❄
vui lòng đọc phần "lời nói đầu" trước nhé!
Chuỗi âm thanh như có sức hút kỳ diệu giữ chặt bàn chân Đông Hách trên bậc tam cấp cuối cùng. Trước mặt cậu, sau những hàng ghế dài lố nhố đầu người, sau những lẵng hoa, những vạt áo trắng tinh khôi của ca đoàn gần chục cô bé cậu bé đẹp như thiên thần, là Minh Hưởng.
Anh đứng đó, vẫn trầm mặc, lặng lẽ. Ánh mắt nhìn tất cả hiền hòa, bao dung như Hưởng của thường ngày. Tựa hồ chỉ cần một cái kiễng chân, một cái vẫy tay hét to "Minh Hưởng" thôi thì ánh mắt đó sẽ hướng về phía cậu, nụ cười sẽ bừng nở trên gương mặt anh để chào đón một mình cậu.
Như ngày xưa...
_________
Đám con nít lấm lét từng đứa đi qua đi lại, nghiêng ngó thập thò trước một hàng rào phủ đầy những thân hoa tóc tiên mỏng mảnh. Đằng sau hàng rào, trên bãi đất lún phún cỏ xanh mướt, một trái banh da nằm lăn lóc dưới chân một chậu cây kiểng thân uốn éo đỏm dáng. Nhưng đấy chỉ là phần thân. Phần trên ngọn lẽ ra vươn lên điệu đà đỡ mấy cái lá to óng ả thì giờ lại như vừa gặp một trận bão cuốn qua. Một khúc cành bị phạt gãy lìa, nằm giơ mấy cái lá rầu rĩ trên mặt đất. Một khúc khác thì chỉ còn trơ đoạn cành lặc lìa như cố bám vào thân được phút nào hay phút nấy.
- Giờ sao thủ lĩnh? - Có tiếng xì xầm to nhỏ bên ngoài hàng rào.
- Lỡ đá rồi thì trèo vô lấy chứ sao! - Một tiếng khác chắc nịch.
Rồi chẳng mấy chốc cái hàng rào khẽ rung rinh dưới sức nặng của một thằng nhóc tóc cháy xém vàng nâu như râu bắp. Thằng nhỏ đu gọn ơ bàn chân không mang dép trên mấy thanh gỗ bắc ngang bắc xéo. Phóc một cái nó đã ở bên trong khu vườn đặt đầy mấy chậu kiểng. Mặc kệ đám đàn em bên ngoài huýt hoét, ngoắc vẫy rối rít, thủ lĩnh tóc vàng sau khi ôm được trái banh còn lơn tơn đi tới đi lui ngắm nghía gì đó trên mặt cỏ xanh rì. Nom nó nhàn tản y chang kiểu ta đây là chủ nhân nơi này. Với vẻ mặt thích thú, nó ngồi bẹp luôn xuống cỏ, săm soi con người gỗ vừa nhặt được trên một chiếc ghế đá, ngắm mấy cái tay cái chân biết lúc lắc động đậy thiệt ngộ. Say sưa chán, chừng ngẩng lên, nó phát hiện ra bọn bên ngoài rào đã biến mất tự lúc nào. Và sau lưng nó, một thằng nhóc đang đứng với một khúc củi to tổ bố trên tay. Nhịp nhịp một bàn chân, thằng nhóc tròn xoe mắt:
- Gan nhỉ?
Phản ứng tự nhiên, thủ lĩnh tóc vàng hét lên một tiếng kinh khủng. Liệng luôn trái banh, nó ù té chạy, xô cả thằng nhóc trước mặt té lồm cồm trên đất.
Ở đời, phàm khi người ta đang sợ hãi thì làm ngay cả những việc vốn rất quen thuộc cũng trở nên khó khăn ghê gớm.
Ì ạch, lóng ngóng nó cố trèo qua cái hàng rào gỗ tưởng thấp tè. Qua được một chân, chuẩn bị bỏ qua tiếp cái chân còn lại thì "toẹt...". Vạt của cái áo đỏ móc vào hàng rào, giật ngược, lôi nó té ạch xuống mặt đường lổm ngổm đá sỏi.
Ê ẩm cả mình mẩy, ôm một mảng đầu gối trầy trụa tươm máu, ngó lên mảnh vải đỏ còn lủng lẳng trên hàng rào, thủ lĩnh tóc vàng hiện nguyên hình là một đứa con trai mít ướt. Nó khóc hu hu, khóc to thiệt to, đến nỗi thằng nhóc sau hàng rào mở kẹt cửa chạy ra hồi nào nó cũng không hay biết.
- Đau lắm hả? Nhà bạn ở đâu tui dẫn về?
- Khỏi. Về đặng méc má tui chứ gì - Vẫn còn tèm lem nước trên mặt, nó cất tiếng lè nhè.
- Không mà... tại tui sợ bạn đi không được. Mà ai kêu bạn chạy dữ vậy. Tui có làm gì đâu...
- Không làm gì mà cầm cái cây củi to chà bá.
- Tại tui đang ôm củi vô nhà mà, thấy bạn trèo vô nên chạy ra coi thử. Mà bạn cũng hay ghê. Mặc áo dài vậy mà đi leo rào!
Cái mặt cố nén cười của thằng nhỏ làm thủ lĩnh tóc vàng tức điên. Nó đùng đùng đứng phắt dậy, nén đau, cà thọt bỏ đi.
- Tui về!
Sau lưng nó còn nghe tiếng thằng nhóc với theo chân thành:
- Mai mốt lỡ đá banh lọt vô kêu tui lượm cho nha. Khỏi leo rào. Tui tên Minh Hưởng!
______
Một lần cậu nghe mẹ nói con người ta được quen biết nhau trên đời này cũng là do duyên số từ đâu kiếp trước. Nếu vậy chắc hồi Đông Hách với anh còn đâu bên kiếp đó, anh ăn hiếp cậu nhiều quá nên giờ phải lẵng nhẵng đi theo mà trả nợ hoài hoài.
Hách đá banh (lại đá banh). Banh bay, bay luôn kính cửa sổ cái nhà lầu sát nhà Minh Hưởng. Ông bác nhà lầu không như Minh Hưởng cầm cây củi ra giả bộ hù chơi, ông xách thiệt một cái roi mây to đùng đi bắt thằng nhỏ tóc vàng lì nhất đám. Chuẩn bị roi quật vào mông thì thằng nhỏ hàng xóm ở đâu chui ra mặt tái xanh tái xám:
- Đừng đánh bạn ấy. Banh là con đá đó, bác Tư!
Rồi năm lớp 8, giờ kiểm tra một tiết, cô bắt được Đông Hách quay bài, Minh Hưởng ngồi kế bên cứ khăng khăng: "Tài liệu đó của em đó cô. Cô đánh dấu bài em đi!". Làm cô cũng một thoáng băn khoăn không biết phải làm thế nào.
Anh thì không tin vào nợ nần kiếp trước hay kiếp sau gì hết.
- Chắc tại hồi nhỏ lần đầu gặp tôi thấy Hách thương tích tùm lum nên giờ cứ phải theo để làm người băng bó - Anh cười hiền, nhắc đi câu nói đó mỗi lần đắp lên tay chân cậu mấy miếng băng cá nhân sau một trận banh.
Đông Hách vào đội tuyển của trường cấp ba, khán giả Minh Hưởng đi cổ vũ mà lỉnh kỉnh trong cái cặp xách là cả mớ bông băng, thuốc dán, thuốc giảm đau.
Lớp Đông Hách biết chuyện cứ thấy mặt anh là réo ầm:
- Nhân viên y tế của thằng Hách tới kìa tụi bây ơi!
Anh không nói gì, cười hiền hiền rồi đi qua. Chỉ mỗi mình cậu tức anh ách vì câu nói lếu láo của thằng tiền đạo lớp sát bên: "Ông nhân viên y tế đặc biệt của thằng Hách biết phải con trai không đó! Sao mà cứ ỉm nhỉm, động chút mặt mũi đỏ ửng lên. Bữa nào chặn đường bẹo má một bữa mới được!".
- Tại anh hiền quá tụi nó lờn.
- Mấy bạn đó giỡn thôi mà Hách để ý chi! - Anh lại cười, cúi mặt vào trang sách chi chít chữ.
Năm lớp mười hai, thời gian cậu đến khu vườn có hàng rào gỗ ngắt quãng thưa dần. "Hưởng nó bận, con à!"- Người đàn bà có cặp mắt nâu kiêu kỳ trả lời cậu sau lớp rào cây tóc tiên xanh mướt. Hách không thích bà, không thích giọng nói lạnh lẽo của bà, cả khuôn mặt lúc nào cũng đầy nét u buồn của bà. Đối diện bà, bao giờ cậu cũng có cảm giác mọi hứng khởi, mọi niềm vui sống trong trái tim mình bị hút kiệt. Làm sao có thể hạnh phúc khi ta đứng trước một người đau khổ. Mà đau khổ trong bà Hách thấy có mọi lúc, mọi nơi. Duy chỉ có một nơi khiến khuôn mặt buồn bã của bà bừng sáng, khiến giọng nói bà ấm áp hơn và môi nở nụ cười: nhà thờ. Bà là người sùng đạo, nề nếp đến mức khắc nghiệt. Chẳng cần tốn nhiều suy nghĩ để biết bà không thích Hách, một thằng bé ngoại đạo, lại chỉ biết đá banh suốt ngày.
Trận bóng cuối cùng trong đời học sinh của Đông Hách đã không có Hưởng.
Kết thúc trận, bỏ mặc tụi bạn bá vai nhau đứa khóc đứa cười, cậu đạp xe như điên đến ngôi nhà thờ chắn ngang con đường nhỏ dẫn vào xóm đạo. Dưới tàn cây xanh mát bên ngoài ô cửa sổ vuông vức ngập nắng, cậu nhận ra nước mắt mình đang rơi theo tiếng hát ngân nga của một đám những cô bé cậu bé đẹp như thiên thần, quyện chặt cùng tiếng đàn của anh thánh thót âm vang khắp một góc giáo đường.
Ngày bạn bè tiễn Hách vào Sài Gòn nhập học cũng là ngày không có anh. Chỉ có cơn mưa chiều ướt nhập nhòe gương mặt, những cánh tay vẫy và những bóng người xa dần sau ô kính cửa xe.
Một ngày tháng năm oi nắng, thằng bạn thân từ quê lên trao tận tay cậu một hộp gỗ tròn. Mở ra, con búp bê gỗ cũ mèm giương đôi mắt to cộ màu xám nhạt nhìn cậu. Những cái tay, cái chân nhỏ bé ngọ nguậy liên tục, vẫn như lần đầu cậu cầm nó lên từ bãi cỏ mướt xanh.
- Minh Hưởng đâu? - Cậu nhìn bạn trong hoang mang, ngơ ngác.
- Đi rồi. Mẹ Hưởng đã gởi Hưởng ra Huế, Hách à. Đó là con đường Minh Hưởng chọn, mày đừng nghĩ mãi làm gì, cố mỉm cười và chúc phúc Hưởng đi.
Nhắm mắt, cậu nghe trái tim mười chín của mình vụt đau nhói trong lồng ngực. Vết thương này, Hách phải tự mình băng bó lấy thôi.
________
- Hách! Hách... Biết tin gì chưa? Hưởng đang ở Sài Gòn. Hắn sắp vào Chủng viện. Vẫn còn được gặp bạn bè, ông đi thăm nhé! - Khôi Nguyên, đứa bạn thân chung lớp Hưởng hồi cấp ba, réo ầm với Hách giữa sân trường đại học một ngày gần tốt nghiệp.
Quýnh quíu, nghèn nghẹn Hách nắm chặt tay nó, lặng người. Chừng nhớ ra mình đang chực khóc, Hách vội vã buông tay, còn nghe tiếng khanh khách cười ngụ ý từ đám bạn lố nhố sau lưng. Nhác thấy nó thoáng đỏ mặt lên một tí, rồi thôi. Hình ảnh Hưởng đã vụt thoát khỏi chuỗi ký ức bị phong kín tràn về trong tâm trí. Cậu đã chuẩn bị cả trăm ngàn lời nói, tập đi tập lại trước gương không biết bao nhiêu lần một khuôn mặt bình thản gai góc. Vậy mà đối diện anh, cậu đã như một thằng ngốc. Chỉ biết khóc. Như thằng bé thủ lĩnh tóc vàng té rách áo ngày nào khóc trước đứa con trai xa lạ bên ngoài cái hàng rào gỗ.
- Hách vẫn như ngày nào... Có gì mà khóc. Nín đi - Dịu dàng Hưởng vỗ vỗ nhẹ vai cậu, ánh mắt hiền hòa trìu mến. Ánh mắt không còn những gợn sóng của ngày xưa.
Khôi Nguyên hay nói Hách lẩn thẩn như một ông già, cứ thích nhắc chuyện ngày xưa. Quá khứ ngủ yên rồi thì cứ để hiện tại được tiếp diễn như nó vẫn từng. Lãng quên đôi lúc là một phương thuốc thần kỳ để cứu chữa mọi vết thương.
- Có những vết thương mà lãng quên cũng không thể làm khép miệng - Một ngày Hách nói với hắn.
- Vậy thì hãy lấy tôi làm băng gạc cho vết thương trong trái tim Hách. Tôi tình nguyện. - Hắn nắm bàn tay cậu đặt lên ngực trái mình - Và trái tim tôi tình nguyện.
Sâu trong mắt hắn, Hách nhìn thấy một đôi mắt khác. Thời cấp ba, không phải chỉ một người nói Khôi Nguyên và Minh Hưởng có ánh mắt giống nhau.
Cậu vẫn đến góc quán nhỏ chênh vênh một mé đường để gặp Hưởng vài chiều thứ sáu nữa. Vẩn vơ kể chuyện học hành, làm thêm, chuyện bà chủ nhà trọ tăng gấp đôi tiền phòng để theo kịp cơn bão giá. Vòng vèo loanh quanh lại bắt anh kể về những tháng ngày ở Huế. Có mưa dầm, có ngôi trường đại học với vòm cửa màu xanh lá, có cả căn phòng nhỏ trong ngôi giáo đường cổ kính. Có những vật vã với cô đơn, với nỗi nhớ nhà trong tiếng chuông thánh thót ngân dài mỗi sớm mai. Nén lòng lắm cậu mới không bật ra câu hỏi: "Vậy những lúc đó Hưởng có nhớ tôi?".
Ngày đông đó trời thành phố lạnh nhiều. Cây trút lá trầm mặc cúi đầu, để gió hát buồn hiu trên những cành khô già cỗi. Cậu đang hơ bàn tay lạnh cóng trên tách trà bốc khói bỗng giật mình ngẩng lên nhìn Hưởng.
- Hách có biết rằng Khôi Nguyên yêu Hách từ ngày mình còn học cấp ba không?
Im lặng. Một thoáng tức giận long lanh trong khóe mắt cậu.
- Hách đừng như vậy, Hách phải sống thật hạnh phúc, thật vui vẻ đấy. Tôi vẫn thích nhìn Hách với một khuôn mặt mỉm cười...
Lúc ấy, nếu Hách không xô ghế đứng dậy bỏ về chắc đã nghe hết câu nói còn dang dở: "Mai tôi đi rồi". Cậu không nghe được, nên chiều thứ sáu tuần sau, rồi tuần sau nữa, rất nhiều chiều thứ sáu đã đi qua mà cậu vẫn ngồi đợi một người dáng cao cao, áo trắng dài tay bỏ vào quần, vai chéo ngang cặp xách đen, nom nền nã hiền hiền như thầy giáo.
Cuối mùa đông, Khôi Nguyên đến lôi Hách khô rạc xác ve khỏi góc quán u sầu. Nguyên nói gần như hét:
- Hắn đi rồi. Đi thật rồi. Hách tỉnh lại đi. Hắn đã là người của Chúa. Chúa quyền năng hơn chúng ta nên người níu giữ linh hồn hắn mất rồi. Hách chấp nhận đi.
Và lần thứ hai, Nguyên mạnh mẽ kéo bàn tay cậu đặt lên trái tim mình:
- Hãy để tôi thay hắn băng bó vết thương này cho Hách!
________
Cậu rời giáo đường khi bóng chiều vừa thu nốt những đốm nắng rơi trong không gian dần ngả màu bàng bạc tím.
Đèn đã sáng lên trên những ô cửa sổ vuông vức rộn rã tiếng đàn ca, cười nói. Người ta đang tổ chức một bữa tiệc sau lễ để chào mừng đoàn Chủng sinh mới đến. Đoàn Chủng sinh có một người mang ánh mắt ấm lúc nào nhìn tất cả cũng thật hiền hòa, bao dung.
Đông Hách đã không thể chờ cho đến khi buổi tiệc tàn để đến nói với người đó một đôi câu. Chuyến xe cuối cùng gần đến giờ chuyển bánh. Và ngày mai cậu còn cả năm tiết dạy dài.
Không biết người có nhận ra hôm nay cậu đã đến. Không biết người có thấy Hách đã mỉm cười nhìn người trong tấm áo thụng đen. Hai năm rồi, cuối cùng cậu đã làm được điều người mong muốn.
Ngoảnh đầu, màu áo người mặc vẫn như nổi rõ qua một ô cửa sổ sáng đèn. Ngoảnh đầu, có giọt nước từ đâu rơi xuống ướt lạnh một bên vai.
Mưa đã bắt đầu đan xéo trên đỉnh ngọn tháp chuông cao vút.
Cố bước mau chân trên con đường lạo xạo đá sỏi, hơn lúc nào hết, Hách biết trái tim mình đang cần một miếng băng gạc giữa mùa đông.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro