Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần II

4.

"Chuyện thường thôi, trẻ con chưa biết quý trọng mạng sống nên mới mạnh tay."

Tôi kể chuyện này cho Chu Viện và mẹ chồng, câu trả lời của cả hai giống nhau như đúc.

"Cục cưng không được làm đau các bé thú nhỏ nhé!" Tôi từng nhiều lần bao dung nhắc nhở như vậy.

Con bé chỉ cười khanh khách.

Chớp mắt, con gái đã một tuổi, lộ rõ tính ích kỷ.

Chỉ cần là đồ của nó, dù đó là đồ chơi, đồ ăn, hay quần áo thì không ai lấy được, hễ lấy là nó sẽ ngoạc mồm ra khóc.

Ban đầu chúng tôi cũng không để tâm, cả chuyên gia dạy trẻ lẫn người từng có con đều nói trẻ con hồi nhỏ rất ích kỷ, đó là bản năng rồi. Trẻ con trước hai tuổi phải được chiều theo mong muốn, muốn gì cho nấy để tạo cảm giác an toàn. Nếu không được đáp ứng đầy đủ nguyện vọng thì chúng sẽ thiếu sót về mặt tính cách khi lớn lên.

Vì vậy, con muốn gì, gia đình chúng tôi cho nấy. Sau khi tan tầm, chồng dành hết thời gian cho con, chỉ cần có thể là dành tất cả tình yêu và quan tâm cho con.

Khi con gái được hơn một tuổi, bạn tôi sinh con cần quần áo cũ nên tôi thu dọn quần áo sơ sinh và đồ chơi của con để đóng gói đem cho.

Lúc tôi dọn đồ cũng không tránh mặt con gái, ai sẽ để ý đến đứa trẻ một tuổi cơ chứ? Con gái òa khóc, loạng choạng bò từ sô-pha xuống, cướp lấy món đồ chơi tôi đang cầm.

Rõ ràng là nó không cần món đồ chơi đó nữa.

Tôi tưởng nó thích nên thả đồ chơi xuống và lấy cái khác, nó vẫn nhào đến cướp.

Tôi cầm món nào nó cướp món đó, tôi không lấy thì nó lại bò đi chơi thứ khác.

Thấy con bé quan tâm đến đồ chơi, tôi liền vào phòng trong thu dọn quần áo sơ sinh, đóng gói lại để cạnh sô-pha. Thấy người bạn kia đến, tôi lấy gói quần áo đó đưa cho cô ấy.

"Oa!"

Con bé khóc ầm lên, nhào tới kéo túi quần áo, nhất quyết không để bạn tôi mang đi.

Chúng tôi hết cách đành nhân lúc nó không để ý lấy thêm, nhưng chỉ cần lấy túi nó sẽ khóc, thậm chí xách cái túi thả vào đống đồ chơi của mình.

Không ai động được vào chúng.

Bạn tôi đành ra về và đi xin quần áo của nhà khác.

Tôi kể lại chuyện này với người trong nhà, mẹ chồng và chồng đều không nói gì, cho rằng chờ con lớn hơn chút sẽ khá hơn, tóm lại là trước hai tuổi thì mọi thứ cứ chiều nó.

Được rồi, hi vọng lớn lên con bé sẽ khá hơn.

Con gái rất nhanh đã hai tuổi, càng ngày càng ích kỷ.

Khi chúng tôi thử dạy nó chia sẻ, nó không nghe. Lúc chơi với những em bé khác, nó không chỉ không chịu chia sẻ đồ chơi mà còn cướp của người ta.

Bé con hơn hai tuổi, có một hôm mẹ chồng bón cơm cho con gái.

Con gái một tay cầm chuối, một tay cầm đũa trẻ em, mẹ chồng há miệng dí sát vào nó: "Bé cưng, bà xin một miếng chuối nhé!"

Bà ấy chưa được con gái đồng ý mà đã cắn một miếng chuối, con bé lập tức khóc ré lên, nhấc tay cầm đũa chọc thẳng vào mắt mẹ chồng.

Mẹ chồng che mắt kêu thảm thiết.

Tôi kinh ngạc đến ngây người. Đây là bà nội chăm sóc con bé từ nhỏ đến giờ, vậy mà bà ấy ăn một miếng chuối của nó cũng không được.

Tôi vội vàng đưa mẹ chồng đến bệnh viện, nhờ có bác sĩ cấp cứu nên đã may mắn giữ được mắt của bà, nhưng thị lực lại bị yếu đi rất nhiều.

Tính cách mẹ chồng hiền lành, bà tự nói mắt mình cũng hơi mờ vì già rồi, không phải lỗi của con bé, đây chỉ là tai nạn thôi.

Chồng đi làm về, biết chuyện này thì nổi trận lôi đình, muốn đánh vào lòng bàn tay của con bé.

Tôi và mẹ chồng cản anh ấy lại, chúng tôi đều cho rằng không nên đánh trẻ con mà phải từ từ giáo dục.

Chúng tôi thử cầm lấy đồ của con để dạy nó học chia sẻ với người khác.

Chồng cố ý lấy búp bê của nó, nói: "Con gái, cho bố món đồ chơi này nhé?"

Con bé rít lên, vồ lấy búp bê, chồng tôi đã chuẩn bị bánh ngọt để đổi với nó mà nó vẫn không chịu. Sau đó, nó tức giận cầm búp bê vứt xuống đất, vừa hét vừa đạp.

Con bé thà phá hỏng đồ còn hơn cho người khác, dù đối phương là bố mình.

Nói chung là không ai lấy được đồ của nó.

Chuyện phát triển đến mức về sau trong bữa ăn, món nó thích thì người khác không thể động đũa; hoa quả mua về nếu nó thích thì người khác đừng hòng được ăn, bằng không nó sẽ khóc ầm lên, tiếng khóc có thể làm cả tòa nhà rung chuyển.

Dù chúng tôi có dùng phương pháp giáo dục của vị chuyên gia nào cũng vô dụng, con bé đơn giản là không muốn san sẻ thứ gì.

Nó cực kỳ ích kỷ, không chỉ ích kỷ mà còn không có một tí sự đồng cảm nào.

Tôi, chồng tôi và mẹ chồng là những người thân cận nhất với con bé, muốn gì cho nấy vậy mà vẫn không thể lấy được thứ gì của nó. Lúc tôi ốm, bảo nó đừng khóc quậy, mẹ cần nghỉ ngơi, nó cũng mặc kệ người lớn ra sao, thích làm ầm là làm ầm.

Có thể do nó còn nhỏ nên không hiểu chuyện.

Nhưng đến lúc ba, bốn tuổi mà nó vẫn cứ như vậy, không thông cảm cho người lớn, càng không quan tâm người khác tí nào.

Tôi là mẹ ruột con bé kia mà.

Lúc chơi với các bạn khác, nó thường đánh người ta, còn thích giật đồ của người khác, không giành được thì lăn lộn trên đất khóc lóc ăn vạ om sòm không thôi.

Tôi chưa bao giờ dạy nó như vậy, thế mà nó lại tự học được cái tính đó.

Phụ huynh người khác lo con mình bị bắt nạt, tôi thì mỗi ngày chỉ lo con mình đi bắt nạt người khác.

Bởi vì nó hay bắt nạt mấy đứa trẻ khác, nói thế nào cũng không nghe, nên tôi và mẹ chồng không còn cách nào khác, đành dùng đến bạo lực.

Lúc con bé lại đánh con người khác, bị phụ huynh người ta đến tận cửa mách, tôi tức đến nỗi túm tay con bé mà dùng roi vụt, vừa vụt vừa quát nó không được bắt nạt người khác, bằng không thì ăn đòn.

Nó khóc ầm lên, lăn lộn ăn vạ trên đất, tôi và mẹ chồng cương quyết bỏ mặc không để ý đến nó.

Nó lại lăn lộn khóc thét ầm ĩ, tôi không nhịn được nữa lại túm lấy đánh nhẹ hai lần vào lòng bàn tay nó, dạy dỗ: "Con sắp bốn tuổi rồi, không được hở tí là bắt nạt người khác, cũng đừng suốt ngày ăn vạ."

Con bé vừa giãy vừa la hét, chờ tôi vừa buông tay ra liền vọt thẳng đến cạnh bàn cầm dao gọt hoa quả đâm về phía tôi.

"Giết mày! Giết chết mày!" Nó vừa đâm loạn vừa hét.

Lúc ấy tôi sợ ngây người.

May mà sức trẻ con không lớn, tôi dùng tay chặn theo bản năng, mu bàn tay bị cứa rách chảy máu đầm đìa.

Mẹ chồng cuống quít cướp lấy con dao, rồi ôm chặt lấy nó.

Con bé ở trong lòng mẹ chồng vẫn rít gào muốn giết tôi.

Sau chuyện này, chúng tôi không dám để đồ sắc nhọn trong phòng khách nữa.

Hình ảnh con gái cầm dao gào câu "giết chết mày" để lại ám ảnh rất lớn trong lòng tôi. Tôi cố ý lên mạng tìm hiểu, mọi người đều bảo đây là thời kỳ nhạy cảm - trẻ con từ ba đến sáu tuổi sẽ học được mấy câu chửi thô tục ác ý, rồi dùng linh tinh, lớn lên sẽ hết.

Con gái tôi xưa nay không nói bậy, cũng chưa nguyền rủa tôi bao giờ, đây là lần đầu tiên.

Tôi nghĩ là có lẽ mình nhạy cảm quá rồi.

5.

Sau lần bị đánh vào lòng bàn tay đó, con gái biết điều hơn một chút, nhưng cũng chỉ một chút thôi.

Con bé căm ghét tôi vô cùng, chồng vừa về đã bám vào anh ấy mà nói: "Bố ơi, mẹ đánh con. Mẹ là người xấu. Bố ly hôn đi! Chúng ta không cần mẹ nữa."

Tôi phát hoảng, đứa trẻ nhỏ như vậy học từ "ly hôn" ở đâu?

Chồng tôi sầm mặt răn dạy: "Con làm mẹ bị thương còn dám tố cáo với ai?"

Con gái òa khóc đi tìm bà nội, sau đó chỉ bám bà nội, không gần gũi với tôi và chồng nữa.

Không lâu sau con được bốn tuổi, chúng tôi đưa nó đến nhà trẻ.

Mới đến trường được một ngày, giáo viên mầm non đã mách với chúng tôi rằng con gái đánh nhau với mấy đứa trẻ khác.

Sau đó vì chuyện con gái đánh nhau mà tôi đã chạy qua chạy lại cái nhà trẻ không biết bao nhiêu lần, vừa xin lỗi nhà trường, vừa xin lỗi giáo viên và phụ huynh.

Có lúc tôi tức đến phát khóc, tôi vẫn dùng các phương pháp của chuyên gia để dạy dỗ nó nhưng nó không bao giờ nghe, chúng tôi cũng chưa bao giờ đánh nó, lần trước bị đánh tay chỉ là giọt nước tràn ly. Nó học cái thói bạo lực với người khác từ đâu cơ chứ?

Chỉ động tay động chân thì cũng thôi, đằng này nó còn thích dùng dao, cũng không biết học ở đâu ra nữa.

Con bé hai tuổi suýt nữa dùng đũa chọc mù mắt bà nội, ba tuổi suýt nữa đâm tôi, bây giờ lại càng thuận tay dùng dao và gậy đi đánh người khác.

Tôi thật sự lo rằng một ngày nào đó nó sẽ hại người, thậm chí giết người.

Chúng tôi cẩn thận cất hết dao kéo trong nhà, cũng phải kiểm tra nghiêm ngặt phim hoạt hình và sách truyện, nhất quyết không cho nó học thêm thói bạo lực. Người trong nhà thay phiên xử lý, còn thêm mấy lần bị đánh vào lòng bàn tay, đánh mông, nó mới chịu thôi dùng dao.

Một ngày nọ, Chu Viện dẫn con trai đến nhà tôi chơi, hai đứa nhỏ chơi với nhau, tôi tán gẫu với Chu Viện trong phòng khách, bỗng con trai Chu Viện lao ra khỏi phòng, vừa chạy vừa khóc.

Tôi và Chu Viện dỗ dành thằng bé. Con gái gọi hai tiếng "mẹ", tôi chưa kịp đáp lại nó thì nó rít lên, tức giận vọt vào trong bếp, cầm dao phay ném vào con của Chu Viện.

Nếu không phải Chu Viện nhanh tay thì chắc máu đã bắn ra khắp nơi rồi.

"Mục Âm!" Tôi rít lên: "Con làm cái gì thế hả?"

Tôi túm lấy nó, lần đầu dùng hết sức bình sinh đập thật mạnh vào mông nó.

Con bé vừa giãy giụa vừa gào khóc om sòm.

Chu Viện mang vẻ mặt tái nhợt, dẫn con trai về.

Chờ đến khi chồng và mẹ chồng về, con bé lại mách lẻo rằng tôi đánh nó với hai người họ, thế là chồng tôi lại nhấc nó lên, đánh mạnh cho một trận.

"Sớm muộn gì tôi cũng giết mấy người!" Nó khóc lóc.

Sau lần hành hung đó, nó ngoan ngoãn hơn rất nhiều.

Tôi bắt đầu hoài nghi chuyên gia, mềm mỏng không thể trị nổi nó, chỉ có dùng bạo lực mới khiến nó nghe lời. Nếu như không cho nó biết cảm giác hoảng sợ vì bị bạo lực chi phối thì sao mà nó học được rằng việc đánh đập người khác sẽ khiến người ta đau chứ?

Chu Viện không dám để con trai chơi cùng con gái tôi nữa, những đứa trẻ khác trong tiểu khu cũng không dám.

Thấy con gái cô độc, tôi lại xót con, mỗi ngày dẫn nó ra ngoài chơi, hi vọng nó thấy thoải mái hơn. Tôi đọc truyện cổ tích, kể chuyện anh hùng cho nó nghe, mong nó học theo tấm gương tốt.

Nó nghe rất chăm chú, biểu hiện cũng tốt.

Mọi chuyện bình yên được một thời gian. Có một hôm con gái đi học về, xin tôi mua hộp bút cho nó. Nó kéo tôi đến cửa hàng văn phòng phẩm cao cấp bên cạnh trường tiểu học, chỉ vào một chiếc hộp bút trên kệ nói muốn mua.

Tôi nhìn vào giá hơn một ngàn tệ.

Thật nực cười! Một cái hộp bút lại có giá hơn một ngàn tệ. Ăn cướp à!

(*) 1000 tệ = 3,3 triệu đồng

Tôi hỏi tại sao lại muốn mua, con bé nói Phương Phương có, nó cũng muốn có.

Tôi nói với con gái: "Con đã có hai cái hộp bút rồi, chúng ta không mua nữa."

Bình thường tôi không hề bạc đãi con, nhưng đã có hai cái hộp bút rồi mà còn đòi mua thêm thì tôi không đồng ý.

Con gái vừa khóc vừa gào, cuối cùng là tôi bế nó về.

Hôm sau, giáo viên gọi điện cho tôi, nói con gái cướp hộp bút của bạn khác, còn đẩy người ta xuống cầu thang.

May mà cầu thang không cao lắm, đứa trẻ kia không bị thương.

Tôi đến được nhà trẻ thì chân đã mềm nhũn, con gái thì nhất quyết không nhận nó đẩy người ta.

Có lẽ do còn nhỏ nên nó không biết, máy quay ở hành lang đã quay lại rõ hình ảnh nó xô người khác rồi.

Vậy mà con gái tôi xem lại băng giám sát nhưng vẫn cương quyết không nhận.

Về nhà, chúng tôi đánh con gái, không cho con cướp đồ, không được hại người, mẹ chồng kiến nghị mua hộp bút cho nó, tôi và chồng đều không đồng ý. Nếu cái gì cũng chiều nó, đến lúc nó lớn thì chúng tôi phải làm sao?

Không lâu sau, con gái về nhà khoe chiếc hộp bút mới với tôi.

Tôi hỏi nó lấy ở đâu ra, nó bảo do người khác cho.

Lúc đó tôi nghĩ, trẻ con không hiểu về giá lại tặng hộp bút, sợ là sẽ làm người lớn tức giận nên bắt nó trả lại, nhưng nó nhất quyết không chịu.

Hai hôm sau, mẹ của bé trai cùng lớp gọi điện thoại đến, tôi mới biết con bé dùng tiền tiêu vặt của bé trai để mua hộp bút.

Điều quan trọng là tiền tiêu vặt của bé trai không đủ, con gái còn giật dây thằng bé ăn trộm tiền. Bé trai đó trộm của mẹ 1300 tệ (*) để mua hộp bút cho nó.

(*) 1300 tệ = 4,3 triệu đồng

Con bé nhà tôi bề ngoài xinh xắn đẹp đẽ, được di truyền gương mặt của bố nên từ nhỏ đã dáng đại mỹ nhân. Ai mới gặp lần đầu cũng thích nó, rất nhiều bé trai ở lớp mầm thích chơi với nó.

Không ngờ con gái còn nhỏ như vậy đã biết lợi dụng người khác để kiếm lợi cho mình.

Tôi hỏi con gái, nhưng nó không thừa nhận.

Tôi thực sự đã rất mệt mỏi.

Bao nhiêu chuyện cũ nổi lên trong đầu. Tôi bắt đầu hoài nghi, chẳng lẽ trên đời thực sự có mầm xấu trời sinh, dạy thế nào cũng không tốt lên được hay sao?

Tôi, chồng tôi và mẹ chồng, ba người đều thuộc dạng tính cách ôn hòa, gia đình hòa thuận, chưa bao giờ nói thô tục và cũng không đánh nhau, với con trẻ thì muốn gì cho nấy, dành tất cả yêu thương cho nó, dù con gái đôi khi làm tôi tức giận thì cũng rất ít khi tôi ra tay đánh nó.

Những nơi chúng tôi đưa con bé đến đều rất lành mạnh và tích cực, người lớn trong nhà có thời gian đều chơi với nó chứ chẳng ai lơ là. Gia đình chúng tôi chẳng giàu có gì nhưng về vật chất thì đều ưu tiên cho nó cả, chỉ cần hợp lý thì đắt mấy cũng mua, về giáo dục cũng không hề bỏ bê, bảo ban đúng sai, thường thường kể chuyện những tấm gương tốt cổ vũ nó học theo.

Ấy vậy mà con gái tôi vẫn thành ra thế này.

Ích kỷ, tham lam, cướp bóc... dường như đã là thói quen từ trong bụng mẹ.

Lúc còn ở trong bụng, nó đã ra sức hút hết dinh dưỡng của tôi, lúc được sinh ra thì muốn mọi người phải chiều theo nó, bây giờ còn muốn cướp của người khác.

Con bé làm tôi phát sợ.

6.

Trong thời gian con gái học mầm non, tôi đều lo lắng đề phòng, sợ nó đi gây sự. Nhưng có lẽ vì vụ việc con bé đẩy người khác nên lũ trẻ không còn chơi với con bé nữa.

Con bé cũng ngoan ngoãn hơn nhiều và không đi gây sự.

Nhưng đấy là điều tôi nghĩ thôi, vì nó học được cách nói dối, học được cách che giấu cảm xúc, học được cách bí mật cư xử tàn ác hơn.

Trẻ con bình thường làm chuyện xấu sẽ tự hổ thẹn, được dạy dỗ xong sẽ thay đổi. Con gái của tôi lại học được cách che giấu tội lỗi để người khác tìm được sơ hở của nó.

Mới đầu nó biểu hiện cực kỳ tốt, tôi tưởng nó đã đổi tính nên cố ý thưởng cho nó một chiếc váy nhỏ mà nó thích.

Lúc con gái lên tiểu học, chồng được thăng chức, điều kiện kinh tế tốt hơn trước. Sau vụ hộp bút, chúng tôi cố hết sức thỏa mãn con gái về mặt vật chất.

Người xưa có câu: nuôi con trai trong nghèo khó, nuôi con gái trong giàu sang.

Chúng tôi đăng ký lớp nhảy latin cho con gái để tiêu hao thời gian lẫn tinh lực của nó, đồng thời bồi dưỡng khí chất cho nó.

Dung mạo con gái xinh đẹp nên được giáo viên ưa thích, còn nói con bé có khiếu nhảy.

Con gái tôi thích nhảy, mỗi ngày đều luyện tập rất chăm chỉ và khắc khổ.

Sắp đến lễ Quốc Khánh, con gái rất hào hứng.

Mỗi đợt nghỉ lễ, giáo viên huấn luyện sẽ dẫn bọn trẻ đến biểu diễn trong các cửa hàng và trường học, nổi bật trước mặt mọi người và còn được trao giải.

Với người lớn thì chuyện này chẳng có gì to tát, nhưng với lũ trẻ lại là chuyện lớn nên người nhà đều chiều theo.

Con gái luôn nói mình sẽ được múa dẫn đầu, kết quả là có học sinh khác nhảy đẹp hơn nó nên giáo viên chọn cô bé kia làm người múa dẫn đầu. Con gái không vui, mỗi ngày đều nói xấu cô bé kia trước mặt tôi.

Tôi luôn muốn làm bạn với con, cố gắng không dùng vai vế bề trên nói chuyện, nhưng nó nói rất quá đáng, mặt đầy ghen tị, tôi không nhịn được dạy dỗ vài câu.

Nó như nhận ra điều gì đó, cười híp mắt nói với tôi: "Mẹ ơi, con biết sai rồi."

Kể từ đó, nó không còn nói với tôi cảm xúc thật nữa, luôn tỏ ra tươi sáng trước mặt tôi.

Không quá hai ngày, tôi nhận ra con gái đang lén lút, một tuần con bé có ba ngày học nhảy, có hôm tôi đến đón thì nó đã lén về trước rồi.

Tôi hỏi giáo viên thì giáo viên lại nói là tôi đã gọi con bé về.

Tôi sốt ruột đuổi theo tìm, phát hiện ở đường cái gần lớp học nhảy có một đám đông tụ tập, hình như vừa xảy ra tai nạn giao thông.

Lòng tôi trùng xuống, tôi bước nhanh tới, đứng bên lề nhìn con gái run lẩy bẩy.

Nó òa khóc lao vào lòng tôi gọi mẹ, ở cách lối đi bộ không xa là một cô bé nằm trong vũng máu.

Cô bé kia chính là bé gái sắp thành người múa dẫn đầu.

Tôi không dám đoán là chuyện do con tôi gây ra nhưng thật quá trùng hợp.

Tôi run lẩy bẩy, sợ đây là do con gái làm, cũng sợ người khác phát hiện ra nó là thủ phạm.

Nếu đúng là nó thì sau đó tôi phải làm sao?

Nó mới tám tuổi!

Không thể, không phải nó! Nhất định không phải nó!

Lúc về tôi kể lại chuyện này cho chồng, anh sầm mặt đi nói chuyện riêng với con, sau đó trả lời tôi: "Không phải con gái làm đâu."

Sau đó cảnh sát đã ra thông báo đó là tai nạn.

Cô bé kia đột nhiên chạy ra ngoài nên mới bị xe tông chết.

Vậy thì tốt, vậy thì tốt.

Tôi khóc lớn.

Cảnh sát bảo tai nạn, nhưng mẹ của cô bé bị tai nạn không chấp nhận. Cô ấy nói cô bé xưa nay sẽ không tự rời khỏi lớp. Hôm ấy cô ấy đến muộn, cô bé không chờ cô ấy mà lại đi cùng con gái tôi. Điều này không bình thường.

Con gái của tôi vừa khóc vừa giải thích: "Tiểu Hiên muốn ăn đồ ăn vặt nên mới gọi cháu đi cùng. Bạn ấy nói mẹ không thấy bạn ấy, không quan tâm đến bạn ấy, bạn ấy muốn về một mình."

Mẹ của cô bé kia khóc thảm thiết như bị sét đánh.

Tôi kéo con gái qua: "Sao con lại nói như vậy? Con không thấy cô ấy rất buồn à?"

Nó vô tội đáp: "Con đang nói sự thật mà."

Người lớn cảm thấy trẻ con sẽ không nói dối. Mẹ của cô bé kia rời đi, kiện cáo giáo viên dạy nhảy. Cô ấy nói lớp dạy không trông học sinh cẩn thận, cuối cùng lớp dạy nhảy phải bồi thường, ông chủ đóng cửa lớp.

Khoảng hai năm sau, khi tâm trạng tôi đã bình tĩnh lại, chồng mới chọn lúc nói với tôi: "Do nó gây ra đấy."

Tôi ngây người biện giải cho con gái: "Nó còn nhỏ như thế... Cảnh sát cũng nói do cô bé kia tự đi ra ngoài nên mới gặp tai nạn..."

Chồng tôi nói: "Mục Âm lấy cớ mời tiểu Hiên đi ăn vặt, hai đứa nó nói dối là mẹ đến đón, giáo viên lúc ấy đang bận mà lại tin tưởng hai đứa nó nên cho về trước. Hai đứa nó chạy ra ngã tư chơi, nói muốn xem ai chạy nhanh hơn. Trẻ con ham vui không để ý đường xá. Mục Âm vốn không muốn giết cô bé kia, chỉ muốn làm cô bé kia bị thương một chút để không múa dẫn đầu được, không ngờ đúng lúc một chiếc xe tăng tốc lao đến nhanh quá nên mới..."

"Đây không phải tai nạn!" Tôi ngắt lời anh: "Đây vốn không phải tai nạn! Sao từ đầu anh không nói?"

"Không, chỉ là tai nạn thôi." Chồng tôi nhấn mạnh: "Mục Âm cũng không muốn giết người. Con bé cho rằng đường cái đông đúc, nó lén lút đẩy ngã cô bé kia thì chỉ bị thương một chút."

Tôi không tin, sao con gái tôi tôi không biết chứ?

"Nếu chỉ muốn tiểu Hiên bị ngã thì nó cứ đẩy ở cầu thang là được! Có phải nó chưa làm bao giờ đâu!" Tôi nói.

"Nhưng ở cầu thang có camera, lúc ở nhà trẻ bị bắt một lần nó không dám làm trong nhà nữa, chỉ có thể dẫn người ra ngoài." Chồng đáp lại.

Máu tôi sôi lên, không thể chấp nhận nổi: "Tại sao anh không nói sớm?"

Chồng tôi cúi đầu thở dài: "Nói rồi thì sao? Nó là con gái của chúng ta mà."

Tôi ngây người, há miệng, cả người run lên không nói ra lời.

"Chuyện này coi như qua đi." Chồng ấn tay lên vai tôi.

Tôi đẩy anh ấy ra, đau lòng quát lên: "Vậy anh còn nói với em làm gì? Cứ lừa em cả đời là được, anh nói ra làm gì?"

Chồng tôi đau xót nhìn tôi chằm chằm: "Bởi vì trong lòng em biết rõ, cái chết của tiểu Hiên có liên quan đến con gái chúng ta. Hai năm qua em luôn hoài nghi đến mất ăn mất ngủ, anh chỉ đành nói sự thật cho em thôi."

Tôi ngã xuống đất, nước mắt lặng im chảy xuống.

Con gái của tôi đã giết người.

Nó... Nó đúng là mầm xấu trời sinh!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #dị#kinh