Đại Việt, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ mười tám (1250).
Những ngày cuối của tháng Chạp, hơi đông lởn vởn trong những tia nắng hanh hao, chẳng mấy mà tiết trời sẽ chuyển sang mưa xuân lất phất. Dù mưa xuân chưa về nhưng không khí Tết Tân Hợi đã lan khắp phủ trên huyện dưới, chốn kinh kỳ sáng chiều nhộn nhịp, tấp nập. Xem chừng, người ta phải tranh thủ đi nốt những chuyến hàng cuối cùng của năm cũ, hay ai có chuyện gì còn dang dở, cũng cố ngược xuôi lo liệu cho xong.
Tỉ như, kỳ đấu vật cuối năm của trường Giảng Võ. Kỳ sát hạch này chỉ thi đấu vật, thường khép kín, không mở cửa cho người ngoài vào xem, nó tương tự như một bài kiểm tra trước dịp nghỉ lễ dài, rất nhiều khâu đã được rút gọn. Đằng nào ra Giêng, khi trăm hoa đua nở, sắc xuân ngập trời sẽ lại có đợt sát hạch mới với nhiều nội dung hơn như đua thuyền, bắn cung, cưỡi ngựa ... Thứ hạng đợt thi đấy mới được coi trọng, vì sẽ giữ kéo dài đến kỳ sát hạch giữa năm. Chưa kể kỳ sát hạch đầu năm còn được tổ chức như mở hội, có cả người trong hoàng thất, văn võ bá quan trong triều đến dự, đồng thời mở cửa cho bà con trăm họ cùng vào xem, nào có như kỳ đấu vật mang tính thủ tục dịp cuối năm.
Mà dù không xem, người ta vẫn biết chắc kết quả. Trong sân gạch đỏ các võ sĩ còn chưa đấu hết lượt, khắp các ngõ quán trong kinh thành đã cười xoà bảo nhau: "Đồ rằng lần này vẫn là Thượng Võ Hầu đứng nhất thôi."
Thượng Võ Hầu (hay còn gọi là Hưng Đạo Hầu) trong lời khẳng định chắc nịch trên không ai khác ngoài Trần Quốc Tuấn, con ruột của Yên Sinh Vương Trần Liễu, con nuôi của Công chúa Thuỵ Bà và là cháu ruột của nhà vua.
Gần xa ai cũng biết, vị Hưng Đạo Hầu hai mươi tuổi này nức tiếng anh tuấn thông minh, có thầy dạy riêng trong phủ từ nhỏ, văn võ song toàn.
Tiếng bàn luận xì xào lẫn trong tiếng rao hàng trả giá của khu chợ, theo vào đến cả các quán nước quán rượu bên đường.
- Lần thi bắn cung, đua thuyền ở bến Đông năm rồi cũng là ngài ấy đứng nhất đấy thôi.
- Ôi, mấy năm liền rồi, kể cũng lạ, giỏi như ngài ấy mà vẫn đến trường võ...
Tựa như một cái tên đã làm lu mờ tất cả, nhất là khi cái tên đó còn đứng đầu mọi kỳ thi. Người đời ít nhớ tới người đứng hạng hai, hạng ba cũng là điều dễ hiểu.
Lúc phiên chợ thưa dần, có chàng trai mặc áo màu lam sẫm uể oải ra khỏi một quán trọ nhỏ. Khi chàng ra đến cửa còn nheo mắt ngẩng nhìn mặt trời chính ngọ, trong bụng nhủ thầm giờ này hẳn mọi sự đã xong hết rồi.
Chàng ung dung về trường võ, cách cả chục thước đã nhác thấy trước cửa nào ngựa nào xe đông đúc, nhìn chẳng rõ là xe của vị vương hầu hay công tử nhà nào đến đón. Cũng không quan trọng, chàng biết trong số đó không có nhà mình là được.
Cửa chính đông như vậy, chàng đành quay người, đi về phía cửa sau. Chân chàng vừa dợm bước vào khúc rẽ, ai ngờ cũng có người từ hướng trong phăng phăng đi ra, hai bên đều không kịp phản ứng, đâm sầm vào nhau.
Chàng vốn là người học võ, loạng choạng hai nhịp là có thể đứng vững. Lấy thăng bằng xong, chàng nhìn sang thấy đối phương đã ngã sõng soài ra đất, nón sụp xuống mặt, bên cạnh là cái rổ cũ đựng rau lăn lông lốc. Trước đó hình như người kia cũng chỉ kịp "Á" lên một tiếng rồi đổ nhào.
- Xin lỗi xin lỗi, do tôi đi nhanh quá.
Đối phương vừa nói vừa vội vã đứng dậy, phủi phủi qua quần áo, dù đã cố hạ giọng nhưng vẫn nghe ra được là giọng nữ lanh lảnh. Dựa vào vóc dáng và giọng nói này, xem chừng cũng kém chàng áo lam đến bốn, năm tuổi.
Cậu chàng chỉ liếc đối phương một cái, rồi cũng nhanh tay bước ra nhặt hai mớ rau bỏ vào rổ.
- Xin hỏi...á.
Người kia thấy chàng đưa rổ rau cho liền cúi người cảm ơn, hẳn đang định hỏi ngược lại chàng có sao không thì bị cái giơ tay đột ngột của chàng làm giật mình co người lùi về sau.
Dù thế thì vẫn không tránh được, có điều không phải đánh.
Bộp. Chàng ấn tay lên cạnh chỗ bị móp của cái nón rách, giúp nón về nguyên trạng ban đầu.
- Ta không sao.
Giọng chàng chẳng có chút gì là tức giận, nói xong cứ thế bước đi tiếp, mặc kệ đối phương còn đang thẫn người. Nhưng vạt áo lam theo bước chân chưa được hai bước đã bị níu trở lại.
- Khoan đã.
Bàn tay hơi lấm lem vươn ra túm lấy góc áo của chàng, thấy chàng dừng bước liền vội vã buông ra.
Chàng trai trẻ quay lại, đối diện với chàng là một đôi mắt đen láy lanh lợi, chạm phải cái nhướng mày trực diện của chàng vẫn không hề e sợ. Thế nhưng hai bên má nàng ta phớt đỏ, không rõ là do nắng hanh hay do vừa làm việc nặng, hoặc cũng có thể là do ngại ngùng.
- Tại tôi va vào cậu...
Nói đến chữ "cậu" giọng của người trước mặt mới lộ ra vẻ không tự nhiên, ngập ngừng trong chốc lát, có lẽ cũng đoán ra chàng là người của trường võ. Rồi rất nhanh, đối phương đặt cái rổ trong tay xuống, cầm hết rau lên, dùng hai tay đưa về phía y.
- Xem như tôi đền cho cậu, xin lỗi đã va phải cậu.
Chàng liếc xuống hai mớ rau bắt đầu có dấu hiệu héo rũ, không có ý định nhận lấy. Chủ nhân của hai mới rau vội giải thích thêm.
- Tôi cũng vừa mang rau vào bếp của trường võ, cậu yên tâm, rau này ăn được.
À, ra là người đưa rau cho trường võ, bảo sao lại đi từ ngõ nhỏ này ra.
- Rau này nấu canh cua ngon lắm đấy.
Gió nhẹ ùa đến làm bay bay vạt váy áo nâu đã bạc màu của thiếu nữ trước mặt, lời thốt ra còn kèm theo một nụ cười tươi, rồi lại vội vội vàng vàng bảo.
- Vậy nhé, tôi phải đi đây.
Nói xong cũng chẳng cần biết chàng có nhận hay không, nàng dúi hai mớ rau vào tay chàng xong liền quay người cầm rổ lên nhanh chóng rời đi, đôi chân trần bước đi gấp gáp trong cái nắng trưa tháng Chạp.
Chàng cúi nhìn, nấu canh cua ngon lắm? Chàng lật trước lật sau hai mớ rau, cuối cùng chẳng ừ hứ gì, quay người đi tiếp.
Không nghĩ đến cái ngõ nhỏ dẫn đến cửa phụ này, hôm nay còn có cả người khác lui tới, đông vui hơn thường ngày. Chàng vừa nghĩ, vừa đảo mắt khỏi bóng dáng người vừa leo lên một cái kiệu đỗ ngay trước cửa phụ. Có vẻ đối phương lúc bước lên cũng đã liếc thấy chàng, nhưng dáng vẻ cũng chẳng có gì là ngạc nhiên hay lo sợ.
Lạ nhỉ, cửa lớn không đón đưa nhau, lại chọn đi vào cái ngõ nhỏ này. Ai không biết, lại tưởng có điều khuất tất. Nghĩ đến đây chàng nhếch môi cười nhạt.
Quên mất, chàng cũng đang làm chuyện không được vẻ vang cho lắm.
Lúc chàng thu dọn xong đồ đạc ở trường võ rồi về đến phủ, trời đã tắt nắng, gió bắt đầu lạnh hơn.
- Sao không đợi người đón mà đi bộ lếch thếch về thế?
Vừa vào đến cửa đã nghe được giọng trách móc nhẹ nhàng.
- Chị, chị về đấy à?
Chàng đưa hết đồ trong tay cho người ở trong nhà, đi nhanh về phía chị mình. Chị của chàng ngồi uống nước ở bên bàn đá, thấy chàng đi đường mồ hôi nhễ nhại, tự mình rót cho chàng chén nước, giọng vừa giận vừa thương.
- Lớn rồi mà vẫn chẳng ra làm sao.
- Chị thì càng ngày càng ra dáng phu nhân quan huyện rồi.
Chàng ngửa cổ uống một hơi dài. Chị chàng gả sang phủ bên đã hơn một năm, thi thoảng mới về thăm nhà. Hẳn là hôm nay anh rể chàng có việc vào chầu, nên chị cũng theo vào kinh. Chẳng biết trong cung có chuyện gì, cha cũng không thấy ở nhà, lạ là chị gái chàng về thăm nhà mà cũng không thấy bóng dáng mẹ đâu.
Hai người ngồi nói được dăm ba câu, chàng phát hiện chị mình có vẻ không vui, dường như trong lòng có chuyện lo nghĩ, chàng hỏi mà chị không nói.
Thẳng đến khi bóng chiều chập choạng, người ở vào thưa xe đến đón phu nhân đã tới, chàng tiễn chị mình về, nhìn xe kéo khuất phía cuối con đường rồi mới nghe người theo hầu ở sau bẩm chuyện.
Ra là anh rể chàng sắp nạp thiếp.
Nghe xong chàng chỉ im lặng cụp mắt, không rõ đang nghĩ gì. Lát sau liền quay người vào trong, đi được dăm bước mới thuận miệng sai.
- Xuống bếp xem cơm nước thế nào.
Kẻ ở theo sau vâng vâng dạ dạ, nghe chàng dặn dò thêm vài câu rồi ngoan ngoãn làm theo.
Không bao lâu sau, khi trời tối hẳn, khắp phủ thắp nến treo đèn, chàng mới nghe có người bẩm cha mẹ chàng đã về, cho gọi chàng ra gặp.
Vừa hay đến bữa, kẻ hầu người hạ dọn cơm canh tươm tất lên.
Đũa chưa kịp động, cha chàng đã đánh phủ đầu, hỏi chàng sao hôm nay không thi đấu vật mà trốn đi đâu biệt tăm, trưa muộn mới về trường võ.
Chàng quy củ đáp sáng nay dậy thấy bụng dạ không khoẻ, trong người không có sức nên không đến rút thẻ thi, ở trong phòng nghỉ thì buồn chán, nên ra ngoài đi lòng vòng, sẵn xem dân tình dạo này thế nào.
Nhìn dáng vẻ nói dối không biết thẹn của chàng, cha hừ một tiếng, dùng đũa chặn cái thìa canh trong tay chàng lại.
- Canh này tính hàn, bụng dạ không ra gì thì đừng có ăn.
Đây rõ ràng là đang mắng chàng là thứ không ra gì. Chàng thở dài, thu thìa về, đổi thành dùng đũa vớt rau trong bát canh.
- Cha, cha cũng biết con đấu hay không thì kết quả vẫn thế mà, cha còn lạ gì danh tiếng Hưng Đạo Hầu.
- Không có chí tiến thủ, nói thế mà nghe được à?
- Kìa ông...
Mẹ của chàng ngồi một bên vội vàng lên tiếng can ngăn.
- Hai cha con không ăn được với nhau bữa cơm tử tế à, lâu lắm con nó mới về, lại Tết nhất đến nơi.
Nghe là biết mẹ xót con, chàng cúi mặt ăn chỗ rau vừa gặp, mắt cong cong ý cười.
- Bà chiều nó vừa thôi.
Cha chàng sẵng giọng, có vẻ cũng nguôi ngoai. Mẹ chàng huých tay, chàng gật gật ra chiều đã hiểu, vươn tay định bụng múc cho cha một bát canh nóng, nghĩ thế nào lại đổi ý, nhấc đũa về phía đĩa thịt gà .
- Nhất thủ nhì vĩ.
Chàng lẩm bẩm, gắp cái đầu gà luộc định đặt vào bát của cha, mẹ chàng ngồi cạnh nghe thế thì phì cười, đồng thời mắng chàng đừng cố tình chọc giận cha nữa.
Chàng nhún vai, đổi thành một miếng thịt đùi thơm ngon hơn.
- Liệu đấy, chớ có học cái thói xấu cờ bạc chọi gà, con năm nay cũng gần hai mươi rồi.
Biết lời cha mẹ dạy là phải, chàng cúi đầu vâng dạ, nhưng trong lòng cảm thấy có gì không đúng, tự nhiên lại nhắc đến chuyện tuổi tác của chàng làm gì?
Quả nhiên, chàng nghe được cha mình tiếp lời mẹ.
- Hai mươi tuổi tính chuyện thành gia lập thất được rồi. Tính ra còn muộn chứ chẳng phải được.
Động tác uống canh của chàng khựng lại, ngẩng lên nhìn cha mẹ. Nghĩ cũng không nghĩ, chàng buột miệng hỏi luôn.
- Lẽ nào là Thượng Võ Hầu hay Thượng Văn Hầu nào sắp làm lễ kết tóc ạ?
- Sằng bậy.
Cha chàng đặt cái đũa xuống bàn đến cạnh một tiếng, lườm chàng sắc lẻm. Cái này cũng không thể trách chàng được, ai bảo trước giờ cha chàng luôn đem chàng ra so sánh với người nọ người kia, dạy rằng phải biết lấy người ta làm gương mà học tập...
- À, hay lần này cha tính cho con thành gương của người khác?
Đã không nói thì thôi, nói là phải nói cho đến cùng, chàng hoài nghi, không biết liệu đời sau có ghi cho chàng cái danh bất hiếu.
- Bà xem, bà xem!
- Con bớt lời đi.
Lần này thì mẹ chàng không bênh nổi chàng nữa. Chàng buông một hơi thở dài, bụng bảo dạ là chạy trời không khỏi nắng, sớm muộn cũng đến ngày này. Không biết lần này cha mẹ chàng nhìn trúng nhà ai, có khi hôm nay mẹ chàng đến nhà người ta chuyện trò cả buổi cũng nên. chàng thử nghĩ một loạt các nhà danh môn quý phái mà chàng biết, ngẫm xem liệu là khuê nữ nhà nào.
Nhà nào thì chàng cũng chẳng hứng thú.
- Cha, mẹ...chuyện này không vội được, con còn bao chuyện phải lo...
Chàng tìm cách lòng vòng, vừa nói vừa cố nhớ xem ra Giêng ở trường võ trường văn còn những lần thi nào, dẫu sao chuyện này cha mẹ chàng cũng không xem nhẹ.
- Vội hay không, không phải con nói mà xong.
Mẹ chàng nói lời này làm chàng giật mình, nhíu mày nghĩ ngợi. Hiếm thấy cha chàng vuốt râu ra chiều đắc ý thế kia, gần như nắm chắc chuyện trong lòng bàn tay, rằng chàng có cố ra vẻ chống đối đến đâu cũng không thành. Chàng trước giờ không phải kẻ ngỗ nghịch bất hiếu gì cho cam, chẳng qua bị đem ra so sánh với người nọ người kia mãi, nghe nhiều thành chán, sinh ra mệt mỏi, nói chuyện với cha đôi khi hay khắc khẩu.
Thế nhưng chàng có giới hạn, biết cái gì đùa được cái gì không, cái gì trái được cái gì phải nghe.
Ví dụ như đứng đầu trong các thứ không đùa được, trái càng không nên, đó là thánh chỉ.
Cái này là chàng không dám. Lá gan của chàng vẫn được chàng quản chừng mực lắm.
Giống như đi guốc trong bụng con trai mình, mẹ chàng chậm rãi giải đáp cho nghi vấn của con, bà bảo.
- Quốc gia ban hôn.
Dù đã lờ mờ đoán ra, nhưng nghe mẹ chàng khẳng định lại chàng vẫn thẫn ra một lúc, khí thế thoáng cái yếu hẳn. Chuyện ban hôn cho người trong hoàng tộc không còn là chuyện xa lạ gì, nhưng mà chàng vẫn chưa sẵn sàng.
Chàng siết đũa, cắn răng, thoáng cái thực sự nghiêm túc tính tới lá gan của mình, tay còn vô thức sờ lên sau gáy...
Mẹ chàng thừa hiểu chàng đang làm trò gì, bà vừa lườm vừa đập lên tay cậu con trai, ra hiệu cho chàng ngồi ngay ngắn, bớt nghĩ linh tinh.
Chàng thở dài, thử nhướng mày hỏi thêm.
- Thế người trong lòng của con thì làm thế nào?
- Thế nào là thế nào, Quốc gia ban hôn cho anh với Công chúa, anh còn định để người khác tranh chỗ chính thê của người ta?
Cha chàng lập tức mắng, đường đường là Nhân Đạo Vương, ngày ngày đều bị đứa con trưởng trong nhà làm cho tức trợn cả mắt.
Ngược lại, mẹ của chàng nhanh nhạy hơn, lập tức kéo chàng qua hỏi.
- Người trong lòng nào cơ?
Người trong lòng nào? Chàng cũng chỉ bịa bừa ra, xem tình hình có xoay chuyển được không, ai ngờ Quốc gia ban hôn cho chàng với Công chúa, lấy người nào mà địch nổi đây? Chàng còn đang muốn hỏi rõ xem vị Công chúa được ban hôn với mình là ai đây này...
- Con nói đi, cùng lắm nạp thiếp, có khó gì.
Mẹ chàng nhất quyết hỏi, còn nghĩ đến cả chuyện cho chàng lấy người ta về làm thiếp, chắc bà nghe chàng nói thế, sợ chàng mụ mị đầu óc, có gan chống lại ý vua, nên đón đường trước?
Chàng hai mươi năm qua sớm tối bị bắt đọc sách, luyện chữ, không thì tập võ, cưỡi ngựa, bắn cung. Quanh đi quẩn lại không phải cầm bút cầm sách học cùng vương gia nhà nọ, công tử nhà kia thì cũng là cầm gươm cầm mái, làm bạn với ngựa với thuyền. Xung quanh đến nửa bóng hồng còn không có, làm gì có người trong lòng hay người ngoài lòng nào.
Đang định cười xoà chối cho qua, vừa hay chàng ngẩng lên thấy bát canh cua trên bàn, trong đầu thoáng hiện lên bóng dáng lạ. Chàng cười cười, đảo mắt, đáp liền một hơi.
- Nắng trưa trong ngách, mắt đen má hồng. Rổ cũ nón rách, canh cua nấu mồng.
Đọc xong trước sự sững sờ của cha mẹ, chàng thản nhiên khen thêm một câu, rằng canh cua hôm nay ngon thật.
Mãi đến khi cơm nước xong xuôi, cha mẹ cho gọi người ở trong nhà vào hỏi chuyện, mới biết không hiểu hôm nay chàng mang từ đâu về phủ hai mớ mồng tơi héo, rồi sai người đi mua, đi mò cho được bữa canh cua.
Tối hôm đấy, dưới bóng trăng mờ mờ, người của phủ Nhân Đạo Vương lén bảo nhau rằng phủ sắp có chuyện vui, hỏi ra mới biết, Quốc gia ban hôn cho Trung Thành Vương với Công chúa. Chưa dừng ở đó, kẻ trên người dưới còn nói thêm, nghe đâu Trung Thành Vương không hào hứng lắm vì cậu có người trong lòng rồi. Bên nghe lại hỏi tiếp, người đó là ai, bên kể lúng túng, loanh quanh không biết đáp sao, đành chỉ vào nồi canh cua nấu mồng dưới bếp.
Vậy tóm lại, Trung Thành Vương phải lòng thị bán cua hay nàng bán mồng?
—
Chú thích:
1. Giảng Võ trường có từ thời nhà Lý, là nơi để các con cháu trong hoàng tộc, con cháu nhà quan vào rèn luyện võ nghệ, đến năm 1253 thời nhà Trần mới đổi thành Giảng Võ Đường và chuyển vị trí qua chỗ khác. Ngoài ra ở kinh thành còn có một số trường bắn, trường tập ngựa khác như bến Đông ở Hồ Tây...
2. Nhất thủ nhì vĩ, tam hình tứ túc: đây là cách người xưa chọn gà chọi (đầu, đuôi, mình, chân).
3. Quốc gia: Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 18 (1250), vua Trần Thái Tông xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là Quốc gia (國家) (Thông tin được tham khảo từ Đại Việt Sử Kí toàn thư, ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm bài nghiên cứu về cách gọi Quốc gia và Quan gia tại Tạp chí Hán Nôm )
(Đăng lại bản sửa vào 24/04/2024)
Lời cảm ơn:
Chân thành cảm những bình luận góp ý của bạn Độc Tú (doctu_doctu) ngay thời điểm Chi đăng truyện vào 2021, các góp ý của bạn đã giúp mình có thêm kiến thức để chỉnh sửa truyện tốt hơn về xưng hô và cách gọi năm trong truyện. Cảm ơn bạn rất nhiều!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro