Chương 3: Mộng, những ả Đào Nương.
Ngày hôm sau, ta vẫn ôm đàn ra nơi cũ, trải tấm chiếu mà i a hát mấy câu. Cho dù khách nhân có đến hay không, cho dù có ai cho ta hào nào hay không, ta vẫn phải đàn, vẫn phải hát cho hết kiếp này, coi như là cái nghiệp đã bám vào mình.
Ta cứ hát, cứ đàn, tay ta đau nhói, còn giọng lại khàn đi. Ta bật cười, thấy mình như con cuốc, buồn một nỗi, nó nhớ nước thương nhà, oán hờn không tan, còn ta, ta lại chẳng biết, mình đang buồn cái gì.
Khi tà dương sắp chôn mình xuống phía Tây, vị khách nhân ấy vẫn chưa xuất hiện. Ta cũng không lấy làm hy vọng gì cả, chuyện chẳng muốn kể, còn người chắc gì đã muốn nghe, chẳng qua là vô tình gặp nhau mà thôi. Ta lẳng lặng thu vén mấy hào trên chiếu. Có lẽ ta nên về nhà sớm một chút.
Đào còn chưa kể chuyện mà.
Tiếng một khách nhân vang lên dịu dàng. Ta mắt tuy kém nhưng tai còn mấy phần minh mẫn, nghe ra giọng nói của vị khách ngày hôm qua.
Lại ngồi xuống.
Khách quan muốn nghe chuyện gì?
Chuyện của hôm qua.
Ta cảm thấy có chút gì đó trong mình không ổn, ta sợ phải kể tiếp câu chuyện ấy. Phải, ta sợ chính câu chuyện mà ta đã kể mà chẳng vì sao cả.
Chuyện khác được không?
Vẫn chuyện tuyết nguyệt phong hoa chứ?
Khách nhân tỏ ý cười.
Có lẽ.
Ừ.
Ta mập mờ nhìn xung quanh, trời chiều đã sậm màu. Đám trẻ con tụ tập ra đường chơi ô quan cũng đông hơn, cái giáo phường bên cạnh tay cũng bắt đầu chuẩn bị mở cửa đón khách. Ta bỗng nhớ, có những chuyện, không vui mà cũng chẳng buồn.
Tiếng đàn hòa quyện vào thinh không...
***
"Có người từng nói, một ngày làm con hát, thì hết kiếp cũng phải làm con hát, thậm chí đến con cháu đời sau cũng phải làm con hát. Cái nghiệp nó quấn lấy người thì người làm sao mà dứt cho được. Nhưng những chuyện này về sau nàng mới biết. Chứ lúc này, con bé Sen không cảm thấy có gì là không hay.
Mặt quẹt lên mấy vệt lọ đen, đôi mày cong cong hàng ngày xếch lên, khuôn mặt mấy phần tinh nghịch trở nên cay độc. Con bé chừng 11, 12 tuổi phe phẩy cái quạt mo trong tay, chỉ trỏ.
-Bà nói nhé, chúng bây liệu hồn đó.
Tiếng "liệu" ngân dài ra, đám con nít xung quanh cười hinh hích.
-A, láo, còn dám cười à.
Điệu bộ con bé phe phẩy quạt, miệng chu lên ra vẻ chua ngoa, đám trẻ được dịp cười to hơn. Ngoài đồng gió hiu hiu, không mấy ai chú ý đến đám trẻ, vẫn cặm cụi làm việc, đám trẻ chỉ có thể tự bày trò mua vui cho nhau. Thường thì chúng chơi nhiều trò lắm, nhưng mấy hôm nay, con bé Sen mang theo cái quạt mo cau mẹ nó hay dùng đuổi mấy con muỗi, bày ra trò diễn tuồng, đám trẻ thấy vui hơn thường ngày.
-Sen, mẹ nói sao?
Tiếng người lớn quát. Con bé đang chu miệng vứt ngay cái quạt, chạy mất. Đám trẻ cười ngặt nghẽo, tưởng như đang xem trò hay.
Con bé không hiểu, hát hò mua vui cho chúng bạn sao mẹ nó lại cấm. Thỉnh thoảng nó vẫn nghe mẹ nó ôm cây đàn ngồi trên chõng kia mà, thỉnh thoảng nó vẫn nghe mẹ nó hát mấy khúc, nghe buồn lắm, nhưng hễ nó đến sờ cây đàn mẹ nó lại mắng, hễ nó nói muốn học hát, mẹ nó lại cấm. Phải đến tận năm ngoái, dì nó nói mãi, mẹ nó mới chịu dạy cho nó đàn.
Cái làng bé tí này, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy nhà. Ngày thường, Sen không biết mọi người đi đâu cả, nhưng hễ lễ Tết là đông người tụ tập, nghe nói mấy quan lớn về quê. Có hát đình, có hát chiếu. Sen vẫn thấy mẹ và dì, mấy ngày này đi hát cho nhà thầy Từ, cho hội làng. Không hiểu sao những lúc này, nhiều người nghe mẹ nó hát lắm, mẹ nó cũng hát mà, sao lại cấm nó. Đang mãi nghĩ, nó nghe tiếng dì nó:
-Sen, ra ao ngoài làng hái mấy bó sen cho dì đi con. Nhớ đừng ra xa ao quá nha con
-Dạ. - Nó hét lớn rồi chạy đi. Nó thích nhất là ra đầu làng hái sen, vừa được chơi, vừa được ăn, thích lắm
Cái ao bé, nhưng cũng đủ rộng để sen đến mùa nở. Nước tuy không sâu nhưng cũng làm người lớn dặn dò đám con nít không ra đây chơi một mình. Sen thì khác, nó biết bơi, lại lớn rồi, nên dì cũng cho nó ra đây một mình.
Ao sen rộng lớn, có một con bé đang khum tay hái mấy bông lớn.
-Này, ai cho mày hái sen hả?
Tiếng người quát lớn. Sen quay phắt lại nhìn.
-Cái này là ao làng mà, ai mà không hái được? Nó nói.
-Tao không cho mày hái đấy. -Nói rồi thằng bé giật mấy bông trên tay của nó, vứt đi.
Liên chực òa khóc, nhưng nó chỉ thút thít.
-Anh là anh lớn, lại đi bắt nạt tôi.
-Thì sao, ai cho mày hái sen nhà tao.
-Cái này là ao làng mà. -Con bé lặp lại.
-Mày còn dám cãi.
Thằng bé hung hăng sấn lại. Thằng nhóc chắc lớn hơn Sen vài tuổi, nhưng nó là con trai nên khỏe hơn Sen nhiều lắm, con bé khổ sở tránh mấy cái đẩy thằng bé này. Không biết giằng co như thế nào mà thắng bé quay lưng về phía ao.
Tõm!
Nước bắn lên mấy phía. Đáng lẽ con Sen phải ngã, nhưng không biết sao, cuối cùng thằng bé không cho nó hái sen ngã. Thằng nhóc kêu gào người cứu. Con Sen cũng quên mất mình biết bơi, cũng đứng đó gào toán lên. Một lúc sau, nó mới sực nhớ, vội nhảy xuống lôi thằng nhóc vào bờ. Hai đứa nằm thở trên bãi cỏ. Nhưng con bé sợ thằng kia không cho nó lấy sen, nó gom vội mấy bông sen còn nằm trơ ra đó, bỏ thằng nhóc kia lại, chạy mất.
Tối, nhà thầy Từ ồn ào.
Con Sen quỳ gối trước sân nhà thầy, vòng tay trước ngực. Mẹ nó với dì vào nhà.
-Bẩm, quan lớn tha cho, con bé còn nhỏ dại nên mới xô xát với cậu nhà. Thật, nó cũng không cố ý đẩy ngả cậu.
Sen mím môi, rõ ràng suýt chút nữa người ngã là nó, sao lại phải đi xin lỗi. Mẹ và dì vừa nghe nó kể, đã kéo nó sang nhà. Trong nhà đèn sáng, có tiếng cười sang sảng.
-Trẻ con vui đùa mà. Thằng Lý nó cũng sai, ai đời lại ra đó mà cấm người ta hái sen. Thôi, hai chị dẫn con bé về đi, cũng chẳng có gì, đừng làm nó sợ.
Mẹ và dì vâng vâng dạ dạ rồi ra sân, dẫn nó về nhà, nhưng nó lại thấy ấm ức.
Thế mà từ hôm đó, nó có thêm một người bạn. Lắm lúc, con bé nghĩ về việc này, nó không biết đó có phải là những điều gắn liền với nó hay là không.
Cậu Lý là họ hàng xa với nhà thầy Từ, ở tận Kinh Bắc xa xôi, nay về quê thăm thú, học tập cùng thầy Từ, nó không biết là ao làng, thấy gần nhà, tưởng là của mình, nên mới không cho con Sen hái. Về sau mới biết, thằng bé còn mang sang nhà trả cho con Sen một bó to tướng.
Rồi làng mở lễ hội, mẹ và dì đi hát hội đình, con Sen cũng được theo hầu đàn. Con bé ngón tay mềm mại lướt trên mấy dây đàn, người ta khen hết lời, nhưng hình như mẹ nó không vui.
Lễ tan, nó với mấy đứa con gái cùng ra phái sau bày trò. Vẫn cái trò cũ, mấy vệt lọ nồi, cái quạt no phe phẩy. Nó bắt chước điệu bộ mấy chị đào diễn lúc nãy.
-Sen này, sao em làm đào lệch, ai cũng giành làm đào thương[2e] mà? -Cậu Lý đi cùng với mấy cậu trong lớp thầy Từ, hỏi nó.
Sen không biết đào lệch là sao, đào thương là thế nào. Khi nghe cậu Lý nói, nó cười hì hì, nói:
-Làm đào lệch dễ hơn mà.
Lời trẻ con nhưng cũng đọng sâu trong lòng trẻ con. Ai mà biết lời ấy đến nhiều năm sau vẫn còn đúng. Đào lệch muôn đời chỉ ánh mắt, chỉ lời nói, người ta đã nhìn ra, giả một nàng đào lệch cho người ta nhìn, quả thật dễ hơn làm một nét đào thương.
***
Thấm thoát cũng đã qua thêm một mùa hạ nữa. Sen trong ao cũng phất phới sắc hồng. Cậu Lý cũng ở đây gần năm. Sen vẫn hay sang nhà thầy Từ nhờ vả học chữ. Mẹ nó nói, con gái cũng phải biết chút chữ nghĩa, sau này, có đi xa, còn mảnh giấy báo bình an. Sen nghĩ là mẹ lo xa quá đỗi, cả đời nó, chắc chỉ ở cái làng bé này, như mẹ nó, như dì nó mà thôi. Thầy Từ giao Sen cho cậu Lý dạy, vì ông nghĩ tuổi trẻ chắc có nhiều điều dễ bảo hơn. Thầy Từ thường chỉ nghiên cứu thuốc, thỉnh thoảng mới sang lớp dạy cho mấy anh trong làng cùng học.
-Sen này, em nói, trong lớp này, ta còn kém ai không?
-Bẩm cậu, em nghĩ là không.
-Sao em lại bẩm, gọi cậu. -Người kia có vẻ phật lòng.
-Thưa, mẹ em nói, phải biết lễ phép với cậu.
Thằng bé kia thở dài, nó nói mãi, Sen vẫn gọi nó như vậy. Cả năm nay, nó chơi đùa với con bé mãi, thầy Từ cũng chẳng cấm, chỉ có mẹ con bé luôn răng nó, ít cho nói chơi cùng.
-Ngày mai ta phải đi rồi, em vẫn như vậy sao?
-Thưa, cậu về quê chăng? -Con bé giật mình.
Cậu Lý chỉ im lặng mà không đáp lời nó. Trẻ con có những điều khó nói, nhưng cũng khó quên. Cậu Lý ngày nào bây giờ lại mê mẩn ánh mắt nàng đào lệch trẻ con, lại mê say tiếng đàn trong mấy ngày hội làng của ai kia theo mẹ hầu đàn mà lại chẳng nói ra. Cậu sợ người ta không hiểu, nhưng cũng sợ người ta không như cậu nghĩ.
-Em còn nhỏ quá.
Sen không hiểu ý cậu, nó không biết chuyện ấy và chuyện cậu rời làng thì có liên hệ gì đến nhau.
-Ta sẽ về quê, ở Kinh Bắc, vài năm nữa lại lên Long Thành, thi lấy công danh. -Dừng một lát, cậu Lý lại nói. Sen cảm thấy cái dáng vẻ cụ non này hệt như thầy Từ, có điều, gương mặt cậu, không nhăn nheo như thầy mà thôi. -Sau này, ta lấy em làm vợ nhé.
Sen từng nghe nói làm vợ là về sống cùng nhà. Con bé thấy cũng hay hay. Dù sao, sống cùng với cậu Lý không có gì là không ổn, nó còn cảm thấy vui nữa kìa. Nhưng nó cũng nghe nói, muốn làm vợ thì phải yêu người ấy đã. Nó vội nói:
-Em làm vợ cậu cũng được, nhưng em không thích cậu được.
Có tiếng đánh rơi cây bút, cậu Lý ngây người, nhìn nó.
-Tại sao?
-Mẹ em nói, thích một người là phải để tim chỗ người ấy, em không dám để tim chỗ người nào đâu. Không có tim, thì làm sao mà sống.
Cậu Lý phì cười, con bé dù sao cũng 12, 13 tuổi rồi, sao còn trẻ con vậy.
-Ừ, ừ, em không cần thích ta đâu. Nhưng mà, chẳng lẽ, em sợ ta không giữ tim em được, ta sẽ bảo quản nó chu đáo mà.
-Cậu cũng đừng thích em, cậu phải giữ tim mình đó, em sợ, mình không giữ nỗi, lại làm rơi tim cậu. Còn tim em, chắc, cậu sẽ không đánh rơi đâu.
-Ừ, ta cũng sẽ không thích em, sẽ giữ tim mình mà.
Lời trẻ con như cơn gió mùa hạ. Có điều, Sen không biết, lời trẻ con, có khi cũng ứng nghiệm. Cũng có khi, người ta không giữ tim nàng, nhưng cũng chẳng trả nó lại cho nàng, cứ mang nó mà đi theo cùng năm tháng.
***
Cậu Lý rời làng đi ít hôm thì nhà có khách, đó là một người từ Long Thành đến. Trong kí ức của Sen, Long Thành chỉ hiện lên qua lời kể của cậu Lý, chứ nó chưa bao giờ đặt chân đến. Nhưng hình như, mẹ và dì quen thuộc lắm.
Khi nó vừa đặt chân vào nhà, nghe tiếng mẹ nó nói: "Không được." Tiếng dì nó khuyên can. Tiếng người khách nhỏ nhẹ. Nó vừa vào cửa, mẹ nó bỗng quát: "Sen, ra ngoài chơi đi." Nó lủi thủi đi ra ngoài, không hiểu chuyện gì cả.
Đến tối, mẹ nó nằm trên chõng cùng nó, nhỏ nhẹ nói:
-Sen này, con lên Long Thành nhé.
Nó nhảy vội lên, nói:
-Con ngoan mà, sao mẹ lại bỏ con. -Nó sắp khóc.
Mẹ nó vuốt ve mái tóc của nó, lại khẽ khàng kể một câu chuyện xa xưa, chuyện một nàng đào xứ kinh kì phồn hoa, chuyện mẹ nó là con hát. Sen ngờ ngợ hiểu ra, nên mẹ nó mới hát hay, mới đàn giỏi như vậy. Nhưng sao mẹ lại muốn nó đi Long Thành kia chứ, mẹ đã bỏ nghề đàn, cũng cấm nó học kia mà.
-Mẹ biết con thích hát, đi hát cũng đâu sai. Mẹ sợ con cơ cực nên không cho con học đàn, học hát nhuần nhuyễn. Nhưng thầy Cả nói đúng, con lên đấy học làm Đào Nương, học cái tài hoa cho con.
Sen biết, cái nghèo đang đeo bám nhà nó, đeo bám mẹ và dì nó, nếu nó đi lên Long Thành, nhà nó đỡ vất vả, nó lại học được cái tài hoa, sau này giúp mẹ, giúp dì. Suốt đêm, con bé suy nghĩ nhiều lắm, gần sáng, nó thiếp đi, mơ thấy mình hát hay, mình đàn giỏi, nó về quê, mở cái quán nhỏ cho mẹ, cho dì. Đến sáng, nó cũng đồng ý đi. Dù sao đến Long Thành cũng không xa lạ gì, biết đâu, có ngày, nó gặp lại cậu Lý. Nó thấy nhớ nhớ.
Sáng hôm ấy, trời còn lảng vảng những bóng sương, con bé mang theo cái bọc chứa quần áo, cây đàn của nó vẫn hay mang theo hầu mẹ ra đi cùng thầy Cả.
-Sen này, con nhớ, làm đào hát, tim chỉ đặt ở đàn, đừng như mẹ...
Mẹ nó bỏ lững giữa câu nói, thấy mắt bà rơm rớm. Nó chỉ dám ngoảnh lại rồi nhìn một chút. Nó vội theo thầy Cả mà rời đi. Con bé Sen không biết, có những chia ly của phận người là sắp đặt, rồi sẽ gặp lại nhau, còn có những chia ly, là mãi mãi.
***
Con bé vào nhà trước, thầy Cả bảo nó cứ lên chõng mà ngồi. Dọc đường nhìn mọi thứ tấp nập, con bé hoa cả mắt. Nó phủi phủi đôi chân, rồi trèo lên cái chõng, mắt nhìn xung quanh. Nó thấy mấy cái ang lớn khắp sân, nó còn thấy, có mấy người vào ra.
-Em mới đến à?
Nó ngước nhìn người vừa hỏi nó. Đó là một chị con gái, nhìn xinh đẹp. Chiếc váy lĩnh màu tím hồng lả lướt, sang trọng. Nó ngây người nhìn chị, chỉ dám gật đầu.
-Ừ, em xinh lắm, cố mà học cho thành nghề nhé.
Nó lại gật đầu. Sau này, Sen mới biết, chị ấy là Nhạn, cũng học làm đào nương khi tuổi vừa bằng nó. Về sau nó mới nghe người ta nói, chị Nhạn là đào hát nổi danh Long Thành, nhiều người mang sính lễ đến hỏi chị, tuy là làm lẽ, nhưng cũng vinh hiển, vậy mà, chị đều chối từ.
Chị đang nói với nó thì có một người đi vào, tay xách cái ô màu xám đen. Đó là một người còn trẻ, chắc hơn chị vài tuổi. Chị vui vẻ, đi ra với người ấy. Còn con bé chỉ đưa mắt nhìn hai người họ.
-Bẩm, cụ Thuyên, đây là Sen, con gái người quen, em nó cũng học làm đào.
Ông cụ tóc trắng nhìn nó, phe phẩy cái quạt như một thói quen.
-Con biết đàn không?
-Thưa, có chút chút ạ.
Ông lão cười hiền:
-Không biết cũng không sao, rồi con cũng sẽ học mà. Con bây giờ không phải là Sen, nghe chưa. Con là Liên, tên phải đẹp, đàn mới hay. Đệm là, à, để xem.... Ngọc nhé, ngọc khiết băng thành.
Sen không hiểu tên và đàn thì có gì dính đến nhau, nhưng mẹ nó dặn, phải nghe lời người ở đây, hơn nữa, tên Liên, cũng là tên Sen. Nó vâng, dạ nhận tên này, biết rằng, mình về sau, là Ngọc Liên.
***
Liên học ở đây cũng hơn hai năm. Nó nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ dì, nhớ cả cậu Lý. Mỗi lúc nhớ, nó lại đàn. Thầy Cả nói tay nó đàn hay, lại đàn buồn, nên hay chỉ nó mấy ngón đàn cho vui. Nhưng chị Nhạn lại nói nó, đàn buồn cũng có cái hay của đàn buồn. Chị nói, đàn buồn có khi lại chạm vào lòng người ta. Chị Nhạn đêm đêm vẫn ngón đàn, vẫn nụ cười, nhưng cứ sáng ra, chị Nhạn lại buồn buồn. Chị nói, chị phải chờ một người, người đó sẽ đến tìm chị. Liên lờ mờ nghĩ là người hồi đó nó gặp khi gặp chị lần đầu. Nhìn chị như vậy, nó lại nhớ cậu Lý, nó cũng chờ cậu suốt mấy năm, vẫn chưa thấy cậu ra Long Thành. Thật ra, lúc đó, nó không biết, cậu có đến Long Thành chắc gì biết nó ở đây, mà có biết, chắc gì đã tìm ra được nó. Thành Thăng Long này, nói to cũng không to, nhưng nói nhỏ, thì cũng không phải. Ở đây mãi, nó cũng hiểu, có những người, dù chờ đợi, cả đời, cũng chưa gặp lại được.
Rồi Liên làm lễ mở xiêm áo [2f]. Hồi chưa làm lễ, nó hay theo hầu đàn cho chị Nhạn, cũng nhiều người khen nó đàn hay. Chị Nhạn cũng khen nó hết lời. Nhận lấy bộ áo mới, lòng nó vui sướng. Nó ước ao, lại được hát cửa quyền, lại về quê gặp lại mẹ, gặp dì, gặp lại người xưa.
Thế rồi đêm hôm đó, chị Nhạn sang tìm nó. Chị Nhạn tặng nó cây đàn của chị, dặn dò nó mấy lời, rồi cắp nón đi mất. Nó không hiểu, chỉ lặng lẽ cài lại cái then cửa giáo phường
Sáng ra, nó không nói đêm qua có gặp chị, chỉ nghe người ta mắng chị ngốc nghếch, không chịu nhận làm lẽ quan lớn, lại bỏ đi tìm tên nhà nghèo không chút công danh, chỉ nghe người ta bổ đi tìm chị. Từ đó, nó mới hiểu, vì sao, làm đào nương, chỉ có thể đặt tim vào đàn, bởi vì chỉ như vậy, mới toàn tâm toàn ý mà đàn những khúc hay nhất, mới không như chị Nhạn, nửa đêm bỏ đi.
Lâu dần, người ta không ai bảo ai, nhưng cũng không ai còn nhắc đến tên Nhạn. Lâu dần, Liên cũng không còn nhớ về người xưa. Nó biết, nó là ả đào, là kẻ tim chỉ để ở đàn mà thôi.
Năm ấy, giáo phường Khán Xuân, nghe nói có nàng đào trẻ, thạo nghề đàn, hát cũng hay. Năm ấy, đúng vào dịp mùa sen."
Ta dừng kể, tay lại mân mê mấy dây đàn. Khách quan không như ngày hôm trước, hỏi ta sau đó thì như thế nào, chỉ trầm ngâm nhìn về phía cái hồ sen. Bây giờ là mùa hạ, sen còn chưa tàn, hương còn theo gió bay là đà vào trong thành.
Hai ta cứ im lặng như vậy. Ta không dám chắc khách nhân ấy có nghe được tiếng đàn của ta hay không nhưng cũng chẳng dám lay khách nhân ấy. Cho đến khi đèn lồng treo cao bên giáo phường hắt mấy tia sáng yếu ớt mù mờ sang phía ta, ta dừng tay đàn của mình.
Chuyện chẳng vui, mà cũng chẳng buồn.
Người khách nhân ấy đã nói như vậy khi tiếng đàn vừa dứt. Còn ta lại cảm thấy hình như tay mình hẫng đi một nhịp khi đột ngột ngừng thanh âm từ cây đàn cũ của mình. Ta vuốt ve cây đàn, mắt nhìn về phía khách nhân.
Thôi Đào về đi, mai ta lại ghé sang. Chuyện tuyết nguyệt phong hoa chắc là Đào vẫn còn mà.
Ta vâng dạ hồi lâu, lấy xâu tiền khách nhân thả vào tay, đi về. Đi ngang qua cửa giáo phường, ta còn nghe tiếng xuyên thưa. Phải rồi, một ngày của ta sắp tàn, còn một ngày của giáo phường này lại đang bắt đầu. Mấy chữ Lý Xuân trên cửa cứ dai dẳng theo ta đến tận khi ta rời khỏi chốn đông người. Lại một vòng xoay, lại một câu chuyện. Đời người, có nhiều chuyện để kể đến vậy hay sao, chẳng qua là những điều mà người ta không thể quên, mới phải nói ra, để mà có thể quên.
Mùa hạ.
Sen còn đang nở, cuốc vẫn đang kêu.
Hết chương 3.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro