Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
*
Một thoáng hơi thở rất thực được thổi hồn vào trong hai tác phẩm, truyện - phim
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một cuốn tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên, được chắp bút bởi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Dưới ngòi bút mộc mạc, tràn trề xúc cảm của mình, Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ nên một vùng thôn quê đầy nghèo khó. Ẩn dưới cái vỏ bọc đầy xác xơ đó là tình anh em, tình làng nghĩa xóm và cả những tâm tư vụn vặt của tuổi mới lớn, rất mộc mạc, giản dị nhưng lại đong đầy cái cảm xúc mang tên hoài niệm. Tôi thích cái chất đời mà Nguyễn Nhật Ánh đã mang đến cho tác phẩm dù đó chỉ qua một vài trang giấy ngắn gọn, giản đơn. Đó là những cảm xúc khó nói mà chỉ có những dòng văn nhuần thấm sự trải mới mang lại. Vậy mà khi những dòng văn đó vụt biến thành những thước phim tuyệt đẹp trên màn ảnh, cảm xúc đó lại một lần nữa dâng trào. Cả Nguyễn Nhật Ánh và Victor Vũ đều là những bậc thầy của việc nhào nặn cảm xúc. Nếu một bên cho chúng ta thấy cuộc sống lao động của người dân miền quê lam lũ qua thế giới nội tâm sinh động, thì một bên mang cho chúng ta những xúc cảm trực tiếp tuyệt đẹp qua những thước phim, những cảnh quay đậm chất thơ.
*
Làn gió mơn man tương đồng giữa cả hai tác phẩm
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được hiện lên dưới ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh rất bình yên và chậm rãi. Qua đó mạch văn của ông cũng bình bình và chầm chậm như vậy. Nó không hoa mỹ, màu mè mà rất ngắn gọn, giản đơn. Những từ ngữ được sử dụng cũng rất mộc mạc, đến nỗi chúng ta còn tưởng đó là giọng văn trong trẻo của trẻ thơ. Chúng mang lại một cảm giác bình yên và đầy mùi vị hoài niệm.
Khi được chuyển thể lên màn ảnh rộng, Victor Vũ đã rất cố gắng trong việc truyền tải đầy đủ những dư vị, cảm xúc đó. Do vậy cái mạch phim cũng mang trong mình tinh thần của tác phẩm gốc, với đầy đủ sự chậm rãi, giản dị. Câu chuyện chỉ xoay quanh cuộc sống của những người dân miền quê nghèo khó đầu những năm 80. Đặc biệt là nhấn mạnh hai anh em Thiều và Tường cùng với những mối quan hệ xoay quanh hai nhân vật. Trong đó có bố mẹ, cô bé Mận, chú Đàn, chị Vinh, thằng Sơn và nhiều nhân vật khác. Với một dàn nhân vật đồ sộ như vậy nhưng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại có lối kể chuyện rất đơn giản, không giật gân hay quá kịch tính. Mạch phim rất chậm, đến mức có thể khiến cho một vài người cảm thấy nhàm chán ngay. Tuy nhiên khi đem ra đối sánh với nguyên tác gốc thì bộ phim vốn dĩ đã mang trong mình hoàn toàn tinh thần của tác phẩm gốc. Mạch phim không quá gay cấn hay hồi hộp nhưng bù lại lại sở hữu cho mình cái chất đời mà hiếm có bộ phim nào của Việt Nam hiện nay có được.
Tiểu thuyết Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được giới phê bình đánh giá nhiệt liệt. Qua đến phim sự đánh giá đó vẫn giữ được trọn vẹn, thậm chí doanh thu của phim còn được tính kỉ lục tại các phòng vé. Qua đó ta mới thấy được rằng, chất liệu tạo nên cả hai tác phẩm chính là điểm thành công rõ rệt. Một chất liệu thô sơ, mộc mạc, dễ đọc dễ cảm mà không quá cao siêu.
Như đã đề cập đến ở trên, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sở hữu cho mình một dàn nhân vật đồ sộ và đa dạng. Từ hai nhân vật chính Thiều, Tường đến những nhân vật khác. Chính sự sắp xếp đầy đa dạng này đã khiến cho tác phẩm mang trong mình những mảnh vụn vương vãi xuyên suốt từ đầu đến cuối.
Chúng ta đều biết rằng Nguyễn Nhật Ánh là một tác giả chuyên viết những thể loại nhẹ nhàng, gần gũi. Do đó tình tiết trong truyện cũng chậm chạp, thân thuộc như chính thể loại đó vậy. Vậy làm sao một câu chuyện nhàm chán, chậm chạp như thế lại có thể níu chân độc giả ở lại miết từng trang sách? Những thứ đó phụ thuộc vào cách xây dựng nhân vật của tác giả. Hình ảnh anh em Thiều, Tường chính là những hình ảnh chân thực, sống động nhất mà người đọc có thể tìm thấy ở tác phẩm. Ở đó có Thiều - một người anh trai ích kỉ, nhỏ nhen nhưng trong sâu tận tâm hồn vẫn rất yêu quý đứa em trai của mình. Ở đó có Tường - một cậu bé hiền lành, bao dung, yêu quý người anh trai Thiều hết mực. Còn có cô bé Mận ngây thơ, xinh xắn nhưng lại học kém do phải chăm sóc người cha mắc phải căn bệnh lạ. Ngoài ra câu chuyện cũng mở rộng ra, hé lộ từng tính cách, hoàn cảnh của nhân vật khác, khiến cho cốt truyện được tụ lại bằng nhiều mảnh ghép khác nhau , góp phần làm nên sự thu hút của tác phẩm.
Khi dàn nhân vật được đưa lên màn ảnh rộng, các nhân vật cốt lõi vẫn được giữ nguyên như ban đầu. Nếu so sánh với tiểu thuyết gốc thì bộ phim đã phác họa được gần như toàn bộ tính cách, đặc điểm của nhân vật chính. Thịnh Vinh trong vai cậu bé Thiều đã làm tròn được vai diễn của mình, khi em hóa thân được vào một người anh trai tinh quái, ranh ma nhưng không kém phần hào hiệp. Cách diễn xuất của Thịnh Vinh được coi là khá tốt so với lứa diễn viên cùng tuổi, cả biểu cảm, cử chỉ, hành động đều khiến người xem liên tưởng được đến Thiều. Trọng Khang trong vai Tường sở hữu một ngoại hình gần như giống so với lời miêu tả của Nguyễn Nhật Ánh - một cậu bé mũm mĩm, đáng yêu. Trọng Khang có cách diễn rất biết lấy nước mắt người xem. Đặc biệt trong phân cảnh mất Cu Cậu - con cóc yêu quý của nhân vật chính, em đã lột được trọn vẹn cái hồn của nhân vật khi rơi nước mắt. Phân cảnh này được cho là rất đắt giá, đồng thời thể hiện được khả năng diễn xuất của Trọng Khang. Thanh Mỹ trong vai Mận cũng là nhân vật cần được đề cập đến ở đây. Thanh Mỹ nếu so với kinh nghiệm diễn xuất thì lại nhỉnh hơn cả Thịnh Vinh lẫn Trọng Khang. Em được biết đến qua những bộ phim như Đoạt hồn, Để mai tính 2,... Qua đến Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, diễn xuất của Thanh Mỹ được coi là khá tròn trịa nhưng lại chưa bứt phá. Vai Mận là một vai diễn nằm trong khoảng an toàn, chưa thực sự khiến cho Thanh Mỹ ghi được dấu ấn đậm nét.
Tựu chung khi so sánh, ta sẽ tìm được một vài nét tương đồng giữa cả hai tác phẩm. Cả về nội dung, mạch tác phẩm lẫn cách xây dựng nhân vật. Cả hai phiên bản truyện - phim đều sở hữu cho mình một lối kể chuyện chậm rãi, thư thả, không quá nhanh, quá xô bồ. Sang đến xây dựng nhân vật, tính cách, đặc điểm của mỗi cá nhân vẫn được giữ nguyên như nguyên tác gốc. Nếu Thịnh Vinh và Trọng Khang đã xuất sắc hoàn thành được vai diễn của mình thì Thanh Mỹ cũng đã làm được điều đó. Mặc dù vai diễn chưa thực sự ấn tượng trong mắt tôi nhưng nếu xét rộng ra thì Thanh Mỹ là một diễn viên thực lực, có tiềm năng.
*
Làn gió đổi chiều giữa cả hai tác phẩm
Trong tiểu thuyết gốc được chắp bút bởi Nguyễn Nhật Ánh, hình ảnh vùng quê được hiện ra với vẻ nghèo đói, lam lũ. Tông màu chủ đạo xoay quanh tác phẩm là màu nâu, màu xám - những mảng màu đơn điệu và trắc trở. Nhờ có những gam màu đầy trầm uất như vậy, độc giả mới có thể đồng cảm với chính nhân vật trong tác phẩm, mới có thể nhặt lại những mảnh vỡ tuổi thơ rơi vương vãi trong hộc tủ trí nhớ.
Qua đến phim, những gam màu đơn điệu này phút chốc vụt biến thành những tia nắng vàng ruộm, những đồng cỏ xanh rì trải dài trên những mỏm đá của tỉnh Phú Yên xinh đẹp. Một trong những chất liệu khiến bộ phim được sự quan tâm của công chúng chính là cảnh quay và kĩ thuật quay phim. Được sự đầu tư của Cục Điện ảnh Việt Nam nên những cảnh quay có đầu tư, rất chất lượng và thơ mộng. Nhưng sự thơ mộng này đã lấn át toàn bộ nội dung chính của tác phẩm khi toàn bộ phim đã bị lấn chiếm bởi cái vẻ đẹp rất thơ đó. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vốn dĩ là một tác phẩm lấy đề tài ở một vùng thôn quê miền Trung nghèo đói nhưng nhà sản xuất đã quá lạm dụng những cảnh quay để làm tôn lên vẻ đẹp bề ngoài cho bộ phim. Điều đó khiến cho bộ phim mất đi chiều sâu vốn có, làm cho người xem chưa thực sự hòa được vào bối cảnh gần gũi của nguyên tác gốc. Một tác phẩm cũng lấy đề tài về vùng thôn quê, về những con người khổ cực nhưng lại chiếm được cảm xúc phần nhiều của người xem chính là Cánh đồng bất tận, đạo diễn bởi Nguyễn Phan Quang Bình. Không có những gam màu quá rực rỡ, những cảnh quay quá xuất sắc nhưng Cánh đồng bất tận lại chiếm được cảm xúc của người xem bằng những thước phim chân thật, thân quen nhất. Và đó chính là sự thiếu sót của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khi được chuyển thể lên màn ảnh rộng. Nếu Nguyễn Nhật Ánh cho chúng ta thấy một bối cảnh đơn xơ nhưng lại gần gũi, thân thuộc thì Victor Vũ lại biến bối cảnh đó thành những thước phim tuyệt đẹp nhưng lại thiếu đi chất đời và độ sâu vốn có.
Tiểu thuyết Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được bắt đầu bằng cảnh chú Đàn xem hoa tay cho Thiều và giảng giải về ý nghĩa của từng chiếc hoa tay đó. Phân đoạn này khiến người đọc cảm nhận được sự thân thuộc đến từ tác phẩm, qua đó nhận ra trọng tâm mà Nguyễn Nhật Ánh cố gắng nhấn mạnh nằm ở tuổi thơ mà chắc hẳn nhiều người đã đi qua trong đời. Vì chủ đề tuổi thơ rất rộng nên hướng triển khai và trọng tâm của tác phẩm dần lan ra nhiều khía cạnh khác nhau. Từ việc những lễ giáo bảo thủ, lạc hậu cho đến cái ác, cái thiện, sự thờ ơ vô tâm của người đời đều được cài cắm xuyên suốt tác phẩm. Điều này khiến cho cách xây dựng nhân vật và ý nghĩa của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ngày càng đậm nét hơn.
Khi viết kịch bản và dựng thành phim, Victor Vũ đã từng lấy tựa đề Dear brother để đặt cho tác phẩm. Điều này đã chứng minh dụng ý của anh trong việc nhấn mạnh tình anh em giữa hai nhân vật Thiều - Tường thay vì những ý nghĩa khác mà trong nguyên tác có. Do đó phân cảnh của bộ phim được bắt đầu bằng chi tiết Tường nằm trên xe trên đường đi chữa bệnh. Từ chi tiết này người xem cũng có thể mường tượng ra trọng tâm và ý triển khai mà đạo diễn muốn đan gài xuyên suốt bộ phim. Do trọng tâm muốn tập trung khai thác vào tình anh em cho nên những ý nghĩa như cái thiện, cái ác, sự vô cảm của những người hàng xóm hay cả những định kiến khắc nghiệt của xã hội vẫn chưa thực sự được làm rõ. Ở đó ta chỉ có thể nhìn thấy loáng thoáng qua mà chưa cảm nhận được sâu sắc những bài học rộng mà trong tiểu thuyết mang lại. Tuy nhiên sự đảo lộn tình tiết này lại khiến cho bộ phim mang một màu sắc khác lạ. Dưới bàn tay biến hóa kì ảo của mình, Victor Vũ đã thành công trong việc níu chân khán giả ở lại rạp. Khiến cho những người sành sỏi, tưởng chừng như nắm được trọn vẹn cả nội dung và tình tiết phảk chú ý để xem từng cử động nhỏ nhất trong tác phẩm.
Trong tiểu thuyết gốc, Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên một dàn nhân vật đồ sộ khiến cho tác phẩm được chấm phá bởi nhiều nét khác nhau, từ hai nhân vật chính, cô bé Mận, chú Đàn, chị Vinh đến thầy Nhãn, cô bé Nhi, thằng Sơn và cả bố mẹ của hai anh em nhân vật chính. Dưới một dàn nhân vật khổng lồ như vậy nhưng Nguyễn Nhật Ánh lại không hề lúng túng khi phác họa được gần như đặc điểm, tính nết của từng người. Ngoài tính cách của Thiều, Tường, Mận, người đọc cũng có thể cảm nhận được tính cách của nhiều nhân vật khác. Như bố của Thiều và Tường - một người hoạt ngôn nhưng hay nổi nóng và thường đánh anh em vì nhiều lí do khác nhau. Còn có mẹ của hai cậu bé - một người phụ nữ dịu dàng, yêu thương con hết mực. Câu chuyện cũng dần mở rộng ra, không chỉ nói về từng hoàn cảnh, nỗi băn khoăn, trắc trở của những nhân vật mà còn đan gài nhiềh bài học gắn liền với từng nhân vật đó. Ví như chú Đàn, mặc dù bị mất một cách tay nhưng chú lại là người lạc quan, yêu đời, thường xuyên kể chuyện ma cho hai đứa cháu. Từ nhân vật này, người đọc cũng cảm thấy ý nghĩa của cuộc sống mà Nguyễn Nhật Ánh đã thổi hồn vào trong mỗi nhân vật. Để từ đó ta mới thấy được sự tài tình, khéo léo của nhà văn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trong việc xây dựng các tuyến nhân vật khác nhau.
Sang đến phim, do thời lượng bị hạn chế chỉ trong vòng 92 phút nên toàn bộ các tuyến nhân vật trong nguyên tác bị cắt xén khá nhiều. Trong tiểu thuyết, Mận không phải là mối tình đầu của Thiều mà là cô bé Xin. Khi tác phẩm được phóng tác lên màn ảnh rộng, nhân vật Xin đã bị cắt mất vai mà thay vào đó cô bé Mận là nhân vật mà nhà sản xuất tập trung khai thác. Đối với những ai đã đọc qua tiểu thuyết gốc thì cô bé Xin có lẽ là nhân vật không thể bỏ qua được khi là người mà Thiều chú ý đầu tiên. Tuy nhiên do hướng khai thác của bộ phim tập trung hoàn toàn vào bộ ba Thiều - Tường - Mận nên Xin có lẽ là nhân vật có thể bỏ qua được. Ngoài ra cả ba Thiều và thầy Nhãn - những người dễ nổi nóng và thường xuyên khiến Thiều sợ chết khiếp, khi qua đến phim sự nổi nóng của hai nhân vật trên đã bị giảm tải đi khá nhiều. Người xem sẽ không còn cảm nhận được hoàn toàn tính cách bốc đồng mà hai nhân vật này sở hữu. Thêm nữa cả chú Đàn và chị Vinh trong phim cũng là những nhân vật rất nhạt nhòa và thiếu đất diễn. Ví như phân cảnh đắt giá nhất của tác phẩm, khi chú Đàn cùng cô Vinh bỏ trốn sau trận lụt đã bị nhà sản xuất cắt mất đi. Đây là một chi tiết rất đáng giá, nó thể hiện cho một tình yêu vượt qua cả rào cản định kiến xã hội. Đồng thời thể hiện được tính cách, tấm lòng cao cả của hai nhân vật. Do nhà sản xuất đã cắt mất đi chi tiết này, nên ngưòi xem vẫn chưa cảm nhận được trọn vẹn những đặc trưng của các nhân vật.
Như đã đề cập đến ở trên, do được sự đầu tư của Cục Điện ảnh Việt Nam nên Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sở hữu cho mình những cảnh quay rất chất lượng, làm mãn nhãn người xem. Thêm nữa do được nhào nặn dưới bàn tay của đạo diễn Victor Vũ nên bộ phim mang theo những hơi thở, những chi tiết rất mới mẻ.
Victor Vũ là một đạo diễn có tiếng qua các bộ phim kinh dị như Quả tim máu, Giao lộ định mệnh, Scandal,..., cho nên Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng sở hữu cho mình cái chất kinh dị rất Victor Vũ. Bằng những gam màu trầm lắng, lập lòe dưới ánh nến của khu xóm nghèo, những câu chuyện ma mà chú Đàn kể cho hai đứa nhỏ đến phân cảnh Thiều gặp ác mộng, tất cả như hiện lên trước mắt độc giả cái chất kinh dị rất tinh tế mà không phải đạo diễn nào cũng làm được.
Ngoài ra chi tiết Thiều ôm con cóc, chạy dưới mưa bay lả tả cũng là một chi tiết rất đẹp mà trong tiểu thuyết không nhắc đến. Đây là một cảnh phim phổ biến và lấy được lòng ngưòi xem nhất trong bộ phim. Cách diễn xuất của Thịnh Vinh cộng thêm khung hình đẹp xuất sắc phân cảnh này càng đắt giá hơn nữa.
*
Những lời kết về cả hai tác phẩm
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một tác phẩm sâu lắng, thân thuộc. Không cần những dòng văn quá hoa mỹ, rườm rà, không cần những phép so sánh, ẩn dụ quá cao siêu. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chỉ đơn giản giúp con người ta tìm lại những góc thân thuộc trong cuộc sống còn bề bộn lo toan. Nếu muốn thưởng thức được trọn vẹn tác phẩm thì hãy đọc tiểu thuyết nhưng nếu muốn mãn nhãn với những cảnh quay hút hồn, muốn được cùng khóc, cùng cảm thông với nhân vật một cách trực tiếp thì phim sẽ là một lựa chọn không tồi vào những ngày thư thả.
|Kết thúc|
Bài dự thi event WOP
Sbd: 11
Bút danh: Tô
Mảng: Review
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro