Chương 1: Nếu không muốn nhớ nhà...
Nếu không muốn nhớ nhà, đừng xem MV đăng dịp tết.
Ngày hai mươi bảy Tết năm nay có mưa phùn vào buổi sáng. Tới trưa, mưa phùn chuyển thành mưa tầm tã. Cả dọc phố phải có tới mười lăm, mười sáu sạp bán đào, mai, quất. Dưới lớp bạt chắn mưa, mấy người bán hàng thở dài ngao ngán, vậy là từ giờ đến chiều chẳng có mấy ai đến mua hoa nữa.
Lê Văn khoác lên mình chiếc áo mưa hòng chở che cho cái máy tính xách tay cũ mèm duy nhất. Từ trường về khu trọ, cậu còn định tranh thủ nhận thêm hai cuốc xe nữa, ấy thế mà trời lại mưa to, buộc cậu phải vác "tài sản đắt tiền nhất" về nhà tránh ướt.
Trong con hẻm quanh co lộn xộn toàn những bịch rác lớn nhỏ, xộc mùi cơm thừa canh cặn, xuất hiện một đám người nhốn nháo chắn đường vào nhà của cậu. Chẳng cần lắng tai lên nghe cũng biết, khu trọ này lại có người mất xe.
Khổ chủ của chiếc xe ấy là một bác gái đã ngoài năm mươi tuổi, đang làm nhân viên vệ sinh cho siêu thị gần nhà. Một mình bác phải làm việc nuôi hai đứa con đang học cấp ba, và một lão chồng nửa ngợm mãi chưa học được cách làm người.
Đằng sau hàng người đông đúc, Văn loáng thoáng trông thấy con chó nhà bọn họ nuôi đã được bỏ vào túi bóng kính to để bên cạnh bậc tam cấp. Trước tiếng mắng nhiếc của lão chồng, cùng với tiếng bàn tán xôn xao của hàng xóm, bác gái tức tưởi khóc oà lên:
"Tối hôm qua tôi đã khoá cổ xe cẩn thận rồi, chìa khoá vẫn còn trong túi áo đây này! Con Đen nhà mình cũng thính tai, hay sủa nữa, bà con hàng xóm xung quanh đều thân quen cả thì tôi mới dám để xe ở ngoài đường chứ! Nhà thì chật, tôi dắt xe vào nhà buổi tối có hôm nào ông không chửi tôi đâu!"
Nếu như là ngày thường, Văn sẽ bỏ ngoài tai mấy việc ấy, vì trên đời này không thiếu kẻ khốn cùng, nhưng hôm nay, cậu không làm được. Bởi vì, Văn biết kẻ trộm xe là ai.
Bạn cùng phòng của cậu, Hữu Khang, cũng là một "kẻ khốn cùng".
Đó là một nhân viên văn phòng nghiện thuốc lá, không cha mẹ, không vợ, không con cái, chỉ có một khoản nợ hơn bốn trăm triệu do khởi nghiệp thất bại thời trai trẻ. Vì những sai lầm của mình trong quá khứ, từ một tài năng trẻ mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng hoan nghênh, anh ta phải sống ẩn dật, nay đây mai đó, tới nỗi bản tính lương thiện cũng rơi vãi gần hết trên hành trình trốn chạy của anh ta.
Sáng hôm qua, trước lúc đi làm, Hữu Khang đã đưa cho Văn ba triệu, xin lỗi cậu vì đã khất tiền nhà tháng vừa rồi, bảo rằng đây là tiền gộp hai tháng. Phòng trọ này có giá thuê là một triệu bốn trăm ngàn, chia đôi ra thì mỗi người bảy trăm ngàn. Tổng hai tháng cả điện nước, có dùng điện như phá cũng chưa tới hai triệu.
"Còn lại là tiền anh mừng tuổi mày. Năm sau vào sâu chuyên ngành rồi, làm ít thôi, cố mà học."
"Hoặc nếu mày chê cái loại anh chẳng ra gì, không muốn nhận tiền của anh, thì cứ coi như anh trả nợ. Cả quý này ở đây, ảnh vay đểu mày có ít đâu?"
Im lặng một lát, Hữu Khang bảo rằng:
"... Anh lại sắp phải đi rồi, không kịp báo trước cho mày tìm bạn ghép phòng mới, xin lỗi nhé."
Tối hôm qua về nhà thu dọn hành lý xong, Hữu Khang rời phòng từ tám giờ tối. Tuy không muốn tọc mạch nhiều, nhưng Văn lại vô tình ngửi thấy mùi bả chó trên người anh ta.
Cậu ra ngoài từ bốn giờ sáng để tập thể dục, tiện đường đi học luôn. Khi đi, chiếc xe vẫn còn nguyên đó, và con chó Mực vẫn ngồi khư khư trước cánh cửa kéo bằng sắt.
Hẳn là anh ta đã lựa lúc cậu đã rời đi, và cả ngõ chưa ai thức giấc để làm chuyện ác. Vì không muốn chuyện liên lụy đến cậu, hay vì sợ cậu phát giác rồi báo lại cho mọi người, chuyện này Văn không chắc.
Văn chỉ biết vụ này chẳng có chứng cứ gì, tay đó rất giỏi chối tội, và sẽ không lấy lại được chiếc xe đã mất, cùng tính mạng của con chó tội nghiệp.
Nếu đã không giải quyết được vấn đề, thì hà cớ gì phải tạo ra thêm vấn đề?
Không sớm thì muộn, mọi người sẽ nhận ra khu trọ này thiếu mất một người, nếu may mắn, công an cũng sẽ vào cuộc điều tra. Cậu tặc lưỡi, thôi đành để anh ta thoát tội chuyến này vậy.
Văn rút chìa khóa xe, dắt bộ vào phòng trọ của minh. Cậu đi về phía chiếc bàn gấp vẫn nằm khư khư tại chỗ, bóc miếng ni lông giả gỗ của mặt dưới chiếc bàn. Quả nhiên, chỗ tiền được giấu trong này vẫn còn nguyên vẹn. Bốn mươi lăm tờ năm trăm ngàn được xếp so le, dán cứng trên mảnh ni lông giả gỗ, đây là tiền cậu làm lụng cả năm trời, định mua thứ gì đó đem về quê, hoặc biếu ông cụ ở nhà dăm bảy triệu tiêu cũng được.
Vì hoàn cảnh gia đình rối ren, từ nhỏ cậu đã thạo trò giấu tiền này, nên mấy lần Hữu Khang lục lọi mà không thấy tiền của cậu, mới chó cùng dứt dậu đi trộm xe nhà khác.
Tết nhất đến nơi rồi, người nghèo thì cứ mãi nghèo, người xấu thì luôn luôn luôn xấu. Điều nhỏ nhoi mà cậu có thể làm lúc này là đền cho bác gái chút gì đó, vì thoi quen sinh hoạt của cậu cũng đã phần nào tiếp tay cho kẻ xấu làm việc ác.
"Bác Hoa, ở đây cháu có mười triệu thôi, không đủ tiền mua chiếc xe mới cứng, nhưng bác cứ cầm đi ạ, coi như tiền mừng tuổi cháu đưa hai em. Năm hết tết đến, nhà mình cứ phải sắm sửa tươm tất đã. Để bây giờ cháu lên đồn công an khai báo, biết đâu lại tìm được cái xe thì mừng quá."
Số tiền này lớn quá, chiếc xe cũ mà bác đi cũng chỉ là xe sang tay, hồi ấy mua còn chưa tới năm triệu, cũng đi cả chục năm rồi, bây giờ có cho cũng chẳng ai thèm. Bác gái cực lực từ chối, nhưng nghĩ tới hai con, cuối cùng bác chỉ đành nhận.
"Thế còn cháu thì sao? Tết này cháu lấy đâu ra tiền đem về cho bố mẹ?"
"Cháu vẫn còn tiền gửi về mà, bác cứ yên tâm. Thôi chào bác, cháu đi làm đây ạ!"
Văn khóa cửa cẩn thận, sau đó lại đạp chân ga, phóng thẳng tới chỗ làm. Cô bạn đứng quầy đã thay sẵn đồng phục, cất bánh ngọt vào tủ kính, khởi động máy pha cà phê, cậu chỉ việc thay đồ rồi đứng vào vị trí là được.
Quán cà phê cậu làm việc có tên là "Kaishun". Nội thất và cách bày biện ở đây theo phong cách Nhật Bản. Không gian quán yên tĩnh, thoáng đãng, với những chiếc bàn bệt bằng gỗ xoan vuông vức, phẳng phiu, xung quanh không được trang trí cầu kỳ lắm, nếu có gì đặc sắc, thì hẳn là bức tranh cá chép trải dài quanh các bờ tường. Dưới mái hiên ngoài cửa sổ, chuông gió được treo thành hàng, nên ngồi trong quán, dẫu chẳng cần bật nhạc cũng được nghe những âm thanh dễ chịu, êm tai.
Sở dĩ Văn chọn làm việc ở đây, một phần là vì nơi này gần trường cậu, phần còn lại là vì sự yên tĩnh khó tả. Ngoài ra, vẫn còn một lý do khác khiến Văn duy trì công việc này gần một năm mặc kệ thù lao thấp, nhưng cậu không muốn cho ai biết.
Chỗ quầy pha chế, hai người bạn của Văn đang xem gì đó trên điện thoại. Đứng ở chỗ này, cậu vẫn loáng thoáng nghe được đoạn điệp khúc.
Tết ổn là sao ?
Tết vui là sao ?
Là mình sum vầy và cùng có nhau
Gia đình vẫn đó, sức khỏe ta có
Thế thôi là tết ổn rồi !
Mặc dù không nhìn rõ nét mặt, nhưng vai Hạnh đang run khẽ, và điệu cười toe toét bình thường của Hoài An đã biến mất. Cả ba người đều là sinh viên tỉnh khác tới, tự túc tiền sinh hoạt, riêng Văn còn tự trả cả tiền học nữa, nên cậu hiểu rõ tâm trạng của các bạn mình.
Cậu cũng nhớ ông cụ ở nhà, cậu cũng muốn về nhà lắm chứ. Nhưng tết này cậu định sẽ không về. Nếu không, "mẹ" sẽ không vui. Mà bà ấy không vui, thì cả nhà không ai vui được. Văn còn nhớ đêm giao thừa năm ngoái, cậu về hơi muộn một chút, tay cầm cành đào, tay xách túi quà tết đứng trước cửa nhà, ngỡ rằng mọi người sẽ vui vẻ ra đón, ai ngờ chỉ nghe được một câu nói của "mẹ":
"Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung, giờ con vào nhà là thành xông đất, để đến trưa mai rồi vào."
Nhớ nhà, nhưng lại nhất quyết không muốn về nhà, nên cậu không định xem MV kia, chỉ tổ khiến cậu nhớ càng thêm nhớ.
Đang suy tư dở, bỗng dưng Lê Văn trông thấy một bóng dáng quen thuộc, ra là "lý do thứ ba" khiến cậu làm việc ở đây đến tận bây giờ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro