Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Mối liên hệ giữa pháp luật với đạo đức, liên hệ với thực tế ở Việt Nam

Là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, pháp luật quan hệ mật thiết với các yếu tố khác của kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng. Chính những mối quan hệ này đã góp phần thể hiện bản chất của pháp luật. Một trong những mối quan hệ mà chúng ta luôn luôn phải nói đến là mối quan hệ của pháp luật và đạo đức.

Để nắm rõ hơn mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật, trước tiên, ta cần hiểu được khái niệm đạo đức và pháp luật cũng như những đặc điểm mang tính thống nhất và khác biệt của hai vấn đề  này.

Trước hết, đạo đức là một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội bao gồm những chuẩn mực nguyên tắc xã hội, nhờ đó, con người điều chỉnh hành vi của mình, cũng như đánh giá hành vi của người khác theo quan điểm thiện ác, về cái được làm và cái không nên làm, sao cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của con người, của mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với xã hội. Đạo đức ra đời do nhu cầu của xã hội phải điều tiết mối quan hệ giữa cá cá nhân và hoạt động chung của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Tính đạo đức thể hiện bản chất xã hội của con người là nét cơ bản trong tính người, sự tiến bộ của ý thức đạo đức là cái không thể thiếu trong sự tiến bộ chung của xã hội. Như đã nói ở trên, đạo đức là một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội, nó ra đời khi con người bắt đầu có ý thức về bản thân cũng như về mối quan hệ của chính mình với cộng đồng. Trong hình thức xã hội đầu tiên – xã hội cộng sản nguyên thủy, những chuẩn mực đạo đức và tín điều tôn giáo đã trở thành những quy phạm xã hội, mọi người trong xã hội đều tuân theo một cách tự nguyện do đó do đó là những quy tắc do họ cùng nhau đặt ra. Nhưng khi chế độ cộng sản nguyên thủy sụp đổ, cùng với sự ra đời của một xã hội có giai cấp, xuất hiện tư hữu, nhà nước ra đời kéo theo sự ra đời của pháp luật. Pháp luật là hệ thống các quy phạm có tính bắt buộc, do nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, là công cụ sắc bén để thực hiện quyền lực nhà nước. Ngoài việc bảo đảm trật tự xã hội, vì lợi ích xã hội, luật pháp còn duy trì địa vị và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị.

Đạo đức và pháp luật có sự thống nhất thể hiện ở ba điểm sau đây:

Thứ nhất, pháp luật và đạo đức đều có chung mục tiêu. Chúng là những phương tiện điều chỉnh quan trọng bậc nhất đối với các quan hệ xã hội và hành vi của con người. Pháp luật và đạo đức đảm bảo cho xã hội tồn tại và phát triển một cách ổn định và trật tự qua đó bảo vệ và định hướng những quan hệ xã hội phù hợp với ý chí và lợi ích chung của cộng đồng xã hội và giai cấp thống trị. Pháp luật và đạo đức còn là công cụ hướng hành vi của con người vào những khuôn khổ trật tự nhằm đảm bảo hoạt động bình thường của xã hội.

Đạo đức và pháp luật mang tính quy phạm phổ biến, chúng đều là những khuôn mẫu chuẩn mực trong hành vi của con người. Chúng tác động đến tất cả các cá nhân tổ chức trong xã hội, tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống. Để có phạm vi ảnh hưởng lớn như vậy, pháp luật và đạo đức phải có sự phù hợp với các tiêu chuẩn xã hội ở mức độ nhất định. Như vậy, điểm tương đồng thứ hai của pháp luật và đạo đức là tính phổ biến và xu hướng phù hợp với xã hội.

Thứ ba, pháp luật và đạo đức đều phản ánh sự tồn tại của xã hội trong những giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử. Chúng là kết quả của quá trình nhận thức đời sống của chính mình. Pháp luật và đạo đức đều chịu sự chi phối, đồng thời tác động lại đời sống kinh tế xã hội.

Bên cạnh những điểm giống nhau, pháp luật và đạo đức có những điểm khác nhau cơ bản:

Thứ nhất là về con đường hình thành nhà nước, pháp luật hình thành thông qua hoạt động xây dựng pháp lý của nhà nước. Trong khi đó đạo đức được hình thành một cách tự phát do nhận thứ của cá nhân và cộng đồng.

Điểm khác nhau thứ hai là hình thức thể hiện của pháp luật và đạo đức. Hình thức thể hiện của đạo đức đa dạng hơn so với hình thưc so với hình thức thể hiện của pháp luật, nó được biểu hiện thông qua dạng không thành văn (văn hóa truyền miệng, phong tục, tập quán…)  và dạng thành văn (kinh, sách chính trị, tôn giáo, nghệ thuật,…) còn pháp luật lại biểu hiện rõ ràng dưới dạng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

Về tính xác định của hình thức văn bản thì đạo đức mang tính chung, định hướng còn pháp luật thì cụ thể, rõ ràng. Đạo đức chỉ nhằm định hướng cho con người nên con người cần tự tìm tòi khám phá và qua dư luận mà điều chỉnh hành vi của mình một cách cụ thể.

Đạo đức có nguồn gốc giá trị lâu dài, khi con người ý thức hành vi tự họ sẽ điều chỉnh hành vi đó. Do sự điều chỉnh đó xuất phát từ tự thân chủ thể nên hành vi đạo đức có tính bền vững. Ngược lại, pháp luật là sự cưỡng bức, tác động bên ngoài, dù muốn hay không người đó cũng phải thay đổi hành vi của mình. Sự thay đổi này có thể là không bền vững vì nó có thể lập lại ở nơi này hay nơi khác nếu vắng bóng pháp luật.

Về biện pháp thực hiện, pháp luật đảm bảo bằng nhà nước thông qua các bộ máy cơ quan như cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp, cảnh sát,… còn đạo đức lại được đảm bảo bằng dư luận và lương tâm con người.

Pháp luật và đạo đức có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau.

          Đầu tiên là tác động của đạo đức đến pháp luật, thứ nhất, đạo đức tác động đến việc hình thành các qui định trong hệ thống pháp luật. Bất kỳ một hệ thống pháp luật nào bao giờ cũng ra đời, tồn tại và phát triển trên nền tảng đạo đức nhất định. Đạo đức là môi trường cho sự phát sinh, tồn tại và phát triển của pháp luật, là một trong những chất liệu làm nên các qui định trong hệ thống pháp luật. Những quan điểm, quan niệm, chuẩn mực đạo đức đóng vai trò là tiền đề tư tưởng, chỉ đạo việc xây dựng pháp luật.

         Sự tác động của đạo đức tới việc hình thành các qui định trong pháp luật diễn ra ở nhiều cấp độ. Ở cấp thấp nhất thì các qui phạm pháp luật được xây dựng không trái với đạo đức xã hội. Ở cấp độ cao hơn thì các qui định được ban hành có sự thống nhất, phù hợp với những quan niệm đạo đức. Ở cấp độ này thì đạo đức đã ảnh hưởng tới việc hình thành qui định trong hệ thống pháp luật như thừa nhận một tập tục, tập quán đạo đức thành tập quán pháp hay giải quyết một vấn đề, một vụ việc cụ thể dựa trên quan niệm đạo đức trở thành tiền lệ pháp.

         Trong đạo đức xã hội, đạo đức của giai cấp thống trị có ảnh hưởng đến pháp luật mạnh mẽ nhất vì bộ máy nhà nước được cấu thành trước hết và chủ yếu từ các thành viên trong giai cấp thống trị, hơn nữa giai cấp này còn có tiềm lực kinh tế, các công cụ tuyên truyền,… Những chuẩn mực đạo đức truyền thống cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới pháp luật vì truyền thống làm nên bản sắc dân tộc, truyền thống là cơ sở, động lực của phát triển.

          Thứ hai, đạo đức tác động đến việc thực hiện pháp luật của các chủ thể. Sự tác động này phụ thuộc vào hai yếu tố: sự phù hợp của đạo đức với pháp luật và ý thức đạo đức của mỗi chủ thể cá nhân trong xã hội.

         Sự phù hợp của đạo đức và pháp luật ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc thực hiện pháp luật. Nếu như pháp luật được xây dựng phù hợp với đạo đức thì nó sẽ được công dân chấp hành nghiêm chỉnh. Nhưng nếu như có những điều lệ mà pháp luật đưa ra trái với đạo đức thì nó sẽ khó đi vào cuộc sống của mọi người và từ đó sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện.

Thêm vào đó, chính ý thức đạo đức của mỗi cá nhân cũng ảnh hưởng tới việc thực hiện pháp luật. Đạo đức là môi trường thuận lợi để tiếp thu, cảm nhận và thực hiện pháp luật. Những người có ý thức đạo đức cao thì trong moi trường hợp đều nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật. Trái lại những người có ý thức đạo đức thấp, sống trong môi trường đạo đức thấp thì dễ vi phạm pháp luật.

Kế đến là tác động của pháp luật tới đạo đức, thứ nhất, pháp luật dựa trên một cơ sở đạo đức nhất định và ghi nhận, củng cố, bảo vệ những quan điểm, quan niệm, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức của giai cấp thống trị, những giá trị đạo đức truyền thống.

Bằng cách này, pháp luật góp phần củng cố, giữ gìn, và phát huy các giá trị đạo đức xã hội, bảo đảm cho đạo đức trở thành phổ biến hơn trên toàn xã hội, đồng thời nó góp phần hỗ trỡ, bổ sung cho đạo đức, đảm bảo chúng được thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế thông qua những biện pháp tác động của nhà nước. Như điều 131 luật dân sự đã qui định: “Những giao dịch dân sự trái với pháp luật và đạo đức thì bị coi là vô hiệu. Điều đó có nghĩa là chủ thể khi xác lập giao dịch dân sự phải cân nhắc xem hành vi của mình có hợp pháp và hợp đạo đức hay không”.

Thứ hai, pháp luật giữ vai trò loại bỏ những quan niệm, tư tưởng đạo đức lạc hậu, phản tiến bộ trong đời sống xã hội, đồng thời ngăn chặn sự thoái hóa, xuống cấp của đạo đức, ngăn chặn việc hình thành những quan niệm đạo đức trái với thuần phong mĩ tục của dân tộc và tiến bộ xã hội.

Thông qua những qui định cụ thể, pháp luật không cho phép hoặc cấm những hành vi thực hiện theo những quan niệm, tư tưởng đạo đức xưa cũ, lạc hậu, không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Thêm vào đó, xã hội ngày nay, khi những cánh cửa hội nhập đang mở rộng mang theo những ảnh hưởng của kinh tế, chính trị, văn hóa,… hoặc khi những giá trị đạo đức truyền thống không còn được nhận thức đúng đắn, việc giáo dục đạo đức trong gia đình và nhà trường bị coi nhẹ. Trong những trường hợp ấy, pháp luật là phương tiện, là công cụ hữu hiệu nhất để diệt trừ cái ác, ngăn chặn sự băng hoại đạo đức trong xã hội.

         Ở nước ta hiện nay, vị trí, vai trò cũng như mối quan hệ của pháp luật và đạo đức ngày càng được nhìn nhận đúng đắn, tích cực.

        Pháp luật được xây dựng để trở thành công cụ quan trọng nhất của nhà nước để quản lý các quan hệ xã hội. Tuy vậy đối với đời sống xã hội rộng lớn, phức tạp thì còn cần có những công cụ phương tiện khác nữa, trong số đó đầu tiên phải nhắc đến đạo đức. Chính vì vậy, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta đã khẳng định quan điểm : “Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”.

        Do được xây dựng trên cơ sở các quan điểm đạo đức của nhân dân, pháp luật không những thể hiện được tư tưởng đạo đức cách mạng, đạo đức truyền thống dân tộc, đạo đức tiến bộ mà còn thể hiện được ý chí, nguyện vọng và hướng tới lợi ích của nhân dân lao động( Hiến pháp 1992, điều 2 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” ).

        Đồng thời, pháp luật phản ánh rõ nét tinh thần nhân đạo - tư tưởng đạo đức cơ bản của nhân dân ta. Tính nhân đạo trong hệ thống pháp luật Việt Nam được thể hiện rất rõ trong các qui định về các chính sách xã hội của nhà nước. Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm đặc biệt tới các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, người già, trẻ em không nơi nương tựa, và người tàn tật.

        Đạo đức trong xã hội đã thực sự hỗ trợ, bổ sung, hoàn thiện cho pháp luật, tạo điều kiện cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh trong đời sống. Nhà nước ta thừa nhận tập quán có thể thay thế cho pháp luật trong những trường hợp pháp luật chưa qui định và nội dung tập quán không trái với các qui định pháp luật. Ở chiều ngược lại, pháp luật đã góp phần quan trọng trong việc, gìn giữ và phát huy các quan niệm đạo đức tốt đẹp, hình thành những tư tưởng đạo đức tiến bộ, ngăn chặn sự thoái hóa xuống cấp của đạo đức, loại trừ những tư tưởng đạo đức cũ lạc hậu, phản tiến bộ. Trong chừng mực nhất định, nhà nước pháp luật hóa các quy phạm, nguyên tắc đạo đức thành các quy phạm pháp luật - những qui tắc xử sự tương đối cụ thể cho các chủ thể trong xã hội, xác định rõ hành vi được phép thực hiện, các hành vi buộc phải thực hiện, các hành vi bị ngăn cấm.

          Bên cạnh đó, trong một số trường hợp thì ranh giới điều chỉnh giữa đạo đức và pháp luật chưa rõ ràng hay sự pháp luật hóa các quy tắc các quan niệm, quan điểm đạo đức không cụ thể dẫn đến khó ứng dụng vào thực tế. Chẳng hạn, Bộ luật dân sự qui định, các giao dịch dân sự không được trái với đạo đức xã hội. Trên thực tế, đánh giá một hành vi nào đó là trái hay không trái với đạo đức xã hội không phải là vấn đề đơn giản, cùng một hành vi những có thể có các đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau.

        Trong xã hội nhiều quan niệm, tư tưởng, đạo đức cổ hủ, lạc hậu vẫn còn tồn tại mà chưa bị ngăn chặn đúng mức cần thiết. Thí dụ như tư tưởng gia trưởng, thói cá nhân chủ nghĩa, tư tưởng địa vị, đẳng cấp, trọng nam khinh nữ,… vẫn có ảnh hưởng không nhỏ trong đại bộ phận dân cư.Và hệ thống pháp luật hiện hành còn thiều nhiều qui định cần thiết, đáng có.

         Cuối cùng, đạo đức trong xã hội xuống cấp là nguyên nhân chính làm gia tăng các vi phạm pháp luật cả về số lượng và mức độ ngiêm trọng, ở mọi cấp độ: người dân, cán bộ, công chức nhà nước và cả những vị trí trong bộ máy cấp cao của Đảng và Nhà nước( Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện ĐH lần thứ 9: “Tình trạng tham nhũng (…) ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng” ). Nguyên nhân cơ bản là sự nhận thức không đúng đắn về vai trò của đạo đức, nhất là đạo đức truyền thống.

         Nói tóm lại, giữa pháp luật và đạo đức luôn có mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau, cả hai đều có vai trò trong sự điều chỉnh hành vi con người, hướng tới chân-thiện-mỹ. Đồng thời góp phần vào sự ổn định và đảm bảo cho sự phát triển của xã hội và của cộng đồng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: