lạ gì tính khí của Lưu Bình. – Chàng vuốt tóc tôi hệt như ngày trước.
Tôi sững người, quên mất họ có nhiều năm ở cùng nhau, sao chàng lại không hiểu Lưu Bình sẽ làm gì. Nếu vậy...
- Ông cũng biết hắn là một tên công tử phong lưu có phải không? – Tôi bỗng dưng thấy sợ.
- Ta biết... - Chồng tôi có vẻ ngập ngừng.
Tôi không dám hỏi thêm gì nữa.
Đêm ấy, trong lúc gần nhau, tôi nghe chàng thủ thỉ:
- Châu Long, nàng vì ta mới đến giúp Lưu Bình, nhỡ có xảy ra chuyện gì ta cũng đều tha thứ cả, đừng lo...
Có cái gì đó nhoi nhói trong lồng ngực.
Tôi quay mặt, để nước mắt thấm vào gối, thấm cả vào tim.
Là ai nên tha thứ cho ai?!
Hóa ra, "đau lòng" chính là cảm giác này.
IV.
"Chồng tôi thi đỗ khoa này
Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi"
Lưu Bình đỗ cả bốn kỳ của khoa thi Hương rất dễ dàng, đạt Giải nguyên. Mỗi ngày hắn lại thức khuya thêm một chút, ôn luyện cho kỳ thi Hội. Hắn muốn đỗ đầu tất cả các khoa thi, như thế khi đạt Trạng Nguyên mới mong được bổ nhiệm chức quan cao hơn Dương Lễ.
- Bà Cống ơi bà Cống, đợi chồng bà đỗ Trạng rồi bà sẽ không cần thức khuya dệt vải... À không, bà vẫn phải thức khuya, nhưng không cần dệt vải! – Lưu Bình à ơi trêu chọc làm tôi ngượng chín người.
Hắn vốn sáng dạ nên học rất nhanh, sở dĩ phải ngủ muộn vì ban ngày hắn giúp tôi làm hết việc trong nhà. Tôi ra chợ bán lụa về đã có người gánh nước, chẻ củi, nấu sẵn cơm canh. Công tử nhà giàu vốn đâu biết làm những việc này, nhưng hắn cứ nằng nặc đòi tôi dạy, làm từ khi tay bật máu đến lúc vết thương thành sẹo thì cơm cũng bớt khê, canh cũng bớt mặn hẳn đi. Có lần tôi chọc hắn là thư sinh có bàn tay xấu xí nhất trong số các thư sinh, hắn chỉ cười hiền:
- Nếu những việc nặng nhọc cũng để vợ làm, ta có học cao hiểu rộng bao nhiêu vẫn là kẻ không dùng được.
Không biết từ bao giờ tôi đã có thói quen ngồi nhìn hắn vã mồ hôi khi làm những việc vặt vãnh nọ, mỗi ngày chỉ mong hàng bán hết sớm để về nhà. Có một hôm, hắn đang ở chợ dọn hàng giúp tôi thì có một đám rước đi ngang, rộn ràng kèn trống. Thì ra cô hai Phụng lấy chồng!
Tôi cứ lo Lưu Bình buồn rồi suy sụp không thể ôn thi, nhưng trái lại hắn rất bình thản, đến mức làm tôi thấy hoang mang. Ngoại trừ việc lúc ấy hắn cứ nhìn mãi theo đám rước khiến tôi có chút khó chịu trong lòng, thái độ của hắn sau đó vẫn chẳng có gì thay đổi, vẫn ân cần nấu cơm, chẻ củi cho tôi.
- Hay ông có gì buồn thì cứ nói ra, giấu trong lòng lại sinh bệnh rồi chết. – Tôi tìm cách dụ hắn mở lời.
Hắn dừng đũa nhìn tôi, cười cười hỏi:
- Tôi chết em có buồn không, định khóc mấy ngày?
- Ông đừng đùa nữa, em biết cô hai Phụng... - Hắn đưa tay cắt ngang lời tôi nói.
- Châu Long, chuyện qua lâu rồi, tôi đã không còn nghĩ đến. – Tay hắn bỗng đưa lên vuốt tóc tôi. – Sở dĩ tôi khó chịu là vì... trước đây tôi vẫn luôn nghĩ sẽ cho vợ mình một đám rước rỡ ràng hơn thế.
Dừng một lúc, hắn nói tiếp, rõ ràng từng chữ:
- Đợi tôi!
Ông ơi, đám rước có linh đình thế nào thì cũng chỉ kéo dài một, hai ngày, còn bàn tay vững chãi của ông bảo bọc cho em là cả đời cả kiếp.
Tôi chợt nghĩ như thế, rồi bỗng dưng thấy sợ chính mình...
***
Lần thứ hai tôi trở về nhà là lúc Lưu Bình dự kỳ thi Hội. Chuyến này, tôi gom theo hết mọi tư trang.
- Lưu Bình chắc sẽ đạt giải cao ông ạ, em nghĩ việc hắn đỗ Tiến sĩ chắc cũng chẳng khó khăn gì, ông cho em ở nhà luôn ông nhé! – Tôi cố van nài.
Không ngờ, chồng tôi vô cùng kiên quyết:
- Bây giờ mà nàng bỏ đi, cậu ấy sẽ rất đau lòng, công sức chúng ta bỏ ra đến giờ sẽ đổ sông đổ bể. Châu Long, chỉ còn một chút nữa, chỉ cần cậu ấy đi dự hội thi Đình ta sẽ đón nàng về. Mong ước cả đời ta chỉ muốn thấy Lưu Bình vinh quy bái tổ, để ta trả cái ơn ngày trước.
- Nhưng mà... - Tôi yếu ớt phản kháng.
- Nàng thương ta thì cố giúp ta thêm một chút! – Ánh mắt của chồng khiến tôi chẳng nói được gì.
Chàng không biết, vì em thương chàng nên mới không thể ở cạnh Lưu Bình thêm ngày nào nữa.
***
- Ông Trạng à, Châu Long dẫu sao cũng là đàn bà, rất dễ động lòng. Ông để nàng ta ở cạnh Lưu Bình lâu như thế, ông không sợ gì sao? – Tiếng bà lớn vọng ra làm tôi dừng bước trước cửa phòng.
- Không có Lưu Bình chắc ta đã sớm chôn thây ở xó xỉnh nào, không có Châu Long thì không có ta của hôm nay. Nếu không phải là nàng ấy, ta cũng không biết ai có thể thay ta đi giúp Lưu Bình. Ta nợ hai người bọn họ quá nhiều, dù họ có làm ra chuyện tội lỗi gì ta cũng phải mắt nhắm mắt mở xem như không biết. Hơn nữa... - Chàng dừng một lúc khiến tim tôi cũng hẫng đi mấy nhịp, chén trà trên tay bỗng nặng như chì. – Lưu Bình cũng là người đọc sách thánh hiền, rất coi trọng chữ trinh, cậu ấy sẽ không chấp nhận một người đã thất tiết về làm vợ chính.
Ra là vậy. Hóa ra là vậy.
- Ta biết, bắt nàng phải chịu kiếp chồng chung là thiệt cho nàng, nhưng ta không thể bỏ mặc Châu Long được. – Giọng nói ngọt ngào này hình như tôi cũng từng nghe.
- Cả đời ông cứ khổ mãi vì chữ tình chữ nghĩa, cũng may bà Trạng tôi đây hiểu chuyện...
- Có được hồng nhan tri kỷ như nàng là phúc của ta.
***
Tôi rời khỏi phủ Trạng không lời từ biệt. Chẳng biết phải đi đâu, tôi đành quay về ngôi nhà nhỏ của tôi với Lưu Bình, trên đường ghé ngang chợ mua một bình rượu lớn.
Rượu có gì ngon đâu, vừa đắng vừa cay, sao xưa kia hắn lại uống nhiều thế nhỉ?! Hay là, khi say rồi sẽ không cần nghĩ nữa, có thể lãng quên rất nhiều chuyện không vui?!
Trước giờ tôi có say đâu, sao lại không nhận ra ánh mắt ông Trạng nhìn bà Trạng khác hẳn khi nhìn một con vợ lẽ như tôi? Sao tôi lại không biết ông cưới tôi về chẳng qua chỉ vì chữ "nợ", còn người ý hợp tâm đầu phải là cô tiểu thư tri huyện văn hay chữ tốt kia? Thảo nào ông không thấy xấu hổ vì có người vợ dốt nát như tôi, vì chỉ riêng việc ông đã cao thượng ban ơn cho tôi đã đủ làm ông thấy tự hào.
Tôi cầm mảnh vỡ của bình rượu, vẽ từng nét mảnh lên cổ tay mình. Có đau không? Tôi chẳng rõ, vì tim đã nát rồi thì còn có gì đau hơn được.
- Châu Long!!! – Tiếng ai đó gọi tôi nghe xé ruột xé gan. – Tôi về rồi, tôi về với nàng rồi!
Có ai đó ôm chặt tôi vào lòng, cẩn thận băng bó vết thương. Qua hơi men, tôi nghe hắn không ngừng lặp đi lặp lại:
- Tôi xin nàng, đừng bỏ tôi đi!
Tôi run run đưa tay vuốt lên má người đàn ông nọ.
- Là ông không cho em ở cạnh ông đấy chứ...
Có đôi môi cắt ngang lời nói của tôi, rất quen, rất ấm. Tôi thả mình vào cơn say, vào vòng tay ấm áp thân thương kia, rồi đôi môi ấy cứ đi xuống, đi xuống mãi...
Sáng hôm sau tỉnh lại, tôi biết mình đã không còn đường để quay đầu.
Lưu Bình ôm tôi trong lòng hắn, giữ chặt như sợ tôi sẽ đột nhiên tan biến. Tôi không có sức khóc, cũng không có tâm trạng rời khỏi vòng tay hắn nữa.
Rất lâu sau, tôi đột nhiên nhớ ra một việc:
- Có phải ông...
Lưu Bình kéo đầu tôi vào ngực hắn, không cho tôi nói gì thêm.
- Từ cái hôm đầu tiên chạm vào nàng, tôi đã biết rồi.
Trong lòng tôi bỗng dưng vang lên tiếng sấm.
- Tiếng kêu cứu của nàng hôm đó...
- Ông không để tâm sao?! – Tôi nghe mình lạc giọng.
- Tôi cũng là đàn ông, sao lại không ghen... Nhưng ngày xưa tôi không có mặt để cứu nàng đã là lỗi của tôi, sao còn có thể làm nàng tổn thương thêm được nữa?!
Ông trời ơi, con đã gây nên tội lỗi gì...?!
- Hôm qua tôi cứ sợ mất nàng nên không kiềm chế được... Tôi xin lỗi. Nàng hãy xem đó như một cơn mộng. Khi nào công thành danh toại, tôi sẽ cho nàng một tân phòng lộng lẫy, được không?!
Tôi ôm chặt lấy Lưu Bình, khóc òa như đứa trẻ.
Tôi biết mình không chỉ thất thân với hắn.
Tôi đã đánh mất cả linh hồn.
V.
"Kẻo không rồi chúng bạn cười
Rằng tôi nhan sắc cho người say sưa"
Ngày tiễn chồng tôi đi dự hội thi Đình, tôi cứ nhìn chàng mãi, không nỡ rời tay.
- Thi xong tôi sẽ lập tức quay về, nàng đừng lo lắng, ngoan nào! – Mắt chàng lấp lánh, vui như đứa trẻ.
Giấc mộng này dẫu lành hay dữ, cũng đến hồi chấm dứt.
Lưu Bình lên đường rồi, tôi cũng gói ghém hành lý, rời khỏi ngôi nhà đầy kỷ niệm của hai người. Lúc ra đến cửa, tôi sụp xuống lạy, tưởng như chàng đang trước mặt:
- Ông ơi, kiếp sau em sẽ làm trâu làm ngựa để tạ tội cùng ông!
***
Ngày quan Trạng bái tổ vinh quy là một ngày buồn ảm đạm.
Lưu Bình nhìn thấy gian nhà trống thì đánh rơi mọi thứ sính lễ trên tay, lại chạy vội ra chợ hỏi khắp mọi người, ai cũng lắc đầu, chàng như sắp hóa điên. Cờ xí rợp trời, võng lọng huy hoàng bỗng như phủ một màu tang.
Nhiều ngày trôi qua, rồi nhiều tháng trôi qua, chồng tôi vẫn không thôi tìm kiếm người vợ bỗng nhiên mất tích. Có những ngày chàng ngồi trong căn nhà cũ, say khướt, gục đầu bên khung vải:
- Châu Long, rốt cuộc ta đã làm gì có lỗi?!
- Ta xin nàng, nhất định phải bình an...
Tôi đứng nép ở một góc xa, răng cắn vào môi đến bật máu để ngăn tiếng khóc.
***
- Hưu thư? Nàng nói gì lạ vậy? – Dương Lễ thảng thốt kêu.
- Việc tôi hứa với ông Trạng, tôi đã hoàn thành. Xin ông cho tôi được tự do. – Tôi cúi người thành khẩn, cũng không biết mình đang muốn đòi thứ tự do gì, chỉ biết không muốn khi chết đi cũng phải làm ma của họ Dương.
- Châu Long, nàng điên rồi có phải không? – Người tôi từng xem là chồng ấy lay mạnh tay tôi. – Hay nàng nghĩ sau khi Lưu Bình đỗ đạt sẽ thực sự cưới nàng?
Không biết sức lực ở đâu, tôi tát hắn một cú như trời giáng.
Tát rồi thấy tim mình cũng đau như bị ai cầm dao đâm từng nhát, từng nhát một, đâm rồi còn khoét sâu thêm một chút.
Tôi biết mình là con đàn bà trắc nết, chẳng có tư cách làm vợ của ai. Chỉ mong thoát được đến nơi cùng trời cuối đất, lãng quên mọi chuyện.
Dương Lễ còn đang bàng hoàng, tôi cũng đang bàng hoàng thì gia nhân vào báo:
- Bẩm đức ông, tân khoa Trạng Nguyên đang đợi ông ngoài cửa phủ!
Sớm không đến, muộn không đến, chàng lại đến ngay lúc này, ông trời cũng thật khéo trêu ngươi!
***
Khi Dương Lễ bước ra khỏi cửa phòng, chiếu hoa đã được ai trải sẵn ra tận cổng. Tôi len lén nhìn theo.
Ngoài kia, Lưu Bình áo mão cân đai rạng rỡ, chiễm chệ ngồi trên võng.
- Sao giờ chú mới đến? – Dương Lễ ôn tồn như gặp lại người thân.
- Chỗ ở của thượng quan thềm cao cửa rộng, năm xưa thằng này đến chúc mừng mà thượng quan còn không nhìn mặt. Giờ thằng này đã già rồi, không nuốt nổi món cà thiu cơm hẩm của thượng quan nên đâu dám bước vào.
- Lưu Bình... - Ngập ngừng một tiếng, Dương Lễ thở dài. – Chú giận anh cũng đúng. Chú phải hận anh thì mới có danh vọng ngày nay.
Lưu Bình cười lạnh một tiếng, rợn người.
- Thượng quan nói đúng, nhờ bữa cơm mưa móc của thượng quan mà thằng này mới danh đề bảng hổ. Hôm nay thằng này đi vội, quên mang lễ vật hương đèn đến lạy tạ thượng quan. Không có thượng quan thì thằng này đâu biết chữ vong ân bội nghĩa viết thế nào.
Tôi thấy trên mặt Dương Lễ hiện lên nét đớn đau. Cảnh này, tình này, tôi không còn biết ai đúng ai sai nữa.
- Lưu Bình, chú nghe anh nói, tất cả chỉ là một kế hoạch...
- Im đi! – Gần hai năm ở cùng nhau, tôi chưa bao giờ thấy một Lưu Bình như thế. – Ta không ngờ ngươi là một kẻ đê hèn dám làm không dám nhận, uổng công ta đã từng dốc lòng nâng đỡ nhà ngươi!
Tôi không nghe Dương Lễ đáp lại điều gì, bỗng nhiên sau lưng tôi có tiếng bước chân.
Tôi hiểu ra ý định của hắn thì đã muộn.
Tôi vùng vẫy hết sức vẫn không thoát ra khỏi hai tên cận vệ cao to, chúng kéo tôi đến trước Lưu Bình, tôi đưa tay che mặt trong tuyệt vọng.
- Sao nàng lại ở đây? – Chàng vội chạy đến đỡ tôi.
- Lưu Bình, đây là Châu Long...
- Đừng mà! – Tôi thét lên, đưa tay bịt chặt tai của Lưu Bình, lắc đầu nguầy nguậy.
- ... là vợ lẽ của anh. – Hắn vẫn tàn nhẫn nói rõ ràng từng chữ.
Đến tận lúc đó tôi mới biết, căm hận một người mình đã từng tha thiết thương yêu là việc đau đớn đến mực nào.
Nét mặt Lưu Bình như hóa đá. Tôi không nhìn thấy cảm xúc gì trong đôi mắt luôn sáng rực như sao trời ấy nữa.
***
Thời gian như dừng lại, không biết mất bao lâu, tôi mới run run cất tiếng gọi chàng:
- Ông ơi, em có tội với ông...
Cánh tay Lưu Bình vuột khỏi tay tôi, chàng đứng lên, chầm chậm tiến đến gần Dương Lễ.
- Anh biết chú vốn rất kiêu ngạo, không chịu được ai sỉ nhục mình. – Hắn thản nhiên giải thích. – Thế nên anh mới bày ra màn kịch ngày đó, một mặt nhờ Châu Long đến chăm lo để chú học thành tài...
- Khốn nạn!
Lưu Bình đấm thẳng vào mặt Dương Lễ, hắn ngã xuống đất, hộc cả máu mồm máu mũi. Chàng giật cây giáo của tên lính hầu, toan đâm xuống, tôi choàng tỉnh chạy đến ôm chặt tay chàng, khóc không thành tiếng. Lưu Bình vẫn đang trong cơn thịnh nộ, mắt nhìn Dương Lễ như muốn ăn tươi nuốt sống.
- Thượng quan đâu phải là cha là mẹ mà đòi dạy dỗ thằng này!
Nét mặt Dương Lễ rất ngỡ ngàng, có lẽ đến giờ hắn vẫn luôn nghĩ mình làm đúng.
Lưu Bình vẫn lăm lăm cây giáo trong tay, sức tôi sắp không giữ được nữa rồi.
- Đức ông, xin nghĩ lại!
Bà Trạng bây giờ mới đến, dùng thân chắn trước ngọn giáo của Lưu Bình.
- Hai người từng thân thiết như máu mủ kia mà! Ông nhà tôi dẫu có làm sai thì cũng vì ý tốt muốn đức ông công thành danh toại. Xin ông nghĩ lại cho!
Tay còn lại của Lưu Bình từ từ gỡ mấy ngón tay tôi đang bám chặt người chàng, ánh mắt vẫn chăm chăm nhìn Dương Lễ, hàm răng nghiến chặt đến nổi gân xanh.
- Đừng mà! – Bà Trạng khóc thét.
Nhanh như chớp, mũi giáo trên tay chàng đâm mạnh xuống.
Cắm thẳng xuống mặt đất, cứa ngang má Dương Lễ một đường.
Máu từ vết thương của hắn rỉ ra, hệt như vết máu trên cổ tay tôi ngày đó.
Lưu Bình quay lưng bước ra cửa, từng bước, từng bước nặng nề.
- Lưu Bình! – Dương Lễ luống cuống bò dậy, gọi với theo.
- Ta cấm ngươi từ nay không được gọi tên ta nữa. – Chàng vẫn không quay lại.
Tôi thấy cả người mình không còn sức lực, chỉ biết ngồi sụp trên mặt đất, giương mắt nhìn bóng chàng đi mỗi lúc một xa.
- Đưa nàng ấy về phủ. – Chàng đột nhiên dừng chân, thấp giọng ra lệnh cho bọn tùy tùng.
Tôi chưa kịp phản ứng gì, chàng đã tiếp:
- Ta chưa biết nên làm gì, nói gì với nàng. Ta chỉ không muốn nàng ở lại nơi bẩn thỉu này, càng không muốn nàng nghĩ quẫn.
Dương Lễ vừa định phân bua gì đó, chàng lại cất giọng lạnh như băng:
- Tốt nhất các người im miệng hết cho ta.
***
Đã ba tháng rồi tôi bị giữ lại trong phủ của chàng, xung quanh luôn có nhiều người canh giữ. Vật dụng trong phòng tôi không có lấy một con dao, một mảnh sành, đến chén ăn cơm cũng là chén gỗ.
Từ hôm ở nhà Dương Lễ đến giờ, tôi chưa từng thấy mặt chàng. Tôi nghĩ như thế cũng tốt, cả đời tôi cứ ở trong căn phòng này cũng tốt.
Dính líu đến một ả tiện phụ như tôi chỉ tổn hại quan lộ của chàng.
Vả lại, vết thương trong lòng chúng tôi, dù có thuốc tiên, chắc cũng phải đến kiếp sau mới thôi rỉ máu.
***
- Sao ở khu nhà chính lại ồn như vậy? – Tôi hỏi người gác cửa.
- Bẩm lệnh bà, nghe nói đức ông say rượu, trong lúc đập phá lỡ tay làm đổ ngọn đèn dầu, bọn người hầu đang dập lửa.
- Đưa ta đến đó mau!
Khi tôi đến nơi, Lưu Bình đang ngồi giữa một đống đổ nát, gia nhân chỉ dám đứng cạnh bên. Chàng gục trên thềm, tay vẫn nắm chặt thành đấm, rướm máu.
Tôi đến cạnh, run run nắm lấy tay chàng.
- Sao nàng lại là vợ của bạn tôi?! – Chàng dở mê dở tỉnh.
Tôi ôm chàng vào lòng, cả đau cũng không còn sức mà đau nữa. Chàng vùi vào ngực tôi khóc như đứa trẻ:
- Tôi mới là thằng khốn nạn. Tôi có tội với nàng...!
***
Sau cái hôm say rượu gây cháy nhà ấy, Lưu Bình nhận lệnh đi kinh lý ở xa mấy tháng, canh gác ở phòng tôi cũng được nới lỏng.
Tôi để lại một phong thư, vỏn vẹn hai từ: "Phu quân, vĩnh biệt!".
Tôi hiểu, chàng cũng hiểu, lần này chàng sẽ không đi tìm tôi nữa.
***
Mười năm sau đó, tôi nhận được tin Dương Lễ qua đời.
Thăng Long ngày tôi trở lại đã đổi khác rất nhiều, chỉ có ngôi phủ này vẫn như xưa.
- Lúc ông ấy sắp lâm chung cứ mong mãi, nhưng chúng tôi tìm thế nào cũng không thấy cô, ông ấy chết mà không nhắm mắt. – Bà Trạng nay tóc đã hoa râm, tay ôm đứa trẻ vừa lên chín, tay còn lại len lén chùi nước mắt.
- Tôi đã thôi hận ông ấy lâu rồi. – Hận một người quả thật rất mệt, nhiều năm qua trong lòng tôi chỉ còn chỗ cho nhớ thương thôi.
Tôi thắp một nén nhang cho người mình từng gọi là chồng, thấy lòng nhẹ bẫng, bao nhiêu chuyện cũ quả thật đều phai nhạt cả.
- Ông ấy không phải là người xấu, chỉ vì... - Người vợ duy nhất mà ông Trạng yêu thương lại lên tiếng nói giúp ông.
- Tôi biết. – Tôi nhìn bà Trạng, bỗng dưng thấy trong lòng thương cảm. – Những năm qua, bà có hạnh phúc không?!
Tôi có từng hạnh phúc không, có ai từng hạnh phúc không?!
***
Khi ra đến cổng, tôi lại gặp một người quen cũ.
- Mấy năm qua, nàng sống thế nào? – Người ấy cười nhẹ.
- Rất tốt, còn ông?! – Tôi cũng mỉm cười đáp lại.
- Tôi cũng tốt.
Chuyện xưa như khói, như hương, bảng lảng tỏa lên không rồi tan biến.
VI.
Từ Thăng Long trở lại Thanh Oai, tôi dẹp đi khung cửi, giao lại hàng lụa cho cô bé đã phụ việc bấy lâu nay, ra thị trấn bày một chiếu thư pháp bán chữ kiếm cơm sống qua ngày.
Trước giờ chỉ có ông đồ đi viết chữ thuê, thế nên hàng chữ của tôi đông khách lắm, phần lớn là những kẻ hiếu kỳ, tôi nhờ thế mà cũng vượt qua được sáu năm.
Người qua chợ cứ bàn tán mãi về một ông Trạng Nguyên đã đăng khoa mười mấy năm về trước mà đến giờ vẫn phòng không chiếc bóng, nghe nói ông là một vị quan không những được lòng dân mà còn rất được vua tín nhiệm, thăng tiến rất nhanh, quan lại trong triều có con gái đều mong được kết thân mà ông vẫn chưa vừa ý vị tiểu thư nào.
Tháng lại ngày qua, tôi cứ ngày ngày viết chữ, lấy việc chuyện trò cùng khách làm vui. Đôi lúc cũng có vài người thấy tôi còn tí sắc hương nên chọc ghẹo, tôi cũng chẳng thấy đó là phiền.
Ngoại trừ một việc.
- Cô ơi, viết hộ cháu chữ "Bình". – Cô bé má đỏ hồng hồng đưa túi bạc ra trước mặt tôi.
- Chữ này cô không biết viết. – Tôi xoa đầu cô bé rồi đưa cho xâu mứt, nó vui vẻ chạy đi.
- Bà đồ cũng kiên nhẫn thật, xem ra trẻ con khắp Thanh Oai đứa nào cũng được ăn mứt của bà rồi. – Anh hàng mứt bên cạnh lớn tiếng trêu.
- Này, ngày mai tôi đến hàng ở cuối chợ, không mua của bác nữa đâu! – Tôi lườm lại.
Đã ba năm, ngày nào cũng có một đứa trẻ khác nhau đến đòi mua chữ, lần nào cũng là tên của một người.
Cho đến một hôm, tôi đợi từ sáng đến chiều cũng không thấy đứa trẻ nào hỏi mua nữa, xâu mứt tôi chuẩn bị bỗng nhiên hóa thừa thãi, vô duyên.
Thôi vậy, cái gì rồi cũng có hạn cả mà.
Tôi thu dọn, quày quả ra về. Đi được nửa đường thì bước chân sững lại.
- Em dọn hàng rồi, ông muốn mua chữ thì mai hãy đến. – Tôi không muốn nhận già cũng không được, trời vừa chập choạng thì mắt lại nhòe đi.
- Tôi đã treo ấn từ quan, không có bổng lộc để mua chữ nữa. – Người đó nở nụ cười cợt nhã quen thuộc.
Tôi đang tìm lời đáp lại, họ đã đưa tay ra trước, nói rất dịu dàng:
- Tôi muốn mua em.
HẾT.
Thời trước, Nguyễn Bính.
Huyện Vĩnh Lại tỉnh Hải Dương, nay là huyện Vĩnh Bảo thuộc Hải Phòng. Thời phong kiến, tỉnh Hải Dương là địa phương có nhiều Trạng Nguyên nhất trong cả nước, chiếm hơn 50% tổng số Trạng Nguyên các thời kỳ. (Nguồn: )
"Sĩ khả sát, bất khả nhục": Người quân tử thà chết chứ không chịu nhục.
Ý chỉ việc học hành.
Thời trước, Nguyễn Bính
Thời trước, Nguyễn Bính.
Thời trước, Nguyễn Bính.
Hương cống hay Cống sĩ là một loại học vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến, tức là đỗ tứ trường khoa thi Hương. Loại học vị này được xác định trong khoa thi Hương: là khoa thi được tổ chức theo lệ thường 3 năm có 1 khoa, nhiều tỉnh thi chung 1 trường, chẳng hạn khoa thi năm 1813 tại trường Quảng Đức có 8 tỉnh, chỉ lấy đỗ 9 người. Tùy theo khoa thi, nhưng số lượng lấy đỗ khá ít đỗ tứ trường gọi là Cống sĩ để bổ nhiệm làm quan, thí sinh xếp thứ nhất trong các Cống sĩ khoa thi Hương gọi là Giải nguyên.
Vào đời nhà Hậu Lê, mỗi khoa thi Hương có 4 kỳ (xưa gọi là 4 trường) kéo dài khoảng 1 tháng. Nội dung thi cơ bản như sau:
· Kỳ I: Kinh nghĩa, thư nghĩa;
· Kỳ II: chiếu, chế, biểu;
· Kỳ III: thơ phú;
· Kỳ IV: văn sách.
Đỗ cả ba kỳ thì được nhận học vị sinh đồ, đỗ cả bốn kỳ được nhận học vị Hương cống.
(Nguồn: )
Thời trước, Nguyễn Bính.
Thư thôi vợ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro