Chương 8
Sách, dù được đặt ở đâu đi nữa, một lúc nào đó cũng sẽ bám bụi. Thế nhưng, trước khi thường xuyên tới lui phòng Đọc giúp Tùng tìm tài liệu, Mai đã cho rằng những cuốn sách mà nó mượn về luôn tinh tươm, sạch sẽ như thế là một điều hiển nhiên.
Nhưng chẳng có gì hiển nhiên trên đời cả.
Sách sạch bụi, là vì có người đã lau sạch sẽ chúng. Nhưng nếu hỏi “Người đó là ai?” thì chắc chắn sẽ không có được câu trả lời chính xác.
“Là ai mà chẳng được.”
“Chắc nhân viên thư viện chứ ai vào đây.”
“Mà biết làm gì, có liên quan đến mình đâu.”
Hẳn nhiều người sẽ đáp đại khái giống như trên.
Nhưng Mai không cam tâm. Rõ ràng có một người đang làm công việc ấy. Họ cũng đang lao động vì lợi ích cộng đồng. Có điều, công việc của họ thầm lặng quá. Nó chẳng hào nhoáng như ca sĩ đứng trên sân khấu, cũng chẳng giàu sang như giám đốc này kia. Người mà Mai luôn dõi mắt nhìn mỗi lần nó đến phòng Đọc chỉ là một chị gái nhân viên làm nhiệm vụ lau sách. Với một xô nước đầy và vài mảnh khăn cũ trong tay, ngày qua ngày chị ngồi trên ghế nhựa, chăm chỉ lau sạch sẽ, cẩn thận từ cuốn sách này tới cuốn sách khác, từ kệ sách này đến kệ sách kia. Mỗi lần bóng chị khẽ lướt qua là một lần lồng ngực của Mai nặng trĩu bao cảm xúc.
“Em biết, mình không thể thay đổi công việc của chị ấy. Nhưng…” Mai buồn rầu nói. Mười ngón tay bất giác đan chặt lại với nhau. “Em vẫn muốn làm một điều gì đó… điều gì đó giống như sự công nhận. Nên cuối cùng, em đã viết.”
“Là truyện ngắn ‘Một góc nhân gian’ em mượn laptop của anh để viết hồi tuần trước đúng không?”
Tùng nhớ ra. Anh đóng quyển Atlas lại. Có vẻ tư liệu về phần hình họa đã đủ.
“Anh đọc nó rồi.”
“Thấy sao ạ?”
Vì máy tính ở nhà phải đem sửa nên tuần trước Mai đã mượn laptop của Tùng để viết và gửi bài. Hình như nó đã quên không xóa file. Kỳ thực, là một người viết, nhưng Mai lại không muốn những người thân quen đọc tác phẩm của nó. Ai bảo truyện nào Mai cũng lấy chất liệu từ đời thực đưa vào. May là, khi viết về chị nhân viên lau sách, Mai không hề nhắc lời nào về Tùng, khéo bây giờ nó lại khó xử.
“Nói sao nhỉ?” Tùng lựa lời. “Truyện em viết lúc nào cũng rất chỉn chu.”
“Chỉn chu?” Mai nghi hoặc. “Anh đang khen hay chê thế?”
“Không biết nữa.” Tùng đáp. Anh nhìn nó phân bua. “Anh nghĩ sao thì nói vậy thôi. Tại anh cũng không hứng thú với truyện ngắn lắm, truyện tranh thì may ra. Em viết nên anh mới đọc thôi. Nhưng anh thấy được tâm huyết của em đã dồn vào đó.”
“Tức là… tệ chứ gì.”
Mai xụ mặt kết luận. Dù đã tự nhủ phải tiếp nhận phê bình một cách lạc quan và cầu tiến, nhưng đối mặt với “việc thật, lời thật”, Mai không khỏi thấy khó chịu trong lòng.
Đã thế, truyện đã gửi đi được ít hôm, thế mà trên trang chủ cuộc thi, bài của Mai vẫn chưa xuất hiện. Nó lo sốt vó lên. Cứ cách vài tiếng là Mai phải vào web kiểm tra một lần.
“Liệu… có qua nổi sơ khảo không anh? Em viết đủ số chữ quy định mà.”
Sở trường của Mai là truyện dài. Mai tham gia những cuộc thi truyện ngắn, một phần là để mài giũa khả năng xây dựng kết cấu câu chuyện trong quy mô giới hạn số chữ. Lý do khác là vì phần thưởng, tùy theo đơn vị tổ chức, có cuộc thi viết giải thưởng cao nhất lên đến mười mấy triệu. Ngoài ra, Mai muốn chứng minh cho mẹ nó thấy thứ mà mẹ vẫn hay khinh ghét gọi là “mớ giấy lộn kia” thật sự có thể đổi ra tiền.
Có điều, thời gian đăng bài càng lâu, cái khả năng công sức của Mai trở thành “mớ giấy lộn kia” càng đậm sâu trong tiềm thức. Nhiều lúc Mai nghĩ, có lẽ nó đã tự huyễn hoặc mình. Nó đó giờ chẳng có tài năng văn chương gì cả!
“Phải tin vào bản thân mình chứ.”
Mai vừa ủ rũ nằm bò lên bàn, Tùng liền đưa tay đến, ấn vào trán, hất đầu nó lên.
“Đau.” Mai kêu ca đoạn bất đắc dĩ phải ngồi trở lại, tay gác hờ lên thành ghế. Nó dè bỉu, “Chê cho đã rồi bày đặt an ủi!”
“Anh có chê đâu chứ.” Tùng nói với vẻ vô tội. “Anh bảo là anh hiểu được những gì mà em muốn truyền tải. Tức là, những gì em viết đã chạm đến anh. Giờ anh khen hay, chưa chắc gì em tin, đúng không? Thể nào em cũng sẽ nói đó là ‘phiếu người nhà’. Với lại, văn chương là thứ tương đối. Có thể người này đọc thấy hay còn người kia thì không. Hồi cấp Hai, có lẽ văn phong của anh hợp ý của giáo viên Ngữ Văn nên điểm Văn lúc nào cũng cao. Nhưng lên cấp Ba, cũng viết y thế, ấy mà điểm Văn cứ mãi lẹt đẹt, không lên nổi con số ‘sáu’ đấy.”
“À, cái này là tình trạng chung rồi ha? Hay dở gì không quan trọng, miễn sao viết trúng ý của giáo viên bộ môn là được.”
Tâm trạng Mai đã phấn chấn trở lại. Giống như cái đồ thị hình sin, đi hết một vòng chán nản, Mai lại vui lên khi tìm được điều hay ho để nói.
Mai là vậy. Đa sầu, đa cảm. Mà có khi, chính vì thế nó mới bị sức hút của những con chữ làm ảnh hưởng và thôi thúc đôi tay này phải cầm bút lên. Nghĩ thoáng thì, truyện ngắn có được đăng hay không cũng không còn là vấn đề quan trọng. Riêng việc có thể đem tâm tư viết lại thành lời đã là một điều quá đủ tuyệt vời rồi.
Chấp nhận hiện thực là một việc không hề dễ dàng, nhưng chỉ cần ta vượt qua nó, tâm trạng tự khắc nhẹ nhõm đi rất nhiều.
Mai thở ra nói:
“Có lẽ, em đã quá đặt nặng vấn đề.” Mai tự thừa nhận. “Nhưng mà, em vẫn muốn truyện ngắn của mình được đăng lên, để nhiều người có thể đọc được. Hồi học ‘Lặng lẽ Sa Pa’ trong sách Ngữ Văn, em rất ấn tượng với câu phê bình… gì ta, à, ‘phát hiện và tôn vinh giá trị của những con người thầm lặng’. Chỉ mấy chữ đó thôi, nhưng lúc đọc lên, em không khỏi xúc động trong lòng.”
Gia đình Mai phần lớn đều là dân lao động nên nó hiểu rõ và đồng cảm sâu sắc với những mảnh đời nghèo khó, những con người thuộc tầng lớp chân tay, ngày ngày bươm chải dưới cái nắng gay gắt, nhễ nhại mồ hôi nhưng lại chẳng được mấy người coi trọng.
Ở trường ai cũng được dạy phải học thật tốt, thật giỏi để trở thành kỹ sư, bác sĩ, ông nọ, bà kia… Điều này không sai. Nhưng vô hình trung sự hướng nghiệp đó lại khiến cho những công việc lao động bình thường như ngư dân, thợ hồ, công nhân vệ sinh… trở thành những cái nghề rẻ rúng trong mắt giới trẻ. Để rồi sau khi đã tốt nghiệp ra trường, dẫu có bị thất nghiệp, bị dòng đời áp bức đi nữa, họ cũng không chịu một lần cúi xuống, nai lưng lao động bằng cái nghề họ từng xem thường kia.
Mai nghĩ, trước khi định hướng cho một ai đó cách lựa chọn nghề nghiệp tương lai, họ nên được dạy về cách tôn trọng những giá trị lao động hiện có.
Con đường mà ta đang đi những ai đã quét? Nước ta uống từ đâu mà ra? Nhà ta ở nhờ bàn tay nào đã giúp thành hình nó?...
Cuộc đời vốn không bao giờ tồn tại điều hiển nhiên. Chẳng qua sự hiển nhiên có một cái bóng mà không ai muốn mở to mắt nhìn. Rằng bên trong cái bóng, nơi chẳng có chút gì hào nhoáng lung linh, là những cuộc đời, những con người thầm lặng đáng được tôn vinh nhất.
“Có một điều khiến em thất vọng. Đó là cả sách vở lẫn phim ảnh hiện giờ phần lớn đều chỉ xoay quanh những người thành đạt để thu hút tỷ suất người xem. Như vậy thật lố bịch sao ấy.”
Mai bất mãn gõ đầu bút lên bàn.
“Xã hội ngày càng hiện đại, con người cũng ngày càng đi lên, đó là chuyện tốt. Ấy nhưng sao lại có sự bất công đó?” Mai dừng lại, thở ra một hơi cho bớt kích động rồi nó nhấn mạnh. “Là vì, cuộc sống của người lao động nghèo chẳng có gì hay ho, thú vị với người xem. Chẳng ai muốn coi cảnh đói khổ, mà phía làm phim cũng có quan tâm đến người nghèo đâu, họa chăng báo chí lên tiếng thì mới tập trung vào, hoặc chỉ trong mấy phim hàn lâm đi tranh giải quốc tế thì may ra. Cho nên, rất khó để đưa câu chuyện của những người lao động đến với công chúng.”
Mai nhìn Tùng, chờ đợi một lời bình phẩm nào đó từ anh. Nhưng chỉ cần ánh mắt tập trung lắng nghe kia là đủ. Mai dõng dạc:
“Có một sự thật, là nếu người nghèo có thể dễ dàng cất lên tiếng nói… thì họ đã chẳng nghèo như vậy. Em sẽ chỉ nói về sách thôi nhé. Để viết được một tác phẩm hoàn chỉnh mất rất nhiều công sức và thời gian, trong khi quỹ thời gian của những người lao động chân tay đều có hạn. Sau một ngày làm việc vất vả, đôi lúc phải tăng ca đến khuya, thời gian còn lại vô cùng ít ỏi, họ còn phải lo cho gia đình, lo cơm áo gạo tiền rồi tranh thủ chợp mắt. Số người có đủ năng lực, thời gian và đam mê để duy trì việc viết chắc hẳn rất ít. Thành ra, suy ngược lại, những người có thể cho ra đời những tác phẩm mà ta đã đọc, phải là những người có mức sống bằng hoặc cao hơn tầng lớp lao động chân tay một chút. Họ viết về cuộc sống của họ, ước mơ của họ. Điều này rất hiển nhiên. Nhưng em tự hỏi, sau khi đã sống đủ cho mình, viết đủ những gì mình muốn bày tỏ, họ có bao giờ nghĩ đến việc dùng năng lực, danh tiếng của họ để giúp đỡ những người kém may mắn hơn, những người vẫn chưa thể cất lên tiếng nói không.”
Đôi mắt Mai như vỡ òa trong biển cảm xúc đang dâng cuồn cuộn rồi bất giác kiên quyết trở lại.
“Có thể sẽ có người như vậy, nhưng em chẳng thể biết chắc câu trả lời. Cho nên, thay vì chờ đợi ai đó đặt bút xuống, em đã tự mình viết. Có thể truyện ngắn của em không đủ hay để tạo sự ảnh hưởng. Nhưng khi nghĩ rằng, ai đó vừa nhận ra được sự tồn tại của chị nhân viên lau sách ở thư viện và trân trọng hơn những cuốn sách cũ luôn sạch tinh tươm… công việc viết lách của em coi như cũng ý nghĩa phần nào, tinh thần cũng thấy phấn chấn hơn. Mà anh này,” Mai quay sang Tùng hỏi. “Em nghĩ như vậy có hơi quá tự tin không?”
Tùng không đáp ngay. Gương mặt anh trầm tư như đang lạc vào miền đất nào đó. Rồi bất chợt, khóe miệng anh chầm chậm dãn ra thành một nụ cười.
“Anh đang nghĩ, cảm giác của mình không sai chút nào.”
“Gì thế? Anh lại đang tự kỷ à?”
Mai nhìn Tùng nghi ngại. Có lẽ ngồi nghe nó nói liên tục như thế anh cũng đâm chán. Nhưng nhớ lúc gặp ở nhà sách, Mai đã huyên thuyên suốt còn gì. Có ai thích thú chuyện nghe người khác lải nhải mãi không nhỉ?
Chắc là có.
Bằng chứng là, Tùng tự dưng chồm sang xoa đầu nó. Anh lại cười. Nụ cười mãn nguyện nhất từ trước đến nay.
“Thật tốt vì anh đã gặp em, Mai ạ.”
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro