Chương 1: Đen đủ đường
Tháng bảy rực lửa, cả thành phố S như bị hun trong cái nóng của lò thiêu. Giọt nước rửa xe vừa rơi xuống, tạo thành một vệt nhỏ trên nền đất, âm thanh 'tí tách' vừa vang lên thì trong chốc lát đã bốc hơi không còn chút dấu tích.
Lúc này, Thôi Thuý Thuý vừa cầm trên tay một túi đào vừa chậm rãi bước lên từng bậc cầu thang.
Không phải cô có ý định muốn rèn luyện thân thể trong cái thời tiết mùa hè nóng bức như thế này, chỉ là trên cửa thang máy có dán một tờ giấy với bốn chữ to đùng "Hiện đang sửa chữa".
Một tay Thôi Thuý Thuý xách túi đào, tay kia vịn lên cầu thang, cẩn thận bước từng bước thật chậm rãi.
Không giống như bao thanh thiếu niên khác vừa đi vừa nghịch điện thoại, cô còn chẳng cầm điện thoại, hơn nữa còn phải nhìn kỹ từng bậc cầu thang mới có cảm giác yên tâm bước lên, hệt như phong thái của những cụ bà tám mươi vậy.
Cô hít một hơi thật sâu rồi ngẩng đầu nhìn lên trên. Chỉ còn một tầng nữa thôi là đến rồi. Căn hộ cô thuê nằm ở tầng cao nhất, cũng chính là tầng 12. Đang bước tiếp đến giữa cầu thang tầng 11 và tầng 12 thì Thôi Thuý Thuý bỗng nghe thấy một tiếng 'ting' quen thuộc từ tầng 11 truyền đến. Cô cúi đầu nhìn xuống bên dưới. Quả nhiên là thang máy đã sửa xong, có người vừa đi lên.
Chỗ cô đang đứng là cầu thang giữa hai tầng, thậm chí còn chẳng thể dùng được thang máy.
Thôi Thuý Thuý thở dài như đã thành thói quen từ lâu, cúi đầu tiếp tục bò về nhà. Cho đến lúc đứng trước cửa căn hộ, cả tấm lưng của cô đã ướt đẫm mồ hôi.
Khép cửa lại, cô ngẩng lên nhìn đồng hồ treo tường rồi quyết định lấy hai quả đào làm bữa trưa hôm nay vậy.
Sau khi rửa sạch túi đào, cô đặt hai quả vào trong đĩa, số còn lại cho hết vào trong hộp để bảo quản rồi cất vào tủ lạnh. Nếu có người nào đó ở đây, nhất định họ sẽ phát hiện ra động tác của cô như đang tua chậm gấp hai lần người bình thường, ngay cả chuyện ăn đào cũng chậm hơn mấy con gà nhà hàng xóm.
Đúng vậy, hàng xóm của cô nuôi một đàn gà.
Căn hộ Thôi Thuý Thuý thuê nằm trong tiểu khu Tân Cốc. Năm năm trước, Chính phủ quyết định thu hồi đất và đền bù nhà cho một số hộ gia đình ở Đông Thành. Vị trí địa lý ở đây không thuận lợi lắm, còn không có cả tàu điện ngầm. Đa số người dân chấp nhận chuyển đến đây đều là cụ ông cụ bà có tuổi rồi. Những chủ nhà khác phần lớn đều chọn thuê nhà bên ngoài. Thế nên nơi đây trở thành lựa chọn hàng đầu của sinh viên mới tốt nghiệp hoặc người muốn dành dụm chút tiền mưu sinh.
Cô sống ở đây được nửa năm, vì đều nhận dịch thuật trên mạng nên gần như không cần thiết phải ra ngoài. Đối với cô, vấn đề đi lại không quá quan trọng, chỉ cần các thiết bị sinh hoạt đầy đủ là được. Phiền phức duy nhất khi ở đây chính là toà nhà này đa phần đều là người lớn tuổi, hơn nữa hàng xóm lại nuôi gà...
Bà cụ hàng xóm đã gần bảy mươi rồi, cũng không phải nông dân chân chất, là phần tử tri thức cao cấp hàng thật giá thật. Một năm trước, bà cụ đột nhiên nảy sinh ra ý nghĩa muốn nuôi gà, còn đặc biệt dành riêng một phòng trong nhà thành "chuồng gà" với đầy đủ tất cả thiết bị thông gió. Phòng nuôi gà sạch sẽ, dưới nền còn có một lớp đất, bên trên cỏ mọc xanh mơn mởn. Từ lúc bà cụ bắt đầu nuôi mới chỉ có 5 con, bây giờ đã thành 14 con rồi, mỗi ngày thu hoạch được ít nhất khoảng 3 quả trứng.
Nguyên nhân Thôi Thuý Thuý biết ngọn nguồn câu chuyện đến vậy là vì khoảng nửa năm về trước, cô sang cho gà ăn ít nhất phải hơi mười lần. Có lúc bà cụ muốn đi khiêu vũ hoặc gặp mặt hội chị em thân thiết của mình thì người chẳng mấy khi bước chân ra khỏi nhà như Thôi Thuý Thuý chính là lựa chọn vô cùng đúng đắn. Bà cụ hàng xóm nói 'Bán anh em xa mua láng giềng gần', còn cực kỳ tin tưởng giao chìa khoá cho Thôi Thuý Thuý, đã vậy tháng trước còn cho cô hai con gà để nấu canh.
Lúc cầm hai con gà trong tay, nội tâm của cô rất phức tạp. Chúng coi như tự tay cô chăm bẵm từng ngày nhưng thịt gà... ngoại trừ bỏ vào bụng để ăn thì còn làm gì được nữa đâu. Vì vậy, tối hôm đó Thôi Thuý Thuý lấy một con nấu canh, con còn lại chia thành hai phần, một nửa xào, một nửa nướng, làm một bữa tiệc nhỏ, vừa hay gọi bạn bè đến chén một bữa.
Đột nhiên nhớ tới thịt gà non mềm thơm ngon ngào ngạt của tháng trước, Thôi Thuý Thuý chợt cảm thấy quả đào tươi mới trong tay thấy chẳng còn mùi vị gì cả. Đáng tiếc, đợt này cô bị viêm dạ dày cấp, không thể ăn đồ chiên xào được.
Tuỳ tiện ăn qua loa cho xong bữa, Thôi Thuý Thuý chạy một mạch về phòng sách cặm cụi làm việc tiếp.
Căn hộ này được thuê nguyên căn vì chủ nhà không muốn làm vách ngăn phòng, cũng không muốn bận tâm chuyện hợp đồng với nhiều người. Tuy khi ấy Thôi Thuý Thuý mới bị công ty sa thải, nhưng đi làm một năm rưỡi vẫn để dành được chút ít. Hơn nữa, căn hộ trong tiểu khu này có ba ngủ một khách, đồ đạc đầy đủ, giá nguyên căn cũng không đắt hơn một phòng đơn ở trung tâm thành phố là bao. Cô cũng không đi xem phòng khác nữa, trực tiếp ký hợp đồng một năm với chủ nhà.
Ba ngủ một khách nhưng chỉ có một mình Thôi Thuý Thuý. Cô trực tiếp lấy một phòng làm phòng sách, bên trong rải rác đầy giấy tờ tài liệu, nhặt lên xem đa phần đều là tiếng Anh.
Thực ra chuyên ngành chính của cô vốn không phải tiếng Anh mà là tài chính. Sau khi Thôi Thuý Thuý tốt nghiệp xong liền làm việc tại một công ty lớn. Làm việc được một năm rưỡi, có thể học hỏi được không ít kinh nghiệm, mọi chuyện sắp đi vào quỹ đạo, cũng sắp được thăng chức, từ tấm chiếu mới chuyển thành nhân viên chuyên nghiệp. Đâu ai ngờ cho đến khi chuyện đó xảy ra, suýt chút nữa bị chặn hết đường lui.
Thôi Thuý Thuý thở dài, cúi người xuống nhặt tư liệu bị gió thổi bay. Có lẽ do sáng nay đi ngang qua công ty cũ, hồi ức năm ấy bất chợt ùa về. Thật ra bây giờ cuộc sống của cô cũng không tệ, so với trước đây thì nhàn nhã hơn nhiều, cũng kiếm được chút tiền.
Bật máy tính lên, tin nhắn thông báo không ngừng hiện lên 'Ting, ting, ting'. Tất cả đều là khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới cho. Dịch thuật trong nước không dễ dàng gì, nhất là trong tình huống có các phần mềm hỗ trợ dịch như bây giờ, hơn nữa còn có rất nhiều sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ làm bán thời gian, nên giá dịch thuật càng ngày càng bèo. Nửa năm trước, khi Thôi Thuý Thuý vừa chuyển sang ngành này, cái gì có thể nhận đều nhận cả. Cho đến lúc đã quen với việc dịch cũng là lúc mạng lưới giao thiệp của cô đã tích luỹ không ít.
Giá cô đưa ra vừa phải, tốc độ dịch nhanh chóng, biên dịch chuẩn xác. Lâu dần, danh tiếng dịch thuật trên mạng của cô tăng cao, đương nhiên lý do chủ chốt tác động đến chính là đơn hàng khẩn cấp lần đó. Đó là một văn kiện chuyên ngành tài chính, khách hàng yêu cầu trong vòng một tuần phải gửi bản dịch. Nhưng số lượng tài liệu cần dịch nhiều đến kinh hồn, hơn nữa yêu cầu cao, từ ngữ chuyên ngành rất nhiều, bắt buộc không được có một sai sót nào. Suốt ba ngày trời, tiền thù lao đã tăng lên gấp ba lần nhưng không một ai dám nhận việc. Bảy ngày làm không được, chỉ còn bốn ngày nên càng không ai dám nhận. Ngành dịch trong nước không nhiều việc, chẳng biết có bao nhiêu người lấy dịch thuật là nghề kiếm cơm cả, phần nhiều là việc bán thời gian hoặc chau dồi kiến thức. Người biên - phiên dịch chuyên nghiệp hiếm khi tìm đến hoạt động trí não rẻ tiền này.
Hôm đó, Thôi Thuý Thuý vừa hoàn thành xong đơn hàng của mấy vị khách, vào xem các công việc còn lại trong trang web thì thấy đơn khẩn cấp ngay đầu tiên. Cô xem thử tài liệu cần dịch, trong thời hạn bốn ngày, tính toán nếu thức đêm cày cuốc có lẽ vẫn có thể chạy kịp deadline, trực tiếp nhận đơn.
Khi vừa nhận đơn, tất cả nhân viên dịch thuật ở ẩn bấy lâu trên trang web hay bên trung gian tuyển nhân sự đăng bài quanh năm suốt tháng đều chú ý đến Thôi Thuý Thuý.
Sau bốn ngày, người khách này không những trả phí dịch thuật rất cao, còn đánh giá năm sao khen ngợi Thôi Thuý Thuý trên website. Từ đó trở đi, Thôi Thuý Thuý đã trở thành dịch giả có tiếng trong giới, các đơn hàng dịch thuật không ngừng tìm đến cửa.
Nói chung thì dịch thuật cũng có tính định hướng. Sự chuyên nghiệp trong mỗi ngành nghề đều cần bỏ công bỏ sức để học tập mới có thể hoàn thành tốt được, nếu như phiên dịch một câu phải tra một từ thì hiệu suất không thể cao được. Vậy nên các dịch giả trên trang web đều có một định hướng cố định, ví dụ như chuyên ngành tài chính, chuyên ngành y dược hoặc vật liệu xây dựng... Thông thường, muốn có được bản dịch chất lượng cao đều tìm tới người dịch như vậy là được.
Thôi Thuý Thuý làm việc trên trang web này nửa năm nhưng vẫn không có định hướng cố định, chuyên ngành nào cũng nhận cả. Tài liệu phiên dịch chuyên ngành tài chính với cô cũng không có gì khó, dù sao cũng là chuyên ngành chính của cô. Hiện tại cô cũng chưa có việc làm ổn định, mỗi ngày đều ở nhà ăn với ngủ, đương nhiên muốn cố gắng chăm chỉ làm việc, ai tìm đến cũng không hề từ chối. Nhưng bắt đầu từ tháng trước, Thôi Thuý Thuý bắt đầu thay đổi định hướng của bản thân.
Cô làm một biểu đồ so sánh, phát hiện ra các đơn hàng chuyên ngành y dược so với chuyên ngành tài chính có giá trị cao hơn, cũng không gấp như chuyên ngành tài chính, thù lao cũng không thấp, nếu đã dịch quen rồi thì có thể tiết kiệm phân nửa thời gian dành cho những việc khác. Đúng vậy, vì dòng đời đưa đẩy nên Thôi Thuý Thuý còn đăng ký dịch thuật cho một trang web tiếng Nhật làm nghề tay trái, lúc rảnh rỗi có thể nhận thêm việc.
Bạn thân từng bảo cô là kẻ mất trí. Người khác học môn tự chọn là vì nhất thời hứng thú hoặc để đủ số tín chỉ bắt buộc, tuỳ tiện đăng ký qua loa. Đặc biệt, chuyên ngành của bọn họ là ngành hot nhất trong trường, áp lực học tập nặng nề nên khi tham gia các giờ học của môn tự chọn chỉ để thả lỏng tâm trạng, một mình Thôi Thuý Thuý không những chú tâm học hành, còn nghiêm túc đi thi chứng chỉ.
Tổng cộng một học kỳ, mỗi tuần có nhiều nhất là một tiết tự chọn. Không biết có phải do hệ thống cộng thêm điểm cho cô hay không mà Thôi Thuý Thuý có thể thi N1 cao hơn cả người học chuyên ngành tiếng Nhật bốn năm.
Không dùng tài năng lấy thịt đè người, bây giờ tiếng Nhật đã trở thành thói quen hàng ngày của Thôi Thuý Thuý. Dù sao, ngành dịch trong nước cạnh tranh rất khắc nghiệt, không phải lúc nào cũng có thể nhận được đơn hàng lớn.
Nhìn qua trang web đăng ký tiếng Nhật, Thôi Thuý Thuý phát hiện ở đây không có gì đặc biệt lắm hoặc quá quan trọng để dịch, so với lượng việc ở trang web tiếng Anh cũng không nhiều lắm. Người đăng tin phần lớn là các thiếu niên, bình thường yêu cầu dịch concert hoặc bài hát gì đó, tiền thù lao cũng không cao.
Sau khi dịch tiếng Anh xong, cô nhàn rỗi đi tìm thêm một số công việc tiếng Nhật, cũng khoảng hơn vài trăm tệ hoặc một nghìn tệ, đủ để cô ăn uống thoả thích cả tháng. Thôi Thuý Thuý thấy vậy cũng được, nếu không có tác nhân ngoài ý muốn, có lẽ cô sẽ sống cả đời như vậy.
"Thuý Thuý, con có ở nhà không?" Chín giờ tối, bỗng nhiên ngoài cửa có tiếng người gọi cô.
Kể ra cũng lạ, thanh niên ở tiểu khu Tân Cốc này rất nhiều, nhất là sinh viên vừa mới tốt nghiệp. Nhưng toà nhà Thôi Thuý Thuý sống gần như đều là các cụ ông cụ bà. Ngoại trừ bản thân cô ra, chỉ có ba thanh niên ở tầng mười một là người trẻ tuổi. Bọn họ đi sớm về muộn, đầu tắt mặt tối, quanh năm suốt tháng không thấy người được mấy lần. Nhờ có lời giới thiệu của bà cụ hàng xóm, hầu như cả toà nhà này, từ trẻ đến già đều biết đến cô. Mỗi khi có việc cần nhờ, đều tìm cô giúp đỡ.
"Dạ." Thôi Thuý Thuý ấn chuột, nhận đơn hàng tiếp theo rồi đứng dậy đi ra mở cửa.
Ông Diệp ở tầng mười đang mỉm cười nhìn cô: "Thuý Thuý, bóng đèn phòng khách nhà ta bị hỏng. Ta có mua một cái khác về thay nhưng với mãi không tới."
Thôi Thuý Thuý nhìn tấm lưng hơi còng của ông cụ, cười nói: "Để cháu thay cho."
"Tốt quá, cảm ơn Thuý Thuý." Ông cụ theo cô vào thang máy, "Con ăn cơm chưa? Có muốn ăn cơm với chúng ta không?"
"Không cần đâu ạ, cháu ăn rồi ông ạ."
Cửa tầng mười đang hé mở, Thôi Thuý Thuý vừa bước vào liền thấy bà Diệp ra đón: "Thuý Thuý đến rồi, ta đã bảo ông ấy đừng làm phiền con mà rồi."
"Không sao đâu ạ." Cô lắc đầu, liếc nhìn chiếc bóng đèn trên bàn: "Bà Diệp, có chuyện gì cần thì cứ đến tìm cháu, không cần khách khí đâu ạ."
Có lẽ ông Diệp mới thử thay được một lúc, chiếc ghế vẫn còn để dưới bóng đèn. Thôi Thuý Thuý đứng lên ghế lắp bóng đèn. Bà Diệp dùng đèn pin ở điện thoại soi lên trần nhà.
Đầu tiên cô tháo bóng hỏng xuống trước, cầm chiếc bóng mới, hướng đúng đui đèn vặn một cái, vừa mỉm cười chuẩn bị nhảy xuống: "May là bóng đèn thông dụng. Nếu là đèn treo tường thì cháu..."
Còn chưa nói hết câu, một tiếng 'cạch' vang lên, chiếc ghế nứt toác từ chính giữa, Thôi Thuý Thuý ngã thẳng xuống nền đất.
"..." Phần eo truyền đến một tiếng 'rắc'.
Ông Diệp và bà Diệp vội vàng đỡ cô dậy, gấp gáp hỏi: "Thuý Thuý, con ngã có đau không? Cái này, cái ghế chắc như thế này sao lại có thể gãy được nhỉ?"
Sợ hai ông bà lo lắng, Thuý Thuý cố gắng nhịn đau, không kêu ra thành tiếng, miễn cưỡng mỉm cười nhìn về phía ông bà Diệp: "Cháu không sao ạ." Cũng may là ông Diệp không có ý định tiếp tục lắp bóng đèn nữa, nếu không chuyện cô bị ngã sẽ không đơn giản như vậy.
Khéo léo từ chối sự níu kéo của ông bà Diệp, Thôi Thuý Thuý cắn răng chịu đau về nhà. Lúc đứng trong thang máy còn có thể nhúc nhích, đợi đến khi về nhà đóng cửa phòng lại, cô vén áo lên xem, cả người tê rần, phần thắt lưng sưng vù lên. Dựa vào tường một lúc, xác định thắt lưng bị vẹo, cả người di chuyển cũng bất tiện, Thôi Thuý Thuý chỉ có thể gọi điện cho bạn thân.
"Tiểu Mễ, lúc nào cậu rảnh có thể đến nhà mình một lúc được không?" Thôi Thuý Thuý đau đến mức cả người ướt đẫm mồ hôi, dựa vào tường cũng không thể đứng vững.
"... Cái người đen đủ đường như cậu lại xảy ra chuyện gì rồi?", trong điện thoại giọng nói bất đắc dĩ của cô bạn thân: "Đợi mình chút, mình qua ngay đây."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro