Chương 7
Chương 7: Lễ
Người ta vẫn thường nói, cuộc đời rất trớ trêu, trước tôi không tin, nhưng giờ thì mới thấy điều đó hoàn toàn đúng.
Một người muốn có con như tôi, ai đời lại lấy nhầm cô vợ không thể sanh đẻ. Thật nực cười!
Khi nghe docteur Hùng nói chuyện đó, tôi mất một thời gian dài để chấp nhận. Nguyệt thì khóc, gần như mỗi ngày, thậm chí có lúc quỳ xuống năn nỉ tôi đừng trả cô về nhà ba má ruột. Tôi vốn không quen nhìn phụ nữ khóc, cũng không quen làm phụ nữ đau lòng, thế nên gật đầu đồng ý, mở đầu cho những tháng ngày dài tăm tối.
- Mình lại mới từ vũ trường hay tiệm nhảy nào về à, người sao mà nặc nồng mùi rượu với mùi phấn son rẻ tiền?
- Tôi đi đâu thì mặc tôi, việc gì tới mình mà mình lên tiếng.
- Em là vợ mình, em không lên tiếng thì còn ai? Nhà đâu thiếu việc để làm, sao mình không ra phụ mà suốt ngày cứ tới mấy chỗ đó, phung phí tiền bạc lẫn thời gian.
- Tôi đi kiếm con, mình cho tôi được một đứa thì tôi sẽ không tới những chỗ đó nữa. Mình làm được không?
Nguyệt im lặng, nhìn tôi nhẫn nhục rồi quay lưng đi. Tôi biết nếu muốn kết thúc câu chuyện thì phải chọc khuấy vào nỗi mặc cảm lớn nhất đời của cổ. Ác thì ác thật, nhưng chỉ có cách này mà thôi.
Tôi cưới Nguyệt đã ba bốn năm nay. Ngày xưa, tình cờ gặp cô ngoài đường, bị thu hút bởi sự lanh lợi, thông minh của Nguyệt, tôi thương rồi ngỏ lời làm quen. Chưa đầy hai năm quấn quýt đã vội vàng kết hôn bởi sợ để mất người phụ nữ tốt. Gia đình Nguyệt đông anh em, thuộc thành phần trí thức thanh bần, người nào cũng muốn vin vào cái đức của kẻ sĩ đặng sống, mặc cho thế thời thay đổi ngoài kia. Nhưng may mắn là mặc dầu gia đình không lấy gì làm giàu có, thế nhưng Nguyệt cũng được ông bà nhạc cho ăn học tử tế, biết cách đối nhân xử thế với người ta. Chúng tôi làm đám cưới trong sự vui mừng của cả hai gia đình. Bên nhà cô mừng vì con gái mình được gả vào nhà thế phiệt trâm anh, sau này có việc cũng còn nhờ vả được, hay cũng có thể mừng vì vừa bớt đi một miệng cơm. Gia đình tôi mừng vì từ nay đã có người kềm bớt tính tình ăn chơi của tôi lại.
Gần một năm sau ngày cưới, mặc dầu sinh hoạt vợ chồng vẫn mặn nồng, đều đặn, nhưng mãi vẫn chưa thấy Nguyệt báo có tin vui. Đắn đo lắm rồi chúng tôi quyết định tới nhà docteur Hùng, vốn là người quen biết của gia đình đặng khám. Phát hiện ra là Nguyệt không thể sanh con. Niềm hi vọng có một đứa con của tôi tan biến từ đấy.
Sau một thời gian dài chăm lo cho hạnh phúc mới chớm nở, tôi lại buông thả bản thân vào những cuộc vui thâu canh ở vũ trường, tiệm nhảy, phòng trà. Nguyệt câm lặng chịu đựng những điều đó, nhưng không dám lên tiếng vì bản thân mình đã không thể làm tròn trách nhiệm của một người vợ. Biết chuyện, anh hai suy tính hồi lâu rồi giữ Nguyệt lại, cho ra tiệm buôn phụ việc, coi như là thêm một người làm không công thay vì trả Nguyệt về mà làm ô danh cả hai gia đình.
Từ đó chúng tôi sống cuộc sống đồng sàng dị mộng. Hai chữ vợ chồng ấy cũng chỉ là hữu danh vô thực.
Bản thân Nguyệt cũng như nhiều người thắc mắc, sao tôi không ra phụ anh hai làm ăn, mà tối ngày cứ mãi ăn chơi. Đấy là vì người ta không ở trong chăn nên vốn không thể biết chăn kia có rận. Anh hai là một người tính tình rất gia trưởng và cầu toàn. Anh không thích công việc của mình bị cắt ngang vì bất cứ lí do gì, cũng không muốn bất cứ ai nhúng tay vào việc mình đương làm, dù đó là người thân cận. Với anh hai, mọi chuyện phải được tiến hành hoàn hảo theo ý anh đặt ra.
Đã có vài lần, tôi cũng thử ra hiệu buôn, ban đầu là từ sổ sách làm ăn, nhưng khi đang làm giữa chừng, gặp chút sai sót, anh gạt phăng ra, cứ bảo để đấy anh làm cho nhanh. Vài ba lần như thế thử hỏi ai mà không nản. Tự ái, tôi không nhúng tay vài chuyện làm ăn của nhà nữa và cũng nhận thấy anh hai thoải mái hơn khi không ai làm phiền anh. Bằng chứng là tháng nào anh cũng cho tôi dư dả tiền bạc để có thể an tâm đi ăn chơi.
Nhưng những việc như vậy dĩ nhiên không thể làm cho ba tôi, ông Thành, chấp nhận.
- Dạo này, anh sống vẫn bình thường, vui vẻ chứ?
- Dạ, vẫn tốt thưa ba.
- Cũng đúng, tôi hỏi hơi dư thừa, không làm gì, suốt ngày ăn chơi, rượu chè, trai gái thì có gì mà không vui.
Ba tôi luôn có giọng điệu như thế. Ông có thể chửi thẳng vào mặt tôi rằng: "Tại sao mày không phụ anh hai mà suốt ngày ăn chơi long nhong?". Nhưng không, ông vẫn dùng cái giọng điệu rào đón, dồn ép người khác vào đường cùng. Hình như những năm tháng lăn lộn để làm giàu đã tập cho ông cái tính thích dồn ép người khác, ngay cả với con đẻ của mình.
- Đâu phải là con không muốn làm, nhưng làm được một chút thì anh hai lại giành lấy. Nếu là ba, ba có nản không? Có còn muốn làm nữa không?
- Mày làm việc mà đầu óc mày không tập trung, để tận đâu đâu ở mấy chỗ ăn chơi rồi sai lên sai xuống, thằng hai làm sao dám giao việc cho mày nữa.
- Rõ ràng là lúc nào lời nói của anh hai cũng được ba tin tưởng và coi trọng, rồi quay qua trách cứ tất cả mọi người.
- Vì thằng hai nó biết lo làm ăn, một mình nó thay tao gánh cái nhà này. Nó đứng ra cưới vợ cho mày, cho thằng tư, cứ tưởng tụi bây có vợ rồi sẽ nên người, chí thú làm ăn, ai ngờ vẫn chứng nào tật nấy.
- Ba đã nghĩ vậy thì con có nói gì thêm cũng là vô ích.
- Mày nói suông thì có ma nó tin mày. Mày có giỏi thì đi làm lụng kiếm tiền về cho tao thấy thì họa may tao còn tin.
- Ba không cần phải khích con như phun nước vào con gà đá như vậy.
- Tao không có khích mày, thằng mất dạy. Tao cho mày biết, mày cứ như vậy đi, rồi đừng hòng có được cắc bạc nào trong cái gia tài của tao. Tao có chết, của cải cũng để lại cho đứa nào biết làm ăn, biết suy nghĩ. Chứ không bao giờ đưa cho mày để mày đem cúng cho gái.
- Xin lỗi ba, tôi không cần đâu!
Lần nói chuyện nào của tôi và ba cũng kết thúc trong tiếng đóng sầm cửa. Chúng tôi khắc khẩu, không hợp nhau hay suy nghĩ khác nhau... quá nhiều lí do cho cái kết quả chung là không thể nói chuyện lâu với nhau.
Mà hình như lần nào ba cũng đem cái gia tài, quyền thừa kế ra làm áp lực, làm món mồi bắt tôi thay đổi. Thật sự tôi chưa lần nào quan tâm tới những thứ đó, nhưng nghe loáng thoáng qua lời thằng tư thì nó là rất nhiều tiền bạc, của cải mà gần ba mươi năm nay hiệu buôn làm ra, thêm nhiều giấy tờ đất đai nằm khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Một gia tài khổng lồ đủ cho người ta sống mấy đời. Nhưng quan trọng là nó có được chia đều cho cả bốn anh em không? Hay đúng như lời ba nói, anh hai sẽ là người hưởng tất cả.
Vài lần tôi cũng đã nghĩ tới chuyện này, nhưng rồi nhanh chóng gạt qua một bên vì còn chuyện khác đáng phải bận tâm hơn. Đó là chuyện của Sen.
Sen đã có thai gần hai tháng. Đó là con tôi. Vậy là cuối cùng tôi cũng có được một đứa con của riêng mình. Nhưng trớ trêu là lại do một đứa người làm chứ không phải của mợ ba Nguyệt.
Chuyện của tôi và Sen bắt đầu từ một lần uống say trở về nhà khá khuya. Mùi da thịt con gái mới lớn cùng hơi men làm tôi không khống chế được bản thân mình. Sau đó, lúc nào Sen cũng nhìn tôi bằng ánh mắt hằn học, thù hận. Nhưng rồi nghe lời tôi dỗ dành, Sen cũng ngoan ngoãn nằm gọn trong vòng tay tôi. Ban đầu tôi vẫn tưởng với Sen chỉ là trò vui thoáng qua, nhưng dần dà lại bị chính sự thật thà, ngây ngô của Sen làm cho thích thú, đâm ra có cảm tình lúc nào cũng chẳng hay. Thế nên chuyện Sen có bầu làm tôi vui mừng vô cùng, biết đâu đó là cơ hội để danh chính ngôn thuận cưới Sen làm vợ.
Trước tin về cái thai của Sen, tôi buộc phải có trách nhiệm với nó và bước đầu tiên là đi báo cho ba.
- Quý hóa quá, hôm nay cậu ba không bận đánh xe Traction đi cua gái mà vào thăm thằng già lẩm cẩm này.
- Con... con có chuyện muốn thưa với ba.
- Có chuyện gì thì cứ nói, tôi sẽ giải quyết nhanh, không làm mất thì giờ của cậu.
- Chuyện là... con có qua lại với một người bên ngoài, và bây giờ người ta đã có thai. Con mong ba chấp nhận cho người ta về nhà mình làm dâu.
- Chấp nhận? Mày biểu tao chấp nhận một đứa bá dơ bá dấp nào đấy về nhà này làm con dâu? Rồi mặt mũi nào tao nhìn thiên hạ, nhìn con Nguyệt? Con Nguyệt tuy không làm mẹ được, nhưng nó làm dâu không có chỗ nào chê trách được, tao không muốn mất đứa con dâu như nó.
- Nhưng... còn người ta? Người ta đã có con với con. Đó là con của con, cháu nội của ba.
- Mày có chắc không? Nó ngủ với mày được thì nó cũng ngủ với thằng khác được. Coi chừng cậu ba nhà tôi đi đổ vỏ cho người ta mà còn hí hửng về khoe cho tôi biết. Tao không bao giờ chấp nhận một đứa như vậy làm dâu.
- Nhưng Nguyệt không thể sanh con, không lẽ ba muốn cả đời con không có con sao?
- Mày có thể kiếm một người khác, cưới hỏi đàng hoàng, chứ trong nhà này không có cái trò mèo mả gà đồng rồi chửa hoang như vậy. Hồi xưa... tao cũng vì một đứa con mà hại má mày chết... nên không bao giờ tao để chuyện này lặp lại, không bao giờ...
Ba ngồi phịch xuống ghế, lấy hơi lên, thở ra vô cùng nặng nhọc.
- Con... xin lỗi... con không nghĩ tới chuyện này nữa.
Tôi nói rồi vội vàng ra ngoài trước khi ba vì tức giận mà bệnh tình trở nặng hơn. Vừa bước ra thì đã thấy anh hai đi tới, chắc là lại vào ton hót điều gì đó cùng ba.
Về phòng, tôi căng đầu suy nghĩ, giờ đây nếu muốn mọi người chấp nhận chuyện của tôi và Sen, tôi phải bỏ Nguyệt. Nhưng mấy năm qua, chưa lúc nào Nguyệt làm sai bổn phận người vợ, người con dâu. Thậm chí bây giờ Nguyệt đã trở thành cánh tay mặt, phụ giúp anh hai trong rất nhiều chuyện của hiệu buôn, tới mức mà tôi còn nghe nhiều người ác ý đùa rằng anh hai mới là chồng Nguyệt, mà biết đâu, lời đùa đó chẳng phải thật. Bắt anh hai bỏ đi người giúp mình như Nguyệt mà cưới một con ở đợ về làm dâu, chuyện đó khó còn hơn lên trời. Nhà này bây giờ tất cả mọi chuyện đều do anh hai giải quyết. Thôi thì, cứ tự mình tính trước cho mình, lo cho Sen chỗ ở, sanh xong đứa con thì đem về, lúc đó chuyện đã rồi, muốn chấp nhận hay không thì tính tiếp.
Đêm trăng rằm, tiếng nhạc vang lên như mọi lần. Tôi về nhà bằng cửa sau để đón Sen đi. Bình thường nếu hôm nào say quá thì tôi thường kiếm cái hôtel nào để ngủ lại qua đêm, sáng về sớm, không thì bắt xe về nhà sau giờ giới nghiêm. Trong cả cái quận Năm này, có ai còn xa lạ với cậu ba nhà ông Thành, bọn cảnh ty có đi tuần, gặp tôi cũng cười chào rồi bảo về nhà cho sớm đặng bảo đảm an toàn. Sợ phiền mọi người mở cửa nên tôi đã làm thêm chìa khóa cửa sau cho mình, về nhà trong im lặng.
Ban chiều tôi đã chuẩn bị hết đồ đạc, sau đó ra ngoài kiếm chỗ đi chơi giải khuây, nếu như ngủ lại trên phòng, buổi tối sẽ rất khó đi vì còn có Nguyệt. Khi về nhà thì tiếng nhạc vẫn chưa dứt hẳn, mỗi lần nghe bài hát này, tôi lại nhớ tới má. Má linh thiêng hãy phù hộ cho con, phù hộ cho cháu nội của má có thể bình an mà chào đời.
Tôi mở cửa phòng Sen, Sen thấy tôi thì vào phòng lấy đồ đạc, vừa quay ra định đi thì bỗng dưng Sen lùi lại, miệng lắp bắp:
- Ma... ma... ma kìa!
Tôi cảm thấy lưng mình ớn lạnh, quay đầu lại nhìn. Đang đứng đấy, là người đàn bà mặc sườn xám trắng. Trên khuôn mặt như thạch cao, chỉ có quầng mắt và đôi môi là đỏ rực như máu. Tóc của con ma bới cao, để lộ ra cái cổ trắng ngần. Và đặc biệt trên mái tóc bới cao là cây trâm ngọc, cây trâm ngọc của má và một thứ mùi gì đó rất thân quen.
Nhưng chỉ vừa kịp nhìn tới đó, tôi bị con ma cầm vật nặng giáng vào đầu một cú, ngã xuống đất, mắt tối sầm lại.
Khi lờ mờ mở mắt dậy, cảnh tượng trước mắt tôi thật ghê rợn, dã man. Sen nằm dưới đất, con ma quỳ kế bên vung tay cầm cây trâm đâm mấy nhát liền vào bụng Sen, nơi đang mang đứa con của tôi. Tôi muốn lết tới để cản, nhưng khi con ma thấy tôi tỉnh lại, đã đi lại gần, đập thêm một phát thật nặng vào đầu tôi, khiến tôi ngất đi lần nữa.
Tôi mở mắt lần nữa đã thấy bên ngoài trời gần sáng. Sen nằm trên nền đất, máu lênh láng. Không, Sen không được chết, con tôi không được chết...
Không...
***
- Thằng ba vẫn cứ ngẩn ngơ như vậy sao thím?
- Gần một tháng nay nhưng chưa thấy gì khá khẩm hơn.
- Nếu cứ đà này, tôi nghĩ nên mời docteur Hùng tới khám, chứ để như vầy hoài thì không đặng.
- Nhưng...
- Nhưng nhị gì nữa, con Sen chết cũng hơn tháng, cứ tưởng ban đầu do nó hốt hoảng nên đâm quẫn trí, nhưng tình hình coi bộ... không lạc quan như tôi nghĩ.
- Thôi thì anh hai tính sao em nghe theo vậy.
Cậu hai ra ngoài, trả lại căn phòng cho hai vợ chồng cậu ba Lễ. Mợ ba ngồi cạnh giường, múc muỗng cơm đầy đưa lên miệng chồng, giọng hằn học:
- Mình ăn đi, ăn cho tôi nhờ đặng khỏe lại, có sức đi nhảy nhót với gái. Tôi đã bù đầu với công việc, vậy mà giờ còn ngồi lo cho mình từng muỗng cơm. Đàn bà, có ai khổ như tôi!
Cậu ba vẫn đang ngồi co ro trong góc giường, hai tay ôm đầu, ánh mắt chứa đầy vẻ sợ hãi, lo âu. Miệng lẩm bẩm mấy câu quen thuộc từ lúc thấy con Sen chết trước mặt mình:
- Tôi không giết người... Đừng giết con tôi...
- Con mình? Mình ăn chơi ở ngoài chưa đã, còn mèo mả gà đồng trong cả căn nhà này. Hóa ra trong mắt mình tôi cũng chả bằng một con ở đợ. Mấy ngày nữa docteur tới khám cho mình, nếu cũng không khỏe lại, chắc người ta đưa mình vào nhà thương Biên Hòa đó.
Mợ ba nói xong, cầm chén cơm dang dở bỏ đi, để mặc chồng tiếp tục ngồi lảm nhảm trên giường.
***
Chiều hôm đó, cậu tư Nghĩa vào thăm anh ba. Hôm nay ngoài tiệm có chút chuyện nên mọi người về hơi trễ. Nhìn cậu ba thần trí bất minh, sống cũng như chết, cậu tư chạnh lòng.
- Sao anh ra nông nỗi này? Trong nhà chỉ có anh là nghe em nói chuyện, là hiểu em. Đâu phải anh không biết anh hai là người thế nào. Anh hai bị cái gia tài của ba làm cho mờ mắt rồi. Em nghe người ta nói vài ngày nữa sẽ gởi anh vào nhà thương Biên Hòa, cho anh sống cùng một lũ điên. Anh tỉnh lại đi anh ba, đừng để người ta có cớ đẩy anh ra khỏi nhà...
Nói tới đây thì cửa phòng bật mở, cậu tư thấy cậu hai, cậu út đang dìu ông Thành vào phòng, đi sau lưng là mợ ba. Cậu út lên tiếng trước:
- Anh tư cũng vào thăm anh ba à?
- Ừ, anh mới gặp ảnh được một lát, hôm nay có cả ba sao? Ba đi lại bất tiện, sao không dìu anh ba lên phòng trên cho dễ dàng hơn?
- Tôi bị mờ mắt chứ chưa có mù hay liệt đâu cậu tư à. - Ông Thành cắt ngang. - Tôi có chân có cẳng, nhà tôi tôi muốn lên hay xuống thì tùy, khi nào mới tới lượt cậu tư quyết định?
Cậy tư biết mình lỡ lời, nên vội vàng im lặng, đứng nép qua một bên cho ông Thành lại gần giường thăm con. Nhưng khi ông vừa ngồi xuống, ngay lập tức cậu ba hét lên:
- Á... á... giết người, con ma giết người, tôi không giết người... ma... ma giết người...
Rồi cậu vội vàng lủi nhanh vô trong góc, đưa hai tay bấu chặt đầu mình, ra chiều sợ hãi lắm.
Ông Thành bất ngờ với những gì xảy ra, liền quay qua hỏi cậu hai:
- Sao lại như vậy, sao tự dưng nó hét lên? Mấy hôm nay có vậy không Nhân?
- Dạ không, mấy nay nó vẫn bình thường, tâm trí ngơ ngẩn nhưng cũng chỉ nói lảm nhảm không đầu đuôi, chứ không tới mức la hét như ban nãy.
Ông Thành thử tiến lại gần cậu ba một lần nữa, đôi mắt đục màn sương hướng vào đứa con. Nhưng ngay khi ông nhích tới, cậu ba lại hét lên, lần này còn vung tay, vung chân đẩy ông ra. Mất đà, cũng như bất ngờ trước hành động chống trả, ông Thành loạng choạng, chút nữa thì đã ngã nhào nếu như cậu hai không nhanh tay chạy lại đỡ. Cậu tư và cậu út cũng nhanh chóng nhào tới ôm ghì lấy cậu ba.
- Hôm nay anh ba như vậy, ba không hỏi thăm được gì đâu, thôi để con dìu ba về phòng, còn chuyện gì thì từ từ tính tiếp. - Cậu hai đỡ ông Thành đứng dậy.
- Ngày mai con cho người đi mời docteur Hùng tới khám cho nó, chứ để như vầy hoài tội lắm.
Khi những lời cuối cùng được nói ra, ông Thành thấy sống mũi mình cay cay. Dù gì đi nữa thì đó cũng là con đẻ, dẫu cho nó hư cỡ nào thì cũng máu mủ ruột thịt. Nghĩa tử là nghĩa tận, thấy con mình như vậy, thử hỏi bậc làm cha mẹ nào lại không xót, không thương.
Sáng hôm sau, docteur Hùng được cậu hai mời tới nhà khám bệnh cho cậu ba Lễ. Mất cả buổi sáng ngồi khám, xem xét tình hình và quan sát cử chỉ, hành động của cậu ba, ông Hùng mới trở lên phòng ông Thành, ngồi nói chuyện cùng ông, cậu hai và mợ ba.
- Sáng giờ tôi đã coi kỹ tình trạng của cậu ba. Tình hình nguy kịch hơn những gì mọi người thấy. Sức khỏe cậu Lễ rất yếu, tôi cho là do việc cậu uống rượu quá nhiều và liên tục trong một thời gian dài, tâm thần lúc nào cũng say xỉn. Tác dụng của rượu cũng đồng thời làm cho tâm thần cậu yếu đi nhiều, nên dễ bị kích động, sợ hãi. Thể trạng suy nhược mệt mỏi kéo dài. Mặc dù nhìn thì như có vẻ cậu ba sợ hãi, hoảng loạn, nhưng thực chất tâm trí đã tổn hại dữ lắm. Tôi e rằng việc bình phục... chắc khó khăn.
- Docteur làm ơn nghĩ hướng giúp giùm, bao nhiêu tiền cũng được, chỉ cần ông chữa lành cho nó, tôi chẳng hề tiếc làm chi. - Ông Thành lo lắng hỏi.
- Tiền thì ai mà chẳng thích, nhưng đủ sức để nhận hay không lại là chuyện khác. Vụ này ngoài khả năng của tôi, bệnh về thân xác thì họa hoằn tôi còn cố gắng, chứ bệnh về cái đầu, e là phải đem vô Biên Hòa cho người ta khám.
- Ông đùa với tôi chắc, làm sao... làm sao mà tôi có thể cho con trai mình sống chung với cái lũ điên trong nhà thương Biên Hòa được?!
- Trong đấy người ta có docteur chuyên về bệnh tâm thần, lại cũng đã chữa nhiều ca tương tự. Để ở nhà chăm sóc như vầy cũng được, nhưng chẳng thể nào khá hơn nổi đâu. Tôi thì chỉ gợi ý như vậy, chỗ thâm tình mới dám nói thẳng, chứ quyết định vẫn là của ông Thành và người nhà.
***
Độ đâu một tuần sau, người ta thấy cậu ba Lễ nhà ông Thành được đưa vào xe hơi chở đi đâu đó, người này người nọ cứ đoán lung tung. Người nói cậu ba đi công chuyện, người nói cậu ba đi chơi xa. Nhưng đâu ai biết rằng, thằng Tài cầm bánh chiếc xe lên nhà thương Biên Hòa, đưa cậu ba vào sống chung với những người tâm thần.
Người trong nhà nhìn cậu ba ra đi mà rất đau lòng, vì người ta biết, có ai vào nhà thương Biên Hòa mà tỉnh táo bước ra được đâu. Vài người có ý muốn xin cho cậu ba tiếp tục ở nhà đặng điều trị, nhưng khi ông Thành và cậu hai Nhân đã quyết, thì ai mà còn dám xin xỏ gì thêm.
Nhưng biết đâu được, sống chung với những người điên nhiều khi lại an toàn hơn lúc sống giữa những người quá tỉnh táo. Biết đâu được.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro