Chương 2
Sau sự kiện lần này, quyền thế trong tay họ Trần ngày càng lớn mạnh thêm. Vì lo lắng cho dòng họ nhà Lý và cả thế lực nhà họ Đàm, Thái hậu quyết nạp thêm cho vua vài vị phi tần mặc cho sự khước từ của Hoàng thượng, cốt cũng là để mau chóng có được một vị Hoàng tử nhưng đã một thời gian mà cũng không có ai hoài long thai.
Mưa lớn liên miên mấy ngày liền khiến lòng người càng thêm phiền chán. Trong Long Thụy cung, lư hương xông trầm tỏa ra mùi hương dễ chịu, làn khói bay lơ lửng giữa không trung. Thái giám tổng quản Khang Toàn nâng tấm rèm che cửa lên nhẹ nhàng bước vào trong. Tay ông bưng một khay gỗ, bên trên là chén trà sen kèm theo đĩa bánh ngọt. Khang Toàn đặt chén trà lên mặt bàn sao cho chén trà nằm trong tầm mắt của Hoàng thượng đang phê duyệt tấu chương, sau đó ông ấy lại rón rén lui về sau chờ hầu.
Vua buông bỏ tấu chương trên tay xuống, không hề quay đầu mà thấp giọng hỏi Khang Toàn: “Chuyện liên lạc lại với Đoàn Thượng mà trẫm giao cho ngươi làm đã xong chưa?”
Khang Toàn cung kính cúi đầu đáp lại: “Bẩm bệ hạ, nô tài đã truyền lại lời của ngài cho Đông Hải vương, người giao tin của Đông Hải vương có thứ này dâng cho người.”
Nói rồi Khang Toàn rút ra từ trong ống tay áo một phong thư được niêm yết kỹ càng, ông dâng thứ này lên cho Hoàng thượng. Ngài nhận lấy rồi xé bao thư ra, phong thư được viết bằng nét bút rắn rỏi chắc lực y như tính cách của người viết, nội dung của bức thư cũng chỉ có vỏn vẹn vài dòng:
“Muôn tâu bệ hạ, thần hiểu được sự quan ngại của bệ hạ trước sự sự lộng hành của bè lũ họ Trần, vậy nhưng binh lực của thần giờ đây đang sức cùng lực kiệt. Trần Tam Nương trước là em gái của Trần Tự Khánh, sau gả cho Lôi em họ của thần luôn nhìn chằm chằm theo dõi hòng báo tin về. Tình hình giờ đây đang nguy nan, thần sẽ hết sức bồi dưỡng lại lực lượng cho quân đội ta. Rất mong bệ hạ hiểu cho nỗi lo lắng của thần.”
Hoàng thượng đọc phong thư một cách nghiền ngẫm rồi sau đó đốt ngay đi, ngài quay sang hạ lệnh cho Khang Toàn: “Không cần tiếp tục qua lại với Đoàn Thượng nữa để tránh tai mắt của bọn Trần Tự Khánh, ngươi lui xuống đi.”
Hoàng thượng không ngồi phê tấu chương nữa mà ngồi trầm ngâm suy tư. Thế lực họ Trần đang dần bành trướng thêm, không phải chỉ có người cầm đầu Trần Tự Khánh là kẻ đáng lo ngại mà anh em của ông ta là Trần Thừa và Trần Thủ Độ đều là những người âm trầm, quỷ kế đa đoan. Bọn chúng lấy danh nghĩa bệ hạ bệnh tật triền miên mà dần cướp đi quyền lực trong tay ngài, dồn nhà họ Lý từng bước vào đường cùng.
Sau nhiều cuộc biến loạn nước Đại Việt được chia ra làm làm ba. Bọn phản loạn Nguyễn Nộn đóng quân tại vùng đất phía Bắc là Bắc Giang, phía Đông là vùng Hồng Châu của Đông Hải vương Đoàn Thượng, tuy có tiếng là đã quy phục triều đình nhưng thực tế vẫn đang nắm quyền cai quản độc lập, triều đình không thể chi phối đất Hồng Châu. Còn lại là vùng đất thuộc về triều đình.
Việc chia đều hai mươi tư lộ cho hai vị Công chúa cũng chỉ là kế để hoãn binh nhất thời. Ngoài mặt việc này có thể gia tăng quyền lực cho nhà bên ngoại của hai vị Công chúa là nhà họ Trần nhưng một khi Thuận Thiên và Chiêu Thánh vẫn sống trong cung thì Hoàng thượng vẫn là người quyết định mọi việc.
Hiện tại Hoàng thượng hiểu rõ một điều rằng chẳng thể nào cùng một lúc tóm gọn được họ Trần trong tay, căn cơ của họ Trần hiện nay quá mạnh mẽ, có thể nếu trở mặt ngay bây giờ với họ Trần thì không chỉ nhà Lý sẽ bị diệt vong mà ngay cả con dân Đại Việt sẽ rơi vào cảnh loạn lạc lầm than. Bởi vậy cho nên Hoàng thượng chỉ còn cách là từng chút từng chút giành lại quyền lực trong tay họ Trần rồi sau đó xử gọn trong một lần.
Thời gian thấm thoát như thoi đưa, lại một mùa đông nữa đã đến, quả thật mọi vật đều thay đổi trước sự trôi chảy của thời gian, không chỉ là thiên nhiên và đất trời mà ngay cả lòng người cũng thay đổi. Trần Hoàng hậu ngày càng trở nên đố kị với các thê thiếp của Hoàng thượng, thị lo nghĩ ngày đêm mong giữ mãi được tình yêu của bậc quân vương.
Chiêu Thánh lon ton chạy ra từ cung Nghinh Xuân, đằng sau là một hàng dài cung nữ hớt hải chạy theo. Chiêu Thánh mặc bộ cung trang màu đỏ rực được làm bằng gấm quý giá, mái tóc của Chiêu Thánh được búi thành hai chỏm, bên trên cài kẹp tóc hình hồ điệp có thể vỗ cánh nhìn như bướm thật khiến Công chúa càng tăng thêm vẻ linh động, dễ thương. Gương mặt bầu bĩnh do vận động mạnh mà đỏ ửng lên cho thấy tính cách tinh nghịch của Công chúa, Chiêu Thánh khiến cho nơi cung cấm vốn thanh tịnh nay lại sôi nổi hẳn lên.
“Công chúa, người chạy chậm thôi kẻo ngã.” Diêu Hồng, trưởng sự cung nữ cung Hoàng hậu hớt hải chạy đằng sau gọi với theo.
Công chúa lúc này mới ngoan ngoãn dừng lại đứng yên tại chỗ, cái miệng nhỏ khẽ dẩu lên phụng phịu nói: “Hồng đi chậm quá thôi, ta muốn đi nhanh để đưa đồ cho chị Oánh cơ.”
Diêu Hồng cúi người xuống sau đó bế thốc Công chúa bé nhỏ lên, nhẹ giọng nói: “Trời vừa qua cơn mưa lớn, mặt đất bây giờ trơn trượt lắm, để nô tỳ bồng người lên nha.”
Thấy Công chúa gật đầu thích thú đồng ý Diêu Hồng mới bước đi từng bước thật cẩn thận. Giờ đây Công chúa Chiêu Thánh đã năm tuổi nhưng sức khỏe vẫn còn khá yếu ớt nên cần phải cẩn thận nhiều hơn. Hoàng hậu gần đây không chỉ phải lo cho sức khỏe của Công chúa mà do toán quân phản loạn của kẻ phản nghịch Nguyễn Nộn ngày càng càn quấy, Trần Thái úy phải đích thân cầm quân ra chiến trường đã được nhiều tháng trời khiến trong lòng Hoàng hậu không ngừng âu lo.
Diêu Hồng âm thầm thở dài, đã năm năm kể từ ngày Chiêu Thánh Công chúa chào đời vậy mà Trần Hoàng hậu chưa hề mang long thai thêm lần nào nữa, Công chúa Thuận Thiên thì vẫn luôn được nuôi dưỡng bên người Đàm Thái hậu khiến mẫu tử ngày càng xa cách.
Diêu Hồng bế Công chúa đến Ninh Thọ cung, sau khi đợi thái giám canh cửa truyền báo mới được Thái hậu cho vào.
Bên trong tẩm điện Ninh Thọ cung đều là những món đồ quý giá khó tìm thấy trên thế gian này, mỗi món đồ nơi đây đều đáng giá hàng trăm hàng ngàn lượng vàng.
Chiêu Thánh vừa bước chân vào đã nghe thấy tiếng cười khách khách của nhiều người, chính điện ngồi ở vị trí trung tâm cao nhất là Đàm Thái hậu và Thuận Thiên đứng hầu bên cạnh, các vị trí thấp hơn là một vài phi tần.
Đàm Thái hậu mặc bộ y phục màu tím thẫm quý giá, mái tóc được vấn cao cài trâm phượng ngậm ngọc minh chứng cho thân phận tôn quý của bà, nhưng cho dù bà có đeo rất nhiều đồ trang sức cũng không hề dung tục mà lại vô cùng đoan trang nền nã. Các vị phi tần ngồi ở phía dưới như trăm hoa đua sắc, ai ai cũng có sắc đẹp mỹ miều.
Mặc kệ sự kháng cự của Hoàng thượng, Thái hậu cứ vài ba tháng lại triệu tôn nữ cùng tộc vào cung lập làm phi tần. Và đương nhiên những buổi tụ họp như vầy Thái hậu sẽ không sai người gọi Hoàng hậu tới mà chỉ trò chuyện với phe cánh bên mình mà thôi.
Đàm Thái hậu nhìn thấy Chiêu Thánh đang đứng ngoài cửa thì vẫy tay gọi: “Phật Kim đến rồi hả, mau vào đây đi.”
“Tôn nữ xin thỉnh an Hoàng tổ mẫu, thỉnh an các vị nương nương.”
Cho dù trong lòng Đàm Thái hậu có căm ghét Hoàng hậu như thế nào thì cũng không thể ghét con cháu của mình được, hơn thế nữa bà còn định đưa cả Chiêu Thánh về Ninh Thọ cung để chăm sóc nhưng bị ngăn cản bởi thái độ gay gắt kịch liệt của Hoàng thượng.
Thuận Thiên đang đứng bên cạnh Thái hậu chậm rãi đi xuống. Trong lòng mọi người tự hiểu rằng Chiêu Thánh được đưa đến để thay mặt Hoàng hậu gặp Thuận Thiên Công chúa, vì thế Đàm Thái hậu cũng mắt nhắm mắt mở mà cho hai chị em dắt nhau ra ngoài nói chuyện.
Đứng cạnh bên gốc cây cổ thụ hơn trăm tuổi vẫn còn khá tươi tốt dưới cái giá rét khắc nghiệt của khí trời, Chiêu Thánh nũng nịu níu lấy tay chị mình hỏi: “Chị Oánh, sao lâu rồi chị không tới thăm em và mẫu hậu vậy? Em nhớ chị lắm ý.”
“Dạo này Hoàng tổ mẫu đã tìm thêm nữ sư dạy học cho chị, vốn là chị cũng định sang thăm em thì em lại tới đây trước rồi.” Lý Oánh dùng tay vuốt ve đầu em gái mình nhẹ nhàng đáp.
Thuận Thiên Công chúa Lý Oánh, trưởng nữ của Lý Thắng Vương và Trần Hoàng hậu hiện nay cũng chỉ vừa mới tám tuổi. Mọi người xung quanh nhận thấy rằng Thuận Thiên là người hiền thục, đôn hậu và nhân từ, cho rằng đây đều là công lao dạy dỗ của Đàm Thái hậu vốn có xuất thân hiển hách.
Ngay sau khi được mang về Ninh Thọ cung nuôi dưỡng, Thuận Thiên Công chúa được bồi dưỡng đầy đủ cầm kỳ thi họa, không lúc nào có thời gian rảnh rỗi thôi luyện tập, nhưng đây cũng chính là cái cớ để Thái hậu ngăn cản việc Trần Hoàng hậu và Thuận Thiên gặp do Công chúa quá bận rộn không thể gặp người khác.
Tình cảm mà Lý Oánh dành cho thân sinh ruột thịt của mình là Trần Hoàng hậu cũng cực kỳ khó nói. Từ nhỏ đã phải xa mẫu hậu, Công chúa lại bị nhồi nhét những lời nói xấu xa của Đàm Thái hậu dành cho mẫu hậu của mình. Nào là từ bỏ nữ nhi để giữ lấy vinh hoa phú quý, nào là mẫu hậu đã sinh hạ em gái thì không còn đoái hoài gì tới Lý Oánh nữa. Thật ra, tình cảm mà Lý Oánh dành cho cô em gái Phật Kim này cũng có những mối rối khó gỡ.
Lý Oánh buông lỏng tay, trầm mặc nói: “Sắp tới em cũng sẽ vào học cùng với chị, nếu có gì không hiểu thì cứ nói với chị. Còn nữa, hãy thay chị chăm sóc cho mẫu hậu.”
Chiêu Thánh ngạc nhiên nhìn chị mình, em thật sự không hiểu những tình cảm rắc rối trong lòng Thuận Thiên: “Chị không về chơi với em và mẫu hậu ạ?”
“Không kịp rồi, tới giờ chị phải luyện đàn rồi.” Lý Oánh trầm ngâm lắc đầu, nhẹ giọng nói.
Sau khi sai người đưa Chiêu Thánh về tận nơi, Lý Oánh cũng cất bước quay về Ninh Thọ cung thì bất chợt có người nhảy từ trên cây cao xuống làm cho Lý Oánh giật thót cả mình.
“Em Oánh đang thẫn thờ nghĩ gì đó?” Người nọ mặc trang phục bằng lụa tơ tằm quý giá, tuổi tầm mười lăm, mười sáu. Gương mặt tuy vẫn còn non nớt nhưng vẫn đã nét chững chạc đứng đắn. Y đứng trước mặt Lý Oánh nhe răng ra cười nhăn nhở, một tay dơ lên gãi đầu theo thói quen.
“Anh Hải! Anh về từ lúc nào vậy?” Lý Oánh reo lên đầy mừng rỡ.
Trần Hải, trưởng tử của Trần Tự Khánh, vốn cùng cha đi xuất chinh đánh quân phản loạn đã non nửa năm chưa trở về, đột nhiên hôm nay y lại xuất hiện trong cung khiến Lý Oánh không khỏi kinh ngạc.
Trần Hải cười nói đáp: "Anh vừa về tới kinh thành đã tới Long Thụy cung để bẩm báo tình hình chiến sự với bệ hạ, sau đó tới Nghinh Xuân cung để thỉnh an cô hai."
Trần Hải lấy ra từ trong ống tay áo một cái hộp gỗ được chạm khắc tinh xảo, vẻ mặt tươi cười đầy yêu chiều nói với Lý Oánh: “Trong lúc tuần tra ngoài thành anh thấy món đồ này rất hợp với em."
"Anh có đem quà tặng Phật Kim không thế? Nếu không có quà, con bé sẽ giận anh đấy." Lý Oánh vui vẻ nhận lấy quà nhưng không mở ra ngay mà ôm vào lòng, nghi hoặc hỏi.
Trần Hải gật đầu đáp: "Quà của Phật Kim, anh đã gửi lại chỗ cô hai rồi, đây là quà của em."
Lý Oánh mỉm cười gật đầu, nhưng rồi lại lo lắng hỏi: "Anh định ở lại kinh thành bao lâu?"
"Vốn dĩ lần này anh hồi kinh là để bẩm báo với bệ hạ về tình hình chiến sự, chắc anh chỉ ở lại thêm hai, ba ngày này thôi."
Trần Hải mỉm cười đầy bất lực, trận chiến đương lúc căng thẳng, y không thể vì thú vui nhất thời mà bỏ bê. Trần Hải không phụ lòng mong mỏi của Trần Tự Khánh, y cũng là một tướng quân tài ba, dưới trướng cũng có tới ba ngàn binh sĩ, rất được Hoàng thượng hết lòng khen ngợi.
Lý Oánh còn định nói gì đó nhưng thị nữ bên cạnh đã ngăn lại. Lý Oánh hiểu ý, đành mỉm cười nhìn từ biệt Trần Hải rồi rời đi.
Lý Oánh và Trần Hải được ban hôn do thỉnh cầu của Trần Tự Khánh. Mặc kệ sự phản đối cật lực của Đàm Thái hậu, Hoàng thượng vẫn ban ý chỉ tứ hôn, Thái hậu chỉ còn cách ngăn cản thời gian gặp mặt của hai người họ. Với Trần Hải, y coi Lý Oánh như cô em gái mà yêu chiều, hơn nữa hôn sự giữa anh và Lý Oánh còn gắn liền với mối quan hệ của họ Trần và hoàng tộc, y không thể trốn tránh.
Lý Oánh trở về Ninh Thọ cung thì các vị phi tần cũng đã hồi cung từ lâu, Công chúa về tẩm cung luyện đàn cho tới lúc trời chập tối, cảm thấy cơ thể mệt mỏi nên Lý Oánh không cho truyền ngự thiện nữa mà đi nghỉ luôn, không hề hay biết ở chính điện Ninh Thọ cung đang có cuộc tranh cãi kịch liệt giữa Hoàng thượng và Đàm Thái hậu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro