Chương 2: Mộng, vàng son.
Ngày hôm sau, quả nhiên lão ông kia đến, thậm chí không chỉ là hôm sau mà còn là nhiều hôm liên tiếp đó. Mỗi lần ghé đến, lão luôn đặt vào bát một xâu tiền và luôn mở lời thế này:
Ta đã già, chỉ muốn nghe chuyện phong hoa tuyết nguyệt
Và ta luôn đáp:
Ta cái gì cũng không bán, chỉ bán tiếng đàn.
Thế nhưng dù bị từ chối bao nhiêu lần, lão ông vẫn cứ ghé đến, mỗi ngày đều đặn như vậy, tưởng như dưỡng thành thói quen. Ban đầu ta không bận tâm lắm, bởi từ khi có lão, mỗi ngày ta không phải nhịn đói.
Đến một ngày ta mê một giấc mộng kì lạ. Trong mộng, ta mặc áo lụa, đầu vấn khăn. Ta chơi đàn cho phủ chúa, có tiếng thẻ tre rơi xuống, rồi rất rất nhiều điều nữa. Có nhiều điều ta không muốn nhớ lại, mê mà như thực, cứ lần lượt lướt qua giấc mơ ấy, giống như cả đất trời đảo ngược, như là ta sống trong mộng, thanh âm từ những cây đàn cứ réo rắt quấn quýt lấy ta, hình như là đang trói buộc ta vào giấc mộng ấy.
Khi tỉnh dậy trời mới tờ mờ sáng, cả người ta ướt đẫm, thở đứt quãng. Bao nhiêu suy nghĩ ùa về rối rắm, rồi ta bất chợt nhận ra, suốt thời gian qua, ta luôn sống trong mộng, chỉ là, ta không biết, là cố tình hay vô ý mà không nhận ra.
***
Lão ông lại đến, vào hôm sau đó, khi lão cúi người định đặt xâu tiền quen thuộc vào bát sứ, ta nói:
Liệu khách quan còn muốn nghe chuyện tuyết nguyệt phong hoa?
Lão ông hơi sững người lại, cành tay cầm tiền cứng đờ, rồi lão nhìn ta, cái nhìn sáng lạn vui mừng.
Lão thả xâu tiền xuống, những đồng hào đập vào bát, vang lên tiếng leng keng bắt tai.
Còn.
Ta đặt đàn tì xuống đùi, vuốt thân đàn dù bao năm vẫn trơn mượt. Mặt trời đã tỏ, tỏa sáng khắp nơi, dù chỗ ta chọn là góc khuất nhất, nắng vẫn tìm được đường lỏi vào.
Vậy để ta kể...
Thành thăng long nhớ từ thuở nọ
Bậc giai nhân tên họ ai hay
***
"Đêm, chốn kinh kì bắt đầu một thế giới phồn hoa của mình.
Cửa trước của giáo phường Khán Xuân đêm nào cũng treo cao ngọn đèn lồng, có khi qua giờ cuối giờ Hợi[1] mới hạ. Người ta nói, chốn kinh kì này, nếu có nơi nào không ngủ, thì chỉ có thể là giáo phường Khán Xuân. Nếu có giáo phường nào có nhiều ả đào hát cửa quyền[2a] nhất, thì, từ xưa đến nay, cũng chỉ có nơi này.
Tiếng đàn dìu dặt mà khoan thai, tiếng hát dịu dàng mà chan chứa. Những thanh âm ấy theo khe cửa, lẫn vào ánh sáng mà lọt ra ngoài khiến cho mấy người đi ngoài đường cũng ngẩn ngơ. Ai mà chẳng muốn vào nơi đây nghe tiếng đàn ca, nhưng lẽ thường thì chắc chỉ có mấy quan trên mới vào được cửa cao này. Nhất là hôm nay, nghe nói, nàng Ngọc Liên hầu đàn.
Có người nghe được tiếng xuyên thưa [2b], lát sau lại nghe được tiếng xuyên mau[2c].
Tiếng vỗ tay, tiếng thẻ tre rơi vào chiếu.
Tiếng đàn.
Tiếng hát.
-Đục như tiếng đá, trong như tiếng suối. Quả là đàn kia cũng phải ngẩn ngơ vì tiếng của mình.
-Ta từng nghe tiếng đàn của nàng Nhạn, cứ nghĩ là sẽ không bao giờ còn ai có thể được như nàng ta. Không ngờ bây giờ lại có nàng Liên vừa hát, lại biết chơi đàn. Thật, cái giáo phường này làm sao mà tìm ra những bàn tay như thế chứ? Như là tiên nữ chơi khúc Cầm.
Tiếng cười lại vang lên đều đặn.
Bên cái chõng tre, khuôn miệng hé cười.
-Bẩm, quan lớn quá lời, chị Nhạn nghe thì lần sau lại không chỉ cho em chút đàn nữa, lại không đến hầu quan.
-Ấy, chỉ là, ta cảm thấy, tiếng đàn hai người vẹn mười mà thôi.
Lại tiếng cười vang lên. Cây đàn tì vào người, hơi nghiêng:
-Đêm nay nàng Liên đến, quả là vinh hạnh. Ta chờ mấy đêm mới được nghe tiếng đàn của nàng đó.
-Quan lớn lại chê cười. -Khuôn miệng nhỏ lại hé, nhưng không biết là gì.
Cứ thế, những thanh âm ấy cứ lặp đi lặp lại cho đến khi khách vãn, đèn hạ. Vậy là kết thúc một đêm ở giáo phường.
***
Sáng, chốn kinh kì đêm qua rực rỡ ánh đèn, giáo phường đàn ca chìm vào im lặng. Tiếng người qua lại xì xồ chuyện của ngày, hình như quên đi cái thế giới rực rỡ của đêm.
Giáo phường mới tối qua còn đầy tiếng nói cười, sáng nay chỉ còn tiếng tập hát, tập đàn của mấy đứa vừa đến. Mấy cô đào tối qua đều nghỉ ngơi. Nàng Liên ngồi ngoài chõng tre đặt ngoài hiên, đưa tay vuốt mái tóc dài còn xõa của mình.
-Chị này, sao chị còn chưa ngủ.
Tiếng con bé theo hầu cầm đàn cho nàng Liên, con Xuân, vang lên.
-À, chị ngắm trời một chút. -Tiếng trả lời nhẹ nhàng như tiếng hát.- Em nói xem, chị Nhạn bây giờ sao rồi?
Con bé nghe đến tên Nhạn, bất ngờ giật mình.
-À, chị chỉ tiện hỏi thôi. Em ra tập hát đi.
Con bé lấm lét nhìn nàng rồi cũng đi ra ngoài. Hình như cái tên Nhạn chứa một điều cấm kị mà chẳng ai muốn nghe. Tự dưng đêm qua, vị khách nghe đàn nhắc đến, làm nàng đột nhiên nhớ về chị Nhạn. Nhạn là cô đào nổi tiếng một thời của giáo phường. Cô ấy làm lễ mở xiêm áo chắc cũng trước nàng mấy năm. Rồi thì nàng cũng làm lễ mở xiêm áo, cũng đi hát, nhưng không còn gặp lại cô Nhạn, người dạy nàng ngón đàn bi ai. Kí ức như giấy dó, quét bột sò, cứng chắc, nhưng cũng dẻo, màu phối lên thật sống động khiến cho có rất nhiều chuyện nàng Liên không thể quên.
Mải suy nghĩ, nàng không nghe trước cửa giáo phường, có tiếng người làm ồn.
-Kêu con ả đó ra, trốn trong đó bà không vào tìm được à? -Tiếng người hung hãn quát lớn.-Gọi ả đào Liên ra cho bà.
-Bẩm, bà lớn tìm nàng để làm gì?
Nghe tên mình, Liên khẽ cười, khoát thêm cái áo rồi bước ra ngoài. Ngày nào mà không có người tìm nàng kia chứ.
-Thưa, bà lớn tìm tôi? -Nàng khẻ cúi người, cười nhỏ nhẹ. Nhiều người nói, cái cười của nàng cũng hệt như tiếng đàn, thấy đó, nghe đó, mà không chắc có thật hay là không.
-A, còn dám vác mặt mày ra đây, chồng bà đêm qua nghe hát cả đêm không về. Bà đến kêu chúng mày trả chồng bà.
Có tiếng nhao nhao, anh Thắng cầm chầu bước ra nói:
-Bẩm bà, giờ Hợi chúng con tiễn hết khách, quan lớn sao còn ở đây được?
-Không nói nhiều. -Tiếng người quát lớn, rồi quay ra phía nàng Liên. Nàng cũng cười, ung dung đáp.
-Bẩm bà, quan lớn cả đêm không về, thật không liên quan, sao bà lại đến đây tìm?
-À, mày còn chối à, phường con hát như chúng mày, làm gì mà không được, không đến đây tìm thì còn chỗ nào à? -Tiếng người phụ nữ quát lên. Người trong giáo phường đều đưa mắt nhìn nhau, muốn nói phải quấy, nhưng thầy Ba, cũng là ông trùm lại đi vắng, chẳng ai dám đứng ra làm chủ. Nàng Liên, miệng vẫn cười.
-Chắc bà lầm, chúng tôi đúng là phường con hát, cũng chỉ là phường còn hát, ngoài gảy dăm ba khúc nhạc, hát vài điệu thì còn làm được gì, mong bà xét qua. Có khi giờ quan lớn chờ bà ở nhà đó, bà lại sang đây tìm, có phí không?
Anh Thắng đưa mắt nhìn Liên, ý cười hiện lên. Quả nhiên nàng Liên đúng là có cách nói với những kẻ vô lí như vầy.
-À, mày còn già lời à, phận thấp hèn như chúng mày mà còn trả treo à?
-Bẩm, bà nói chúng tôi thấp hèn, vậy mà bà còn đôi co với chúng tôi, không sợ làm bà lớn cũng thấp như chúng tôi à?
Tiếng cười từ mấy đứa nhỏ khẽ vang, bà lớn sẩm mặt định sấn tới, giương tay, như là sắp đánh người. Anh Thắng vội chạy đến, nhưng hình như là không kịp. Người ta chờ đợi cái bạt tay vào má nàng.
Im lặng.
Chẳng có âm thanh nào, thay vào đó là cảnh nàng Liên một tay chống, một tay giữa tay bà lớn lại. Thân hình mảnh mai của nàng với việc làm hiện tại khiến cho người ta khó mà liên tưởng được nó với nàng Liên ôm đàn hát khúc Đào, Liễu. Đôi bàn tay mềm mại lả lướt trên dây đàn, ai mà ngờ, nó đủ sức giữ tay người đến làm loạn.
-Chúng tôi gọi bà mấy tiếng bà lớn, nhưng bà cũng đâu làm loạn chỗ này được. Chúng tôi là giáo phường hát xướng, muốn tìm ông lớn, bà sang chỗ mấy ả đào rượu mà tìm. -Nàng Liên cứng giọng. Cái chất ngọt ngào trong giọng hát giờ lại nghe đanh lại.
"Bà lớn" không tin vào mắt mình, vào tai mình khi một con hát lại dám nói những lời như vậy. Mấy người theo hầu bà định chạy đến, nhưng bị người của giáo phường chặn lại.
-Bà về cho, thứ, tôi không tiễn được. Mong bà lớn nhớ cho, nơi này là phường hát.
-Đúng là xướng ca vô loài, làm gì, nói gì cũng được. Mày đừng tưởng tao bỏ qua.
Biết là mình đang thất thế, bà lớn mắng hươu mắng vượn vài câu rồi đi ra. Mọi người lại xúm xít quanh nàng. Nhưng nàng nói mệt mỏi, lui vào phòng nghỉ ngơi.
Tính ra từ ngày nàng làm con hát, cũng biết được thể nào chuyện của hôm nay cũng xảy ra. Nàng cũng ứng phó chuyện này mấy lần, nhưng lần nào nghe tiếng mắng chửi, nàng cũng nhói lòng. Đàn hay thì sao? Hát đẹp thì sao? Cuối cùng cũng chỉ là phường xướng ca vô loài. Con hát về đêm rực rỡ ánh đèn, người người tán dương. Nhưng hễ dừng hát, dừng đàn, lại là con người bình thường, lại chịu những nỗi đau, đơn giản mà thấm thía.
Có tiếng gõ cửa phòng. Nàng ngồi ngay ngắn, vuốt lại mái tóc dài. Cửa phòng hé mở, con Xuân đi vào. Thường giờ này, mấy đứa được nghỉ ngơi.
-Chị ơi, làm con hát xấu lắm hả chị?
Liên ngẩn người.
-Sao bà lớn lại quát mắng mình, mình có giữ ông lớn không cho về đâu.
Thì ra con bé đó vẫn nhớ chuyện ban nãy.
-Sao em lên Thăng Long học làm Đào Nương?
-Mẹ em nói, làm Đào Nương để có tiền cho em em ở nhà.- Con bé nói, nhưng nó nhanh chóng cụp mắt xuống. -Nhưng sao mọi người lại không thích?
-Em có cảm thấy xấu không?
-Không ạ, em chỉ hát, chỉ đàn chứ có làm gì ai đâu mà xấu hả chị? Con bé vội phân bua.
-Vậy, em còn nghĩ điều gì. Đào Nương xấu hay không là do Đào, chứ không phải do nghề. Bán tiếng đàn, buôn tiếng hát, chứ không phải phường trộm cướp. -Liên nói, nhưng nàng không biết con bé hiểu hết hay không, nhưng nàng vẫn cứ nói. Biết đâu, một ngày nào đó, con bé có thể hiểu được. -Nhớ, chỉ bán tiếng đàn, buôn tiếng hát thôi.
Nói rồi Liên xua tay, ý bảo con bé ra ngoài chơi với đám bạn đi, còn nàng lại mang đàn ra so dây.
Lại hết một ngày. Lại một đêm.
Đêm mùa hạ, gió từ bờ hồ mang hương sen đi vào trong. Nàng Liên mang cây đàn ra bờ hồ. Lại gảy những thanh âm cô độc.
Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư,
Giác lai vạn sự tổng thành hư. [3]
Có đôi lúc, nàng nghĩ, đời đào nương cũng như tiếng đàn, vừa vang lên thì người người lắng nghe, nhưng càng nghe, nó càng nhỏ dần rồi mất hút. Ai mà có thể đàn để những âm thanh ấy không bao giờ chấm dứt kia chứ? Mà nếu có, khi người ta lìa khỏi thế gian này, âm thanh đó cũng tự nhiên mà lặng im. Nàng nhớ, mẹ nàng từng nói, hát cửa quyền mới mong nở mày. Nàng cũng gắng như vậy, nhưng thời cuộc tàn phai, đêm hát chốn giáo phường cũng là một nỗi sầu bi.
Lắng nghe thanh âm mùa hạ, tiếng nước, tiếng lá sen liu xiu trong gió, chợt có tiếng người vang lên:
Tiếng bổng trầm to nhỏ miên man
Khoan như gió lướt thông ngàn
Trong như tiếng hạc lạc đàn kêu sương
Lời tuy có ý khen, nhưng nàng nghe ra, tiếng khen ấy nghe cũng buồn, tựa như người đi đường cũng mang tâm sự. Người đi đường ấy đột xuất hiện trước mắt khiến nàng mấy phần không ưng ý.
-Bẩm, ông lớn chê cười. -Nàng nhàn nhạt đáp.
-Thưa, tôi không phải là ông lớn, chỉ là nghe tiếng đàn nên ghé xem.
Nàng bâng quơ nhìn người đó, lại nhìn bờ hồ, không để ý đến.
-Quả là tiếng đàn đầy nỗi tâm sự.
Nàng cũng không đáp lời. Từ xưa đến nay, tiếng đàn mang tâm tư người ta đâu phải là chuyện gì xa lạ, người này nói như vây cũng như không nói.
-Tiếng, nghe cô độc, mà não nề. Chẳng hay sao cô lại cảm thương chuyện của mấy chục năm nữa? Âm thanh có tàn phai thì cũng là chốc nữa.
Nàng giật mình, cảm giác lạ lùng khi có người nhìn ra tâm tư của mình. Vội mang đàn, nàng quay về giáo phường mà không ngoái nhìn người lạ. Gió từ hồ mang hương sen quấn quýt tóc nàng, còn nàng mải miết đi. Đêm nay, quan lớn chọn người hát cửa quyền.
***
Khi tiếng đàn vừa dứt, quan lớn cười vui vẻ. Người ta nói, nàng tất sẽ đi.
-Bàn tay này khéo sinh, đàn được tiếng như tiên nữ dạo cầm.
Nàng mỉm cười, mời quan lớn chén rượu. Vậy là nàng có thể nói với mẹ về những ngày đã qua.
Mấy đêm nay, nàng thường xuất hiện đàn ca nhiều hơn, như để cho danh tiếng nàng Đào sắp hát cửa quyền được nhiều người biết hơn. Tiếng đàn cứ quất quýt mà nàng không hề hay biết, có người lắng nghe nơi góc phòng. Đêm này qua đêm khác, dường như y chỉ lắng nghe tiếng đàn chứ chẳng nói gì, hình như là tìm người tri âm. Còn nàng đào vẫn ở phía xa đàn những khúc bi ai.
Thấm thoát nàng cũng nhận được mấy dòng của người lạ. Đó là vị trẻ tuổi, hình như mến tài âm luật mà mấy lần mời nàng uống rượu, nàng cũng chỉ gặp như lệ.
Lần thứ hai gặp lại một cách tình cờ, cũng bên bờ hồ, nhưng giờ đã qua mùa thu, hoa sen đã cạn đi rồi. Nàng vẫn ôm đàn, chơi mấy khúc nhạc. Hình như, có cái gì quen thuộc lắm.
-Sen này, sao em thích làm đào lệch[2d].
Những từ ấy như gợi về một trang giấy dó vàng màu vỏ sò, về những ngày còn ở làng. Trong tâm trí nàng, hình như màn sương mù dần tan.
-Thưa, cậu Lý, em nhận không ra đấy ạ.
-Ta cũng chút nữa không nhận ra em. Em lớn lên rất nhiều, lại đàn hay.
Cố nhân, đó là khi gặp lại, người ta quên hết những hiện tại, mà quay mình trong quá khứ. Có lẽ, cậu ấy đúng là cố nhân của nàng, mấy lời thuở nhỏ cũng hiện ra. Đào Nương, thì cũng có lúc gặp cố nhân.
Cứ như thế, nàng đào chốn giáo phường bắt đầu thôi đàn mấy khúc bi ai.
***
Một ngày mùa xuân, nàng được đàn cho thánh giá nghe. Người hết lời khen ngợi, có lẽ, nàng sắp được vào đội nhạc nữ trong cung. Nhưng lúc này, nàng lại sợ phải chia xa với những mảnh kí ức vừa tìm thấy.
-Năm đó, ta có về làng tìm em, nhưng mẹ em nói, em lên Long Thành rồi. Ta chỉ sợ, tìm không ra em. Hắn nói mấy lời này khi rót chén rượu ra. Khuôn miệng nàng hé cười.-May mà tiếng đàn của em níu chân ta, nếu không, chỉ e cả đời này không gặp lại em.
-Cậu Lý quá lời, em nghĩ, có khi, chàng lại tìm được nàng đào nào xinh đẹp.
Hắn chỉ cười. Quả thật, hắn đã không dối nàng, hắn lắng nghe tiếng đàn mà tìm thấy nàng, giả mà đó chẳng phải là nàng, có lẽ, hắn cũng đã không nghe nhiều lần như vậy. Cho dù là tri âm, nhưng cũng không thể làm tri kỉ.
-Liên này, qua năm, ta về làm quan, nàng theo ta nhé?
Tiếng tình tang lại vang lên, nàng Liên không đáp lời hắn, chỉ gảy một khúc nhạc mà thôi.
Khúc Phụng Cầu Hoàng."
Sau đó thì sao?
Ta bật cười khi vị khách già hỏi ta câu ấy. Sau đó, làm gì có sau đó kia chứ. Nhưng ta cũng không nói cho vị khách nhân nghe lời ấy. Chỉ gảy nhưng thanh âm bi ai như những ngày xưa.
Sau đó nàng Liên chẳng những hát cửa quyền, long nhan vô cùng vui vẻ, còn ngự nàng vào đội nhạc nữ.
Ta hỏi nàng Liên và cậu Lý kìa.
Ta ngẩn ra hồi lâu, quả thật họ làm gì có sau đó kia chứ. Không biết do thời, hay do thế, mà họ đã biệt ly.
Muộn rồi, khách nhân cứ thong thả về, mai ta lại kể tiếp.
Ta làm ra vẻ thu chiếu, ôm cây đàn vào người, lững thững đi. Ta chẳng biết người khách già ấy có nhìn theo cái dáng lưng của ta đi về phía xa hay không, cũng chẳng biết ngày hôm sau, khách nhân ấy có còn ghé lại mà nghe tiếp câu chuyện xưa cũ của một ả đào mà chốn kinh kì này không thiếu hay không, nhưng quả thật, hôm nay ta chỉ có thể kể bấy nhiêu. Tuổi già chưa hẳn xóa đi của ta những phần kí ức dù có lúc ta thấy nó mịt mờ, nhưng thời gian thật sự đã làm ta mệt mỏi. Một vòng xoay về quá khứ, một vòng xoay của thời gian, một thời lại hiện ra.
Ta vẫn thấy, ánh tà dương vừa đi mất.
Ngày, lại tàn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro