1. Backstory (pt.2)
"Bố." Tôi ngồi xuống bàn ăn, kéo đĩa bánh mì về phía mình. "Con muốn có mẹ."
"Mày đi đêm nhiều vào, kiểu gì cũng gặp má mì."
Những cuộc trò chuyện như vậy thường đi vào ngõ cụt. Bố luôn thẳng thừng từ chối, hoặc lảng tránh mong muốn "có dì ghẻ" của tôi. Nghe thì có vẻ hơi phũ phàng, nhưng đó là cách bố con tôi chào buổi sáng nhau. Thật ra, tôi cũng không hẳn muốn có mẹ đến thế, vì bố đã thay cả hình bóng người mẹ cho tôi. Và bố tôi cũng không phải là không muốn cưới vợ. Cả cuộc đời ông ấy có lẽ chưa bao giờ từng hết lòng yêu một người phụ nữ nào cả.
Chuyện là năm ấy, ở đêm hội sinh viên, bố mẹ tôi trẻ người non dạ, say xỉn mất cả ý thức, dại dột bồng bột mà quá trớn, dẫn ra là có tôi đây. Ban đầu, mẹ tôi vừa sợ vừa lo, đã định bỏ tôi mấy lần. Nhưng bố đã luôn trấn an, rằng sinh linh bé nhỏ không hề có tội, phải có trách nhiệm với con. Cũng không biết tại sao ngày đó bố tôi lại kiên quyết giữ tôi lại đến thế, trong khi con thì có thể có lại nhiều đứa, nhưng tuổi trẻ thì chỉ có một thôi.
"Không biết. Bố chỉ thấy là phá thai đồng nghĩa với tự tay giết con, như vậy rất độc ác. Cứ nghĩ đến việc mấy tiếng của ca mổ trôi qua và con đang chết dần..."
"Bố không tiếc tuổi trẻ à?"
"Tuổi trẻ thì ai mà chả tiếc. Nhưng có làm có chịu thôi con."
Tôi ra đời, khóc rống lên được mấy năm, cai được sữa thì mẹ tôi bỏ đi. Sau đó thì... hai bố con tôi nuôi nhau lớn, cho tới ngày hôm nay đây.
Về tôi thì cũng chẳng có gì nhiều để giới thiệu. Tôi tên là Jeon Jungkook, một thiếu niên nông nổi và mạnh mẽ. Bố tôi bán tạp hóa, cùng với đó là bán hàng qua mạng, hôm nào rảnh thì qua phụ giúp ở gara của mấy ông bạn. Cuộc sống của bố con tôi khá làng nhàng, tiền kiếm được không nhiều không ít, gọi là đủ ăn, đủ học, nhưng cũng đủ vui và hạnh phúc để nuôi lớn đứa trẻ như tôi. Bố dạy tôi sống thế nào cho đàn ông, cho người ta thấy dù mình cũng không phải quyền quý gì nhưng vẫn là người có học, phải biết nuôi dưỡng đam mê và niềm vui trong lòng mình, phải có chí tiến thủ, sống có lý tưởng, có ước mơ.
Câu chuyện của người ta thường có nhiều nhân vật cả chính lẫn phụ. Còn câu chuyện của tôi, mười mấy năm nay chỉ có hai nhân vật chính là tôi và bố, với bối cảnh tiệm tạp hóa nhỏ này, và những bức tranh cất đầy trong hộc bàn. Cứ như thế, tôi lớn khôn từng ngày, trở thành một học sinh giỏi.
Nhưng cũng không phải bố ép tôi học, hay tôi thích học. Chỉ là, học là điều duy nhất tôi có thể làm để trả ơn cho bố, cho nên tôi cứ dốc sức vào mà học. Không có gì dễ bằng con đường của tri thức, người ta thường nói vậy đúng không? Tôi cứ nhằm môn khó, ngành khó mà học. Càng khó càng kiếm được nhiều tiền, nhàn hạ, bố tôi đỡ phải khổ.
Nhà tôi ở đầu con ngõ nhỏ, cách đó không xa trong phố là khu penthouse... hay biệt thự gì đó, nói chung là cao cấp, của giới thượng lưu. Trong đó có nhiều ông bà làm to, khi nào cần vận động tranh cử hay khảo sát nhà dân là lại tiện qua đây, chẳng cần đi đâu xa, đi cùng là một đám nhà báo cứ loi cha loi choi. Họ nói cho có lệ để lên ảnh được thật, xong rồi thì khoát tay đi về, không quên nhắc cả khu bầu cử cho họ. Nếu chuyện chỉ có vậy thì không đáng nói, vì không đả động gì tới nhà tôi.
Tuy nhiên, dường như bản năng của những kẻ giàu có là tỏ thái độ rẻ rúng quyền thế với người ở tầng lớp dưới. Họ thuyết phục tôi bầu cho họ, và hứa rằng tôi sẽ không phải sống trong căn hộ nhỏ tin hin, chật chội, mùa nắng thì nóng mà mùa mưa thì dột, rồi không phải vừa ở vừa bán hàng thế này nữa. Họ cũng khen tôi ngoan ngoãn, hiền lành, cho nên họ nghĩ tôi sẽ dễ bị lừa lọc, thao túng. Nhà tôi, chứa cả tuổi thơ của tôi, bố con tôi còn chưa than thở gì, các ông lấy cái quyền gì mà coi thường, mà thương hại? Có quyền gì? Họ chỉ dựa vào cái đống tiền chưa chắc là sạch hay bẩn đấy mà vênh váo, tự cho mình là bề trên, là thánh nhân của tôi. Đáng khinh!
Hơn nữa, họ còn đòi than phiền rằng con ngõ này ồn, hay ăn uống buổi tối, nói chuyện to tiếng gây ồn ào. Trong khi họ ở đó, lãng phí thức ăn, thải ra bao nhiêu khói bụi, làm xe chở rác trong phố lúc nào cũng ngập ngụa, ứ ự đồ thừa, hôi rình lên. Đó không phải cuộc sống cá nhân, mà là cái ý thức. Họ lo kiếm tiền quá quên bồi dưỡng ý thức cho mình rồi hay sao ấy?
Tôi không ghen tị với họ, vì tôi không cần cuộc sống giả tạo kia. Tôi cũng không phải vì tự ái; tôi không nghèo, không thiếu tiền, không việc gì phải xấu hổ. Mà tôi ghét cái thái độ rẻ rúng quyền thế, ảo tưởng quyền lực của họ. Họ kiếm tiền sướng cái thân họ, chứ có nuôi chúng tôi bữa nào không?
Tôi ghét cả những ánh mắt lạnh nhạt, vô tình kia. Con ngươi luôn đen tối, mưu mô và đầy tính toán. Ghét những nụ cười vờ vịt, lúc nào cũng mang cái vẻ mỉa mai, khinh khỉnh khi nhìn chúng tôi. Tôi biết, họ kiểu gì cũng đã từng đạp lên một ai đó mà sống, cuộc sống của họ không đường hoàng. Vì nếu họ đường hoàng, họ sẽ không khoe khoang. Họ chỉ khoe khoang vì muốn chứng tỏ mình cao sang, vì cảm thấy bất an trong lòng.
Dĩ nhiên, tôi không vơ đũa cả nắm. Nhưng tôi tự tin mình có con mắt tinh tường, và tôi có thể nhìn thấu một con người và cách họ sống chỉ qua vài câu đối thoại. Và trước giờ, người giàu nào tôi gặp cũng toát ra cái vẻ đó. Có lẽ là nhờ hay đứng hóng bố bán hàng, nên đủ kiểu người trên đời tôi đều gặp qua rồi.
Nhưng...
Trong mọi câu chuyện, lúc nào cũng sẽ có một từ "nhưng" trở thành ngoại lệ.
Câu chuyện của tôi vốn tưởng chỉ có hai nhân vật, nay lại xuất hiện một nhân vật thứ ba.
Ngày hôm đó tôi gặp anh ấy ở tiệm tạp hóa nhà. Bộ quần áo bóng loáng và mùi nước hoa đắt tiền, nhìn là đã biết một cậu ấm. Nhưng cậu ấm ghé tạp hóa mua bột bánh hotteok là lần đầu. Bố tôi nói đúng, trông anh ta rất sáng sủa, mắt sáng, da trắng và dáng người mảnh mai, nhìn là đã toát lên cái vẻ được chăm sóc, bao bọc cẩn thận.
Thấy mặt anh quen quen, hóa ra là con trai cưng của ông nghị sĩ đó. Ông ta là người tôi đánh giá cao nhất về cái khoản giả vờ nhân nghĩa. Cho nên tôi đoán quý tử của ông cũng sẽ chẳng tốt lành gì, vậy mà anh ta lại đến đây, rồi còn nhờ bố tôi chỉ cho cách làm hotteok nữa.
Không phải tôi nghi ngờ anh ta giả vờ, tôi chỉ thấy tò mò, nên tôi khích tướng vài câu thôi. Tôi luôn có sở thích khiêu khích người khác như vậy. Ban đầu trông anh cũng rất bình tĩnh, thế mà sau đó đã cãi lại, gườm gườm tôi.
Trùng hợp làm sao, chúng tôi lại học chung trường. Nếu là thiếu gia mà lại học trường công cho người thường, tôi nghĩ cũng không phải anh, hay gia đình anh giả vờ nữa. Có lẽ anh thực sự khác so với những người tôi từng gặp.
Cảm xúc... rất khác.
Mấy lần gặp anh ở sân trường, tôi bắt gặp nụ cười vui vẻ, hồn nhiên và tinh nghịch. Đôi mắt trong veo của anh thường biến mất khi cười. Trông anh ấy thật... đơn thuần?
Cái vẻ đơn thuần mà tôi không thể cảm nhận được ở những con người mưu mô, gian xảo và giả tạo với đồng tiền kè kè bên mình. Con ngươi của họ tối đen, như tố cáo tội ác của họ, chứ không sáng bừng lên như anh.
Anh ta giống như một con mèo. Không phải con mèo hoang mà người ta nuôi tùy tiện. Là con mèo quý phái, cao sang được chăm chút, nâng niu và nuôi lớn cẩn thận. Một con mèo lúc nào cũng tỏ ra bình bình, vô cảm, phũ phàng, không để ý tới ai, nhưng lại rất hiếu kỳ về thế giới xung quanh, và sẵn sàng xù lông lên với những kẻ làm phiền mình.
Anh ta không thích bị làm phiền, bị trêu chọc, cho nên lời nói đáp trả tôi lúc nào cũng rất sắc bén. Tuy nhiên, không bao giờ đả động đến gia đình tôi, mặc dù một mình anh hoàn toàn có thể nuốt trọn cả gia phả nhà tôi.
Mặc dù không gian xảo như kẻ khác, nhưng anh ấy không bao giờ tỏ vẻ nhân nghĩa, hay làm cái vẻ như đang ban phước cho người nghèo. Anh ấy biết mình giàu, và tận hưởng nó cho riêng mình, chứ không bao giờ chủ động mở phong trào "giúp đỡ học sinh nghèo" gì cả. Bố mẹ anh cũng chẳng mấy khi tới trường, nhúng tay vào chuyện ở trường. Anh ấy cứ tận hưởng cuộc đời của một học sinh bình thường, với bạn bè bình thường, nhiều lúc mọi người còn quên mất anh là một công tử. Tôi hay đùa vậy thôi, chứ anh ấy biết khi nào nên là con mèo sang chảnh đắt giá, khi nào nên là chú mèo nhà an tĩnh yên lặng.
Tôi trêu chọc âu cũng là vì thấy tính cách anh có phần thú vị, ghét thì không hẳn ghét, nhưng chắc chắn cũng không phải là quý rồi.
Chúng tôi gần như có thể nói là đi học cùng nhau từ trung học tới đại học, nhà còn gần nhau, cũng có thể coi là một cái duyên. Tuy nhiên, sau khi anh ấy tốt nghiệp đại học, kể từ đó tới giờ chúng tôi chưa từng gặp lại.
Ban đầu tôi khá để tâm, nhưng rồi sau đó thì không. Vì tôi đã có một mối lo khác.
Tôi học IT đến năm hai, hai mươi tuổi. Lý do học ngành này chắc các bạn cũng đã biết. Khi ra trường vừa dễ kiếm việc làm, vừa dễ kiếm tiền. Hơn nữa, nó cũng là một ngành danh giá để bố tôi có thể tự hào. Chỉ có điều... học phí không hề rẻ.
Ngày xưa đi học trường công, tiền đóng học không nhiều, tôi lại còn có học bổng hỗ trợ nên càng thoải mái. Nhưng lên đại học, ngành này có bao nhiêu là người giỏi, và họ đam mê thực sự, cho nên giật được học bổng là gần như bất khả thi.
Thời gian đầu, việc học diễn ra khá suôn sẻ. Lên năm hai, tôi ngỏ ý muốn đi làm thêm, nhưng bố nhất định không cho. Ông ấy nói cứ tập trung vào mà học, tiền nong không cần lo. Không phải là tôi không nghi ngờ gì, nhưng thấy bố đi làm ngày ngày vẫn nhàn hạ, về đúng giờ, sức khỏe ổn định, tính tình vẫn như trước.
Thế nhưng, tôi chỉ là không ngờ, bố tôi lại giỏi nói dối đến như thế. Bình thường tan học tôi sẽ về nhà ngay, nhưng hôm đó lại phải vòng qua chợ mua hoa quả đi tặng giảng viên. Khu chợ ồn ào, đông đúc, nườm nượp người qua lại. Ai cũng có vẻ bận rộn, đôi mắt chăm chăm vào công việc mình đang làm và không ngừng nói chuyện. Tôi lách qua dòng người đó, cảm giác như bị thôi miên bởi tiếng ồn và sự chen chúc.
Xách túi hoa quả trên tay, tôi ngắm nghía nó không ngừng. Đi tới cuối chợ, ngẩng lên, tôi mới nhận ra sự tĩnh lặng đến từ lúc nào không hay. Và, trong sự tĩnh lặng đó, lại có người bố thân thương của tôi.
Ông cầm xẻng xúc đất, hì hục đào bới, mặc cho âm thanh xung quanh cứ quay vòng vòng. Đất cát bắn lên mặt, lên tay chân, mồ hôi đẫm trán, chảy dọc từ thái dương rồi đọng lại từng giọt ở dưới cằm. Gân xanh nổi lên từ cánh tay đến cổ khi ông khiêng một đống gạch vào trong nhà. Tấm lưng rộng lớn gồng gánh cả cuộc đời tôi, tấm lưng ấy cứ còng xuống, đầy mệt mỏi và gắng gượng.
Bấy lâu nay bố tôi vẫn vậy, dù là làm việc gì, dù là ở đâu, ông vẫn yên lặng, không ảnh hưởng, ồn ào tới ai, cũng không than thở hay kể lể. Tôi cứ nghĩ cuộc đời của bố con tôi may mắn nên được yên bình và tĩnh lặng như thế. Hóa ra, tất cả chỉ là qua lăng kính của một đứa trẻ. Đứa trẻ trong tôi vẫn chưa trưởng thành. Hóa ra, ngoài kia rất ồn ào, rất xô bồ, rất chen chúc và vất vả. Chỉ là bố đã đưa bàn tay ấy, che đôi mắt tôi lại, rồi mở ra một thế giới rực rỡ sắc màu tươi đẹp.
Bố ơi, bố sao thế này?
Tại sao mỗi ngày đi làm về, tôi vẫn thấy mặt mũi, tay chân bố sạch tươm, không một vệt bẩn, hay một vết xước nhỏ? Tại sao tôi chưa bao giờ thấy tấm lưng ấy còng đến thế? Tại sao tôi lại có thể nghĩ bố nhàn hạ? Tại sao tôi chỉ nghĩ cho mình mình? Tại sao... tại sao...
Tôi đứng thẫn thờ trong khu chợ vẫn chưa bao giờ ngừng náo nhiệt, tạo thành một thế giới yên tĩnh cho bố con tôi. Từng bước đi nặng nhọc của bố như giẫm nát trái tim tôi, từng giọt mồ hôi của ông như xát muối mặn chát khiến lòng tôi bị giày xéo.
Ước gì tôi có thể đến ôm lấy ông ấy một cái, và nói xin lỗi thật nhiều. Ước gì những thứ tôi đem lại cho bố, không chỉ toàn là những áp lực nhọc nhằn.
Tôi chỉ muốn hỏi bố, tại sao ngày ấy lại chọn giữ con ở lại?
Chợt, có một tiểu thương trông thấy tôi cứ đứng đực ra đấy nên tới gần, nhìn theo hướng mắt tôi.
"Cháu quen ông này hả? Bố cháu? Hay chú? Bác?"
Tôi không đáp. Vì tôi không biết nên trả lời sao. Tôi không có đủ dũng khí để nhận ông ấy là bố. Có đứa con nào mà một phần vất vả của bố thôi cũng không hay?
Cô tiểu thương thở dài một cái, dường như cũng hiểu lòng tôi.
"Ông ấy làm ở đây cũng lâu rồi đấy, làm mấy việc của thợ xây, rảnh thì lại đi giao hàng hộ mấy cô ở đây."
"Cũng tích được một khoản, chắc chả đáng là bao."
"Hôm trước cô có nói chuyện, thấy ông ấy ho nặng lắm, làm mấy việc như này dễ bị bệnh về phổi, cháu đưa đi khám thử xem sao nhé."
Tôi thừ người, lòng quặn lên đau xót. Tôi cúi đầu cám ơn và chào cô ấy, rồi quay đầu về nhà.
–
Buổi tối hôm đó hình như là lần đầu. Lần đầu tiên tôi có một cuộc nói chuyện nghiêm túc với bố. Dưới bàn, tôi cứ siết chặt nắm đấm, không biết là vì đau lòng, hay vì sợ một cái gì đó...
"Mình đi khám thử xem sao bố nhé." Tôi nói, vừa cương quyết, vừa như đang trấn an. Suốt đường đi, tôi nắm chặt mu bàn tay thô ráp của bố. Cả cuộc đời ông ấy đã làm điểm tựa cho tôi, giờ có lẽ cũng đã tới lúc bố có thể dựa vào tôi.
–
Cầm tờ chẩn đoán viêm phế quản mãn tính, tay tôi run run. Người tôi cảm giác cứ như bị thả rơi vào cái đáy vô cực. Mắt tôi. Đỏ hoe. Kìm nén hết mức để không tuôn ra một giọt nước mắt.
Bố tôi ở đằng sau, nhè nhẹ vỗ lên bờ vai căng cứng của tôi. Hình như ông ấy đang trấn an tôi. Vì cớ gì, tới cuối cùng, tôi vẫn là người yếu đuối hơn cơ chứ?
"Bố ạ, bệnh này..." Tôi quay lại, ngẩng lên. "Chắc sẽ phải uống thuốc dài dài."
"Ừ." Bố tôi đáp, trong giọng có gì đó chua xót.
"Sẽ vất vả. Nhưng cố lên bố nhé."
–
Bệnh chưa chuyển biến quá nặng, nên chưa cần nằm viện, nhưng bác sĩ đã nhắc nhở rất nhiều thứ. Tôi gật đầu như gà mổ thóc, tất cả đều ghi chép vào trong sổ tay. Các loại thuốc cần uống trong giai đoạn đầu, các bước phục hồi chức năng phổi, thiết bị làm sạch. Nhiều tiền như thế. Cho nên, tôi đã đi đến một quyết định táo bạo, mà cũng là quyết định an toàn nhất tôi có thể đưa ra.
"Con sẽ bỏ học."
"Con nói gì?"
"Con không học đại học, không học IT nữa."
"Tại sao?"
"Tiền học rất đắt. Hơn nữa, nếu muốn kiếm tiền từ nó sẽ phải đợi hoàn thành hết chương trình." Tôi vừa nói vừa đặt các loại thuốc ra trước mặt. "Con cũng không yên tâm đi làm thêm biền biệt từ sáng tới tối để bố ở nhà một mình."
"Con..." Bố tôi quát sa sả. "Con đã cố tới bây giờ rồi, sao có thể nói bỏ là bỏ vậy hả?"
Ốm yếu tới vậy mà vẫn còn sức để quát tháo tôi như thường ngày. Hình như nó đã trở thành bản năng của ông ấy rồi.
"Con không bao giờ thích IT, hay là thích học. Con chỉ nghĩ nó là con đường thẳng dễ dàng nhất. Nhưng bố bệnh nặng thế này... vấn đề là ở nó."
"Sao con không cố thêm vài năm nữa? Bố vẫn có thể bán hàng qua mạng, rồi con rảnh rang thì làm thêm. Học hành là chuyện cả đời mà con."
"Con xin bố!" Tôi thở dài một cách quẫn bách. "Xin bố đừng đụng vào việc gì cả. Xin bố hãy nghỉ ngơi đi. Con sợ lắm."
Chẳng ai nói thêm gì cả. Bố chỉ dịu dàng ôm tôi vào lòng, như thể ngày bé. Giờ đã là cái ôm của hai người đàn ông trưởng thành rồi nhỉ. Tôi phải trưởng thành rồi, dù rất muốn, nhưng tôi không thể cứ nằm trên lưng bố rồi ngẩng đầu ngắm sao nữa. Tôi phải ôm thật chặt bố, cũng ôm lấy mình nữa.
–
Biết tin tôi bỏ học, giảng viên còn tìm tới tận nhà hỏi cho ra chuyện. Mấy ngày đầu tôi khóa cửa im lìm, đóng cửa tiệm tạp hóa. Điện thoại réo inh ỏi. Mà tôi kệ, mắt chỉ chăm chăm vào bố.
Nếu các bạn hỏi tôi có tiếc hay không, mười hai năm đèn sách công cốc rồi. Chắc là không. Đằng nào cũng không phải đam mê của tôi. Chỉ tiếc công bố nuôi tôi ăn học tử tế, đàng hoàng. Cuối cùng, vẫn vì sự vô tâm trẻ con của tôi mà đổ bể.
Vậy tương lai tôi sẽ làm gì? Ở nhà làm hộ lý mãi sao? Dĩ nhiên là không. Cái gì mài ra được thành tiền thì tôi sẽ tận dụng. Rảnh rỗi, vừa trông bố, tôi vừa vẽ tranh. Thời gian đầu chỉ vẽ vì chán, vì tôi quen tay. Thế nhưng, một ngày nọ, khi cuối cùng tôi cũng mở cửa mời giảng viên vào nhà, thầy ấy đi một vòng phòng tôi và chợt thốt lên khi thấy cái đống tranh vẽ ngổn ngang trên bàn.
"Em... em..."
"Sao thầy?"
Thầy giơ một bức tôi vẽ tiệm tạp hóa nhà mình ra. Đó là một bức tranh từ rất lâu rồi, từ hồi tôi mười sáu mười bảy tuổi thì phải.
"Đây là em vẽ?"
Tôi ngây thơ gật.
"Em... Chà! Tôi không ngờ thằng nhóc như em cũng có khiếu hội họa!"
Tôi chưa bao giờ tự nhìn lại tác phẩm của mình. Vẽ ra rồi tôi lại để đó, cất trong góc, rồi vẽ bức mới. Thầy lật từng bức tranh của tôi lên, bức nào cũng ngắm nghía cẩn thận.
"Em có triển vọng đấy." Thầy đánh mắt nhìn tôi.
"Vâng. Cám ơn thầy."
"Jungkook, em có muốn kiếm tiền không?"
–
Và kể từ đó, tôi bắt đầu tập tành vẽ tranh kiếm tiền. Sau khi đăng lên web thường có lượt thích và hỏi mua rất lớn. Vì toàn là tranh phong cảnh cho nên đa số người mua chọn dùng để trang trí nhà cửa. Nhưng cũng có một số bày tỏ sự đồng cảm với tôi, rằng họ thích những bức tranh không người. Nó rất yên bình, rất thực, và bất biến.
Tôi gần như ru rú ở nhà suốt ngày và cắm mặt cắm mũi vào giấy bút. Bố tôi mới đầu cho rằng tôi đang làm chuyện vô bổ, nhưng dần dần biết được khoản tiền mà tôi nhận được nhờ vẽ tranh, ông ấy đã hết lòng ủng hộ.
Có những bức tôi vẽ từ hồi còn nhỏ xíu, tôi chỉ tặng chứ không bán. Vì nét vẽ còn nguệch ngoạc. Và hơn hết, tôi biết cậu nhóc Jungkook ngày đó sẽ không muốn những bức tranh mình vô tư vẽ ra trở thành mồi ngon để kiếm tiền.
Tôi cũng không biết mình thích vẽ tranh từ khi nào. Mà cũng không nhận ra là mình thích vẽ nữa. Chỉ nhớ mang máng ngày bé, tôi hay chạy lăng xăng trong con ngõ nhỏ, cầm theo tờ giấy, với cây bút chì cùn, khi nào mệt thì nghỉ chân, ngồi vẽ hí hoáy rồi lại đi tiếp. Hay có những ngày tôi nằm ườn trong nhà chán nản, tay cứ vô thức nguệch nguệch vài đường trên giấy ăn. Lớn lên, đi nhiều nơi, thấy có cảnh đẹp, tôi không chụp ảnh giữ kỉ niệm, mà sẽ phác thảo ra giấy, rồi về nhà vẽ nốt. Tôi không phải người thích đi chơi, có đi ra đường cũng chỉ là nơi quen thuộc, cho nên những khung cảnh đó cứ đọng trong ký ức, tay cùng với tâm trí phác họa lại.
Người ta nói họa sĩ thường có đôi mắt mơ mộng và tự do. Tôi không phải người trên mây, không phải người mộng mơ. Nhưng tôi yêu cái đẹp. Và tôi được nuôi lớn trong vòng tay nâng niu, bảo bọc của bố. Cho nên thế giới trong mắt tôi quá đỗi đẹp đẽ, thân thuộc mà diệu kỳ. Cho nên tôi thích tái hiện lại thế giới đó qua tranh vẽ. Hơn hết, hội họa là cách biểu đạt không lời tốt nhất. Ngày bé, những bức tranh của tôi thường rực rỡ sắc màu, với nét vẽ ngây ngô, mềm mỏng. Trưởng thành hơn, chúng trở nên cứng ngắc, gọn gàng, và hầu hết là gam màu tối giản. Những ngày vui, tranh của tôi ngập màu nắng, tươi mới và ấm áp. Còn những ngày buồn, chúng u ám, thâm trầm và buồn bã.
Đó là điều tôi cảm nhận được. Vì tôi vẽ chỉ vì tùy hứng, chứ không có quá nhiều khái niệm về nghệ thuật, hay những cái gì đó quá trừu tượng. Tôi không quan tâm tới chúng. Tôi vẽ và thích vẽ có lẽ chỉ vì tôi không giỏi thể hiện tâm tư ra thành lời...
Tôi cũng cùng bố trông tiệm tạp hóa. Người ta vẫn ghé mua mọi ngày, chỉ là, không một ai biết, tiệm tạp hóa đó chính là nơi trú ẩn của họa sĩ JK.
–
Vài năm chữa trị ổn thỏa ở nhà, bệnh tình của bố tôi chợt chuyển nặng hơn, cần nhập viện gấp. Tới bấy giờ thì chi phí đã không còn là một nỗi lo của tôi, vì tôi có thể cáng đáng được rồi. Tôi chuyển nơi trông bố từ nhà qua bệnh viện.
Chưa tới một tháng, tình hình cũng ổn lại, bác sĩ chỉ dặn cho ở lại viện để theo dõi thêm. Một ngày, vẫn như mọi ngày, bố tôi nằm trên giường bệnh, chăm chú vào TV, còn tôi ngồi bên hí hoáy vẽ tranh.
"Con này."
"Sao bố?" Tôi ngẩng lên, mắt đảo qua toàn bộ giường bệnh một lượt.
"Không định về nhà à?"
"Bố đuổi con?"
"Bố cũng khỏe lại rồi, đâu phải người tàn tật, con cứ kè kè bên cạnh, bố..."
"Bố thấy phiền à?" Tôi nheo mắt.
"Không phải." Ông ấy xua tay kịch liệt. "Giờ con có sự nghiệp rồi, cũng phải tập trung xây dựng nó mà có chỗ đứng chứ. Đàn ông đàn ang ai lại sống tạm bợ vật vờ thế? Quên lời bố dặn rồi à?"
Tôi chưa từng công khai hay xuất hiện trước công chúng. Vì không cần thiết, cũng khá phiền. Tôi chỉ vẽ tranh chứ đâu phải idol mà phải bán mặt cho thiên hạ?
"Con không muốn lộ mặt."
"Ý bố là, con phát triển những tác phẩm của mình. Không phải họa sĩ thường có buổi triển lãm hay sao? Con cứ vẽ ngày này qua tháng khác thế thôi à? Lỡ hết thời thì sao?"
Tôi nhún vai. "Họa sĩ thì chỉ có người xem, chứ không có fan cuồng để hết thời hay không. Miễn là tranh còn đẹp thì còn có người xem thôi bố."
"Thế bây giờ con làm một buổi triển lãm, hay một cái gì đó để quảng bá, có phải kiếm được thêm một cọc tiền nữa không?"
Cũng không phải ý kiến tệ. Ban đầu tôi thấy hơi rách việc, nhưng dần dà cũng có nhiều người nhắn tin gợi ý nên mở một buổi triển lãm.
"Nhưng con không quen ai trong ngành, không biết bắt đầu từ lâu."
Im lặng một hồi.
Bố đập cái điều khiển TV vào đùi tôi, gằn giọng quát. "Cái thằng! Cứ ru rú trong nhà thế thì bố con thằng nào biết mặt? Ló mặt ra ngoài giao lưu kết bạn đi chứ!"
"Ơ, bố lại đánh con!" Tôi xoa đùi, chợt dấy lên hoài nghi. "Không đúng. Rõ ràng ban đầu bố có ý đuổi con."
"Tao như thế hồi nào?"
"Bố," Tôi chau mày. "Không lẽ bố... bố..."
"Tao làm sao?"
"Bố thích cái cô y tá hay đến đây phát thuốc đúng không!" Tôi reo lên như vừa phát minh cái gì vĩ đại lắm. Thật ra tôi chỉ nói bừa trêu bố, ai có dè, tai ông ấy đỏ bừng lên thật.
"Cái-cái gì..."
"Lúc nào cô ấy đến bố cũng bắt chuyện rõ lắm để câu giờ. Thuốc thì còn đầy mà cứ giục con đi tìm cô ấy... Chà chà, con chỉ đoán bừa, ai ngờ bố thích thật."
"Ừ thì..." Bố tôi thẹn quá hóa giận. "Chẳng phải mày suốt ngày bảo bố tìm hạnh phúc à? Giờ bố để ý phụ nữ, có gì sai?"
"Không phải sai. Con ủng hộ mà." Tôi gấp quyển A4 lại trên đùi, cười tươi. "Tóm lại ý bố là muốn con đi để chừa lại không gian riêng tư cho hai người đúng chứ?"
Bố không nói gì, đảo mắt ra chỗ khác, miệng lầm bầm gì đó.
"Thôi được rồi, theo ý bố!" Tôi đứng phắt dậy. "Mong tới lúc ra viện, bố mang mẹ về cho con, bố nhé."
–
Không gặp bố thường xuyên nữa, tôi cũng muốn thay đổi gì đó. Tôi đi xăm hình, xỏ khuyên, nhuộm tóc, tập gym. Qua vài tháng, trông tôi gai góc, vạm vỡ, cường tráng hơn trước, không có cái vẻ thư sinh điềm đạm của một họa sĩ. Cũng tốt. Vì tôi thích sự khác biệt.
Về triển lãm tranh, thật ra tôi cũng chả tìm ai xa, vẫn là giảng viên năm đó thôi. Người đã khai quật ra tôi.
"Em muốn làm triển lãm tranh?"
"Vâng."
"Không khó." Thầy gật gù. "Nhưng sau triển lãm sẽ có nhiều người biết đến tên tuổi của em hơn, và họ dần dành cho em một sự kỳ vọng cao, chờ đợi những tác phẩm sau này. Nếu như em đảm bảo được mình sẽ đem tới một bước ngoặt lớn trong nghệ thuật, em hẵng tổ chức triển lãm."
"Em phải đổi phong cách ư?"
"Không hẳn. Phong cách cũ của em mới là thứ khiến người ta bị thu hút."
Tôi hoài nghi. "Thầy muốn em tạo scandal ư?"
"Đương nhiên là không!" Thầy gạt phăng. "Em thử phong cách mới xem sao."
"Em không vẽ người đâu."
"Sao em cứ nghĩ tôi rước họa vào người em thế? Tôi là cố vấn! Cố vấn cho sự lạc lối của em!" Thầy cốc vào đầu tôi một cái cho bõ tức. "Đừng có suốt ngày quanh quẩn ở mấy chỗ quen thuộc nữa. Thử làm một bộ sưu tập mới đi."
"Em muốn... đến những nơi mà chưa ai tới bao giờ."
Thầy đỡ trán, suy nghĩ rất lâu.
"Chà, đây sẽ là cơ hội tốt để em tìm ra được nghệ thuật chân chính đây."
Tôi nhướn mày chờ đợi.
"Biết núi Jiri chứ?"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro