những đứa con trai trên giấy và những đứa con gái trong tranh
'Thế nào hả?' Gì cơ?
'Niềng răng ý.'
À, kiểu ăn cơm mà một nửa xuống bụng một nửa còn giắt trên răng.
Taehyung gục người xuống cười rũ rượi. Cái giọng vừa léo nhéo vừa ồ ồ của những đứa con giai đến tuổi nhổ giò cười lên nghe như đem giấy ráp xát vào mặt tường chưa trát vữa.
'Xin lỗi. - Cậu mím môi để khỏi cười nữa trước bộ hàm lấp lánh kim loại của tôi- À em mới nghĩ ra ý thế này. Nhé. Mình cược với nhau thế này. Em sẽ có buổi triển lãm đầu tiên trước khi anh tháo niềng. Còn anh sẽ vào học viện. Nếu anh thắng, em hứa sẽ mua một ngàn ấn bản của tác phẩm đầu tay anh viết.'
Thế nếu tôi thua thì thế nào?
Cậu nói với tôi, rằng đã có cho mình một dự định. Đấy là một tối âm u và vắng lặng đến mức có thể nghe rõ tiếng cọ quét trên nền canvas, và tiếng những mảng màu rên lên tên gọi của chúng 'đỏ, cam, xanh, lục, vàng'.
***
Tôi không gặp lại Taehyung lần nào nữa.
Cậu dường như đã bốc hơi, hoặc lặn xuống lòng đất, ngủ một giấc năm năm tựa giống ve sầu. Giới nghệ thuật gia xôn xao, những tựa báo giật gân đua nhau lên kệ trong khoảng một hai tháng. Gia đình ngài chánh án im lìm và tiếng khóc nức của mẹ cậu khoác lên tòa biệt viện một gam màu ảm đạm thuộc về những mũi đinh găm trên nắp quan tài. Tôi được biết người ta tìm thấy đôi giày của cậu xếp đè lên cuốn phác thảo trên một vách đá tại biển Busan. Và họ đồn rằng, lại một thiên tài nữa đã ra đi trong sau khi đã rã rời với mộng mị cùng thuốc ngủ. Rồi những lời đàm tiếu dấy lên tựa những trận sóng ngầm, cậu đã từng lấy máu mình để vẽ nên Cây hoang đấy à, tôi nghe xôn xao thế. Hẳn là không, nhưng cậu thấy đấy, người đời kháo nhau những chuyện vậy.
***
Tôi nhớ mình đã đứng bật dậy khỏi đám bản thảo và làm cậu trợ lý được phen hoảng hồn khi lao ra ngoài giữa mưa tháng tám, không kịp xỏ cả giày, đánh xe 50 dặm trên giờ theo hướng Gyeongsangdo. Có người nhắn rằng đã gặp cậu ở đấy, nhận vẽ thuê cho những xưởng tranh tường. Cái lạnh hanh hao của mưa dầm chẳng hề khiến lòng tôi dịu lại, một nỗi đau, hay một ngọn lửa đã âm ỉ từ nhiều năm về trước khiến tôi thấy mình không thở nổi. Có lẽ tôi cần phải gặp cậu, có lẽ tôi có đôi điều phải nói, nhưng có lẽ ấy chỉ lóe lên rồi trôi đi như những giọt mưa trên ô chắn gió. Có lẽ tôi muốn gặp cậu, lại một ý nghĩ nữa vụt qua như ánh đèn trắng xanh của chiếc xe đi ngược chiều.
Xưởng tranh hãy còn sáng đèn khi tôi bước vào, cố gắng tỏ ra lịch sự nhất có thể trong bộ dạng chẳng mấy hay ho. Người mở cửa cho tôi là một cậu trai, nhìn khá trẻ, trên khuôn mặt lem luốc thuốc màu vẫn còn dấu vết của tuổi thanh xuân. Cậu nhìn tôi bằng đôi mắt e dè trước khi gọi vọng vào tên một ai đấy, chú Seonduk, tôi gắng ghé mắt qua cánh cửa mở hé để tìm bóng dáng nọ nhưng chẳng thấy gì ngoài những tấm canvas khổ lớn ngang ngổn và những thùng sơn không nắp.
"À, đúng là trước có một người từ Seoul làm chỗ tôi, nhưng cậu ấy rời đi tuần trước rồi."
Tôi thấy tim mình bỗng chốc dịu lại. Nhẹ nhõm chăng? Vì tôi chẳng biết nên đối mặt cùng con người ấy thế nào.
Tôi kết thúc hành trình vào lúc hai giờ sáng, mưa đã tạnh, ánh trăng rọi xuống căn gác mái đầy bụi an lành như một lời xá tội. Tôi nắm trong tay một dãy số xa lạ thuộc về một người đã có thời như hình với bóng. Chẳng hiểu sao tôi lại muốn gọi cậu ngay, lúc đêm hôm khuya khoắt này, bây giờ hoặc chẳng bao giờ nữa. Và lần đầu tiên sau từng ấy năm, tôi đã gặp lại sự can đảm ngày đứng trước gia đình mình, trên người là bộ đồng phục cấp ba, thẳng lưng mà nói "Con muốn trở thành nhà văn."
Tôi cũng đã trở thành nhà văn. Cũng đã cập ngưỡng đầu ba. Cũng đã có dăm mối tình tạm gọi là đáng nhớ. Tôi gọi cho cậu khi kim phút đã nhích qua vạch sáu, không phải trong áo vest quần tây mà là một bộ pajama dầm dề nước, chẳng có bất cứ hoạch định gì, chẳng dám chắc ai bên kia đầu dây, giữa bản nhạc chờ Fur Elise, tôi cứ đinh ninh mình đang gọi cho vầng trăng ngoài kia mà thỉnh cầu cho một lời ban phước.
***
Kể từ dạo ấy, tôi không nhớ mình đã lang thang qua bao miền quốc tổ, gặp gỡ những ai, hỏi han điều gì.
Taehyung, cậu không chết, cậu không tan thành bọt biển như nàng tiên cá hay biến mất tựa cơn mơ giữa ban ngày. Cậu chỉ đang dấn bước trên cuộc hành trình thu nhặt những mảnh ghép cho một tuyệt tác để đời. Cậu sẽ đi và cậu sẽ vẽ, như bức tranh tường cho một quán trà bánh ở Gyeongsangdo mà tôi đã có dịp dừng chân. Như những tờ A4 vẽ bằng than chì khi đứng lớp một trường năng khiếu nọ. Như những hình con thuyền và cá lớn, những người dân chài, những cơn bão biển trên một vách đá không tên.
Tôi lưu giữ tất thảy trong chiếc máy ảnh phim cũ mèm. Rửa một tấm, treo lơ lửng phòng chẳng vì ý đồ thẩm mỹ gì. Đó là bức tranh về đại dương. Cũng những con sóng bạc đầu không ngơi như âm thanh tôi đã nghe đêm đó, qua điện thoại, suốt năm phút đồng hồ mà chẳng ai nói với ai. Tôi không thấy con tim mình nhức nhối, thay vào đấy là niềm thanh thản của một vết khuyết nay đã được trám đầy.
Giữa tiếng sóng và xào xạc rặng dương, những tiếng thở chầm chậm dần trở nên rõ nét.
Taehyung không giống biển.
Cậu tựa một làn gió nóng, sưởi ấm cõi lòng băng giá của nhân gian, xới tung những cảm xúc tôi đã cuống cuồng chôn lấp giữa lòng sa mạc. Cậu chải vào mái tóc giữa chiều đầu hạ. Cậu là giông tố, cậu là âm vang của một miền viễn cổ đã ngủ vùi nơi đáy nước, để lại những vòng sóng đến ngày nay vẫn mãi rì rào.
Nhưng sóng cũng chỉ đến thế thôi.
Biển có bến bờ của nó, biển sâu thẳm và tĩnh lặng, biển có những lục địa bao quanh. Hành tinh xanh trôi nổi giữa vũ trụ như một giọt nước mắt, biển đọng lại trên vành quỹ đạo bất dịch bất di. Chưa ai từng thấy biển bay bao giờ cả, bão và sóng thần lôi đại dương lên đất liền như một gã hung thần đầy hiểm họa, nhưng rồi khi nước rút, biển lại thu mình vào tiểu vũ trụ ngay trong lòng nó. Đại dương cô độc như một giọt nước mắt không rơi bao giờ.
Taehyung không phải biển, bởi tôi đã thấy cậu trai ấy khóc rồi. Taehyung như là một cơn gió. Cậu tự do.
Thế đấy, sao ta cứ phải gắng nhốt một người tự do vào cái khuôn sắt thời đại này rập xuống. Sao cứ phải buộc lên ngọn sóng, buộc lên cành lá rung rinh vì Tây Bắc phong một cái vai tuồng chèo giữa sân khấu đời.
Taehyung có lần bảo 'Chắc em không sống nổi mất anh ạ'. Rồi cậu ngồi lỳ bên giá vẽ hàng giờ, phác ra hàng bao nhiêu cái chết mình có thể tưởng tượng đến. Vẽ những cái cây héo rũ, vẽ con chó ghẻ lở, vẽ thằng bé ốm o bệnh tật. Hắt lên những vết máu đỏ cùng những vết máu lam. Vẽ ông già chết, chàng thanh niên chết, cái chết cầm tay nam phụ lão ấu, tử thần quấn lưỡi hái quanh cổ ông quan nhỏ quan to. Cái chết chờ người ta sà vào tay mình một cách điềm tĩnh.
Cậu còn vẽ cho đại dương một nấm mồ, cũng xám ngắt và đục ngầu như mộ của một người nghèo quanh năm đói rét.
***
Sau này, tôi có gặp một cô gái- người mà sau đấy trở thành vợ tôi. Tôi hơn vợ gần một giáp, tức là khi gặp nhau thì cô gọi tôi bằng thầy. Cô gái từ tỉnh mới lên, son phấn chưa dày, mặc váy lúc nào cũng dài đến gối. Cô gái học khoa Báo chí, chưa đến biển bao giờ.
Vợ tôi bị mù màu. Hẳn phải có lý do gì mà ngang dọc đời tôi đều là những con người mang ít nhiều bí ẩn về xứ lãng du của màu sắc. Và tôi đôi khi cũng nhờ nàng dắt tay men theo con đường rất vãng người qua lại mà ở đó, cánh đồng màu xám còn những khu vườn đỏ ối bồ quân.
Thảng hoặc, dòng ký ức lại xô những hình ảnh ấy nhập vào một khung cảnh đã lâu rồi tôi chưa đụng chạm đến. Thực ra chỉ là ấn tượng về mớ tóc bết sơn khi Taehyung dựa đầu vào tấm tranh nhập nhằng bao nhiêu hình khối. Cậu dẫm những lọ màu nhoe nhoét dưới chân, bẻ cọ gãy làm ba. Cậu nghiến răng, giả dối cả, tất cả màu sắc đều là giả, đều đang giam hãm một chân lý bên trong.
'Anh biết không, giống như em đang đứng ngoài một ô cửa kính. Em thấy ánh đèn trong đó. Em thấy người ta hạnh phúc, chào nhau, mặc lên mình tất cả xa hoa và phù phiếm.
Em nhìn họ sợ hãi, run lẩy bẩy sau cánh cửa, những sang chấn và bệnh lý và thuốc thang và xạ trị.
Em thấy bọn trẻ con chìa cho mình que kẹo gỡ từ cây Giáng Sinh xuống nhưng làm cách nào cũng không với đến được. Mỗi cánh cửa đóng lại là một lần khung cảnh nọ bị rút hẹp đi. Thúc thủ, bất lực, có một ô cửa kính ngăn em lật từng trang của pho đại tiểu thuyết đề tên Caravaggio kế bên Johannes.
Giống như mọi điều đều nằm trong giấc mộng của em. Hay em chính là giấc mơ của họ vậy.'
***
Tôi nhìn xuống, dưới lớp chăn, ngay bên tay trái. Một lớp áo bằng phẳng nằm xô lệch trên một cái bụng bằng phẳng.
Tôi không nghĩ là đã có lúc nào khao khát được làm cha trỗi dậy trong mình. Nếu có, thì đấy là những đứa con trai trên giấy và những đứa con gái trong tranh, trang hoàng bằng toàn những gam màu sặc sỡ. Venetia, Lady Digby.
Nếu có ai hỏi liệu tôi có yêu vợ không, kẻ đó xứng nhận một cú đấm. Tôi yêu em, hơn bất kỳ mối tình nào từng in dấu suốt gần bốn mươi năm sống trên đời. Nhưng đó không phải lý do tôi nên cho em một đứa con. Một mối ràng buộc mà chúng tôi bắt mình phải yêu lấy nó. Một cuộc sống hôn nhân trong ba thập kỷ sắp tới sẽ tràn ngập những mâu thuẫn bị dồn đến đôi ba giải pháp nào đấy, nơi người lớn phải thật thực tế để con trẻ có quyền mộng mơ.
Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ thực tế. Chúng tôi sẽ không bao giờ thoát khỏi cơn mộng mị thế kỷ. Chúng tôi sẽ không ngừng lang thang đến vùng đất của những đôi mắt lạc màu. Tôi sẽ không bao giờ thắng được nỗi ám ảnh quá khứ.
Tôi cảm tưởng như hai kẻ bị đẩy đến rìa thế giới, yêu nhau chỉ để ném những viên đá vào mặt hồ phẳng lặng.
***
Nhưng thực ra mà nói, giông tố đã ập đến con hồ an tĩnh đời tôi từ lâu rồi.
Năm mười một tuổi, cha tôi bị bắt do trốn thuế, nhà bị tịch biên. Tôi đeo cái mo công tử bột theo mẹ về quê ngoại, thành một đứa dở quê dở tỉnh gầy đét, trắng như cớm nắng lâu ngày. Nông thôn cái gì cũng thiếu, tôi lại vướng phải cái chứng nan y của lũ con nhà giàu- khảnh ăn. Lại còn khảnh cả mặc, cả ở, cả không khí trong lành của nhà quê và vắng tiếng xe còi inh ỏi. Mặt tôi gần như nhăn tít lại với tất cả mọi thứ, tôi dỗi tợn, cứ bữa nào rau canh đạm bạc là tôi dỗi, không mua cho cái gì là tôi vùng vằng cả buổi. Tôi ghét cay ghét đắng cuộc sống tươi sáng của những đứa trẻ nông thôn chưa bao giờ được sờ vào cái máy bay nhựa, được kéo một cây đàn, ăn một món Tây.
Nên cho đến già nửa năm sau, khi ông bà nội tỏ ý muốn rước tôi đi, thằng nhãi gật ngay.
Mẹ xin phép cho hai mẹ con ngủ với nhau đêm nữa. Tối đấy mẹ khóc rất lâu, mẹ chải mớ tóc sau gáy tôi chẳng biết bao nhiêu lần, vừa chải mẹ vừa khóc. Mẹ xin lỗi vì không lo được cho tôi, mẹ bảo, đến nhà ông bà nội dăm bữa hãy viết cho mẹ bức thư, quen rồi, vắng tôi, nhà buồn đi hẳn. Mẹ còn nói nhiều nữa, nhưng tôi có nghe được bao, tôi chỉ nghĩ đến ngày mai, ngày mai lại được về với phố thị, nơi có những ánh đèn màu...
Cho đến hôm nay tôi vẫn không tài nào nhớ nổi khuôn mặt mẹ dạo xưa ấy, có lẽ người hốc hác đi nhiều, có lẽ bàn tay người thi thoảng vẫn run run, nhưng có bao giờ tôi để tâm đến những hình ảnh cuối cùng ấy chưa. Giá mà trên đời có hai chữ giá mà, thì tôi đã có thể ở với mẹ lâu thêm ít năm, hay ít ngày thôi cũng được. Hoặc tôi nhớ mà viết cho mẹ bức thư. Thì khéo bệnh người vì thế mà dùng dằng ra thêm chút nữa. Thì ngày đưa mẹ đã phải một ngày trời nắng đẹp hơn chăng?
***
Nhưng đấy là chuyện của mãi sau này, còn để nối tiếp vào cơn mưa bão số phận dắt đến trước mặt mình, thì tôi đến ở đậu họ hàng bên nội. Tôi kể lại đây ngắn gọn, nhiều điều thực đã quên, có điều trí não buộc mình không được nhớ đến.
Người ta gửi tôi theo học tại một trường tư thục. Hai mu bàn tay tôi suốt nửa năm bị vụt cho sưng tấy.
Chẳng ai còn nói gì với tôi cả, chẳng ai cười với tôi. Họ đuổi đâu mất nụ cười của họ, rồi họ cũng đuổi mất nụ cười của đứa bé ấy đi. Nhiều năm về sau tôi mới lại học được cách mỉm cười, nhưng đấy có phải nụ cười ngày xưa tôi đánh lạc mất không, đó là bí ẩn mà chưa bao giờ tôi ngừng băn khoăn nổi.
Tại sao tôi lại ở trong căn nhà ấy?
Hơn mười bảy một chút, tôi nghiện ma tuý nặng.
Bệnh trầm cảm kéo dài đẩy tôi hơn một lần đến bờ vực tự sát. Họ hàng không trả tiền cho lớp dự bị nữa. Mẹ đã mất. Trong trại cai nghiện, tôi cùng nhiều người khác bị nện bằng dùi cui, bị cạo trọc trước khi tống vào những buồng giam lênh láng nước tiểu. Tôi gãy bốn cái xương sườn, vỡ lá lách, dập phổi. Họ chuốc cho tôi từng cốc thuốc liều cao. Băng trắng quanh người.
Năm mười chín, tôi được thả. Sau đó tôi quen với một cậu sơ trung khi đang đứng trên thành cầu chuẩn bị nhảy xuống.
***
Phải chăng đó là lời mời gọi về cánh cửa sạm đen đầy bi kịch trong tôi đã níu giữ lưỡi chổi cọ của cậu trai ấy. Phải chăng thực ra cậu vốn chẳng hề mong tôi sẽ phủ bóng lên cuộc đời mình như một mảnh ghép, một ý niệm hay người bầu bạn như tôi vẫn hằng tưởng.
Taehyung, lẽ nào cậu chỉ yêu Namjoon đứng bên bờ giếng thời gian. Cậu chỉ yêu được có thêm một mảnh đời, một thế giới khác, để rọi vào, để lặn xuống, để trích lấy dâng lên thần Sáng tạo?
Nhưng thế thì đã sao?
Trong những bức tranh của cậu, tôi thấy được một phần bản thân tôi, thấy những gam trầm thuộc về quá khứ, bắt gặp từng góc cạnh như ai rút từ máu xương mình ra đem hoà vào màu vẽ. Có niềm đau, có niềm hận, có những miệng cười nhưng cũng có những đôi mắt phải che đi vì đẫm lệ.
Đôi thoáng, tôi lại cũng thấy cả mẹ tôi ở đó, lặng thầm, vuốt ve mãi mái tóc đứa con...
***
Tôi bị đuổi khỏi nhà chú thím, ngày 12 tháng Chín, Taehyung đứng xéo bên kia đường vẫy tôi lên một chuyến taxi đi ngoại ô. Cậu mua một bao thuốc, nói là mừng sinh nhật tôi. Chả bánh kẹo gì nữa, sinh nhật này tôi chỉ nếm được cái đắng nồng của khói thuốc. Tôi không nhớ vị kem ngọt...
Chúng tôi ngồi dựa vào cái cây bên một xưởng tái chế phế liệu, ánh đèn mù mịt chen giữa những tán cây dày đặc rọi sáng một phần đôi giày ai đó vắt lên cây. Ánh sáng thổi qua những điếu thuốc lá làm bùng lên từng tia lửa con con. Cứ như vậy, chúng tôi im lặng ngồi bên nhau, mắt mở hờ không rõ đang đợi bình minh hay một điều gì khác.
Đến lúc tôi dụi tắt mẩu thuốc cuối cùng xuống cỏ thì Taehyung đã đi rồi. Tôi trở về, bỏ thi vào Học viện. Tôi nhận việc trong một xưởng in sách lậu, ngủ ít đi và viết nhiều thêm. Cuốn sách đầu tiên tôi hoàn thành chỉ dày trăm hai mốt trang, trong đó chẳng hề có bóng dáng của bất kì khoảnh khắc nào trong hai mươi năm tôi đã sống và vẫn muốn viết về. Mặc những cơn bão lòng- tôi nghĩ thế đấy. Một trăm trang viết không buồn chỉnh sửa, không gạch xoá, không một lần đọc lại.
Tôi viết về một cái cây ở nơi đó người ta treo lên đôi giày cũ.
Cùng năm, Taehyung cho ra đời tác phẩm nổi tiếng nhất của mình- "Cây hoang".
***
Khi tôi kể cho vợ nghe câu chuyện về ngọn cây chưa bao giờ tôi gặp lại đêm nọ, em nói đời mình cũng bén rễ một thân thảo mộc. Cái thứ hồ đào già đã quắt cả lại nhưng vẫn đứng trơ trơ, nàng kể, người láng giềng buộc lên đấy cái lốp xe mòn vẹt nơi nàng cùng cậu em họ thi nhau mà nhún nhảy.
"Em với nó học chung một lớp, hôm đấy là ngày kiểm tra cuối kỳ. Đề khoa học rất khó, em chỉ ngồi vặn ngón tay. Mười phút nữa là hết giờ. Bất chợt thằng bé đứng dậy, đọc to đáp án của phần trắc nghiệm. Mỗi câu nó đọc lại hai lần sợ em không nghe rõ. Đến chiều, thằng nhỏ bị phạt đi nhổ cỏ, hình như trời hôm ấy nắng rất to.
"Mãi sau này em mới hiểu, đấy là ngày tới lớp cuối cùng của thằng bé. Nó biết em học không tốt nên mới đến, nó lo em không thi được vì em hứa đạt điểm A sẽ đưa nó đi chơi.
Hai tuần sau thằng bé qua đời, bệnh xuất huyết não, không ai biết, nó giấu cả nhà từ bấy đến nay.
***
Tin nhắn vẻn vẹn hiện trên màn hình: một dãy số.
Hẳn là Taehyung, tôi không rõ do đâu mình lại có suy nghĩ ấy, nhưng linh tính cho tôi một cái gật đầu chắc chắn. Đúng là cậu.
Chỉ những hồi tút..tút kéo dài. Không nhạc chờ.
Chúng tôi chào hỏi nhau lạnh nhạt, đúng hơn là không biết dùng giọng điệu thế nào nói chuyện với đối phương. Có những khoảng lặng, rất lâu, tôi không nghe thấy tiếng sóng đầu dây bên kia như lần trước, đôi lúc lại im lặng đến mức ngỡ như đang gọi với vào khoảng không.
"Em đã đi rất lâu rồi.
"Em đã tìm được hầu hết câu trả lời cho những gì mình tự hỏi và không hỏi. Em làm được nhiều, thất bại cũng nhiều. Gió lốc sắc bén trong mình cứ thế bị mài mòn đi từng chút một. Có nhiều cái, giờ em nhận ra là mình không cần nữa, kể cả cái chết, em dừng vẽ những thứ chết chóc ma quỷ ngày xưa rồi. Em cũng yêu nữa. Thỉnh thoảng em chỉ muốn nằm mơ về mọi điều tốt đẹp trên đời này. Lạ anh nhỉ, là do em biết mơ sớm quá hay muộn quá? Hai mươi tư tuổi đầu, người ta đã làm bố trẻ con. Còn em thì suốt ngày chỉ biết mơ với ước...
"Có một điều em ước anh ạ.
"Anh có muốn nghe điều ước của em không? Lời hứa ngày xưa ấy, với anh có khi chỉ là lời hứa suông của bọn nhóc con thôi, nhưng em đã ước. Bao nhiêu năm ấy, em dùng chỉ để ước thôi, em ước và làm đủ mọi cách để mình nghĩ khác đi, mơ khác đi.
"Vì nếu em kéo anh theo, thì em chẳng còn gì nữa. Chẳng còn cái neo nào giữ cho mình đừng trôi xa quá, mà đã lạc rồi thì còn về thế nào được, thì chỉ có một nơi để đi thôi...
Chốn ấy thế nào, anh có từng tưởng đến chưa?
"Chị ấy vẫn đó cơ mà. Nếu anh đi theo em, thì anh phụ chị cả đời. Một đời con gái.
"Nhưng anh. Đến như thế mà em vẫn ước. Nghĩ đến như thế rồi em vẫn không quên nổi, và em cũng chỉ nhớ có một điều ấy thôi. Em nhớ cái đêm mình ngồi dưới một gốc cây. Em chờ trời sáng, không phải đâu, em chờ anh. Rồi em chạy. Em chạy khỏi đấy vì anh biết không, chắc anh chưa bao giờ biết. Tất cả những gì ngày ấy và đến lúc này em vẫn muốn là được đưa anh đi, cùng nhau, em với anh trốn đi thật xa, bỏ hết, quên hết, mặc kệ sự đời.
"Em sợ anh nghe thấy em khóc, nên em chạy..."
***
Tôi tự hỏi, nếu ngày ấy một trong hai chúng tôi đủ dũng khí nói với nhau một câu, ngồi lâu với nhau thêm một lúc, thì mọi chuyện có phải đã khác?
Tôi trở lại giường, vợ tôi vẫn ngủ say, khuôn mặt nàng dưới nước trăng xanh ánh lên như những viên ngọc trai. Tôi đưa tay đụng chạm phần thắt lưng mảnh dẻ khẽ dâng lên theo mỗi nhịp hô hấp. Mai kia, tại nơi này một sinh linh bé nhỏ sẽ dần lớn lên, mai kia hoặc chẳng bao giờ có. Đứa trẻ chưa từng được sinh ra ấy, nó sẽ đón những bão tố cuộc đời thế nào, muộn hay sớm. Cậu bé hoặc cô bé của tôi có nhìn thế gian này qua ô cửa khiếm sắc như mẹ chúng không. Chúng sẽ đọc những cuốn sách ra sao. Ký ức đứa trẻ ấy liệu có bóng dáng mầm xanh nào.
Tôi không biết.
Nếu bây giờ tôi rời khỏi em, sẽ chẳng có đứa bé nào được sinh ra trên đời.
Tôi lặng lẽ vuốt ve đôi má trắng, tóc mai, mắt nhắm...
Thế giới nghèo nàn ấy khi tôi đi sẽ lại đánh mất thêm một màu sắc.
Tôi ngả người nằm xuống bên em, tôi không ngủ, ngoài kia, trời sắp sáng.
_fin_
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro