01.
Rạng sáng, nắng chưa lên, hơi nước mùa thu gom góp thành từng cụm trắng trời phả xuống mặt đường một màu đục ngầu không rõ sương sớm hay thuốc súng. Cụm từng cụm lảng vảng mờ mịt, hòa tan rồi biến mất giữa những bước chân dồn dập của dòng người đổ về phố. Gà gáy canh năm, bà con xôn xao đầu xóm, dáo dác truyền miệng nhau trận đánh từ tối qua, súng nổ rát tai từng đợt không ngớt.
Thằng Khôi đêm qua phải chui vào người ông nó ngủ. Ông gầy nhom, xơ xác, từng ngón tay đen đúa, chai sạn vỗ vỗ lưng cho nó dễ ngủ. Tiếng nổ vang vọng cuối trời dội xuống từng tất ruột gan. Ông nhìn thằng bé trong lòng, nó ngủ quên trăng sao đất trời, quên cái màu lửa đạn.
Mới tờ mờ, thằng Khôi mở mắt, nó ngồi dậy nhìn quanh làm ván giường kêu cót két.
- Ôn ơi, chuyện chi rứa ôn?
Ông nó đứng cạnh bậc cửa, trông ra đám người nhốn nháo đằng xa.
- Bộ đội về con ơi.
- Về kiểu chi mà ồn ào rứa ôn?
Thằng bé chạy tót tới cạnh ông, chân trần, áo cộc, quần đùi toàn những mảnh vá từ cái váy cũ của mẹ nó mà đối với nó chẳng khác gì là báu vật. Nó đưa mắt ra đường, nhoài người khỏi bậc cửa.
- Mi nhát rứa thì ở nhà đi con.
Nó độ mười hai, vóc dáng cũng dạng lớn tướng so với bọn con nít trong xóm nhưng nó sợ côn trùng, sợ tối, sợ độ cao, cái chi cũng sợ nên ai cũng bảo nó nhát. Nó trố mắt nhìn ông, giọng nó thốt lên, non nớt như cái tuổi đời của nó.
- Bộ đội người mình thì sợ cái chi ôn!
Ông nhìn lại nó, đưa tay xoa đầu, nếp nhăn từng vệt nông sâu trên từng thớ da thịt không che nổi vẻ u ám đọng ở khóe mắt. Ông nuôi nó từ khi mạ nó trốn làm du kích lên chiến khu với ba nó, đoạn nó còn chưa biết đi. Nó nhớ mẹ nó lắm nhưng nó còn chẳng biết mẹ mình mặt mũi tướng tá thế nào, nó biết mẹ nó qua lời ông kể và những mảnh vá dưới đáy quần. Hồi đó nó bé lắm, giờ nó vẫn còn bé nhưng nó nghĩ được lớn.
- Đi, ra đó đừng sợ nha con.
Thế là, thằng Khôi mắt nhắm mắt mở được ông nó dắt tay ra. Đầu xóm phía bên chân cầu có cây sầu đông, độ tháng mười thay lá hoa nở, nhưng nó cũng đen đúa, gầy gò không khác gì người trồng nó lên, người ta đói bẻ trụi cả lá còn cành củi khô quăn vẫn cố vươn ra.
Họ thấy bộ đội về, mấy chú đánh xuyên một tối, đám đông bu kín đất nhao nhao đồn nhau tình báo tin chiến thắng. Bà con tụ tập nghẹt cả đầu đường, nôn nao háo hức đợi ngày làm ăn, đợi ngày con về.
Dưới gốc sầu, ba bốn thanh niên ngồi quanh quầy chè cụ Lạc, vừa ăn vừa tấm tắc sao chè ở đây ngọt quá, ngọt hơn cả mạch nha dăm năm ba bữa mới được ăn một lần trên chiến khu. Chè đậu của cụ ngon nức tiếng cả thôn Vỹ, đậu ngâm suốt một đêm hạt to ngấm đường phèn ngòn ngọt, cắn trúng đậu phộng nấu nhừ còn bùi bùi, có chú vừa ăn vừa tấm tắc tiện tay đút luôn cho anh bạn ngồi cùng.
Chú ngồi cùng bó cụt hai tay, nhìn trên nhìn dưới còn lộ hẳn vùng thịt đỏ hỏn, ấy thế mà ngồi nhai nuốt vẫn ngon lành. Chị mẹ xung quanh cứ xuýt xoa hỏi mãi chú bị răng rứa, thằng Tây nã bom chú à, tối qua đánh răng rồi chú, một câu lại một câu mà ồn ào khuấy động một vùng sông nước.
Đoạn thằng Khôi tới, anh lính dựa lưng vào cây sầu đông kể chuyện tối qua đánh thành, kê đạn không may bị gãy, chú phải lấy hai tay đỡ đầu súng đạn nạp vào, ống đạn nóng bỏng hai tay. Chú kể rồi huơ huơ tay, đập thẳng vào mắt nó mảng thịt chín đỏ rát dưới lớp bọc khâu từ 2-3 miếng vải. Nó bất giác quên mất việc đang nắm tay ông nó mà từng ngón tay thi nhau siết chặt. Ông nó cúi xuống nhìn, mặt nó xanh mét, ông nghĩ nó sợ một hai bảo nó về mà nó lắc đầu nguầy nguậy. Ông không đuổi nó về được thế là đứng đằng ngoài nghe chuyện, tay nắm trọn tay nó. Anh lính thấy cụ lớn tuổi, đang kể dở thì quay ra chào ông rồi lại tiếp chuyện:
- Đêm qua, rứa mà đánh hăng lắm bà con ạ, bọn tui còn suýt cắm được cờ lên đuổi đít mấy thằng Tây về.
Bà con rôm rả như mở hội, mắt cụ Lạc sáng rực, vỗ đùi đen đét liền tay múc cho chú thêm vài chén chè. Ông thằng Khôi thở phào, mừng lắm, đung đưa tay nói nhỏ nó sắp được đón ba mạ về.
Mà Thằng Khôi cứ va vào cánh tay anh lính đung đưa mà nghe chữ được chữ mất. Nó không sợ máu, bọn con nít tụi nó cứ hở mắt không tróc da cũng xước xát, nó nhìn nhiều riết quen nhưng mảng da nát tươm hiện rõ ràng trong tầm mắt từ chiều cao của đứa trẻ chưa lớn, cái màu đỏ hỏn làm nó đau rát nhìn như bãi trận địa chỉ muốn trốn chui lủi khỏi từng tiếng bom nện xuống nền. Nó cố gắng rót vào tai từng chữ mà mồ hôi lạnh cứ túa ra đọng bên má.
Chợt nó lơ mơ nhớ đến cái lần ngã từ trên đọt cây thị. Nó đói quá làm liều, cây thị cao hơn một mái nhà đợi nó leo một mạch thẳng đến đọt thì chân tay đã rướm máu, nó dùng một tay làm trụ, ngồi trên cái cành khô to nhất, tay còn lại vươn ra xa hái trái thị mọng nước, vàng ươm mà trong mắt nó chẳng khác gì miếng vàng là bao.
Nó nghiến răng nghiến lợi cắn chặt hàm, vươn tay dài hết cỡ nghe được cả tiếng giãn từng khớp, bất chợt lệch người trượt khỏi cành, ngã ngay xuống đống cát cạnh đó. Đoạn nó tỉnh lại trong tiếng gọi thều thào nơm nớp lo sợ của ông, đầu nó đau như búa bổ, nặng nề nhấc mí mắt chỉ thấy máu từng lớp từng lớp nhuộm hết đường nhìn, tay phải vẫn nắm chặt trái thị không buông.
Nó nhớ lại, vết sẹo lâu lắc từ ngày nào nhức nhối tưởng chừng vùng lên động đậy, mồ hôi lạnh thi nhau lan khắp mặt mày như một lần nữa tứa máu che mù mắt. Dường như khi nó ngơ ngẩn nhất, bàn tay đang siết chặt góc áo của nó được một người nắm lấy. Nó giật mình, lập tức quay đầu qua phải. Đứa trẻ nắm tay nó, nhẹ áp vào lòng bàn tay muốn thấm từng giọt mồ hôi lạnh, nước da trắng khác hẳn bọn con nít trong xóm, đôi mắt phủ màu trong lành nắng mới nhìn chăm chú thẳng một đường vào mắt nó:
- Cậu sợ hả? Nắm tạm tay tớ đi.
Ngày đó, nó gặp Nguyên Vũ.
Cũng là ngày đó làm nó nhận ra, máu của kháng chiến không có gì phải sợ, máu của kháng chiến cho người ta nếm vị chè ngọt xớt, máu của kháng chiến đón ba mạ nó về, máu của kháng chiến để nó được nghe ông ru ngủ mỗi tối rồi tỉnh giấc trong những cái nắm tay.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro