11. Phúc phận
Nhưng rồi, kế hoạch của em đã bị hậu quả của việc gây hấn với dòng họ Taira làm chậm lại. Mỗi ngày các lái buôn đều mang về tin tức về số lượng những xe hàng bị từ chối ra vào những điền trang. Lãnh địa của Ryoumen Sukuna nằm ở vùng cực Nam, bốn bề giáp biển. Những hòn đảo gần nhất toàn bộ đều là đất đai của họ Taira. Và giờ đây, những lái buôn nếu muốn đưa hàng cho các vùng đất bên ngoài đều phải vượt biển đến gần kinh đô để bán.
Xưa nay các điền trang đều phát triển theo lối tự cung tự cấp, việc buôn hàng cho bên ngoài cũng không quá cấp thiết. Tuy nhiên em biết rõ, những mối buôn bán bị đánh mất chỉ là bước đầu tiên. Nếu không nhanh chóng cứu vãn tình thế, có thể sau này những tàu thuyền đến từ phương Nam sẽ không còn được phép dừng chân tại các cảng biển của họ nữa. Tin tốt là các lái thương từ điền trang của họ Taira rất thích hàng đến từ lục địa. Mối quan hệ chính thống với dòng họ ấy chắc chắn là khó giữ, nhưng hẳn là vẫn có thể cứu vãn được những mối làm ăn.
“Nayumi, nhắn với Okimoto, Kita, Tatsuo và những người khác chuẩn bị cho những chuyến mua bán với lục địa. Bảo họ hãy tập trung vào thuốc men và các món dược liệu nhé, chúng ta cần chuẩn bị cho tháng mưa của năm sau.” Em nghiêng mắt nhìn cơn mưa tầm tã ngoài hiên và nhẩm tính.
“Chuẩn bị xe. Ta cần đến thăm nhà Hagiwara và Tamashiro.” Đoạn, em nói với những người hầu đang quỳ chờ lệnh.
“Hana, chuẩn bị y phục.”
“Vâng, phu nhân.”
Sau đêm tắm máu sáu gia tộc lớn gần ba năm trước của Sukuna, em đã nhân cơ hội đó để nâng đỡ một vài dòng họ nhỏ rồi từ đó biến họ thành những gia đình có tiếng nói trong các điền trang. Xưa nay, các gia đình vẫn luôn là đơn vị hành chính được đất nước này ủng hộ. Bởi thế nên thông qua sự chịu ơn và lệ thuộc để gián tiếp quản lý những ruộng đất và cửa hàng không thuộc quyền sở hữu cũng là một cách để em nắm quyền.
Dù sao thì, viễn cảnh một người đàn bà thâu tóm hết quyền lực vào tay sẽ gây ra khá nhiều sự phản đối đến từ các tướng lãnh. Trên chiếc kiệu liễn đang xuyên qua màn mưa, có tiếng cười mỉa mai nhẹ nhàng vang lên, rồi tan vào những thanh âm hối hả.
Non nửa tháng sau, khi những cánh đồng cũng đã lên mạ, người con gái mới tìm được thời gian để lo nghĩ về chuyện của tên quản gia hai tháng trước.
Vào một buổi sáng đẹp trời, em cầm chiếc dù mỏng để che nắng, vai khoác tay nải và bước đi trên con đường đất với hai bên là những cánh đồng. Đằng sau em, Nayumi cũng đang xách theo hai chiếc túi có hình dáng tương tự. Khác với mặt đường trải sỏi bằng phẳng ở Heian, con ngõ hẹp ở những nơi thế này làm hoàn toàn từ đất bùn mềm oặt, do người ta đắp lên hoặc do đi lại nhiều mà có. Đôi guốc em lún vào mặt bùn, để lại những dấu vết theo sau mỗi bước chân.
Em bước từng bước thật chậm, mái tóc cũng buộc gọn, có vài sợi tóc mai lén lút chao nghiêng trên gò má. Người con gái đi đến một cái chòi dựng tạm ở giữa cánh đồng, để cho Nayumi tiến đến gõ cửa.
“Ôi chao, kính chào phu nhân.” Một người phụ nữ trạc trung niên xuất hiện. Chị ta cúi chào em theo lễ nghi rồi lại hỏi.
“Điều gì đã mang ngài đến hàn xá của chúng tôi? À, nhưng trước hết, ngài vào dùng tạm cốc trà đã nhé?”
Em chậm rãi lắc đầu, rồi lấy từ trong chiếc tay nải mang theo một hộp dược liệu và thuốc thang. Đặt chúng vào tay người phụ nữ trung niên rồi, em mới nói, “Tin tức về những nông hộ có mong muốn được cho thuê lại chỗ ở cho dân tị nạn rất hữu ích. Ta đến đây để gửi lại thù lao.”
“Ôi quý hóa quá. Nhưng sao phu nhân lại phải nhọc công đến tận đây thế này. Cứ để tôi đến cửa tiệm đầu thôn của ngài lãnh sau khi nộp thuế là được mà.” Nói đoạn, chị ấy nhìn quanh quất một lát, rồi cao giọng gọi mấy đứa trẻ đang chơi đùa cách đó không xa, “Sắp nhỏ ơi, lại đây mẹ nhờ này!”
Những đứa trẻ nhanh chóng chạy lại, đứa có vẻ nhanh nhẹn nhất trong đám được phân cho việc mang chiếc hộp của em về nhà chính của gia đình. Hai đứa lớn hơn thì chẳng cần mẹ dặn mà đã nhanh chóng mang ghế đến cho em và Nayumi. Cô bé duy nhất trong lũ chẳng biết đã biến đi đâu mất, chốc lát sau lại chạy đến trước mặt em, trên hai bàn tay đưa ra là một chiếc khăn trắng hãy còn âm ẩm hơi nước.
Em mỉm cười nhận lấy khăn rồi dùng nó để lau đi mấy giọt mồ hôi trên má. Đoạn, người con gái nói lời cảm ơn với người phụ nữ và những đứa con của của chị. Rồi, em lấy từ trong túi ra một gói bánh gạo to có phủ lớp mè rang, bảo với người phụ nữ:
“Cái này là quà cho mấy đứa trẻ.”
“Ầy, phu nhân nào cần phải làm thế, nhọc công quá.”
Người phụ nữ trung niên ngẩn người rồi vội xua tay. Thấy vậy, em nhanh chóng cúi người, dúi hộp bánh vào tay đứa bé gái đang ngóng nhìn. Em bảo vội:
"Chạy lẹ đi chia cho các bạn đi nhé, đừng có ăn một mình đấy. Đi nhanh đi."
Cô bé nhanh chóng hiểu ra, hai tay nhận lấy hộp bánh rồi co giò chạy biến trước khi người mẹ kịp phản ứng lại.
"Trời đất, con bé này…!" Người mẹ bất ngờ nhìn đứa con gái nhỏ nhất của mình, rồi quay lại cúi đầu với em, “Con bé nhà tôi vô phép tắc quá, thật sự xin lỗi ngài, và cũng vô cùng cảm tạ lòng lành của phu nhân.”
Trong lúc ấy, có vài người đang nghỉ ngơi dưới gốc cây cũng đã nhận thấy sự có mặt của em và cùng đến để chào hỏi. Ấy là một ông chú tuổi trung niên có dáng người nhỏ gầy nhưng quắc thước, theo sau còn có vài người đàn ông, thanh niên, thậm chí là vài người phụ nữ hãy còn ẵm con trên tay. Tất cả họ đều là người trong cùng một gia đình, tá điền canh tác các mảng ruộng quanh đây đều là họ hàng thân thuộc. Họ nở nụ cười thân thiết khi thấy em, có vài người còn than phiền:
"Sao lại chỉ có mình cô Nayumi đi theo ngài thế kia?
“Thiệt tình, ai chẳng biết dạo này mưa nên sẽ khó di chuyển.”
“Lỡ trượt chân thì sao, ít ra cũng phải có hai ba người đỡ ngài chứ!” Họ nhao nhao nói lớn. Tuy rằng cách ăn nói không được tao nhã như những người quen sống nơi kinh thành, nhưng lại rất dễ nhìn ra được sự lương thiện và thật thà của họ.
Trong tay nải vẫn còn vài hộp bánh, em lấy ra chia cả cho những người dân xung quanh để làm quà cho con cái họ. Thấy vậy Nayumi cũng nhanh nhẹn lấy thuốc men và vài món trang sức ra để đưa cho các chị, các cô. Tiếng nói cười rôm rả cứ thế vang lên dưới bóng mát của căn chòi.
“Thực ra ta đến đây cũng để hỏi thăm các vị vài thứ. Các vị có biết người nào tên là Rokuro không?” Đương nhiên, em vẫn không quên mục đích của mình khi đến đây.
“Rokuro sao…?” Một người đàn ông lẩm bẩm.
“Nghe quen quá…” Những người khác nhìn nhau rồi thì thầm.
“Thưa, không giấu gì phu nhân, nhờ ơn cưu mang của ngài mà chúng tôi đã ngụ tại đây được gần mười năm. Chúng tôi quả thật có từng quen biết một người tên là Rokuro, nhưng năm, sáu năm trước đã không thấy anh ta đâu nữa.” Ông chú trung niên, người có vẻ là gia chủ của gia đình này đứng ra nói.
“Tôi nghe anh ta bảo muốn vào làm gia nhân cho… lãnh chúa ạ.” Một người khác lại bổ sung.
“Đúng vậy, thưa phu nhân. Tôi đã từng gặp anh ta trong đợt tị nạn gần mười năm về trước. Anh ta có vẻ là người Đông Bắc, cách nói chuyện cũng lơ lớ khẩu âm lạ mà chúng tôi chưa nghe qua bao giờ.”
“À đúng vậy, về sau anh ta nói thích giọng chúng tôi hơn nên cũng học theo, bảo rằng làm như vậy thì có thể sẽ dễ được nhận vào làm gia nhân của các gia tộc lớn hơn.”
Cuộc di dân tị nạn tám năm trước, nguyên nhân là do mâu thuẫn nội bộ của dòng họ Taira dẫn đến nguyền sư hoành hành. Những người trước mắt em đây phần lớn cũng đến từ lãnh địa của họ. Để những người sống ở điền trang Taira nói một người khác là “có khẩu âm lạ” thì hẳn là kẻ này phải đến từ nơi nào đó xa xôi hơn nữa. Ít nhất là phải cách kinh thành một tuần đường.
“Hình như hết rồi ạ. Anh ta không có người thân, cũng đã mấy năm rồi nên chúng tôi cũng chỉ nhớ đến thế. Không biết phu nhân…” Ông chú với dáng người quắc thước lại nói.
“Không, thế này cũng đã đủ rồi. Cảm ơn mọi người.” Em lắc đầu và đáp. Bên cạnh em, Nayumi đã âm thầm ghi lại những chi tiết ấy vào trong sổ.
Rồi câu chuyện lại quay về tình hình ruộng đồng. Dưới cái nắng trưa oi ả, người con gái ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ sờn, mỉm cười lắng nghe họ than phiền về những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Những cánh đồng chỉ mới gieo mạ vốn chẳng có gì thú vị để ngắm, nhưng em vẫn ngồi lại để nghe mấy chuyện con tôm cái tép diễn ra trong đời những người nông dân này. Có đôi lúc, người con gái đã làm tròn bổn phận của mình đến mức, chỉ cần Ryoumen Sukuna rời khỏi lãnh địa, hay không xuất hiện trước mặt những người nông dân chân lấm tay bùn thì dường như tất cả đều thoáng quên rằng mình đang sống dưới quyền của một kẻ bạo tàn như thế. Mà cũng phải thôi, những người chất phác thật thà, vốn sinh ra đã chịu kiếp thấp cổ bé họng, họ có mong nghĩ gì hơn ngoài chuyện ngày hôm nay có được ăn no hay không và vụ lúa mùa này bội thu hay thất bát.
Cuộc đời có khi cũng chỉ đơn giản như vậy. Họ sống dưới danh tiếng của tên đàn ông, chỉ mong nhận lại chút gì sự chở che của gã khỏi những mối hiểm nguy mà những kẻ lang bạt ngoài kia phải hứng chịu. Như là nguyền hồn, hay cướp bóc, giết chóc, hay thậm chí cả những sự bất công gấp bội lần việc phải nộp lương thực và nộp thuế.
Góc nhìn của những kẻ giàu sang và những người nghèo khó thường rất khác biệt. Bởi lẽ thế, sự cảm kích của những người nông dân dành cho em đã sớm hóa thành một thứ gì khó có thể đong đếm được. Và tất cả cũng chỉ thông qua cốc nước mát, tấm bánh gạo và cái cách em đã ở gần với họ như thế, cho họ thấy rằng em cũng là một tồn tại có cảm xúc chứ chẳng phải là hình tượng xa vời ngồi trong tòa vàng son, là phu nhân của tên bạo chúa.
Vòm trời trên đầu đã dần vơi nắng, cũng đã đến lúc những người đàn ông, phụ nữ, những người thanh niên và cả trẻ em trở lại với công việc ruộng đồng. Ngay khi em đứng lên, tất cả mọi người xung quanh em nhìn nhau, rồi như đã có hẹn từ trước, bọn họ đột ngột quỳ xuống, cúi đầu. Người phụ nữ có đứa con gái vừa nãy cất tiếng đầu tiên, và những người sau lập tức lặp lại.
“Phu nhân hiền lương đức hạnh, trời xét ơn đức, biển rộng sông dày, mong ngài từ đây về sau trăm năm phúc phận.”
“Chúng tôi chỉ là những kẻ chân lấm tay bùn, nhờ ơn trên cưu mang mà được xây nhà dựng cửa, con cháu lớn khôn. Lòng từ bi của phu nhân trăm hộ đều thấy trong mắt, nhớ trong tim. Nay ngài lại dành thời gian quý báu để thăm hỏi và trợ giúp chúng tôi, lòng biết ơn này không sao kể xiết.”
“Chúng tôi những mong bằng chút phước mọn từ gia tiên, có thể hộ cho ngài bình an khỏe mạnh.”
“Phu nhân hiền lương đức hạnh, trời xét ơn đức, biển rộng sông dày, mong ngài từ đây về sau trăm năm phúc phận.”
"Phu nhân hiền lương đức hạnh…"
"... mong ngài từ đây về sau trăm năm phúc phận."
Em ngẩn ngơ nhìn họ, lời nguyện cầu chân thành cứ vậy vang vọng mãi trong óc. Em biết mình phải hành xử như thế nào trong tình huống này, thế nhưng dường như lại bối rối chẳng biết nên làm thế nào cho phải đạo. Nhanh chóng đọc được tâm trạng rối bời trong lòng chủ nhân, Nayumi nhanh chóng thay mặt em đỡ những người nông dân lên rồi xua họ đi tiếp tục việc đồng áng.
Guốc gỗ lại một lần nữa giẫm lên con đường đất mềm oặt, có mấy giọt bùn đã rướm bẩn đôi tất trắng. Em vừa rời khỏi cánh đồng không xa, đã ngay lập tức có người chạy đến. Gia nhân cúi mình lau đi những giọt mồ hôi trên má em, rồi đỡ lấy cánh tay, nâng em lên cỗ xe đã đợi sẵn. Nayumi cũng nhanh nhẹn theo sau. Trong buồng xe lót đầy nhung gấm, có người ngồi quỳ một bên phe phẩy tán quạt; liếc mắt trông sang còn có thể thấy những món ăn nhẹ, bộ dụng cụ trà đạo và mấy cuốn sách hiếm đang bày biện ở một góc xe.
Trong xe đã có người ngồi sẵn. Uraume chống cằm nhìn ra ngoài cửa sổ, rồi nhẹ liếc sang em và vị nữ hầu thân cận đang bước vào trong.
“Bọn chúng sẽ thất vọng lắm đấy.” Y nhẹ nhàng cất lời, giọng nói đều đều khó có thể nghe ra thái độ.
Em bật cười nhưng không đáp. Người con gái ngồi vào đệm ngồi của mình rồi nhấc tách trà đã được pha sẵn lên. Xe bò bắt đầu lăn bánh. Con đường đất trải dài chứa đầy những đá sỏi khiến cỗ xe xóc nảy, thế mà bên trong buồng ngồi lại là một quan cảnh khác. Trướng rủ màn che, nhung êm đệm gấm tôn lên sự sa đà mà gã đã nuông em vô độ. Uraume chống cằm nhìn quanh, vẫn không thôi bất ngờ và hoài nghi về sự hoang phí gã dành cho em, về sự tồn tại của bản thân em.
Người đàn bà vẫn sống sau ba năm, phu nhân của kẻ bị toàn thế gian nguyền rủa.
"Dừng lại." Tiếng em đột ngột vang lên. Gia nhân ngay lập tức buông quạt, vén tấm màn truyền đạt với người đánh xe. Cỗ xe chầm chậm dừng lại, em đặt tách trà xuống, mở cánh cửa bước ra. Ánh chiều gay gắt khiến người con gái hơi nhíu mày. Nayumi vội đuổi theo sau, bật tán dù ra để che cho em đỡ nắng. Uraume liếc mắt về phía cửa, thấy em đương bước đến nơi có bà cụ nhỏ gầy đang ngồi dưới một tán cây. Trong lòng bà có ôm một hộp nhỏ, bên trong chứa đầy những mẩu bánh kẹo được nặn một cách sơ sài, nhìn về màu sắc thì chắc cũng chẳng được làm từ nguyên liệu đắt tiền gì.
Kẹo trong hộp vẫn rất đầy mà trời thì đã sớm ngả chiều hôm.
"Bà ơi, bà bán con hết chỗ bánh kẹo này nhé?" Y thấy em cúi thấp người, rồi lại nghe tiếng em nhẹ nhàng hỏi bà cụ. Em lấy từ trong ống tay áo ra một túi tiền, đặt vào tay bà cụ gầy nhom với đôi mắt mờ đục.
"Tiểu thơ…" Túi tiền rất nặng, có lẽ đáng giá gấp mấy mươi lần chỗ kẹo rẻ tiền làm bằng tay của bà. Bà cụ ngẩng khuôn mặt lên trong kinh ngạc, quờ tay cố dúi túi tiền lại vào tay em. Rồi Uraume thấy em nắm lấy tay bà, kiên quyết đặt túi tiền vào lòng bà cụ. Đôi bàn tay mềm mại bởi cuộc sống đủ đầy của người con gái ôm lấy đôi tay gầy gò, sớm đã chai sạn với tháng năm. Ấm áp và bao dung, tưởng như không tồn tại bất kì khinh ghét hay thương hại nào thường thấy từ một người đã quen với vinh hoa phú quý. Tâm hồn bà cụ già nua rung lên trong sự nhận thức đó.
"Bà cứ giữ lấy đi ạ." Em cúi người thấp hơn, nhoẻn môi cười.
Bà cụ thẫn thờ trước nụ cười ấy, túi tiền rơi xuống khi bà cũng bắt lấy tay em, siết lấy nghẹn ngào.
"Cảm ơn, cảm ơn tiểu thơ nhiều lắm..."
Chốc lát sau, em quay trở về. Người hầu cầm dù đi trước, tán dù rộng che khuất khuôn mặt em. Rồi khi vị nữ hầu nhẹ nhấc nó lên cao để em có thể bước vào bên trong, vị nguyền sư đang ngồi trên cỗ xe chợt nhận thấy có cái gì đó chực trào ra từ đôi mắt của em. Hạnh phúc, hân hoan, nước mắt em hoen mi chỉ vì niềm vui em mang lại cho người khác.
Ánh mắt đăm chiêu của Uraume cứ dõi theo người con gái này. Vị trợ thủ đắc lực của Ryoumen Sukuna vẫn luôn tò mò về sự mâu thuẫn của em, rằng vì sao em có thể phần nào thật lòng trong một vở kịch do chính tay mình dựng nên, vì sao em lại có thể cố sống đời thiện lương trong khi người chung gối chăn với em lại là kẻ tàn độc hơn ai hết. Đạo đức của em là gì, và em sẵn sàng đánh đổi những gì để giữ cho mình sự thiện lương.
Y lại nhìn em một lần cuối rồi đột ngột vén mành che, rời khỏi. Em cũng không mấy bất ngờ. Uraume vẫn luôn thoắt ẩn thoắt hiện như vậy, sự khó hiểu ở người này cũng chẳng khác gì chủ nhân y. Cỗ xe chậm rãi lăn bánh, hướng về chốn lầu các phù hoa. Ngồi một mình bên trong, em ngẩng tầm mắt liếc nhìn ánh vàng lộng lẫy khảm chìm trên thành xe, trong đầu cứ lặo đi lặp lại lời của Uraume và của những người nông dân khi nãy.
Phu nhân hiền lương đức hạnh, trời xét ơn đức, biển rộng sông dày, mong ngài từ đây về sau trăm năm phúc phận.
Chúng sẽ thất vọng lắm đấy.
Cứ như vậy lặp đi lặp lại, đan xen vào nhau, không nghỉ không ngừng.
Có khi họ sẽ thất vọng thật, em thầm nghĩ. Thất vọng khi biết rằng chưa một lần em thử sống cuộc đời của họ. Rằng em chẳng là gì ngoài một kẻ bàng quan, rằng những hành động của em đôi khi cũng có phần của những toan tính.
Thế nhưng…
Nếu được, em xin nhận phần phúc phận này, và nguyện rằng nó sẽ kéo dài mãi trăm năm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro