Đại Thuỷ Lâm
Máu và Vương Miện là tên gọi chung cho những ghi chép, báo cáo từ nhiều nguồn khác nhau về cuộc xâu xé của bốn lãnh địa trong một vương quốc thống nhất. Những tranh giành, đấu tố, căm ghét, hận thù hay bất kì một từ ngữ thô thiển nào có thể thốt ra đều xuất hiện hết trong những báo cáo lịch sử được các bên phân tích góp nhặt.
Thật khó để xác định được sự kiện này xuất phát điểm từ đâu vì phần lớn những ghi chép đều được viết sau sự kiện nội chiến từ 50 đến 100 năm. Đồng thời, các bên thực hiện công tác tường thuật cũng không thật sự đáng tin cậy. Có hai nguồn tạm chấp nhận được là từ tu sĩ Phạm Tuý từ dòng tu thờ thần Thối rữa. Nguồn ghi chép thứ hai là từ cuốn tự truyện "Phía sau đoàn kịch" của đào hát Bạch Thi Liên.
Tuy nhiên, chúng cũng chỉ nửa thật nửa hư. Thứ nhất, đối với những ghi chép từ phía tu sĩ Phạm Tuý thì có tính khách quan, chuyên môn cao. Vị tu sĩ đã dành hẳn 10 năm để tìm hiểu, khảo sát, góp nhặt mọi nguồn tin (thậm chí cả đồn thổi) để cho ra tất cả các ghi chép quan trọng. Chỉ có vài vấn đề đó là phần lớn chúng đều từ lời kể của con cháu của các nhân chứng nên việc xác minh chính xác các sự kiện rất khó. Yếu tố tôn giáo cũng ảnh hưởng ít nhiều tới các tài liệu của ông khiến các sự kiện đôi lúc mang nhiều góc nhìn có phần mê tín và huyền ảo. Thứ hai là về cuốn tự truyện của đào nữ Bạch Thi Liên, nó trần tục, xấu xí, đôi lúc thô bạo đến mức khó tin. Các sự kiện trước, trong và sau cuộc chiến được nhắc đến trong cuốn sách lại chủ quan, nghiêng về một phía nhiều hơn là góc nhìn đại cuộc. Nhưng bà là nhân chứng quan trọng, quan sát phần lớn những sự kiện xảy ra dù chỉ là đào hát cho gánh hát hoàng gia. Có lẽ do xuất thân là cháu của một lãnh chúa nhỏ, thêm việc bà có mối quan hệ thân thiết không chỉ với vài nhân vật hoàng gia mà còn có người hầu, rót rượu, phụ bếp nên có nhiều câu chuyện có thể tạm tin được.
Nhưng để hiểu được các ghi chép trên, ta cần hiểu về bối cảnh và những người góp mặt trực tiếp vào các sự kiện trên.
Vương Quốc Thống Nhất Đại Thuỷ Lâm hay Thuỷ Lâm Quốc là một vương quốc có trù phú. Như cái tên của chính mình, vương quốc giáp với hai mặt là biển ở phía Nam và Tây. Chưa kể, do địa hình được "Bảy vị Tiên Thần phù hộ và ban phước" (theo ghi chép của tu sĩ Phạm Tuý) nên nơi đây có nhiều con sông lớn nhỏ chảy qua. Bồi tụ phù sa, đất đai màu mỡ giúp dân chúng những mùa bội thu. Đó là về phần "Thuỷ" trong tên còn về phần "Lâm". Rừng lá tím và rừng sồi chiếm phần lớn vùng đất cao dọc sườn núi ở phía Bắc, rừng ngập mặn bao trùm hết các con sông nhỏ ven biển ở vùng phù sa phía Nam. Nhiều tu sĩ dòng Thần Lúa và Cây đã nhận định:
"Đại Thuỷ Lâm là vương quốc nghìn năm có một, đây là món quà mà Bảy vị Tiên Thần đã ban xuống chốn nhân loại khổ ải". Đó là về địa lý còn về cái danh "Thống Nhất" thì ta cần nói thêm nhiều về lịch sử của vương quốc.
Vương quốc ban đầu chỉ là một lãnh địa nhỏ, cai trị mỗi phía Bắc khô cằn. Bao quanh chỉ toàn núi cao hiểm trở, còn không cũng chỉ là vùng đồi thoải không đáng kể. Cho đến đời vị lãnh chúa gia tộc Trương đời thứ 8 cai trị, tức Trương Quang đệ tam, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng mặt. Họ tìm ra 4 con Lân non, to chỉ bằng đứa trẻ và một con lân mẹ to khoảng hàng 6 người xếp gộp. Thuần hoá chúng, xem chúng như thú cưỡi ngoan ngoãn trung thành và rồi lãnh chúa Trương Quang nhận ra: "Đây chính là thứ giúp ta vĩ đại"
Những ghi chép về quá trình bành trường không phải là chủ đề chúng ta cần bàn đến. Chúng ta chỉ cần biết là sau 4 năm mở rộng bản đồ, gia tộc Trương đã tiêu diệt và thu phục được ba lãnh địa còn lại chỉ với bốn con lân đã trưởng thành. Cuối cùng vào năm 1000, Trương Quang đệ tam bước lên đỉnh cao quyền lực. Trở thành vị vua cai trị vương quốc thống nhất và đổi hiệu sang Trương Phục Đế hay Đệ Nhất Hoàng Đế Trương Phục. Ông là người mở đầu cho sự thống trị của gia tộc Trương trên toàn bộ Vương quốc
Dù làm vua, làm người đứng đầu chưa kể là trong tay có đến bốn con Lân khổng lồ cao 2 trượng gồm Bạch Lân, Nhị Lân, Quang Lân và Thạch Lân (trong đó, Quang Lân chính là thú cưỡi của nhà chinh phạt Trương Quang) nhưng ông vẫn luôn đau đầu trước vấn đề: Duy trì sự thống trị của những gia tộc từng làm lãnh chúa ở các vùng lãnh địa cũ hoặc kéo dài sự bất ổn ở vương quốc non trẻ này. Cuối cùng, ông lựa chọn đưa các con mình kết hôn với các thành viên gia tộc cũ từng làm lãnh chúa. Coi như tạm xoá dòng họ đó ra khỏi vai trò cai trị.
Đó là câu chuyện của 143 năm trước sự kiện nội chiến Máu và Vương Miện. 143 năm yên bình nhưng bên trong luôn âm ỉ sự ganh ghét, đối kị chỉ chờ được bộc phát
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro