Luyện tập PV và trả lời PV
PV: Chào bạn, là 1 học sinh, bạn có suy nghĩ như thế nào về sự quan trọng của môn Ngữ văn THPT?
TL: Chào bạn! Môn ngữ văn là một trong những môn học có vị trí và tầm quan trọng số một trong nhà trường phổ thông. Ngoài chức năng công cụ, môn học này còn góp phần rất lớn nhằm hình thành và phát triển các năng lực chung cũng như góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và các phẩm chất cao đẹp của người học.
PV: Theo bạn thì chương trình Ngữ văn hiện nay như thế nào? Có phù hợp với chương trình học của học sinh hay không?
TL: Theo tôi nghĩ nên giảm tải chương trình một cách hệ thống và đồng bộ. Các soạn giả sách giáo khoa nên đưa vào sách những tri thức văn học tối thiểu và những tác phẩm có giá trị tiêu biểu để học sinh có một cái nhìn toàn diện về văn học nước nhà và thế giới, tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa” như hiện nay. Phân phối chương trình môn Văn cũng còn bất cập. Nhiều truyện ngắn, bài thơ quá dài nhưng phân phối chỉ 1-2 tiết cho 1 tác phẩm. Thời lượng quá ít nên chủ yếu là thầy đọc trò chép khiến học sinh khó có thể tiếp thua bài học.
PV: Bạn có ý kiến j' về việc giảng dạy của giáo viên hiện nay?
TL: Dạy văn phải tạo môi trường để học sinh cảm thấy tự tin và có hứng thú “mở miệng” trong lớp, để các hs không chỉ phát biểu với thầy cô mà còn tranh luận với nhau. Hiện nay nhiều giáo viên chủ động cung cấp kiến thức cho học sinh, áp đặt những kinh nghiệm, hiểu biết, cách cảm, cách nghĩ của mình tới học sinh, chưa chú trọng đến việc tiếp thu, vận dụng kiến thức của học sinh cũng như việc chỉ ra cho người học con đường tích cực chủ động để thu nhận kiến thức.Do đó, có những giờ dạy được giáo viên tiến hành như một giờ diễn thuyết, cho học sinh chép lại những gì có sẵn ở giáo án. Giờ học tác phẩm văn chương vì thế trở thành trở thành những giờ “lao động cực nhọc” đối với người học.
PV: Với việc giảng dạy hiện nay thì việc học tập cũng như chất lượng học tập của học sinh như thế nào?
TL: Một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay vẫn tỏ ra thờ ơ với văn chương. Tồn tại lớn nhất là thói quen thụ động, quen nghe, quen chép, ghi nhớ và tái hiện lại một cách máy móc, rập khuôn những gì giáo viên đã giảng. Đa phần học sinh chưa có thói quen chủ động tìm hiểu, khám phá bài học. Điều này đã thủ tiêu óc sáng tạo, suy nghĩ của người học, biến học sinh thành những người quen suy nghĩ diễn đạt bằng những ý vay mượn, bằng những lời có sẵn, lẽ ra phải làm chủ tri thức thì lại trở thành nô lệ của sách vở. Người học chưa có hào hứng và chưa quen bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm của cá nhân trước tập thể, cho nên khi phải nói và viết, học sinh cảm thấy khá khó khăn.
PV: Bạn có suy nghĩ gì về vấn đề thi cử kiểm tra cũng như đề thi và chất lượng bài làm của học sinh?
TL: Theo suy nghĩ của tôi, nên tổ chức thi cử phù hợp với yêu cầu và chuẩn kiến thức. Thi cử phải kết hợp hài hòa giữa những gì học sinh được học và những gì là sáng tạo riêng của người học. Nội dung đề thi cần cải tiến theo hướng phát huy tính tư duy, óc sáng tạo của người học, tránh lối học vẹt, học thuộc lòng. Cần tiến hành thi cử nghiêm túc, đánh giá chính xác, khách quan năng lực học tập thực sự của học sinh đối với môn học này để có những điều chỉnh kịp thời.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro