Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Marley và tôi

Lời nói đầu

Con chó hoàn hảo

* *

Mùa hè năm 1967, khi ấy tôi mới mười tuổi. Cuối cùng trước những lời van nài dai dẳng của tôi, bố cũng phải đầu hàng và cho tôi sở hữu một con chó của riêng mình. Chúng tôi đánh chiếc xe chở hàng của nhà tới vùng nông thôn Michigan, nơi có trang trại của một người phụ nữ thô kệch cùng bà mẹ già. Trang trại chỉ cung cấp duy nhất các loại chó nhà. Những con chó đủ mọi kích cỡ, hình hài, độ tuổi hay tính khí. Chúng chỉ có hai điểm chung: một là con lai không rõ dòng giống, còn hai là miễn phí với những gia đình tốt. Chúng tôi đã tới một trại nuôi chó lai.

- Bây giờ, cứ từ từ mà chọn, con trai. Quyết định hôm nay của con sẽ sống cùng con nhiều năm nữa đây. - Bố nói.

Tôi nhanh chóng xác định những con chó lớn hơn chắc đã thuộc về những cơ sở từ thiện của ai đó. Ngay lập tức tôi chạy tới chuồng chó con.

- Con nên chọn một con không nhút nhát. Thử lắc mạnh lồng xem con nào không sợ hãi - Bố tôi dạy.

Tôi tóm lấy dây xích ở cửa lồng, giật rầm rầm. Cả tá chó con loạng choạng lùi lại, con nọ đè lên đầu con kia, thành một đống nhung nhúc lông lá. Chỉ còn duy nhất một con trụ lại. Nó màu vàng, có vệt lang trắng trước ngực. Nó xô vào cửa lồng, sủa ăng ẳng không tỏ vẻ sợ sệt. Nó nhảy cẫng lên, thích thú liếm ngón tay tôi qua lưới chắn. Đó thực là tình yêu sét đánh.

Tôi mang nó về nhà trong một cái hộp các- tông, đặt cho nó cái tên Shaun. Nó là một trong những con chó đã cho loài chó một cái tên hay. Nó mau chóng nắm vững tất cả những mệnh lệnh tôi dạy và xử sự rất tốt. Tôi có thể đánh rơi mẩu bánh mỳ xuống sàn, nó sẽ không động đến cho tới khi tôi cho phép. Nó chạy đến mỗi khi tôi gọi, ở nguyên đó khi tôi bảo làm thế. Chúng tôi có thể thả nó ra ngoài một mình ban đêm, biết chắc rằng nó sẽ quay về sau khi lượn một vòng. Thi thoảng, chúng tôi có thể nhốt nó ở nhà một mình hàng giờ, tự tin nó sẽ không gặp tai nạn hay phá phách thứ gì đó. Nó chạy đua với ô tô nhưng không đuổi theo chúng, thả bộ bên cạnh tôi mà không cần buộc xích. Nó có thể nhảy xuống hồ nước nhà tôi rồi ngoi lên với những hòn đá to, lắm khi mắc kẹt trong hàm. Với nó không có gì vui hơn việc được đi xe ô tô, ngồi im ở ghế sau bên cạnh chúng tôi trong các chuyến dã ngoại của nhà, hài lòng ngó ra ngoài cửa xe, ngắm nhìn hàng giờ khung cảnh thế giới bên ngoài đang trôi đi. Có lẽ điều tuyệt nhất là tôi đã dạy nó kéo tôi quanh khu theo kiểu xe chó kéo, trong khi tôi ngồi trên xe đạp. Điều này làm đám bạn phải ghen tị với tôi. Chưa một lần nào nó đẩy tôi vào nguy hiểm.

Nó ở bên khi lần đầu tôi hút thuốc (cũng là lần cuối cùng của tôi), và cả khi tôi lần đầu hôn bạn gái nữa. Nó đã ở ngay đó, bên cạnh tôi, trên ghế phụ khi tôi lần đầu lén lấy trộm chiếc Conrvair của anh trai để đi chơi.

Shaun mạnh mẽ nhưng biết kiềm chế, rất tình cảm nhưng điềm tĩnh. Thậm chí nó còn có lối cư xử nhã nhặn cao quý, lùi vào bụi rậm trước khi ngồi xổm làm nhiệm vụ cá nhân, chỉ thò mỗi cái đầu ra ngoài. Nhờ có thói quen sạch sẽ này mà chúng tôi có thể an tâm dạo chân trần trên bãi cỏ.

Họ hàng tới thăm vào cuối tuần rồi về nhà, cũng quyết mua một con chó. Họ cực kỳ ấn tượng với Shaun - còn gọi là "Thánh Shaun" (Saint Shaun), mỗi khi tôi gọi nó. Đó chỉ là một câu đùa trong nhà, chuyện phong thánh, nhưng hầu như chúng tôi đều tin thế. Sinh ra với lời nguyền của dòng dõi vô danh, nó là một trong hàng chục nghìn những con chó chẳng ai đoái hoài ở nước Mỹ. Nhờ một chút may mắn, nó đã được để mắt tới. Nó bước vào đời tôi và tôi cũng bước vào đời nó. Khi ấy, nó đã cho tôi tuổi thơ mà mỗi đứa trẻ đều xứng đáng được hưởng.

Mối tình ấy kéo dài mười bốn năm. Khi nó chết, tôi đã không còn là một thằng bé con mang nó về nhà vào cái ngày hè ấy. Tôi đã là một người đàn ông, tốt nghiệp đại học và nhận việc đầu tiên ở bang. Saint Shaun đã ở lại khi tôi đi. Nó thuộc về nơi ấy. Bố mẹ, lúc đó đã nghỉ hưu, gọi báo tin cho tôi. Mẹ sau này có nói với tôi:

- Suốt năm mươi năm lấy nhau, mẹ chỉ thấy bố con khóc duy nhất hai lần. Lần đầu là khi chúng ta mất Mary Ann (chị gái tôi, bị sinh non). Lần thứ hai là ngày Shaun chết.

Saint Shaun của tuổi thơ tôi. Nó là một con chó hoàn hảo. Ít nhất là tôi sẽ nhớ nó biết nhường nào. Đó là Shaun, con chó đã dựng nên những chuẩn mực để tôi đánh giá tất cả những con chó khác sau này.

Tưởng nhớ tới cha tôi, Richard Frank Grogan.

Tinh thần dịu dàng của ông thắm đượm từng trang sách này.

Chương 1

Thêm Chó Con là thành Ba

Chúng tôi còn trẻ. Chúng tôi đang yêu. Chúng tôi đang nô đùa trong những ngày đầu tuyệt vời của hôn nhân với cuộc sống dường như không thể tốt đẹp hơn. Chúng tôi không thể chỉ hài lòng như thế.

Và rồi một tối tháng Một năm 1991, người vợ mới cưới mười lăm tháng cùng tôi dùng bữa tối và chụm đầu vào một quảng cáo rao vặt trên tờ Bưu Điện Palm Beach.

Sao chúng tôi lại làm chuyện này, tôi cũng không chắc nữa. Vài tuần trước, khi tỉnh dậy vào sáng sớm, tôi thấy giường bên cạnh mình trống trơn. Tôi dậy và thấy Jenny khoác áo choàng tắm ngồi ở bàn kính, ngoài hành lang có mái che ngôi nhà gỗ nhỏ của chúng tôi, đang dùng bút khoanh đánh dấu tờ báo.

Cũng chẳng có gì bất thường với cảnh đó. Tờ Bưu Điện Palm Beach không chỉ là tờ báo địa phương, mà còn là một nửa nguồn thu nhập của gia đình tôi. Chúng tôi vốn là đôi vợ chồng cùng làm báo. Jenny là biên tập viên mục "Điểm nhấn" của tờ Bưu Điện; còn tôi là phóng viên tờ báo cạnh tranh trong vùng, tờ Sun - Sensitel Miền Nam Florida. Tòa soạn của tôi nằm ở Fort Lauderdale, cách chừng một giờ đi xe. Chúng tôi khởi đầu mỗi sáng bằng việc nghiền ngẫm những tờ báo, xem bài của chúng tôi được đăng ra sao, được so sánh với đối thủ như thế nào.

Nhưng sáng nay, Jenny không chúi mũi đọc những trang mới mà lại đọc mục rao vặt. Khi lại gần, tôi thoáng thấy cô ấy luýnh quýnh khoanh dấu mục "Vật nuôi - Chó".

- E hèm… Có thứ gì anh nên biết không nhỉ? - Tôi nhẹ nhàng, giọng một anh chồng mới cưới.

Cô ấy không trả lời.

- Jen-Jen?

- Cái cây. - Cuối cùng thì cô ấy cũng đáp, giọng thoáng chút thất vọng.

- Cây á? - Tôi hỏi.

- Cái cây ngớ ngẩn đó, cái cây chúng ta đã giết ấy.

Cái cây chúng ta đã giết? Tôi không định nhấn mạnh điểm này, nhưng nói chính xác ra thì đó là cái cây tôi mua, còn cô ấy giết chứ. Một buổi tối, tôi đã dành cho cô ấy sự ngạc nhiên với nó, một cây vạn niên thanh dễ thương có những chiếc lá lốm đốm xanh lục và kem.

- Nhân dịp gì thế? - Cô ấy hỏi.

Chẳng gì cả. Tôi tặng nó cho cô ấy chẳng vì lý do nào cả, trừ khi định nói:

- Khỉ thật, cuộc sống hôn nhân này không tuyệt sao?

Cô ấy yêu cả hai, cử chỉ và cái cây, cảm ơn tôi bằng cách vòng tay qua cổ, rồi trao tôi một nụ hôn. Sau đó, rất nhanh chóng, cô ấy giết món quà tôi tặng với bản năng tàn nhẫn của một sát thủ. Không hẳn là cô ấy cố tình làm thế. Có thể cô ấy đã chăm bón cái cây tội nghiệp tới chết. Jenny không có khiếu chăm sóc cây lắm. Cứ cho là tất cả các vật sống đều cần nước, nhưng hình như quên béng mất chúng cũng cần không khí nên cô ấy bắt đầu tưới ngập cây vạn niên thanh mỗi ngày.

- Cẩn thận đừng làm úng nó! - Tôi đã cảnh báo.

- Được rồi. - Cô ấy đáp, và lại đổ thêm một ga-lông nữa.

Cái cây càng yếu, cô ấy càng tưới, tới khi nó biến thành một đống gì đó nhão nhão như bùn. Tôi nhìn bộ khung rũ rượi của nó trong bình hoa cạnh cửa sổ, thầm nghĩ, Ôi, ai mà tin vào các điềm báo, có lẽ phải có nguyên một ngày đáng nhớ với cái thứ này.

Giờ thì không biết thế nào cô ấy lại đang thay đổi chớp nhoáng từ thực vật chết trong cái bình sang động vật sống trong mục rao vặt thú nuôi. Giết một cái cây, mua một con chó. Hay đấy, một câu hoàn hảo.

Tôi lại gần hơn, ngó tờ báo trước mặt cô ấy và thấy một quảng cáo đặc biệt trông có vẻ đã cuốn hút vợ mình. Cô ấy đánh dấu ba ngôi sao đỏ chót bên cạnh nó. "Chó Lab con - màu vàng. AKC [1] thuần chủng. Bố mẹ đều là chó nhà."

- Liệu… Em có thể trông nom cái món vật nuôi - cây trồng này cùng anh một lần nữa không? - Tôi ngập ngừng.

- Anh biết đấy. - Jenny ngước nhìn lên - Em đã nỗ lực rất nhiều, vậy mà xem chuyện gì xảy ra đấy. Thậm chí em còn không giữ cho một cái cây cảnh ngu xuẩn sống được. Ý em là, sao việc đó lại khó thế? Tất cả những gì cần làm chỉ là tưới cho cái thứ chết tiệt đấy thôi mà.

Cô ấy bắt đầu nói tới vấn đề thực sự:

- Nếu em không chăm nổi một cái cây sống, thì làm sao em có thể nuôi sống một đứa bé đây? - Trông cô ấy như sắp phát khóc.

Cái Thứ Đứa Bé, như tôi gọi nó, đã trở thành một hằng số trong đời Jenny và mỗi ngày một lớn hơn. Khi chúng tôi lần đầu gặp nhau, ở một tờ báo nhỏ miền tây Michigan, cô ấy mới tốt nghiệp đại học vài tháng. Cuộc sống trưởng thành nghiêm túc dường như vẫn là một khái niệm xa vời. Với cả hai chúng tôi, đó là công việc đầu tiên ngoài trường học. Chúng tôi chén no nê pizza, uống thật nhiều bia, và không mảy may nghĩ tới khả năng một ngày nào đó trở thành một người khác, thay vì những khách hàng trẻ tuổi, độc thân và hoàn toàn tự do của món pizza và bia.

Nhưng năm tháng qua đi. Chúng tôi vừa mới bắt đầu hẹn hò thì những cơ hội việc làm khác nhau, rồi khóa đào tạo sau đại học một năm của tôi, đã kéo chúng tôi rẽ theo hai ngả dọc miền Đông nước Mỹ. Ban đầu chúng tôi chỉ cách nhau có nửa giờ xe. Sau thành ba giờ. Rồi thì tám, và hai mươi tư giờ. Theo thời gian, cả hai chúng tôi cùng tới Nam Florida và quyết định cắm rễ ở đây. Cô ấy đã gần ba mươi. Bạn bè cô ấy đều đã con cái đầy đủ. Cơ thể đang gửi những thông điệp kỳ lạ cho chính cô ấy, rằng cánh cửa bất diệt của cơ hội sinh nở dường như đang chầm chậm khép lại.

Tôi quàng tay qua vai vợ, hôn lên tóc cô ấy.

- Ổn thôi mà em. - Tôi thì thầm.

Nhưng tôi cũng phải thừa nhận, cô ấy đã đưa ra một câu hỏi hay. Cả hai chúng tôi chưa bao giờ thực sự nuôi dưỡng một thứ trong đời. Dĩ nhiên rồi, chúng tôi vốn lớn lên cùng những vật nuôi, nhưng kỳ thực thì chuyện đó cũng không đáng tính lắm. Chúng tôi luôn biết bố mẹ sẽ chăm chúng sống khỏe mạnh. Cả hai chúng tôi hiểu một ngày mình sẽ muốn có con, nhưng liệu mình đã thực sự sẵn sàng cho việc đó chưa? Những đứa bé quả thực rất… rất… đáng sợ. Chúng không tự lực được, lại yếu ớt, cảm giác như dễ dàng vỡ vụn nếu bị đánh rơi.

Một nụ cười thoáng nở trên khuôn mặt Jenny:

- Em nghĩ có khi một con chó sẽ là bài thực hành tốt.

Chúng tôi lái xe qua màn đêm, thẳng hướng Tây Bắc ra khỏi thị trấn. Vùng ngoại ô West Palm Beach mờ dần trong khung cảnh miền quê trải dài. Tôi cứ nghĩ mãi về quyết định mang một con chó về nhà. Đó là một trách nhiệm khổng lồ, nhất là với hai người làm việc cả ngày. Giờ thì chúng tôi đã biết mình sắp sửa trải qua điều gì. Cả hai chúng tôi đều lớn lên cùng những con chó. Chúng tôi yêu chúng vô cùng. Tôi có Saint Shaun, còn Jenny cũng có Saint Winnie, con chó xù Anh Quốc rất được thương yêu của nhà cô ấy. Những hồi ức thơ ấu hạnh phúc nhất của chúng tôi hầu như đều có mặt những con chó đó. Trượt tuyết với chúng, bơi với chúng, chơi với chúng, gặp rắc rối cũng với chúng luôn. Nếu Jenny thực lòng chỉ muốn một con chó để rèn giũa kỹ năng làm mẹ, tôi sẽ cố gắng bình tĩnh trò chuyện và có thể xoa dịu cô ấy bằng một con cá vàng. Nhưng khi biết ngày nào đó mình muốn có con, chúng tôi đều hiểu rằng tổ ấm của mình không thể hoàn thiện mà không có một con chó nằm dài dưới chân. Hồi còn đang hẹn hò, rất lâu trước khi những đứa trẻ là mối quan tâm, chúng tôi đã dành hàng giờ trò chuyện về những con vật thời thơ ấu. Chúng tôi nhớ chúng biết bao, chúng tôi mong ngóng như thế nào một ngày lại nuôi một con chó, khi chúng tôi đã có một ngôi nhà riêng và ổn định cuộc sống.

Giờ chúng tôi đã có cả hai. Chúng tôi sống chung dưới một mái nhà, nơi chúng tôi không có ý định sớm chuyển đi. Và chúng tôi có một ngôi nhà - hoàn toàn là của chúng tôi.

Đó là một ngôi nhà nhỏ hoàn hảo trên một khoảnh đất rộng chừng một phần tư mẫu Anh, có hàng rào, cực kỳ thích hợp nuôi một con chó. Khu dân cư cũng rất ổn, một khu đô thị hiện đại, cách một lô rưỡi là tới Intracoastal Waterway, tách biệt West Palm Beach với những khu biệt thư riêng của Palm Beach. Ở cuối con phố nhà tôi, phố Churchill, một công viên cây xanh và con đường lát trải dài hàng dặm dọc theo khu bến tàu. Thật lý tưởng cho chạy bộ, đạp xe đạp và trượt pa-tanh. Hơn hết, là để dắt chó đi dạo.

Ngôi nhà được xây những năm 50, có vẻ quyến rũ của Florida cổ, với một lò sưởi, tường thạch cao thô nhám, cửa sổ lớn lộng gió, hành lang sau nhà có mái che. Khoảnh sân là một thiên đường nhiệt đới nho nhỏ, tràn ngập cọ, dứa, lê tàu và những cây húng chanh sáng màu. Nổi bật giữa mảnh đất là một cây xoài vươn cao vút. Mỗi hè, những trái chín nặng trĩu thi nhau rụng, tạo thành những tiếng thịch lớn, đến độ kỳ cục, nghe như tiếng người rơi xuống từ mái nhà. Chúng tôi nằm thức trên giường và lại nghe Thịch! Thịch! Thịch!

Chúng tôi mua căn nhà gỗ hai phòng ngủ, một phòng tắm chỉ vài tháng sau khi trở về từ tuần trăng mật. Ngay lập tức chúng tôi bắt tay trang trí lại ngôi nhà. Chủ cũ của nó là một nhân viên bưu điện nghỉ hưu sống cùng với vợ, những người rất yêu màu xanh lá cây. Vữa trát ngoài màu xanh lá. Tường trong nhà màu xanh lá. Màn cửa xanh lá. Cửa chớp xanh lá. Cửa trước xanh lá. Tấm thảm, thứ mới được sắm để dễ bán ngôi nhà, cũng xanh lá nốt. Không phải màu xanh rêu vui vẻ, xanh ngọc mát mẻ, hay thậm chí vàng chanh táo bạo, mà là một màu xanh-của-món-súp-đậu-hà-lan-nôn-ra-từ-trong-ruột cùng với đồ trang trí bằng ka-ki. Trông ngôi nhà không khác gì một trại lính dã chiến.

Đêm đầu tiên trong ngôi nhà, chúng tôi lật từng centimet tấm thảm xanh lá mới rồi kéo lê nó về phía chân tường. Chỗ tấm thảm lộ ra, chúng tôi thấy sàn lát gỗ sồi còn mới nguyên, phải nói là, chưa từng bị trầy một xíu vì dấu giày. Chúng tôi cẩn thận đánh bóng nó bằng cát và vec-ni tới mức sáng bóng. Rồi chúng tôi ra ngoài, bạo tay chi gần hai tuần lương để mua một tấm thảm Ba Tư dệt tay. Nhiều tháng sau, chúng tôi sơn lại mọi bề mặt xanh lá, thay luôn đủ thứ đồ đạc xanh lá. Căn nhà của ông nhân viên bưu điện dần dần cũng trở thành nhà của chúng tôi.

Khi chúng tôi sắp đặt mọi thứ ăn khớp với nhau, dĩ nhiên, chỉ còn mỗi việc có ý nghĩa là đem về nhà một anh bạn bốn chân, to lớn với móng chân sắc nhọn, răng bự, kỹ năng tiếng Anh cực kỳ hạn chế, để lại xé tan nát chúng ra.

- Từ từ thôi anh, không anh đi quá đấy. Vài giây nữa là tới rồi. - Jenny rầy rà.

Chúng tôi lái xe xuyên qua màn đêm, băng qua vùng vốn xưa kia từng là đầm lầy, được tháo nước sau Thế chiến Thứ Hai để làm ruộng, rồi sau đấy dân ngoại thành tới định cư hòng tìm kiếm cuộc sống yên bình ở nông thôn.

Khi Jenny nhắc, đèn pha xe tôi ngay lập tức rọi vào một hộp thư ghi đúng địa chỉ chúng tôi đang tìm. Tôi bẻ lái quặt vào con đường rải sỏi dẫn tới một khu nhà gỗ lớn. Có một ao nước phía trước ngôi nhà và một chuồng ngựa nhỏ phía sau. Ở cửa, một người phụ nữ trung niên tên Lori chào đón chúng tôi. Một con chó tha mồi lông vàng to lớn, bình tĩnh đứng ngay bên cạnh.

- Đây là Lily, bà mẹ đáng tự hào. - Lori giới thiệu, sau khi chúng tôi nói về mình.

Chúng tôi có thể thấy năm tuần sau khi sinh, bụng Lily vẫn còn to phình, các núm vú thì nổi rõ. Cả hai chúng tôi quỳ xuống. Con chó đón nhận thiện chí của chúng tôi. Nó chính là những gì chúng tôi hình dung về một con chó Lab – dịu dàng, tình cảm, điềm tĩnh và đẹp tuyệt vời.

- Con bố đâu rồi nhỉ? - Tôi hỏi.

- Ồ. - Người đàn bà nói, thoáng ngập ngừng giây lát - Sammy Boy hả? Chắc nó lại loanh quanh đâu đó đây mà.

Bà tay mau miệng nói thêm:

- Tôi tưởng anh chị đang muốn xem đàn chó con chứ.

Bà ta dẫn chúng tôi đi qua bếp, tới một phòng để dụng cụ được sắp xếp giống phòng dành cho trẻ. Ở góc phòng là một hộp dẹt, lót bằng khăn tắm biển cũ kỹ. Nhưng chúng tôi chẳng để ý đến mấy cái đó lắm. Làm sao chúng tôi có thể khi thấy chín chú chó con nhỏ xíu lông vàng đang đè lên nhau, kêu ầm ĩ để ghi danh với những vị khách muộn nhất ghé thăm? Jenny há hốc miệng kinh ngạc:

- Chúa ơi - cô ấy thốt lên - Em không nghĩ em từng được thấy thứ gì dễ thương như thế này trong đời.

Chúng tôi ngồi xuống sàn, để lũ chó con trèo cả lên người, trong khi Lily hạnh phúc nhảy nhót xung quanh, đuôi ve vẩy, mũi thúc thúc từng đứa con để chắc chắn tất cả vẫn ổn. Tôi đã thỏa thuận với Jenny trước khi đồng ý tới đây là phải kiểm tra xem xét đám chó con, hỏi vài câu, rồi xem liệu chúng tôi có sẵn sàng đưa một con về nhà hay chưa.

- Đây là quảng cáo đầu tiên mình xem thử. Đừng vội vàng quyết định. – Tôi nhắc.

Nhưng chỉ mất ba mươi giây, tôi biết mình đã thua trong cuộc chiến. Không còn nghi ngờ gì nữa, trước đêm nay, một con trong đám này sẽ là của chúng tôi.

Lori là một người nuôi chó để bán. Khi mua chó thuần chủng, chúng tôi thực ra chỉ là những tay học việc, nhưng dù sao cũng tìm hiểu, đủ để biết phải tránh xa những nơi gọi là trại nuôi chó. Đó là những nơi nuôi chó vì mục đích kiếm lời, cho ra đời hàng loạt những con chó nòi thuần chủng y như hãng Ford sản xuất xe Taurus. Nhưng ô tô còn sản xuất hàng loạt được, chứ những con chó nòi mà cho xuất chuồng hàng loạt thì có thể mắc phải những vấn đề di truyền nghiêm trọng, trải qua chứng loạn sản dẫn tới mù sớm, nguyên nhân là do giao phối giữa các thế hệ gần nhau.

Tuy nhiên, Lori cũng là một người có sở thích riêng, dành tình yêu cho việc chăn nuôi hơn là lợi nhuận. Bà ta chỉ nuôi mỗi một con đực và một con cái. Chúng có hai huyết thống khác nhau. Bà ta có giấy phép chứng minh chuyện này. Đây là lứa thứ hai, cũng là lứa cuối cùng trước khi Lori lui về để tận hưởng cuộc sống thôn dã yên bình của một người chăm thú nuôi. Với việc có cả con bố và mẹ trong nhà, người mua có thể trực tiếp thấy ngay nòi giống - dù trong trường hợp chúng tôi thì con bố hình như đã ra ngoài mất tiêu rồi.

Trong ổ có năm con cái, đều đã được đặt mua hết, trừ một con và bốn con đực nữa. Lori ra giá 400 đô-la cho con cái và 375 đô-la cho mỗi con đực. Một trong mấy con đực dường như đặc biệt thích thú với chúng tôi. Nó là con ngố nhất trong hội, nhảy xổ tới, lăn tròn vào lòng, rồi bám lên áo để liếm mặt chúng tôi. Nó gặm ngón chân chúng tôi bằng mấy chiếc răng sữa sắc nhọn đáng ngạc nhiên và nhảy tưng tưng quanh chúng tôi trên bốn cái chân vàng sậm, to bự, chẳng cân xứng tẹo nào với phần còn lại của cơ thể.

- Anh chị có thể lấy con đó với giá 350 đô-la. - Chủ nó nói.

Jenny vốn là người chuyên săn hàng hạ giá đến phát khùng. Cô ấy lôi đủ các thứ về nhà, những thứ chúng tôi không muốn, cũng chẳng cần, đơn giản chỉ vì chúng có giá hấp dẫn không thể bỏ qua được. "Em biết là anh không chơi gôn", có hôm cô ấy nói thế với tôi, trong khi lôi một bộ gậy đánh gôn cũ ra khỏi xe. "Nhưng anh sẽ không tin được giá em mua những thứ này đâu". Lúc này tôi thấy ánh mắt cô ấy sáng bừng lên:

- Anh yêu. - Jenny thủ thỉ - Gã tí hon này nằm trong diện thanh lý đấy!

Tôi phải thừa nhận là con chó trông thật đáng yêu. Cũng nghịch ngợm nữa. Trước khi nhận ra nó có đủ khả năng làm gì thì thằng oắt con đã gặm mất một nửa cái dây đeo đồng hồ của tôi.

- Mình phải làm bài kiểm tra độ sợ hãi đã. - Tôi từ tốn.

Hồi trước, nhiều lần tôi kể cho Jenny chuyện lúc còn bé tôi chọn Saint Shaun như nào. Bố tôi đã dạy tôi di chuyển bất ngờ, hoặc làm gì đó ầm ĩ để tách những con nhút nhát khỏi những con tự tin. Ngồi giữa đàn chó con, Jenny liếc mắt nhìn tôi, vẻ e dè trước lối cư xử kỳ cục của nhà Grogan.

- Thật đấy. Nó có tác dụng mà. - Tôi quả quyết.

Tôi đúng dậy, quay lưng đi xa khỏi lũ chó con. Sau đó tôi quay ngoắt người lại, bất thình lình bước một bước về phía chúng. Tôi giậm mạnh chân, quát to “Hây!” Chẳng con nào buồn bận tâm với những hành động kỳ cục này. Nhưng có duy nhất một con đâm đầu lao tới. Đó là Con Chó Thanh Lý. Nó lao hùng hục vào tôi, quẳng cả thân mình vào mắt cá chân rồi nhảy bổ vào dây giày tôi như thể chắc chắn chúng là những kẻ thù nguy hiểm cần phải tiêu diệt.

- Em nghĩ đây là định mệnh.

- Em nghĩ thế à? - Tôi nói, trong khi xốc nó lên, giữ bằng một tay trước mặt mình, dò xét mặt nó. Nó nhìn tôi bằng đôi mắt nâu cảm kích rồi gặm mũi tôi. Tôi đẩy nó vào tay Jenny, nó cũng làm như thế với cô ấy.

- Nó có vẻ khoái chúng ta đấy. - Tôi thích thú.

Rồi điều gì đến cũng đến. Chúng tôi viết séc 350 đô-la cho Lori. Bà ta bảo chúng tôi có thể quay lại đón Con Chó Thanh Lý về nhà sau ba tuần nữa, khi nó được tám tuần tuổi và đã cai sữa. Chúng tôi cảm ơn Lori, ôm bà ta lần cuối, rồi nói lời tạm biệt.

Đi ra xe, tôi quàng tay qua vai Jenny, kéo cô ấy lại sát bên mình.

- Em có tin được không? Chúng ta thực sự đã có con chó của mình rồi!

- Em không thể đợi để mang nó về nhà mất. – Giọng cô ấy xúc động.

Vừa mới tới xe, chúng tôi nghe thấy tiếng rung chuyển phát ra từ khu rừng. Có thứ gì đó đang chạy rầm rập qua các bụi cây – và đang thở phì phò. Nghe như cảnh trong phim kinh dị. Nó đang tiến về phía chúng tôi. Chúng tôi chết lặng, chỉ còn biết nhìn chăm chăm vào bóng tối. Tiếng động mỗi lúc một lớn hơn, gần hơn. Trong chớp nhoáng, thứ đó vọt ra bãi đất trống, lao về phía chúng tôi. Một bóng mờ màu vàng. Một bóng mờ màu vàng to bự. Khi nó phi nước đại qua, không dừng lại, thậm chí dường như chẳng thèm để tâm tới chúng tôi, có thể thấy đó là một con chó tha mồi Labrador khổng lồ. Nhưng nó không giống như Lily dễ thương chúng tôi vừa mới âu yếm trong nhà. Con này ướt sũng, bụng trét đầy bùn và quả gai. Lưỡi nó vắt hẳn sang một bên, bọt mép rơi lã chã khỏi hàm khi nó chạy qua. Trong tích tắc, tôi thoáng nhận thấy một ánh nhìn kỳ lạ, hơi cuồng dại, không biết thế nào còn có vẻ phấn khích trong mắt nó. Như thể con vật này vừa trông thấy một con ma – và không thể bị kích động hơn vì điều đó.

Sau đó, với tiếng rống như của bầy trâu đang chạy toán loạn, nó vòng ra sau khu nhà, biến mất khỏi tầm nhìn. Jenny thở hắt ra.

- Anh nghĩ - Tôi nói, ruột vẫn hơi quặn quặn buồn nôn - Chúng ta vừa gặp Con Bố.

Chương 2

Dòng Dõi Quý Phái

Việc đầu tiên của chúng tôi trong vai trò chủ chó là nổ ra một cuộc chiến. Cuộc chiến bắt đầu ngay lúc trên đường từ trang trại về nhà rồi tiếp tục lằng nhằng suốt cả tuần sau. Chúng tôi không tài nào thống nhất gọi tên Con Chó Thanh Lý của chúng tôi như thế nào. Jenny dập tắt gợi ý của tôi, và tôi cũng dập tắt ngay ý định của cô ấy. Cuộc cãi vã lên đến đỉnh điểm vào một buổi sáng trước khi chúng tôi đi làm.

- Chelsea? - Tôi nói. - Tên y như tên gà con. Không chú chó nào lại muốn mang cái tên Chelsea cả.

- Cứ làm như nó hiểu ấy. - Jenny lẩm bẩm.

- Thợ săn. - Tôi hào hứng - Thợ Săn - thật hoàn hảo.

- Thợ săn á? Anh đùa à? Anh đang ở đâu, trong chuyến đi săn à? Nghe đàn ông quá nhỉ. Đấy là anh còn chưa bao giờ đi săn được lấy một ngày trong đời.

- Nó là một con đực. - Tôi nổi nóng - Nó được coi là đàn ông. Đừng có biến chuyện này thành một bài diễn văn nữ quyền của em nhé.

Câu chuyện trở nên không ổn. Tôi tháo găng tay ra. Khi Jenny sắp phản kháng, tôi nhanh chóng chuyển chủ đề tranh cãi về đề xuất chính của mình.

- Louie thì có gì không được nhỉ?

- Không có gì, nếu anh là nhân viên bán xăng. - Jenny cáu kỉnh.

- Này! Xem này! Đó là tên ông anh đấy. Anh nghĩ hay là ta gọi nó theo tên ông em nhé? “Chó ngoan, Bill!”

Trong lúc cãi cọ, Jenny lơ đễnh bước về phía đài, ấn nút play trên đó. Đó là một trong những chiến thuật đấu tranh trong hôn nhân của cô ấy. Khi có chuyện, hãy át tiếng đối phương. Những giai điệu reggae du dương của Bob Marley bắt đầu phát nhè nhẹ qua dàn loa, tác động gần như ngay lập tức, làm dịu cả hai.

Chúng tôi mới chỉ biết đến ca sĩ quá cố người Jamaica khi từ Michigan tới miền Nam Florida. Sống giữa vùng lạch nước nhàm chán ở Upper Midwest, ngày nào chúng tôi cũng đều đặn được cho thưởng thức món nhạc của Bob Seger và John Cougar Mellencamp. Nhưng ở đây là Nam Florida, âm nhạc của Bob Marley vang lên khắp mọi nơi, thậm chí hàng thập kỷ sau khi ông mất. Chúng tôi nghe nhạc của ông trên radio khi lái xe xuống vùng Biscayne Boulevard. Chúng tôi nghe khi nhấm nháp cà phê cubanos ở Little Havana, ăn thịt gà muối Jamaica ở những quán cóc nhỏ trong khu nhà tồi tàn của dân nhập cư phía Tây Fort Lauderdale. Chúng tôi nghe khi lần đầu nếm thử món ốc biển tẩm bột rán trong Lễ Hội Goombay Bahama ở tiểu khu Rừng Dừa Miami, rồi cả khi đi mua đồ mỹ thuật Haiti ở Key West nữa.

Càng khám phá, chúng tôi càng yêu mến mảnh đất Nam Florida và càng yêu nhau hơn. Dường như Bob Marley luôn hiện hữu trong những thời khắc ấy. Ông ấy ở đó, khi chúng tôi tắm nắng trên bãi biển, khi chúng tôi sơn lại những bức tường xanh lét của ngôi nhà, cũng như khi bình minh chúng tôi nghe rõ tiếng kêu thất thanh của lũ vẹt hoang, rồi quấn lấy nhau dưới những tia nắng ban mai đầu tiên lọt qua tán cây hồ tiêu Braxin bên ngoài cửa sổ. Chúng tôi đã phải lòng âm nhạc của ông vì chính nó, nhưng cũng vì những khoảnh khắc ấy trong cuộc đời mỗi chúng tôi, khi hai con người con người riêng lẻ hòa vào làm một. Bob Marley là nhạc nền cho cuộc sống mới bên nhau của chúng tôi, ở giữa chốn kỳ lạ, tuyệt đẹp, sôi nổi chẳng giống bất cứ nơi nào chúng tôi từng sống trước đây.

Và lúc này, dàn loa đang phát ra bài hát ưa thích của chúng tôi. Chúng tôi yêu bài hát ấy vì nó quá hay, hay đến tê tái lòng người, và vì nó gửi tới chúng tôi những thông điệp quá đỗi rõ ràng. Tiếng hát của Marley tràn ngập khắp căn phòng, lặp đi lặp lại điệp khúc. “Có phải đây tình yêu tôi cảm nhận?” Thế là cùng một lúc, như trong một bản hợp xướng hoàn hảo đã tập dợt hàng tuần, chúng tôi đồng thanh, “Marley!”.

- Chính nó! - Tôi la lên - Đó là tên của chúng ta.

Jenny mỉm cười, một dấu hiệu tốt. Tôi thử ngay:

- Marley, lại đây! Marley, dừng lại! Cậu bé ngoan, Marley!

- Mày thực là một nhóc dễ thương, Marley! - Jenny phụ họa theo.

- Này, anh nghĩ ổn rồi đấy. - Tôi nói. Jenny cũng thấy thế. Cuộc tranh cãi chấm dứt. Chúng tôi đã có tên cho chú chó con.

Đêm hôm sau, sau bữa tối, tôi vào phòng ngủ, thấy Jenny đang đọc sách.

- Anh nghĩ chúng ta cần làm cho cái tên thú vị hơn một chút.

- Anh nói gì thế? Cả hai ta đều thích cái tên đó mà.

Tôi vừa xem giấy đăng ký từ Câu lạc bộ nuôi Chó Mỹ (AKC). Là một con chó tha mồi Labrador thuần chủng, có bố mẹ đều đã được đăng ký, Marley cũng được quyền đăng ký ở AKC. Đây là điều duy nhất thật sự cần thiết nếu bạn định nuôi dạy hay trình diễn chó nhà mình, trong trường hợp không còn phần nào của giấy phép quan trọng hơn. Với một vật nuôi trong nhà thì điều đó thật vô nghĩa, chẳng cần thiết lắm. Nhưng tôi có nhiều kế hoạch lớn với Marley của chúng tôi. Đây là lần đầu tiên tôi thực sự sống chung với việc tự tay nuôi nấng thứ gì đó, tính cả gia đình tôi. Giống như Saint Shaun, con chó thời thơ ấu, tôi vốn là một gã ngốc có gốc gác chẳng rõ ràng chút nào. Dòng dõi nhà tôi đại diện cho nhiều quốc gia còn hơn cả Liên Minh Châu Âu. Con chó này là dòng dõi quý phái nhất tôi từng có. Và tôi không định khước từ bất cứ cơ hội nào do nó mang lại. Phải thú thực tôi cũng là một gã hơi háo danh. Tôi đề xuất:

- Giả sử chúng ta muốn ghi danh nó cho các cuộc thi. Có bao giờ em thấy một con chó vô địch lại chỉ có một tên chưa? Chúng luôn có những danh hiệu dài dòng, kiểu như Ngài Dartworth xứ Cheltenham chẳng hạn.

- Và ông chủ của nó, Ngài Dorkshire xứ West Palm Beach - Jenny chọc.

- Anh nghiêm túc đấy - Tôi nói tiếp - Chúng ta có thể kiếm bộn tiền nếu cho nó đi cấy giống. Em có biết mọi người trả bao nhiêu tiền cho những con chó giống hàng đầu không? Tất cả chúng đều mang những cái tên khác thường.

- Cứ làm gì anh muốn đi, anh yêu. - Jenny đáp, rồi lại chúi mũi vào đọc sách.

Sáng hôm sau, sau một đêm dài động não, tôi dồn cô ấy vào phía chậu rửa trong nhà tắm và thông báo:

- Anh đã có một cái tên hoàn hảo đây.

Jenny nhìn tôi ngờ vực:

- Nói em nghe nào.

- Được rồi. Em sẵn sàng chưa. Nghe đây.

Tôi nhà từng chữ rơi chầm chậm khỏi môi mình.

- Marley… Oai Vệ… của Grogan… xứ Churchill. - Ôi, tôi thầm nghĩ, nghe có vương giả không chứ lại.

- Ôi trời - Jenny ngạc nhiên - Nghe có ngớ ngẩn không vậy.

Tôi chẳng quan tâm. Tôi là người làm giấy tờ, và tôi đã sẵn sàng điền tên rồi. Bằng mực nhé. Jenny có thể mỉa mai tất cả những gì cô ấy muốn. Nhưng khi Marley Oai Vệ của Grogan xứ Churchill giành ngôi cao nhất ở Cuộc thi của Câu lạc bộ nuôi chó Westminster vài năm nữa, khi tôi kiêu hãnh dắt nó dạo một vòng trước khán giả truyền hình quốc tế, chúng tôi sẽ thấy ai mới là người được quyền cười.

- Được rồi, ngài công tước kỳ cục của em. - Jenny mỉm cười - Ăn sáng nào

Chương 3

Về nhà

Trong lúc đếm ngược từng ngày để mang Marley về nhà, tôi chậm chạp bắt đầu công việc nghiên cứu về giống chó tha mồi Labrador. Tôi nói chậm vì hầu như mọi thứ tôi đọc đều đưa ra những lời khuyên tốt như nhau: Trước khi mua một con chó, phải chắc chắn bạn đã nghiên cứu triệt để giống ấy để biết bạn đang gặp chuyện gì. Tệ quá!

Ví dụ một người sống trong căn hộ, chắc chắn không thể sống tốt với một con Saint Bernard. Một gia đình có trẻ con có thể muốn tránh nuôi giống chó su Trung Quốc, vốn là loại đôi khi hơi khó lường. Một người lười biếng chỉ biết chúi mũi vào tivi, muốn một con chó cảnh để cùng lãng phí hàng giờ đồng hồ trước màn hình, rất có thể sẽ nổi điên với một con chó cô-li, giống chó coi chạy nhảy và làm việc là niềm vui.

Tôi thừa nhận là Jenny và tôi hầu như chưa nghiên cứu gì trước khi quyết định mua một con chó tha mồi Labrador. Chúng tôi chọn giống dựa trên mỗi tiêu chuẩn duy nhất: vẻ ngoài. Chúng tôi thường ngưỡng mộ chúng với các chủ nhân dọc theo đường đi xe đạp ở khu Intracoastal Waterway - họ nhảy nhót vui đùa, trông thật yêu đời, với cảm xúc nồng nàn không thường thấy trên đời. Thậm chí, quyết định của chúng tôi không chịu ảnh hưởng bởi cuốn “Cẩm nang về chó” - kinh thánh về các giống chó do Câu lạc bộ nuôi Chó Mỹ xuất bản, hay bởi bất kỳ chỉ dẫn đáng tin cậy nào khác. Nó chịu ảnh hưởng bởi một tác phẩm khác viết về chó cũng rất có trọng lượng, cuốn “Bên kia thế giới” của Gary Larson. Chúng tôi là fan cuồng của tranh biếm họa. Larson lấp đầy những trang vẽ của mình bằng hình ảnh những con chó Lab tinh tế, dí dỏm đang hành động và nói những điều đáng nguyền rủa nhất. Vâng, chúng nói được! Làm sao không mê được cơ chứ? Những con chó Lab là những con vật hết sức buồn cười - ít nhất là qua tay Larson. Ai lại không dùng tới một chút trò tiêu khiển giải trí trong đời đây? Chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục.

Lúc này, khi đã nghiên cứu nghiêm túc hơn về chó tha mồi Labrador, tôi tự an ủi rằng lựa chọn của chúng tôi, ít ra cũng không quá xa rời chuẩn mực. Tác phẩm tràn ngập những lời bình sinh động về tính điềm đạm, đằm thắm của chó tha mồi Labrador, tính hòa nhã của nó với bọn trẻ, tính không hiếu thắng và ham muốn được làm trò vui của nó nữa. Với trí thông minh và dễ bảo, chúng là lựa chọn hàng đầu cho bài tập tìm-và-cứu, là chó dẫn đường cho người mù và người tàn tật. Tất cả những điểm này dự báo điềm lành về một vật nuôi trong ngôi nhà không sớm thì muộn cũng sẽ có những đứa trẻ.

Một đoạn hướng dẫn viết: “Chó tha mồi Labrador được biết đến bởi trí thông minh, cảm giác ấm áp gần gũi với con người, sự khéo léo và hết lòng tận tâm với bất kỳ nhiệm vụ nào”. Có người lại kinh ngạc trước lòng trung thành cực kỳ của giống này. Tất cả những đặc tính ấy đã giúp chó tha mồi Labrador từ một giống chó chuyên thể thao, được các thợ săn bắt chim rất chuộng vì kỹ năng bắt vịt hay gà lôi từ những vùng nước giá lạnh, trở thành vật nuôi trong nhà ưa thích ở Mỹ. Chỉ vài năm trước, năm 1990, chó tha mồi Labrador đã đánh bật Cốc Xpanhơn khỏi vị trí dẫn đầu của Câu lạc bộ nuôi Chó Mỹ, trở thành giống được nuôi nhiều nhất trong nước. Không giống nào tiến được tới gần để đánh bật Lab khỏi vị trí dẫn đầu kể từ đó. Năm 2005, nó đánh dấu mười lăm năm liên tiếp là giống chó số một của AKC, với danh sách 146.692 con được đăng ký. Tiếp ngay sau ở vị trí thứ hai là chó tha mồi vàng, 52.550 con, và vị trí thứ ba thuộc về chó chăn cừu Đức, với 46.046 con.

Thật tình cờ, chúng tôi gặp một giống chó mà cả nước Mỹ không tài nào chán nổi. Tất cả chủ nhân của những con chó hạnh phúc kia không thể sai, phải không nào? Chúng tôi đã chọn đúng nhà quán quân đã được chứng minh. Nhưng lúc này thì cuốn sách bắt đầu tràn ngập những điềm báo gở.

Chó Lab được nuôi dạy thành những con chó làm việc và được chăm bẵm để có nguồn năng lượng vô bờ bến. Chúng vốn dĩ rất có tính bầy đàn nhưng đã sống tách biệt một thời gian dài. Chúng có thể đã ngu đi nhiều và khó huấn luyện. Chúng cần những bài tập nghiêm khắc mỗi ngày, nếu không có thể trở nên phá phách. Một số dễ bị kích động và gây khó dễ, khó kiểm soát với ngay cả những người huấn luyện chó dạn dày kinh nghiệm. Chúng có một thời kỳ có thể xem như chó con, kéo dài liên tục khoảng ba năm hoặc hơn. Thời kỳ hiếu động này đòi hỏi sự kiên nhẫn nhiều hơn từ chủ nhân.

Chúng vạm vỡ, sinh sôi qua hàng thế kỷ để thích nghi với đau đớn, các đặc tính có lợi cho chúng khi nhảy xuống vùng nước buốt giá ở Bắc Đại Tây Dương hỗ trợ ngư dân. Nhưng ở trong nhà, những đặc tính ấy cũng đồng nghĩa với việc chúng có thể không khác gì những con bò trong tủ sứ. Chúng là những sinh vật to khỏe, vạm vỡ vốn chẳng bao giờ ý thức được sức mạnh của mình. Mới đây, một người chủ kể với tôi rằng có lần cô ấy buộc con Lab đực vào khung cửa ga-ra để nó ở gần, trong khi cô ấy rửa xe ở lối vào nhà. Con chó phát hiện ra một con sóc, liền nhào tới, giật tung cả khung cửa thép lớn khỏi bức tường.

Thế rồi tôi tình cờ đọc một câu làm dấy lên nỗi lo sợ trong tim tôi. “Chó bố mẹ có thể là một trong những dấu hiệu cho thấy tính khí tương lai của con chó con nhà bạn. Một con số rất đáng ngạc nhiên chứng minh hành vi có được là do di truyền”. Trong đầu tôi thấp thoáng hình ảnh tử thần trét đầy bùn, mép sùi bọt, phi ra từ cánh rừng, trong cái đêm chúng tôi chọn con chó con cho mình. Chúa ơi, tôi thầm nghĩ. Cuốn sách khuyên rằng bất cứ khi nào thích hợp, phải yêu cầu được trông thấy cả con mẹ lẫn con bố. Trong óc tôi lại thoáng lướt qua hình ảnh ngập ngừng quá-đỗi-qua-loa của người nuôi chó khi tôi hỏi con bố đâu. Ôi… Chắc nó lại loanh quanh đâu đó đây mà. Rồi cả cái cách bà ta mau chóng chuyển chủ đề. Tất cả đều có ý nghĩa. Những người mua chó hiểu biết sẽ yêu cầu được gặp con bố. Rồi họ sẽ thấy gì đây? Một con vật điên cuồng mò mẫm phi trong đêm, như thể ma quỷ bám sát ngay sau đuôi nó. Tôi thầm cầu nguyện sao cho Marley được thừa hưởng tính khí từ mẹ nó.

Trừ những đặc tính di truyền riêng, tất cả những con Labrador thuần chủng đều chắc chắn có những đặc điểm có thể đoán trước. Câu lạc bộ nuôi Chó Mỹ đặt ra các tiêu chuẩn một con chó tha mồi Labrador cần phải có. Theo lẽ tự nhiên, chúng vạm vỡ, chắc nịch, với bộ lông rậm, ngắn, có khả năng chịu đựng thời tiết. Lông chúng có thể đen, nâu sô cô la, hoặc là vàng, từ màu kem nhạt cho tới màu đỏ thắm lông cáo. Một trong những điểm đặc trưng chính của chó tha mồi Labrador là cái đuôi to khỏe, tương tự như đuôi rái cá, có thể quét sạch nguyên một cái bàn cà phê chỉ bằng một cú quất. Đầu to, hình khối lớn, hàm răng đầy sức mạnh và đôi tai vểnh. Hầu hết các con Lab đều cao khoảng hơn sáu mươi phân tính tới lưng hoặc đầu vai. Trọng lượng con đực khoảng ba mươi đến ba sáu cân. Đôi khi cũng có con nặng hơn.

Nhưng theo AKC, yếu tố ngoại hình không phải là tất cả để một con Lab đúng nghĩa là một con Lab. Tiêu chuẩn nòi giống của Câu lạc bộ cho biết: “Tính khí thực sự của chó tha mồi Lab cũng như dấu hiệu phân biệt nòi giống của đuôi “rái cá”. Tính cách lý tưởng là tính dễ bảo, thân mật, chân thành, hăm hở được làm vui lòng chủ và không hung hăng với người hay con vật khác. Chó Labrador có nhiều điều hấp dẫn mọi người. Tính khí hiền lành, trí thông minh và khả năng thích nghi khiến nó trở thành một con chó lý tưởng”.

Một con chó lý tưởng! Những lời xác nhận không thể nào tuyệt hơn thế. Càng đọc, tôi càng cảm thấy tốt hơn về quyết định của chúng tôi. Thậm chí những điềm báo cũng không làm tôi lo sợ nhiều nữa. Jenny và tôi ắt hẳn sẽ rất hăng hái với con chó mới của mình, với việc trình diễn nó, thu hút sự chú ý và được yêu mến. Chúng tôi sẽ dành thật nhiều thời gian cần thiết để huấn luyện nó ra trò, dạy nó tuân lệnh và các kỹ năng xã giao. Cả hai chúng tôi sẽ là những người bách bộ hăng hái theo con đường ven bờ biển mỗi tối sau giờ làm việc, và những buổi sáng nữa chứ. Dĩ nhiên sẽ dắt theo con chó mới đi cùng trong những buổi tập đi bộ. Rồi chúng tôi sẽ cho thằng nhóc mệt lử. Tòa soạn của Jenny chỉ cách nhà có một dặm. Trưa nào cô ấy cũng về nhà ăn trưa. Thời gian đó cô ấy có thể tung bóng cho nó ở sân sau, để nó tiêu sạch thậm chí còn nhiều hơn cả nguồn năng lượng vô hạn mà chúng tôi đã được cảnh báo.

***

Một tuần trước khi chúng tôi đón con chó của mình về nhà, chị gái Jenny, Susan, gọi điện từ Boston. Chị ấy cùng chồng và hai đứa nhỏ định đến Disney World tuần tới. Liệu Jenny có muốn đến chơi vài ngày với họ không? Là một người dì rất yêu thương và luôn trông chờ từng cơ hội để được ở gần cháu trai, cháu gái, Jenny thực sự rất muốn đi. Nhưng cô ấy lại lưỡng lự.

- Em sẽ không ở nhà để được đón Marley bé bỏng về.

- Em đi đi - Tôi nhẹ nhàng - Anh sẽ đi đón nó, bảo đảm nó hoàn toàn yên ổn và đợi em về.

Tôi cố gắng tỏ vẻ như hờ hững, nhưng thực ra trong lòng thì thầm vui mừng khôn xiết với viễn cảnh sở hữu con chó mới, hoàn toàn của riêng mình trong thời gian tự do này. Nó là kế hoạch chung của chúng tôi, cả hai chúng tôi có vai trò như nhau. Nhưng tôi không bao giờ tin một con chó có thể nghe lời hai chủ. Và nếu chỉ có một lãnh đạo chính trong nhà, thì tôi muốn người đó phải là tôi. Ba ngày ngắn ngủi sẽ cho tôi một khởi đầu thuận lợi.

Một tuần sau, Jenny tới Orlando - cách nhà tôi ba giờ rưỡi xe. Hôm đó là thứ sáu, sau giờ làm việc buổi tối, tôi quay lại trang trại để đón thành viên mới của gia đình. Khi Lori dẫn con chó của tôi từ sau nhà ra, tôi há hốc miệng kinh ngạc. Con chó con tí hon, lông xù mà chúng tôi chọn ba tuần trước giờ đã to gấp đôi. Nó phi thẳng vào tôi, húc vào mắt cá chân, cuộn tròn dưới chân rồi lộn ngược dậy, cào cào vào không khí, hành động tôi chỉ có thể tưởng tượng là dấu hiệu năn nỉ van xin. Lori chắc nhận ra tôi đang choáng váng. Bà ta vui vẻ:

- Nó là một cậu bé đang lớn, phải không nào? Anh phải xem nó làm gỏi nguyên gói thức ăn cho chó cơ!

Tôi vươn người ra, xoa bụng nó, rồi nói:

- Sẵn sàng về nhà chưa Marley?

Đó là lần đầu tiên tôi thực sự gọi tên mới của nó, thấy cũng ổn.

Trong xe, tôi xếp mấy chiếc khăn tắm biển thành một cái ổ ấm cúng ở ghế phụ và đặt nó vào đó. Nhưng xe vừa mới tới đầu đường thì nó bắt đầu ngọ nguậy, thò đầu ra khỏi những chiếc khăn tắm. Nó trườn về phía tôi qua ghế, vừa rên rỉ vừa nhích lên. Ở bảng điều khiển trung tâm, Marley lần đầu rơi vào tình thế khó khăn trong vô số những lần nó sẽ gặp suốt cuộc đời. Nó ở đó, chân sau vắt qua phía ghế phụ của bảng điều khiển, còn chân trước thì ở bên phía ghế lái. Ở giữa, bụng nó đè lên phanh khẩn cấp. Bốn chân nhỏ của nó khua loạn lên, chơi vơi trong không khí. Nó ngọ nguậy, đu đưa, lúc lắc, nhưng vẫn bị mắc cạn y như tàu chở hàng trên bãi cát ngoài cửa sông. Tôi vươn tay chạm vào lưng nó, chỉ làm nó thêm kích động, càng giãy giụa tợn hơn. Chân sau của nó tìm mọi cách bám vào hộp đựng đồ giữa hai ghế. Dần dần, nó bắt đầu vận động phần thân sau trong không khí, đầu thì cứ ngỏng lên, ngỏng lên, ngỏng lên, cáu tiết quẫy đuôi ầm ĩ, tới khi định luật trọng lực cuối cùng cũng ra tay giúp sức. Nó vật được sang phía bên kia hộp điều khiển, nhào mình xuống sàn xe dưới chân tôi rồi lộn lại. Từ đây, nó dễ dàng, nhanh chóng trườn vào lòng tôi.

Ôi, nó đang hạnh phúc - hạnh phúc ghê gớm. Nó run rẩy mừng rỡ khi dụi đầu vào bụng tôi, gặm những nút áo, trong khi đuôi đập vào vô lăng như cái kim của máy đánh nhịp.

Tôi nhanh chóng phát hiện ra mình có thể tác động đến nhịp ve vẩy đuôi của nó, đơn giản chỉ bằng cách chạm vào người nó. Khi tôi đặt cả hai tay lên vô lăng, nó đập ba nhịp đều đều mỗi giây. Bum. Bum. Bum. Nhưng tất cả tôi cần làm chỉ là ấn một ngón tay lên đỉnh đầu nó, và nhịp điệu chuyển ngay từ van-xơ sang bossa nova. Bum-bum-bum-bum-bum-bum! Hai ngón tay và nó chuyển thành điệu mambo. Bum-bumba-bum-bum-bumba-bum! Còn khi tôi khum cả bàn tay lại trên đầu, xoa những ngón tay lên da đầu nó, nhịp đập bùng lên thành điệu samba liên hoàn như súng máy. Bumbumbumbumbumbumbumbum!

- Chà chà! Mày đánh nhịp được cơ à! Mày xứng là một con chó reggae đấy.

Về tới nhà, tôi thả nó vào trong và tháo xích ra. Nó bắt đầu đánh hơi, không ngừng lại cho tới khi đã hít ngửi từng centimet vuông trong nhà. Xong xuôi nó ngồi xổm, nghếch đầu nhìn tôi như thể muốn nói, khai quật thành công, nhưng anh chị tôi đâu rồi?

Thực ra thì cuộc sống mới của nó chưa bắt đầu cho tới giờ đi ngủ. Trước khi đi đón nó về, tôi đã dọn cho nó một góc ngủ trong ga-ra ngay sát mặt bên nhà. Chúng tôi không bao giờ để xe trong đó. Thay vào đó chúng tôi thường dùng nó làm nhà kho và phòng để dụng cụ. Máy giặt, máy sấy đặt ngoài đó, cùng với cầu là quần áo. Căn phòng khô ráo, tiện nghi, cửa dẫn ra sân sau có rào. Với tường và sàn bê tông, nó rất kiên cố. Tôi vui vẻ nói, dắt nó ra đó:

- Marley. Đây là phòng mày nhé.

Tôi xếp đồ chơi để gặm rải rác quanh phòng, xếp báo giữa sàn, đổ đầy nước vào một cái bát, và làm một cái giường bằng hộp các-tông với một cái ga trải giường cũ.

- Còn đây là nơi mày sẽ ngủ. - Tôi nói, bế nó đặt vào trong hộp.

Nó từng có phòng như này, nhưng lại phải san sẻ với anh chị em. Lúc này nó loay hoay đo chu vi cái hộp, rồi khổ sở ngước nhìn tôi. Như một bài kiểm tra, tôi quay vào nhà và đóng cửa lại. Tôi đứng yên lắng nghe. Ban đầu không có gì cả. Sau là tiếng rên rỉ nho nhỏ vừa đủ nghe. Rồi tiếp là tiếng kêu rõ mồn một. Nghe như có ai trong đó đang tra tấn nó vậy.

Tôi mở cửa. Vừa thấy tôi nó dừng lại ngay. Tôi lại gần, âu yếm nó vài phút, sau đó lại quay trở ra. Đứng bên ngoài, tôi bắt đầu đếm. Một, hai, ba… Đếm đến bảy thì những tiếng khóc, rên rỉ lại bắt đầu. Tôi lặp lại bài tập đó vài lần, vẫn nguyên một kết quả. Tôi thấm mệt, quyết định đây là lúc để nó khóc tới khi nào ngủ thiếp đi thì thôi. Tôi để đèn ga-ra sáng cho nó, đóng cửa, sang nhà, rồi chui vào giường nằm. Những bức tường bê tông không ngăn nổi tiếng khóc đáng thương của nó. Tôi nằm đó, cố gắng lờ đi, nghĩ từng giờ từng phút rồi nó sẽ bỏ cuộc và đi ngủ. Tiếng khóc vẫn i ỉ. Thậm chí cả khi đã cuốn nguyên cái gối quanh đầu, tôi vẫn còn nghe rõ. Tôi thầm nghĩ nó đang ở ngoài kia, lần đầu trong đời một mình, ở một môi trường xa lạ mà không có lấy hơi một con chó nào quanh đây. Mẹ nó thì không thấy đâu, các anh chị em của nó cũng thế. Con vật bé bỏng tội nghiệp. Liệu tôi có thích chuyện đó không?

Tôi kiên trì thêm nửa giờ nữa, trước khi bật dậy và đến với nó. Vừa thấy tôi, mắt nó sáng lên, đuôi bắt đầu đánh nhịp vào mặt bên hộp. Cứ như thể nó đang nói, Lại đây nào, nhảy lại đây; phòng còn rộng rãi lắm. Thay vì thế, tôi nhấc cả chiếc hộp cùng với nó bên trong mang về phòng mình. Tôi đặt nó trên sàn, tựa ngay sát vào giường. Tôi nằm sát rìa mép đệm, cánh tay thõng xuống hộp. Bàn tay tôi đặt cạnh nó, sờ thấy khung xương sườn nó phập phồng theo nhịp thở. Cả hai chúng tôi chìm dần vào giấc ngủ.

Chương 4

Ngài Ngúng Nguẩy

Suốt ba ngày sau đó, tôi tự do thả mình cùng với Marley. Tôi nằm trên sàn trong khi nó nhảy nhót xung quanh. Tôi vật nhau với nó. Tôi lấy một cái khăn tay cũ, chơi kéo co với nó. Không ngờ nó khỏe đến thế. Nó theo tôi đi khắp nơi, thấy thứ gì vừa với hàm là y như rằng gặm bằng được. Chỉ mất một ngày để nó phát hiện ra thứ thú vị nhất trong ngôi nhà mới: giấy vệ sinh. Nó lẻn vào phòng tắm, năm giây sau, phi ngược trở ra với lõi cuộn giấy ngậm trong mồm, theo sau là một dải ruy băng giấy bung ra khi nó chạy hộc tốc vòng quanh nhà. Nhà tôi y như được trang trí chuẩn bị cho lễ Haloween vậy.

Cứ độ nửa giờ, tôi lại dắt nó ra sân sau để đi vệ sinh. Khi nó bậy trong nhà, tôi quát. Khi nó tiểu bên ngoài, tôi cọ má vào nó, khen ngợi với giọng ngọt ngào nhất. Còn khi nó ị ngoài sân, tôi tiếp tục tuyên dương như thể nó vừa giao nộp vé số độc đắc Florida.

Từ Disney World về, Jenny cũng mê mẩn Marley y như tôi. Nhìn cảnh đó thật đáng kinh ngạc. Mỗi ngày tôi lại thấy ở người vợ trẻ của mình thêm những nét dịu dàng, nhẹ nhàng, khéo tay chăm sóc mà tôi chưa từng biết là có tồn tại. Cô ấy ôm ấp, vuốt ve nó. Cô ấy vui đùa với nó, cực kỳ quan tâm tới nó. Jenny bới từng sợi lông của nó để tìm bắt bọ chét và ve. Hết đêm nay qua đêm khác, cứ vài giờ cô ấy lại thức dậy để dắt nó ra ngoài đi vệ sinh. Hơn tất cả mọi thứ, chuyện đó đã dạy nó đi vệ sinh đúng chỗ chỉ sau vài tuần ngắn ngủi.

Chủ yếu cô ấy là người cho nó ăn.

Theo hướng dẫn ghi trên túi thức ăn cho chó con, chúng tôi cho Marley ăn ba bát lớn mỗi ngày. Nó ngấu nghiến chén sạch chỉ trong vài giây. Cái gì đi vào thì cũng phải đi ra, dĩ nhiên là thế. Ngay sau đó, sân sau nhà tôi không khác gì một bãi mìn. Chúng tôi chẳng dám mạo hiểm bước ra ngoài đó mà không căng mắt nhìn. Marley ngon miệng bao nhiêu thì phân nó thải ra nhiều hơn bấy nhiêu, từng đống khổng lồ, trông không khác gì thứ vừa mới đi vào từ đầu kia. Không hiểu nó có tiêu hóa mấy thứ đó không nữa?

Chắc là có. Marley lớn nhanh như thổi. Giống mấy cây leo nhiệt đới ngoài kia, chỉ mất vài giờ có thể bao phủ nguyên một ngôi nhà. Marley phát triển theo cấp số mũ về mọi mặt. Mỗi ngày, trông nó lại dài hơn một xíu, to ngang hơn một xíu, cao hơn một xíu, nặng hơn một xíu. Hồi mới về nó nặng chín cân rưỡi. Sau vài tuần nó đã được gần hai mươi ba cân. Còn nhớ hôm đón nó về, cái đầu nhỏ nhắn dễ thương của nó tôi có thể dễ dàng nắm bằng một tay, giờ đã phát triển nhanh chóng thành thứ hình thù na ná cái đe thợ rèn. Chân nó bự hơn, hai bên sườn cuồn cuộn những múi cơ, còn ngực thì nở nang như xe ủi đất. Đúng như sách nói, mẩu đuôi con con của nó đang trở nên to và khỏe như đuôi rái cá.

Cái đuôi mới thật ghê gớm làm sao. Mọi vật dụng trong nhà, cứ đặt tầm ngang đầu gối hoặc thấp hơn đều bị đánh bay bởi thứ vũ khí quẫy loạn xạ của Marley. Nó dọn sạch bàn cà phê, rải tạp chí khắp nhà, hất khung ảnh khỏi giá, liệng bay cốc bia, ly rượu. Thậm chí nó còn đập vỡ luôn cả một tấm kính trên cửa ra vào kiểu Pháp. Dần dà, mọi đồ đạc chưa bị đập vỡ đều được di trú tới những chỗ cao hơn tầm quét của cái vồ ấy. Bạn bè tôi cùng con cái đến chơi sẽ phải ngạc nhiên, "Nhà anh chị đúng là để chống trẻ em đấy!"

Thực ra thì cũng không hẳn là Marley vẫy đuôi. Nó ngúng nguẩy toàn thân thì đúng hơn. Bắt đầu từ hai vai trước, rồi kéo ra tới sau. Nó cứ như phiên bản hình chó của một cái lò xo Slinky. Chúng tôi thề là chẳng có tí xương nào bên trong nó cả, chỉ có mỗi một cái lớn, đó là cơ bắp đàn hồi. Jenny bắt đầu gọi nó là Ngài Ngúng Nguẩy.

Nó ngúng nguẩy nhiều nhất mỗi khi ngậm thứ gì đó trong miệng. Phản ứng của nó với mọi tình huống đều y hệt nhau: tợp lấy cái giầy, gối hay mẩu bút chì gần nhất - đúng ra là bất cứ vật gì có thể - rồi bỏ chạy thục mạng. Như thể có tiếng thì thầm vang lên trong đầu thúc giục nó: “Tiến lên! Ngoạm lấy nó! Phủ đầy nước dãi lên nó! Chạy đi!”

Món nào nho nhỏ đủ để ngậm trong mồm làm nó cực kỳ phấn khích. Hình như nó nghĩ nó đang bỏ trốn cùng với thứ đó. Nhưng Marley không bao giờ được như tay chơi bài pô-cơ. Khi ngậm thứ gì đó, nó không che giấu nổi sự vui sướng. Nó luôn làm om sòm, nhưng sau đó có lúc lại tỏ vẻ rất tập trung cảnh giác, như thể có gã láu cá vô hình nào đó vừa chơi khăm nó. Người nó run lên, đầu ngúc ngoắc bên này bên kia, toàn bộ phần thân sau nhún nhún theo một điệu nhảy. Chúng tôi gọi đó là điệu Mambo Marley.

- Được rồi, xem mày có gì nào? - Tôi nói.

Khi tôi lại gần, nó giở quẻ bày trò lẩn trốn, chạy vòng quanh phòng, hông ngúng nguẩy, đầu gật gù như con ngựa non đang hí, bộc lộ vẻ phấn khích không dằn lòng nổi với chiến lợi phẩm bị cấm. Cuối cùng tôi cũng dồn được nó vào góc phòng, bạnh hàm nó ra, và chưa bao giờ phải ra về tay trắng. Lần nào cũng có thứ gì đó nó lôi ra từ đống rác, sàn nhà, hoặc khi nó cao hơn thì ở bàn trong phòng ăn. Giấy hộp Kleenex, hóa đơn tạp hóa, đồ mở nút rượu, kẹp giấy, quân cờ, nút chai - không khác gì một bãi rác. Có hôm tôi banh hàm nó ra, soi vào để tìm cái thẻ thanh toán đang dính vào vòm họng nó.

Vài tuần đầu, chúng tôi thường hồi tưởng về cuộc sống trước kia ra sao, khi chưa có gã khách trọ mới này. Sau đó thì mọi việc đều đi vào khuôn khổ. Khởi đầu ngày mới, thay vì nhâm nhi một tách cà phê, tôi dẫn nó đi bộ ra bờ biển rồi quay lại. Sau bữa sáng, trước khi đi tắm, tôi tuần tra sân sau với một cái xẻng, chôn mấy bài mìn của nó trong cát ở phía sau khu đất. Jenny đi làm trước chín giờ, còn tôi hiếm khi ra khỏi nhà trước mười giờ. Khi đi làm, việc đầu tiên là xích Marley ở ngoài boong-ke bê tông với một bát nước sạch, một đống đồ chơi, kèm theo chỉ thị vui vẻ: “Ngoan nhé, Marley.” Mười hai rưỡi, Jenny về nhà nghỉ trưa. Tầm đó cô ấy sẽ cho Marley ăn bữa trưa, chơi ném bóng với nó ở sân sau tới khi nó mệt lử. Mấy tuần đầu, cô ấy cũng hay đi bộ về nhà vào giữa chiều để thả nó ra. Rồi sau đó, hầu như cứ sau bữa tối là chúng tôi lại cùng nhau tản bộ với nó ra bờ biển, dọc khu Intracoastal, khi những du thuyền từ Palm Beach neo lại nghỉ ngơi trong ánh chiều tà.

Tản bộ chắc chắn là một từ sai. Marley đi dạo mà không khác gì bỏ trốn. Nó lao đi, kéo căng sợi xích bằng tất cả sức lực, trong khi cổ bị bóp nghẹt. Nó giật mạnh ra đằng sau; kéo giật chúng tôi về phía trước. Chúng tôi kéo. Nó giật, ho khạc y như một gã nghiện thuốc lá vì vòng dây siết chặt cổ. Nó xoay trái xoay phải, lao vào mọi thùng thư, bụi cây, khụt khịt, thở hồng hộc, và tè không ngừng, lắm khi tè lên chính người nó hơn là trúng mục tiêu đã định. Nó chạy vòng quanh, quấn xích quanh mắt chân chúng tôi trước khi lao về phía trước, làm chúng tôi suýt ngã. Khi thấy ai đó dắt chó tới gần, Marley sung sướng phi vào họ, đứng phắt dậy bằng hai chân sau khi bị căng dây xích, làm bộ khao khát được kết bạn. “Chắc nó phải yêu đời lắm đấy.” Có người nhận xét vậy, và có lẽ câu đó đã nói lên tất cả.

Nó vẫn còn nhỏ nên chúng tôi có thể giành phần thắng trong cuộc chiến dây xích này. Nhưng mỗi tuần, cân bằng sức lực lại thay đổi. Nó đang lớn hơn, to và khỏe hơn. Hiển nhiên là một ngày không xa, nó sẽ khỏe hơn cả hai chúng tôi. Chúng tôi biết mình sẽ phải kiềm chế, dạy dỗ cho nó biết nghe lời, nếu không có ngày nó kéo chúng tôi vào gầm xe ô tô qua đường mất. Bạn bè tôi, đều là những tay nuôi chó kỳ cựu, bảo chúng tôi không nên vội vàng dạy nó phục tùng. “Còn sớm quá,” có người khuyên. “Hãy thoải mái với tuổi mới lớn của nó chừng nào còn có thể. Rồi cũng sớm qua thôi. Khi ấy anh chị có thể nghiêm túc huấn luyện nó.”

Chúng tôi đã làm thế, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi để mặc nó thích làm gì thì làm. Chúng tôi đặt ra những phép tắc và kiên trì thực thi chúng. Giường và đồ đạc trong nhà, cấm không được bén mảng tới. Uống nước trong bồn cầu, ngửi đũng quần, nhai chân ghế là những tội có thể bị phạt, dù thực tế đáng bị ăn chửi. “Không” trở thành từ chúng tôi ưa dùng. Chúng tôi làm việc với nó bằng mấy lệnh cơ bản – lại đây, ở yên đó, ngồi xuống, nằm xuống – nhưng thành công chỉ có hạn. Marley còn nhỏ và rất hiếu động. Nó dễ bị kích động. Tác động nào cũng sẽ làm nó rơi vào trạng thái bị kích thích như trái bóng bật tường. Chúng tôi không nhận ra chuyện đó mãi cho tới những năm về sau. Ngay từ rất sớm nó đã bộc lộ những dấu hiệu của một trạng thái, sau này được dùng để mô tả hành vi của hàng nghìn đứa trẻ đi học luôn có tâm trạng bồn chồn lo lắng và khó kiểm soát. Con chó con nhà tôi là điển hình cho chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Tuy nhiên, bất chấp những trò quậy con trẻ của nó, Marley vẫn đóng một vai trò quan trọng trong ngôi nhà cũng như quan hệ của chúng tôi. Qua việc nó không thể tự lực được đã cho thấy Jenny làm mẹ tốt như thế nào. Cô ấy chăm bẵm nó vài tuần, và chưa giết chết nó. Thậm chí ngược lại, nó còn lớn nhanh như thổi. Chúng tôi đùa rằng có khi phải bắt đầu cắt bớt khẩu phần ăn để kìm hãm sự phát triển và giảm bớt nguồn năng lượng bên trong nó.

Sự biến đổi của Jenny, từ một sát thủ giết cây vô tình trở thành một bà mẹ chăm chó tiếp tục làm tôi kinh ngạc. Tôi nghĩ có khi bản thân cô ấy cũng thấy ngạc nhiên về mình một chút. Cô ấy thực có năng khiếu đấy. Có hôm Marley nôn ọe dữ dội, tôi còn chưa kịp định thần thì Jenny đã có mặt. Cô ấy nhào xuống, banh hàm nó bằng một tay, tay kia thọc sâu vào bên trong họng, lôi ra cái nhùi bằng bóng kính to bự, nhơ nhớp nước dãi. Chuyện thường ngày thôi ấy mà. Marley ho hắt ra một cái, đập đuôi vào tường, rồi ngước nhìn cô ấy với vẻ mặt như muốn nói. Chúng ta làm lại nhé?

Khi đã thoải mái hơn với thành viên mới trong nhà, chúng tôi cũng vô tư nói chuyện mở rộng gia đình mình theo cách khác. Thời gian có Marley ở nhà, chúng tôi thôi không dùng các biện pháp tránh thai nữa. Ý tôi là không hẳn chúng tôi muốn có thai vì cả hai vốn muốn sống tự do chừng nào còn có thể. Đúng hơn là, chúng tôi quay lại vấn đề đó, chỉ đơn thuần dừng việc cố gắng không có thai. Lập luận rối tung rối mù lên cả. Chúng tôi biết chứ. Nhưng không biết làm sao chuyện đó lại khiến cả hai cảm thấy tốt hơn. Không áp lực. Không gì hết. Chúng tôi không cố gắng để có con. Chúng tôi chỉ đang để điều gì xảy ra sẽ xảy ra. Thuận theo lẽ tự nhiên. Điều gì đến, sẽ đến, vậy thôi.

Nhưng thực tế chúng tôi bắt đầu lo sợ. Chúng tôi có vài cặp bạn đã nỗ lực hàng tháng trời, thậm chí hàng năm, để thụ thai nhưng bất thành. Dần dần họ công khai thừa nhận sự tuyệt vọng của mình. Trong những bữa tiệc tối, câu chuyện của họ ám ảnh quanh những lần đi khám bác sĩ, số lượng tinh trùng, rồi thì chu kỳ kinh nguyệt. Những câu chuyện làm những người khác cùng bàn thêm ái ngại. Ý tôi là, bạn sẽ phải nói gì đây? “Tôi nghĩ lượng tinh trùng của anh cũng ổn!” Câu đó nghe đau lòng lắm. Chúng tôi cũng sợ muốn chết đi được, sợ mình cuối cùng cũng nhập bọn với họ mất.

Jenny từng phải trải qua vài lần chiến đấu với bệnh lạc nội mạc tử cung trước khi chúng tôi lấy nhau. Cô ấy cũng từng phẫu thuật nội soi để cắt bỏ mô sẹo thừa ở ống dẫn trứng. Những chuyện đó báo điềm chẳng lành cho khả năng sinh nở của cô ấy. Đáng lo hơn nữa là một bí mật nho nhỏ ngày xưa của chúng tôi. Trong những ngày đầu quan hệ say đắm, khi cơn thèm muốn bóp nghẹt bất cứ thứ gì tuân theo lẽ thường, chúng tôi vứt hết mấy cái cảnh báo vào góc phòng cùng với đống quần áo, làm tình tự do, liều lĩnh, không thèm sử dụng phương pháp tránh thai nào. Sau này ngẫm lại, chúng tôi nên quỳ xuống cảm ơn vì không ngờ tránh được chuyện mang thai ngoài ý muốn. Thế nhưng, giờ thì điều chúng tôi có thể nghĩ lại là, Chúng tôi có gì không ổn đây? Không cặp bình thường nào lại có thể ngủ với nhau, không có biện pháp bảo vệ như thế, mà lại tránh khỏi chuyện đó cả. Cả hai giờ đều tin rằng, việc thụ thai chẳng phải một chuyện dễ dàng.

Thế là khi bạn bè kể về những kế hoạch của họ để thụ thai, chúng tôi vẫn im lặng. Jenny giấu đơn thuốc ngừa thai của mình trong hộp thuốc rồi quên nó đi. Nếu cô ấy gắng sức tới cùng để có thai, thật tuyệt vời. Nhưng nếu không, tốt thôi, dù sao thì lúc này chúng tôi cũng đâu có thực sự cố gắng, phải không nào?

Mùa đông ở West Palm Beach là khoảng thời gian thú vị nhất năm, với những đêm khô lạnh, còn ngày nắng ấm và khô ráo. Sau mùa hè mỏi mệt dài lê thê, lúc nào cũng phải dùng điều hòa hoặc chạy từ bóng cây này sang cây khác để trốn ánh mặt trời gay gắt, mùa đông là thời gian chúng tôi tận hưởng vẻ dễ chịu xứ cận nhiệt đới. Chúng tôi dùng bữa ngoài hiên sau nhà, ép cam tươi từ quả cây ở sân vào mỗi sáng, chăm sóc vườn thảo mộc nhỏ xíu cùng mấy cây cà chua dọc theo mặt bên nhà, ngắt những cánh hoa dâm bụt thả vào bát nước nhỏ trên bàn phòng ăn. Ban đêm, chúng tôi ngủ dưới cửa sổ mở, thoang thoảng trong không khí là hương hoa dành dành.

Một ngày đẹp trời cuối tháng Ba, Jenny mời một cô bạn cùng làm về nhà, mang theo con chó săn baxet, tên là Buddy, cho hai con chó chơi chung với nhau một ngày. Buddy là con chó được giải phóng có khuôn mặt buồn nhất tôi từng thấy. Chúng tôi để hai con chó tự do trong vườn, mặc chúng nhảy nhót vui đùa. Buddy Già không hiểu cái gì làm cho tên nhóc màu vàng hiếu động này cứ chạy nhảy luôn chân, không ngừng nghỉ vòng quanh nó. Nhưng nó vui vẻ đón nhận việc đó. Hai con chó nô đùa với nhau hơn một giờ đồng hồ, trước khi cả hai nằm bẹp dưới bóng mát cây xoài, mệt lử.

Mấy hôm sau, Marley bắt đầu gãi sồn sột. Nó cào khắp người, chúng tôi e có thể nó bị con gì đó chích. Jenny quỳ xuống, làm công việc kiểm tra thường ngày, lùa ngón tay vào lớp lông, tách lông nó ra, tới khi nhìn thấy lớp da bên dưới. Chỉ vài giây, cô ấy hét toáng lên:

- Quỷ thật! Anh xem này!

Tôi ngó qua vai cô ấy, dòm vào chỗ lông vừa bới ra, thấy ngay một chấm đen nhỏ xíu. Chúng tôi vật nó nằm xoài ra sàn, tỉ mỉ kiểm tra từng centimet lông nó. Marley run rẩy trước sự quan tâm của hai người cùng lúc, tim đập thình thịch hạnh phúc, đuôi đập liên hồi xuống sàn. Chỗ nào chúng tôi mó tới cũng thấy chúng. Bọ chét! Hàng đàn bọ chét. Chúng ở kẽ ngón chân, dưới vòng cổ, chui cả vào tai nó. Đến nỗi giả sử chúng chậm rì rì dễ tóm được, mặc dù không phải thế, thì cũng có quá nhiều để bắt ra.

Chúng tôi có nghe về nạn bọ chét và ve kinh điển ở Florida này. Với thời tiết không lạnh, thậm chí còn chẳng có sương giá, lũ bọ tha hồ sinh sôi này nở trong môi trường nóng ẩm. Ở đây, đến các biệt thự của dân triệu phú dọc bờ biển Palm Beach cũng đầy gián. Jenny kinh hãi; khắp người con chó con của cô ấy đang nhung nhúc lũ bọ ký sinh. Dĩ nhiên, chúng tôi đổ lỗi ngay cho Buddy mà chẳng cần bằng chứng nào. Jenny tưởng tượng lũ bọ không chỉ đang quấy phá Marley, mà còn toàn bộ ngôi nhà của chúng tôi nữa. Không nói không rằng, cô ấy chộp lấy chìa khóa xe, phi ra ngoài.

Nửa giờ sau, Jenny quay lại với một túi đầy ắp hóa chất, đủ tạo hẳn một vùng ô nhiễm. Cơ man nào là nước tắm diệt bọ chét, thuốc bột diệt bọ, bình xịt bọ chét, thuốc bọt diệt bọ, thuốc nước diệt bọ. Còn có cả một bình thuốc trừ sâu cho cỏ, thứ mà gã bán hàng bảo cô ấy phải xịt nếu muốn có cơ hội bắt những tên khốn tí hon này phải quy hàng. Rồi cả một chiếc lược thiết kế đặc biệt để khử trứng bọ nữa chứ.

Tôi thọc tay vào túi, rút hóa đơn ra, kinh ngạc:

- Chúa ơi, em yêu. Chúng ta có thể phải thuê máy bay riêng để phun đống thuốc này đấy.

Vợ tôi không quan tâm. Cô ấy hiện hình lại là một sát thủ - lúc này để bảo vệ những người cô ấy yêu thương – và rõ ràng cô ấy có ý định nghiêm túc. Cô ấy điên cuồng lao vào thực thi nhiệm vụ. Cô ấy lau chùi cọ rửa Marley trong chậu giặt, dùng xà bông đặc biệt. Sau đó cô ấy trộn lẫn nước tắm chứa hóa chất tương tự, tôi xin chú thích là, như thuốc trừ sâu cho cỏ, dội ào ào lên người nó tới khi toàn bộ người nó ướt sũng. Marley sấy khô trong ga-ra, bốc mùi như một nhà máy hóa chất Dow Chemical thu nhỏ. Jenny cáu tiết hút bụi - sàn nhà, tường, thảm, màn cửa, bàn ghế. Rồi cô ấy xịt tùm lum. Khi vợ dội rửa trong nhà với thuốc diệt bọ, tôi cũng hì hục dội rửa bên ngoài. Xong xuôi, tôi hỏi:

- Em nghĩ ta đã diệt hết đám bọ đó chưa?

- Em nghĩ là rồi. - Cô ấy đáp.

Cuộc tổng tấn công toàn diện của chúng tôi nhắm tới lũ bọ chét ở số 345 phố Chưrchill là một thành công vang dội. Chúng tôi kiểm tra Marley hàng ngày, săm soi kẽ ngón chân, dưới tai, dưới đuôi, dọc theo bụng nó, bất cứ chỗ nào có thể thấy. Chúng tôi không tìm được bóng dáng con bọ chét nào nữa. Chúng tôi kiểm tra thảm, đi văng, màn cửa, bãi cỏ - không có gì hết. Chúng tôi đã tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: