đổi hết tất cả lấy bầu trời xanh.
trên đường đến xín chải, từ thành phố hà giang phải đi hơn ba mươi mốt cây số.
tích ngồi trên chiếc xe của một thầy cùng dạy ở điểm trường mà sắp tới em theo công tác. tháng mười một, trời đã chuyển lạnh, mấy thửa ruộng bậc thang chỉ còn lác đác mảnh vàng tan ra giữa nước đổ, hoang sơ đến độ mẫn tích nghĩ, hai năm tuổi trẻ mình ở đây liệu có gì đáng nhớ không.
"vậy thầy tích ở đâu đến?"
người thầy chở mẫn tích về bản xín chải hỏi, anh ta không quay đầu sang nhìn tích, hướng góc mặt nghiêng im lìm lên trước mắt em. người đàn ông tên chí huân, anh từ đông anh, hà nội lên bản xín chải, được hai năm và quyết định ở lại thêm bốn năm nữa đến lúc điểm trường được xây mới và có thêm giáo viên về thì sẽ đi nơi khác. lúc anh ta đón mẫn tích ở một nhà nghỉ nhỏ mà em thuê trong vòng hai giờ, tích nhìn chăm chăm người đàn ông trước mắt mình mà dợm nghĩ, anh ta sinh ra để làm thầy giáo.
"à, em cũng ở hà nội thầy ạ, em ở hà đông ạ."
chí huân à một tiếng, lẩm bẩm thế là tôi với tích cách nhau cả một quận từ liêm, sau này có muốn gặp nhau cũng phải đi xa lắm, rồi bật cười khe khẽ. tiếng cười với cái mù sương của xín chải không khác nhau là mấy, như tiếng vọng của núi rừng.
rằng mà là thì, nhìn chí huân có điều gì đấy vững chãi, chắc chắn đến mức không giải thích được. chắc là do mùi thuốc bắc trên người anh, hay nụ cười mỉm cứ treo trên môi suốt, hay do cái bàn tay chai sần kéo hai vạt áo khoác của mẫn tích che đi phần ngực, hoặc là giọng anh trầm trầm dặn em, "kéo áo che phần cổ lại không lại đau họng thì chết mất thầy ơi."
"còn bao lâu nữa thì tới thế thầy huân?"
khi hai bàn tay mẫn tích bắt đầu tê tái, em cất giọng hỏi. người đàn ông ngó nghiêng, trời nhiều sương quá, chắc tầm hơn mười phút nữa thầy tích ơi. dù cho đi bằng xe hơi, đỡ bớt gió lạnh nhưng không đáng kể, mũi và mắt của tích rát buốt, cái ý nghĩ muốn làm một người trẻ đạo mạo vẫy vùng giữa núi rừng tây bắc giảm đi hai mươi lăm phần trăm.
"tích có lạnh không? hay tôi tìm chỗ xin cho tích cốc nước ấm nhé?"
"không, em không. thầy cứ chạy như thế, mau về đến nơi còn lo cho mấy đứa nhỏ."
đáng lý ra mẫn tích phải tự thuê xe về bản nhưng hôm lên hà giang, đang lắc lư trên cái xe khách bốn mươi lăm chỗ, một số lạ gọi đến bảo với tích, tôi là thầy dạy ở điểm trường, ngày mai tôi sẽ xuống thị trấn mua đồ về cho bọn nhỏ, thầy tới khi nào thì nhắn tôi chạy xuống đón. thế là một lớn một nhỏ ngồi trên chiếc xe hơi nhỏ cà tàng hai năm tuổi mà chí huân mua lại từ một người ở thị trấn, mẫn tích nhìn mãi cũng không biết xe tên gì.
sau đấy thì, dù chí huân chẳng nói chẳng rằng, anh vẫn giảm tốc độ xuống, tìm nhà dân và xin một bình nước ấm, nên về đến nhà đã hơn hai mươi phút sau.
chí huân khệ nệ xách cái ba lô du lịch căng phồng là đồ đạc của mẫn tích để lên thềm, sau đó quay lại dựng xe ở dưới dốc bên hông của căn nhà, mang bao bị linh tinh các nhu yếu phẩm vào nhà.
tám giờ hơn, mấy đứa nhỏ đã ăn uống xong hết, bát đũa được chất gọn ngoài sân chờ người rửa. một tốp có hai, ba đứa học sinh cùng trình độ sẽ ngồi làm bài với nhau, mẫn tích liếc vào nhà, áng chừng có khoảng bốn nhóm. rồi nó tự hỏi, thầy huân làm sao để xoay xở một ngày với hơn mười hai em nhỏ một lần như thế.
tiếng lạo xạo vang lên rồi im bặt, một lúc sau chí huân từ bếp đi ra, nhìn mẫn tích đang đứng mông lung thì nắm lấy vai em, "thầy tích đừng lo, tôi chỉ trông có sáu em thôi. mấy đứa còn lại là nhà gần đây, đến để ăn, làm bài rồi về ngay thôi. không vất lắm, mà nay có thầy cùng phụ thì chắc sẽ đỡ nhọc hơn ngày thường."
chí huân xoa vai tích, bàn tay lớn trượt dọc theo cánh tay và nắm lấy ống tay áo, dắt mẫn tích vào căn nhà lập lòe ánh sáng. hai cái bàn tròn làm thủ công cỡ vừa đặt trong nhà theo hướng ánh sáng từ hai cái đèn yếu ớt rọi xuống, trông thế mà chiếm gần nửa căn phòng. tường nhà vẫn là xi măng không sơn màu, xám xịt, lỗ chỗ những vệt xi măng bị tróc lộ ra mảng gạch vẩn đục. không có vô tuyến, hai cái giường lớn ở hai góc cửa sổ và một lối đi thông sang nhà bếp.
đám trẻ vẫn cặm cụi cầm cây bút chì đã mòn và ngắn cũn, hí hoáy với quyển vở mỏng tang được góp tặng theo mỗi đợt từ thành thị, chí huân phải bỏ tay mẫn tích ra, đi từng bàn và vuốt lên mái tóc khô thì các em mới ngước lên, đôi mắt xoe tròn có một đốm lửa không tắt bao giờ, soi sáng cả trái tim mẫn tích.
"tụi con, thầy mới của tụi con, thầy tích, sau này có người dạy cho các con nhiều cái mới hơn, các con phải thương thầy nhé?"
tụi nhỏ đột nhiên vỗ tay, tiếng lốp bốp như pháo, có hai em tầm sáu, bảy tuổi lật đật nhảy xuống ghế, chạy lại ôm chân mẫn tích, lắp bắp khen, thầy ơi, thầy đẹp quá.
mẫn tích khom người xuống, vuốt lên cái má đỏ bừng vì lạnh của một em, nắm lấy cánh tay nhỏ xíu của em còn lại, mỉm cười nói, cảm ơn con.
người thầy còn lại đứng một bên nhìn người sẽ đồng hành tiếp với mình trong vòng hai năm tới, tự dưng thấy nôn nao đến lạ. chắc là vì chí huân biết anh sẽ không cô đơn nữa.
.
sáng chủ nhật, xín chải lạnh buốt.
mẫn tích đi loanh quanh từ sân trước ra sân sau của căn nhà hai gian. nhìn chung thì không tồi tàn nhưng cơ sở vật chất thì không tốt tí nào. những việc ngày ở hà nội chỉ cần một nốt nhạc là làm xong thì ở xín chải dựa hoàn toàn vào sức người, giặt đồ, rửa bát hay mấy chuyện mà tích đã từng xem là vặt vãnh nay lại khó khăn chẳng thể ngờ.
khoảng sân sau có hai cái thau nhựa lớn mà tích đoán là để giặt đồ và một thau kim loại rỉ sét bên ngoài, đựng bát đũa hôm qua vẫn chưa rửa.
đêm hôm qua sau khi cùng chí huân cho đám trẻ đi ngủ, mẫn tích vì lạ chỗ nên không vào giấc nhanh được, em xoay ngang dọc trên cái giường chỉ có mình với thầy huân. chí huân đã ngủ tít mù, có lẽ anh đã quá mệt, đôi mắt nhắm nghiền và lông mi run run đã hoàn toàn phiêu lãng vào giấc mơ. cái mũi hếch bướng bỉnh và đôi môi hơi hé mở. khi ngủ, anh trông khác hoàn toàn với sự vững chãi vốn có trong bản thân mình, như một cậu bé vừa lớn, người cong cong và thở rất chậm.
tích thôi không xoay người nữa vì sợ thầy huân tỉnh giấc, quyết định khoác áo ra trước sân ngồi.
xín chải hai giờ sáng đã có người dậy làm việc, một căn nhà thấp hơn ngay dưới đồi đã có khói bay lên, tiếng lửa lách tách.
thật ra mẫn tích vốn không có ý định đến hà giang, em muốn ở lại hà nội nhưng càng nghĩ mẫn tích càng thấy cuộc đời mình sao mà đơn điệu, cái hiểu biết của em đơn thuần chỉ là những kiến thức chuyên môn mà chẳng đem ra nói chuyện sâu rộng được về cuộc sống. tích thấy tuổi trẻ mình vẫn còn thiếu ngông nghênh, nếu được, em muốn được một lần cười một nụ cười tươi tắn của kẻ bất tài, thay vì lủi thủi thực tập rồi lại về nhà, gánh một đống trách nhiệm vô lý.
tiếng thở dài tan vào không khí, kéo thành một sợi khói.
"thầy tích lạ chỗ à? sao thầy không ngủ?"
chí huân ngái ngủ đưa cốc nước ấm cho tích, ngồi xổm bên cạnh em.
"ừm, em lạ chỗ, hơi khó ngủ một tí."
"lúc nãy tôi nghe thầy trở người qua lại mãi, rồi không có tiếng gì nữa nên tôi hơi lo. nếu thầy khó ngủ thì mai tôi hỏi xin ít tim sen nấu trà nhé?"
khi chí huân sát lại gần, mùi thuốc bắc cũng quấn lấy mẫn tích.
cái mùi ấy làm tích nhớ hà nội da diết, mà cũng làm những vết cắt trên làn da âm ỉ đau.
"được rồi thầy huân ơi, ở đây khó tìm được lắm. vài hôm nữa sẽ quen thôi."
cứ anh một câu, tôi một câu mà nhoằng cái đã ba giờ, nhác thấy chí huân đã không trụ nổi, mẫn tích đứng lên nắm lấy cẳng tay anh, kéo vào trong đi ngủ.
lần này nằm xuống, bàn tay chí huân khẽ chạm vào mu bàn tay lạnh ngắt của mẫn tích. rồi anh xích lại gần hơn, phủ tấm chăn lên cả hai người, bàn tay chai sần âm ấm vẫn để một bên người, mơn trớn nhẹ làn da của một thầy giáo hà nội khác. "thầy ơi, ngủ đi nhé!"
ấy thế là cả hai ngủ quên giờ giấc, may mắn là tích đã dậy đây rồi. cởi bớt tấm áo phao dày, mẫn tích xắn ống tay áo đưa ra dưới vòi nước để quen cái lạnh buốt óc, từ từ rửa sạch từng khay ăn của các em, từng cái muỗng và vài cái bát. đầu ngón tay dần dần đỏ lên, khi mẫn tích tráng sạch xà phòng những món đồ cuối, hai bàn tay đã sưng đỏ và phồng rộp hết cả.
"ôi thầy tích, thầy chưa quen nước đâu, bị cước đỏ cả tay rồi!"
chí huân mang đôi dép loạch xoạch đi ra từ nhà bếp, đôi mắt vẫn nhập nhèm do đêm hôm qua ngủ chập chờn, nhác thấy bóng dáng nhỏ xíu ngồi trên cái ghế thấp tỉ mẩn rửa bát thì hoảng cả hồn, thầy giáo mới tới sao mà nhiệt tình thế?
"thầy huân dậy rồi ạ? em thấy còn vài cái thì rửa nốt thôi thầy ạ, có sao đâu."
thầy giáo hà nội mềm mỏng nói, hai bàn tay bị cước đỏ dúi vào túi quần, mẫn tích bước lại gần chí huân đang cầm áo chờ sẵn, em chui vào tấm áo phao to sụ, thở ra một hơi. thầy huân nhìn bàn tay và gò má hây hây đỏ, trong đầu tự dưng liên tưởng đến mấy em bé ở xín chải lúc thầy mới đến, cũng đôi gò má đỏ hồng và đôi mắt rất xinh, có khi nào đất trời đã định sẵn mẫn tích sẽ đến xín chải với anh hay không?
"thầy tích đun nước đi, tôi đi xin ít quế chi để ngâm tay cho mau khỏi!"
khi đứng trong bếp, chí huân cắm đèn điện lờ mờ trên đầu. mấy ngón tay anh thuôn dài nắm nhẹ lấy bàn tay của tích xoa cho ấm lên. bếp củi đã được thầy huân đốt lên ban nãy, trên bếp để một nồi toàn là khoai với sắn. chí huân bảo mẫn tích ngồi xuống hơ tay, phần mình thì cạo vỏ một củ gừng, giã nhuyễn rồi pha với nước ấm, cuối cùng cho một tí quế chi vào.
"đây, thầy tích để tay vào đây."
chí huân quỳ một chân xuống đất, để thau nước be bé thơm mùi gừng và quế chi lên đùi, nhìn mẫn tích khi em ngâm bàn tay phồng rộp vào nước ấm, "thầy có thấy dễ chịu không? để thế này mười phút nhé?"
tích gật đầu, mái tóc rung rinh, "nhưng thầy huân để em cầm cho, mỏi lắm."
"không, thầy cứ để tôi giữ cho," đoạn, chí huân cũng đưa bàn tay mình vào, vuốt đầu ngón tay sưng đỏ, xoa nhẹ để không bị tụ máu, "thầy tích sau này đừng làm việc gì chạm vào nước lạnh thế này nữa nhé, tay thầy bị cước đỏ thế này mà tái lại, dễ bị nhiễm trùng lắm."
"thế làm sao được! em đến để đỡ đần thầy huân mà."
mẫn tích ngồi trên ghế cao, hơi cúi xuống nhìn vào hàng mi cụp của huân, tóc đan vào tóc, "thầy tích đừng lo, có thầy ở đây tôi cũng đỡ cô đơn lắm. chẳng thà sau này thầy cứ trông mấy đứa nhỏ, dạy học, đút ăn, nấu cơm là tốt rồi. việc tắm táp cho các em, rửa chén bát cả giặt đồ, thầy cứ để tôi làm."
thầy huân ngước lên nhìn mẫn tích, bắt lấy ánh mắt mông lung giữa không trung.
trên bàn bếp để một túi tim sen, một gói xôi thơm, một đôi găng tay dày có họa tiết dân tộc h'mông. có thầy huân mới biết, ấy là tất cả tình thương anh có thể dành cho thầy giáo hà nội của mình.
.
thầy giáo hà nội giờ đã bớt hà nội đi một tí.
chí huân là người rất nhạy cảm và tỉ mỉ, bởi vậy khi có người đến bầu bạn cùng, anh sẽ vô thức để ý người ta hơn. huống hồ gì đây còn là thầy giáo hà nội mà anh rất mến. thầy giáo mẫn tích sau hơn nửa năm ở xín chải, được lòng các già trong bản lắm, cứ nhà các già có gì đều sai mấy đứa nhóc mang sang cho thầy tích, phải là thầy tích chứ không phải thầy huân!
nhưng có điều này thầy huân cứ canh cánh trong lòng, nhìn em bé hà nội của anh lúc nào cũng có nét gì buồn lắm cho dù em luôn cười. có vài lần muốn hỏi rồi lại thôi, vì vốn mình chẳng là gì của người ta, còn có hơn một năm rưỡi nữa, chẳng biết mẫn tích đi hay ở, miên man mãi đến lượt thầy huân cũng buồn.
một buổi chiều cuối tháng năm, trời vào hè và học sinh đã về nhà với cha mẹ, còn mỗi thầy huân và tích, trong nhà còn mấy em học chuyển cấp đang giải đề. chí huân đang vò nốt mấy cái áo của cả hai, nhìn ra bậc thềm của cánh cửa bên hông nhà, mẫn tích đang ngồi đong đưa hai chân mà ngân nga. con cò bay lả bay la, bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng. giọng mẫn tích nương theo gió kéo theo những gì thân thương nhất hóa thành mùa hè ở xín chải - một mùa hè mà chí huân mong muốn được ôm lấy.
"thầy tích ơi, tôi bảo..."
thầy huân lau bàn tay vào ống quần, bước tới gần thầy giáo hà nội nhỏ tí, co ro, đôi mắt buồn ngước lên nhìn huân. anh gãi đầu, đằng hắng bảo, thầy tích cuối tuần đi chơi với tôi nhé?
nội dung chỉ có bấy nhiêu nhưng thầy huân - người đọc vanh vách những văn bản trong sách để các em chép chính tả, nay lại nói chậm rãi, lắp bắp từng từ trước mặt người thương. đôi môi thầy tích chúm chím nụ cười, giương mắt nhìn anh rồi hơi cúi xuống ngó nghiêng bàn tay đang níu lấy nhau của huân. đoạn, tích đứng lên rồi hỏi, "sao mà tự dưng lại rủ em đi thế thầy huân?"
chí huân lúng túng nhìn mẫn tích bước từ bóng râm ra sân vườn ngập nắng, bước từ vực thẳm đến rìa ánh sáng. khi em ngẩng lên lần nữa, đôi mắt nâu đậm ngả sang một thứ màu hổ phách kì lạ, như đốm lửa đốt cả má anh đỏ bừng.
rằng mà là thì, từ dạo mẫn tích đến, chí huân đã thấy bản thân mình có xu hướng trở nên ủy mị khi ở bên thầy giáo hà nội, hai mươi bốn giờ nóng rực, hai mươi bốn giờ trái tim như nằm giữa sa mạc - trái tim là một gánh nặng lớn mà, vì sức ghì của tình yêu không thành câu mà lồng ngực thầy huân lúc nào cũng căng lên toàn là nhung nhớ, nhưng thầy không dám nói cũng không muốn nói bao giờ. biết đâu thầy giáo hà nội sẽ đi mãi không về. thế là huân chẳng nói gì nữa, ngồi xuống vò cho xong áo quần.
mẫn tích bước đến và ngồi lên cái ghế thấp cạnh nơi huân đang giặt áo, tóc mái rung rinh khi em nghiêng đầu, áp má lên cẳng tay và nhìn thầy huân mãi. mà thầy giáo xín chải thì cúi gằm, ngần ngại dồn hết vào hành động, bọt xà phòng bị chí huân vung tung tóe, bắn cả lên mặt anh.
"ối, cay quá."
"nào thầy huân ơi, sao mà bất cẩn quá..."
mẫn tích giật mình chồm lên, rút trong túi áo trước ngực ra một chiếc khăn tay màu vàng nhạt, lau lên mi mắt trái của huân. bàn tay phải xoa lên mắt, tay trái đặt lên quai hàm. chí huân ngửi được một mùi hương mà suốt hơn sáu tháng qua anh đã quen, mùi nước thơm quần áo của riêng tích, thứ mùi thơm mát ấy vương lên tấm khăn màu vàng. rồi cũng chính mùi của nắng làm chí huân ôm một nỗi tương tư cả đời.
bàn tay nhỏ tí từ quai hàm hơi lướt qua cần cổ rồi đặt lên vai, "thầy huân đỡ cay mắt chưa?"
"tôi đỡ rồi," khi thầy giáo hà nội lùi lại gần rìa bóng tối, chí huân vươn tay nắm lấy góc của khăn tay, "thầy tích để tôi giặt lại cho sạch." tích gật đầu, chí huân cầm khăn tay bé xíu mà tự dưng thấy thương đến lạ, bất cứ thứ gì liên quan đến thầy giáo hà nội đều nhỏ nhỏ xinh xinh như này hết.
"thầy tích ơi tôi bảo," khi chiếc khăn tay được chí huân dùng kẹp quần áo treo lên, anh quay sang nhìn tích đang mơ màng dõi theo bàn tay anh, miệng lại ngân nga mấy bài hát ru nhỏ nhẹ, "thầy ở đây có buồn không?"
thật ra từ những ngày đầu tiên, chí huân đã thấy trong mẫn tích một ước mơ được đi cùng khắp, được tìm thấy bản ngã của chính mình dù cho tàn hơi thở, khát khao được là một cánh chim dù nhỏ bé - sải cánh giữa trùng mây tây bắc. ngày trước, chí huân chắc chắn rằng mẫn tích ở xín chải sẽ không buồn, mà giờ thì khác.
"em đâu có buồn. sao thầy hỏi thế?"
"tôi thấy thầy hay ngồi một mình mà, nếu thầy buồn thì bảo tôi nhé, để tôi dắt thầy tích đi chơi."
"xín chải có thầy huân mà, làm sao em buồn được?"
ừ, có thầy huân mà, làm sao mẫn tích không hạnh phúc cho được.
.
hết hai năm, mẫn tích về quảng trị, thầy tích không còn của chí huân hay xín chải nữa.
mà chí huân giận lắm vì mẫn tích không nói anh nghe, mãi cho đến khi em đưa anh một tờ giấy chi chít mực xanh, một tờ đơn xin phép được tiếp tục gánh chữ đến vùng cao nhưng không phải ở xín chải cùng thầy huân, huân ơi em sẽ về quảng trị.
lúc ấy mấy đứa nhỏ đã ngủ tít mù, mẫn tích nằm trên chiếc giường cũ mèm cùng thầy giáo xín chải, quay mặt đối diện với chí huân, bàn tay nhỏ tí lạnh cóng vuốt mắt anh rồi thì thầm, em về quảng trị, hay là huân đi với em? ngón tay nhỏ xíu thơm mùi gừng, ngón tay cầm phấn viết bảng, ngón tay cầm chiếc khăn tay mà lau mặt cho huân, ngón tay níu lấy gấu áo và ngày thường vẫn gọn hơ trong nắm tay của anh nay đã sắp sửa biến mất. thầy tích của xín chải sắp biến mất.
"anh không đi được. tích ơi, anh không đi được."
điểm trường vẫn chưa xong, ngày nào cũng có những em cuốc bộ cả chục cây số đến trước nhà, gõ bàn tay gầy yếu lên cánh cửa và xin huân rằng, thầy ơi con van thầy, thầy dạy học cho con, con muốn học chữ, bằng giọng nói tiếng kinh lơ lớ. những em bé xín chải má đỏ, khi thì vì lạnh mà cũng vì nước mắt đã chảy xuôi bao lần. chí huân đã kìm lòng chẳng đặng. rằng mà là thì, nếu ai cũng ngại cực khổ thì những em bé xín chải sẽ thế nào?
bàn tay ấm nóng của chí huân bao lấy mấy đốt ngón tay khô lạnh, hôm nay lại quên đeo găng tay mất, hôn lên lòng bàn tay thầy giáo hà nội và im lặng, tiếng thở choán lấy cả hai, một lớn một nhỏ. chí huân nhắm rồi mở mắt vài lần, trong bóng đêm, anh thấy đôi mắt long lanh của thầy giáo hà nội sáng bừng, như vì sao cắt ngang chân trời anh, đôi môi anh mấp máy và huân hỏi, "tích ơi, bài hát mà em hay hát, em hát lại anh nghe được không?"
mẫn tích nhìn huân, gật đầu rồi nhích lại, nghiêng đầu để má em áp lên lồng ngực anh. tiếng hát nương theo da thịt trôi khắp cơ thể chí huân, ru anh về chốn bao la, nơi có những em bé xín chải và mẫn tích, nơi mẫn tích sẽ chẳng nỡ bỏ anh đi.
cuối tuần, sau khi kết thúc kì học đầu tiên của mấy đứa nhỏ, chí huân giúp mẫn tích sửa soạn và ngỏ ý muốn đưa em đi ra nơi xe đón khách. nhưng mẫn tích phẩy tay và bảo, em tự đi được mà.
"ừ ừ, vậy thôi em coi kỹ lại xem có quên gì không nhé?"
vì có khi phải mất rất lâu mới tìm lại được.
mẫn tích trở về một thành phố sẽ là của em khác và để lại sau lưng một thành phố đã từng là của em. lần đầu tiên chí huân đứng bên lề của phẫn uất từ biệt, tay anh vuốt lên mái tóc nâu cháy nắng và xơ cứng, biết bao giờ anh sẽ gặp lại thầy giáo hà nội dịu dàng nằm im trong vòng tay anh đây?
những ích kỷ trong lòng chí huân mong rằng khi mẫn tích đi đến vòng ôm của một thành phố khác, em sẽ đôi khi bật khóc nức nở vì thương nhớ xín chải, nhớ chí huân cong lưng phủ tấm áo khoác che nắng che mưa cho dáng em nhỏ xíu mà anh thương rất thương. huân đã nghĩ như thế, oán trách vì thời gian sao lại trôi nhanh quá, oán trách vì sao thời gian chỉ để lại hình bóng mẫn tích trong anh là tấm lưng hao gầy quay gót.
để lại trong anh đôi mắt thẫn thờ và mến mộ một đời rồi sẽ ngủ quên.
mấy đứa nhỏ biết hôm nay thầy tích đi, hò nhau ra mà tiễn thầy hà nội về, đu lên nhau trên chiếc xe đạp nhỏ xíu cũ mèm của em thiệu, cong lưng đuổi theo bóng mặt trời, phần chí huân ngồi trên xe máy chạy ra theo mấy đứa nhỏ rồi cản chúng nó lại khi ra đến đường lớn. chí huân gạt chân chống, ngồi lên xe và châm thuốc. đốm thuốc đỏ như muốn đốt cháy cả anh, nằm giữa hai ngón tay lạnh đã từng rất ấm, chiếc khăn tay màu vàng nhạt nằm im trong túi áo trước ngực, thứ duy nhất mẫn tích để lại mà chí huân có thể chạm vào.
"liệu em có về nữa không?"
"anh đang cầm khăn tay của em mà."
nhớ em ngần ấy năm tôi chờ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro