Chương 3
Càng để lâu, tôi càng rối rít, vậy nên ngay sau cái bữa gặp anh ngoài ruộng rồi đi chợ trễ, tôi quyết định đem khăn trả anh rồi thẳng thắn bày tỏ luôn một lần.
Tôi có nhờ Mai đi nghe ngóng thì được biết anh hơn tôi mười tuổi, bắt đầu lang bạt từ Trung vô Nam năm mười bảy, đến nay cũng được gần một thập kỷ tha hương.
Trước, tôi cứ tưởng anh Dũng là người hay ngại, ít nói nhưng thì ra cái đó là tại chưa quen đủ nhiều đủ lâu thôi. Chứ tôi nghe bảo anh xúm xít với tụi nhỏ trong xóm, với mấy anh canh điền khác vui lắm. Hoặc cũng có thể anh ngại tôi là con ông Xã trưởng cũng nên.
Tôi không biết vì trước đây tôi chưa từng đi đâu, chỉ quanh quẩn trong làng xã hay vì anh có đôi mắt và những cử chỉ nhỏ hớp hồn mà tôi mới cho rằng mình đang thích anh như thế. Cho dù tôi nghiêm túc nghĩ về cảm xúc của mình như thế nào đi nữa, tôi vẫn cảm thấy mình đang thích thật lòng, như người ta hay bảo về "tiếng sét ái tình" vậy. Tôi thực tình không lý giải được, cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình rung động với một ai đó chỉ vì một tấm khăn rằn hay một nụ cười ngược nắng. Nhưng sự thực quả là như vậy.
Tôi nín thở, cứ nhằm vào hướng căn chòi bên ruộng của anh mà chạy, ba chân bốn cẳng trốn khỏi nhà lúc trời đang đúng ngọ chỉ với một chiếc nón lá đội đầu.
Trên ruộng không có bóng người, chắc họ đều nghỉ ngơi, ăn trưa lấy sức hết rồi. Nghĩ vậy tôi mới ngó qua gốc đa coi thử, gốc đa lớn già giương bóng râm che nắng được đến cỡ năm sáu người không hề hấn.
Tôi đánh mắt tìm kiếm một hồi mà vẫn không thấy. Khi tiến lại gần hơn, dưới gốc đa, ngồi ngoài cùng, tôi bắt gặp một dáng người quen thuộc. Bóng dáng chỉ phớt ngang trước mắt vậy mà tôi lại mừng rỡ lắm. Tôi nhảy cẫng lên rồi vẫy vẫy tay, khiến cho các anh các chú khác đang ngồi uống nước ăn cơm cũng nghệch người, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Hên là anh hiểu ý tôi, thấy tôi vẫy vẫy là anh bỏ chén, chạy ngay về phía tôi. Lúc thấy tôi, nhìn anh có vẻ hơi rụt rè, nhưng ngay sau đó anh đã chộp lấy cổ tay tôi, kéo tôi về một bóng râm nho nhỏ dưới mái chòi. Dù là đoạn đường ngắn ngủn nhưng cũng làm tôi thích chí cười khúc khích riết như trúng gió.
"Trưa sao cô không đi nghỉ, chạy qua tìm tôi làm gì?"
"Thì... thì tôi trả anh cái khăn." Tôi ngại ngùng chìa khăn ra, vậy mà anh vẫn ngớ người, không thèm nhận, tôi muốn bốc hỏa "Thì cái khăn hôm bữa anh cho tôi mượn lau sình đó. Nhớ chưa?"
Đột nhiên anh cười khì:
"Nhớ chứ sao không. Chỉ là tôi tưởng cô hai lấy luôn không trả ấy chớ."
Trời đất! Anh nói thế khác nào bóng gió chê tôi mất giá?
Tôi hơi cuống lên, vội vàng bào chữa:
"Tôi con nhà gia giáo, sao tự dưng lại lấy không cái khăn của anh được. Vả lại, khăn dính sình thì tôi phải giặt cho sạch mới dám trả cho anh chớ. Anh nói làm như tôi xấu bụng lắm không bằng."
Anh lại cười y hệt như ban nãy, nhưng lúc này anh đưa tay ra lấy lại chiếc khăn từ tôi, vắt ngay ra sau cổ rồi nói cảm ơn tôi. Tôi thì bất động, chắc đợi lâu quá nên anh đành nói:
"Cô còn gì sao?"
"Ừ thì cũng còn..." Tôi dẹp hết tất cả mặt mũi sang một bên, ngước đầu lên nhưng không dám nhìn anh, chỉ nhắm mắt tỏ lòng mình "Anh nhìn tôi cư xử mà còn không rõ hả?"
"Hồi trước thì không chắc, nhưng cô nói xong câu này thì chắc rồi."
Tôi giật mình, mở toang mắt ra thì thấy khuôn mặt của anh đang rạng ngời ý cười với tôi. Nhìn không giống như một nụ cười cợt nhả nên dù bấn loạn, tôi níu được một chút bình tĩnh cuối cùng. Thật sự tôi không ngờ là anh sẽ thẳng thừng đến như vậy.
Ấp a ấp úng nói mãi không nên lời, anh gỡ vội nút thắt cho tôi:
"Tôi trước giờ được vài phần tư dung, nhờ đó được các cô mến mộ, nhưng rứa cũng chẳng lâu dài gì cho cam."
Lúc bấy giờ tôi còn trầm trồ hơn nữa, thầm nghĩ người này nhìn vẻ ngoài đứng đắn nhưng suy nghĩ lại nhiều phần ảo tưởng về bản thân trong mắt thiên hạ. Đột nhiên hình ảnh của anh trong mắt tôi đổ sụp toàn bộ. Tôi run lên, phần vì ngại phần vì nín cười.
"Nếu cô mà thương tôi đến mùa gặt lúa Hè Thu [1] năm nay, thì ta hãy bàn tiếp chuyện sau đó." Anh nói tiếp bằng giọng trầm trầm ấm ấm, cảm tưởng như nó thực sự xuất phát từ tấm lòng anh chứ chẳng phải lời bỡn cợt trót lưỡi đầu môi của phường du thủ du thực.
Lần này tôi cũng rung, nhưng là rung động.
***
Mấy ngày sau, tôi lại mới cãi với tía vụ bay nhảy lung tung mà không lo ở nhà học thêu thùa may vá. Tuy không phải là người đuối lý nhưng sau cùng tôi vẫn là người phải ấm ức bỏ đi, nói đúng hơn là bị đuổi đi cho khuất mắt.
"Trời ơi có bây nhiêu mà ông cứ cự nự nhỏ hoài. Mệt!" Má tôi kéo chữ "mệt" dài thườn thượt và nặng nề như chính lòng bà vậy.
"Còn cự được ngày nào, là còn hên ngày đó!"
Tía tự nhiên hạ giọng, khác với lúc cãi nhau với tôi vừa nãy. Chắc ai cũng nghe ra trong cái giọng ấy đang chất chứa bao nhiêu là nỗi rối rắm, vừa lo lắng, vừa buồn bã, lại vừa bất lực. Cũng may tôi không thực sự bỏ đi, mà chọn dùng lại chiêu cũ, nấp tới nấp lui nghe tiếng lòng của tía má.
Tôi thấy không có tiếng gì nữa, tính bỏ đi. Ai dè ngưng giọng một hồi, tía lại nói tiếp:
"Nhưng suy đi tính lại, cái cớ sự như hôm nay cũng tại tôi mà ra. Tại tôi hết. Bà ơi!"
Nghe xong, một loạt câu hỏi đổ dồn vô đầu tôi. "Tại tía" mà ra hả? Tại là tại như nào? Sao mà mơ hồ vậy? Thêm nữa, má cũng trầm ngâm không nói gì. Có lẽ điều mà tía nhắc tới má có biết, chỉ có tôi là không. Nghe tới câu này tôi cứ thấy ngứa ngáy trong người, cứ như có kiến cắn lung tung mà không gãi được.
Tôi nín thở đợi coi tía má nói gì tiếp. Hồi lâu, mới nghe má nói rằng:
"Phóng lao thì theo lao, có hối hận vụ kia cũng vô nghĩa, giờ không thay đổi được. Giờ chỉ có mà kiếm cách cho con Sen nó thoát kia kìa. Dẫu sao, tôi cũng không muốn đẩy con gái mình vào bể khổ."
"Giờ nó vô cái bể đó thì chỉ có khổ. Còn tôi với bà mà bước vô, chỉ có nước chết. Chết đuối, chết ngộp, chết trôi, thế nào cũng chỉ có nước chết!" Dường như tía không còn giữ được bình tĩnh. Mặt ông đỏ dần lên, gân nổi đầy trán và cổ. Ông muốn gào lên, nhưng có vẻ sợ người khác nghe thấy nên vẫn cố nhỏ giọng. Ông muốn xả tràng giận lên bàn ghế đồ đạc, nhưng lại sợ âm thanh phát ra kinh động người khác. Tôi không biết đó là khổ, là uất hay là hổ.
"Chết cho con Sen tôi cũng chịu." Má nói khi thấy tía hơi nguôi.
Lời nói như mồi lửa, lôi lửa giận sắp tắt lại ngùn ngụt trở lại. Lần này tía không kiềm chế nữa:
"Bà nghĩ tôi với bà chết thì con Sen vẫn được sống chắc?" Rồi ông nhỏ tiếng, nghiến răng "Với chúng nó thì không có giao dịch một đổi một đâu!"
Tôi chợt cảm thấy lạnh sống lưng mặc dù trời sắp chuyển trưa, nắng chang chang như tiếp thêm sức nóng, đốt lửa lòng đang âm ỉ của tôi.
Nào là "chúng nó" nào là "giao dịch". Ờ... hung thần trong câu chuyện này, không ai khác ngoài mấy thằng Tây. Không biết "giao dịch" mà tía nói đã bắt đầu từ hồi nào? Từ khi bám trụ ở đất này? Từ khi có tôi? Từ khi ông bà phất lên? Hay từ khi con Mến mất?
Lững thững, tôi bỏ đi.
Đoán được sơ sơ, thế là tôi đã hiểu một phần nào câu chuyện của tía má...
Con Mến chết dưới họng súng giặc nhưng thì ra cái chết của nó không là gì cả. Chẳng lẽ nó còn nhỏ quá, nên không đáng được tồn tại vĩnh hằng trong tim tía má? Chẳng lẽ nó còn nhỏ quá, nên niềm đau nỗi hận không bao giờ có thể lớn được? Chẳng lẽ với tía má thì nó chỉ là một phần của giao dịch không hơn?
Tai tôi ù đi, thế nên tôi cũng không biết rằng liệu có ai đó phía sau đang cố níu lấy mình.
Tim tôi lại sứt đi một mảnh. Một vài hình tượng đổ sụp như vỡ tan nửa bức tường thành.
Tôi cứ đi, cứ đi giữa ngày nắng cuối tháng tư. Tôi cố chuyển tâm trí sang một thứ gì khác như cách tôi thường dùng để ngăn dòng thác buồn.
Và tôi liền nghĩ xem nắng tháng năm sẽ khác gì với tháng tư trước. Còn chưa kịp nghĩ ra lý do gì, trong tích tắc, một vài giọt lạnh chạm vào má, cánh mũi, rồi đôi mắt, rồi cả khuôn mặt tôi.
Tôi ấm ức ứa nước mắt. Tôi rít lên nhiều hơn khi cơn mưa ngày càng nặng hạt. Trùng hợp thay, mưa vừa che chắn cho tôi, vừa an ủi lại vừa gột rửa. Trong cơn mưa day dứt, nước mắt tôi lã chã cho đến khi dần tạnh.
Bình tâm lại hơn, tôi lại cố nghĩ vu vơ, như việc tự nhiên nắng lại đỏng đảnh đến lạ khi mưa thình lình kéo đến. Mưa đầu mùa, mưa quyện vào mùi sen, quyện cả mùi hạ mới. Bông sen nở trong mưa, hình như tôi thấy chúng càng trong sạch, càng thuần khiết. Chẳng hiểu sao giữa lúc tâm trí tôi đang rối rắm nhất, khi cuộc đời và bọn Tây bắt tay giao cho tôi một đề bài khó, khi tình thân và lý tưởng không chung đường, thì tôi lại chú tâm vào những điều mà tôi chưa từng cảm nhận, cũng chưa từng mảy may suy nghĩ. Sao lúc này tôi lại chân thành dùng giác quan mà thẩm thấu?
Rồi như có một mối liên kết kỳ lạ trong tâm trí, tôi đi kiếm Mai gấp. Nhưng đến nơi thì Mai không có ở nhà.
Thôi thì khi nào Mai về, tôi sẽ bàn bạc, chia sẻ kỹ hơn với nó. Tôi cũng còn một nút thắt khác muốn gỡ cho đặng. Và có một người khác bất thình lình nhảy lên trong đầu tôi. Anh Dũng.
***
Anh Dũng mở cửa gặp tôi thì có hơi bàng hoàng vì cả người tôi ướt sũng, lại còn nhếch nhác đi đến từ phía mặt trời lặn. Trong vẻ mặt của anh, tôi thấy mình hiện lên có cả phần đáng thương và tệ hại.
Ban đầu, tôi chưa biết kể từ đâu, vì chuyện tía má tôi theo Tây là nút thắt quan trọng trong toàn bộ câu chuyện. Nhưng bây giờ tôi chưa sẵn sàng để nói, hơn nữa, nói ra thì nhục quá, nhục không trốn đi đâu được!
Cho nên tôi chọn kể cho anh nghe câu chuyện như thế này: Tôi có một người em gái. Em tôi đã chết, có một phần lỗi lầm từ tôi nên nhiều năm nay tôi luôn sống trong tội lỗi và tìm cách bù đắp cho người em đã khuất của mình. Nhưng nay tôi lại phát hiện tía má không giống như tôi, họ không thấy tội lỗi, và cũng không muốn bù đắp gì hết, họ chỉ muốn sống tốt, sống vô cùng tốt ở phần đời của họ cho dù có phải đạp lên xương máu của em tôi.
Kể xong không thấy anh nói gì. Tôi cứ tưởng anh không nghe kịp chỗ nào đó. Tôi định nói lại thì anh đã lên tiếng:
"Người chết cũng đã chết. Việc của người sống là sống tiếp, sống cho mình và cho cả phần người đã ra đi." Anh nói một cách vỗ về.
Không hiểu sao, anh chỉ nói vô tư, bình thường an ủi tôi như thế, mà lòng tôi cuồn cuộn sóng trào. Tôi nổi đóa:
"Nghe hợp lý vĩ đại quá, hả? Tôi thì không vĩ đại được như thế. Tôi "sống" cho người đã ra đi bằng cách khắc ghi toàn vẹn mối hận, đợi ngày phục thù. Chứ tôi không "sống" bằng cách lợi dụng, chà đạp lên cái chết của người kia rồi oang oang nói ra cái đạo lý vờ vịt. Cái lý đó không thể dùng để ngụy biện."
Sau khi nghe tôi xả một tràng dài, anh Dũng ngơ ngác nhìn tôi, nhưng sau đó, đôi mắt ấy lại có những biến chuyển kỳ lạ. Đôi lúc tôi tưởng anh đã hiểu mồn một câu chuyện của tôi, anh tỏ ra thấu cảm, đôi lúc lại như một người dưng nước lã nghe kể chuyện tào lao rồi tự dưng bị vạ lây.
Nói ra xong thì tôi lại thấy hối hận. Người ta có lỗi gì đâu mà phải lãnh đủ thế này. Tôi thấy anh nghe rồi còn chạy lẹ vô nhà, không biết có phải đang chán ngán cái nết phiền phức của tôi hay không nữa.
Tôi cuống quýt xin lỗi rồi lúng túng xấu hổ rời đi. Nhưng ngay khi tôi vừa đứng dậy quay người, anh Dũng đã trở ra, dúi vào tay tôi một mảnh giấy. Tôi chần chừ một lát, chọn mở ra ngay ở đó, có gì không hiểu thì tôi hỏi chứ lỡ anh viết nhiều chữ quá thì tôi cũng không rành. Vừa mở miếng giấy, tôi vừa nghĩ không biết vì sao anh chọn cách viết chứ không nói ra...
Miếng giấy mở ra rồi cũng nhỏ xíu, chỉ bằng nửa bàn tay. Trong đó anh ghi "Bảy Thưa". Tôi giương cặp mắt bàng hoàng nhìn anh. Còn anh thì không nói không rằng, xếp bàn tay đang nắm miếng giấy của tôi lại. Đôi mắt anh bỗng dưng nhìn tôi chân thành sâu sắc, anh ghì giọng mình xuống:
"Anh đợi em đi Láng Linh chung!"
[1] Gặt lúa Hè Thu: khoảng tháng 9.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro