NGỒI TRÊN MÁI NHÀ
“Trôi theo cơn mơ dòng sông chói chang.
Trôi theo cơn mơ niềm đau rất thật.
Có bình yên nào không xót xa..”
--
Từ dạo ấy, tôi không trèo lên mái nhà nữa. Nhưng Mây vẫn leo, thả những con chim giấy cho bay tứ tán, xem cái hạt đã nảy mầm hay chưa.
Khi Custas ra đi, gã khờ ấy cho chúng tôi một hạt giống, giương to con mắt lồi bảo rằng đó là đậu thần đấy. Nếu có đủ nắng và nước và chăm sóc cẩn thận nó sẽ nảy mầm cho xem, và vươn cao thật cao về phía đỉnh của bầu trời. Cậu ta dùng hay quơ quào miêu tả, nói với giọng chắc nịch như con nít kể chuyện có ông tiên. Cậu ta đi rồi, tôi không thèm cái hạt, liền trèo lên khoang trên, thảy nó cho Mây rồi hất hàm:
“Mày trồng đi!”
“Sao là tao?” Nó hỏi.
“Tao không muốn trồng.”
“Để nó đâu?” Mây nheo mắt ngắm nghía cái hạt đen thùi, nhăn nheo.
“Đâu cũng được.”
“Mái nhà hen?”
“Tuỳ cưng!”
Mây lấy một cái ly nhựa loại dùng uống nước, hốt ba nắm đất từ chậu rau quế của nó bỏ vào, vùi cái hạt xuống và tưới ít nước. Sau đó Mây trèo qua thang lên mái nhà, đặt cái ly đất xuống thanh xà ngang chúng tôi vẫn hay ngồi lên ngắm sao ngắm trời, sát bên miệng ống khói.
Tôi im lặng ở tầng dưới, cố gắng không để ý gì đến cái hạt, hoặc xem nó sống chết ra sao. Tôi bật máy hát những bài tiết tấu mạnh om sòm. Nhưng giọng Mây còn lớn hơn tiếng nhạc. Vào tầm giữa trưa hay lúc trời xế tàn, nó trèo ra ngoài thang, xuống ngang cửa sổ chỗ tôi, thò đầu vô hét to khủng khiếp về tình hình cái hạt.
Một tháng nay, câu duy nhất nó thông báo với tôi là: “Chưa lên mày ơi!”
-
Nơi chúng tôi ở là một thực thể chắp vá như được nâng đỡ bởi phép màu. Một cái ống khói bằng gạch và đất nung cao thật cao đâm ra từ lòng đất, vượt trên hẳn những mái lều tạm cư lố nhố. Từ miệng ống nhìn xuống đất phát chóng mặt. Tuốt trên miệng có ba cái khoang bằng gỗ và kẽm xếp chồng lên nhau, gắn liền vào thân ống bằng những sợi cáp bằng nhôm và thừng vòng quanh thân và sít chặt ở những mối nối. Bên dưới tầng thấp nhất có ba cái chạc chống để đỡ. Trước cuộc di dân, nghe nói ba cái khoang ấy thường có lũ bồ câu, vịt trời và cò trú ngụ. Trên nóc mái gắn một cái ống nhòm để quan sát phía xa xa kia, những cuộc xung đột diễn ra dữ dội bên kia hàng rào ngắn cách. Ống khói đóng vai trò như một tháp canh của quân phòng vệ tự lập. Người ta gắn một cái thang sắt và một cái bánh ròng rọc nhỏ để làm phương tiện lên xuống. Còn bên dưới lòng đất là một nhà máy than mỏ đã tắt ngúm từ lâu.
Khi chúng tôi đến, tất cả những nhà tạm cư đều đã chật cứng người tị nạn. Ba đứa chúng tôi rời bỏ miền đất cũ và đến đây không hề định trước, chỉ mong có chỗ trú chân. Chúng tôi được chỉ nhìn lên cái ống khói và ba cái khoang ngất ngưởng bên trên, biết rằng đấy là chỗ cuối cùng chúng tôi có thể nằm xuống ngủ một giấc bình an.
Không cần bảo nhau thành lời, tôi, Mây và Custas xốc lại ba lô, tranh nhau trèo lên cái thang sắt. Mây chiếm khoang cao nhất, lên đến đó thì nó gần như ngất xỉu. Tôi được khoang kế. Còn Custas, do mãi loay hoay với cái túi đàn nên đành ở dưới hai đứa tôi. Ban đầu, ba cái khoang giống như chuồng chim thứ thiệt, nghĩa là đầy rơm rạ, vỏ trứng vỡ, xương xẩu lông cánh và mùi phân thum thủm. Nhưng có cửa sổ để gió lùa vào lồng lộng, vậy là đủ.
Đêm đầu tiên ngủ trong “nhà”, tôi mở mắt thao láo nghe tiếng lục đục mãi của Mây bên trên và tiếng búng dây đàn của Custas bên dưới. Có tiếng máy bay khe khẽ rít trên trời, phía sau tiếng gió nổi bốn bề.
Chúng tôi bắt đầu sống kế cận nhau ở một nơi kỳ quặc như thế. Cũng hơn nửa năm. Rồi tự dưng, như sao băng vừa rụng cái rầm xuống đất, Custas bảo rằng cậu ta sẽ đi.
-
Tôi gọi đứa trên mình là Mây, vì nó da trắng bệch và mặc áo trắng rộng thùng thình ngay hôm đầu biết mặt. Mắt nó có những chuyển dời lạ lẫm không thể diễn tả nỗi, mỗi lần nhìn vào đó tôi lại thấy mình xao động.
Mây bị bệnh, da nó trắng bóc như lòng trắng trứng luộc. Mây bảo nó bị một biến dị ở nhiễm sắc thể do chất độc hoá học từ cuộc nội chiến. Tôi hỏi nó là biến dị gì thì nó bảo quên rồi. Mây rất yếu, tay chân nó ốm nhom như hai que củi khô bé tí. Chúng tôi nhường cái ròng rọc cho nó lên xuống ống khói. Thường thì khi Mây không tự kéo mình trong cái thùng gỗ đi được thì tôi và Custas sẽ ló đầu ra khỏi cửa sổ và kéo giúp. Lúc ấy Mây cười khanh khách, vẫy cả hai tay. Dáng nó nhìn xa mảnh khảnh nhưng sinh động lạ lùng. Từ trên nhìn xuống, Mây giống một miếng vải bông trắng đang phất phơ giữa tầng không.
Còn Custas thì mắt hơi lồi, tóc cháy nắng, thích ăn bánh ngọt nhân kem sữa. Tôi không biết nhiều lắm về Custas ngoại trừ những đặc điểm bên ngoài. Mãi về sau này, khi Custas đi rồi, tôi cũng không biết mình có thực sự rõ cậu ta hay chưa. Tôi chỉ biết Custas bình thường làm việc gì cũng vụng về, chỉ có khi nếm một cái bánh ngọt nhân kem sữa cậu ta mới thật sự tập trung. Custas hay đem bánh cho hai đứa tôi ăn. Đổi lại tôi bịa những câu chuyện theo lối cổ tích, còn Mây cho cậu những bông hoa héo nó lụm lặt được từ những chuyến đi ra bãi đất cằn ở rìa khu tạm cư, rồi về tự hong khô rồi cất vào tủ, nâng niu lắm.
Việc trao đổi ấy chúng tôi tiến hành trên mái nhà, chỗ thanh xà ngang ở đỉnh hai tấm tôn đã gỉ lớp ngoài. Một trưa nọ, tôi trèo lên đấy theo đường thang sắt. Tôi ngỡ ngàng nhìn xuống toàn khu tạm cư, thấy một màn hơi là là bao trùm hết những mái nhà lúp xúp. Mặt đất cong vênh, xa kia, cái hàng rào đánh dấu khu ngừng bắn cũng cong kỳ quặc. Tôi ngước lên, nắng chói chang, trời xanh và sâu mãi, nhìn không hết. Tôi như bị hút về phía sâu thẳm ấy, lòng trống rỗng và được gió lấp đầy. Cái cảnh tượng đầu tiên ấy, bầu trời xanh không hằn chút dấu mây và gió thổi qua tóc lồng lộng, và tôi bị hút mãi lên cao, cao nữa, nhưng không thể nào chạm mắt đến tận cùng. Cái cảnh tượng đầu tiên mê hoặc ấy khiến tôi bàng hoàng.
Tôi hét lên với hai đứa kia :
“Ê bây! Lên đây nè!”
Custas ló đầu ra trước, vụng về chui ra cái thang rồi trèo lên. Mây ngửa cổ chong mắt nhìn lên, rồi lúi cúi túm áo chui ra sau. Tôi phụ kéo nó lên. Trời gió khủng khiếp. Tóc tai áo quần củ chúng tôi bay phần phật, da buốt rát vì nắng. Mây đứng trong cùng, vịn chặt miệng ống khói. Tôi đứng giữa, túm chặt vai áo Mây và nhúm tóc giữa đầu Custas. Hắn ngồi dạng chân ra hai tấm kẽm phía ngoài cùng, tay vịn mép. Ba đứa hết nhìn đất rồi nhìn trời, rồi tròn mắt thều thào như đứng trước cổng thiên đàng: Quaooo!!
Kể từ đấy, mỗi khi có hứng, tôi, Mây và Custas lại leo lên ngồi trên mái nhà.
-
Về cơ bản, ba đứa tôi thiếu thốn mọi thứ. Nhưng làm thế nào đó, ba đứa vẫn xoay được những thứ mình muốn. Tôi và Mây làm việc chung với nhau, tích cóp dân dần. Đến trước khi Custas đi, tôi đã có một cái máy hát cũ mèm, vài cái áo thun không bị rách nhiều và mấy món đồ chơi nhỏ quăng tứ tung trong “nhà”. Còn Mây có rất nhiều giấy để gấp những con vật nhỏ xinh, báo cũ để ép khoa khô, cả một chiếc lược và một cái chuông gió đã gãy mất ba trong năm thanh thuỷ tinh. Mây treo cái chuông gió chỗ cửa sổ, rồi mặc cho nó kêu leng keng leng keng…
Mây thích cây cỏ, những loại cây có thân thấp có hoa hoặc lá có hương thơm. Mây quá yếu để làm bất kỳ việc gì khác ngoài trồng cây. Trong hành lý của nó lúc mới dọn đến có một túi đất, ba cái chậu nhựa và ba hạt giống khác nhau. Khi trèo lên chỗ nó, tôi hỏi cái gì vậy. Nó trả lời gọn ghẽ: “Rau mùi, rau quế và ớt chuông.”
Tôi ngồi bó gối, nhìn Mây chăm sóc chúng cẩn thận. Những cái hạt lên mầm, nảy cành nảy lá. Mỗi buổi sớm, tôi leo lên chỗ Mây, nhìn nó tưới tắm cho mấy chậu cây và xới đất bằng cái muỗng nhỏ xíu. Nắng rọi ửng thành vệt dài và ấm. Mây phơi mấy cái chậu ngoài nắng. Kế đó, hai đứa tôi im lặng ngồi ngắm những lá những cành đang run rẩy thoát ra từ kẽ mầm. Chậm, thật chậm, đến mức nếu thấy được chúng chuyển động thì mọi thứ khác xung quanh dường như ngưng lại hẳn, kể cả thời gian.
Khi rau mùi đã có nhiều lá và ớt chuông đã có trái ửng, Mây nhổ chúng và túm vào hai cái bao nhựa. Nó chìa ra cho tôi:
“Đem xuống bán dùm tao. Tiền chia đôi.”
Tôi gật đầu, cắp hai bọc cây vào sợi dây quấn quanh lưng, rồi trèo thang đi xuống mặt đất. Tôi bán chúng cho những bà nội trợ đen đúa và hốc hác. Tiền có được, Mây bảo tôi mua thêm hạt giống, chậu nhựa, phân bón và đất trồng từ những chuyến hàng nhân đạo hay từ những tay buôn chợ đen. Bán rau mùi và ớt chuông xong, Mây có thêm bốn hạt hoa chuông xanh và một hạt cà chua. Cây quế vẫn tiếp tục lớn trong cái chậu sứ trắng. Chúng tôi lại trồng thêm chuông xanh và cà chua. Mây giành phần lo lắng cho chúng sinh trưởng, tôi lãnh phần giao dịch với phần còn lại của khu tạm cư. Buổi sáng, tôi lên chỗ Mây, ngẩn ngơ nhìn những mầm non trong nắng mai. Có đôi lần tôi nhìn sang Mây, thấy mắt nó xao động, rưng rưng…
Những chuyển dời đó, chúng ở lại mãi trong lòng tôi, chăng trong mắt tôi, không thể xoá bỏ.
Tôi thường nghe những tiếng rít của máy bay và pháo vút qua vùng trời vùng tạm cư. Những đêm như vậy, tôi chẳng thể ngủ yên, nhiều đêm còn thức trắng. Cây quế toả mùi thoang thoảng, lướt nhẹ theo những tiếng rì rầm trên trời. Bên trên, hẳn Mây cũng chẳng thể ngủ. Mùi quế đánh thức chúng tôi dậy. Không một nguyên do rõ ràng.
Custas là một người hát rong. Cậu ta chơi guitar, thuộc vài giai điệu đồng quê. Những gì tôi biết về cách thức để tồn tại của cậu ta chỉ là vậy. Hầu hết các ngày trong tuần, Custas ra khỏi nhà rất sớm, lưng đeo túi đàn và trở về nhà rất muộn, thở hồng hộc. Custas đàn ở những ngõ ngách tăm tối và dày đặc như mê cung bên dưới. Những buổi xế tàn, không khí chuyển sẫm màu cỏ úa, tôi ló đầu ra nhìn cậu ấy, tóc bù xù lơ xơ trong gió, chân trần và tay cháy nắng. Custas lóng ngóng leo lên cái thang sắt. Tôi cười phá. Nhiều lần, Mây cũng ló đầu ra xem, khanh khách cười. Nó rũ mái tóc dài xuống hai bên má, nhe hai hàm răng và hoác cả miệng ra, đưa cánh tay gầy vẫy vẫy :
“Ê! Này! Bạn gì ơi!”
Nhiều đêm có tiếng máy bay phành phạch, khi máy bay qua rồi, chúng tôi vẫn leo lên mái nhà. Chúng tôi chen chúc và bấu víu lẫn nhau trong một khoảng đặt chân hẹp tí và cao ngất, nhưng không đứa nào thấy sợ hãi. Kể cả Mây. Custas đem theo một cái bánh ngọt, cậu bẻ làm ba phần, tự động giành lấy phần nhỏ nhất cho mình rồi chia đều hai phần to hơn cho tôi và Mây. Bó gối ngồi thu lu trên thanh xà, chúng tôi lặng lẽ nhâm nhi mẩu bánh, ngắm bầu trời không chút mờ đục, đen thẳm và đầy sao. Trên này, tiếng gió át hết mọi thứ. Gió siết lấy thân thể và khiến tôi có cảm giác mình đang tan ra vào màn đêm thăm thẳm. Bên cạnh tôi là Mây và Custas, hai đứa cũng không nói không rằng, chỉ nhìn quanh quất, ngửa cổ nhóng trời và để gió cuốn rối hết tóc. Sao nhiều đến mức tưởng như đưa tay ra thì có thể túm được cả vốc. Có lần Mây làm thử, nó đưa cánh tay khẳng khiu ra hươ hươ. Rồi thất vọng não nề, nó thụt tay xuống. Da nó đã trắng bệch giờ gần như bạc phơ phác, không có màu và không còn trọng lượng. Mây thẫn thờ. Tôi ngó sang Custas, thấy cậu nhìn Mây đăm đăm, như nhìn một giấc mơ không hề có khả năng trở thành sự thực. Con mắt lồi của cậu trở nên không còn chút ánh sáng và bị đêm hoà lẫn.
Mỗi lần như vậy, tôi thấy một cơn quặn trong lòng mình. Cơn đau ấy sâu xa và khiến tôi ray rứt. Về sau, tôi gọi đó là Nỗi Buồn, dù không biết có thực là vậy hay không.
Từ lúc nào không biết, khi tôi phát hiện ra, thì ba đứa tôi đã ngồi rất sát vào nhau rồi. Mây gục đầu lên vai tôi, tôi thì vịn chặt vai Custas. Cứ thế, và cứ thế, khi tiếng máy bay vẫn phành phạch ngang trời. Thỉnh thoảng, bên ngoài hàng rào, một ánh chớp sáng loá vụt lên, kèm theo một chuỗi rì rầm.
Rồi lịm đi.
Chúng tôi như đang cùng nhau chờ đợi cái gì đó, nhưng không biết đó là gì, và cũng không cách nào chạm đến được. Cứ như vậy, chúng tôi lại dựa sát vào nhau hơn, và tôi càng cảm thấy buồn hơn. Cơn đau nằm ngay trong mắt và tai, khiến những gì tôi nhìn thấy hay nghe thấy đều xao xác…
Thường thì một trong ba đứa khởi xướng cho một cuộc trèo lên mái nhà. Nhưng hình như hai đứa còn lại chỉ đợi có vậy. Đêm cũng có, ban ngày trời nắng chói cũng có, hoặc bình minh, hoặc tàn trời, miễn là lúc ấy cả ba đều rảnh. Mây không bận tưới tắm cây cỏ, tôi không bận làm những việc vặt vãnh kiếm chác bên dưới và Custas không bận cầm guitar gảy tưng tưng mua vui ở các đám đông ủ rũ. Lúc ấy, khi một đứa trèo ra ngoài thang và trèo lên mái nhà, cái tiếng động ấy sẽ khiến hai đứa còn lại nhận biết được. Và cũng chẳng cần hô hào, hai đứa sẽ lục tục ra sau. Cái tếng động chui ra ngoài thang và trèo lên mái nhà ấy là cái gì đó không thể nhầm lẫn, và đặc biệt đến mức có tác dụng như một tiếng chuông báo cháy, hoặc cái gì đó tạo phản xạ tức thời.
Mùi quế ngan ngát và tiếng trèo thang là dấu hiệu bắt đầu.
Khi ngồi trên đó, chông chênh giữa thinh không, tôi thấy Mây thành một dải lụa trắng phau run rẩy. Tôi thấy Custas thành một hòn đá im lìm, không hề biết nói, cứ đơn lẻ mãi.
Đến vô cùng.
-
Cuộc chiến bắt đầu lúc nào, tôi không biết. Nhưng khi tôi bắt đầu có ý thức, người ta đã bắn nhau loạn xạ, mà tôi cũng không còn phân biệt đâu là bên tốt, đâu là bên xấu hay không có bên nào là tốt hết hoặc xấu cả. Đất nước bị chia thành những mảnh vụn, mỗi mảnh là một vùng chiếm đóng của một bên có lực lượng quân sự và hàng rào bảo vệ riêng. Có những khu tạm chiếm và những rẻo đất chỉ dành cho việc kéo quân đến đánh nhau ở đó. Bên ngoài hàng rào khu tị nạn của chúng tôi có một khoảnh đất từng là chiến trường. Nơi đấy đất tốt và màu mỡ khủng khiếp, vì xác chết đã phân huỷ ở đó sau nhiều năm. Những lần đi bán cây cỏ cho Mây, tôi vẫn thường lén nhờ người lấy đất ở đó, cho vào bao nhựa đem về với giá không hề rẻ. Vì khu đất hiện tại đang bị tranh chấp giữa hai phe. Bất cứ ai léng phéng đều có thể bị bắn chết mà không cần hỏi nguyên do.
Ngay từ khi tôi còn nhỏ xíu, tôi đã biết thế nào là đánh nhau và giết nhau. Hẳn Mây và Custas cũng vậy. Ba đứa lớn lên ở những thành phố hỗn tạp, đầy sẹo đạn trên tường, vết máu còn nguyên trên phố, các đề can kêu gọi chống bạo loạn với lời lẽ vô nghĩa, với những hố bom và hàng rào quân sự chặn các tuyến đường. Có rất nhiều tiếng đàn ông chửi rủa, đàn bà giày xéo và con nít khóc réo rứt mỗi khi có một quả tên lửa với cái đuôi chói rực như sao băng lao đến mỗi lúc một gần. Sau những đợt pháo kích, nhà cửa chỉ là một nhúm xương khô, hoang tàn. Đánh nhau ngoài chiến trường chưa đủ, các phe phái bắt đầu tung người vào khu dân cư. Trước khi tôi bỏ đi tị nạn, có lần tôi suýt chết khi dám đi vào khu vực cấm để lấy chiếc xe đạp của mình. Chiếc xe đạp ấy về sau đã bị hất tung lên trời, lẫn vào cột khói lửa của một quả bom tự tạo nổ ngay sau nhà. Đó là chiếc xe mà tôi đã năn nỉ mãi ba mẹ mới mua cho từ một cửa hàng bán đồ cũ. Tôi đã từng thề là sẽ quí nó mãi mãi.
Thậm chí, có lần, theo như Mây loáng thoáng nói: người ta đã dùng đến cả chất độc hoá học. Mây nói nó không thể sống quá ba năm nữa, sức đề kháng của nó đang yếu đi từng chút một.
—
Thời gian đó, một thông cáo được đưa ra: Tất cả dân chúng muốn đi khỏi khu vực xung đột có một tuần để đến các khu tạm cư đã thiết lập sẵn. Thế là tôi đi, tự bảo rằng mình chỉ còn là một cọng cỏ trơ trọi và không còn nhà để về nữa. Tôi lẫn vào hàng trăm ngàn người rời bỏ các thành phố trên những chiếc xe tải, xe thồ, hướng về phía biên giới, nơi có một khu tị nạn gần với nước láng giềng trung lập. Nhưng khi tôi chỉ mới đi được nửa đường, đến ngay chân ống khói đây, thì cái thông cáo kia bị bãi bõ.
Ngay lập tức, các phe lại bắt đầu đánh nhau.
Khu tạm tư lúc đó đang là chỗ chiếm đóng của phe mới nổi và muốn tham gia cuộc chiến. Họ bắt đầu rời khỏi khu đất của mình, di chuyển về các vùng có chiến sự. Những túp lều và các mái nhà tạm bị bỏ trống. Ngay lập tức, những người tị nạn chiếm các chỗ trống, các ngôi nhà và chen chúc vào từng ngõ hẻm.
Lúc ấy, tôi gặp Mây và Custas. Hai đứa như từ trên trời rớt xuống, hoặc từ xó xỉnh nào đó mà tôi không hay biết, lù lù chui vào tầm mắt. Câu đầu tiên, cậu ấy hỏi thật thà:
“Bạn cũng đến đây, hở?”
“Ờ” Tôi đáp. Mây lầm lũi gật đầu. Custas moi từ đáy ba lô ra cái bánh ngọt nhân kem sữa, bẻ làm đôi và cho hai đứa tôi mỗi đứa một nửa.
“Bạn ăn đi, của tớ đem theo được đấy. Bạn ngó đói bụng, hả?” Cậu ta nhìn Mây, nó mặc một cái sơ mi cũ rộng thùng thình. Mây đang cúi đầu, bỗng đưa tay giật phắt miếng bánh nhai ngốn ngấu. Tôi ngập ngừng cầm lấy miếng bánh, cắn từng miếng một, chưa kịp khóc đã cười sặc sụa vì cái giọng điệu và cặp mắt lồi của hắn đang giương lên, chong chong ngó chúng tôi.
“Thấy chưa? Bạn đói thật mà!”
Thế là chúng tôi quen nhau giữa cái bụi bặm và đủ thứ mùi hỗn tạp: mùi cháy khét, mui ghỉ sét, mùi người và đất đai ngai ngái. Lúc ấy, nếu như tôi nhớ không lầm, Custas cười toe toét.
-
Custas là gì của tôi, là gì của Mây, tôi không rõ. Có lẽ về sau này tôi vẫn sẽ giữ điều đó như một bí ẩn, cho đến hết đời.
Tôi biết, Custas là một người tử tế và dễ chịu, như Mây vậy. Và cũng nghèo, như cả hai đứa. Custas cũng phải cố gắng để sống. Ngoài những câu nói bình thường và ngô ngố lúc chúng tôi ở trên mái nhà, Custas im lặng tuyệt đối. Bên dưới chỗ tôi, cậu ta chỉ gây ra những tiếng động giản dị của việc đi lại, thở dài, hắt hơi… đại loại vậy. Cậu ấy ra khỏi nhà sớm và trở về lúc trời đã sang màu tối mờ nhạt. Thỉnh thoảng cho chúng tôi bánh ngọt. Đôi khi nói ngô nghê lúc chong mắt lồi như mắt ốc sên khiến tôi cười rũ. Đôi khi toe toét đáp lại cái vẫy tay khẳng khiu của Mây. Đôi khi thò đầu vô ngó tôi đang vẽ những hình thù quái dị bằng nước lên sàn. Nhiều lần ngắm mấy bông hoa cọng cỏ Mây trồng, gật gù bảo “Đẹp”.
Chỉ có thế, thậm chí tôi chưa một lần nghe cậu ấy gảy đàn, và chưa từng mò xuống chỗ cậu. Chúng tôi chỉ gặp nhau trên mái nhà.
Nhưng khi Custas đi rồi, tôi bỗng dưng buồn. Buồn không chịu được. Cái buồn khoan sâu vào lòng, hất tung mọi thứ trong đó ra ngoài, để một mình nó ở lại giữa lòng rỗng toang. Giống như trời đêm bị vốc hết một nắm sao và quẳng đi mất, tự dưng thấy một khoảng không đen ngòm.
-
Điều đặc biệt nhất ở Custas mà tôi từng biết, là có một đêm hắn trèo ra ngoài thang, nhưng không lên mái nhà.
Tôi nhớ rõ, đêm đó Mây khóc. Nhiều lắm. Vì những vệt sáng loá và tiếng ồn phủ khắp bầu trời. Tôi thì đã quen rồi, đêm nào mà chẳng có cái gì đó rì rầm ngang qua? Cuộc xung đột vẫn còn ngay đó, ngày ngày, đêm đêm tiếp diễn.
Những âm thanh và vệt sáng đêm đó, tôi không thể phân biệt nó là loại gì. Là tên lửa. Là máy bay. Là bom nổ? Chỉ biết là chúng cứa rít rất khó chịu. Từ phía xa, chúng kéo lại gần, rì rầm, rồi như một mũi khoan, chúng thọc sâu vào lỗ tai. Tôi đang lim dim trên sàn, bỗng dưng mở to mắt, tai rung dữ dội.
Có nhiều tiếng nổ và ánh chớp liên tiếp loé lên ở đằng xa. Ống khói im ìm trụ vững, nhưng ba cái khoang của chúng tôi run rẩy theo những đợt chấn động. Tôi dán chặt mình xuống nền nhà. Tiếng rầm rì từ lòng đất theo cái ruột rỗng của ống khói truyền đến tận đây. Tôi biết, rõ ràng biết, như thể việc ấy là hiển nhiên: Có những người nữa, những người còn đang cố ngủ cho qua hết một đêm vật vã, những người không không có mái nhà để trèo lên để có chút bình an nhỏ bé. Có những người một khoảnh khắc trước vẫn còn thở, giờ thì đã ngừng. Họ ở một nơi nào đó bên kia hàng rào đánh mốc, trong một trận không kích rất đỗi bình thường. Họ đã chết bình thường, như bao người bên cạnh chúng tôi ngày trước.
Sau khi những đợt dư chấn dịu bớt, tôi nghe thấy, từ bên dưới mình, những âm thanh lạ của Custas. Cậu ấy gảy đàn.
Tôi không biết đấy là bài gì. Bắt đầu bằng những âm trầm nhất, rồi đến những nốt cao hơn, rời rạc từng âm một nhưng liên tiếp nhau trong những tổ hợp, những quãng ngắn. Cậu chuyển những giai điệu thật lạ, chậm rãi, nhưng đến lúc nào đấy thì nghe chói chang khôn xiết. Giai điệu êm lắm, nhưng cứ kéo ra mãi, lẩn quẩn hết cao rồi thấp. Có những âm trầm còn vương lại bên dưới những âm cao và trong veo miên man mãi. Tôi thẫn thờ nghe. Tôi chưa bao giờ được nghe cái gì hay như vậy. Tự dưng có cái gì đó xao động, không định hình nổi và không thể nào nắm bắt, nhưng gần gũi lạ lùng. Một dòng chảy, một mảng mây trôi? Tôi không rõ. Hương quế cứ ngan ngát trong không khí. Khối vô hình ấy cứ tiếp tục xoắn xuýt trong tôi…
Đến khi Custas kết thúc bằng những âm cao nhất và một tiếng vuốt dây rit rít, tôi bàng hoàng.
Lần đầu tiên, tôi thấy đau đến vậy. Cơn đau siết lấy lồng ngực tôi, làm tắc phổi. Tôi mở mắt thao láo. Nhói khôn tả. Cơn đau trực tiếp và quen thuộc, như đã ở sâu trong tôi nhiều ngày nhiều tháng lắm rồi…
Bên trên tôi, Mây bắt đầu nức nở. Rồi tiếng lớn dần, thành nghẹn cứng. Mây khóc, đứt quãng. Tiếng khóc theo hơi quế, lảng vảng trên mặt trên mũi tôi. Nhưng tôi không thể nào đứng dậy được. Tôi nằm yên ở đó, lưng dán xuống sàn và nghe Mây khóc. Tôi không thở được, mồ hôi lạnh đầm đìa.
Tôi nghe tiếng Custas trèo ra ngoài thang. Ban đầu tôi tưởng cậu lên mái nhà, nhưng không phải. Custas lên chỗ Mây. Nó lại càng khóc to hơn nữa. Giống như một đứa trẻ bị bỏ rơi giữa bãi tha ma. Đêm đen kịt, hương quế thoang thoảng, da diết. Trước khi mắt tối sầm lại, tôi nghe tiếng thì thầm, nhỏ xíu từ bên trên.
“Tớ ôm bạn, nha?” – Mây hỏi.
Vậy là… tôi biết, tôi chỉ có một mình.
-
Hôm sau, tôi leo lên mái nhà lúc Custas đi vắng và Mây chưa thức. Tôi ngắm phía chân trời, nơi mấy cột khói đen vẫn còn lưu dấu tích gần nơi mặt trời ló dạng. Tôi ngắm những ngôi sao đang tắt dần, lịm đi vào trời chuyển xanh thẳm xanh.
Gió thổi lạnh ngắt hai má. Tôi chảy nước mắt lúc nào không hay.
Từ đó đến lúc Custas đi, tôi có những chuyến trèo mái nhà một mình như vậy, bỏ cậu ta và Mây lại. Hai đứa nó cũng im. Hành động ấy đúng đắn hay không, tôi chưa hề tự phán xét. Nhưng tôi chỉ đơn giản không chịu được cảnh ngồi cùng với Mây và Custas và thấy mình bị bỏ lại. Dù chỉ một chút cũng không. Tôi nhớ mãi những dư âm của đêm ấy, những ám ảnh về cái gọi là chấm-dứt-tồn-tại cứ bò lan bám rễ trong tim. Tôi nhìn hai cánh tay và lồng ngực mình còn lưu lại những tê dại. Thế rồi tôi phát hiện ra: Mình cũng muốn được ôm xiết bao!
-
Một ngày sau khi Mây mua được cái chuông gió đã vỡ ba trong năm thanh thuỷ tinh, Custas trèo lên mái nhà. Mây định treo cái chuông lên nhưng ngừng lại, trèo ra ngoài với cậu ấy. Như một thói quen không thể chối bỏ, tôi lục đục lên theo.
Trên mái nhà, khi trời chỉ mới chuyển từ đêm sang ngày, Custas nói:
“Tớ sẽ đi, các bạn ạ!”
Cậu chìa cái bánh ngọt ra, như thường lệ, bẻ làm ba phần. Hai phần to cho tôi và Mây, phần nhỏ cho mình. Chúng tôi cùng nhau ăn cái bánh. Khi tôi còn đang ăn dang dở, Custas nói lại:
“Chiều nay tớ sẽ đi khỏi đây, về đằng kia kìa.” Cậu chỉ tay về phía bên kia hàng rào đánh mốc, bảo người nhà đang ở đấy và muốn cậu đến đó.
“Vậy đó. Tớ phải đi, thật.”
Mây khụt khịt mũi, không nói. Tôi cũng im, không biết phải mở miệng làm sao. Tôi nhìn mãi về phía bên kia hàng rào và không thấy gì ở đó. Custas có vẻ bối rối trước hai đứa. Một lúc sau, cậu nói, vẫn cái giọng ngô nghê:
“Tớ muốn về với gia đình tớ mà. Bạn cũng vậy, ha?”
Tôi không còn gia đình nữa. Còn Mây chỉ khẽ lắc đầu.
Lúc ấy, Custas rút trong túi áo ra cái hạt nhăn nheo, hạ giọng và giương mắt lồi nhìn chúng tôi:
“Này, cho bạn. Đậu thần đấy. Bạn chăm sóc nó, hen. Giống như bạn đã chăm sóc mấy chậu cây cỏ ấy mà! Rồi nó sẽ lên, rồi đâm cao mãi, cao mãi. Thế này này!” Cậu giơ tay mình với thẳng lên trời, lúc lắc cánh tay minh hoạ.
Cậu ấy nhìn sang hai đứa tôi lần nữa, đăm đăm: “Bạn sống vui vẻ, hen!”
Lần ngồi trên mái nhà cuối cùng của cả ba đứa tôi là như vậy, trong một ngày trời xanh hơn bao giờ và gió êm ái hơn bao giờ.
Khi Custas trèo xuống cái thang lần cuối cùng, cậu ta trông như một hình ảnh ngược của lần đầu tiên trèo lên. Áo phông, quần ngắn đến gối, giày rách mũi, đeo ba lô trước ngực và túi đàn sau lưng. Cũng lớ ngớ, cũng gió thổi tóc bay phần phật ánh vẻ cháy nắng chiều. Chỉ có khác là lúc ấy Mây đang chăm chú ngó xuống, chau mày chau mặt. Tôi chỉ thò đầu ra liếc một cái cho có, thấy cậu ấy đăm đăm nhìn lên. Tự dưng tôi cảm thấy đôi mắt to và lồi của Custas chỉ còn là hai hạt đậu xa xăm…
Hôm đó, tôi đã tự lấy đi một ít của tôi, ném lên trời cho gió. Lồng lộng.
-
Tôi quẳng cái hạt cho Mây. Lòng nghĩ là sẽ không đả động gì đến nó nữa. Tôi có cái máy hát cũ và mở nhạc tối ngày. Tôi ít lên chỗ Mây hẳn. Ngược lại, Mây cố sức đu người xuống chỗ tôi, hét hết sức bình sinh:
“Ê! Chưa lên mày ơi!”
Có lẽ trong lòng, tôi vẫn còn giận Custas, giận không nguyên cớ. Từ đêm đó, tôi bỗng nghĩ có khi mình ở đây chẳng có lý do nào cả, cũng không nhất thiết phải ở đây. Mình cũng không nhất định cứ phải lên mái nhà với Mây và Custas. Mình không nhất thiết phải thấy nao lòng khi Mây vẫy vẫy tay. Mình không nhất thiết phải ăn bánh của Custas. Mình không nhất thiết cái này, mình không nhất thiết cái nọ…
Cứ vậy, cho đến khi mệt lả rồi ngủ. Tôi không muốn thấy cái hạt nữa, nên nhiều lần Mây xuống, thở hồng hộc, da tái mét, tôi cũng chẳng thèm quan tâm. Tôi giận Mây cũng không thua gì Custas. Tự nhiên tôi giận, vậy thôi. Dù mọi lần, tôi muốn ở bên cạnh nó biết nhường nào.
Cho đến một hôm, Mây chui tọt qua đường cửa sổ vào chỗ tôi. Nó, áo sơ mi trắng bóc rộng thùng thình, tóc dài xoã hai má, nhìn tôi:
“Ê!”
Tôi không trả lời, nhưng chớp mắt nhìn lại nó. Mắt Mây ánh những dao động lạ lùng, như ánh sao buổi rạng đông.
“Mày giận hả?”
Tôi nhún vai.
“Đừng mà” Nó hoang mang.
“Đâuuu có!” Tôi dài giọng, ra vẻ lười biếng.
Mây im một lúc, rồi chìa ra trước mặt tôi cái bánh ngọt nhân kem sữa. Nó xụ mặt nói:
“Bạn ấy gởi mày!”
Tôi ngạc nhiên, chau mày: “Hồi nào?”
“Cái hôm mày leo mái nhà một mình đó.” Mây ráng hít sâu để nói lớn: “Lúc mày lên thì bạn ấy chỉ vừa xuống tới chân ống khói hà. Bạn ấy nhìn lên là thấy. Tao xuống dưới nhà tắm chung thì gặp bạn ấy gần đó. Bạn ấy to mắt ra vầy nè.” Nó cố nhướng đôi mày lên, trông buồn cười khủng khiếp, “…rồi đưa tao cái bánh, nói: “Bạn để cái này cho bạn ấy, hen”. Mày nghe thủng không? Bạn ấy biết mày buồn. Lúc ấy chỉ là tao tự dưng muốn ôm ai đó, và bạn ấy ở ngay đó. Nếu mày ở đó thì tao sẽ ôm mày. Bạn ấy nghe tao khóc và lo, như lo khi mày buồn vậy. Hiểu không?”
Khi tôi chưa kịp định thần lại, Mây đã tiếp tục:
“Ê! Tao ôm mày một cái, được không?”
Tôi mở tròn mắt, nghe gió và mùi quế thoang thoảng luồn qua người mình. Tôi nhìn những xao động nhỏ bé trong mắt Mây. Tôi gật đầu.
Chúng tôi ôm nhau thật chặt. Tôi cảm nhận xương da gầy khẳng khiu nhưng cứng cáp của Mây bằng thân người mình. Tôi nhớ đến dư âm còn mãi của tiếng đàn của Custas đêm đó. Rồi tự dưng, tôi khụt khịt mũi. Mây luồn tay vào tóc tôi, vuốt nhẹ như bù đắp cho tôi phần mà Custas đã lỡ bỏ qua. Tôi thấy mình được lấp đầy, bởi cái mà tôi đã từng ném đi. Cảm giác này dễ chịu biết bao nhiêu. Được ôm ai đó thật chặt và thấy mình đang trút bỏ đi những mảnh vỡ. Có chút bình yên nhuốm màu không khí trong veo, như gió thổi lồng lộng qua ba đứa tôi khi ở trên mái nhà. Tôi khóc rứt, vùi đầu vào vai Mây. Nó bảo:
“Bạn ấy bảo mày sống vui vẻ, bảo tụi mình sống vui vẻ, nhớ không?”
Tôi gật, còn nức nở.
Khi tôi rời khỏi Mây, nhưng tay vẫn đặt lên vai nó, tôi hỏi :
“Còn… cái hạt? Nó không lên thật à?”
Mây nhẹ nhàng lấy tay áo sơ mi trắng lau nước mắt cho tôi, cười toe, khoe hai hàm răng :
“Lên mái nhà coi thử đi mày.”
-
Tôi leo ra cái thang, chầm chậm leo lên mái nhà. Gió ào ạt. Tôi thấy chông chênh, nhưng cũng có thể đó là sự hồi hộp mà thôi. Và khi tôi chạm mắt đến cái miệng ống khói, tôi bụm miệng lại, cay cay mắt.
Trên thanh xà, sát miệng ống khói, một cái chậu nhựa đầy đất đứng vững vàng, được Mây lấy dây kẽm buộc lại cho gió khỏi làm rơi. Từ đất trong chậu, một cây đậu mọc lên tươi tốt, lá rộng bản xanh mượt mà và lay động không ngừng nghỉ theo nhịp điệu của từng đợt gió thốc qua. Có mấy nụ hoa be bé, bao ngoài bằng lớp lông tơ tím xanh run rẩy nhưng trông kiên cường như không thể quật ngã. Chúng ẩn hiện giữa tàn lá rười rượi xanh. Có một thanh nhỏ làm bằng hai cái que nối nhau bằng kẽm cắm trong chậu làm chỗ dựa cho đọt non leo lên. Như Custas đã nói: Đậu thần đấy, nó sẽ vươn cao đến tận đáy của bầu trời.
Mây nói dối. Cái hạt đã sống. Cái cây đã sống! Nhưng điều ấy không còn quan trọng nữa. Tôi chỉ thấy mình đang thực sự tồn tại trước cây đậu, giữa chênh chao lồng lộng.
Tại sao cái việc ý nghĩa vậy mà đến lúc ấy tôi mới nhận ra?
Tôi nhóng mắt về phía xa của mặt đất cong. Custas đang ở bên kia hàng rào. Vẫn vang vọng lại những tiếng nổ rì rầm và tiếng cánh trực thăng xé gió. Cậu không còn bên cạnh chúng tôi nữa. Tôi chớp chớp hai con mắt nhoè. Custas đã xa tôi và xa Mây rồi.
Tôi biết mình quý Mây, nhiều, nhiều lắm.
Và tôi chợt nhận ra, mình cũng quý Custas biết bao…
-
Những hôm sau đó, khi hoa đậu biếc nở, tôi và Mây lại ngồi trên mái nhà. Lúc ấy trời nhập nhoạng tối. Vẫn gió. Vẫn hương quế ngát thơm. Tôi nhìn về phía chân trời nổi những đám sáng mù loà của những vụ nổ, ngắm những quả tên lửa bắn phía xa, đuôi cháy rực như sao băng. Mây dựa đầu vào vai tôi.
“Hết đánh nhau rồi, mày làm gì?” Mây hỏi rất nhỏ.
“Tao à?” Tôi nhẹ đáp, ngước nhìn trời đêm bắt đầu lấp lánh sao: “Tao sẽ đợi cây đậu cho hạt. Tao sẽ lấy con dao nhíp nhỏ và khắc lên vỏ hàng chữ ‘Tớ quý bạn’ hoặc là ‘Sống vui vẻ’. Rồi tao sẽ bán những cái hạt ở khu tạm cư và cả ở bên kia cái hàng rào nữa. Tao sẽ bán những hạt đậu thần của bạn ấy cho đến khi đủ tiền mua chiếc xe đạp mới.”
Tôi quàng tay qua người Mây, bảo với nó rằng lúc đó tôi sẽ đèo nó qua những vùng đất không còn chiến sự, đem theo một hộp bánh ngọt nhân kem sữa thật to để gọi Custas ra. Rồi cả ba chúng tôi sẽ quay lại cái ống khói và ngồi trên mái nhà. Mây cười khanh khách, trong veo.
Hết
--
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro