Lũ
Nó hắng giọng.
"Mạ ơi..."
Trong màn đêm tối thui tịch mịch, lạnh tới rét run người cùng tiếng nước chảy róc rách xung quanh, nó ngước đôi mắt sáng ngời mà đầy lo lắng sang bên phải mình, bàn tay ướt nhẹp thon gầy của nó mò mẫm tìm mạ.
"Sao thế Nụ?"
Mạ nó cũng vươn tay, sờ lên bàn tay lạnh cóng ẩm ướt của nó, rồi nắm hờ. Cái Nụ không nhìn thấy mạ đâu, nhưng nhờ vào giọng nói khàn đầy quan tâm cùng hơi ấm nhỏ nhoi mạ nó truyền qua, nó cũng yên lòng.
"Thầy đâu hở mạ?"
Mạ nó có nghe thấy nó hỏi, nhưng mạ chưa trả lời. Nó im lặng, rồi lại thở bật ra một hơi, hướng ánh nhìn về dòng nước chảy xung quanh đây lần nữa.
Ban nãy nửa đêm, nó bị mạ gọi dậy và kéo khỏi giường, mơ mơ màng màng, trong khoảnh khắc tỉnh dậy ấy nó nhìn thấy xung quanh nhà lênh láng nước chảy, bên ngoài mưa tầm tã.
Nó biết chắc là lũ lại tới.
Thầy chưa về, nó cùng mạ nó chạy lên tầng áp mái để trú, còn bên dưới, nước lũ dâng lên ngập cả tầng một. Nó và mạ cả đêm ấy không ngủ, nó thì tìm cách chặn cửa cho nước không lọt qua khe cửa mà tràn vào, mạ thì tìm cách liên lạc với ba, đồ ăn chỉ còn chút xẹo, song riết, nước thì tràn vào từ cửa sổ tầng, còn thầy thì mãi không gọi được, mạ mới mở cửa sổ, cùng nó bơi lên nóc trú.
Trong cơn mưa lớn, ngụp lặn dưới nước, cái Nụ bấu chặt lấy cánh tay mạ nó, ngoi mặt lên trên bề mặt nước chao qua chao lại, chỉ một vài phút ngắn ngủi, nó bám được tay lên nóc nhà, bò được lên trên mái tôn cùng mạ. Hai mạ con cứ vậy mà ngồi chực trên nóc.
Miền Trung, cụ thể hơn là Quảng Trị quê nó thì ngập lụt hoài, người chết ngày càng nhiều, thằng Húp nhà nó năm trước cũng bị nước cuốn đi, và mất tích. Nhà nó năm trước ở cùng nhau, chỉ là thằng Húp lù đù quá, cái chân to ụ của nó còn mắc phải dây ni lông mà mạ nó ném ở vườn, mãi không với tới cửa sổ, nó bị một cái xe ô tô trôi từ trên xuống húc trúng, kết quả là chân nó đứt phựt.
Mạ nó khóc, cố bắt lấy thằng Húp nhưng cái ô tô đã lôi cả thằng bé đi trong tiếng gào lớn thảm thiết. Và như vậy, thằng Húp biến mất, chỉ để lại một cái chân to đùng, dây quấn vài vòng, đẫm máu nổi lềnh đềnh trên mặt nước đục ngầu, nó lúc đó hẵng còn sợ hãi, vì cái chân đó xước sẹo rất nhiều, chẳng khác gì một đống thịt bầy nhầy. Mạ nó sau vụ thằng Húp được chuyển tới đây, phía bắc Quảng Trị, ở trong một căn nhà nhỏ cấp bốn đã không còn quăng các loại dây lung tung ra vườn nữa.
Cũng năm ngoái, khi nó được chuyển tới khu cứu hộ, nó có quen cái cô tên là Thắm, cổ quen mạ, nhà chỉ cách nhà cũ nó vài chục bước chân, cổ than vãn với mạ nó:
"Tía nó chứ, miền Trung mình bị lũ hoài, cơ quan chính phủ địa phương có giải pháp chống lũ nào khác không? Dân thì nghèo, sơ tán, lũ rút rồi lại xây nhà xây cửa, rốt cục cũng là để lũ cuốn hết mẹ đi. Bình thường dùng đò với xuồng cứu người, gấp lắm thì đem trực thăng ra. Tại sao những lần tiếp theo không cấp cho một cái nhà chống lũ luôn? Mình nghèo hết, tiền lấy đâu ra mà sửa nhà, lấy đâu ra mà xây cái mới? Chẳng ai cấp cho, đó là điều tất nhiên, nhưng... Dân mình cứ khổ thế này mãi, sống sao được?"
Mạ lúc đó quấn cái khăn được người ta phát cho quanh mình thật chặt để giữ ấm, mạ đáp:
"Dì này, nhà tui có hai đứa mà một đứa mất rồi, tiền bạc cũng có mấy đâu, nhưng Việt Nam mình đang phát triển, tui nghĩ nếu nhiều người cần quá cũng không đủ cung cấp nhà chống lũ hay tiền sửa chữa cho từng gia đình đâu."
Cô Thắm thở dài, vươn cái tay chai bét nhè của cổ ra nắm tay mạ, nói tiếp:
"Tui thì thấy mấy ông cơ quan địa phương đang đem xuồng đò ra cứu người, cứu người xong mấy ông toàn để đó rồi kêu báo chí lên ngoáy vài dòng thương tiếc con dân, để mấy má nhà giàu miền Bắc vung tiền xuống, mấy ông hưởng hết mà. Đây là hại dân ăn tiền dân... Mấy năm rồi đó, chẳng thay đổi gì cả!"
Mạ lườm cổ, ánh mắt vừa có vẻ muốn cổ ngừng nói, lại vừa có gì đó cũng miễn cưỡng.
Nó nắm chặt tay mạ hơn, ngẩng đầu lên cho từng hạt mưa lốp bốp rớt xuống gương mặt méo xệch của mình.
Mạ và nó ngồi đây cũng đã khá lâu, hơi tí lại bắt chuyện nhau, chờ khi trời sáng thì hóng xuồng máy tới cứu.
Vì "Dù mấy ông địa phương có làm gì đi chăng nữa, thì chính phủ của Việt Nam vẫn còn quan tâm mình mà, dì đừng có nói thế, người ta đã cố lắm rồi." Mạ nó cuối cùng chỉ đáp lại cô Thắm câu nói ấy, rồi ngả người vào ngực thầy, mệt mỏi lim dim đôi mắt ướt nhẹp.
Chắc chắn vẫn sẽ có xuồng tới cứu, ít nhất là thế.
Sau này mạ nó nói, cô Thắm không được ăn học tử tế, phát ngôn có hơi thiếu suy nghĩ, nên nó đừng có để ý cổ nói gì.
Cái Nụ ngước qua bóng mạ, tự cảm thấy mạ mình thật đáng tự hào. Nó ngồi nghe cũng hiểu hết đấy chứ, mấy năm liền, mùa lũ nào cũng là mấy cô chú ca sĩ "từ thiện" tiền bạc, nhà cửa, còn chính quyền địa phương chỉ ném cho tí xíu tiền, không đủ sửa hay mua một căn nhà đủ vững chãi cho gia đình nó sống yên ổn. Mà có ai từ thiện đi chăng nữa, cũng chỉ là vung tiền cho những người thực sự khó khăn và được để ý. Nhà nó khó khăn, nhà cô Thắm cũng khó khăn, nhà ai cũng khó khăn, tại sao người ta không từ thiện từng người một mà chỉ từ thiện cho những người họ gặp trên đường? Vì họ có gặp được hết đâu. Số mình nhọ quá thì đành chấp nhận thôi, mình đâu đủ khả năng chuyển lên miền bắc? Mà nếu chuyển được lên rồi, chắc gì đã đủ tiền thuê căn hộ hay mua nhà ở? Chắc gì đã kiếm được việc làm tốt?
Ít nhất chính phủ vẫn cho ta ít tiền, cho ta chỗ trú tạm thời trong khi lũ lụt vẫn đang hoành hành.
Bây giờ mà có ai từ thiện cho nhà nó, thì thầy nó cũng vẫn là người đi làm chính, lại quần quật, dốc hết sức lực con người mà đi làm. Mạ nó muốn được từ thiện lắm, nhưng lại không muốn quá dựa dẫm vào tiền từ thiện của người khác. Mình có được tiền miễn phí thì mình phải cố gắng tiết kiệm và kiếm thêm tiền để cải thiện cuộc sống chứ, số tiền đó có hạn chứ có phải là vô hạn đâu?
Mà, lần vừa rồi chuyển được lên phía bắc Quảng Trị, ông nội nó mất, bà nội nó cũng lâm bệnh rất nặng, chú thì đột quỵ, còn tang cả thằng Húp nữa, tiền nhà nó gom góp được bao nhiêu cũng không còn đủ nữa, chỉ e, lần này lũ rồi, thầy mà mất, hai mạ con nó sẽ lâm vào cảnh túng quẫn, nghèo khổ.
Nó thở dài, lần nữa ngây ngô ngước qua mạ nó.
"Ba con... Chắc sẽ ổn thôi."
Giọng mạ khàn và tuyệt vọng, mà mạ lại đang lí nhí, chắc mạ đang tự nhủ với bản thân bằng giọng thở dài hơn là đáp lại câu hỏi của nó. Nó 'dạ', đáp lại một tiếng rồi lại im lặng.
Một lúc sau, cái Nụ đang ngồi ngắm trời thì bỗng có cái gì đó rơi trúng tay nó. Một chất dính nhầy nhụa.
Nó nhăn nhó, nâng tay lên xem đấy là cái gì. Chất nhầy đó có màu hơi xanh rêu, pha xen kẽ trắng vào đó. Gương mặt nó lại càng méo xệch.
"Mạ! Chim... nó ỉa vào tay con này..."
Nó ban đầu không thấy mạ đáp, nên lại bàng hoàng nhìn xuống tay mình, xong bên kia bỗng vang ra tiếng cười khúc khích.
"Chim đêm đó. Rửa tay đi, xuống dưới ấy, nước hơi bẩn chút thôi nhưng phải đi đứng cẩn thận đấy."
Nó nghe thấy tiếng soạt. Mạ nó đứng dậy, qua bên này dìu nó xuống dưới chỗ nước lũ đang chảy xiết.
Cái Nụ vụng về thò tay xuống mặt nước cách rìa mái có vài phân, để mạ nó ôm bụng mình, nó đem hai tay vớt nước, rửa đi đống phân chim trên tay. Rửa sạch rồi, nước kéo đống bầy nhầy đó theo, chảy tít xuống dưới khu đất thấp hơn, nó ngước qua mạ, mạ nó liền bỏ cái tay đang siết ở bụng nó, tính cúi xuống bám mái tôn để bò lên chỗ cao. Cái Nụ đạp một chân lên phần lõm giữa hai phần nổi của mái tôn, bỗng dưng không biết thế nào, nó trượt chân té, cả người rớt cái bịch lên mái tôn, trượt vèo xuống.
"Nụ!"
Mạ nó thét lên, lập tức vươn tay bắt lấy cổ áo nó, song cả người nó quá nặng, nó trượt tọt xuống nước, lôi cả mạ nó theo.
"Úi!"
Mạ nó thốt lên một tiếng, hoảng loạn, mạ nắm chắc cổ áo nó, tay còn lại bám chắc viền mái để cả người không lao xuống nước, mạ nghiến răng nghiến lợi, cố gắng kéo nó lên.
Cái Nụ chân quẫy trong nước, mà đầu nó cúi gằm, lục bục trong nước. Nó sặc nước, gắng bám lấy tay mạ, khục khặc riết. Mạ nó gào:
"Bám lấy tay mạ, rồi đạp chân vào cái xà, với tay lên rìa!"
Nó nghe được loáng thoáng, nước gập ghềnh, nó rướn lên bám cả cánh tay mạ. Bị cái Nụ bám tay kéo xuống, mạ nó càng siết chặt viền mái, mồ hôi tay tuôn ra. Cái Nụ lại kéo thêm cái nữa, mạ trơn tay, cả lòng bàn tay trái trượt sang ngang cái "roạt", mạ nhăn hết mặt mày, tay phải bị tụt xuống nước, nên mạ lại nắm chắc rìa, gắng kéo nó lên.
Nó vùng vẫy một hồi, cuối cùng cũng đạp được vào cái cột sắt gần hiên nhà mình, nó đẩy bật mình lên, tay bám lấy rìa. Mạ nó tay đang bám viền mái liền buông ra, thọc vào trong nước kéo cả hai tay nó, cho nó bám lên viền, hai mạ con lật đật trèo lên mái tôn. Cái Nụ ho sù sụ.
"Đấy, phải cẩn thận chứ..."
"Dạ...:"
Mạ làu bàu, ẩn người nó lên chỗ ban nãy. Nó ngồi phịch xuống cái thanh sắt lớn chỗ cao nhất của mái, áo quần dính chặt vào cái thân mảnh khảnh của nó, nó chỉ biết hối lỗi xin lỗi mạ nó, rồi nhìn lại bàn tay mình.
Trên bàn tay màu rám nắng ướt sũng của nó có chút màu mang máng đỏ chảy theo hướng ngang.
...
Máu?
Nó nhìn quanh tay, lại nhìn quanh người, cả thân ướt nhẹp mà không thấy xót, không thấy có xước sẹo gì, nên nó đâm nghi, nhìn qua mạ.
"Mạ ơi, mạ chảy máu ạ?"
Mạ nó giật bắn mình, liền kiểm tra xung quanh cơ thể, rồi ngưng lại ở bàn tay trái ban nãy bám rìa mái.
"....Ừm... chảy máu rồi..."
Mạ lẩm bẩm, rồi tiếp rằng:
"Đúng là ban nãy có hơi xót thật, nhưng mạ không để ý lắm."
Xong mạ rụt tay lại.
"Chắc không sao đâu, không cần băng bó. Để hong nó như vậy, rồi sẽ khỏi."
Mạ nó nói bằng hơi thở dài, rồi cả hai người lại thức trắng tới sáng hôm sau.
Ban sáng, bình minh đã ló rạng, mạ nó ngồi săm soi vết thương, cả người nóng hừng hực, nhưng mạ chẳng dám nói ra. Cái Nụ lặng lẽ nhìn ngắm xung quanh, nhưng chẳng có gì ngoài màu nước đục ngầu, cây lá ở xung quanh thưa thớt cũng ngập trong nước đang chết dần chết mòn, những mái nhà đỏ bị nước ngập lên sát rìa.
Nó thấy đói yểu người. Và cũng không thể chống đỡ được cơn buồn ngủ.
Người nó đã được hong khô bởi gió lạnh qua đêm, nên nó cất tiếng gọi mạ.
"Mạ ơi, con muốn ngủ..."
Mạ nó nhìn liếc qua nó một lượt, rồi uể oải nhếch mông qua, vươn tay đẩy đầu nó tựa vào vai mình. Người mạ âm ấm, nó dụi dụi đầu rồi nhắm hờ mắt, chỉ nghe mạ nói:
"Ngủ đi, mạ trông xuồng cho."
Song cả ngày hôm ấy, cũng chẳng có cái xuồng nào tới, cũng chẳng còn gì cho hai mạ con ăn.
Mạ nó nhân lúc nó ngủ say, khẽ trở tay, lộ ra vết rạch chéo giữa bàn tay trái đang tím lại, dịch nhờn màu vàng đục rỉ ra khỏi miệng vết thương. Mạ thấy buồn nôn, nên lại nhẹ nhàng bỏ tay xuống. Cả bầu không khí nặng nề ấy chỉ có tiếng thở dài não nề của mạ...
Tờ mờ sáng, cái Nụ đang mơ mơ màng, đột nhiên có giọt nước nào đó rơi cái tách xuống mặt nó, khiến nó rùng mình, tỉnh ngủ luôn. Lại mưa nữa rồi...
Từ xa, mơ hồ vang lên tiếng động cơ xuồng máy.
"Mạ nghe thấy tiếng xuồng máy!"
Mạ nó reo lên, gương mặt nhợt nhạt bỗng chốc bừng sáng. Nó hào hứng nhổm người, quên hết đi mệt mỏi, rét lạnh mà cố căng mắt ra tìm cho ra cái xuồng máy cứu hộ. Mạ nó vẫn ngồi im, lặng lẽ thò tay ra nhìn vết thương của mình.
Xa xa trên mặt nước đục một màu đỏ hồng của phù sa đất miền trung, cái Nụ nhác trông thấy có một bóng đen dài, chỉ lớn hơn hai con kiến một chút.
"Cứu hộ, cứu hộ! Chúng tôi ở đây!"
Nó gào lớn, vẫy tay về hướng cái xuồng máy đó, mừng quýnh cả lên.
Dường như nghe thấy tiếng nó gọi, cái xuồng máy từ từ đổi hướng, rồi đi kèm với tiếng tạch tạch phổ biến của động cơ xuồng, nó phóng tới.
Cái xuồng có bọc xung quanh bởi phao đen, trên đó là bốn người mặc áo cam choé, một người đàn ông gầy và cao có vẻ là đội trưởng, một cô y tá ôm bộ cứu thương, một người ngồi cuối để điều khiển xuồng, và một người cường tráng hơn. Lực lượng như này là hơi ít, nhưng có vẻ là giống đội đi tuần hơn.
Cái Nụ hấp tấp đứng ngồi không yên, cứ hơi tí là đứng dậy trông.
"Thông báo, có người còn sống sót, nhắc lại, có người còn sống sót!"
Chú đội trưởng hét vào bộ đàm, rồi khi xuồng cập tới nóc nhà nó, cái Nụ quay qua mạ, thấy mạ mặt đỏ bừng, chân tay không động đậy được, nó luống cuống trèo qua dìu mạ dậy. Cái chú cường tráng đó nhảy khỏi xuồng, nhanh chóng bò lên cùng dìu mạ nó xuống xuồng.
"Mẹ con bị sao thế?"
Chú hỏi bằng giọng miền Bắc, tay vươn tới kéo xuồng sát vào phía nóc, cho mạ nó trèo vào. Nó thay lời mạ đáp:
"Mạ con ốm đột ngột, và bị thương nữa..."
Chú đó gật đầu, rồi trèo lên xuồng cùng, đổi chỗ cho cô y tá ngồi gần lại với mạ. Cô y tá lôi một bịch nước sạch, cho hai mạ con rửa tay, trong lúc đó xem xét vết thương của mạ nó.
"Nhiễm trùng rồi, cho về chỗ chùa đi đã!"
Cô nói, chú đội trưởng liền chỉ đạo chú cai xuồng rồi ngồi xuống lại, báo cáo với tổ trưởng. Xuồng lại tạch tạch tiếng động cơ, lướt đi.
Cô y tá nâng tay mạ, bôi phần da xung quanh miệng vết thương bằng nước muối, mạ rát quá không chịu được, hơi the thé kêu. Sau đó cô y tá lấy bông, đổ thuốc i ốt nâu lên bông, rồi thấm thấm vào miệng vết thương, bôi ra xung quanh.
"Đau quá.."
Mạ thều thào, cái Nụ gắng giữ mạ ngồi yên, rồi khi cô y tá băng bó xong, mạ nói cảm ơn bằng tiếng mũi, lại ho hắng. Cô y tá nhanh nhẹn lôi ra một cái khăn ấm, quàng cho mạ, rồi lấy chai nước lọc, cổ bỏ một viên thuốc giảm sốt vào đó.
"Dì gắng ăn cho hết một nắm xôi nhé, hai mạ con chắc chưa được ăn gì rồi. Ăn xong rồi uống chút thuốc giảm sốt là được."
Cô giở một nắm xôi ra, dúi cho mạ, còn phần cái Nụ, cổ cho nắm xôi to hơn, vì nó không bị ốm. Nó giở ra, ăn vèo cái hết luôn.
Xuồng tạch tạch chạy ngược về hướng ban nãy, nó ngước qua khung cảnh làng mình sau lũ. Mái tôn, mái gạch chổng kèo, gạch và mảnh vỡ tường cùng túi nylon rơi vãi lung dung, một số thứ trôi lềnh đềnh trên mặt nước. Nước lũ bẩn, mà mất mấy ngày, tuần nữa mới rút. Nhà cửa tan tác, người chết ngày càng nhiều. Bệnh tật rồi nghèo đói, thiên tai, mất mát, người dân miền Trung còn phải chịu khổ tới lúc nào nữa?
Nó rưng rưng nước mắt, nhìn thoáng qua những căn nhà bị nước lũ cuốn cho thanh sắt xuyên mái, nhà sụp hơn một nửa, rồi mái nhà dạt vào cái khu vực đất cao thiếu thốn cây cối, trên đó ghi tên người đã mờ nhạt.
Ngoài đó còn người cầu cứu, có hơn nghìn con người đang cầu cứu ở đây, đến khi nào mới được giải cứu hết?
Cả khu làng này còn chút sự sống nào đâu? Ngoài những cái cây con đơn độc sắp chết và những người đang ngóng chờ xuồng cứu hộ?
Cái Nụ khẽ quệt nước mắt, nhìn qua mạ, rồi lại nhìn chút giấy bọc xôi trên tay mình. Nó thấy mình thật may mắn, nhưng cũng thật đau đớn.
Xuồng ghé vào một gò đất dốc, cái Nụ liền ngước lên trên. Một ngôi chùa phật nhỏ trên cao, ở đó đông người. Cái Nụ không hiểu tại sao mạ con nó lại được cứu về đây, nhưng nó giữ băn khoăn lại trong lòng, chỉ dám dìu mạ xuống khỏi cái xuồng, bước từng bước lên mặt đất ẩm ướt. Chú đội trưởng dắt hai mạ con vào, đăng kí gì đó ở chỗ bàn tiếp rồi lại chạy xuống xuồng phóng đi, chỉ để lại cho hai mẹ con một câu là:
"Hai mạ con vào nghỉ ngơi, rồi người ta sẽ cho vào chỗ y tế."
Thế là cái Nụ dìu mạ vào, đi theo mấy người y tá, ngồi nghỉ ở một góc chiếu trong cái phòng lớn, nó coi mạ được người ta kiểm tra vết thương, băng bó lần hai, xét nghiệm Covid - 19, lấy máu thử, rồi mạ uống thuốc hạ sốt mà cô y tá trên xuồng ban nãy đưa cho. Nó cũng được thử máu, xét nghiệm đường mũi, họng, rồi hai mạ con được phát cho chăn gối, qua chiếu ở khu cách ly, tắm rửa sơ qua, ngủ tạm một bữa, sau khi dậy sẽ có người đem cháo tới cho. Mạ nó ốm mà, người ta lại sợ Covid nên mới cho cách ly, chứ ai nấy trong nhóm y tá đều bịt khẩu trang hết.
Cái Nụ khịt khịt mũi nhìn các cô tiếp viên bật lò sưởi cho mình, rồi nó rúc người vào chăn, vo thành một cục cho ấm, lim dim ngủ cạnh giường mạ.
Tới hôm sau nó mới được nghe kể rằng, ngôi chùa này mở thành trạm cứu nạn người trong lũ vì có vị sư này chủ chùa, quê của thầy cũng là Quảng Trị, thầy vì thương quê nên đã mở rộng cổng chùa, nhận đồ tiếp viện và cho người thuộc bên tình nguyện bày chỗ này thành nơi đón người cần cứu trợ. Đó là hành động đáng được tôn vinh.
Nó và mạ ở đây được hai ngày, người thì tăng thêm vì họ tìm được kha khá người sống sót, nhưng ở chỗ cách ly lại cũng có quá nhiều người, mạ nó vẫn ốm liên miên, đôi khi còn trở nặng, nó thì ăn đồ của chùa mãi, nhưng cũng thấy hơi ốm và mệt, nên mấy cô y tá cho hai người hai cái giường cách nhau đúng một mét và kêu nó hạn chế quay mặt qua phía mạ. Nó bị cách ly cùng nhiều người khác, song cũng toàn những người đau ốm, tàn tật tới đáng thương.
Cũng đúng hôm đó có thông báo về kết quả thử nghiệm. Lần thông báo xét nghiệm này có hơi lạ, vì thay vì một người chạy thông báo, thì y tá và bác sĩ đều tụ lại ở giường hai mạ con. Giọng họ rất vội vã:
"Hiện tại thì, hai mạ con cháu bị nhiễm virus Whitmore và cần phải chuyển tới bệnh viện đa khoa của tỉnh để khám chữa. Mạ cháu nhiễm trùng máu, còn cháu nhiễm trùng phổi."
Whitmore...
Nó thở hắt, lảo đảo rời khỏi giường, nhận lấy cái khẩu trang sạch từ tay một cô y tá bịt vào. Mạ nó được dìu bởi hai người, họ đưa xuống một cái xuồng, đi kèm cùng vài người nữa cũng đeo khẩu trang và đều cùng nhiễm Whitmore, rồi đưa đi. Họ đi vượt qua làng, tới một hướng thành thị, khi xuồng cập vào gò đất cao hơn, ở ngay đó đã có xe cứu thương đang chờ.
Xe chở mọi người tới bệnh viện đa khoa Quảng Trị, nó thấy mạ nó dần thở rất khó khăn, mạ thường co người, cả cơ thể cứ co thắt lại, mạ nói không rõ tiếng, nên nó cũng sợ rằng, mạ nó sẽ không qua khỏi...
Tới bệnh viện đa khoa của tỉnh, mạ nó bị cắp lên cái xe nằm cấp cứu, vài ba người cùng đẩy đi, còn nó bị xốc theo.
Mạ nó được đưa đi khâu vết thương ở bên cấp cứu, còn nó phải ngồi chờ tới lượt khám.
Nó ngồi chán, xung quanh có rất nhiều người cùng chung số phận, người thì má sưng to như quai bị, người thì truyền nước, người thì đang ngồi nhưng cơ thể cứ giật như cái máy cày, la thét đủ kiểu.
Trong lúc ấy, bên cạnh nó là một cô y tá đi cùng, nó gắng lắm mới dám hỏi về căn bệnh này.
"Cô y tá ơi, Whitmore có dễ tử vong không ạ?"
Cô y tá đó gấp cuốn sổ bệnh án của nó lại, nâng gọng kính và trả lời:
"Cháu bị nhiễm trùng phổi, nhưng có khá ít khuẩn, nói chung cũng qua khỏi, nhưng mạ cháu thì tùy thuộc vào việc có thể cứu chữa kịp thời hay không nữa."
Cô thở dài. Nó biết chắc rằng mình bị nhiễm trùng phổi vì sặc nước, cái lúc bị té ấy. Là nó bất cẩn, nhưng bị như vậy cũng không phải là quá mới mẻ, Whitmore thực sự tồn tại và đang làm ảnh hưởng tới rất nhiều người dân vùng lũ.
"Miền trung này, có 50% người từ Thanh Hóa vào tới Quảng Trị là nhiễm Whitmore, cộng thêm 50% nữa từ Huế."
"Huế bị nhiều thế ạ?"
"Đô thị mà, lũ lên thì nước còn bẩn nữa. Nói thẳng ra thì, miền Bắc và miền Nam ít khi nhớ tới căn bệnh này, vì họ không mấy khi động chạm vào những thứ bị nhiễm nhiều khuẩn như đất bẩn hay nước lũ như ở Miền Trung mình."
Whitmore không phải bệnh hiếm, chỉ là người Việt Nam chúng ta đang lãng quên nó đi. Whitmore là nỗi khiếp sợ của miền Trung, nhưng là dĩ vãng của miền Bắc và miền Nam.
"Vốn dĩ, Miền trung ta nhiều lũ cũng một phần là vì biến đổi khí hậu và đôi thị hóa đấy."
Nó ngước lên nhìn cô y tá. Đúng là nó từng nghe tới việc biến đổi khí hậu gây ra nhiều thiên tai hơn, nhưng chưa hề biết tới việc đô thị hoá cũng gây ảnh hưởng tới lũ lụt.
Cô y tá như đọc được suy nghĩ của nó, liền hắng giọng và kể:
"Đô thị hóa có hai vấn đề. Thứ nhất, người ta lấp đi những cái hồ, ao, suối hoặc cả sông nữa, để mở rộng thành đất bán cho người dân làm nhà ở và khai thác. Ao hồ là những cái 'bể chứa nước' đặc biệt của tự nhiên, khi lấp đi, mưa không thể tụ đọng lại được mà cứ bị tràn xuống thành phố và làng mạc, lâu ngày rồi sẽ biến thành ngập lụt."
Nó ngẩn người nhận ra sự thật nhỏ mà đáng cảnh báo ấy.
"Và thứ hai là do họ chặt cây. Khi mất đi cây, không khí không được điều hòa, dẫn tới nóng lên toàn cầu, đi kèm với những khi ta đốt gỗ, khói cũng sẽ là lí do gây ra biến đổi khí hậu. Nếu như còn cây, nước mưa sẽ được chắn bớt đi, một lượng nước mưa sẽ tụ đọng lại trên lá, cành cây, là giảm đi lượng mưa rơi xuống thị trấn con người."
Thảo nào chỗ làng mạc nhà nó toàn đồi cỏ trọc lóc, chẳng có mấy cây cổ thụ.
"Những tháng nóng, ảnh hưởng bởi nóng lên toàn cầu, lượng nước bốc hơi và hóa mây sẽ càng nhiều hơn, từ đó nơi cận biển sẽ phải đối mặt với nhiều thiên tai và lũ lụt hơn. Rác thải, đốt dầu khí, xả thải không khí độc hại, bình thường ta cũng làm rất nhiều việc khiến Trái Đất bị ảnh hưởng."
Bình - Trị - Thiên chính đại là những nơi nguy hiểm nhất khi nói tới lũ lụt thời nay, vì diện tích khá hẹp, mà còn giáp biển nữa.
"Còn nói riêng về bệnh tật và đời sống con người thôi đã là quá bị thiệt hại rồi. Whitmore là một trường hợp điển hình trong lũ lụt và thiên tai. Con người trong lũ thường sẽ mắc phải rất nhiều loại bệnh kì quái, vì nước lũ cực kì bẩn. Nhiều người thiệt mạng vì loại bệnh này lắm, đến bây giờ ở Việt Nam mới tìm ra cách chữa bệnh đấy. Nhưng lũ xong rồi, nhà cửa tan nát hết, những người nghèo chỉ được trợ cấp có chút xíu như nhà bác họ cô, có sửa được nhà quái đâu, phải qua ở nhờ đấy chứ."
Nó ồ một tiếng rồi cũng gật gù đồng tình.
"Thế nên, nhà nước kêu gọi trồng nhiều cây, bảo vệ môi trường cũng là vì muốn giúp dân vượt qua lũ đấy."
Nó 'dạ' một tiếng để đáp lại cô y tá. Suy cho cùng thì, để bảo vệ môi trường cũng khó lắm. Ba nó từng nói với nó rằng, con người quan tâm cái tiền bạc, nghề nghiệp và đời sống cá nhân hơn là mong muốn bảo vệ môi trường, cũng giống như thầy, nếu trong túi không còn một đồng nào thì thầy sẽ chỉ nghĩ tới việc làm thế nào để kiếm được đủ cho một bữa thôi, còn bảo vệ môi trường là cái gì, thầy còn tâm trí nào mà quan tâm nữa?
Nếu họ nghèo, họ trồng hoa màu, cây gỗ, thì tại sao họ lại không đem bán lấy tiền nuôi gia đình mà phải giữ nguyên đó, còn mình nghèo đói tới chết?
Chú nó còn nói, chính phủ kêu gọi mọi người trồng thêm cây, trồng một trăm, một nghìn cái cây thì đều là điều khả thi, chỉ là, có ai thèm trồng không thôi. Nếu không ai muốn trồng thì chính phủ cũng chẳng bắt ép được, nhà đầu tư thì chỉ đầu tư tiền và đất trồng, chứ có đầu tư nhân công đâu? Có tiền, có giống cây, có đất trồng rồi, mọi thứ đều sẵn sàng, nhưng có ai muốn trồng đâu? Đâu phải cứ nói trồng là trồng đâu? Hoặc chí ít, như dì nó nói, là chính phủ nghĩ ra biện pháp vừa trồng rừng, vừa trồng cây hoa màu để kiếm tiền, hoặc thay vì chặt cây gỗ để kiếm tiền thì hãy tận dụng những loài cây ở dưới gốc cây gỗ ấy, như cây làm thuốc, bụi cây, nấm,... hoặc có thể là đổi loại cây hoa màu nào kiếm được nhiều tiền hơn, như su su, trà, ...
Chỉ khi ta đủ điều kiện trang trải cuộc sống cho chính bản thân và những người trong gia đình, chỉ khi ăn no mặc ấm, ta mới có thể để tâm tới một thứ lớn lao như vậy.
Chỉ khi mọi người đều có tâm với Trái Đất, khi đó chúng ta mới có thể bảo vệ môi trường.
Dân ta còn nghèo, còn thiếu tri thức, thì chính phủ nên hỗ trợ những người ấy, cho họ công ăn việc làm, dạy họ nhiều thứ, thì họ mới dần dần ý thức được việc Trái Đất chúng ta đang chết dần chết mòn.
Cũng giống như bây giờ, tâm trí nó chỉ mong rằng mạ nó qua khỏi, nó được chữa bệnh, nhà mình đăng kí đủ tiền bảo hiểm để trả cho vụ này, chứ hơi đâu mà lo tới bảo vệ môi trường nữa?
Khi nào nó khỏi được bệnh, sống yên ổn ở trong một căn nhà chống được lũ, học hành ở một ngôi trường phù hợp, thì lúc ấy hẵng quan tâm tới những thứ xung quanh.
Nó thở dài thườn thượt, rồi khi nghe tới tên mình, nó đi theo cô y tá vào khám.
"Đúng là không nặng cho lắm, vẫn phải uống kháng sinh liều cao trong hai tuần đấy."
Bác sĩ quệt quệt vài dòng lên sổ bệnh án của nó, rồi ngước lên, hỏi:
"Nhà cháu có bảo hiểm y tế không nhỉ?"
Nó chợt nhớ ra:
"Thầy cháu có đăng ký bảo hiểm y tế và nhân thọ cho cả nhà, mỗi người 5 triệu mỗi thứ... từ năm ngoái cơ ạ..."
Bác sĩ gật gật đầu, lại tiếp:
"Vậy bây giờ tiền thuốc thang của cháu cũng đủ từng nấy tiền, thừa lại thì các cô sẽ cộng dồn cho mạ cháu, nhà cháu còn tiền không nhỉ?"
Vấn đề tiền bạc bây giờ, một mình nó gánh hết. Năm ngoái hình như tang thằng Húp, thầy nó quên béng luôn việc nhận lại tiền đền bù của bảo hiểm nhân thọ, chắc giờ lấy tiền từ đó, sẽ có tiền chi trả cho bệnh hai mạ con nó!
"Năm ngoái em cháu mất, nhưng bảo hiểm nhân thọ chưa lấy.."
Bác sĩ liền đóng sổ bệnh án.
"Nhà cháu còn giấy báo tử không?"
"Lũ cuốn rồi ạ."
"Vậy giấy chứng tử cũng không có luôn?"
"...Giấy tờ gì cũng mất hết ạ."
"Vậy giờ cứ chữa bệnh đi đã, rồi khi khỏi, cháu được nợ, chỉ cần tới Uỷ Ban Nhân Dân xã bên cháu, đăng kí làm lại giấy chứng tử là được, rồi đem nó tới chỗ đóng bảo hiểm nhân thọ để lấy tiền, đóng cho bệnh viện nhé."
"... Nhiều tiền tới vậy ạ?"
"Hơn mười lăm triệu đấy, tiền khâu vết thương, thuốc kháng sinh, thuốc chữa viêm phổi, nhiễm trùng, và cả thuốc bôi da, mổ da của mạ cháu nữa."
Nó nghe tới đây liền tắt ngấm hy vọng.
"Nhưng là vùng lũ, nên chưa cần tính đến bảo hiểm vội, thuốc vẫn sẽ kê, phẫu thuật thì vẫn sẽ phẫu thuật, cháu điều trị nội trú và khi nào khỏi rồi, sẽ có thêm một khoản tiền từ nhà tài trợ nữa, là bên làm từ thiện ấy, sẽ tính vào khoản đó, còn lại bao nhiêu tiền thừa, cháu cứ cầm về."
Cái Nụ không nhịn được liền thở phào.
Không nghe thấy nó nói gì nữa, bác sĩ lại quẹt quẹt vài dòng, ghi lại tên thuốc thang rồi cấp cho nó, một tờ khác thì ghi tên đề là thuốc cho mạ nó, rồi kêu nó, khi khâu vết thương rồi, đưa cho bác sĩ chữa bên đó để ghi tên thuốc, sau này còn tính lại tiền chữa trị.
Cái Nụ cùng cô y tá đó tới phòng bệnh nhân, vẫn phải bịt khẩu trang, còn cô y tá thì chạy đem cơm và thuốc cho nó.
Nó cứ điều trị nội trú thôi, mạ thì phải ở một bên khác, lâu lâu nó mới được cô y tá cho qua thăm mạ, nhưng nhìn mạ mặt mày đầy mụn, sưng tới biến dạng, thở bằng ống, nó lại khóc. Nó thương mạ lắm, vì nó mà mạ bị như vầy, vì nó mà mạ không còn nhan sắc như trước, vì nó mà mạ không đi lại được, tàn tật, nói không nên lời, mạ lúc nào nhìn nó cũng chỉ biết thút thít khóc. Nó nói mạ không nghe được, mạ nói thì nó cũng chẳng hiểu gì cả. Hai mạ con cứ thế ngồi khóc, chẳng ai nói được nên lời.
Nếu sau này mà mạ mất, nó sẽ phải làm gì bây giờ?
Đêm dài, nó sốt tới mất cả ngủ, lại nằm vừa run vừa khóc.
Uống thuốc bị đắng tới khóc, nó cũng nức nở. Phận nó nghèo, phận nó khổ, nhưng nó quyết không chỉ khóc hoài thế này, nó sẽ cố vượt qua được căn bệnh này.
Nhưng tới khi được thông báo rằng mạ nó không qua khỏi, nó vẫn khóc òa lên:
"Thầy ơi, thầy đang ở đâu?..."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro