Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

~~~~~~~~~~~~~~~~~~

  1. Tôi không quên bạn ấy.

Tôi đã không nghĩ về bạn ấy dù một lần, suốt năm năm liền.

Nhiêu đấy thời gian, nghe vậy, chứ rất dài. Đủ để tôi không còn hình dung được giọng nói thiếu niên của mình, chưa vỡ, chưa hạ tông. Đủ để mấy chục chữ ký mực xanh trên áo sơ mi trắng một hôm vô tình xem lại thấy đã phai hết. Đủ để thản nhiên dùng mấy trạng ngữ thời gian: hồi đó, bây giờ. Lâu như vậy, mà tôi chưa bao giờ nhớ đến bạn ấy, một giây cũng chưa.

Song tôi sẽ nổi giận ngay, nếu có ai cho rằng tôi quên bạn ấy.

Tôi học cùng bạn ấy từ mẫu giáo đến lớp Chín. Sau đó, tôi một mình rời thị trấn tuổi thơ, học cấp Ba trong một trường chuyên ở thành phố nhỏ, rồi vào đại học ở thành phố lớn, không gặp bạn ấy nữa. Một vài lần hiếm hoi họp bạn cấp Hai, bạn ấy không đến, vắng mặt cả trong những câu chuyện cũ được kể lại vui vẻ. Kì lạ vô cùng. Có phải tại mờ nhạt đâu, bạn ấy rất nổi bật là khác. Riêng với tôi, thậm chí có thể thẳng thừng, nếu bạn ấy bị lãng quên thì không ai đáng nhớ hết.

Mà tôi nói rồi, tôi có quên bạn ấy đâu.

2. Giọng bạn ấy hồi đó thanh, trong, cao vút. Bạn lại còn thông minh nữa, thuộc lời nhanh, nhỏ xíu đã cảm âm và nhịp rất chuẩn. Mỗi lần văn nghệ trường, bạn như ngôi sao nhỏ, thay hết váy này đến váy khác, góp mặt trong rất nhiều tiết mục. Bây giờ giọng bạn dày, tối, rung sâu, chới với, nghe rất bất ngờ.

Đêm mùa xuân, quán cà phê kín khách. Tôi giấu mình trong góc khuất xem bạn ấy diễn từ đầu. Hát liên tục bốn bài, rồi bạn ấy bước khỏi chiếc ghế cao, trao micro cho một người khác, thì thầm một chút với quản lí hay chủ quán gì đó. Mọi thứ diễn ra rất nhanh. Bạn ấy bước thẳng về tôi.

"Đi thôi, Minh."

Giật mình, cứ tưởng tàng hình thành công chứ. Tôi lúng túng xếp nhanh đồ đạc vào cặp da rồi vô thức đi theo bạn ấy.

"Mày có đi xe máy không?"

"Không. Tao đi buýt."

"Không biết chạy xe máy?"

"Biết. Chưa có bằng lái thôi."

"Đến lớp 9 mày mới biết đi xe đạp, haha..."

"Tại nhà gần trường thôi, chẳng có nhu cầu. Tao quên thi bằng lái hoài. Nhưng mà giờ di chuyển bằng buýt cũng không vấn đề gì."

"Tao chở. Chống chân tiếp nhá. Không tưởng tượng được là giờ mày bự như voi thế này"

Lớp Bốn, tôi nằm trong đội trống nghi thức năm đứa, là thằng con trai duy nhất. Ở tuổi đó, con gái thường lớn trội hơn con trai. Thấy tôi còm nhom, sau một tuần tôi vác trống cái khổ sở quá, bạn ấy xin thầy Tổng phụ trách đổi vị trí. Giờ mói để ý, để tránh làm tôi mất mặt nam (thiếu) nhi, bạn ấy nói lí do là có thể giữ nhịp cho cả nhóm tốt hơn tôi. Hết lớp Chín, tôi chỉ cao thêm chứ vẫn còm nhom.

"Giờ đi đâu đây mày?"

"Đi siêu thị, mua gì đó về nhà tao nấu ha. Tao hỏi, anh phục vụ nói mày ngồi đọc sách từ chiều và không gọi thức ăn. Tao cũng đói thấy mồ."

Tôi đẩy xe hàng, bạn ấy dẫn đường nhanh chóng đến những khu thực phẩm cần thiết.

Xếp hàng chờ thanh toán khá lâu, bạn ấy cởi giày cao gót cầm trên tay, để chân trần nhún nhảy nhè nhẹ, linh hoạt, không yên được.

"Tại sao thấy tao từ đầu mà không hú không réo gì hết?"

"Mười phút sau khi nhìn thấy, tao chắc đó là mày. Rồi mày hát, lạ quá, cần mười phút nữa để lại chắc. Thêm mấy phút chuẩn bị tinh thần. Mày đã gọi trước."

"Tao xin anh chủ quán về sớm, nói dóc em trai đến tìm có việc gấp, hehe."

"Không vui."

"Đúng mà. Mày to xác chứ chả dám làm gì, toàn chờ tao. Mà sao tìm được đấy?"

"Nghe đồn quán nào có nhạc hay là tao thử đi hết. Rồi tình cờ."

"Không vui."

Bạn ấy nói nhỏ, cười cười.

3. Ở thị trấn, nhà bạn ấy nằm sâu giữa một khu ven sông phức tạp nhất nhì. Bây giờ bạn lại ở một nơi phức tạp nhất nhì thành phố. Quận 4, gõ nhiêu thôi Google sẽ lập tức gợi ý thêm hai từ "giang hồ" phía sau. Nghĩ đến giang hồ, ai cũng mường tượng tội ác, bóng tối ngang tàng, sự nguy hiểm. Tôi không ngoại lệ, song ngoài ra, còn nghe thấy gì đó tự do, phóng khoáng, bát ngát. Tôi từng nghe một người già tặc lưỡi, nói thấy vậy chứ giờ quận Tư còn nhiều Sài Gòn nhất đó con, không biết đúng không. Bạn ấy nói hàng xóm chung cư nhiều người trông đáng sợ nhưng họ không gây hấn với tất cả. Tôi không nói ra, rằng không tin lắm, vẫn cần cảnh giác. Bạn ấy bảo họ thích chiều chiều bắc ghế ngồi hành lang nghe bạn ấy hát. Họ không biết đến The Beatles, nhạc Trịnh thì chê hát gì nghe mệt. Họ chỉ thích bolero, bạn ấy hát được hết, ai cũng khen hay.

Bạn ấy ở căn hộ tầng 4, nhỏ nhất, giá thuê rẻ nhất chung cư. Phòng khách ban ngày nhiều ánh sáng, có cái bàn gỗ rất thấp để ngồi bệt, một kệ CD và hai thùng loa treo cao. Bếp gọn gàng, tách biệt. Nhà không có giường. Sàn phủ kín chiếu lát, một màu trắng ngà, "Để lăn ra đâu cũng ngủ được, sàn gạch trơn lạnh lưng, ghét lắm". Thích nhất là vài ba mét vuông gần cửa sổ không làm gì, chỉ xếp đầy những chậu cây nhỏ, loài không hoa, bạn nói thích nhìn màu lá xanh thôi.

"Nhiều cây quá, tối ngủ ngợp chết."

"Như có ai hít thở với mình, bớt trống vắng mày ơi."

Căn hộ nhỏ này bước vào một lần cũng chắc chắn nghiện, song phải thử. Sau này tôi đã bỏ rất nhiều buổi học, từ chối rất nhiều cuộc hẹn, để được đến nằm buông trên lớp chiếu mỏng, quay mặt về phía những chậu cây.

Tôi thích đến vào nửa cuối ngày. Quần áo phơi dọc hành lang đủ màu sắc đã khô rang, thơm nắng.

Bạn ấy chuẩn bị đi hát, có khi một đêm vài chỗ. Tôi không đến quán thêm lần nào, ở nhà lục lọi mở CD âm lượng vừa, đọc sách hoặc viết lách một ít, giải quyết công việc cộng tác nhật báo qua mail, xem phim, lên mạng tìm công thức rồi ra chợ mua nguyên liệu về nấu. Chờ bạn ấy về, chùi hết son và mascara để trở lại quen thuộc, ăn cùng, rồi hát thủ thỉ cho tôi nghe mình ên.

Rất khuya, bạn rủa láp giáp sao không thi bằng lái đi ba. .

"Không. Thích ngồi đằng sau mày hơn, tóc bay vô mặt, thơm thơm."

"Khùng."

Chửi chứ cũng chở tôi về ký túc xá.

4. Hồi đó, người ta nói bạn ấy hư hỏng. Tôi thấy hư thôi, không hỏng. Vì bạn ấy thẳng thắn, buồn cười, hát hay, bàn tay rất mềm. Người ta nói mẹ bạn cũng chẳng đứng đắn đàng hoàng gì, con cái vậy là phải. Chuyện đó tôi không ý kiến, chỉ thấy dì nấu ăn ngon.

Hồi đó, tôi rất ngoan, học rất giỏi, làm lớp trưởng suốt cho tới tận lớp Chín. Mọi người phải thương những đứa học giỏi, những đứa ngoan, bọn chúng khổ lắm. Thật đấy, tôi bây giờ rất thương tôi hồi đó. Suốt ngày vùi đầu vào sách vở, một lời phê bình nhỏ xíu của thầy cô cũng khiến phát run, điểm 6 điểm 7 mà còn buồn cả ngày. Tôi không nói như vậy là xấu, chỉ cực quá, đến tội nghiệp.

Bạn ấy thì bùng học triền miên, nhuộm tóc xanh đỏ, chửi thề đơn giản như cười, nhiều lần vô lễ với giáo viên, điểm hạnh kiểm tệ đến mức đôi ba lần nhém bị đuổi học.

Những lúc tôi bù đầu với bài tập Toán trên lớp, bạn ấy đi đánh nhau. Những lúc còn lại, nếu có đến trường, bạn ấy dính lấy tôi.

"Mày trắng bóc, mảnh khảnh, nhỏ nhẹ. Coi như tao giả bộ làm bồ mày cho, để người ta không tưởng mày gay."

"Không cần."

"Hay gay thiệt đó ba?"

"Điên."

Tôi luôn được ngồi bàn cuối để dễ dàng quan sát tình hình lớp. Bạn ấy ngồi ngay phía trên, quay xuống léo nhéo miết, nói ba sàm, giỡn hớt tào lao. Tôi ghét lắm, không quan tâm bạn ấy nghĩ gì, chỉ bực mình vì dòng suy nghĩ của mình thường xuyên bị cắt đứt, có mấy bài tập làm mãi chẳng xong. Tôi thường kêu, bình thản hoặc lớn tiếng, dẹp mấy trò nhảm nhí đó đi. Mà bạn ấy cứng đầu, ngang ngạnh, đâu chịu nghe. Đến nỗi một giờ ra chơi nào đó của lớp Bảy, bực quá, tôi ném cả ổ bánh mì đang ăn dở vào mặt bạn, thịt xốt rau bắn tung tóe. Bạn ấy không đáp trả gì, tự tiện giở cặp tôi lấy khăn tay, lau mặt, lau bàn và lau tường xong vứt luôn vào sọt rác. Hôm sau, bạn ấy mua một ổ bánh mì đưa tôi, nói "Đền!" cụt lủn. Tôi bẻ đôi, hai đứa ăn.

Người ta không thấy giữa đôi bạn thân có gì khác. Chỉ có bạn ấy không quay xuống nhiều nữa, không giả vờ nắm tay, câu cổ tôi, rồi cười khanh khách.

5. Ai đó rủ bạn ấy bay ra phương Bắc, hát ở vài nơi xa. Bạn ấy giao chìa khóa kêu tôi qua trông nhà giùm, tưới nước mấy chậu cây.

Buổi trưa tôi khóa cửa nằm ngủ. Rồi bị đánh thức vì ai đó nắm đầu lôi dậy. Tôi nghĩ là cướp nên chỉ cố gắng ghi nhớ nhận dạng. Một gã trai, có vẻ lớn tuổi hơn tôi, mũi cao kì dị, râu quai nón, da sậm màu, đeo kính, sơ mi kẻ, cặp da cũ,... Hắn ta đấm vào mặt tôi một cú rồi thả tôi rơi phịch xuống sàn nhà. Tôi choáng váng, vẫn nhìn thấy rõ hắn tiến đến lấy cây guitar dựng cạnh cửa sổ rồi bỏ đi.

Vài phút sau, chị hàng xóm, chắc là chứng kiến được mọi chuyện, chạy vào nhà hỏi tôi có sao không. Lúc đó, tôi chợt biết hắn không phải cướp.

Hắn có chìa khóa nhà, nó vẫn còn cắm vào ổ trên cửa. Cũng chả ai đột nhập vào nhà chỉ để cướp một cây guitar cả.

Gặp nhau không bao giờ chúng tôi hỏi điều gì về năm năm đã qua của người kia. Bạn ấy không biết, tôi đã chán nản học hành vào năm Mười hai, may (hay rủi?) mà đậu đại một trường đại học, bây giờ đang muốn bỏ dở giữa chừng để theo đuổi một thứ khác luôn yêu thích - chắc chắn bạn ấy biết đó là gì. Tôi thì không biết bạn ấy có đi học trở lại không, bạn ấy ở Sài Gòn từ bao giờ, đi hát lâu chưa, có làm gì khác nữa không...

Tôi không biết gì cả.

"Bữa giờ chị đâu có dám nói, mắc công mày chửi nhiều chuyện, phá đám. Thằng đó là bồ con Vân. Nó ở trong ban nhạc gì đó tao quên rồi, nghe kể là đi hát tùm lum chỗ, lâu lâu mới về Sài Gòn một lần ghé qua thăm con nhỏ này. Tụi nó ít gặp nhưng thấy xứng đôi, yêu nhau dữ lắm. Mà chị đâu có biết con Vân nó tệ như vậy. Coi như xui, em đừng có dính vô nó nữa."

"Không phải đâu chị. Tụi em là bạn thân, từ nhỏ tới lớn."

"Ủa, vậy hả. Ai mà biết đâu à. Rồi, xong, chắc thằng đó nó cũng hiểu lầm..."

Chị còn nói gì nữa, tôi không nghe rõ. Cú đấm ban nãy giờ mới thấm đau, ê ẩm. Tai ù đi. Nước mắt chảy ra.

6. Ngày thứ mười sáu sau khi bị đánh, bảo vệ ký túc xá lên phòng gọi tôi, bảo có người tìm, đang chờ ở cổng.

"Ôi trời, còn bầm tím vậy á hả? Thôi, coi như hắn thay tao, trả thù mày vụ cái ổ bánh mì, ha."

"Nhớ dai ghê"

"Miếng ớt văng gần mắt, cay muốn chết."

Tôi không thể giấu giếm niềm vui khi được đi dọc hành lang với những dây phơi rực rỡ sắc màu, bọn con nít chen lấn chạy giỡn rầm rầm, cười réo rắt. Tôi đã nhớ căn nhà nhỏ ấy vô cùng.

"Dù sao mày cũng nên làm tròn nhiệm vụ đến lúc tao về chứ, không tới để mấy em cây khát khô."

"Sao biết số phòng tao ở?"

"Mấy cái bao thư ai gửi, mày xé coi rồi bỏ còn nguyên trong sọt rác kìa, địa chỉ đầy đủ trên đó."

"Tối nay có đi hát không?"

"Hát thôi, không đi."

Tôi khoanh tay làm gối, nằm xuống mặt chiếu nhắm mắt vô tư.

"Chuyện tụi bây không sao chứ? Có cần tao gặp thằng đó không?"

"Tao cho hắn coi hình tao với mày chụp chung hồi cấp Một, nói hồi đó nó từng mê bồ tui đó ba, không thấy trắng bóc hả.

Haha.

Hắn thừa biết tao giỡn, hắn không tin mày gay đâu, nhưng hắn tin tao. Mai hắn về Sài Gòn luôn rồi, không đi nhiều nữa, nói sẽ qua thăm tao mỗi ngày."

Bạn ấy hát vài bài rồi đưa tôi về. Trước khi tôi vào ký túc xá, bạn ấy dặn nhỏ.

"Không sao đâu. Mày cứ đến chơi như mọi lần nghe."

7. Lớp Chín. Nhà trường cấm rượu bia trong phạm vi diễn ra hội trại mùa Xuân. Bạn ấy cố tình giấu mấy lon trong cặp đem vào, bị phát hiện. Mấy tiết mục văn nghệ của bạn ấy bị cắt hết. Nhà trường xem xét nhanh, quyết định chính thức đuổi học. Tôi về nhà lấy ít đồ nên biết tin muộn. Càng cấm càng làm tới, tôi quá hiểu cái tính bốc đồng của bạn ấy. Hỏi mà không ai biết bạn ấy đâu. Tiếng nhạc xập xình và âm thanh đám đông ồn ã bủa vây ngột ngạt. Tôi chạy khắp nơi tìm, mồ hôi chảy ròng trên mặt.

"Minh, ở đây."

Vẫn là bạn ấy lên tiếng trước.

Giữa hai dãy phòng học là một khoảng cách nhỏ, đủ ngồi ngang dựa lưng vào một bên tường, duỗi thẳng chân. Bạn ấy ở đó, ngửa cổ nhìn góc trời hẹp đóng khung bởi hai dãy nhà, luồn tay vuốt tóc dài.

"Tìm tao chi?"

"Vào đi, tao xin được thầy cô cho mày hát rồi."

"Trời ơi! Điên hả! Không ai ưa tao đâu. Lớp vì tao mà thi đua be bét. Mấy đứa từng bị tao kiếm chuyện ăn hiếp chơi, giờ được hả hê rồi. Lên hát cho bị chọi dép hả, dù tao biết tao hát hay nhất cái trường này.

Mày nữa, năn nỉ chi, đừng khiến thầy cô bớt tin tưởng quý mến mày chỉ vì tao. Đó giờ tao quấy rối mày quá trời nhiều..."

"Mày điên thì có. Và, kệ. Đây là lần cuối mày có dịp hát ở trường đó. Nhanh lên."

"Ở đây thì đừng nhắc chuyện đó nữa, không thì biến đi."

"Vân."

"Không."

"Tao muốn nghe mày hát thêm một lần."

"Được thôi. Ngồi xuống đây."

Chịu thua.

Tôi ngồi dựa vào bức tường đối diện bạn ấy.

Bạn hát nhỏ thôi, cũng làm tiếng ồn như biến mất.

Dưới hàng cây, anh ngước nhìn về phía em.

Nhớ da diết...

Mỗi lần bạn ấy ngồi bó gối trên sàn cạnh tôi, bắt đầu hát thật nhỏ, tôi như ở giữa một cơn rung chấn. Mà không. Giống nhất là một cơn lốc xoáy mịt mùng, mạnh khủng khiếp, chạy qua với vận tốc nhanh không nhìn kịp. Một lát, rồi mọi thứ cũng yên lắng trở lại. Tôi mở mắt và thấy mình đã bị cuốn đến nơi nào đó không xác định, mơ hồ bồng bềnh trong cảm giác êm đềm muốn khóc, y như khoảnh khắc cũ đó.

Khi cơn lốc ấy bắt cóc tôi đi lần đầu, tôi thấy hàng trăm khuôn mặt lạ từng gặp rồi thành quen suốt năm năm qua, hàng ngàn giây phút buồn vui, những cái nắm tay và nụ hôn chóng vánh..., tất cả nhòe đi. Chỉ một gương mặt là rõ nét. Chỉ một tiếng hát âm vang. Chỉ có bạn ấy.

"Tao yêu mày."

Bạn ấy lặng đi một lúc, đặt chén cơm và đũa xuống bàn.

"Tao cũng yêu mày."

Bạn ấy nằm ngã ra sàn nhà, cười rũ rượi.

Lúc ấy là ba ngày trước khi bạn ấy ra Bắc, tôi đã không nói gì cả, không nói rằng tôi không đùa.

Suốt mười lăm ngày sau khi bị đánh, tôi không đến nhà bạn ấy, tắt luôn điện thoại. Tôi lên giảng đường đầy đủ, làm bài tập cẩn thận. Tôi phơi nắng ngoài đường, lấy tin và viết liên tục. Tôi mua mấy chậu cây đem về đặt đầu giường. Tôi vùi đầu vào đọc sách, đun nước sôi ăn mì gói qua bữa, rồi cố gắng ngủ. Lúc mơ màng thức dậy, bao giờ cuộc trò chuyện chỉ có hai câu đó cũng vang lên rồi lặp lại mãi, như âm vọng vách núi. Tôi hiểu rằng, bạn ấy thừa biết tôi không đùa. Nghĩ tới đó, tôi bất chợt cũng cười rũ rượi, vết thương trên má co giật, lại đau nhói.

Ngày thứ mười sáu, tôi đã đến nhà bạn ấy lần cuối cùng. Nhưng chắc chắn về sau tôi vẫn sẽ không quên bạn ấy.

Không quên được.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro