Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chu Hạ hồi ký

*Lời nói đầu: Đây là tác phẩm truyện ngắn đầu tay của mình, được viết theo ngôi thứ nhất như một cuốn nhật kí của nhân vật để nhằm nêu bật diễn biến tâm lí. Sẽ có đôi lúc giọng văn thay đổi và hơi lủng củng để diễn tả cảm xúc chân thực của nhân vật, mong mọi người đón nhận nhé!*


(Kì thực tôi hầu như chẳng bao giờ viết những câu chuyện của mình lên giấy, cảm giác như thương hại chính bản thân vậy, cô độc với vật vô tri, bầu bạn với người tưởng tượng. Nhưng dù sao cũng không còn cơ hội để nói ra nữa, tôi quyết định kể lại hồi ức về quãng thời gian khó khăn nhất, hi vọng nhận thức được bản thân đã cố gắng đến nhường nào. Chấp niệm về mẹ, vẫn luôn ở trong tâm trí tôi, viết thành cuốn hồi ký, tựa nhật ký, như thể quay lại ngày tháng mẹ còn bên...)

Ngày 2/12/2000.
Mùa đông tại Hà Nội năm nay thật buốt, hôm nay tôi mặc chiếc áo phao mẹ tặng, vai đeo một cái balo nặng trĩu toàn sách vở, đôi chân run rẩy nhanh chóng chạy ra bến đón chuyến xe bus cuối cùng về nhà. Những tháng cuối đời học sinh thật áp lực, cả ngày chỉ loanh quanh với đống bộ đề ôn luyện, đầu óc tôi luôn trong trạng thái căng như sắp đứt, lên xe tìm một chỗ ngồi rồi tranh thủ ngủ một xíu, vậy mà đi lỡ bến luôn.

Trời tối muộn vắng xe đi lại, từng cơn gió buốt mang theo sương đêm len lỏi vào trong lớp áo dày cộp của tôi, đúng lúc này tiếng chuông điện thoại reo, là mẹ.
- Alo, con sắp về rồi đây, mẹ cứ đi ngủ trước đi.
- Sao hôm nay về muộn thế, lại đi ăn chơi ở đâu à?
- Dạ không ạ, con lỡ bến xe xíu thôi, con đang đi bộ về rồi. Mẹ ngủ đi đấy nhé.

Rồi tôi cúp máy, vừa đi vừa nghĩ ngợi lung tung.

Bỗng đằng xa có một bóng người nhỏ bé, gầy gò phía cuối con đường đang nhìn chằm chằm về phía mình. Trên những tờ báo mà mẹ hay đọc luôn có những vụ bắt cóc, giết người man rợ, vậy nên chỉ cần có một chút điểm kì lạ tôi cũng tưởng tượng ra nó. Thế nhưng tôi chẳng có chút sợ hãi nào, gần lại một chút, thì ra mẹ đi đón tôi. Thấy mẹ, tôi chạy nhanh đến và có hơi chút lên giọng bởi bà ấy không ngủ mà còn ra đây, tôi rất sợ mẹ bị cảm.

Mẹ mắng tôi: "Cái con bé này, có về nhà thôi cũng quên, chả được cái tích sự gì, mẹ mày thì ở nhà chờ mày về ăn cơm, thức ăn nguội hết cả rồi mới mò cái mặt về."

"Mẹ biết con đi học mệt thế nào không, sao cứ nhìn thấy mặt con là quát thế, mẹ không thương con à!" Tôi gắt gỏng, thái độ trái ngược hoàn toàn với tình cảm của mình.

Mẹ không nói gì, lườm tôi một cái rồi kéo vào nhà. Nhà của tôi, mẹ nói đây là của ông bà để lại cho mẹ, kiến trúc theo lối cổ điển với tường màu vàng, chỉ có hai tầng, bên ngoài rong rêu đã phủ đầy một mảng. Bố tôi đã mất từ khi tôi còn nhỏ, đã từ lâu chỉ có hai mẹ con tôi nương tựa vào nhau, vì có chút khó khăn nên tôi đã xin mẹ cho đi làm để phụ giúp một phần kinh tế nhưng mẹ cương quyết từ chối, mẹ nói đây là tuổi ăn tuổi học, cứ tập trung tích luỹ kiến thức rồi sau này làm gì thì làm, tiền nong mẹ lo được hết. Mẹ nói như vậy để tôi yên tâm học tập nhưng tôi biết để kiếm tiền cho tôi đi học mẹ đã vất vả biết nhường nào.

Trước đây, mẹ là cán bộ chiến sĩ tham gia chiến tranh chống Mỹ, làm ở bộ phận đưa tin tức, trong tủ mẹ vẫn luôn cất giữ những vật phẩm từ thời đó, trong đấy có cả một bức ảnh đen trắng với hai bím tóc dài, tay xách một chiếc túi to, mặc một cái áo sơ mi kẻ đã cũ sờn. Cũng vì thế mà bây giờ mẹ làm trong hội phụ nữ của phường được rất nhiều người yêu mến và hâm mộ.

Dù thời trẻ mẹ đã cống hiến hết mình vì tổ quốc, nhân dân, nhưng ông trời vẫn chưa lần nào yêu thương lấy mẹ, ông bà ngoại ra đi khi mẹ mới mười tuổi, bác trai vì nhiễm chất độc màu da cam trong chiến tranh mà trở nên dị tật, ốm yếu rồi cũng đi ngay sau đó. Mẹ nói, thời đó loạn lạc, họ hàng thân thiết không đi lánh nạn thì cũng chết trên chiến trường, bây giờ họ ngoại nhà tôi chẳng còn ai nữa cả. Rồi từ khi bố tôi mất, ông nội tôi cũng già cả, bà nội vì quá đau buồn cũng đổ bệnh nặng mà đi, từ đó ông được các cô chú đưa về quê chăm sóc, đã lâu lắm rồi, chẳng ai đến thăm nhà chúng tôi, chỉ thi thoảng tết đến chúng tôi lại về đó thắp hương cho bà mới được gặp ông. Đã từng có lúc mẹ tôi tuyệt vọng vì dường như mọi người đều đang rời bỏ mình, nhưng nhìn tôi lớn lên từng ngày, mẹ mới cố gắng vui vẻ cho tôi có một cuộc sống thật bình yên.


Ngày 1/6/2001.
Thời gian cứ vậy thấm thoắt trôi, đã đến những tháng cuối cùng trước kì thi, tôi vùi đầu vào học, tự nhủ rằng chỉ có cố gắng mới cho mẹ được vui vẻ, hai mẹ con tôi sẽ được đi du lịch cùng nhau. Nhưng, ngay trước thời điểm ngàn cân treo sợi tóc thì biến cố xảy ra. Ông nội tôi đi rồi, trước đây ngoài mẹ ra, ông là người yêu thương tôi nhất, ông không chiều tôi như cách ông bà thường chiều cháu mình, mà ông thường dạy tôi những kĩ năng cơ bản để sống, ông nói ông muốn tôi có thể tự chăm sóc bản thân mình, ông cũng lo sợ số tôi cũng giống như mẹ: cô độc.

Khi tôi chưa đủ tuổi đi học tiểu học, mẹ tôi thường gửi tôi về quê để ông chăm, bởi mẹ không có tiền cho tôi đi mẫu giáo. Cứ mỗi trưa, ông lại cầm cây gậy chống chầm chậm bước đến chỗ tôi ngủ, quạt mát cho tôi, kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về chiến tranh, từ quân Pháp đến quân Mỹ, ông đều trải qua hết rồi, thậm chí còn để lại những chấn thương thể xác không thể tan biến. Nói cách khác, tuổi thơ của tôi tràn ngập hình ảnh về ông, từ những hành động cử chỉ nhỏ nhất của ông, tôi đều nhớ rất kĩ, tôi còn cẩn thận viết hẳn vài trang giấy kể về ông, bởi tôi sợ sau này, tôi sẽ quên đi người tuyệt vời như vậy. Đêm mà tôi nghe tin ông mất, tôi đã khóc đến sáng, ướt sũng cả một tập đề thi, càng đau lòng hơn khi biết, ông còn nhờ cô chú đưa cho tôi một số tiền nhỏ mà ông tích góp được để cho tôi học đại học.

"Sau này con phải làm sao đây ông ơi, con chỉ có ông và mẹ thôi, sao ông lại bỏ con đi, sao ông không để con gặp ông lần cuối, lẽ ra ngày hôm đó khi tạm biệt ông để lên thành phố, con phải ôm ông thật lâu ..."

Sự ra đi của ông như một sự đả kích lớn đối với tôi, nhưng tôi là ai chứ, tôi phải thật kiên cường và mạnh mẽ. Ông đã từng nói, có yếu đuối cũng chẳng ai thương tôi đâu, bởi ông và mẹ không thể cùng tôi đi đến cuối đời. Đúng vậy, tôi phải cứng rắn lên để che chở cho mẹ, kể từ bây giờ, mục tiêu duy nhất của tôi là làm mẹ hạnh phúc, chỉ vậy thôi.


Ngày 6/7/2001.
Hôm nay tôi đã thi rất tốt: "Reng, reng, reng, đã đến giờ vào phòng thi, học sinh xếp hàng ngay ngắn mang đầy đủ dụng cụ và chứng minh thư. Chúc các em có một buổi thi thành công."

Tôi đã chuẩn bị xong hết rôì, chắc chắn tôi sẽ làm được, rồi tôi tự tin thẳng lưng bước về chỗ ngồi của mình, nghiêm túc làm bài cho đến câu cuối cùng. Năm nay đề thi không khó đối với tôi, tôi nghĩ mình sẽ được trên 8 điểm môn toán này. Ngày mai sẽ có bài thi ngữ văn và cuối cùng là thi tổ hợp, vì có chứng chỉ ngoại ngữ từ trước nên tôi không phải thi nữa, áp lực cũng giảm bớt. Ra đến cổng trường, mẹ tôi đang đứng đó chờ, mùa hạ miền bắc nóng vô cùng, cái nắng làm cháy da cháy thịt, vậy mà mẹ kiên quyết đón tôi bằng được. Tôi chạy ra khoe với mẹ tôi làm rất tốt, như thường lệ, mẹ sẽ không khen hay khích lệ tôi mà mở màn bằng câu nói: "Lúc nào mày chả nói thế, rồi đến lúc có điểm lại ơ con nhầm, con tính sai, con gái con đứa hậu đậu thì thôi, đến làm có vài câu chữ cũng sai."

Tôi hiểu mẹ tôi lắm, đợi đến ngày bà khen tôi chắc tôi trúng số rồi.
Về nhà mẹ bảo tôi lên thay quần áo, còn mẹ đi nấu ăn, quả nhiên, ngoài miệng mắng tôi là thế nhưng mẹ đã làm tôi món ăn tôi thích nhất, mua cả nhiều hải sản đắt tiền cho tôi ăn nữa, vẫn là mẹ thương tôi...

Tối, tôi với tâm trạng thoải mái ôn tập môn ngữ văn, mẹ tối nay đi công việc gì đó mà cả đêm không về, sáng sớm hôm sau khi tôi tỉnh dậy đã thấy mẹ ở dưới nhà làm đồ ăn sáng rồi chuẩn bị đưa tôi đến trường. Hôm nay, trái tim tôi bỗng đập rộn ràng, đến mẹ tôi còn nghe rõ mà hỏi sợ quá à, chắc đó là do sắp có tin vui, chắc hôm này tôi sẽ lại làm được bài...Cầm cây bút lên, đọc kĩ đề, "Vợ nhặt", đây chẳng phải là trúng tủ rồi hay sao, đúng bài mà tôi đã học kĩ nhất, bài văn nghị luận xã hội cũng là bài tôi đã từng viết, thật may làm sao, cánh cổng đại học đang dần chào đón tôi rồi.


Ngày 7/7/2001.
Ngày thứ hai ở trường thi, tôi hào hứng chạy ra cổng trường, trong đầu đã chuẩn bị những câu chữ để nói với mẹ về thành tích hôm nay, mẹ đến muộn rồi, chắc lại bận chuyện gì đó trên phường, tôi đứng đó chờ mẹ đến cả một tiếng, rồi có tin nhắn từ mẹ gửi đến, nói tôi về trước đi, mẹ có việc phải đi xa, mẹ chuẩn bị trước đồ ăn rồi. Tôi thầm giận mẹ rất nhiều, sao bây giờ mẹ mới thèm nhắn tôi, để tôi đợi dưới cái nóng 39, 40 độ này.


Ngày 8/7/2001.
Ngày cuối cùng của kì thi, mẹ không về, cũng chẳng nhắn gì, tôi gọi thuê bao, không thể liên lạc được, tôi khó chịu nghĩ: "Suốt ngày đi chơi đây đó, con gái đi thi cũng đi được, đợi đến lúc con thi xong, con đi liền mấy ngày cho mẹ xem."

May thay, không ngoài dự đoán, 2 môn đầu bài thi tổ hợp tôi làm rất tốt, bây giờ đang là nghỉ giữa giờ chờ thi môn thứ ba, tôi xin phép giám thị ra ngoài đi vệ sinh rửa mặt cho tỉnh táo, ngang qua dãy hành lang đối diện song sắt ở trường, tôi thấy các bậc phụ huynh đang đứng chờ con mình tan, ngó đi ngó lại, vẫn chẳng thấy mẹ tôi đâu, bỗng dưng tôi loáng thoáng nghe họ nói chuyện rằng hôm qua có một bà mẹ lên cơn bệnh ngất giữa đường, sau đó bị xe tải đi qua đâm, tôi rùng mình, nghĩ tại sao có bệnh rồi mà vẫn đến đây nhỉ, không sợ con mình lo sao. Không nghĩ gì nhiều, tôi vào phòng làm nốt môn cuối cùng.

Tôi làm rất nhanh, đề cũng dễ nữa, chưa đến nửa thời gian đã xong bài, vì hai phần ba giờ mới được ra ngoài, nên tôi ngồi đó vẽ vời suy nghĩ ngẩn ngơ. Ở trên bục, tôi nghe thấy hai giám thị đang nói chuyện về vị phụ huynh đó, các cô nói khi chờ con, người đó còn cầm một cốc nước chanh mát lạnh, cả ngừoi đổ mồ hôi nhưng không uống ngụm nào, để dành cho con. Tôi ngẩn người, hôm qua khi đưa tôi đi, mẹ hỏi có khát không, tí mẹ pha nước chanh đến cho uống nhé, đang nghĩ mẹ nói thế thôi chứ chắc mẹ quên, nhưng không...gì vậy, hôm qua tôi về thấy vỏ chanh trong túi rác, bình nước mà tôi thích cũng không thấy đâu, tôi chột dạ rồi.

Gần hết giờ, tôi nộp bài rồi xin cô về trước, tôi chạy nhanh ra cổng trường, chỉ là lần này không vui nữa, mẹ chắc đang đi đâu đó thôi, chạy quanh cổng trường một lượt, tôi chết lặng khi nhìn thấy bình nước hình con gấu hồng của mình đang nát bét nằm rãnh cống cạnh đường, tôi đến gần, đúng là bình của tôi rồi, bởi trên đó có vết bút xoá tôi nghịch khi làm bài. Đây là chuyện gì chứ, nhầm rồi, mẹ tôi đâu phải người có bệnh mà phát được, bình thường mẹ vẫn khoẻ mạnh thế cơ mà. Hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, tôi như không kìm được nữa, vội bắt một chiếc taxi về thẳng nhà, căn nhà vẫn thế, đồ đạc còn nguyên, mẹ tôi không về, tôi chạy sang nhà một bác làm ở tổ dân phố với mẹ, bác không nói gì, chỉ hỏi tôi thi xong chưa, xác nhận tôi đã hoàn thành, bác mới lấy xe máy chở tôi đến bệnh viện.

Không, không, không thể nào, tôi đã nghĩ bác ơi bác đi nhầm ư, chúng tôi đi ngang qua khoa cấp cứu, hướng thẳng về phía nhà xác.

Bác nói: "Con vào đi, mẹ con đang ở trong đấy!"

"Sao mẹ lại ở trong này, mẹ đã nhắn cho con rằng mẹ đi chơi vài hôm mà, bác đang nói gì thế ?" Tôi kích động.

Trước cửa phòng khám nghiệm tử thi, tôi run sợ bước vào, trong này rất lạnh, lại nồng nặc mùi clo, bác sĩ nói mẹ tôi đã ra đi vì mất máu quá nhiều, sợ tôi không chịu nổi nên ngăn không cho tôi vào phòng. Ở đó, một chiếc bàn dài, trên đó là người phụ nữ với mái tóc thuớt tha, thân hình nhỏ nhắn nằm bất động. Đến lúc này chẳng còn gì ngăn được tôi nữa, tôi đẩy mạnh vị bác sĩ kia ra lao vào phòng lật tấm khăn trắng lên.

Đây... đây là mẹ sao... Tôi đang nhìn thấy một thi thể xinh đẹp, nhưng phần thân, đều đã biến dạng, là tên tài xế đó sao, là tên lái xe đó khiến mẹ tôi phải nằm ở đây sao. Ngoài sự dự đoán của bác sĩ, tôi vẫn giữ vững tâm lí, khuôn mặt tôi dần trở lại trạng thái bình thường, đi thẳng ra cửa và hỏi cho ra lẽ. Rõ ràng mẹ tôi rất khoẻ mạnh, người phụ nữ kia đã phát bệnh trước khi chết cơ mà, câu trả lời của bác sĩ đã khiến trái tim tôi co thắt lại, tưởng như nó đã bị bóp nghẹt đến không còn một giọt máu nào, trí óc tôi lẫn lộn những hình ảnh trước kia, ông ta nói mẹ tôi giấu bệnh, rằng mẹ đã bị chấn thương tâm lí sau khi chiến tranh từ rất lâu rồi, sau này khi trải qua những chuyện gia đình, bà còn suy sụp đến trầm cảm, bà đã dùng thuốc ngủ liều lớn, dùng cả thuốc an thần, sở dĩ hôm qua mẹ như vậy là vì tôi, bà muốn ngưng sử dụng và bắt đầu cuộc sống mới vì tôi. Ai ngờ, đó là quyết định sai lầm khi con chó đen trong tâm hồn mẹ tôi xông ra ngoài, nó cắn xé dày vò đến không tưởng, ngay giờ phút ấy, khi đã không chịu đựng nổi nữa, mẹ chọn cái chết, lao thẳng ra đường...

Vậy là do tôi sao, tôi quá tập trung vào mình, không để ý gì đến mẹ, 18 năm sống cùng nhau, nhưng tôi chưa bao giờ thực sự biết mẹ đã đau khổ thế nào, mẹ đã cố sống vì tôi ra sao. Nhớ lại trước đây, cứ thi thoảng mẹ lại đi đâu đó liền mấy ngày, có những tuần không ngày nào mẹ về ngủ, cũng có những đêm tôi nghe thấy tiếng khóc thút thít trong nhà vệ sinh, thì ra mẹ đã bị con chó đen đó dày vò như thế, suốt cả tuổi thơ mẹ chỉ cho tôi nhìn thấy mẹ cười, mẹ quát mắng, chưa lần nào tôi thấy mẹ khóc cả. Lúc đó tôi chỉ nghĩ mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ, biết hưởng thụ cuộc đời, biết tham gia những cuộc chơi.

Cho đến giây phút này, tất cả đều đã quá muộn, người duy nhất bên tôi cũng bỏ tôi mà đi rồi, vậy mà, cuộc nói chuyện cuối cùng với mẹ là gắt gỏng, tin nhắn cuối cùng với mẹ là trách móc. Mẹ lừa tôi, các bác cũng lừa tôi, mọi người đều giấu tôi không cho tôi biết mẹ ở đâu, tôi cũng không đi tìm mẹ, giờ tôi thành trẻ mồ côi thật rồi.

Đêm đó, tôi lang thang ngoài đường, đến những nơi chúng tôi từng đến, đi những nơi chúng tôi từng hẹn nhau đi, hình như mẹ vẫn còn ở đây mà, ngay trước mắt tôi kìa, mẹ đang mặc chiếc áo phông trắng mượn của tôi, đeo chiếc balo đựng đủ thứ đồ từ giấy ăn đến thuốc men.

"Mẹ ơi, con ở đây này, mẹ đang chơi với ai thế, mẹ có đứa con gái nào khác ngoài con sao, mẹ không đến ôm con à, con đã làm bài rất tốt mà."

Mẹ không trả lời tôi, bà vẫn tiếp tục chạy chơi trên thảm cỏ cùng cô bé nào đó, bà đi xa đến khi tôi chỉ còn thấy một chấm màu trắng...


Ngày 9/7/2001.
Ngủ thiếp đi, tỉnh dậy đã thấy mình nằm dưới sàn nhà, mấy hôm nay, chưa có một phút nào tôi tỉnh táo, cả ngày chỉ uống rượu, mệt quá thì ngủ, dậy lại uống. Mấy năm trước, có lần tôi lén uống chai bia, mẹ quát tôi và nói rượu bia hại gan, để mẹ thấy một lần nào nữa thì cút ra khỏi nhà, ốm đau bệnh tật mẹ không chi nổi tiền thuốc men. Bây giờ tôi cố tình uống bao nhiêu chai, nhưng thức dậy tôi vẫn ở trong nhà, sao mẹ không đuổi tôi đi? Bà nói dối tôi ư, hay doạ tôi, hay do tôi đã lớn rồi nên phải tự biết ý thức sức khoẻ của mình.


Ngày 16/7/2001.
Tuần thứ hai mẹ vắng nhà, tôi bắt đầu thức đêm xem phim, ăn quà vặt, rồi nướng đến tận chiều hôm sau.


Ngày 23/7/2001.
Tuần thứ ba mẹ vắng nhà, các trường đều đã tung ra điểm chuẩn, chỉ chờ kết quả nữa thôi, nói xem, nếu như kết quả không tốt, mẹ sẽ về và quát loạn nhà lên đúng không.


Ngày 29/7/2001.
Tuần thứ tư mẹ vắng nhà, tôi bắt đầu lười nhác, bát đĩa không dọn, nhà không quét, mạng nhện đã đóng cả mảng trên tủ bếp rồi. Mẹ nhất định sẽ bắt tôi dọn nhà và nói về sau không ai thèm lấy tôi.


Ngày 4/8/2001.
Tuần thứ năm mẹ vắng nhà, trên mạng xã hội bạn bè thi nhau khoe những bức ảnh chụp cùng gia đình ở bãi biển, nếu như mẹ về, mẹ sẽ đưa tôi đi vì mẹ hứa sẽ cùng đi du lịch khi tôi thi xong.


Ngày 11/8/2001.                                                                                                                                                            Tuần thứ sáu mẹ vắng nhà, có điểm rồi, tôi đỗ hết tất cả nguyện vọng, tôi có tương lai rồi, tôi sẽ chăm chỉ rồi kiếm thật nhiều tiền đưa mẹ đi chơi.


Ngày 18/8/2001.
Tuần thứ bảy mẹ vắng nhà, tôi đến trường làm hồ sơ thủ tục nhập học, mọi người đều có bố mẹ đi cùng, trên khuôn mặt ai cũng hiện rõ vẻ hạnh phúc. Chắc mẹ tôi cũng vậy, tôi đã làm được rồi kia mà.


Ngày 25/8/2001.
Tuần thứ tám mẹ vắng nhà, nhà trường tổ chức hoạt động tình nguyện ở bảo tàng, ở đó có rất nhiều hình ảnh và câu chuyện chiến tranh, tôi phải chụp lại về hỏi mẹ thôi. Về đến nhà, tôi mở xem lại ảnh ngày hôm nay, có một bức ảnh rất mộc mạc, ảnh chụp một cặp anh em đang tạm biệt bố mẹ ra chiến trường, Thật muốn kể cho mẹ nghe, bởi trong bức hình, dù gia đình này đang vẫy tay cười với nhau, nhưng ánh mắt họ đều đang ánh lên bi thương, tưởng như chỉ cần có ai đó mở lời, họ sẽ oà khóc như những đứa trẻ.


Ngày 12/5/1965.
Giữa đường đất ẩm ướt trên khu chợ phiên, tôi tỉnh dậy, mặt lấm lem bùn, quần áo tôi đang mặc đã bẩn đến không nhìn được màu sắc vốn có nữa. Nhìn xung quanh, các ngôi nhà đều trông rất cổ xưa, người người đi chợ mặc những bộ quần áo vải thô quét đất. Đang ngơ ngác thì một giọng nói thân quen gọi tôi

"Em gái, nhà em ở đâu, sao lại ngồi đây thế?" Một cô gái lớn hơn tuổi tôi một chút lên tiếng, vóc dáng chị nhỏ nhắn, mặc một chiếc áo sơ mi cũ, tóc thắt hai bên.
"Đây là đâu thế ạ?"
"Đây là chợ phiên ven sông Tô Lịch, em lạc đường sao?"

Sông Tô Lịch? Nhà tôi ngay gần sông, làm gì thấy đoạn đường nào như này đâu, đây rõ ràng là đang ở vùng quê mà. Nghĩ lại những hôm uống rượu quá mức cộng với áp lực tôi phải trải qua, tôi mới nghĩ mình sinh hoang tưởng rồi, tôi hỏi mượn chị gái điện thoại, nhưng chị ấy nói chị không có, cũng không biết có nhà nào có không. Chỉ là cái điện thoại thôi mà, sao lại không có chứ, xã này nghèo lắm sao, đột nhiên tôi giật mình, tiếng loa phát thanh báo có máy bay địch tới, tất cả người dân thu dọn đồ đạc chạy tán loạn. Tôi không nghe nhầm đấy chứ, máy bay địch sao, tưởng tượng ra cả cái mức như này nữa à, không đợi tôi nghĩ xong, chị gái liền kéo tay tôi chạy thẳng xuống một căn hầm cách đó không xa. Đúng, hầm tránh bom, xem phim hàn quốc nhiều tôi cũng nửa tin nửa ngờ, chắc không phải tôi xuyên không đâu nhỉ. Tôi quay sang hỏi chị bây giờ là năm bao nhiêu, chị cười và nói đang là năm 1965.

Tôi sốc toàn tập, tôi xuyên không thật rồi sao, vậy là tôi có thể đi tìm mẹ, bảo vệ mẹ trước khi quá muộn?

Khi con người ta trải qua một cú sốc lớn, tinh thần sẽ không ổn định, dù biết chuyện này quá hoang đường nhưng tôi vẫn cố tin vào nó. Chỉ một phần trăm cơ hội thôi, tôi cũng phải thử.
Tôi chỉ nhớ mang máng dáng hình mẹ hồi trẻ, khuôn mặt mẹ với tôi có chút giống nhau, vì hồi xưa còn khó khăn nên cơ thể mới thấp bé gầy gò. Đi đâu tìm mẹ bây giờ, tôi tự hỏi, giữa thời thế loạn như này, mẹ tôi đang ở đâu. Tôi thất thần ngồi xuống một góc, từng giọt nước mắt lại bắt đầu rơi xuống không kìm chế nổi, thời gian qua, tôi đã giấu kín nỗi đau này như thế nào, rõ ràng toàn là lừa mình dối người. Nửa ngày qua đi, các bác các cô đã bắt đầu sửa soạn để đi lên. Đúng, chính là lúc này đây, tôi sẽ đi tìm mẹ, chạy dọc hết con sông, ngang qua từng ngõ ngách phố cổ, đi đâu cũng được, chỉ cần biết chút tin tức về mẹ.

Chị gái tốt bụng thấy tâm trạng tôi không tốt, liền ngỏ ý đưa về nhà chơi, ngồi uống cốc nước rồi hỏi han trò chuyện.

"Cũng được đấy chứ nhỉ, vậy là tiện hỏi về tung tích của mẹ rồi." Tôi thầm nghĩ. Chỉ có điều mẹ tôi từng là cán bộ chiến sĩ đưa tin, sợ rằng người bình thường không thể biết. Tôi bèn hỏi chị gái có quen ai làm bộ phận tin tức không, ban đầu chị dè chừng tôi không trả lời, hoá ra chị ấy cũng làm nghề giống mẹ tôi. Công việc này phải bảo mật toàn bộ thông tin, không rõ vì sao chị lại chọn nói ra với tôi nhưng tôi biết tôi đang đến gần với mẹ hơn rồi.

Men theo con sông dài, tôi đến một ngôi làng nhỏ ven hồ, đi dần về hướng thành phố, chúng tôi dừng lại trước một căn nhà. Đúng, dù cho thời gian có làm thay đổi mọi thứ thì tôi vẫn nhận ra đây là nhà tôi. Chị gái này đưa tôi thẳng về nhà tôi. Tôi cảnh giác nhìn liếc ra sau, có khi nào chị ta lừa mình đến đây? Nhưng có lí do gì để lừa, sao chị ta biết đây là nhà tôi...Như tôi đã kể, căn nhà này chính là do ông bà ngoại tôi để lại cho mẹ, không có chuyện người khác lại vào ở được, trừ khi, người phụ nữ trước mặt tôi đây chính là mẹ.

Không thể nào, giữa người mẹ và người con luôn có một sự kết nối rất thân thiết, không cách nào lí giải, nhưng ngoại trừ nhìn người phụ nữ này có chút quen mắt, tôi thực sự không còn cảm giác gì nữa. Tôi bắt đầu nhẩm lại, bây giờ là năm 1965, mẹ tôi lúc này thậm chí còn bé hơn tuổi tôi, nghĩ thế nào thì cũng không phải là chị ấy. Tôi chỉ đành mở lời, hỏi tên chị, chị tên Phan, Ngô Thị Phan. Kì lạ chị ấy đúng là cùng họ với mẹ tôi, chẳng lẽ nào là họ hàng, nhưng theo lời mẹ kể, anh chị em nhà các cô bác đều thất lạc rồi, di cư đi khắp nơi. Không muốn nghĩ ngợi nhiều nữa, tôi xin chị cho ở lại tá túc một đêm vì lạc gia đình. Bước lên đến lầu hai, là căn phòng mà tôi vẫn thường ngủ. Ở đó, nơi để chiếc bàn học gắn bó suốt cuộc đời học sinh với tôi được thay bằng một tấm chiếu nhỏ, cạnh bên là chiếc quạt đã gỉ sét.

Lưu lạc cả một ngày ngoài đường, tôi vừa mệt vừa đói, định ngả lưng thì chị gái gọi tôi xuống ăn cơm. Món ăn hôm nay khá đạm bạc, nhưng mùi vị rất quen thuộc, giống như mẹ tôi trước đây, thường nêm với nước mắm nên có hương vị đặc trưng riêng. Rốt cuộc mẹ tôi là ai, tôi chắc chắn đã tới gần với mẹ rồi.

Trời lúc này bắt đầu nổi cơn giông, cái lạnh buốt thấu đến tận xương, tôi khẽ rùng mình, tâm trạng có chút lo lắng không biết mẹ tôi mặc có đủ ấm không.Đang vẩn vơ suy nghĩ, ngoài cửa có tiếng chân chạy tới, là một cô bé nhỏ hơn tôi ít tuổi, dáng người nhỏ nhắn nhưng đôi chân thoăn thoắt, tinh thần vui vẻ. Chị Phan giới thiệu với tôi đó là em gái chị, cùng làm ở đội đưa tin tức, con bé rất nhanh nhẹn và thông minh nên lần nào cũng thoát được địch truy vết. Em gái sao? Tôi có chút vui mừng, cô bé này đúng là có nét giống tôi, liệu có phải là mẹ không, tôi hỏi tên nhưng lại nhận về thất vọng, không phải tên của mẹ tôi.

Tôi bắt đầu mơ hồ, gặp được người giống mình, sống trong ngôi nhà của mình nhưng lại hoàn toàn không quen biết gì mình. Chỉ có hai khả năng, đây là họ hàng ruột thịt của tôi, hoặc tất cả đều là tôi đang mơ. Tôi không chắc chắn về những khả năng này bởi theo như mẹ nói thì kể từ khi kháng chiến chống Pháp, họ hàng đã gần như chẳng còn ai, chỉ có anh chị em ruột nương tựa nhau mà sống. Còn về giấc mơ, tôi hi vọng không phải, ai cũng biết rằng mơ thi thoảng vô cùng giống hiện thực nhưng có những thứ không thể nào bằng hiện thực. Vậy là khả năng nào đây...


Ngày 13/5/1965.
Sáng sớm, lờ mờ tỉnh giấc, thành phố này đang chìm vào sương khói, "bùm" tất cả cát bụi bay khắp nơi, mặt đất rung lên mạnh mẽ, một số đồ thuỷ tinh đang vỡ dần. Là bom, quân địch lại ném bom lần nữa, tôi hoảng hốt đi tìm hai chị em kia, họ không có ở đây, trên bàn dể lại cho tôi một mẩu giấy nói họ đi làm việc, trong bếp thằ chút đồ ăn, còn dặn dò tôi nếu nghe thấy loa báo động phải xuống ngay hầm. Tôi đã ngủ say như thế sao, đến cả bom nổ còn say sưa được, tôi dở khóc dở cười với thói ngủ này của tôi. Chí ít, tôi vẫn cò giữ được mạng, phải nhanh chóng trốn đi, tôi không thể chết ở đây được.

Rất lâu sau đó, tôi mới lên lại mặt đất, việc đầu tiên tôi làm là phải hỏi kĩ ngọn ngành, không thể tiếp tục chờ đợi được nữa. Nếu như là làm công tác ở tổ đưa tin, sẽ có những ngày liên tục họ không về nhà, theo như tôi biết, họ còn không được báo bất cứ việc gì trước, bảo đi đâu là đi đấy, không đưọc biết gì thêm. Nan giải rồi đây, tình hình chiến tranh như hiện giờ, đi lung tung chỉ có đường chết. Tôi đang tự trách mình vì trước giờ vẫn luôn lười học môn lịch sử, nhưng nếu tôi nhớ không nhầm thì ngoài quân Mỹ ra, thời kì này còn phải đối mặt với nội chiến, giải phóng miền Nam. Không còn thời gian nữa, tôi đành phải đưa ra hạ sách, cải trang. Nếu như không bị bắt, tôi có thể dò la tung tích của mẹ, nếu xui xẻo, họ bắt tôi, tôi sẽ dùng những hiểu biết về lịch sử để khai gian hoặc kéo dài thời gian, đổi mạng tôi lấy mạng người chiến sĩ thì quá hời rồi.

Đeo chiếc túi sờn rách cùng một bản đồ tự vẽ, tôi men theo tuyến đường Trường Sơn vào trong Nam. Tôi biết quyết định này của tôi vừa bồng bột lại vừa nguy hiểm, không có bất kì căn cứ nào để đưa ra quyết định nhưng vẫn làm liều, dù sao thì cũng chẳng còn đường nào mà đi nữa rồi. Hơn nữa, trong tủ đồ của mẹ, tôi đã thấy tấm hình chụp đoàn xe cứu viện vào Nam đang đi trên đường Trường Sơn, vậy là có thêm một phần trăm khả năng rồi.

Cứ đi rồi vừa đi vừa nghĩ, mặt trời lặn, tôi đã đi khỏi nội thành một quãng đường khá xa, phải cảm ơn nhưng ngày tôi ngủ quá trạm xe bus phải cuốc bộ về nhà, tôi dường như không thấy quá mệt và đi cũng rất nhanh so với dự kiến. Điều tôi lo lắng nhất hiện tại là vấn đề lương thực, hồi còn bé tôi hay sang nhà bác đầu xóm, nhà bác có tivi rất to, tôi được xem các phim tài liệu và rất nhiều kinh nghiệm sinh tồn nơi hoang dã. Dù chưa thực hành bao giờ nhưng chắc cũng không đến nỗi chết đói, vả lại nhà tôi cũng khó khăn, hôm nào đi học không về là bỏ bữa vì tiếc tiền, nên đói chả là gì với tôi cả.


Ngày 14/5/1965.
Nghỉ ngơi một đêm, tôi tiếp tục tiến về hướng Nam, ở đây điện thoại không có, cái gì cũng thiếu thốn, tôi hoàn toàn dựa vào mặt trời và hướng gió để xác định vị trí. Trời không phụ lòng người, tôi đi mãi đi mãi cuối cùng gặp được một tiểu đội đang dừng chân phía trước, sinh ra trong thời bình, tôi không cảnh giác quá cao độ nên sẽ dễ bị nghi ngờ, thôi thì lại phải về làm một người bình thường, dù sao cũng là quân ta, không sợ. Tôi tiến đến gần, diễn một bài khổ sở, nói tôi lạc gia đình, mấy tuần nay lang thang trong rừng rồi.

Như dự kiến, các anh bộ đội có hơi cảnh giác tôi nhưng vẫn giúp đỡ đồ ăn thức uống, dò hỏi tôi một lúc, tôi chợt thấy một tia hi vọng lớn. Đúng vậy, kia chẳng phải là bác trai tôi hồi trẻ hay sao, dù bác đã mất quá lâu rồi nhưng tôi vẫn nhớ rõ khuôn mặt bác bởi mẹ rất nhớ bác, vẫn luôn để ảnh bác trên bàn. Tôi vừa mừng rỡ vừa lúng túng, bây giờ không thể nói mình từ tương lai đến cũng không thể nói mình là con của mẹ, làm cách nào để bác ấy giúp đây. Đúng rồi, tôi sẽ lợi dụng tên tuổi của hai chị em kia, nói rằng đó là họ hàng của tôi, dù sao thì bây giờ các anh chị em họ cũng đã thất lạc nhau hết, người thì mất trên chiến trường, có lẽ bác ấy sẽ tin thôi. Tôi nói tên họ ra, bác cả ngạc nhiên, hỏi tôi tìm thấy họ như nào, tôi là con cháu nhà ai. Vậy là đã biết được họ quen nhau, tôi đành giả ngốc, nói rằng chỉ biết hồi nhỏ ba mẹ thường nhắc đến tên của Ngô Văn Phát và mẹ tôi Ngô Ngọc Hà, sau này khi cha mẹ mất hết nên lưu lạc đây đó. Thấy tôi kể được rõ họ tên như vậy bác ấy gạt bỏ hết hiềm nghi với tôi, tuy mẹ tôi là lính cấp thấp nhưng người ngoài không dễ gì liên lạc.

Bác tôi hiện đang là trung đội trưởng, nói khó với các chiến sĩ trong đoàn một lúc rồi bảo tôi đi cùng. Tôi cũng là người biết điều, sau khi tìm được mẹ tôi tôi sẽ đi ngay, chuyện sau này, nếu như có gặp được mẹ tôi thật thì tính sau, dùng thân phận gì cũng được miễn là bảo vệ được mẹ. Chuyến đi này kéo dài rất nhiều ngày đêm, tôi sử dụng hết mức những kĩ năng để giúp sức vào việc ăn uống trong đội, có những hôm trời mưa tầm tã, đường đất trơn trượt, lại phải hành quân trong đêm nên ai nấy đều mệt nhoài. Không chỉ vậy, tôi còn nhận ra những gì trong thơ ca văn học viết là thật, dù vất vả gian truân đến đâu thì tinh thần người lính vẫn luôn lạc quan và tin tưởng vào ngày mai chiến thắng. Tôi được thấy được hình ảnh chân thực nhất về bác cả tôi, đúng như lời mẹ kể, phải chăng nếu số mệnh bác tốt hơn, đại gia đình của tôi sẽ hạnh phúc biết nhường nào, chỉ tiếc tôi quá nhỏ bé, đến mẹ cũng không tìm được nói gì bảo vệ cả mẹ và bác, tôi không làm vướng chân họ là phúc lắm rồi.


Ngày 21/5/1965.
Quá trình cứu nước thật không dễ dàng, ngoài việc vận chuyển lương thực và vũ khí, chúng tôi còn liên tục phải tình báo, đánh dấu đường cho đoàn sau, xoá dấu vết không được để địch phát hiện. Tuy mấy việc này không đến tay con nhóc như tôi làm nhưng đủ để tôi biết ơn họ rất nhiều. Chưa kể có những hôm bom đạn liền kề, bầu trời chỉ thấy khói đen mịt mù, bọn chúng ném bom các cứ điểm, rải mìn khắp nơi, đi phải cách nhau vài mét để tránh thương vong, đặc biệt là hôm nay, đang tăng tốc thì một tiếng nổ ong đầu, rung núi, những người dẫn đầu đều ngã ngửa về sau, nếu như chỉ cần lệch một phút thôi là đội sẽ đi toi, không thể chần chừ hay than thở, chúng tôi ngay lập tức đứng hang ngũ nghiêm chỉnh, đội trưởng phân bố nhiệm vụ rồi bắt tay vào mở con đường mới. Địch đánh cứ đánh, ta đi cứ đi, không đi đường này thì mở đường khác.

Trên trang giấy viết khó khăn là vậy, đến bây giờ khi có cơ hội ngược trở về quá khứ, tôi mới biết nó còn nhân lên gấp bội lần.


Ngày 25/5/1965.
Tôi vừa đi vừa cầu nguyện, bây giờ tôi chỉ cần lăn ra ốm là tôi bị bỏ chết ở đây luôn, không thể để liên luỵ tới cả đoàn. Còn nhớ khi ông tôi còn sống, ông kể cho tôi nghe sốt rét đáng sợ như thế nào, không đi nổi nữa thì lại phải để đồng chí khác gánh đi, mà cứ hết bệnh này đến bệnh khác, đau ốm liên miên. Cũng may mắn sao tôi sinh ra vốn khoẻ mạnh lại hay khởi động xương cốt nên đỡ được kha khá việc cho đoàn. Núi rừng bạt ngàn, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, lại thêm cả thảm thực vật trong rừng khiến tôi không khỏi rùng mình. Đêm thì nghe tiếng hổ gầm, ngày thì ngồi tóm vắt đỉa, lần đầu tiên kể từ khi sinh ra tôi thấy may mắn vì gia cảnh nghèo khó, nếu như tôi khá khẩm hơn, chắc giờ này tôi lăn đi xó nào rồi không biết.

Hôm nay đột nhiên nhớ tới bài Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính khi đi học, nhưng bốn năm nữa nó mới ra đời, cứ như thể mình đang là một trong những "khách mời" bất đắc dĩ vậy.


Ngày 5/6/1965.
Cả đoàn ai ai cũng mang trên mình chiếc balo mấy chục cân, so với chiếc cặp sách mà tôi than thở hàng ngày thì đúng là như kiến và voi. Hôm nay lại có đồng chí sốt rét, mọi người thay nhau khiêng đi, còn đeo hộ túi đồ nữa. Tôi rưng rưng nước mắt, thương cho những con người hi sinh thầm lặng cho cuộc sống sau này của tôi, vừa mệt mỏi với cái lạnh cái rét này.

Gần mực thì đen gần đèn thì rạng, sự ung dung yêu đời của các anh chiến sĩ khiến cho những ngày này vơi bớt đi bao đau đớn, tỉnh dậy người dính đầy phân voi, chúng tôi nhìn nhau mà cười, áo rách người đầy cỏ khô, chúng tôi cũng coi đấy là chuyện vui.

Tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã từng viết:
"Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước..."

Hình ảnh họ "giản dị và bình tâm" ở ngay trước mắt, trái tim tôi thắt lại lần nữa. Sau bao ngày tháng bên nhau, họ đã trở thành người nhà của tôi. Cảm giác chua xót, cay cay khoé mắt, tôi không thể bảo vệ họ. Những điều họ làm đều là vì chúng tôi sau này.


Ngày 4/7/1965.
Đến nửa cuối của miền trung rồi, chúng tôi vô tình gặp mặt những cô gái thanh niên xung phong đang mở đường, các chị ai ai cũng đều xinh đẹp, chất phác, tuy không phải cái đẹp sắc sảo kiêu sa như mốt bây giờ nhưng lại đẹp một cách đơn thuần, gần gũi khiến người ta thấy vui vẻ. Bác tôi thấy tôi có vẻ hợp với các chị, liền gửi tôi sang đoàn ấy luôn, tôi không nỡ rời xa bác nhưng bác không cho tôi đi cùng nữa, vừa nguy hiểm lại vừa mất sức, hơn nữa bác cũng không biết mẹ ở đâu, tôi có đi cùng cũng chẳng khác biệt. Đành nghe lời bác thôi, vào đến chiến trường, người chưa tìm thấy thì tôi đã ngỏm là chắc. Tôi chào tạm biệt bác và không quên cảm ơn, chắc chắn tôi sẽ gặp lại bác, rồi gia đình đoàn tụ, nếu như tôi có thể giúp bác sống lâu hơn, lúc ấy bác biết tôi là cháu ruột của mình chắc hẳn sẽ vui lắm.

Tiễn bác cùng các anh bộ đội đi một đoạn, tôi nhanh chóng quay về chỗ cũ, các anh chị nhiệt tình phổ biến cho tôi những quy tắc và kĩ năng, về cơ bản mà nói thì tôi tiếp thu khá nhanh, cộng thêm ý chí quyết tâm nên ngày tháng tới có thể nói là không quá vất vả. Đã vài tháng rồi kể từ ngày tôi bắt đầu lên đường, so với các anh chị thì ngắn hơn rất nhiều, vì muốn cảm ơn vì đã cho tôi nương nhờ nên tôi quyết định đi tìm kiếm ít đồ ăn chiêu đãi mọi người. Tranh thủ lúc dừng chân, tôi chạy một mạch vào rừng săn gà thỏ gì đó, thấy suối thì bắt cá, nhưng đúng là tôi đánh giá quá cao năng lực của mình rồi, trời tối âm u còn lạnh lẽo, tôi chưa bắt được con gì thì đã làm cho bản than trầy da xước thịt lên xuống.

Ở nơi hoang vu hẻo lánh này, chắc chỉ có hổ báo gầm gừ, quanh đây không hề có bất cứ sự tồn tại nào của người sống. Đi thêm một đoạn, tôi nghe loáng thoáng thấy tiếng róc rách, đi theo âm thanh đó, đúng như tôi dự đoán, là một con suối nhỏ, đi dọc theo suối chẳng hẳn sẽ tìm ra một đoạn lưu vực lớn hơn, kiểu gì cũng có cá ăn. Tôi cũng liều thật, võ vẽ chẳng biết gì mà cứ xông lên, tới lúc đấy chết rữa xác ra cũng chẳng ai tìm thấy nổi mảnh xương.

Vu vơ nghĩ ngợi một lúc tôi đã đến lúc nào không hay, đây có thể coi là một vũng nước lớn, tôi cũng không biết chính xác tên khoa học của nó là gì, chỉ biết đã nhắm được vài con cá béo tròn. Dù đang là mùa mưa nhưng ánh trăng đêm nay khá sáng, cộng với cái đèn pin nhỏ đủ để tôi hoàn thành chuyến đi này. Một vài lần đầu tôi còn bỡ ngỡ, bắt trượt, nhưng đến lần thứ mười, cuối cùng cũng nhanh tay tóm được, mực nước ở đây cao ngang bắp đùi tôi, mồm ngậm đèn pin, hai tay tóm chặt lấy con cá không để nó tuột mất, chân thì cẩn thận từng tí một leo lên bờ. Một cô sinh viên đại học bây giờ nom có vẻ giống cô thôn nữ chính hiệu rồi. Tôi lọ mọ đi trong sương đêm, cẩn thận ghi nhớ từng tán lá cành cây để về nơi cắm trại. Bỗng có tiếng sột soạt đằng xa tôi, không nghĩ gì nhiều, chắc là mấy con ếch gì đó thôi, nhưng càng chấn an bản thân, tôi càng nhận ra tiếng động đó đang hướng gần về phía mình.

Tự nhủ bản thân không được hoảng, tôi lấy một hơi thật sâu bình tĩnh lại rồi phân tích, chỉ có hai trường hợp đó là người hoặc thú, nếu có thể di chuyển chậm chạp như vậy chắc chắn là cơ thể không bé. Nguy rồi, tầm giờ này sợ rằng mọi người trong tiểu đội đều đã ngủ, người canh gác sẽ không nửa đêm nửa hôm đi xa như vậy, vậy có thể suy ra phía đó có khoảng 80% nguy hiểm. Tôi nhanh chóng tìm một lùm cây cao để nấp vào, ném con cá vừa bắt ra xa hòng đánh lạc hướng, nhưng không may cho tôi, khi thứ đó đến gần hơn, tôi có thể nhìn ra đây là con người. Anh ta trông rất cao to, vạm vỡ, không rõ khuôn mặt nhưng ánh trăng lấp ló đã để lộ chiếc mũi cao đặc trưng của người phương Tây. Tôi sợ đến cứng người, tay chân bất động không thể di chuyển, lại them cái tĩnh mịch của núi rừng, cả không gian như chỉ còn tiếng tim đập của tôi và tiếng suối róc rách.

Nén nỗi lo lắng vào trong, tôi lấy tay bịt chặt mồm mình, như thể không cho hơi thở thoát ra ngoài, tay còn lại vén nhẹ cành lá nhỏ, theo dõi nhất cử nhất động của hắn. Từ cử chỉ điệu bộ hắn cho thấy hình như hắn không giống như tìm người, chỉ như đi tuần tra thôi, đang mừng thầm thì gã đó tiếp tục tiến gần về phía tôi hơn. Sải chân của hắn bước rất rộng, chỉ còn cách độ hai mét sẽ chạm được tới tôi. Đột nhiên đằng xa có tiếng gọi, thì ra là đồng đội hắn, suýt chút nữa thì tôi toi rồi, sự sợ hãi làm con người ta mất bình tĩnh, lấy lại tinh thần rồi tôi mới hốt hoảng nhanh chóng chạy về. Đúng vậy, chúng không đi một mình, và chúng đang rất gần với nơi các anh chị ngủ. Không kịp nữa rồi, tôi không thể để họ bị tập kích, tôi không thể đứng yên nhìn đồng bào tôi ngã xuống mà bản thân hèn nhát trốn tránh. Có nhắm mắt, cũng phải là một đứa nhãi ranh nhắm, họ còn phải cứu nước, khoảnh khắc quyết tâm đó như ngọn lửa loé sáng qua trí óc tôi, nhưng còn mẹ thì sao, tôi không muốn nghĩ nữa, không kịp nữa rồi, tôi phải hành động ngay.

Bọn giặc rất khôn, nếu như tôi đột ngột xuất hiện, chúng sẽ gọi chi viện tới lật tung quả núi này lên, lúc đó số thương vong xảy ra là quá lớn, suy đi tính lại, chỉ còn cách giả ngu giả ngốc lần nữa thôi. Tôi nằm xuống đất lăn đi lăn lại, sao cho quần áo rách nát bẩn thỉu nhất có thể rồi chạy một mạch về hướng ngược với đội. Ở khoảng cách gần nhất, tôi cố tình tạo tiếng động thật to, tay cầm nhành cây khô liên tục đập vào những thứ ven đường. Đúng như tôi dự đoán, hai tên địch ngay lập tức đuổi theo, tôi không thể đọ sức chạy với chúng nhưng tôi phải cố gắng hết sức, kéo dài thời gian, tiếng động to như vậy có lẽ sẽ cảnh báo được với đội.

"Đoàng", mùi thuốc súng xen lẫn mùi khói sộc thẳng vào mũi tôi, chúng nổ súng rồi, nhưng chưa bắn trúng tôi, tôi đứng bất động, từng giọt mồ hôi cứ thế lăn dài trên bầu má, chúng bắt tôi giơ tay lên bằng tiếng anh, tôi làm theo, cùng lúc cảm nhận được tiếng bước chân chúng đến gần. Một thứ gì đó đang chọc vào lưng tôi, tên mũi cao vừa nãy tiến lên trước mặt tôi, tên còn lại đứng sau dí súng uy hiếp, mặt hắn ta có vài biểu cảm kì lạ, trợn tròn mắt, há mồm to ra, miệng cười một cách dâm tặc. Thà giết tôi đi còn hơn, chịu thứ nhục nhã này rồi bị chúng phi tang, khác gì chết hai lần đâu. Lâm vào đến hoàn cảnh này rồi, tức là trời đã bỏ quên tôi, bây giờ chỉ còn có thể dựa vào năng lực của bản thân để câu giờ. Tôi vận dụng hết cỡ những từ tiếng anh tôi đã học được ra để nói với chúng, rằng tôi là người dân chạy loạn, trên đường đi đã lạc mất gia đình, trên người tôi không có vũ khí cũng không có lương thực, xin đừng giết tôi. Đợt nghỉ hè vừa rồi tôi đã cày kha khá bộ phim, câu tôi ghét nhất luôn là những câu vô dụng như thế này, thế mà hiện giờ tôi lại chính miệng thốt ra, thật muốn nhổ vài bãi nước bọt.

Khổ nhục kế chỉ có tác dụng với những người có trái tim, đối với tên địch này mà nói chẳng khác gì tôi mời hắn xơi. Hắn cười thành tiếng, lại gần hơn về phía tôi, bàn tay to thô ráp của hắn sờ lên mặt tôi rồi dùng sức bóp mạnh. Theo bản năng tôi lùi về phía sau, tôi đã định sẵn cái chết và cố tìm cách để tên kia bắn tôi nhưng lí trí sinh tồn của tôi như mũi dao đâm xé ngược lại với suy nghĩ của mình.

Cái cảm giác cận kề với cái chết hoá ra lại nhẹ nhàng thế này, tôi dường như không còn gì để sợ nữa, nhắm mắt làm liều, tôi dùng mắt giả vờ như ra hiệu để đồng đội chạy, nhân lúc tên kia ngoảnh đầu lại, tôi liền thu tay ra sau lấy khẩu súng ném ra xa. May thay tên đằng sau ốm yếu hơn, tay cầm không chắc, dám cá hắn chỉ để doạ tôi thôi. Tôi đấm một cú móc thật mạnh vào mũi hắn rồi chạy bạt mạng, chúng có thể kết liễu tôi bất cứ lúc nào và nếu như tôi thoát thật thì chắc hẳn may mắn của cả đời này đã bị tôi tiêu hết rồi. Và tôi đúng là không thể dùng hết được, phát đạn thứ tư nổ lên, một cảm giác đau đớn chạy dọc đốt sống lưng cho đến đại não, trên phim ảnh bị bắn vẫn có thể cười nhưng sự thật rằng tôi đang đau đến chết đi sống lại, tôi gắng gượng bò về phía trước trong vô vọng.

Mới vài phút trước thôi tôi còn đang mong được chết thì giờ đây nghị lực sống của tôi cao hơn bao giờ hết, chỉ còn năm giây nữa chúng sẽ đuổi kịp tới nơi, cũng là giờ khắc quyết định vận mệnh này, tôi lấy tảng đá gần đó ôm vào người, một tay che đầu, chỉ cần không trúng chỗ hiểm sẽ không sao, tôi không biết tại sao tôi lại nảy ra cái ý tưởng buồn cười này trong khi chúng có thể xách tôi lên và băm tôi thành trăm mảnh.

Đến sớm không bằng đến đúng lúc, một tiếng súng nổ, hai tiếng súng nổ, bọn chúng lần lượt ngã xuống, một cô thiếu nữ từ đằng xa tới gần, kết liễu chúng bằng một nhát chí mạng. Người ân nhân ấy của tôi, là mẹ, là người tôi gặp ở trên Hà Nội, không thể sai được, dù có thay đổi tên tôi cũng không thể nhầm.

Núi rừng đen kịt nay lại bị che lấp thêm bởi nước mắt, tôi như đứa trẻ con khóc nhè, cái tiếng vỡ oà ấy vừa là vì trải qua một nỗi kinh sợ, vừa là vì đã tìm thấy bóng hình đã mong ngóng bấy lâu. Tôi không nén nổi xúc động mà lao thẳng vào mẹ, ôm chặt lấy người mẹ thân yêu của tôi. Thấy tôi biểu cảm quá khích như vậy, mẹ tôi cười phì rồi trêu: "Quả gan của chị lớn lắm cơ mà, đêm hôm vào rừng hại cả đội đi tìm, giờ sao lại mít ướt thế này?" Tôi không trả lời, lại gào khóc lên lần nữa rồi xiết chặt vào cổ mẹ tôi, tuy tôi biết bây giờ bà ấy không nhận ra tôi, cũng không biết tôi chính là con bà nhưng chỉ cần vậy là đủ.

Thân thể nhanh nhẹn, giỏi giang là vậy, mẹ tôi nhẹ nhàng an ủi, nụ cười của mẹ tôi đã chôn nó tận những kí ức xa xôi thuở bé, đã lâu lắm rồi, thật sự đã rất lâu rồi tôi mới nhìn thấy lại hình ảnh này. Sụt sịt một hồi, các anh chị trong đội bắt đầu tìm thấy chúng tôi, hỏi han một lúc mới biết hoá ra mẹ tôi trên đường đi đã biết được thông tin đám lính này đang ở gần đây nên chạy đến cấp báo. Càng vào gần chiến trường thì thám báo, biệt kích càng nhan nhản. Cũng một phần công tôi đã đánh tiếng cho họ nên đã chuyển thế bị động thành chủ động, dàn xếp bẫy rồi hạ liên tiếp kẻ địch. Mẹ tôi đến nơi thì mọi việc đã xong cả rồi, nhưng các anh chị biết thiếu mất tôi nên nhờ mẹ đi tìm. Băng bó sát khuẩn vết thương cho tôi xong, mọi người lên đường đi tiếp, có lẽ tôi phải từ biệt mọi người rồi, giờ đây mục tiêu duy nhất của tôi là bảo vệ mẹ.


Ngày 6/7/1965.
Ban đầu, mẹ tôi không cho tôi theo, nói công việc này nguy hiểm, sẽ mất mạng bất cứ lúc nào vả lại nếu không may bị bắt về tra tấn thì đau đớn tột cùng. Tới giờ này tôi chỉ đành nói với mẹ rằng tôi là cháu họ bà ngoại, tức mẹ của mẹ thấy ảnh mẹ được vẽ ở nhà nên mới biết. Tôi đọc họ tên và cả địa chỉ ra, không sai một chữ, mẹ tôi liền vui mừng nhảy cẫng lên. Thì ra đây là tính cách của mẹ lúc trẻ, có chút ngây thơ có chút gan dạ, không cáu gắt như tôi biết.

Trưa mùa hè, cơn gió hiếm hoi không che nổi nóng bức, chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện, mẹ kể cho tôi nghe về những chiến tích trước đây, dù thân con gái nhưng hạ được rất nhiều tên địch, lại dùng cả kế sách lừa chúng vào tròng, càng nghe càng nể phục, hơn cả là tự hào. Mẹ còn kể chuyện về gia đình, giọng văn ấy không lẫn đi vào đâu được, bất kể đã lâu không nghe thấy nhưng tôi vẫn nhận ra. Mẹ nói bác cả đi bộ đội thế nào, rồi hai chị em mẹ bén duyên với nghề này ra sao... Quái lạ, rõ ràng là mẹ nói mẹ chỉ có một người anh, sao bây giờ lại có thêm ai nữa, người đó có phải chị gái tốt bụng đã cứu tôi không. Tôi gặng hỏi lại lần nữa, khẳng định ông bà có ba người con, mẹ là con út, trên có một bác trai và một bác gái. Không thể nào, mẹ tôi vẫn luôn minh mẫn, làm sao có thể quên đi chị ruột của mình được, càng nghĩ càng rối, tôi quyết định thả lỏng đầu óc, chỉ tập trung chăm sóc mẹ.


Ngày 8/8/1965.
Cứ như vậy một tháng trôi qua, thời gian như chiếc xe máy bị ai vặn ga thật mạnh, còn tôi như tấm vải lụa chơi vơi kẹt dưới bánh xe. Nếu như sau này đầu óc tôi già cỗi, chứng mất trí ngoi lên, tôi nguyện quên hết phần đời kia, chỉ để lại một tháng tươi đẹp này. Hạnh phúc là vậy, mãn nguyện là vậy nhưng có thật sự trọn vẹn cảm xúc không, tôi tự vấn. Ngày ngày mở mắt là nụ cười hay phải chăng là nỗi lo lắng tỉnh dậy sẽ không thấy mẹ, nhắm mắt đi ngủ điều cuối cùng nghĩ đến là cảm ơn số phận hay phải chăng là thấp thỏm sợ mẹ sẽ bỏ mình mà đi. Quá nhiều xúc cảm chất chứa trong con người tôi, tôi buộc phải nén sâu nó lại, mở ra khe hở cho niềm vui chạy tới quấn lấy mẹ.


Ngày 15/9/1965.
Chúng tôi dừng chân tại một bản dân tộc, giới thiệu là chiến sĩ, đơn vị quân báo, xin tá túc vài ngày. Sở dĩ đến đây là vì mẹ tôi nói hẹn gặp đưa tin ở cánh rừng phía sau, đợi xong xuôi là có thể về quê ăn Tết. Đã quá lâu kể từ khi tôi từ thế giới hiện đại trở về đây, ngoại trừ đêm ngày, sáng tối, tôi hầu như chẳng có bất cứ khái niệm gì về thời gian nữa cả, nay mẹ nhắc tới Tết, tôi cũng mới để ý. Tết đoàn viên, còn nhớ trước đây mỗi dịp năm mới, mẹ và tôi đều cùng diện đồ đi sắm hoa, phố phường cũng chăng đủ loại đèn sắc màu, cây cối um tùm, hoa đào hoa mai đua nhau nở rộ. Quê hương tôi, thành phố của tôi, đặc sản trân quý nhất là bình yên, một Hà Nội thanh lịch giản dị, một Sài Gòn tấp nập phồn hoa. Nếu như các anh chị, các cô chú có thể nhìn thấy một tương lai sáng ngời như vậy, chắc chắn sẽ nhẹ nhõm đi phần nào những áp lực đè nén.
Tối đến, tôi ngồi bên bếp nấu cháo, mẹ tôi ra ngoài làm việc, vì đặc thù công việc bảo mật cao nên tôi không tiện đi cùng. Đến khi mẹ trở về, dẫn theo cả người nữa là bác gái tôi. Ba chúng tôi lần đầu tiên tụ họp lại trong hoàn cảnh đặc biệt này, trùng hợp thôi là không đủ. Bác tôi bắt đầu nói về những mơ ước trong tương lai, trước hết là hoà bình, sau đó sẽ lấy chồng, đẻ con, chăm nom gia đình nhỏ. Mẹ tôi ít tuổi hơn nên ước mơ bay xa hơn, mẹ ước được lập công, lấy lại hoà bình sau đó sẽ lên chức, tập trung phát triển sự nghiệp.

Không hổ là mẹ tôi, sự nghiệp đặt lên hàng đầu. Ánh mắt mẹ dưới ánh lửa hồng loé lên những tia hi vọng về ngày mai tươi sáng, tôi tin mẹ tôi có năng lực, thừa sức hưởng thành công, nhưng có lẽ vì tôi, vì cả căn bệnh quái ác kia đã cắt ngang nỗ lực của cả thanh xuân. Tình cảm anh chị em đối với mẹ tôi còn hơn cả đấng sinh thành, ông bà tôi mất sớm, mẹ lại là con út, hai bác dồn hết tấm lòng của mình để che chở mẹ tôi, bù đắp những thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần. Khôn lớn rồi, là mẹ tôi đề nghị bác cho đi làm công việc này cùng, không muốn làm gánh nặng cho gia đình. Bởi vậy nên lần gặp mặt này như một động lực lớn với mẹ, vốn là người lạc quan nhưng tôi luôn cảm nhận rõ được sự thổn thức, bất an trong lòng mẹ, từ khi ở cạnh bác, mẹ như hoá thành cún con vô lo vô nghĩ chi quanh quẩn bên cạnh. Dù gì thì mẹ tôi hiện tại cũng nhỏ hơn tuổi tôi, sẽ có những tâm trạng thất thường của tuổi mới lớn. Chỉ tiếc vừa gặp đã xa, họ đều có nhiệm vụ riêng phải thực hiện, đành hẹn nhau quây quần khi xuân sang.


Ngày 17/9/1965.
Tôi nào có thể ngờ, đó chính là lần cuối cùng thấy bác. Sau khi chia tay, chúng tôi đường ai nấy đi. Mẹ tôi đã hoàn thành xong chỉ tiêu năm nay, đến lúc được về nhà rồi, men theo con đường rừng quen thuộc, chúng tôi đi với tâm trạng nhẹ nhõm hơn rất nhiều.


Ngày 3/12/1965.
Con đường trở về đi khá nhanh, lại có mẹ dẫn đường, nên chẳng mấy chốc đã đi hết miền trung. Khoảng thời gian này chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều, đến mức ngày nào tôi cũng cảm giác như thế giới này đã thu bé lại chỉ còn hai chúng tôi thôi. Trời lúc này bắt đầu nổi gió lạnh, không hổ danh là mùa đông miền bắc, cái lạnh buốt thấu đến tận xương, mẹ vẫn như vậy, chăm lo cho tôi từng tí một, như thể đã biết tôi là đứa con đến từ tương lai.


Ngày 2/1/1966.
Trở về căn nhà quen thuộc, tôi xung phong dọn dẹp vệ sinh, còn mẹ tôi thì sắm sửa chút lương thực cho Tết, chỉ còn vài ngày nữa là giao thừa rồi, hi vọng năm mới đất nước sẽ lấy lại được hoà bình.


Ngày 20/1/1966.
Hôm nay, bác cả về, mẹ tôi vừa thấy đã ôm chầm vào, thoáng còn thấy cả giọt nước mắt đang chần chừ chưa rơi. Đêm nay là thời khắc bước qua năm mới rồi, bác gái tôi vẫn không liên lạc được, mẹ và bác cả đã hết lần nọ đến lần kia gửi thư đi nhưng không hề thấy hồi đáp. Một cảm giác bất an bủa vây ngôi nhà, theo như những gì mẹ tôi biết bác gái lần này không đi xa, cùng lắm là muộn vài ngày là về. Nhưng nếu có chậm trễ chắc chắn bác hai sẽ gửi thư về để mẹ tôi không lo lắng, bởi vậy ngay khi bàn bạc xong xuôi, bác cả lên thẳng trụ sở quản lí.

Chúng tôi ở nhà chờ đợi, bên ngoài đầy ắp những tiếng cười nói, có những nhà giống chúng tôi, bây giờ mới về đến nơi, cũng có những nhà lo lắng đến mất bình tĩnh, chạy khắp xóm nhờ vả... Bác tôi về rồi, trên khuôn mặt xuất hiện những vệt sáng, dáng đi thất thần, như người mất hồn, thì ra bác gái tôi, ngay sau khi từ biệt mẹ con chúng tôi đã gặp tập kích của địch ở chính ngôi làng đó. Chúng tìm thấy một tờ giấy với kí tự khó hiểu trên người bác, hẳn sẽ đoán ra là mật thư của quân ta. Không biết chúng đã đe doạ hay mua chuộc gì bác, chỉ biết khi một đội của ta đi ngang qua phát hiện đã thấy cơ thể bác đã lạnh từ lâu, khắp nơi đều là những vết bầm tím, máu nhuộm đỏ áo quần. Mẹ tôi nghe xong ngất lịm đi vì không chịu nổi cú sốc, bác trai cũng ngồi bịch xuống ghế, hai hàng nước mắt chảy dài không ngớt. Tôi cũng rất đau lòng, mới đây còn gặp bác với khuôn mặt rạng rõ vui tươi, nay một mình nằm lại nơi rừng núi âm u. Vậy là từ nay mẹ tôi đã mất đi người mẹ thứ hai của bà ấy, không còn ai dịu dàng chăm sóc bằng cả tấm lòng như vậy nữa.

Tính ra tuổi hiện giờ thì chúng tôi gần như ngang nhau, đều là tuổi thanh niên sức dài vai rộng, trí óc nhạy bén. Không chỉ tôi, mà cả bác và mẹ có lẽ đều nhận ra sự bất hợp lí này, bác và mẹ đã gặp nhau ở bản phải hai tháng trước rồi, đến nay mới nhận được tin bác mất, vậy thời gian trống kia bác đã đi đâu. Cứ cho rằng thời buổi bây giờ đưa tin tức rất khó khăn, ít nhất thì một tháng truớc báo tin nay mới nhận được, tháng còn lại chắc chắn còn nhiều chuyện xảy ra hơn chúng tôi biết. Trước hết, dân làng gặp tập kích có người trốn được mới kể được lại chuyện xảy ra. Bác cũng khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ để về nhà ăn Tết nên không có chuyện ở lại đấy chơi vài ngày. Độ dã man và hung ác của chúng đương nhiên tôi biết, sẽ không chừa một ai, có thể đoán được bác thực sự bị bắt ngay ngày hôm ấy. Trên người bác có thư, địch chắc chắn không bỏ qua mà đưa bác về trại tra tấn lấy lời khai, nhưng khi phát hiện thi thể bác lạI là ở một khu vực hoàn toàn cách xa. Vậy có thể suy đoán bác đã vượt ngục, trốn ra ngoài, chạy đến nơi xa nhất, nhưng với vết thương khi bị tra tấn quá nặng nên đã mất máu dẫn đến tử vong. Nghĩ đến đây tôi chỉ còn cách nén hết đau thương, phải mạnh mẽ để an ủi hai người.


Ngày 23/1/1966.
Điều này bi đát vượt xa sự chịu đựng của họ, bác cả dần dần phát bệnh, mẹ tôi ngày nào cũng khóc từ đêm đến ngày, không chịu ăn gì. Nhưng số phận trêu người, bi kịch nối tiếp bi kịch, bác cả tôi đã khai thật rằng mình nhiễm chất độc da cam hồi trong chiến trường, mạng này chỉ còn rất ít thời gian, dặn dò tôi với mẹ từ nay chăm sóc lẫn nhau, sống cho thật tốt. Bác cả ơi là bác cả, sao chọn hôm nào không nói, lại chọn đúng những ngày nhạy cảm như thế này. Tôi đã biết trước bác sẽ mất vì chất độc, nhưng tôi cũng không ngờ lại sớm như vậy, theo tính toán của tôi suốt dọc đường, đáng lẽ bác sẽ không gặp phải. Nếu như tôi dặn bác cẩn thận, tôi sợ bác sẽ nghi ngờ tôi vì biết quá nhiều. Rốt cuộc là do số phận đã an bài cho vậy hay vì tôi nhu nhược hèn kém, chỉ chăm chăm lo cho mẹ đây.


Ngày 1/2/1966.
Kể từ hôm đó, căn nhà mang một màu tang thương, mẹ tôi không ăn uống, tỉnh dậy lại khóc, khóc mệt rồi lại ngủ, cả ngày như người mất hồn. Thi thoảng tôi lại có cảm giác cơ thể không phải của mình, tất cả những chuyện xảy ra đều vô lí, có một thứ gì đó không hề chân thật. Nhưng chuyện đến nước này, đã quá muộn, tôi có cơ hội trở về để chữa lành vết thương cho mẹ, vậy mà quên mất vết thương ấy từ đâu mà ra. Tôi không thể làm lại nữa rồi, không thể sửa chữa sai lầm nữa. Tiếp theo đây, tôi phải thực sự quyết tâm để hi vọng xoay đổi một chút tình hình.


Ngày 5/2/1966.
Tôi quyết định mở lớp dạy học. Thời kì này, khi giặc ngoại xâm thi hành chính sách ngu dân, ngăn chặn hết những tài nguyên kiến thức, gây khó dễ cho thành phần tri thức, tôi có thể truyền đạt kinh nghiệm của mình kiếm chút miếng ăn đỡ mẹ. Từ trồng trọt, tính toán, ngữ văn hay tiếng việt, tôi trở nên có chút tiếng tăm trong vùng. Khi rảnh rỗi, tôi còn nâú ăn rồi mang đi bán cho địa chủ hay mấy gia đình khá giả. Lợi thế duy nhất bây giờ của tôi đều mang từ tương lai tới, những công thức đồ ăn bắt mắt, những phương pháp tiên tiến của thế hệ đi trước. Kiếm được tiền, tôi để dành mua đồ ăn ngon cho mẹ, kể mẹ nghe những câu chuyện như khi xưa mỗi tối mẹ kể cho tôi, sáng thức dậy đều cùng nhau tập thể dục, hát hò, tối đến lại cùng bác chơi cờ, luyện võ. Cuộc sống thực sự đã khá dần lên, tuy không quên được mất mát nhưng khuôn mặt họ ít nhất đã xuất hiện nụ cười. Tôi không phải người tâm lí, cũng chẳng tinh tế gì, nhưng mỗi ngày đều cố gắng tâm sự trò chuyện cùng họ, nói về sinh li từ biệt, nói về những hạnh phúc đang có, nói cả về những khát khao thầm kín tưởng chừng như không dám chia sẻ với ai.


Ngày 11/2/1966.                                                                                                                                                              Thời gian êm đẹp rồi cũng phải kết thúc. Bác tôi bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bệnh nặng hơn, hằng đêm đều nửa mơ nửa tỉnh, những cơn đau bắt đầu tấn công, tức ngực khó thở liên miên. Chiến tranh hoá học đã làm ảnh hưởng đến tính mạng và tất cả những gì đang sống trên mảnh đất này. Cứ nhìn thấy bác trong lòng tôi lại sinh ra cảm giác tội lỗi, thú thật một phần cũng là do đầu tôi không nhớ nổi địa điểm và thời gian chúng sẽ rải, một phần còn lại do tôi sợ mình sẽ bị hiểu nhầm. Tôi hận bản thân mình...


Ngày 19/2/1966.
Bệnh đến rất nhanh và càng lấn tới nhanh hơn, bác tôi không chịu được nổi đau đớn nên đã quyên sinh...

Sáng sớm hôm đó, khi mẹ tỉnh dậy, đã mang tâm trạng khá vui vẻ dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị bữa sáng, mẹ không nỡ đánh thức bác dậy vì khó khăn lắm bác mới ngủ được, khi ấy tôi cũng nghĩ vậy, dậy chỉ rón rén đi thật nhẹ. Nhưng đến buổi trưa, chúng tôi phát hiện bác không hề tỉnh lại, trên mặt xuất hiện những vết bầm tím, toàn thân lạnh ngắt, khi ấy cả mẹ và tôi mới ngớ người ra. Vì chịu một đả kích quá lớn trước đây không lâu nên lần này mẹ khiến tôi hơi bất ngờ. Mẹ không kích động, cũng không rơi một giọt nước mắt nào, chỉ thất thần ngồi sụp xuống. Tôi nhanh chóng đưa mẹ ra ngoài ở tạm nhà một cô hàng xóm, rồi lên nơi làm việc của bác để báo tin. Thương mẹ con chúng tôi còn bé nên các cô chú giúp đỡ làm một tang lễ nhỏ cho bác rồi chôn bác cùng ông bà.

Ông trời đã cho tôi cơ hội, nhưng tôi không làm gì được. Nếu như hôm đó mẹ vẫn còn khóc lóc, gào thét thì có lẽ tôi đã yên tâm hơn. Nhưng lại là phản ứng đó, chứng tỏ rằng tâm lí của mẹ đã biến đổi. Tôi cho rằng tôi đã thất bại rồi, vô hồn tiến về nhà. Từ xa, bóng người nhỏ bé, gầy gò quen thuộc đang vẫy tôi. Mẹ chạy đến bên tôi và an ủi: "Từ nay còn hai chị em ta thôi, em sẽ bảo vệ chị, không ai có thể mang chị đi nữa!"

Mấy ngày hôm nay tôi đều bận rộn xử lí cho tang lễ của bác, vừa chăm sóc mẹ nên sự mệt mỏi đã vô tình khiến tôi quên đi đau đớn, mẹ nói với tôi câu này, tôi mới nhớ ra mình vừa trải qua sinh li từ biệt, mẹ vừa mất đi người thân. Tôi đau đớn, mếu máo xà vào lòng mẹ, y hệt như lần chúng tôi gặp gỡ ở rừng. Mẹ tôi tuy thế mà mạnh mẽ hơn tôi tưởng, mẹ an ủi ngược lại tôi, nói rằng ít ra bác đã không cần chịu đau nữa, bác được về với ông bà rồi. Nước mắt giàn giụa, tôi ngẩng đầu lên nhìn mẹ, ánh mắt lúc này của bà ấy dịu dàng hơn bất cứ lúc nào, không biết trái tim của tình mẫu tử liên kết với nhau có phải thật không, nhưng bà ấy luôn là người che chở, baỏ vệ tôi. Tôi biết cảm giác khi quá tuyệt vọng, con người ta sẽ có hai kiểu, một là tiêu cực, hai là giả vờ tích cực. Mẹ tôi và tôi đều là kiểu thứ hai, gắng ép bản thân phải suy nghĩ, hành động như thể đã hiểu thấu trần thế.


Ngày 25/2/1966.
Khuya, tôi đã nằm ôm mẹ ngủ, chợt nảy ra ý tưởng, đó là tìm nửa kia cho mẹ. Đúng vậy, tuy tôi chưa yêu đương nam nữ bao giờ nhưng nhìn bạn bè xung quanh khi có tình yêu vào mỗi ngày đều vui vẻ, tôi tin mẹ không phải ngoại lệ. Ai có thể không đoán nổi mình sẽ gặp và yêu ai, nhưng tôi biết mẹ sẽ yêu bố. Vậy là, ngày mai tôi sẽ lên đường đi tìm bố, nói là lên đường thôi nhưng thực chất là tôi dùng quan hệ rộng rãi của mình để tìm. Khi đã thông suốt, tôi chắc chắn rằng mẹ không hề có biểu hiện gì, cũng tức có nghĩa, dư chấn tâm lí chưa xảy ra, tôi vẫn còn cơ hội. Hơn nữa, bố tôi mất do tai nạn giao thông, việc này tôi có thể tự tin thay đổi tương lai, dù cho có phải trả giá bằng gì tôi cũng chấp nhận.


Ngày 27/2/1966.
Rất nhanh đã tìm thấy bố tôi, dựa vào thông tin tôi cung cấp, "học sinh" của tôi đã đưa tôi đến thẳng chỗ bố. Lúc này bố vẫn đang là một thiếu niên trẻ tuổi, làm việc tại một đơn vị hành quân, và tôi còn biết thêm bố của bố tôi làm quản lí cấp cao trong quân đội. Trước đây ông tôi chưa từng nói với tôi ông giữ chức vụ nào, tôi chỉ biết ông đã lập rất nhiều công trên đường hành quân, còn được trao rất nhiều huân chương. Vừa được gặp bố vừa được gặp lại ông, sự nhớ thương, tủi thân trước đây như tan biến hết, tôi đã nhớ ông như thế nào, tôi đã mong được gặp bố một lần bao nhiêu năm, giờ đây ước nguyện đã thành hiện thực rồi.

Đầu óc tôi có chút trống rỗng, là cảm giác bị trộn lẫn bởi mong muốn ôm lấy người, hôn lên trán người, sà vào lòng như một đứa trẻ. Có điều, tôi không biết lấy thân phận nào để nói với họ, nhưng đây không phải thứ gì quá to tát, bịa đại một lí do là được. Thời gian ở với ông đã là quá khứ xa rồi, tôi không nhớ rõ những gì ông thích, dường như cả ngày cuả ông chỉ trò chuyện với đứa cháu nhỏ mà thôi. Tôi đang nghĩ dở thì vấp phải viên sỏi, cả mặt úp thẳng xuống đất, ngay trước mặt họ. Chưa kịp đứng dậy, bố tôi lập tức đến đỡ tôi, cuống quýt hỏi han. Thì ra bố là như vậy, trước đây tôi vẫn thường tưởng tượng bố ở ngoài đời sẽ như thế nào, có phải người đáng sợ hay không, hay chỉ đơn giản là một người đàn ông trụ cột ôn nhu dịu dàng. Giờ đây tôi đã hiểu được vì sao một người mạnh mẽ như mẹ lại phải lòng bố và nhớ thương bố suốt quãng đời còn lại của mình.

Tôi cười gượng, ấp úng nói câu cảm ơn, trong lòng không ngừng lặp lại năm chữ:"Phải làm gì bây giờ!". Đến mức này rồi không thể dùng kế chuồn được, tôi đành giới thiệu bản thân một cách thân thiện như cách người Việt Nam đối đãi người tình cờ quen:
"Em tên Chu Hạ, nhà ở xóm trong, các anh có mệt không, vào nhà em uống chén nước rồi hẵng đi."

Tôi thấy có hơi quá, dù gì cũng chẳng phải thương tích nhiều, nói cứ như thể vừa thoát khỏi thứ gì to tát. Bố tôi cười, tay giật giật lấy áo ông rồi nói:
"À thì ra là cô giáo Hạ, gần đây có nghe danh, cảm ơn cô đã làm nhiều việc tốt cho đồng bào, tôi cùng họ với cô, tên Chu Đại Bình, đây là bố tôi, Chu Anh."

Tôi biết chứ, cái tên quá thân thuộc, chỉ giận tình huống khó coi, nếu không tôi đã khóc cho thoả thích rồi mới đi gặp họ. Cứ nghĩ hai người sẽ từ chối và đi luôn, nhưng họ lại thật sự cùng tôi về nhà. Tới nơi tôi mới biết hoá ra ông muốn nhờ tôi vài việc. Vào đến nhà, quả nhiên bố tôi đã đánh mắt sang mẹ đầu tiên, qua một thời gian mẹ đã lấy lại được tinh thần, khí sắc tốt lên, lộ ra vẻ xinh đẹp vốn có, nếu tôi là nam cùng tuổi đó, tôi cũng sẽ theo đuổi mẹ mất thôi.Ông để bố ngồi lại nói chuyện với mẹ, gọi riêng tôi ra một góc. Ông đưa cho tôi những tư liệu ông có được trên đường hành quân và cả chiến trường, nhờ tôi soạn thành sách và giảng cho những người phù hợp. Ông tin tưởng trình độ học vấn của tôi như vậy, tôi rất cảm động. Ông còn giao nó cho tôi vì tôi chỉ là một nhà giáo nhỏ, không dễ bị địch phát hiện nên có thể đưa thông tin cần thiết đi. Bản thân tôi cũng vì điều này mà luôn lấy tiền công rất thấp, không mở lớp quá đông, đi dạy không theo lịch cụ thể hay môn học cụ thể. Bàn bạc một lúc đã đến giờ ăn, mẹ với bố tôi không hổ là trời định, nói chuyện không lâu đã thấy thân thiết. Đến đêm, tôi nằm cạnh gượng hỏi về cuộc trò chuyện ban nãy, mẹ còn ngượng đỏ ửng hai gò má, mãi mới kể cho tôi. Ra là bố thấy mẹ có vẻ nhiều tâm tư, lại như đang có chuyện buồn nên ra nói chuyện an ủi mẹ. Ban đầu mẹ vẫn còn giữ giá, chỉ trả lời cho có, nhưng sự tinh tế của bố đã khiến mẹ mở lòng, nói ra những điều không dám kể với ai. Ấy thế mà lại hợp cách nói năng, kể càng nhiều chuyện lại càng thấy đồng điệu về tâm hồn, bữa ăn bố còn gắp cho mẹ, liên tục hướng mắt về phía mẹ.


Ngày 3/3/1966.
Duyên đã định sẵn, như hai đầu nam châm, tôi chỉ cần kéo lại gần nhau là tự hút vào. Từ ngày quen bố, thi thoảng lại thấy bố sang chơi, không thì cũng trao đổi thư từ, mẹ tôi cũng vui lên trông thấy, tôi rất hạnh phúc, đây là việc thành công nhất kể từ khi tôi xuyên không về đây. Tranh thủ, tôi cũng thường xuyên lấy cớ bàn việc để thăm ông nội. Tôi còn gặp cả bà, bà rất đẹp, phúc hậu, bà thương tôi còn nhỏ mà đã hiểu chuyện, lại học hành giỏi giang, lần nào cũng dúi cho tôi bánh kẹo ngon mang về. Lúc này đây, tôi là người hạnh phúc nhất thế gian, ông bà bố mẹ đều ở cạnh tôi, ai ai cũng nở nụ cười vui vẻ.


Ngày 17/3/1966.
Cuộc vui gì cũng đến hồi kết, sự vật trước mắt càng ngày càng mờ đi, xen lẫn vào là những tiếng còi xe ầm ĩ, ngày và đêm tôi cũng không thể phân biệt nổi nữa. Lúc này tôi biết thời gian của mình sắp hết, tôi phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng. Bởi bố là bảo bối của mẹ, là cứu tinh của mẹ, bố xuất hiện để xoa dịu cơn đau trong mẹ nên bố nhất định phải sống thật tốt. Tôi liều một phen, dùng những thứ tôi đã từng đọc trên mạng, nói với bố tôi như một tên lừa đảo chuyên nghiệp. Tôi lợi dụng những điều ở tương lai tôi biết trước, dặn bố tôi không được động vào xe cộ, nếu không sẽ chết tức tưởi, kéo theo cả nhà thương vong. Ấy thế mà bố tôi tin thật, bố thực sự rất yêu mẹ, bố không muốn mẹ buồn nên đồng ý với tôi, ông sẽ sống thật tốt.


Ngày 26/8/2001.
Tỉnh giấc, vẫn là căn nhà đó, nhưng mọi thứ dường như không thay đổi, tôi sợ hãi từ từ đi xung quanh, tôi mong những gì vừa trải qua, đều là thật. Vương vãi quanh nhà là vỏ bia, rượu, còn cả một đống giấy ăn đã khô lại từ bao giờ, tôi nấc nhẹ, một giọt nước mắt chảy qua gò má. Quả thật vẫn là một giấc mộng dài, là tôi quá mong nhớ người mà thôi. Bỗng dưng dưới nhà truyền đến tiếng gọi quen thuộc: "Chu Hạ, mày lại để nhà cửa bừa bãi rồi, khác gì cái chuồng lợn không, xuống đây ngay."

Là mẹ, đúng là mẹ rồi, tôi không nghe nhầm đâu, đúng là mẹ, tiếng gọi này chân thực đến mức da gà của tôi nổi sần lên. Hớt hải chạy xuống, trước mắt tôi là mẹ và bố đang nắm tay nhau, họ không phải là thiếu niên đôi mươi, mà đều đã già cả, tôi đã tỉnh lại, tôi đã thật sự quay về quá khứ. Mặc cho bố mẹ đang cau có mặt mày, tôi khóc ầm lên, lao vào ôm chầm lấy họ. Họ đang ở trước mắt tôi, chạm vào da thịt tôi, tôi cảm nhận được hơi ấm của họ. Tôi khóc đến ù tai, đầu óc choáng váng, nhưng tôi không dừng lại được, vừa khóc vừa cười như một kẻ điên. Chẳng ai biết tôi đã khó khăn thế nào để có được ngày hôm nay, tôi cũng dường như quên hết, tôi chỉ cần trân trọng phút giây ngay lúc này, cha mẹ tôi khoẻ mạnh, họ còn ở bên tôi, thế là đủ rồi.


Ngày 30/8/2001.
Tôi cảm thấy chuyện này có gì đó sai sai, thứ nhất, bác gái kia là ai, bố và mẹ đều nói không biết. Thứ hai, nếu tôi thật sự trở về, tại sao họ không nhận ra tôi. Tôi đã thử cố gặng hỏi họ quen nhau như thế nào, nhưng sự xuất hiện của tôi dường như không tồn tại trong kí ức của họ. Tôi bắt đầu mơ hồ, rồi lại cảm thấy xa cách, tôi cảm thấy hai người họ càng ngày càng không giống bố mẹ tôi, một cảm giác sợ hãi vô hình bủa vây lấy tôi. Những ngày sau đó, họ như biến thành những bóng ma, đi lại luẩn quẩn trong nhà, lặp lại những hành động vô thức. Đến tối, họ lại nằm cạnh tôi, quay mặt nhìn chằm chằm vào tôi cười một cách rùng rợn. Tôi kiệt sức rồi, tôi đã quá mệt mỏi để kéo họ về, giờ đây trước mặt tôi lại là hai con người nào đó, mang tính cách, gương mặt của họ nhưng không phải họ. Bỗng từ đâu, có một con rắn đang hướng về phía tôi, mắt nó đỏ rực, lưỡi thè dài cả mét, tôi càng chạy, nó càng đuổi nhanh hơn, nó dồn tôi đến một nghĩa trang bạt ngàn, sau đó biến mất. Tôi vừa sợ hãi ngồi sụp xuống, thì phát hiện ngôi mộ trước mặt ghi tên Chu Đại Bình, bên cạnh còn có một ngôi nữa đặt trên là di ảnh của mẹ tôi. Không đúng, tại sao họ mất rồi, tại sao thế, rõ ràng họ vẫn luôn ở bên cạnh tôi...


Ngày 3/1/2002.
Quá sợ hãi đến ngất lịm đi, tỉnh dậy tôi đã thấy ở bệnh viện, bên cạnh tôi không có một ai chăm sóc, toàn thân tôi đau nhức, như thể nghìn năm chưa ngồi dậy. Một vị bác sĩ tình cờ đi vào, tôi run rẩy hỏi ba mẹ tôi đâu, ai đưa tôi vào bệnh viện. Thì ra, vốn dĩ chẳng có ai cả, tôi bị ngất ở bảo tàng, thấy cô đưa tôi đến bệnh viện, tôi đã hôn mê không tỉnh rất lâu rồi. Bác sĩ vừa kể, vừa mắng nhiếc tôi, nói tôi còn trẻ mà đã sa đoạ, lúc nhập viện phải rửa ruột vì quá nhiều chất cồn, cả người tím tái như đã chết, doạ y tá xanh mặt. Nói rồi, một bác sĩ khác đi vào, hỏi tôi căn nguyên sự việc, tôi lần lượt kể hết ra, nhưng cứ ấp a ấp úng, nói mớ linh tinh. Bảo tàng ư... Bảo tàng nào vậy, sao tôi lại ở bảo tàng, chắc hắn bác sĩ có nhầm lẫn gì đó, đầu tôi như cái trống bị ai đó dùng lực thật mạnh đập, từng nhịp từng nhịp bổ đôi nó.

Kí ức vỡ vụn, mỗi mảng không ngừng hiện lên rồi biến mất, cho đến một tiếng sau, tôi mới hoàn hồn, bình tĩnh sắp xếp lại sự việc. Vị bác sĩ kia sau khi nghe xong liền giải thích cho tôi hiểu, ngay từ đầu, đã chẳng có việc xuyên không gì đó, là do tôi dùng quá nhiều chất kích thích khiến ảnh hưởng thần kinh, tưởng tượng ra việc về lại quá khứ tìm mẹ, còn bác gái ấy, là do tôi quá thương mẹ, nên tự tạo ra một nhân vật ở bên cạnh mẹ để bảo vệ. Tôi đã mơ một giấc mộng quá hạnh phúc, khiến bản thân không hề muốn tỉnh lại, chỉ chậm trễ một thời gian nữa thôi, não tôi sẽ chết hoàn toàn, không có khả năng tỉnh lại nữa...


Ngày 2/7/2006.
Năm nay, tôi hoàn thành xuất sắc chương trình đại học, câu chuyện xưa cũ đã trở thành bài học lớn của đời tôi, rằng tôi phải tự biết yêu thương bản thân mình. Có lẽ con rắn đã đuổi tôi, là ai đó đã vào trong giấc mơ đưa tôi ra ngoài, tôi tin là vậy, lấy nó làm động lực, tôi phải sống thật tốt, thật an yên để những người thân yêu trên trời yên tâm chuyển thế. Tôi cũng đã nguôi ngoai phần nào sự ám ảnh bởi cái chết của mẹ và bắt đầu một cuộc sống mới.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro