Chương 2. Nắm lấy dầu
Nếu để chính quyền liên bang phụ trách Sa mạc Sahara, thì trong vòng năm năm thôi, ta sẽ chẳng còn cát mà dùng.
— Milton Friedman
Khi bạn giúp ai, họ sẽ cảm ơn bạn. Khi bạn cho ai mượn tiền, họ
sẽ hoàn trả. Và khi một quốc gia như Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ hy sinh hàng ngàn sinh mạng nam, nữ quân nhân và hơn một nghìn tỷ đô-la để mang lại tự do cho người Iraq, thì điều tối thiểu – tuyệt đối tối thiểu – mà người Iraq nên làm là trả tiền cho cuộc giải phóng họ.
Đối với họ, việc thoát khỏi chế độ độc tài của Saddam Hussein và giành được một nền dân chủ mà ở đó họ có thể đi bầu cử và có một quốc hội được tuyển cử tự do có giá trị như thế nào? Trên thực tế, đó là một món quà vô giá, dù sau khi đất nước bị thổi tung thành từng mảnh, nhiều người nghĩ rằng cuộc sống của họ trước kia khấm khá hơn. Khi tôi nói họ phải đền đáp cho ta, tôi thậm chí không có ý nói đến việc ta lấy tiền trong túi họ. Tất cả những gì tôi đòi là họ trả cho ta, tạm thời, một ít dầu – đủ để giúp bù đắp cho ta và chăm sóc 10 nghìn thân nhân và con trẻ của những người dũng cảm đã ngã xuống hay mang thương tích vì giành tự do cho Iraq.
Nhưng Iraq có làm vậy không? Không. Thực tế, họ còn nói rõ rằng họ không có ý muốn làm vậy. Không bao giờ.
Kẻ nào thắng kẻ đó được chiến lợi phẩm.
Tháng 6 năm 2011, Nghị sỹ Đảng Cộng hòa phụ trách bang California, Dana Rohrabacher, đã tới thăm Iraq và nói với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki rằng ông hy vọng một ngày nào đó Iraq sẽ cân nhắc việc đền đáp cho Mỹ vì tất cả những hy sinh của Mỹ cho đất nước Iraq. Đáp lại, Thủ tướng Iraq yêu cầu người phát ngôn báo chí của ông, Ali al-Dabbagh, gọi ngay cho Đại sứ quán Mỹ để nói rằng họ
muốn vị nghị sỹ cuốn gói khỏi đất nước họ vì họ cho rằng những lời ông này nói là "không thích hợp".
Thứ lỗi cho tôi! Không thích hợp ư? Điều "không thích hợp" chính là việc nước Mỹ phải chịu đựng tình trạng hỗn độn này. Chúng ta đã đổ xương máu và tiền của để bảo vệ người Trung Đông, từ Iraq, Kuwait đến Ả-rập Xê-út và các nước nhỏ ở vùng Vịnh. Và bất kỳ quốc gia nào ở Trung Đông cũng phải bán dầu cho ta với mức giá thị trường công bằng.
Sự vô ơn của giới lãnh đạo Iraq khiến người ta phải kinh ngạc. Năm nay, chính quyền thành phố Baghdad thậm chí còn trơ tráo yêu cầu Mỹ trả 1 tỷ đô-la cho sự tổn hại mà những bức tường chống bom được lính Mỹ dựng lên để bảo vệ người dân Baghdad gây ra cho mỹ quan thành phố. Việc này chẳng khác gì việc một kẻ chết đuối đòi người cứu hộ phải bồi thường vì đã xé nát bộ đồ bơi của gã trong quá trình cứu mạng gã.
Cứ cho là tám năm trước, khi người ta nói với chúng ta rằng chúng ta được người dân Iraq ùa ra đường tung hoa chào đón và được đón tiếp như những anh hùng giải phóng, thì tôi cũng chả cần. Theo tôi, Iraq cứ giữ lấy hoa – dầu là chuyện khác. Chúng ta phải lấy dầu. Và đây là lý do: Vì người Iraq không có khả năng tự giữ nó. Quân đội của họ, dù ta cố xây dựng lại, vẫn kém cỏi, và ngay giây phút ta rời đi, Iran sẽ tiếp quản Iraq cùng trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của nước này – trữ lượng dầu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ả-rập Xê-út. Nếu điều này xảy ra, toàn bộ nam nữ quân nhân dũng cảm của ta đã chết một cách vô ích và 1,5 nghìn tỷ đô-la coi như đổ sông đổ bể.
Thế nên, nếu Iran hay ISIS định tiếp quản số dầu mỏ này, tôi nói chúng ta sẽ tiếp quản dầu mỏ trước bằng cách vạch ra một kế hoạch chia sẻ chi phí với Iraq. Nếu ta bảo vệ và kiểm soát các mỏ dầu, Iraq sẽ được giữ một tỷ lệ phần trăm dầu mỏ đáng kể – đó là chưa nói đến sự độc lập của nước này trước Iran – và ta sẽ bù lại được phần nào chi phí giải phóng người Iraq cũng như đền đáp được cho các quốc gia đã cùng ta chiến đấu trong cuộc chiến này. Và tôi cũng muốn báo đáp gia đình của các thương binh liệt sĩ. Lẽ dĩ nhiên, không gì có thể bù đắp cho một sinh mạng hay một phần cơ thể đã mất đi, song ta có thể cho con em của các thương binh liệt sỹ đến trường, bù đắp cho các cô phu, góa phụ của những người lính đã hy sinh ở Iraq, và đảm bảo rằng các thương bệnh binh được chăm sóc chu đáo. Đó là điều
bình thường, và chỉ là hạt cát so với thứ nằm dưới mặt đất Iraq kia. Mỗi gia đình Mỹ mất đi người thân ở Iraq cần phải được đáp đền 5 triệu đô-la, và các thương bệnh binh của ta cần phải được trả, có lẽ là 2 triệu đô-la mỗi người, cộng với phí tổn y tế.
Cứ gọi tôi là người cựu trào, song tôi tin vào tín niệm của chiến binh thời xưa rằng: "kẻ nào thắng kẻ đó được chiến lợi phẩm". Nói cách khác, chúng ta không đánh một trận, rồi giao chìa khóa cho những kẻ ghét ta và rời đi. Chúng ta thắng trận, lấy dầu để bù đắp những phí tổn tài chính mà ta đã phải chịu, và khi làm thế, ta đã đối xử công bằng với Iraq và với mọi người khác. Như Tướng Douglas MacArthur đã nói: "[trong chiến tranh], không có gì thay thế được chiến thắng". Ngay từ lúc khởi đầu Chiến dịch Tự do cho người Iraq, tôi đã tin rằng chúng ta cần phải vạch ra một kế hoạch bồi hoàn với người Iraq – thông qua những người Iraq bất đồng chính kiến tha hương – trước khi phát động cuộc chiến và giải thoát người dân Iraq khỏi tên độc tài Saddam Hussein của họ. Hồi đó, có một vài người khôn ngoan đã đồng ý với tôi và nói điều tương tự. Một trong số đó là Giám đốc Văn phòng Đánh giá Mạng lưới (ONA) của Bộ Quốc phòng, Andrew Marshall. Ông khuyến cáo nên sử dụng doanh thu từ dầu mỏ để giảm mức chi phí dự tính cho cuộc chiếm đóng. Dĩ nhiên điều này đã không xảy ra. Thế nhưng, không có lý do gì khiến ta không thể hay không được phép dàn xếp một thỏa thuận chia sẻ phí tổn với Iraq. Đừng chấp nhận câu trả lời "Không".
Đây không phải là ý tưởng cấp tiến gì. Tháng 9 năm 2010, chính Văn phòng Trách nhiệm Giải trình Chính phủ (GAO) của ta và các phòng ban khác đã nghiên cứu rất sâu vấn đề này và kết luận rằng một kế hoạch chia sẻ phí tổn là khả thi và khôn ngoan. Tất cả những gì mà những kẻ ở Nhà Trắng cần làm là đọc cái nhan đề của bản báo cáo ấy: "Chia sẻ phí tổn giữa Iraq và Mỹ: Iraq có dư ngân sách tích lũy, đưa đến tiềm năng cho việc chia sẻ thêm phí tổn". Nghĩa đen của nhan đề ấy là thế đó. Và nếu họ thực sự đọc dòng đầu tiên của báo cáo ấy, hẳn họ sẽ biết GAO nhận thấy rằng chính phủ Iraq đang vận hành với một ngân sách thặng dư 52,1 tỷ đô-la. Iraq vừa đi qua một cuộc chiến dài nhưng họ đã trở lại kinh doanh và kiếm bộn rồi. Thế thì tại sao ta cứ phải trả hóa đơn và không nhận lại được gì?
Tôi sẽ cho bạn câu trả lời. Đó là vì những vị được gọi là "các lãnh đạo" ở Washington hoàn toàn chẳng biết tí gì về thương thuyết và đàm phán. Nghe này, tôi đàm phán – những vụ lớn – mọi lúc. Tôi
quen biết và làm việc với tất cả những nhà điều hành rắn nhất thế giới tài chính toàn cầu rủi ro cao. Đó là những tay sát thủ tài chính tàn khốc, hung dữ và đầy tham vọng, kiểu người để mặc máu loang khắp bàn họp và chiến đấu tới hơi thở cuối cùng để giành được lợi ích tối đa. Và bạn đoán được điều gì không? Đó chính xác là kiểu nhà thương thuyết mà nước Mỹ cần, chứ không phải những tay "ngoại giao" vô dụng mà Tổng thống Obama cử đi khắp thế giới chơi trò tay đập tay với các chính phủ nước ngoài. Không, chúng ta cần những con người khôn ngoan có sống lưng bằng titan và bộ não lớn, có tình yêu nước Mỹ đủ để chiến đấu quyết liệt cho lợi ích của chúng ta. Ngoại trưởng George Shultz dưới thời Ronald Reagan từng triệu các nhà ngoại giao vào văn phòng, rồi đứng trước tấm bản đồ và hỏi họ đang đại diện cho nước nào. Khi họ chỉ ra nước mình được cử đi, ông chỉnh lại họ bằng câu nói: "Không, đó không phải là đất nước của anh, anh đại diện cho Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ". Lãnh đạo bắt đầu từ người đứng đầu. Tổng thống là người xác lập không khí chung. Ronald Reagan đặt nước Mỹ lên trên hết, và ông biết cách thương thuyết. Barack Obama không hề giống Ronald Reagan – thậm chí gần giống cũng không. Đó là lý do tại sao chúng ta lại ở trong mớ hỗn loạn như lúc này.
Khi nào ta chưa có một tổng thống mới, các nghị sỹ của chúng ta sẽ vẫn còn bị chính phủ Iraq khinh khi, chính phủ ấy sẽ vẫn tiếp tục vận hành với một ngân sách thặng dư và phí tổn thuộc về ta, còn ta sẽ vẫn tiếp tục chịu tổn hại kinh tế vì chính phủ Iraq.
Ta không nợ Trung Đông bất kỳ lời xin lỗi nào. Nước Mỹ không phải là thứ không ổn với thế giới. Chúng ta là minh chứng cho thế giới về sự tự do. Không ai có thể sánh bằng người Mỹ. Chúng ta có trái tim cao cả – và lòng dũng cảm dám làm điều đúng đắn. Song, ta không phải là cảnh vệ của thế giới. Và nếu phải đảm nhiệm vai trò ấy, ta cần gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng sự bảo vệ cũng có cái giá của nó. Nếu các quốc gia khác được hưởng lợi từ sự bảo vệ của lực lượng quân sự của ta, thì các quốc gia ấy phải chi trả phí. Có thế thôi!
Lãnh đạo thì đi xuống, giá xăng dầu lại tăng.
Ngoài vấn đề đơn giản là sự công bằng và ngoài việc giúp giảm nợ
quốc gia, việc lấy dầu còn đưa đến một lợi ích khác là nó sẽ giúp giảm đáng kể giá xăng dầu. Giá xăng dầu đang khiến nền kinh tế của chúng ta trở nên què quặt. Trong hai năm đầu của chính quyền Obama, giá xăng dầu đã nhảy lên một con số choáng váng 104%. Điều đó khó mà là "hy vọng và thay đổi" mà người Mỹ đã bầu chọn. Thế nhưng, nhiều nhà môi trường lại vui mừng và tung hô khi giá tăng. Logic của họ, nếu ta có thể gọi như thế, là thế này: Nếu lái xe ít hơn, ta sẽ thải ít khí carbon hơn, và có thể nói điều này sẽ giúp giảm bớt vấn đề vờ vịt là sự nóng lên toàn cầu. Xin đừng quên, khi còn là Thượng nghị sỹ, chính Obama đã gợi ý rằng có thể giá xăng dầu tăng là một điều tốt, song ông ta vẫn thích "điều chỉnh dần dần" hơn.
Giờ bạn thử nhìn vào Steven Chu được Obama bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Năng lượng, ông ta quả thực đã đi nói với tờ Wall Street Journal rằng: "Bằng cách nào đó, chúng ta phải tìm cách tăng giá xăng dầu cho bằng với mức giá ở châu Âu". Thế nên đối với những ai để tâm chú ý, thì cái việc ta phải chứng kiến giá một ga-lông xăng dầu nhảy vọt 104% kể từ khi Obama được bầu làm tổng thống chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Ông ta và đám ủng hộ ông ta ngay từ đầu đã đánh điện cho nhau như vậy. Mặc dù nghe có vẻ điên rồ, song họ muốn giá năng lượng cao hơn vì họ tin điều đó sẽ buộc người Mỹ lái xe ít hơn cũng như buộc các doanh nghiệp phải giãn hoạt động sản xuất và vận tải, một điều mà họ cho là tốt. Song thực tế là điều này sẽ càng khiến ta mất thêm nhiều việc làm và đẩy ta vào một tình thế kinh tế bất lợi hơn nhiều so với Trung Quốc. Họ, nói gì thì nói, đang đứng về phe nào đây?
Và đây là một vấn đề nữa: Chương trình Cap and Tax [Giới hạn và Thuế khóa] (hay như người ta thường gọi là chương trình Cap and Trade [Giới hạn và Thương mại]). Bạn nhớ chứ? Khi vận động tranh chức tổng thống, Obama đã thẳng thắn thừa nhận rằng kế hoạch đánh thuế lượng khí thải carbon vượt giới hạn mà ông ta đặt ra cho các doanh nghiệp sẽ đẩy giá năng lượng lên trời. Chính xác thì ông ta nói như sau:
Theo kế hoạch của tôi cho hệ thống "Giới hạn và Thương mại", giá điện nhất định sẽ tăng mạnh, bất chấp cả những gì tôi nói về việc than tốt hay xấu, vì tôi đang hạn chế khí thải nhà kính, những nhà máy chạy bằng than, như bạn biết đấy, khí đốt tự nhiên, v.v... Bất kể đó là nhà máy gì, đó là ngành công nghiệp
nào, họ sẽ phải cải tiến hoạt động của mình. Việc này sẽ tốn tiền. Họ sẽ chuyển số tiền phải tốn ấy qua người tiêu dùng.
Hầu hết chúng ta sẽ lắc đầu hoài nghi trước điều này. Song, bạn thực sự cần phải hiểu nếp suy nghĩ cực đoan của phái cực Tả và việc vị tổng thống này cùng nhóm ủng hộ ngày càng teo tóp của ông ta cực đoan và phi thực tế đến thế nào so với những người khác trên đất nước này. Họ muốn chúng ta có giá năng lượng cao hơn, họmuốn tước khỏi nền kinh tế của chúng ta thứ nhiên liệu mà nó cần để phát triển, họ cố ý đặt thứ khoa học giả hiệu về sự ấm lên toàn cầu và kiểu quản lý nền kinh tế theo tinh thần xã hội chủ nghĩa – cả hai cùng với nhau – lên trước việc làm cho nền kinh tế của ta có đủ sức cạnh tranh và tạo ra cho người dân Mỹ những việc làm thật sự trong khối kinh tế tư nhân.
Sự thật là, ta sẽ không thấy sự tăng trưởng hay tạo ra được công ăn việc làm thật sự nào cho đến khi chúng ta kiểm soát được các chi phí năng lượng cắt cổ này. Cần có ai đó nói với vị tổng thống này rằng các chủ doanh nghiệp không phải là kẻ thù; họ là những người tạo ra việc làm. Chính phủ không thể tạo ra việc làm. Tất cả những gì chính phủ có thể làm là tăng thêm người ăn nhờ vào tiền của người đóng thuế. Tất cả những gì nó có thể làm là hủy hoại sự thịnh vượng của quốc gia chúng ta mà thôi.
Cách thiết thực để giúp 14,4 triệu người Mỹ thất nghiệp có lại việc làm không phải là thông qua hoạt động "chi tiêu kích cầu [kinh tế]" vốn chỉ khiến bạn, người đóng thuế, ký séc nuôi thêm nhiều nhân viên chính phủ. Cách thiết thực là hạn chế đánh thuế, cắt bớt các quy định không cần thiết, kìm kẹp [doanh nghiệp] và làm sao giữ giá hàng hóa và nhiên liệu ở mức thấp.
Nếu "vị thủ lĩnh tổ chức cộng đồng" của ta chịu dành thời gian tìm hiểu thương trường, hẳn ông ta sẽ biết rằng trong năm qua, các món như trái cây, mì ống, cà phê, thịt nguội và nhiều thực phẩm khác đã chứng kiến cú tăng giá 40%, và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại – phần lớn là vì giá dầu đã đẩy chi phí vận chuyển và phân bón lên cao. Chừng nào ta còn chưa đưa được nguồn máu nuôi sống đất nước này
– dầu mỏ – hạ xuống mức giá hợp lý, thì nền kinh tế Mỹ sẽ còn tiếp tục suy yếu, việc làm sẽ vẫn không được tạo ra và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với giá cả ngày càng leo thang.
Chúng ta có thể nói cả ngày về những chiếc cối xay gió, năng lượng hạt nhân, nhiên liệu mặt trời, nhiên liệu địa nhiệt và các nguồn nhiên liệu thay thế khác. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc phát triển các nguồn nhiên liệu thay thế dầu, song đó là về lâu về dài. Sự thật là, ngay lúc này và trong tương lai có thể thấy trước, hành tinh này vẫn sẽ hoạt động nhờ dầu – và điều đó có nghĩa là ta cần giảm giá một thùng dầu – có lẽ thậm chí phải giảm xuống đến tầm 20 đô-la/ thùng – và đám trẻ sẽ khiến nền kinh tế của ta bùng nổ.
Tổng thống Obama có làm điều đó không? Không. Ông ấy đi vòng quanh đất nước thuyết giáo mọi người rằng họ cần mua xe lai ghép dùng cả điện và xăng, rồi nhảy vào chiếc limousine và chuyên cơ Air Force One xả khí carbon ầm ầm dành riêng cho tổng thống. Tôi cũng có một chiếc phản lực riêng, song ở đây có hai điểm khác nhau: Tôi tự trả tiền, và tôi không đi khắp nơi phẩy tay vào mặt mọi người để thuyết giáo họ về những điều tệ hại của việc đi lại và hạn chế quyền tự do kinh tế của họ.
Obama đã hứa sẽ tạo ra hàng triệu cái gọi là việc làm "xanh". Ông ấy dùng lời hứa này để biện minh cho việc chính phủ của mình cho không các công ty năng lượng xanh những khoản khổng lồ giá trị hàng tỷ, hàng tỷ đô-la tiền thuế của người dân. Giờ thì chúng ta đang thấy kết quả của lời hứa Obama và dự án lớn của chính phủ. Solyndra, một công ty sản xuất tấm năng lượng mặt trời của Mỹ, hóa ra là một thất bại hoàn toàn. Họ đang phải bán các tấm pin mặt trời 6 đô-la với giá 3 đô-la. Không cần phải là thiên tài mới nhận ra đó là một thất bại về mô hình kinh doanh. Nhưng chủ hãng Solyndra, tỷ phú George Kaiser là nhà quyên góp lớn cho Obama và là một thành viên trong "bộ sậu" gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của vị tổng thống này. Thế nên, chính quyền Obama đã đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cho công ty này một khoản vay trị giá 535 triệu đô-la có sự bảo đảm của chính quyền liên bang. Obama tin tưởng Kaiser và hãng Solyndra nhiều đến mức ông này đã tham dự một sự kiện quan hệ công chúng ra trò tại Solyndra để thực hiện bài phát biểu tán dương Solyndra, những việc làm xanh, và biện minh cho việc tại sao người đóng thuế phải bỏ tiền ra kích thích các công ty xanh. Như ai cũng có thể đoán được, công ty này đã phá sản, 1.100 công nhân của nó mất việc làm, và người đóng thuế Mỹ mất số tiền hơn nửa tỷ đô-la.
Nước Mỹ không có thời gian để chơi đùa. Đất nước này đang gặp rắc rối lớn. Đã đến lúc phải nghiêm túc và nhìn thẳng vào sự thật.
Hiện tại, chúng ta đang phải trả hơn 85 đô-la cho một thùng dầu. Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ sử dụng khoảng 7 triệu thùng/năm. Thử làm phép tính xem. Chỉ riêng mình chúng ta một năm cũng đã chuyển hàng trăm tỷ đô-la cho các quốc gia OPEC, những kẻ ghét cay ghét đắng ta. Và một lần nữa, chúng ta đang đưa toàn bộ số tiền này cho những chính quyền sôi sục lòng căm ghét nước Mỹ. Đó là một chính sách ngu xuẩn.
Chống lại các trùm dầu mỏ.
Với sự lãnh đạo đúng đắn, chúng ta có thể giảm giá dầu xuống đến 40-50 đô-la/thùng, nếu không muốn nói là 20 đô-la/thùng như tôi gợi ý trước đó. Nhưng, để làm được điều đó, ta cần một tổng thống cứng rắn với những kẻ tăng giá thật – không phải những cây xăng nội địa, mà là những liên hiệp xí nghiệp (cartel) phi pháp đang nắm giữ sự thịnh vượng của Mỹ làm con tin, tức OPEC. OPEC là tên viết tắt của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ, được thành lập tại Hội nghị Baghdad tháng 9 năm 1960 bởi các ông bạn chí cốt của ta là Iran, Venezuela, Ả-rập Xê-út, Iraq và Kuwait. Từ đó đến nay, OPEC có thêm các thành viên là Angola, Ecuador, Qatar, Algeria, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nigeria và ông bạn thân của ta là Libya. Thế là ở đây ta sẽ có 12 gã (trong trường hợp này quả thật tất cả đều là đàn ông) ngồi quanh một chiếc bàn tròn bàn bạc và ấn định giá dầu. Bây giờ, nếu bạn có một cửa hàng, tôi có một cửa hàng, và hai chúng ta thông đồng nhau để đặt giá, ta sẽ đi tù. Ấy thế mà, đấy chính là việc mà mấy gã đó đang làm, và chả ai buồn nhấc ngón tay. Và điều tệ nhất là 12 nước OPEC này đang kiểm soát 80% trữ lượng dầu mỏ có thể tiếp cận trên thế giới.
Ta hãy cùng nhìn kỹ lại danh sách các thành viên sáng lập OPEC. Trước hết là Iran. Cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã kêu gọi xóa sổ đồng minh Israel thân thiết của ta khỏi bản đồ. Ông ta nói rằng các vụ tấn công khủng bố New York ngày 11 tháng 9 là âm mưu của chính quyền Mỹ. Ông ta tin rằng Cuộc tàn sát người Do Thái là "chuyện hoang đường". Chế độ của ông ta đang phát triển các vũ khí hạt nhân vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Kế đó là Venezuela của Tổng thống Hugo Chávez. Trong suốt một bài phát biểu dông dài tại Liên Hiệp Quốc, Chávez đã gọi Tổng thống George W. Bush là "con quỷ". Tháng 1 năm 2010, chiếc loa phát ngôn của ông ta ở Venezuela, Vive TV, đã ra một thông cáo báo chí nói rằng
200.000 nạn nhân vô tội trong vụ động đất khủng khiếp ở Haiti thực ra là bị giết bởi một món "vũ khí gây động đất" của Mỹ. Rồi, hãy nhìn sang Ả-rập Xê-út. Đây là kẻ tài trợ quân khủng bố lớn nhất thế giới.
Ả-rập Xê-út rút tiền mua xăng dầu của ta – tiền của chính chúng ta – để tài trợ cho những tên khủng bố đang tìm cách hủy diệt dân tộc ta, trong khi người Ả-rập lại dựa vào chúng ta để bảo vệ mình! Rồi đến Kuwait, đất nước mà có lẽ còn chẳng tồn tại nếu ta và các đồng minh của ta không tiến hành cuộc Chiến tranh vùng Vịnh thứ nhất đập tan sự hung hãn của Saddam. Và dĩ nhiên còn Iraq nữa, một đất nước mà vì tự do của nó, ta đã trả cái giá hơn một nghìn tỷ đô-la và hơn 4.000 nam, nữ quân nhân chết trận. Những nước ấy có giúp gì ta đâu. Thông qua OPEC, bọn họ vắt kiệt ta đến từng đồng có thể.
Amy Myers Jaffe, một chuyên gia năng lượng của Viện Chính sách Công James A. Baker III tại Đại học Rice, đã thực hiện một nghiên cứu xác định giá sản xuất thực của một thùng dầu. Giá của một thùng dầu thời điểm đó là 60 đô-la. Jaffe phát hiện ra rằng chi phí thực để sản xuất một thùng dầu khi đó là 15 đô-la, bằng chính xác 1/4 giá thực tế trên thị trường. Điều này có nghĩa là bạn đang nhìn thấy mức cộng giá 400% trước khi dầu được chuyển đến nhà máy lọc để biến thành khí đốt. Một lần nữa, nếu bạn hoặc tôi làm thế, chúng ta chắc chắn sẽ bị gông cổ vào tù, vì thông đồng ấn định giá là phi pháp. Nhưng mấy gã trùm dầu khí đó vẫn làm thế hết năm này đến năm khác và cười vang trên đường đến ngân hàng. Bọn chúng tuyên bố bọn chúng không hạn chế việc sản xuất dầu để kích giá, song đó là một lời nói dối. Năm 1973, OPEC sản xuất 30 triệu thùng một ngày. Thử đoán xem năm 2011 chúng sản xuất bao nhiêu? Đúng rồi, đúng lượng như thế. Sản lượng không nhúc nhích một ly. Lý do cho điều này không phải vì các nước OPEC đã đạt đến đỉnh sản xuất dầu. Nói cho cùng, như Robert Zubin đã chỉ ra, ngay tháng 4 năm 2011 vừa qua, Ả-rập Xê-út tuyên bố bọn họ sẽ cắt giảm sản lượng 800.000 thùng/ngày, vì vậy còn lâu họ mới đến gần chỗ sản xuất hết công suất. Thay vào đó, OPEC siết chặt sản lượng dầu để giá dầu tăng vọt như tên lửa và nước Mỹ phải chi trả.
Nếu không phải là nhờ chúng ta, các nước OPEC thậm chí còn không tồn tại – chính tiền của ta đã giúp họ giàu có và quân đội của ta đã giải phóng Iraq và giữ cho Kuwait, Qatar, Ả-rập Xê-út không bị Saddam Hussein (hay giờ đây có khả năng là Iran) nuốt chửng. Một nhà thương thuyết khôn ngoan sẽ sử dụng đòn bẩy đô-la, pháp luật và lực lượng quân sự của ta để có được thỏa thuận tốt hơn từ OPEC. Đã
đến lúc phải cứng rắn! Và khôn ngoan!
Kiện OPEC.
Ta có thể bắt đầu bằng cách kiện OPEC vì đã vi phạm các luật chống độc quyền.
Hiện nay, khởi kiện chống OPEC là một việc khó. Việc này thậm chí còn bị một tòa án liên bang năm 2002, và các tòa phúc thẩm sau đó làm cho thêm phần phức tạp khi ra phán quyết rằng: "Theo tình trạng hiện tại của các điều luật liên bang của ta, các quốc gia thành viên của OPEC được miễn trừ bị kiện cho những tổn hại mà các hoạt động thương mại của họ gây ra khi họ hành động thông qua OPEC". Cách sửa chữa điều này là đảm bảo rằng quốc hội sẽ thông qua và tổng thống sẽ ký "Đạo luật Không Cartel Sản xuất và Xuất khẩu dầu khí" (NOPEC) (S. 394), một dự luật sẽ bổ sung cho Đạo luật Chống độc quyền Sherman và khiến bất kỳ chính phủ nước ngoài nào hành động tập thể với mục đích hạn chế sản xuất và định giá dầu đều là phạm pháp. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ dọn đường cho Mỹ kiện hành vi định giá và phản cạnh tranh của các quốc gia thành viên OPEC.
Một trong những người khôn ngoan trong cuộc thảo luận này là Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa ở bang Iowa, Chuck Grassley, một nhà đồng bảo trợ cho dự luật này. "Đã đến lúc phải thông qua dự luật này," Grassley nói: "OPEC cần biết chúng ta kiên quyết ngăn chặn hành vi phản cạnh tranh".
Đây là một tin tốt: Từ năm 2000, dự luật này đã bốn lần được Ủy ban Tòa án của Thượng viện thông qua với sự ủng hộ của cả hai đảng, và vào tháng 5 năm 2008, dự luật NOPEC được Nghị viện thông qua khi Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát. Và giờ là tin xấu: Tổng thống George W. Bush đã hốt hoảng và dọa sẽ phủ quyết dự luật này vì ông e rằng, với diễn biến ác liệt của các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, đạo luật NOPEC có thể khơi dậy "hành động trả đũa". Lo sợ của Bush là sai lầm. Trước hết, các nghệ sỹ đang moi tiền dầu của ta. Họ sẽ làm gì? Khoanh tay lại, nổi cơn tam bành, từ chối bán dầu cho ta và để mất hàng tỷ, hàng tỷ đô-la sao? Cho tôi xin. Và hai là, họ đã tiến hành "hành động trả đũa" rồi: Nó được gọi là cú tăng vọt 104% trong giá dầu kể từ khi Obama nắm quyền.
Thomas W. Evans từng là cố vấn cho Tổng thống George H. W. Bush và Ronald Reagan. Evans nói rằng khi OPEC hay các quốc gia thành viên của tổ chức này nhận ra khả năng tổn thất khổng lồ mà họ có thể gặp phải và thấy được các hành động phi pháp của họ sẽ bị kiểm soát như thế nào, họ sẽ buộc phải tìm kiếm một dàn xếp liên quan đến sản lượng mục tiêu giúp đưa giá cả đến gần hơn với chi phí thực tế. Hiệu ứng thuần túy, theo Evans, là giá xăng dầu tại trạm và nhiên liệu sưởi ấm sẽ giảm, và mức giảm này sẽ lớn đến mức chúng có thể vượt qua 168 tỷ đô-la mà chính phủ đã chi cho gói kích cầu liên bang năm 2008. Về hậu quả có thể xảy đến, ông nói chính điều tôi nói: Cứng rắn là khôn ngoan. Kiện OPEC "chắc chắn sẽ khiến các lãnh đạo chính trị ở Trung Đông nổi giận", Evans viết: "Nhưng ngay lúc này Trung Đông ổn định ra sao nào? Và chẳng phải khởi kiện thì tốt hơn khởi chiến sao?"
Hãy hình dung một người Mỹ bình thường có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền nếu chúng ta hạ gục được cartel OPEC. Hãy hình dung chúng ta sẽ vững mạnh về kinh tế như thế nào nếu khiến Chính phủ Iraq đồng ý với kế hoạch chia sẻ phí tổn trả cho ta 1,5 nghìn tỷ đô-la mà ta đã bỏ vào công cuộc giải phóng Iraq để họ có thể có một chính quyền dân chủ. Chỉ hai hành động này của giới lãnh đạo thôi cũng sẽ đưa lại bước nhảy vọt về phía trước cho đất nước ta. Và bằng cách này, nó sẽ giúp chúng ta được thế giới trọng nể trở lại. Thật đáng buồn cho cách Tổng thống Obama để nước Mỹ bị lạm dụng và đối xử tàn tệ. Tất cả những gì chúng ta cần làm là khôn ngoan lên và dũng cảm bắt đầu sửa chữa mọi chuyện.
Sử dụng tài nguyên của nước Mỹ và tạo việc làm.
Vậy đấy, việc đầu tiên phải làm là ta nắm lấy dầu bằng các kế hoạch chia sẻ phí tổn mà ngay cả GAO cũng đã nói là khôn ngoan và khả thi. Hai là, ta sẽ đánh vào ví tiền của OPEC và kìm cương họ bằng việc ký vào đạo luật lưỡng đảng NOPEC. Và việc thứ ba chúng ta cần làm là tận dụng một trong những tài sản chính của đất nước ta – khí đốt tự nhiên. Chúng ta là "Ả-rập Xê-út" về khí đốt tự nhiên, song ta lại không dùng đến. Gần đây, Abu Dhabi đã yêu cầu mọi phương tiện vận tải của họ chuyển sang dùng khí đốt tự nhiên, nhờ đó họ có thể bán cho ta dầu mỏ đắt đỏ của họ. Thậm chí, họ còn nhận ra khí đốt tự
nhiên hiệu quả như thế nào. Nó sạch hơn, rẻ hơn và tốt hơn. Thế thì tại sao ta không sử dụng nó làm lợi cho mình?
Bạn có biết với trữ lượng khí đốt tự nhiên mà ta có ở Mỹ, ta có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của Mỹ trong 110 năm tới không? Đó không phải là tôi tự tính ra, chính Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ nói đấy. Thực tế là, một trong những mỏ khí đốt chính, tức mỏ đá phiến Marcellus, có thể cung cấp năng lượng tương đương với 87 tỷ thùng dầu. Một số nhà phê bình tin rằng con số này đã bị thổi phồng. Thì có sao! Cứ cho con số thực là 55 năm sử dụng năng lượng, hay ta chỉ có năng lượng trị giá 43 tỷ thùng dầu đi, thế thì sao? Điều đó cũng cho ta thêm thời gian để cách tân và phát triển những dạng năng lượng mới hơn, hiệu quả hơn, sạch hơn và rẻ hơn rồi.
Vấn đề là cứ ngồi đó mà vò đầu bứt tóc cả ngày thì chẳng việc gì xong được. Đúng vậy đấy, tôi muốn chúng ta chiết xuất khí đốt từ đá phiến sét một cách an toàn và có trách nhiệm. Ai lại không làm nhỉ? Nhưng các nhà môi trường cực đoan lại nhìn nhận mọi việc xa đến mức họ sẽ chẳng bao giờ hài lòng, và việc đó xảy ra quá thường. Họ ủng hộ năng lượng hạt nhân, rồi họ quay sang chống nó. Họ thích khí đốt tự nhiên, rồi họ không thích nó vì các kỹ thuật khoan mới. Họ muốn cối xay gió có mặt ở khắp mọi nơi, rồi họ phản đối chúng vì chúng chém chim chóc thành từng mảnh và tạo ra "ô nhiễm thị giác" (điều này thì tôi đồng ý!). Họ yêu ethanol, rồi họ lại không yêu nó nữa vì nó ngốn một lượng lớn đất canh tác và châm ngòi cho những cuộc bạo động thực phẩm ở châu Phi khi giá ngũ cốc tăng. Họ thích xe điện, rồi họ lại không thích nó nữa vì họ nhận ra một nửa nguồn điện năng đến từ than đá và họ ghét than đá. Cứ thế và cứ thế. Trong khi đó, nền kinh tế của đất nước ta thì cứ chìm dần như một hòn đá.
Điều người ta cần biết là những gì nhà kinh tế học bảo thủ và cây bút vĩ đại Thomas Sowell đã dạy: trong thế giới kinh tế, không có cái gọi là "giải pháp", chỉ có thỏa hiệp. Mỗi hành động đều có một hệ quả. Mỗi quyết định đều có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Nên, ta phải đưa ra những quyết định khôn ngoan, giảm thiểu thiệt hại và tăng tối đa sự tự do. Một trong nhiều lý do tại sao tôi là một người bảo thủ là vì tôi tin vào cái gọi là Quy luật về các Hệ quả Không mong muốn – tức ý tưởng cho rằng bất kể các ý đồ của chính quyền tốt đến đâu, khi bạn bắt đầu kiến thiết xã hội hay làm rối thị trường tự do, thì rất nhiều khi bạn sẽ mở đúng phải chiếc hộp Pandora đầy những điều tiêu cực
mà bạn không hề thấy rằng chúng sẽ xuất hiện.
Thế nên, về vấn đề năng lượng, ta cần khảo sát và phát triển nhiều lối tiếp cận... và tôi cũng tính đến cả việc khoan dầu ngay tại đất nước chúng ta. Đúng, vụ tràn dầu của BP tệ đấy, nhưng đó không phải lý do để thắt chặt gọng kìm kiểm soát việc khoan dầu trong nước. Điều đó không cho thấy chút vai trò lãnh đạo nào. Nó chỉ cho thấy rằng chính quyền Obama được lèo lái bằng hội chứng hysteria hơn là bằng các dữ kiện thực tế.
Bạn muốn biết vài dữ kiện thực tế ư? Đây là một dữ kiện thực tế mà bất kỳ ai từng nghiên cứu các nguồn cung cấp dầu trên biển đều biết: "Mỗi ngày có đến hàng chục triệu ga-lông dầu thô rò rỉ ra biển.
Một cách tự nhiên, từ đáy biển," như David Ropeik, Đại học Harvard, một cơ sở không về phe cánh hữu, đã viết. Tôi cũng đọc được từ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ rằng đại dương là kẻ cần đổ lỗi vì đã góp "nhiều dầu nhất vào môi trường biển". Thế nên, nếu những kẻ bảo vệ môi trường cực đoan muốn lôi ai ra mà than, thì có lẽ đó chính là Mẹ Trái đất ấy.
Dĩ nhiên, vấn đề thực sự là những người phản đối việc khoan dầu
ở Mỹ đơn giản là không muốn việc khoan dầu diễn ra ngay ở sân sau nhà mình mà thôi. Họ làm ngơ thực tế rằng dù gì đi nữa thì những cái hố đó cũng sẽ được khoan vào lòng hành tinh này thôi. Ta nên khoan chúng trên đất của mình, tạo ra công ăn việc làm và giữ lấy doanh thu từ nó thay vì xuất khẩu việc đó sang Trung Đông. Bạn có nhớ khi Obama đưa ra bài phát biểu năm 2008 tại Hội nghị Quốc gia của Đảng Dân chủ và nói rằng ông ấy sẽ "đầu tư" 150 tỷ đô-la để năng lượng có thể phục hồi trong 10 năm tới và sẽ tạo ra "5 triệu việc làm mới"? Rồi tuyên bố đó đã biến thành thứ gì? Ông ấy đã tiêu 80 tỷ đô-la của các bạn và của tôi, và với sự chấp thuận của Hội đồng Các nhà Cố vấn Kinh tế của riêng ông ấy, "đã tạo ra hay đã cứu" được đúng 225.000 việc làm. Hãy thử tính những con số này: Mỗi cái gọi là việc làm "xanh" mà chúng ta đã tạo ra hay "cứu" được", bất kể nó có nghĩa là gì, tiêu tốn 335.000 đô-la.
Buồn thay, khi nói đến việc sử dụng ngành công nghiệp năng lượng để tạo ra việc làm cho người Mỹ, Obama đã gây ra một thảm họa. Ông ấy đang đánh mất đi cơ hội lớn có thể vừa mang lại cho rất nhiều người những việc làm chất lượng tốt, vừa giúp đất nước ta trở lại với nền tảng kinh tế vững chắc. Hãy nhìn xem ông ấy quản lý lầm
lẫn thế nào trong việc khoan dầu ngoài đại dương. Ở đây, tại đất nước mình, ông ấy vẫn giữ các lệnh cấm khoan dầu ngoài bờ biển của ta. Thế mà ông lại đến Brazil, cho họ 2 tỷ đô-la thông qua Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Mỹ, rồi nổ rằng ông ấy tự hào và phấn khởi khi biến Mỹ thành một trong "những khách hàng tốt nhất" của Brazil. Đó là kiểu lãnh đạo yếu nhược nhất mà ta có thể tưởng tượng ra được. Hãy nghĩ thử xem. Nếu Obama ủng hộ việc khoan dầu ngoài khơi Brazil và đặt hàng tỷ đô-la của chúng ta vào tay họđể làm việc ấy, thế thì tại sao chúng ta không thể khoan dầu ở Mỹ và tạo ra nhiều việc làm cũng như giảm sự phụ thuộc vào các nguồn dầu nước ngoài?
Việc Obama đã quyết định khai thác Kho Dự trữ Dầu Chiến lược của quốc gia ta – một kho chứa 727 triệu thùng dầu dùng khi khẩn cấp, có giá trị bằng 34 ngày sử dụng hàng năm của Mỹ – và dùng sạch 30 triệu thùng nhằm giảm giá dầu mùa hè để có thể kích tỷ lệ tán thành đang teo tóp dần của ông là một điều không chấp nhận được. Song, trớ trêu thay, quyết định của ông ấy chỉ chứng tỏ điều mà ai cũng biết: Nếu thị trường có thêm nhiều dầu được sản xuất trong nước, giá xăng dầu sẽ giảm. Chấm hết.
Vậy nên, cứ khoan dầu đã. Và hãy làm điều đó ngay tại Mỹ. Đó không những là một việc làm khôn ngoan mà còn mang tính chiến lược – Trung Đông cần nhận một thông điệp to và rõ ràng rằng chúng ta sẽ thôi nhượng bộ trước họ. Chúng ta sẽ thức dậy, đứng lên và biến nước Mỹ trở lại thành cường quốc như trước kia.
Nắm lấy dầu, kiện OPEC và khoan dầu trong nước – nếu chúng ta làm được ba việc lớn này, ta sẽ đi đúng hướng để tái dựng sức mạnh, sự thịnh vượng, công ăn việc làm và cơ hội cho nước Mỹ. Việc đó có khó khăn không? Chắc chắn là có. Nhưng đó chính là điều làm cho chúng ta là người Mỹ: Chúng ta làm những việc khó khăn và làm tốt... nếu ta có được sự lãnh đạo đúng đắn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro