Phần 22 : Chuyện cũ ngày xưa rất xưa (1)
#Lyhôncũngkhôngđược
#p22
Việc tôi biết Vĩ có thói quen thả mình với nước lúc giận dỗi, mệt mỏi cũng không phải tự nhiên mà có. Đó là một trong những câu chuyện cũ, mọi thứ cũ đến mức tôi vốn tưởng sẽ quên đi, muốn quên như là cái cảm giác muốn ném bỏ mười năm quá khứ vào dĩ vãng ấy. Thế mà rốt cục, mười năm vốn chưa bao giờ dễ dàng mờ nhạt đến thế, và ký ức cũng không bao giờ biến mất đi, chỉ cần trước đây đã từng muốn nhớ.
Quả thực muốn nhớ.
Xét lại quá khứ của tôi, chúng tôi, nói cho cùng thật ra rất khó chấp nhận, cũng rất khó vượt qua. Định kiến, ước mơ, lòng tự tôn, mọi thứ đều ngăn cản tôi gật đầu hài lòng với cuộc sống vợ chồng trẻ, suy cùng thì một sự ổn định chưa bao giờ là đáng hối hận cả, thậm chí cái loại cuộc sống ấy đáng lẽ là rất thuận lợi theo đủ mọi đường. Chỉ trừ có lòng tự nguyện. Tôi suy sụp, thất vọng là điều quá rõ trông thấy khi đem ra đặt cạnh cách phản ứng đầy bình tĩnh của anh chồng tôi. Nhưng dĩ nhiên mà nói, anh ấy chắc chắn chưa từng coi nhẹ sự việc ấy, anh ấy từng đau buồn chứ, chỉ là trước mắt mọi người sẽ thấy chỉ là sự dịu dàng, đầy trách nhiệm của một người đàn ông.
Anh ấy đã chọn cách mạnh mẽ như thế để đối mặt với cuộc sống thực sự. Sâu trong anh là ước muốn khác, hi vọng khác, hơn một chục năm quá đủ để cho tôi nhận ra. Khác với tôi có lẽ là đã ngày càng bước vào con đường chấp nhận, thì tôi lại cảm giác rằng anh càng lộ ra sự khát khao dường như đã giấu rất sâu. Đỉnh điểm là sự chia ly, rồi lại trở về đầy ngoạn mục của tôi. Tôi đã nghĩ rằng mọi thứ sẽ đổi thay theo chiều hướng khác, nhưng càng ngày mọi thứ lại càng khác với ý định ban đầu.
Tôi trở về, thay đổi, mà càng như không có gì đổi thay. Một cái gì vấn vương sâu đậm trở về từ xưa cũ.
***
"Đoàng!"
Một tiếng nổ khủng khiếp vang dội khắp một góc đường. Bếp sau của một nhà hàng nổ lớn, khói bay mịt mù, nhưng tuyệt nhiên không có một tia lửa nào. Vụn giấy tung tóe ngập nền đất, trên trời còn sót lại một chút đốm trắng cũng đang dần dần rớt xuống.
Hai quả pháo giấy, loại tốt. Một quả trị giá hơn mười nghìn đồng vào năm 199x. Phải thực sự công nhận người đốt pháo là một tay chơi, hoặc một lũ trẻ con nhà giàu. Đốt pháo, đốt rối bời cả lòng mề bà mụ chủ quán hàng.
"Lũ ranh con mất dạy! Trời ơi là trời ơi..."
Cách đó không xa, trong một lùm cây bẩn thỉu, thật ra chỉ là một cành cây to lớn bị gãy, màu lá đã úa đến độ đang dần phân hủy hết, có hai đứa trẻ mặt mũi lanh lợi lén lút che đi tấm thân bé xíu, mắt hong hóng về phía mặt đường trắng xóa một màu giấy kia.
"Nhân, mày... mày phá nhà người ta thật rồi. Mày sẽ vào tù đấy."
Phiên bản tám tuổi của Vĩ mặt trắng bệch, thở dồn dập sợ hãi, giọng nói run lẩy bẩy gần chết. Cứ như kẻ phải chịu toàn bộ việc phá làng phá xóm này sẽ là cậu ta.
"Tù á? Em chả sợ. Anh cứ làm như việc phải chịu đựng bà già kia mấy năm nay chưa đủ giống tù ấy."
Cô gái nhỏ đen nhẻm, tóc ngắn kiểu Nhật, đôi mắt sáng ngời tự tin nói chuyện như một bà cụ non, không giấu nổi cảm giác hả dạ khi làm việc nhân danh công lý.
Trẻ con không đáng sợ, trẻ con căm ghét mới đáng sợ. Với bộ não chưa hoàn thiện hết, chúng sẽ làm mọi thứ chúng cho là đúng. Và việc trả thù một bà bán hàng đáng ghét được coi là đúng đắn. Bà ta bán hàng cơm phở trong làng, lại rất hay mắng chửi người khác, trẻ con mụ cũng chửi, còn chửi đổng người ta khi người ta đến đòi nợ. Nhân cũng từng bị mụ mắng cho té tát chỉ vì cô bé lỡ bắn quả sung vào nồi nước dùng, mắng chưa đã bà ta còn tét vào cánh tay cô bé rất đau, chung quy là mụ ta vừa xấu tính lại vừa xấu người. Nghe đồn chồng mụ ta đã không chịu nổi mà bỏ đi biệt xứ.
Chúng là kẻ may mắn, bởi bà mụ này đã bị trả thù không ít lần, mới đầu mụ ta còn truy đuổi ráo riết hung thủ, sau rồi cũng chỉ biết khóc than vì chẳng đủ sức để đuổi theo đám con nít nữa, cơ bản là mụ chả biết chính xác đứa nào làm, chỉ biết là một "lũ ranh con mất dạy".
Vĩ bé nuốt nước bọt liên tục khi chợt thấy mụ ta không còn gào thảm hồi lâu như mọi khi nữa, thay vào đó mụ ta cứ rờ rẫm cái bức tường đã sớm đen đúa, vài mảnh vôi rụng xuống vì dư chấn vụ nổ. Nhân bé và Vĩ bé lo sợ ngẩn người, tất nhiên là Vĩ bé lo sợ còn Nhân bé thì ngẩn người, chúng nó chưa từng trông thấy hành động kì lạ này của mụ ta bao giờ.
Nhân bé nhìn chán chê, cô nắm lấy cổ tay của Vĩ rồi từ từ cả hai kéo nhau rời khỏi cành cây. Biết thừa là mụ kia chẳng bao giờ đuổi được bọn chúng, hai cô cậu bé vẫn cứ rón rén bước chân theo thói quen, vừa đi vừa nhìn cảnh giác. Đến khi đảm bảo rằng không còn một mối nguy hiểm nào hết, hai đứa dựa lưng vào thân cây to, thở ra một hơi dài.
Nhân đứng chống nạnh, cười vui vẻ nhìn Vĩ bé đang thở ra hít vào lấy sức, trêu chọc nói :
"Anh còn nhát hơn cả em nữa. Con trai thế này làm được cái gì."
Vĩ bé không nói gì, im lặng coi như đồng ý. Cậu nhát là thật, gây sự với người lớn rất nguy hiểm, nếu bị mách cho bố mẹ thì còn nguy hiểm hơn. Cậu bị mắng thì không sao, nếu Nhân bị mắng thì cậu cảm thấy rất có lỗi. Làm anh lớn không bảo vệ được em nhỏ, về sau có thể hai đứa không được chơi với nhau nữa.
Cậu bé mới tám tuổi suy nghĩ rất chín chắn, cứ lẳng lặng nhìn cô bé hàng xóm lúc lắc cái đầu thao thao bất tuyệt.
"Em nghĩ lần này là đủ rồi, dọa cho cái bà ấy sợ đi không dám mắng chửi ai nữa. Cái bà ấy xấu tính lắm, bao nhiêu đứa ghét lắm rồi. Thằng con bà ấy em cũng ghét, nhà nó giàu mà nó kiêu không chơi với ai. Hứ, nó tưởng nhà bán quán mà ngon á! Con mẹ Thúy có khác, làm người ta ghét không chịu được."
"Bà Thảo..."
Mặt Vĩ trắng bệch, môi run run sợ hãi vô cùng. Nhân lấy đó làm lạ, nhưng vẫn không dừng nói.
"Đúng rồi nhỉ bà Thảo, không phải Thúy..."
"..."
Vĩ run rẩy đưa ngón tay lên, mắt trợn trắng. Nhân cũng im bặt, cứng ngắc quay đầu ra đằng sau lưng.
...
Nhân và Vĩ ngồi co rúm ở chiếc ghế gỗ dài. Bộ bàn ghế cũ kĩ, lớp véc ni đã sớm ngả màu, mặt bàn kê thêm một lớp kính, dưới đó là hàng chục tấm ảnh đủ các kích cỡ, chụp đúng một người. Vĩ sớm nhận ra đó là Tú, con trai bà Thảo, cậu bé sống xa cách vì giàu có hơn người mà Nhân vừa chửi xấu.
Nhân bây giờ chỉ cúi gằm mặt, tay bấu chặt đầu gối, tuy không khóc lóc sợ hãi nhưng vai run nhẹ, cô bé lo lắng vô cùng. Bà Thảo đã nghe thấy hết những gì cô nói, biết thừa rằng chính cô và Vĩ làm nên cái trò phá làng phá xóm ấy, bây giờ có chối cũng không được. Nhân chưa bao giờ bị bắt gặp khi làm việc xấu từ bé đến giờ chứ đừng nói là để bị bắt đi cùng người khác - Vĩ, cô không hối hận vì nghịch pháo phá nhà người ta, cô áy náy vì dụ dỗ làm liên lụy đến Vĩ.
Bà Thảo mở chiếc hộp đầy ắp những thứ kẹo sắc màu, đều ghi bằng tiếng nước ngoài. Vĩ và Nhân đều bất ngờ, dù gì hai đứa vẫn còn là trẻ con, đều yêu thích kẹo ngọt, nhất là những thứ kẹo xa xỉ kia còn có sức hút còn mãnh liệt hơn những chiếc kẹo bán nhiều ở chợ. Dù nhà Vĩ có khá giả, nhưng khi nhìn hộp kẹo ấy cũng không khỏi thèm muốn.
Bà Thảo chỉ cười hiền lành, đẩy hộp kẹo qua.
"Đừng sợ, cứ ăn đi."
Nhân cứ nhìn bà chòng chọc, lòng đầy sợ hãi. Thà rằng bà ta cứ đanh đá độc ác như mọi khi còn hơn, tự dưng lại hiền như bồ tát thế này, lòng Nhân dấy lên một dòng cảm xúc áy náy. Thế nhưng lòng kiêu ngạo của một đứa trẻ không cho phép Nhân chấp nhận.
"Bà muốn gì ở chúng tôi?"
Bà Thảo chỉ thở dài đáp lại.
"Bác biết cái làng này, cái xóm này ghét bác, không sao cả. Nhưng các con đừng ghét Tú, nó là một thằng bé tốt."
Nhân chau mày.
"Tốt ở đâu, cậu ta kiêu căng như thế, không chịu chơi với ai, vừa nhìn đã thấy ghét."
Bà Thảo không biết nói gì hơn ngoài cười đau xót.
"Bà nữa, cái đồ gian dối điêu toa, đừng có ở đây dụ dỗ tôi với anh Vĩ. Tôi ghét bà, tôi ghét Tú!"
Nói rồi Nhân kéo tay Vĩ đi, không thèm nghe thêm gì nữa. Vĩ không nhịn nữa, liền phát vào tay Nhân một cái đau điếng.
"Em đứng lại, ai cho em hỗn với người lớn?"
Nhân gắt lên, cãi lại.
"Bà ta là đồ xấu tính!"
"Mẹ em dạy em như thế nào?"
Vĩ đến đây hét to lên, làm cho Nhân hoảng sợ. Tròng mắt cô bé đỏ ngầu, miệng méo xệch muốn khóc. Bà Thảo thấy vậy liền ra dỗ dành cô. Nhưng cô không chịu, giằng tay ra chạy mất.
Bà Thảo lo lắng nhìn Vĩ.
"Con không mau đuổi theo em con đi, nhỡ nó đi đâu mất thì sao?"
Vĩ chỉ hững hờ mặc kệ, sau quay ra cúi đầu khoanh tay với bà Thảo.
"Cháu xin lỗi bà vì em Nhân hỗn láo như thế. Chúng cháu không nên nghịch phá như thế."
"Bác không giận các con. Nhưng em con..."
Vĩ chỉ bình thản nói.
"Bà không cần lo, nó đi chán rồi về. Con biết thừa nó mà. Nó mà là em ruột con, con đã đánh nó mấy hồi rồi."
Bà Thảo nghe thế liền yên tâm hơn. Thì ra chúng nó là bạn bè, không phải anh em ruột. Bà Thảo vẫn rất lo, liền hỏi lại mấy lần nữa, nhưng Vĩ vẫn chỉ đảm bảo rằng Nhân sẽ không đi đâu xa. Vĩ lần này rất giận Nhân.
Đột nhiên ở góc nhà có một tiếng lạch cạch nhè nhẹ. Vĩ nhanh chóng quay sang, bắt gặp một cậu bé cao gầy, trạc tuổi cậu đang lấm lét nấp đằng sau cái tủ kính. Bà Thảo với bao nỗi lo lắng, buồn rầu tự nhiên thoải mái hẳn, mặt rạng rỡ quay về phía cậu bé, vẫy vẫy tay.
"Tú ra đây con, ra chào anh đi con."
Cậu bé Tú được gọi liền miễn cưỡng đứng dậy, tiến về phía Vĩ, khoanh tay lí nhí chào.
"Em chào anh."
Vĩ tươi cười.
"Em là Tú, bạn cùng lớp của Nhân hả?"
"Dạ vâng ạ. Bạn Nhân ghét em lắm.". Cậu bé vẫn hơi rụt rè, trả lời vẫn lí nhí như sợ người ta sẽ đánh cậu không bằng.
Bà Thảo nhìn hai đứa cười xòa, mắt ánh lên mấy tia hạnh phúc, kéo hai cậu bé xuống ghế ngồi trò chuyện. Lần đầu tiên Vĩ mới được nhìn thấy vẻ mặt này của người phụ nữ bị cả làng ghét ấy.
Cậu lắng nghe rất kĩ câu chuyện mà bà Thảo kể, lòng cảm thấy vô cùng thương tiếc cho gia đình Tú. Cậu càng nghe càng thêm giận mình và Nhân đã nghịch quá dại, phá phách hư đốn. Cậu thầm nghĩ lát nữa về nhà sẽ mắng Nhân một trận, từ sau sẽ không tham gia mấy trò nguy hiểm này nữa.
Cậu có biết đâu, chỉ một chút nữa khi về nhà, nhìn sang gia đình đối diện chẳng thấy Nhân ở đó, cậu chỉ còn biết hối hận vô cùng khi đã có suy nghĩ sẽ mắng cô bé. Từ lúc ấy, mọi thứ mới bắt đầu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro