Chương 2
-Timosha, cháu nhìn này: số trên là áp lực trong động mạch vào thời điểm khi tim co lại đẩy máu đi (gọi là huyết áp tâm thu). Còn số dưới là huyết áp tâm trương, có nghĩa là vào thời điểm khi các cơ tim giãn ra. Cháu hiểu chưa?
Đứa cháu gật đầu. Còn tôi im lặng vài giây rồi buột miệng nói thêm:
- Mà ai là người nghĩ ra cái máy này nhỉ? Người Nhật chăng?
- Sao ông lại nghĩ thế?
- Máy là của họ. Thì chắc là do họ sáng chế ra. Cũng giống như cái nhiệt kế ấy, cái này thì dành cho tim. Để mọi người có thể mang theo bất kỳ lúc nào.
Cháu biết không, từ thời Ai Cập cổ đại người ta đã quan tâm đến hệ thống mạch máu của con người rồi. Khi dịch những gì viết trên giấy cói xa xưa, người ta mới biết rằng từ hai nghìn năm trước Công Nguyên các thầy thuốc đã từng quan tâm đến nhịp đập của mạch máu và họ cố gắng thiết lập mối quan hệ giữa các nhịp đập ấy với sức khỏe của con người.
- Thế người ta làm ra cái máy đo huyết áp này để làm gì? – Timophei sốt ruột ngắt lời ông.
- Thiết bị dựa trên nguyên lí này do Nikolai Sergheevich Korotkov, người đồng hương của chúng ta (người Nga) sáng chế ra. Một trăm mười bảy năm về trước ông ấy đã đăng một bài báo ngắn, vỏn vẹn có hai trăm tám mươi mốt từ. "Phương pháp âm thanh xác định huyết áp con người"- và bài báo đó đã gây tiếng vang lớn trong giới khoa học.
Timophei tròn mắt nhìn tôi, như muốn hỏi điều gì đó, nhưng rồi sực tỉnh và lấy hai tay che mặt.
Tôi nói tiếp:
- Khi nãy ông đã nói về huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Chính ông Korotkov đã đưa ra những khái niệm này trong y học. Ông ấy trở về từ nhà hát quân đội ở vùng Viễn Đông, và vào làm việc tại Viện Hàn lâm Y học Thành phố St. Peterburg. Ông vừa làm công việc phẫu thuật cho bệnh nhân vừa thu thập tài liệu để viết luận án. Với sự trợ giúp của ống nghe điện thoại, ông ấy ngày đêm nghe nhịp máu chảy trong các mạch máu của những chú thương binh. Từ đó biên soạn ra một thang âm đặc biệt. Rồi sau đó xây dựng nên một phương pháp mới để đo huyết áp. Vấn đề là ở chỗ nếu một động mạch máu bị tắc thì nó không phát ra âm thanh nào cả, nhưng nếu nó được nới lỏng dần dần thì bạn sẽ có thể nghe thấy, giống như...
- Điều đó thì cháu hiểu. Nhưng thời đó làm gì có các động cơ và máy bơm nhỏ xíu như vậy? – Timophei lại sốt ruột ngắt lời tôi.
-Tất nhiên là không chỉ có một mình nhà phẫu thuật Nikolai Korotkov nghiên cứu lĩnh vực này. Chín năm trước khi ông Korotkov công bố bài báo đó thì đã có thiết bị đo áp lực mạch máu do Sipione Riva-Pochi là nhà trị liệu người Ý sống ở thành phố Turin của nước Italia đề xuất. Ông này đề nghị sử dụng một vòng bít nén đặc biệt và một áp kế thủy ngân nặng được kết nối với nó.
Thiết bị đó rất cồng kềnh, nhưng cái chính là nó chỉ đo được chỉ số trên của áp lực máu, tức là chỉ đo được huyết áp tâm thu thôi. – Tôi thở phào và im lặng, hi vọng đã đáp ứng được mong muốn khám phá về y học cuả cháu mình. Nhưng hóa ra vẫn chưa hết...
- Như vậy thì hóa ra ông Riva-Pochi đã sáng chế ra hết à. Tất nhiên với áp kế thủy ngân thì rất bất tiện khi đến nhà khám cho bệnh nhân, nhưng trong bệnh viện thì việc sử dụng lại đơn giản. Chỉ cần để nó trên kệ, mời bạn chỉ việc đến mà đo huyết áp thôi.
- Nhưng ông ấy lại không đưa vào máy thiết bị đo chỉ số quan trọng: huyết áp tâm trương- tức là chỉ số dưới của huyết áp. Ông nói với cháu rồi. Chính chỉ số đó mới cho bác sĩ biết tình trạng sức khỏe của mạch máu.
-Về sau người ta đã thay áp kế thủy ngân nặng nguy hiểm bằng áp kế cơ, còn bóng đèn cao su đã được thay thế bằng một động cơ siêu nhỏ và một máy nén siêu nhỏ. Và họ cắm một chiếc thẻ nhớ vào để cho máy tự ghi nhớ các chỉ số đã đo những lần trước, lại còn thêm cả một chiếc đồng hồ báo thức nữa, làm sao mà thiếu những thứ ấy được? Họ dạy cho áp kế thể hiện ra ba màu: màu đỏ nghĩa phải tới bác sĩ ngay, màu vàng là phải uống thuốc ngay.
-Nếu màn hình hiện màu xanh, có nghĩa là ông phải đưa trẻ con, là cháu đấy, ra chơi chỗ bãi cỏ xanh và tập thể thao. – Timophei thở dài nói tiếp.
-Thế chuyện gì đã xảy ra với nhà phát minh ấy hả ông?
-Với Sipione Riva-Pochi hả?- Tôi nhăn mũi ranh mãnh.
-Không, với ông Nikolai Sergheevich ấy. Ông ấy giàu sụ lên chứ? Bởi ông ấy phát minh ra cái máy quan trọng như thế cho mọi người. Và chắc là được cả giải thưởng Nobel chứ ạ?
-Than ôi. Phải năm năm sau ông ấy mới bảo vệ xong luận văn tiến sĩ; tất cả những người tham dự đều nhất trí công nhận là bản luận văn rất xứng đáng.
Sau đó, ông ấy làm bác sĩ bình thường ở Siberia, trong các mỏ vàng vùng Lensk. Nhưng sau một cuộc trả thù tàn bạo đối với công nhân, ông lại quay về thủ đô.
Sau Cách mạng Tháng Mười, ông làm bác sĩ chính của bệnh viện Mechnhikov cho đến khi qua đời.
Ông ấy ốm nặng lắm, nhưng từ chối nằm bệnh viện. Chỉ đến một ngày trước khi chết, một người bạn mới thuyết phục được ông ấy vào nằm chữa bệnh tại Học viện Quân y, viết giấy giới thiệu đặc biệt cho việc này. Chỉ tiếc rằng đã quá muộn, trên đường đến phòng cấp cứu ông ấy đẵ tắt thở vì bệnh lao phổi.
Đó là thời kỳ khó khăn, đã xảy ra cuộc chiến tranh vệ quốc, và nhà bác học bị người ta quên mất.
Mãi đến gần đây, vào dịp kỷ niệm bài báo vĩ đại "Phương pháp âm thanh xác định huyết áp con người", mọi người mới nhớ đến tác giả bài báo, đã cố gắng đi tìm mộ của ông ấy tại Nghĩa trang Thần học ở St. Petersburg, nhưng không tìm thấy.
Tôi đứng lên rời khỏi chiếc đi văng, tỏ ra cho cháu biết là đến lúc kết thúc câu chuyện.
-Ông ơi, như thế thật bất công! Không được quên lãng một nhà bác học như thế! Ông hãy viết chuyện, hoặc là viết cả một cuốn tiểu thuyết về ông ấy đi.
-Còn bánh nướng thì sao đây? – Tôi cố thay đổi chủ đề.
-Cháu sẽ mang bánh đến đây, dắt cả bà đến và chúng ta sẽ đo huyết áp cho bà nữa!
-Ông tin chắc rằng màn hình máy đo huyết áp của bà sẽ hiển thị màu xanh lá sáng chói, bởi vì khác với ông, bà của cháu thường xuyên chăm lo cho sức khỏe của bản thân. – Tôi vừa nói vừa trở về chỗ bàn làm việc.
-Vậy thì chúng ta sẽ cùng nhau đi công viên ông nhé. Có điều trước khi đi phải đo nhiệt độ xem thế nào, lỡ ra có ai bị sao không. Rồi ông lại sẽ kể cho cháu nghe là ai đã phát minh ra cái nhiệt kế nữa, được không ông?
Dịch xong 23/7/2023
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro