Chương 1: Gặp gỡ
Thời tiết oi bức của mùa hè kết thúc bằng một cơn mưa rả rích đầu thu. Bầu trời xám xịt, gió thổi đìu hiu. Trên đường phố lất phất những chiếc lá bằng lăng, rơi rụng trên những tàng cây, bay tứ tung trong không khí.
Trên mặt đường nhầy nhụa những vũng sình và đất cát, một chiếc xe đạp đang từ từ di chuyển từ đường lớn, luồn lách qua các ngõ nhỏ phía nhà dân. Cũ và hỏng hóc. Có vẻ chiếc xe này đã có tuổi đời khá lâu rồi, hai chục năm là ít. Những vết gỉ sắt chi chít trải dài trên khung sườn xe đến cụm yên xe và tay lái, bàn đạp cũng không ngoại lệ, nhìn không ra hình thù gì. Xe vừa di chuyển, vừa phát ra tiếng lạch cạch, cút kít đều đều với nhịp độ đạp của người lái.
Trong một ngách nhỏ của thôn Tây Hà, dưới một mái hiên rộng có treo những dải lồng đèn lớn, dăm bảy người phụ nữ đang ngồi quây bên chiếc sập gỗ tám chuyện. Từ những cô gái trẻ mới về nhà chồng đến những người đàn bà trung niên độ tứ tuần, số ít là ngũ tuần. Ai cũng khoác lên mình một vẻ ung dung, nhàn nhã.
Đợt này thì những người phụ nữ trong gia đình bắt đầu rỗi rãi hẳn, vì còn chưa đến thời điểm gặt lúa, hái sen. Họ ngồi tám không biết bao lâu, chẳng thấy lo lắng gì về chuyện ăn, bận của cả gia đình. Chuyện tốt có, chuyện xấu có, chuyện đông chuyện tây, không chuyện gì là họ không bàn.
"Này, mấy bà có biết cái cô con gái lớn nhà ông trưởng thôn đang yêu đương với ai không? Là cậu cả con nhà ông thầy thuốc bên thôn Đông đấy." Câu chuyện của một bà tứ tuần mang mái tóc hoa râm tên là Tây Hiếu.
"Ui, thế làm sao mà hợp lẽ được nhỉ?" Một bà khác cao lều nghều tên Tây Hoa hỏi lại.
"Đúng rồi, đúng rồi." Mấy bà còn lại đồng thanh.
Bà mang tóc hoa râm lại tiếp tục: "Kể ra trước đấy tôi có nghe phong thanh là cô này yêu đương với cậu con thứ nhà ông sĩ quan trên phố huyện, họ hàng xa với nhà ông Trịnh ấy, tưởng thế nào cơ, hóa ra cũng chỉ là đồn đoán."
"Ái dà, sao nghe li kì thế nhỉ?"
"Nói chung là cô này có tính đào hoa, hồi còn bé ông trưởng thôn từng có lần xem quẻ thì thầy phán vậy, nên chắc là cũng yêu đương dăm ba bữa rồi lại thôi."
"Ôi, thế cơ đấy?"
Trấn này được gọi là trấn Vân, nằm giữa một vùng sông nước hữu tình, lưng dựa vào những dãy núi điệp trùng trải dài qua các tỉnh. Thôn Đông mà mấy bà vừa nhắc tới là thôn Đông Hà, nằm ở phía đón ánh mặt trời sớm nhất trong cả bốn thôn của trấn. Hai thôn còn lại là Nam Hà và Bắc Hà, nằm kề cận đối diện với thôn Tây và thôn Đông. Nằm giữa bốn thôn, và được cho là vùng giao thương của trấn, phố Vân Hà, gọi tắt là phố Vân, người ở các thôn thì quen gọi là phố huyện.
Nơi đây có cái tục, được gọi là 'lấy nhau cả - thứ'. Đó là, những đứa con lớn trong gia đình sẽ phải lấy những đứa con thứ trong gia đình khác về, bất kể nam nữ. Đứa con được sinh ra sẽ mang họ của cả thôn, hẳn là thôn Tây sẽ lấy họ Tây, 3 thôn còn lại đều có cái tục như vậy. Ngày trước cả trấn đều theo tục này, không riêng gì 4 thôn mà cả phố Vân cũng vậy, nhưng từ lúc phố huyện bắt đầu mở rộng giao thương, cũng là lúc mà dân tứ xứ bắt đầu đổ xô đến làm ăn, sinh sống, thế nên ở đây lại có nhiều hộ gia đình có cái họ rất lạ.
Còn nhà ông Trịnh theo lời các bà nói chính là dân xứ khác đến lập cư ở đất này. Nhà ông ấy có hai cô con gái, cô cả năm nay vừa tròn 15, cô còn lại mới 12. Gia đình thuộc kiểu nền nếp, lễ giáo, ông Trịnh còn là đồng niên, đồng môn với nhiều bậc sĩ lâm ở trấn Vân.
Lúc này, giữa không khí nói chuyện rôm rả của những người nông phụ, bỗng đâu xuất hiện một cậu thiếu niên đạp con xe cút kít đi vào từ đầu ngõ, tiến về phía các bà. Cậu này mang gương mặt thư sinh điển hình, vóc người cao ráo trắng trẻo, tóc tai, ăn vận gọn gàng, dáng bộ thong dong. Gương mặt tuy trông khá non nớt nhưng lại mang vẻ sương gió trải đời đến lạ. Nghĩa là, trong cái vẻ niềm nở cậu mang lại thì người ta vẫn có thể cảm nhận được cái thổn thức trong tâm hồn cậu, cậu mang một vẻ mang mác u sầu.
Ban đầu, họ chưa chú ý đến chàng trai. Câu chuyện vẫn đang tiếp diễn ở việc cậu con trai bà giáo Tây Liên sang năm chuẩn bị lên trường tỉnh học. Cậu này trông thì hơi khờ khạo nhưng giỏi thì đố chàng trai nào trong cả bốn thôn giỏi bằng. Vài bà cảm thán rằng, ước gì đứa con gái thứ nhà mình làm thân rồi lọt vào mắt cậu bà Tây Liên nọ, nhưng khổ nỗi là tâm hồn thiếu nữ thì lại yêu thích cái đẹp, vừa đẹp vừa giỏi lại càng thích, mấy bà thì cũng thế thôi cơ mà miệng muốn cảm thán thì vẫn phải để nó cảm thán. Cậu bà Tây Liên lại không tính là đẹp, khù khờ lắm, lấy về nhỡ mà thương sách hơn thương vợ thì khổ.
Chiếc xe cút kít đến càng lúc một gần, thiếu niên nọ vô tình nghe được câu chuyện kia của mấy người đàn bà, cậu hơi chần chừ. Mãi sau, có một cô ngoài 30 nghe thấy tiếng động lạ, quay ra nhìn thì mấy bà còn lại cũng ngoái lại xem. Thấy cậu trai, những người nông phụ đang hăng say bỗng im bặt. Phụ nữ nông thôn không nề hà gì cả, ánh mắt đều đổ dồn vào cậu thiếu niên khôi ngô trước mặt.
Giữa những ánh nhìn chòng chọc của những người phụ nữ trung niên rỗi rãi này, cậu trai ấy vậy mà đỏ mặt, như không biết phải phản ứng như nào nên cứ đứng trơ ra đấy, cúi đầu xuống nhìn lấy đôi tay đang nắm chặt vào phần tay lái.
Thấy vẻ hoảng loạn toát ra từ cậu trai, người phụ nữ trẻ nhất trong đám tinh ý đứng dậy, nói chen vào, đánh vỡ bầu không khí đơn phương xấu hổ này.
"Có việc gì không chàng trai? Cậu đến tìm ai à?"
Cậu trai ngước mắt nhìn lên người phụ nữ kia, bẽn lẽn trả lời: "Vâng, em đến tìm ông Tây Khánh để giao hạt giống khoai lang cho vụ đông. Ừm... em vừa đến nhà ông thì thấy nhà không có ai cả. Có một bác nhà kế bên bảo em ra mái hiên đình thôn, hỏi thăm bà Tây Khánh, bà thường ở chỗ này."
Mấy người đàn bà đồng loạt quay qua nhìn một người gò má cao, mặt chi chít tàn nhang. Bà này đứng lên, ra hiệu cho chàng trai. Cậu chàng đi đến, cầm một bọc nhỏ được gói bằng vải cũ đưa cho bà mặt đầy tàn nhang này, miệng ngập ngừng nói: "10 đồng thưa bác."
Bà Tây Khánh rút túi tiền treo bên hông, móc ra chục đồng tiền, đếm đếm vài lượt rồi chìa tay đưa cậu: "Đây, của cháu. Vất vả cho cháu rồi. Đếm lại xem có thiếu không đã!?"
Cậu thiếu niên nhận lấy và chỉ gật đầu, không quên cảm ơn người đàn bà, đồng thời chào những người còn lại rồi chầm chậm quay đầu xe, từ từ dắt ra đầu ngõ.
Cậu trai rời đi.
Sau khi bóng của thiếu niên biến mất ở đầu hẻm, một bà mập với mái đầu quăn tên là Tây Vĩnh lên tiếng hỏi: "Cậu này là ai thế? Chắc không phải trong thôn mình đúng không? Tôi chưa thấy bao giờ."
Một bà thân hình đầy đặn, da dẻ mỡ màng tên là Tây Hiền đáp lời ngay tức khắc: "Cậu chàng họ Hân, tên độc mỗi chữ Vũ, là con ông thầy đồ có tiếng trên phố huyện."
Bà Tây Vĩnh gật gù: "Thảo nào. Chứ mặt mũi sáng sủa thế là tôi phải nhận ra ngay."
Mấy bà trong thôn Tây Hà rất thích những cậu trai tuấn tú, lại mang nét học thức. Nếu nhà có con gái là cứ nhắm được cậu nào là các bà mon men để dành cho con ngay.
"Cơ mà ông đồ vừa mất ít lâu, bà nhà lại đổ bệnh liên miên nên cậu chàng cũng vì thế mà nghỉ học đỡ đần rồi."
Nghe thấy lời này của bà da dẻ mỡ màng, mấy bà còn lại cũng cụt hết hứng. Thôi thì tài sắc vẹn toàn, nhưng con gái nhà mình lấy phải một tấm chồng như thế thì cũng như dính gông vào người, không khổ thì cũng bần.
Giữa con đường đất gập ghềnh dọc theo bờ đê vắng người qua lại, Hân Vũ đã đạp được một quãng xa. Trong đầu anh vẫn văng vẳng câu chuyện của mấy người nông phụ về con trai bà Tây Liên vô tình lọt vào tai anh vừa nãy. Điều mà anh chú ý không phải là chuyện săm soi diện mạo hay những lời chê bôi 'thương sách hơn thương vợ' của của mấy bà tám. Điều anh để tâm chính là năm sau chàng trai đó lên trường tỉnh học.
Sáu năm trước, khi còn 12 tuổi thì anh cũng đã từng gặp người này. Quả thật đó là một người rất giỏi, người đó khiến anh từng có máu hơn thua khi hỏi bố mình rằng "Giữa con với cậu ta thì ai thông minh hơn?". Bố anh khi ấy chỉ cười hiền từ, ông khẽ xoa đầu anh rồi nói: "Vũ à, trí thông minh của con người ta không chỉ thể hiện qua sách vở đâu con. Thông minh còn thể hiện qua cách người ta sống thế nào, và người ta ứng phó với cuộc đời người ta ra sao nữa đấy con ạ. Con cứ chuyên tâm việc của con thôi nhé, đừng dành mối bận tâm hay ghen tỵ với những người mà có lẽ bây giờ, sau này hoặc mãi mãi cũng không liên quan đến cuộc đời mình, con ạ."
Những lời bố nói, anh vẫn nhớ như in. Nhưng giờ anh không còn cơ hội để học nữa. Còn cậu kia có khi cũng chẳng nhớ lấy cái tên đồng môn từng hơn thua vài lần với mình tại trường cấp 2 Vân Hà ngày ấy.
Xua tan ý nghĩ này ra khỏi đầu, Hân Vũ bất giác nhớ lại vụ việc giao hạt giống ban nãy. Anh quả thực là vẫn chưa hoàn toàn thích nghi với tình huống đứng trước hàng chục con mắt như vậy. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nho sĩ, từ nhỏ, anh đã quen với cuộc sống tĩnh lặng, đèn sách.
Bố anh là thầy đồ, ngày ngày ông truyền dạy chữ nghĩa cho những đứa trẻ trong trấn. Còn anh, không phải theo học cùng các bạn đồng trang lứa, mà được bố tận tình dạy dỗ tại nhà. Ban ngày, anh tự học, ban tối, anh sắp xếp câu hỏi để xin sự giải đáp của bố. Anh chỉ đến trường vào những ngày thi cử, nên số lần tiếp xúc với người ngoài có thể nói là khá ít.
Nói ngày bé anh chỉ quanh quẩn trong nhà cũng không hoàn toàn sai. Không phải bố bắt anh phải như vậy, mà tự anh muốn thế. Mẹ sinh ra anh vào tháng thứ 7 của thai kỳ, cộng thêm sức khỏe bà vốn yếu ớt, nên từ nhỏ anh cũng không được khoẻ mạnh gì cho cam.
Thuở bé, nhìn cánh bạn đồng trang lứa tha hồ vui chơi chạy nhảy mà Hân Vũ thèm. Khi ấy sức khỏe của anh không cho phép anh làm điều đó. Anh từng ước ao bao lần được hòa mình vào dòng người náo nhiệt, được vô tư nô đùa với cánh bạn. Có một bận, anh lén trốn nhà đi rước đèn trung thu cùng đám trẻ ngoài phố, và sau đó, anh lâm vào tình trạng nguy kịch.
Anh đã khiến bố mẹ mình lo lắng suốt nhiều tháng trời. Kể từ đó, Hân Vũ luôn tự nhủ rằng sẽ không bao giờ để hai đấng sinh thành phải bận tâm về mình thêm một lần nào nữa.
Trớ trêu thay, khi sức khỏe anh ngày một tốt hơn thì bố anh đột nhiên già yếu hẳn. Vào cái năm anh tròn 15 tuổi, người cha mà anh vẫn hằng kính trọng lìa đời. Trước khi hấp hối, ông đã dặn dò anh đủ điều. Trước tiên là phải sống tốt, hai mẹ con sống êm ấm đủ đầy có lẽ là điều từ nay khó mà thực hiện được, nhưng ông vẫn mong muốn vợ con mình được hưởng mọi thứ sung túc như khi ông còn tại thế. Thứ hai là chuyện đèn sách của Hân Vũ, ông mong anh vẫn có thể tiếp tục học hành và phát huy trí thông minh của mình, biết trước tương lai nhiều chông gai nhưng người cha già không khi nào là hết tin tưởng vào con trai mình. Và cuối cùng, ông muốn bán đi phòng dạy học mình đã dày công gây dựng trong suốt cuộc đời, không có trụ cột gia đình như ông thì gia đình sẽ sớm lâm vào cảnh cơ hàn mất.
Hân Vũ đã khóc thật lâu. Sau vài năm anh mới nguôi ngoai được sự trống vắng này. Đứa trẻ không biết chút sự đời nào như anh đã biến chuyển tâm hồn như vậy đấy.
Men theo dọc con sông Tây Phúc, gió thổi thoang thoảng, mặt nước chảy lặng lờ, in bóng dáng chàng trai độ mười tám và ôm trọn lấy những thôn làng bình yên.
Dòng chảy của con sông như thôi thúc Hân Vũ, gió thu khẽ rỉ vào tai anh. Vũ đột nhiên nhắm mắt lại trong một quãng, anh hít thở thật sâu, cảm nhận hương mưa nhạt trong không khí, lòng như muốn vỡ ra, muốn hòa làm một với sông Tây Phúc.
Người ta thường không thích không khí đầu thu cho lắm, thường là dễ bệnh, mà cảm vặt là phần nhiều. Nhưng cái làm cho người ta thích ở thời điểm khó chịu này là mùi hoa sen nồng nàn, bay bổng mọi ngóc ngách trong không khí. Hân Vũ cũng thích mùi hoa sen, phải nói là đã từng rất thích. Cái se lạnh mùa thu đánh thức những nỗi buồn sâu kín trong con người, mùi hoa sen thơm ngát cũng chẳng thể xua tan cái cảm giác ngột ngạt trong lòng Hân Vũ. Anh muốn được đắm mình với sách vở, sống trọn vẹn với đam mê chữ nghĩa, và những cơm áo gạo tiền cứ thế mà níu lấy chân anh.
Đầu chiều đã bắt đầu có nắng. Tia nắng vàng nhạt đầu tiên của mùa thu nhảy nhót trên mặt đường ẩm ướt, bịn rịn qua những tán lá xoan già nua dọc bờ sông Tây Phúc. Hân Vũ hít một hơi thật sâu, cảm nhận từng làn nắng lấp ló, len lỏi trong da thịt trên từng cung đường mà anh chạy xe qua.
Từ một ruộng sen đang độ nở hoa, một thiếu nữ mặc chiếc áo bà ba, tay cầm nón lá đang dõi mắt theo bóng lưng của chàng trai đạp xe cút kít.
Thiếu nữ ấy họ Trịnh, tên Quân Vũ, là con gái đầu nhà ông Trịnh mấy bà vừa tán phét với nhau. Thiếu nữ này có đường nét thanh tú, dáng dấp mảnh mai, làn da không gọi là trắng nhưng cũng chẳng bánh mật. Cô bện tóc mây, nửa buộc nửa bung, vắt trên đôi vai gầy xõa xuống trước người.
Đôi mắt hạnh cùng hàng mi thanh tú không rời khỏi bóng hình chàng trai kia. Cô đứng đó, cứ nhìn vậy thôi, trái tim như bướm lượn giữa vườn hoa, xao xuyến đến lạ lùng. Chàng trai hòa quyện cùng nắng thu, đẹp bội phần trong đôi mắt miên man hàng triệu vì tinh tú của người thiếu nữ.
Ánh nắng chiều tà nhuộm vàng cả một khoảng trời. Thiếu nữ vẫn đứng đó, giữa một đồng sen bát ngát mà đắm chìm trong những hồi tưởng ngây dại về anh. Cô biết anh, biết từ khá lâu rồi. Nhưng anh thì đâu biết cô. Anh càng đâu biết cô đã từ xa nhìn bóng lưng anh lần thứ bao nhiêu rồi. Vì đâu mà cô lại luôn dõi mắt theo anh thế? Cô không biết. Chẳng biết tự bao giờ, ánh mắt cô đã bị anh hấp dẫn.
Anh đã đi xa, nhưng tầm mắt cô cứ dừng ở đó. Cô ngơ ngẩn hệt như cái buổi đầu gặp anh tại đêm hội hoa đăng của trấn 3 năm về trước.
Quân Vũ cụp mắt. Mỗi lần thấy anh thì cô lại thổn thức khôn nguôi. Cô biết mình đang yêu, yêu say đắm một người, một người không quen biết cô. Cả thôn, ai nấy đều biết con cả nhà ông Trịnh là một thiếu nữ dịu dàng, điềm tĩnh. Nhưng họ đâu biết, cái điềm tĩnh của cô lại mất dạng mỗi khi chạm mặt người ấy.
Mới vừa rồi còn năng nổ tháo vát, Quân Vũ giờ đây lại ủ dột tức thì, Tây Thụy Linh, bạn thân chí cốt của Vũ có hơi ngạc nhiên, nhưng cũng chẳng lấy làm lạ.
Cô nàng túm đuôi tóc vừa chấm dưới nước sen hất ra phía sau lưng. Tay vộc từng vốc nước nhỏ trong hồ, rửa những vết bùn lầy vô tình dính lên người. Chốc chốc cô lại quay sang nhìn Vũ, thiếu nữ ấy vẫn đứng thẫn thờ từ nãy đến giờ.
"Sao vậy? Anh chàng kia vừa đi qua à?"
"Ừm..." Vũ ngập ngừng, "Nhưng hôm nay mình chưa nhìn được mặt anh ấy."
Thụy Linh đã quá quen với sự mê đắm nọ của bạn thân rồi. Cô cũng chẳng hiểu vì sao. Từ một năm kia, vừa mới gửi lời ước nguyện bằng đèn hoa đăng trên sông Vân Phù, bỗng đâu cô bạn thân vừa bị lạc cách đây mấy phút chạy tới, mặt đỏ lựng, thở hổn hển.
Ban đầu, Thụy Linh cứ nghĩ rằng Quân Vũ xông xáo đi tìm mình khắp nơi nên quá mệt thôi. Nhưng những đốm đỏ cà chua ấy vẫn dính trên khuôn mặt cô bé 12 tuổi ấy mãi, khiến Thụy Linh không khỏi hoảng hốt. Cô cứ nghĩ rằng bạn mình bị cảm mạo do dính mưa, mà bình thường Vũ đã không bệnh thì thôi, bệnh một cái là nặng lắm, cô chú Trịnh phải đưa Vũ lên tận bệnh viện tỉnh để thăm khám chứ những nhà thuốc trong thôn đều không thể chữa trị được.
Tây Thụy Linh 12 tuổi vừa mếu máo vừa kéo tay bạn, chạy đến một nhà thuốc gần đó xin giúp đỡ. Nhưng kéo được một đoạn thì bị Vũ giật tay lại, khuôn mặt khó nói xen lẫn lúng túng nhìn Thụy Linh.
Sau đó, hai cô bé kéo nhau đến một gốc cây cổ thụ lớn cạnh ngôi đình, ngồi bệt xuống phần rễ sần sùi nhô ra khỏi mặt đất. Một hồi tâm sự mỏng qua đi, Thụy Linh mới rõ ràng tại sao Trịnh Quân Vũ luôn hiền lành, điềm đạm lại thảng thốt đến thế. Thì ra là cảm nắng người ta.
Đã mấy năm rồi, chứng kiến đủ giai thoại yêu từ xa của bạn thân nhưng Thụy Linh vẫn chưa hề tỏ ra ngán ngẩm.
"Sao cậu không tìm cơ hội bắt chuyện với anh ấy? Cậu cũng không giống kiểu người sẽ bỏ lỡ cơ hội làm quen với người ta mà."
"Ừm, mình biết. Nhưng anh ấy bận lắm."
"Vũ ơi, Vũ à? Sao cứ gặp anh ấy là cậu lại nhụt chí thế hử?"
Thiếu nữ trầm ngâm trước câu hỏi của bạn, cô đưa tay lên vuốt nhẹ mái tóc, rồi lắc đầu. Đôi mi rung nhẹ theo chuyển động của đường viền mắt, con ngươi lấp lánh những chờ mong khó tả.
Sau cái lắc đầu ấy thì đôi bên không còn nói gì nữa. Hai thiếu nữ cắp rổ sen bên hông, lội từ từ ra khỏi hồ nước, bước lên bờ rồi nhịp bước sóng vai trở về nhà trong ánh hoàng hôn nhẹ buông rải rác khắp không gian.
Khoảng mấy tuần sau. Hân Vũ bắt đầu công việc giao báo. Đời sống anh cũng chẳng có gì gọi là mới lạ thêm, chỉ là trong tiềm thức, anh đã mau chóng ghi nhớ thêm một cô bé họ Trịnh tên Quân Vũ sống ở thôn Tây.
- End chương -
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro