eons
Nếu giữa buổi kỷ niệm mười năm ngày cưới, khi ban nhạc vẫn còn chơi Bésame Mucho mà các bạn thấy tôi trồi lên bục sân khấu với ly Scotch đá xoắn chanh và áo vét tông choàng lên vai Jisoo, hẳn các bạn sẽ nghĩ tôi chuẩn bị đọc một bài diễn văn lè nhè mới được biên soạn bất thình lình trong lúc loạng choạng khiêu vũ với nàng ấy. Lời tôi trúc trắc khó nghe và tay chân vung vẩy ra tứ phía, tôi thừa nhận quý vị càng có cơ sở để tin cái bà cô bốn hai này thật đã xỉn hết thuốc chữa. Thật tình, tôi đang viết chính xác những gì mình muốn nói vào trước ngày bữa tiệc diễn ra những cả tháng đây.
Mười năm bên tình đầu trong vai trò là hai người lớn đã thôi mộng mơ, nhưng cái miên thời nội tâm của chúng tôi huyền nhiệm quá thể! Như những sắc đỏ thắm và tía chen lục, vàng, xanh của ánh đèn nhà hát xuyên qua nhau rồi đổ rọi dưới chân diễn viên chính, khi đèn tắt ngấm và sân khấu chỉ còn là khoảng đen tuyền vời vợi, mọi khán giả đều biết rằng trong bóng tối anh ta đang mặc lên đôi cánh sáp ong muốt trắng, sẵn sàng toả rạng ngời ngời ở cảnh tiếp theo. Vậy đấy, mặc dầu tôi không cố ý đặc tả tới cả góc khuất nghề nghiệp, song quãng thời gian thực tôi có với nàng dường như ùa vào cả quãng riêng quang quẻ Lalisa tôi dành đứt cho sân khấu. Thế là hai bà cụ trung niên chúng tôi bàn với nhau sẽ rủ rỉ vài lời về cái khoảng thời vô tận-thần bí-thật sự cuộn chảy trong khối ngực, so với những năm tháng kim giờ kéo bễ ành ạch và lạnh tanh trên chiếc đồng hồ quả lắc.
Tôi không định vắn tắt lắm đâu nên quý vị ai mới nốc xong cả cái quầy-bar-năm-mươi-nhãn-chai-Cựu-lục-địa-và-ba-mươi-Tân-thế-giới thì hãy giơ tay lên nhé.
↭
Có một điều tôi phải kể, rằng khi viết những dòng này, tôi đang cóng quắt queo trên bàn làm việc của mình, nguyên do là ngoài trời 37°F mà vợ tôi thì vặn lò sưởi y như mấy bà cụ mở ti vi chỉ biết bấm nút 'mở' rồi quanh năm suốt tháng coi độc mỗi đài CBS ấy. 64°F trong cái tổ ấm lẽ ra nên toả cảm giác dễ chịu như tên gọi của nó, tôi lạnh ngỡ sắp quy hồn cực lạc mà nàng thì vừa mới lột cái áo nỉ ra khỏi người vì "Nóng quá, lò sưởi bị hỏng à Lisa?" Chuyên gia khuyến nghị các bạn nên mở lò sưởi nếu nhiệt độ trong nhà dưới 64°F, và vợ tôi coi 64°F là giới hạn chịu đựng cho cả gia đình, không lệch một ly! Đừng cho rằng tôi dễ dãi vì cũng đôi lần tôi phàn nàn với nàng về chuyện này, nhưng quý vị phải nghe nàng nói: "Thế bây giờ em muốn mặc thêm áo hay chị cởi bớt đồ?" bằng khẩu âm Nga chính tông lạnh đến rợn xương sống, thì mới hiểu tại sao trên đời có người từ chối vế hai hấp dẫn mật ngọt của vợ họ!
Sẵn đây cái lạnh quê nhà của nàng, tôi muốn kể các bạn nghe về Jisoo và lần đầu chúng tôi gặp nhau, một cách trọn vẹn. Nếu quý vị nghĩ rằng mình đã đủ tỏ tường về nàng bằng cái mớ lai lịch trên internet thì tôi xin thưa là, không đâu, chừng đó tiểu sử chỉ là lớp mai xanh cứng cáp bảo vệ nàng thỏ rùa khỏi viễn cảnh ngày tận thế. Dĩ nhiên, xuất thân nàng là một diễn viên múa ballet, và có thời niên thiếu theo học tại Viện hàn lâm Vaganova danh giá của thế giới, hẳn mọi người đều quá rõ.
Tôi nhớ bàn số sáu đây là những người bạn cũ của Jisoo trong tám năm tuổi trẻ khắc nghiệt, cháy bỏng, nhưng cũng chấp chới trên mũi giày cứng, và tất cả bọn họ đều rỉ rả cho tôi nghe rằng Jisoo suốt quãng đời đó là một cô bé trầm lặng và êm ả như làn nước vắt. Đó dường như là những giọt mồ hôi luôn lấp loáng trên cơ thể nàng, một đứa con Nga vốn từ trong máu nóng và xương tủy đã đẫm rét cái tứ thời giá lạnh. Cũng không chừng, nàng là dòng Neva mùa xuân khởi nguồn từ hồ Ladoga, lững thững trôi qua Leningrad, và tôi đồ rằng trên con đường trở về với chính mình ở vịnh Phần Lan, dòng Topaz lạnh trễ nãi băng trôi đó cũng chảy qua huyết mạch của tôi, vì trong một hôm cùng đối chiếu ký ức, tôi và nàng phát hiện ra nhiều chi tiết trùng khớp như đã có sự tham dự của bậc thánh thần. Cái hôm định mệnh đó là ngày 30 tháng Năm năm 1987, nàng sầu uất bước ra khỏi một bài đánh giá khắt khe mà nàng rơi xuống vị trí top giữa của lớp, dạo bộ bên hông con đường đến Nhà thờ Thánh Isaac. Nương vào chiếc đồng hồ dây da của bố tặng, nàng nhớ rõ khi ấy là 9 giờ 6 phút tối, mặt trời tháng Năm không tắt mà rải nắng xuống mặt sông nom óng ả như sao hôm mọc sớm. Trong lòng trĩu trịt như một cây hạnh đào khô quắt, nàng ném cái huy cài kiêu hãnh của học viện, thứ hàng triệu bé gái trên thế giới khát khao, thẳng xuống sông Neva và chiếc huy như giọt lệ khổng lồ nảy lên ba lần trên mặt nước, trước khi lặn sâu vào lòng thủ đô Leningrad. Đúng lúc đó, ở bên kia nước Pháp, tôi mới mười ba tuổi lên cơn đau tim đúng ba lần co thắt, mỗi lần cách nhau đều chằn chặn như những bước đi của vật lý.
Vậy đấy, mồ hôi và sông Neva cũng đủ để ông bà hình dung được quá trình sinh trưởng của vợ tôi, đại để khá cô tịch và ảm đạm như vô vàn linh hồn của đất người phương Bắc. Năm 1990, nàng tốt nghiệp ở độ tuổi mười tám và hoài bão giấc mơ sống trong những vở ballet hàn lâm và lộng lẫy, nhưng ngọn lửa nàng chớm thắp lên trong bài tốt nghiệp không lâu sau đã lụi tắt, bởi chính cái lạnh bợt bã của xứ sở mình ngụ cư như quê nhà. Một năm sau đó, Liên Xô sụp đổ và trong hỗn loạn chính trị, gia đình kiều dân của nàng đành quay về Hàn Quốc, nơi mà mọi bộ môn nghệ thuật chỉ mới manh nha sáng đèn.
Trở về cái quê hương mà chính mình còn không sõi tiếng, nàng chỉ mót được chút tông giọng của bố mẹ thỉnh thoảng vẫn giao tiếp bằng tiếng Hàn. Nàng khi ấy còn thăng bằng, xoay miết như sinh ra từ một chiếc hộp nhạc cổ. Cơ thể nàng đã được định sẵn cho một ngôn ngữ, ballet lúc bấy giờ chẳng còn là thứ tiếng nói kia nữa. Thời ấy người ta vẫn chuộng những cô hát phòng trà, kĩ kịch hơn thảy, rồi những cánh thiên nga bị ép đến bờ tranh vanh mãi chưa thể bay. Cũng vì thế, nàng được giao cho vai đầu tiên trong một vở kịch, một cô gái bị câm. Sàn gỗ trở thành bước ngoặt khởi sự cho cuộc đời nhiều xê dịch, biến trắc của nàng.
Đắng đót làm sao, chỉ trong vài năm sinh sống tại Hàn, cả bố và mẹ nàng đều lần lượt qua đời. Tôi sẽ không nói quá nhiều về chuyện này, nhưng các bạn có thể hình dung ra một hồn ma bóng quế lúc ấy đã bao phủ trái tim nàng và nụ cười nàng. Bóng ma biến thành cành lá quật cào cửa sổ, thành những bạn diễn có khoé miệng dài tới mang tai ma quái, và trao cho nàng một danh sách những điều cuối cùng cần hoàn thành trước khi tự vẫn vào năm hai mươi bảy tuổi.
Và tôi đã gặp nàng trong ngày cuối nàng nán lại với vòm trời không đêm của mình.
↭
Ngày cuối cùng ở lại thế giới này, Jisoo đã đến Paris. Bài múa tốt nghiệp của nàng khi còn ở Liên Xô cũng tình cờ có tên Ngọn lửa Paris, mà giờ đây cái bấc đã xoắn xun và sắp sửa bị nàng rút ra vĩnh viễn.
Thiếu nữ ấy không ghé Eiffel hay sông Seine như nhiều người tưởng. Cái sự buồn-be-bét của một người sắp chết chẳng nên lừng lững xuất hiện ở tháp đồng tình yêu. Nàng ta sẽ ngắm đỉnh tháp từ trên cao sau (nếu thiên đường chào đón kẻ tội đồ, nàng nói thế). Và sông Seine thiêng liêng cũng không cho phép người ta bơi hay hớp nước đầy phổi để rồi trôi lềnh phềnh cạnh đàn thiên nga.
Trong danh sách những điều mà gái chán đời-vợ yêu cần làm trước khi tàn lụi, tham gia triễn lãm Đêm Đầy Sao ở bảo tàng Atelier des Lumières là việc cuối cùng, nên nàng đáp đất Paris cốt là để đánh dấu tích và trở mình lăn gần hơn tới cái hố chết. Nàng đã đứng ngắm cái hố từ rất lâu, nhìn vào trong ruột của thứ hấp hối đó, và để cơ thể tự ghi nhớ bản đồ về với thần thiêng. Bản đồ dẫn kẻ lầm lũi ngẩng đầu lên sửa soạn thật đẹp để tự ôm lấy thân mình thối rữa đứng đợi ở cuối đường.
Tôi nhớ hôm ấy nàng thực sự làm vậy, trưng diện rất trang nhã, một chiếc đầm suông đen với cổ áo sơ mi trắng mà tôi thề là phải tới tận mấy năm sau Anne Hathaway mới mặc nó trong The Devil Wears Prada. Nhưng nàng không đứng đợi nàng mà thay vào đó là tôi, ở phía bên kia của gian phòng triễn lãm. Bức tranh Đêm đầy sao trên sông Rhone đang loang khắp trần và sàn nhà những lam xanh vàng u huyền, và khách tham quan chỉ độc những bóng đen nối dài không hồi tận. Bảo tàng phát sang bản Für Elise và ngay giây phút nó ngân lên, tôi và nàng đều đồng loạt bị một chòm sao của Vincent cuốn lôi ánh nhìn về phía người còn lại. Tôi tiến đến và mời nàng một điệu nhảy đong đưa bằng những dấu móc nặng Pháp; nàng đáp, với thứ Anh ngữ ngọt ngào, rằng nàng không biết nói một từ tiếng Pháp chết tiệt nào ngoại trừ bonjour và combien ç'est. Sau cùng thì nàng cũng đồng ý, khi tôi bảo hãy coi như tôi đang mời nàng dự buổi prom cuối cấp và nàng đích thị là cô nàng nổi tiếng nhất trường tôi. Vậy là bọn tôi lắc lư theo một điệu Valse ngẫu nhiên nào đó, với nhịp điệu của Beethoven chưa từng ngơi nghỉ, ngợi ngợp trong cái dịu dàng của tay đang nắm, đang chạm. Tôi được biết nàng là người Nga, gốc Hàn, hiện sống ở Mỹ, đang du ngoạn Pháp, ngưỡng mộ hoạ sĩ người Hà Lan; các bạn tưởng tượng nổi không. Điều còn lại tôi muốn biết chính là gương mặt nàng, còn mải chìm trong bóng tối bập bùng, nhấp nhem; liệu có dịu dàng như giọng nói của nàng, như đôi mắt dát một phương chói lọi của nàng hay không. Rồi Cánh đồng lúa mì quạ bay chiếu sáng và cho đến tận bây giờ, từng đường nét khuôn mặt nàng vẫn còn cô đặc rõ ràng trong tâm khảm tôi như một bức lang hoạ thất lạc của Van Gogh. Đôi mắt nâu sáng lấp láy ngả vàng đẹp như đôi sao Thổ khiến tôi chỉ muốn quẳng hết cái mớ CFA của nợ đang nhồi sọ mà về làm một tay thợ viết cho riêng nàng. Các bạn đừng cười vì sau khi nghe nàng nói nàng là đào thương, tôi tham vọng làm bá chủ Broadway, cỡ như Harold Prince, còn tôi sẽ là Lisa Princess, kiểu vậy.
Tôi dìu dặt nàng về nhà mình, Lisa nửa Mỹ-nửa còn lại Nhà thờ Đức Bà và Paris, càng đi càng liêu xiêu và ngắc ngoải như bị dẫn vào một mê lộ ái tình. Jisoo yêu cầu tôi ôm nàng, và chúng tôi VÔ HẠI (em xin lỗi vì lên giọng nhưng quá nhiều người nghi ngờ chi tiết này của tụi mình) nằm trên giường bơm phồng buồng phổi người còn lại bằng hơi ấm da thịt và luồng thở âm ẩm một cơn mưa vánh. Nàng ngoan lành nằm trong vòng tay tôi đến sáng, chỉ để bỏ tôi lại với tờ ghi chú 'phải rất lâu rồi tôi mới được ôm ai đó mà không phải mình' và cuốn khỏi đời tôi, như làn sương giăng ngang mắt tôi lúc ấy.
Như Anne Sexton, tôi buộc tự hỏi mình, "Em phải làm gì với ký ức này đây?" Bóng chiều nàng đổ cứ hành hạ tôi miết. Mà cuộc đời thì láu táu lạ kỳ. Bẵng đi nửa năm, một hôm quang trời, thì nàng, dưới ánh sáng ban ngày nhợt nhạt hơn những thùng sơn của Van Gogh, bước vào căn hộ tôi mới chuyển đến ở New York, với tư cách là hàng xóm nhà đối diện – bạn cùng phòng với chị họ Jennie của tôi. Hai chúng tôi đứng nhìn nhau như bồ tượng.
↭
Mặc nhiên, bọn tôi vờ vịt là mới quen nhau, vì cái đêm đó quá ngắn để có thể định danh là 'quen biết', 'xã giao', 'bạn prom' hay đại loại tương tự. Tôi và nàng làm quen lại từ đầu, làm bạn với tần suất tôi sang nhà nàng ăn sáng, nàng sang nhà tôi mượn máy ép trái cây, thỉnh thoảng là chút sô-cô-la từ tảng 1 ký lô Lalisa dự trữ cho mùa đông tuyết lạnh. Tới giờ tôi vẫn hay bị nàng mắng vì tọng quá nhiều đồ ngọt đấy.
Có lẽ quý vị trông chờ mối thâm tình này sẽ tiến triển thành một tình yêu theo lối mòn mưa dầm thấm lâu, hoặc đột ngột ngoặt một góc cua chín mươi độ vuông vức sang bạn tình và bạn đời như cặp Geller-Bing nọ chiếu trên đài NBC năm nào. Thật tình câu chuyện của chúng tôi là nửa vời của cả hai cái trên, như thời khắc hoàng hôn và bình minh hoà lẫn trong những đêm xuân trắng nơi phương Nga xa xôi. Ngày hạnh ngộ nàng, tôi đoán rồi sẽ có những khoảnh khắc, những thời gian tĩnh cấu tứ nên một nụ hôn hay một đêm nồng nàn nào đó. Có thể kể đến như lúc tôi cự cãi với con sóc chuột cùng phòng thì tôi sẽ ở lại căn hộ nàng, nàng sẽ hâm sữa nóng cho tôi và hai đứa tỉ tê tới sáng về hàng tá chuyện trên đời. Hoặc đêm nọ tôi ngủ quên trên sofa phòng khách nhà Jisoo, và nàng hôn khẽ khàng lên trán tôi, thập thò nhưng vẫn để lại dấu vết, tới sáng dậy tôi nghe phảng phất hương hoa trà ai hay châm (Rosie – thành viên thứ tư của hội ba con sóc chuột màn ảnh Alvin, Simon, và Theodore – mách lại cho em đấy chị, em thật sự ngủ say như Aurora). Nhưng khi nàng cùng tôi xem series truyền hình ruột, Friends, và bảo với tôi,
"Họ thật may mắn khi nhận ra người mình tìm kiếm cả đời đã..."
rồi nàng ngưng như dẫn nhập tôi vào hồi hai của vở kịch đời này, tôi ướm:
"Ở ngay đối diện nhà mình... và ta biết rồi ta sẽ được ôm ai đó mà không phải mình... nhỉ, Vonnie [1]?"
và nàng hôn tôi bất thình lình, tôi mới vỡ oà: dường như mình đã yêu nàng cả đời không hay biết.
'Cả đời' ở đây không hề tính bằng năm như các vị đang nghĩ. Ý niệm thời gian mà chúng ta quen thuộc là thứ định lượng được qua từng cái nhích kim của đồng hồ cơ học. Thời gian mà giáo viên và học sinh đo đạc được là một học kỳ chín tháng, rồi những kỳ nghỉ đông nghỉ xuân vài chục tuần; đối với công chức cọ giấy là bốn quý kinh doanh lời-lỗ của công ty trên bảng cân đối kế toán; hoặc đơn giản là một cuộc đời từ lúc đỏ hỏn mới lọt lòng mẹ, tới cái ngày lịm dần trên giường bệnh với con cháu vây quanh, nếu anh may mắn. Thời gian của một người sẽ hết khi người ấy không còn tồn tại trên cõi đời này nữa, nhiều người nói vậy. Nhưng tôi tin thời gian của tôi chỉ mới bắt đầu năm tôi hai mươi lăm tuổi, ở lần đầu Jisoo lẩy bẩy và trơ khấc như một thứ cây côi, nhưng hoa hạnh nhân Vincent để lại trổ nụ trắng ngà trên khuôn mặt và bên tay đang nắm đang tì vào người, tiến vào đời tôi với chừng ấy ủ rũ. Một thứ thời gian của Bergson đã tuôn ra khi tôi khập khiễng được một phần tư cuộc đời. Ở đó là dòng chảy liên tục cuộn sôi trong nội tâm của mỗi người, nơi ta nhớ tên mọi giành hoa nghiêng mũ cúi chào, tim nổi lên những tiếng đập giục dã và bàn tay sẵn sàng nắm lấy mọi bàn tay.
↭
Đôi khi tôi tự hỏi quãng thời gian tiền-hai-lăm-tuổi có thực là tôi hay không, vì mỗi khi nghĩ lại, tôi thấy nó xa tít tắp mịt mù, như thể đó là một kiếp người khác. Đầu mối tôi có thể dẫn ra cho các bạn xem chỉ bao gồm chừng này thứ:
Tôi sinh trưởng trong một gia đình kiểu mẫu, có một đứa em trai, bố mẹ tôi ly thân từ trước khi tôi mười tuổi nhưng nhìn chung tôi không gặp vấn đề gì kinh khủng, cho đến ngày ông ngoại tôi mất. Mẹ tôi dần loạn trí và thờ phụng một thằng môn đồ nào đó của một tà giáo, trong nhà tôi bắt đầu có nhiều điều quái dị xuất hiện (chị thấy đấy, không phải tự dưng em sợ ma phát khiếp), bố tôi phát điên lên đòi ly hôn và giành quyền nuôi cả hai đứa, lúc ấy tôi đã tuổi dậy thì – độ tuổi không mấy dễ chịu nhưng dễ học đòi thuốc lá. Tôi chật vật lết qua trung học ở một trường nữ sinh nội trú, nơi tôi làng nhàng học và tạm sống sót với khiếu lạc quan tếu, rồi đến ngày mà tôi buộc phải trả lời câu hỏi của cô giáo tiểu học năm nọ: ước mơ của tôi là gì? Thật lòng, thưa cô, em cũng đếch biết nữa. Từ rất lâu tôi chẳng còn quan tâm tới một điều gì trên đời, tôi không nhớ ra nổi sở thích của mình trước kia, trước khi cái tai hoạ này ập đến, là vẽ hay viết hay nấu ăn hay làm hề? Chuyện đó ngốn của tôi nhiều ngày liền, cho đến lúc tôi nhận ra mỗi khi ngồi giải toán thì đầu óc bằng an đến lạ. Những đứa cùng lớp thuộc ban xã hội sẽ cho rằng đây là một cơn ác mộng, chính tôi cả triệu năm về trước cũng thế, nhưng tôi còn chẳng có nổi một hoài bão nào để phân vân nữa kìa? Vậy chúng ta có phần tiền truyện của đạo diễn-biên kịch Lalisa, một thoáng đời từng là chuyên viên tài chính.
Tôi nghĩ mình đã được định cho một cuộc sống nhàng nhàng bình bình, sống tàm tạm với một bầy chó mèo rồi nhào người xuống địa ngục là hết. Tôi chả nghĩ nhiều đến ai và sống như một kẻ vô tâm vô phế, dẫu là đối với bản thân tôi. Ai lại khựng người nghĩ nổ cả óc khi có đồng nghiệp hỏi món ăn yêu thích của tôi là món nào, hay tôi có để ý thấy bà cô cấp trên ở bộ phận kinh doanh tuần nào cũng mặc đúng mỗi ba bộ đồ không. Ý tôi là, Tóc Bết Keo, tôi thậm chí còn không nhớ nổi tên anh nữa. Tôi sống mà chỉ chực cho người ta đá lăn long lóc như hòn than hòn cuội.
Hôm ở triễn lãm đó, nếu những mảng sáng đỏ lói ráng cam từ Vườn nho đỏ ở Arles không vần vũ khắp da mặt nàng, và nguyên cảnh đó không tình cờ nhang nhác Quý bà Macbeth trong màu máu sẫm của vua Duncan được ánh đèn bôi trét khắp sân khấu vở Shakespeare tôi xem thuở thơ ấu, tôi mãi mãi không nhớ ra nổi mình từng ngốn ngấu những nhạc và kịch để mà sống.
Tôi ngày mới bảy, tám tuổi ấy mà, dăm ba bữa lại được đến nhà hát với bố mẹ và thằng Jacques, xem người ta khóc cười trên thánh đường của nghề gánh. Thánh đường không có nổi một làn mây nhưng tôi tin họ quả thực là những vị thần bất tử. Tôi đã say đắm một cô diễn viên lúc bấy giờ cũng ở ngưỡng tuổi tôi hôm nay, cô đẹp mơ ảo như một nhân ngư sống xa, rất xa bờ. Có ngày cô là Fantine khốn khổ, có hôm cô là Carmen trâng tráo nhưng quyến rũ vô cùng. Lần cuối tôi xem cô diễn, cô thủ vai vợ của Lãnh chúa Macbeth, và hình ảnh cô đứng trong khán phòng ngập ngụa sắc đỏ ngỡ đâu đã vĩnh viễn bị trò đời xoá nhòa, như mây trắng xoá vết chim di. Đón đỡ Jisoo vào một điệu mộng, và miền xa xưa về sân khấu lung linh thuở nào bỗng dập dờn xõa cánh trên đường nét nàng, trong tôi như đống tro tàn ngoi ngóp cháy lại một ngọn lửa. Tôi dìu nàng về trên con đường đế gót mòn mà tưởng như đang học lại cách bò, cách đứng, cách đi. Nàng nằm cạnh, tay vuốt má vuốt tóc tôi, lòng tôi quặn lại một mối hiện sinh phi lý. Hoá ra mình cũng cần một ánh nhìn dịu dàng như thu. Hoá ra mình cũng thiết một hơi ấm để rúc đầu vào. Rồi mắt sao chốc đã nhoè, tôi khóc liên tu bất tận. Khi vừa sống lại, các bạn thân mến, tôi cũng muốn được yêu...
↭
Mạch sống của tôi sau đêm ấy tách đôi như câu thơ vắt dòng. Tôi bập bõm lại với mọi thứ chẳng khác nào đứa bé vừa lọt lòng mẹ.
Ngấp nghé đầu ba, người ta đã làm bố làm mẹ trẻ con, tôi mới bắt đầu mơ với tưởng. Tôi mơ một sân khấu loã lồ như chiếc áo gấm trần, rồi những dây thường xuân phông nền tôi tự vẽ tự dựng. Mơ phép lạ ẩn núp sau lòng khát sống mãnh liệt của chàng Rohan nọ, hay những dải tơ trời đêm giông cuộn lấy và chàng mất hút vào chân mây. Tôi không còn ngồi dưới hàng ghế khán giả với tư cách một vị khách bộ hành lai vãng, ghé qua ngắm nghía vở kịch và giữ lại nó như một phân mảnh riêng mình. Những tầng lá thấp trong tôi đã thuộc về những người có thể ví như những nốt nhạc du dương hơn của chính họ trên sân khấu, và Jisoo sẽ chẳng còn là chị hàng xóm với đôi ngài uể oải chỉ ưa trốn tít vào căn hộ hẻo người. Nàng là bông hồng quần quay lặng im mà váng động trong một vở thể nghiệm, là người đàn bà cuộn trong cái kén thịt da không rơi bao giờ. Nàng đội một bộ tóc y đúc sáu người chị em, hay tất thảy đều là những người phụ nữ bước ra từ giấc mơ thời đại...? Tôi đã mơ những điều như thế, nhưng hầu hết là mơ nàng.
Có những đêm kịch tàn, băng qua hàng ghế trống huơ và thành phố vãn người, tôi đi đường tắt vào ngạch cửa căn hộ giữa lòng New York vàng son mà thấy mình như kẻ cùng đinh chỉ vì thiếu thốn một nụ hôn dằn ngửa mình. Tôi cũng đã yêu. Rồi những tình ái mình viết về trong kĩ kịch rốt cuộc sẽ chỉ là mớ giấy lộn, nếu tôi không lấy chút ít từ nàng một làn da như sữa sôi dịu ngọt. Giả như có ai bảo tôi nói tiếng Nga, thì đố tôi thốt nổi một chữ mà chưa nghe qua nàng đánh vần. Hay chỉ là nhớ lại một sáng nàng hỏi con mèo lạc ở hành lang căn hộ, "Uống cà phê không?" bằng tiếng mèo ngao ("Ngáo ngào ngao ngao?") cũng đủ vật tôi nằm lăn ra sàn cười sõng soài cả ngày.
Mộng và thực.
Ái tình bùi ngùi không khiến ông bà rú lên cười vào tinh mơ 2 giờ sáng như bị ấm đầu giống tôi. Cũng không phải nàng xoay vần trong tôi đến nỗi đầu óc tôi chỉ biết để trên mây mà không còn chú tâm vào mọi sự. Trái lại, sau rốt thì tôi đã trút bỏ được áo mà trầm mình vào dòng sông nơi tôi chảy lượn sau một quãng sống qua ngày đoạn tháng, mất dấu mình và cuộc đời. Những xao động và âm sắc của trăm ngàn lẽ đẹp mà trước kia tôi chưa từng tha thiết, giờ đây nàng là người duy nhất tôi có thể chia sẻ cùng.
Về một mẩu báo sáng, về khoảnh khắc một cánh hoa rơi đậu trên đỉnh đầu và tôi ngước lên thấy anh đào ken nắng điểm rợp khoảng trời. Tôi bước tiếp về phía ánh sáng, về ngày mai... Ngày mai sẽ tới, nhưng tôi không nghĩ ngợi, tôi chỉ biết rằng mùa xuân đang về, vừa mới chạm vào tôi đây thôi.
Rồi như một lẽ tự nhiên, tôi sẽ kể nàng nghe vào tối hôm gần gũi. Chỗ này sao, nàng sẽ hỏi và đưa tay xoa đầu tôi, gọi dậy mùa xuân, niềm tin yêu sống lại. Nơi giao cảm ấy sẽ được gieo giắt trở vào dòng chảy trường cửu một nỗi tha thướt, yên đằm.
↭
Tái bút từ tám năm sau: tôi viết cái này vào 2016 với sự hồi tưởng quê hương năm 1999, xưa xửa xừa xưa trước ngày Thế vận hội Olympic 2024.
---
[1] Vonnie là tên thân mật rút ngắn từ tên Veronica – tên tiếng Anh ngoài đời của Jisoo.
---
The last time sitting at the restaurant I swear...
Chuyện là chiếc fic này bảnh viết từ gần một năm trước, cái khúc Ỉboo move on hết trơn thì bảnh mới bắt đầu lụy hai gái thẳng. Lẽ ra fic còn một chap giống vậy ở POV cô Choo và hai chap thư tay nữa mà bảnh viết hết nổi... (Nào viết nổi bảnh up sau nha) Bởi vậy bảnh định diếm luôn, mà nay bảnh đọc lại thấy tiếc, thấy đau lòng chị hai trào nước mắt, vậy mà lâu nay bảnh tưởng mình ổn... Fic này bảnh viết lúc đang stress và khá là cá nhân nên các bạn cũng thấy là nó tràng giang đại hải mà nó lan man mà nó lòng vòng mà nó lẩn quẩn... Thôi thì bảnh xin public để làm kỷ niệm (ai đọc hổng hiểu gì thì bảnh xin lỗi...), cũng như tri ân Lisoo đã giúp bảnh có những tháng ngày bay chữ không thể tả. Cảm ơn các vịu ơ đã kiên nhẫn đọc đến đây nha!!
#Anhcungkhongbietanhdangnghigi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro