Chương 11
Chương 11: Trí
Từ lúc sanh ra, tôi chưa từng biết mặt má, họa hoằn lắm, chỉ là tấm ảnh trên bàn thờ trong phòng ba. Nhưng nghe dì Linh kể lại, má là người hiền lành, tính tình ôn hòa, luôn yêu thương và giúp đỡ những người nghèo khó. Ấy vậy nên chuyện má trở thành ma trở về hù dọa người này, giết chết người kia mà người ta luôn đồn đại không thể làm tôi tin được.
Dì Linh kể lại má mất khoảng một tuần sau khi sanh tôi. Lúc ấy tôi còn đỏ hỏn trên tay dì, chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, nên thấy người ta khóc lóc bên quan tài của má cũng rống khóc theo, dù chẳng hiểu gì là đau xót. Dì còn kể, có đêm tôi khóc rất dai, dỗ làm sao cũng không chịu nín, nhưng chỉ cần ẵm ra bàn đứng cạnh bàn thờ má, vỗ nhẹ vào mông vài cái là đã ngủ ngon lành. Thiên tính làm mẹ của người đàn bà thì dù có chết đi vẫn còn lưu giữ lại.
Những năm tuổi thơ, tôi đã đôi lần ước sao nhà có thể nghèo đi một chút hóa lại chẳng hay hơn. Tôi ganh tị cùng chúng bạn được sống trong tình yêu thương của đấng sinh thành. Đi học về, ngồi trong chiếc Traction bóng loáng do tài xế cầm bánh, nhìn ra đường, thấy những bạn học đồng trang lứa, đứa thì ngồi sau mobilette của cha, đứa thì đang ăn créme nắm tay mẹ, tôi thèm đến bật khóc. Dì Linh ngồi cạnh bên biết chuyện, chỉ biết kéo tôi vào lòng rồi dỗ dành đặng nguôi ngoai.
Đôi lần tôi cứ hỏi dì Linh vì sao ba không thương mình, vì sao chẳng lần nào ba đón đưa tôi đi học hay quan tâm đến chuyện buồn vui của tôi, suốt cả ngày chỉ vùi đầu vào công việc, kiếm tiền. Tôi lớn lên với tình thương của dì Linh cùng anh hai còn nhiều hơn từ ba. Nhưng mặc dầu vậy, tôi vẫn luôn nghe lời dì Linh, cố gắng học hành tử tế, ngoan ngoãn, hi vọng những thứ ấy có thể giúp ba yêu thương tôi hơn. Kết quả lại là không thể.
Cho đến mãi tận một đêm mưa gió, tôi mới giải đáp được hết những thắc mắc trong lòng mình. Khi ấy tôi vẫn còn ngủ cùng dì Linh trên căn phòng hiện tại, nghe tiếng ba gọi cửa, dì mới xuống mở, tôi cũng lót tót theo sau. Ba về nhà trong cơn say mèm, người nặc nồng mùi rượu, khật khà khật khưỡng nhìn đến thảm thương. Dì Linh quay qua khóa cửa, tôi vội tới đỡ vì thấy ba đứng không vững, bỗng dưng ba lại đẩy tôi ra, kèm theo câu nói lè nhè hơi men:
- Chính mày, vì mày mà má mày chết... mày là đứa xui xẻo... vì mày mà tao mất Dung.
Tôi chẳng kịp khóc vì bất ngờ, cứ đứng trơ mặt ra, cố hiểu cho hết câu nói của ba. Dì Linh thì vội vàng chạy tới ôm tôi vào lòng. Ba mặc kệ hai dì cháu, chẳng nói chẳng rằng đi lên phòng ngủ. Bỏ mặc tôi lúc đó mới tấm tức khóc trong lòng dì.
Từ đó, tôi hiểu vì sao ba không yêu thương mình, và cũng từ đó, tôi tự khép mình trước ba.
Dì kể, trước lúc má mất, má cầm tay dì, nói trong hơi thở nặng nhọc. Má nhờ dì chăm sóc cho tôi, vì lúc này má đã chẳng thể làm được điều đó. Má nhắn với tôi rằng, dù cho hoàn cảnh gì đi chăng nữa, tôi cũng phải thương ba, cũng phải là một đứa con ngoan, cố gắng học hành thật giỏi, sau này nếu không làm tại tiệm buôn thì cũng làm ông này bà nọ với đời. Con của má, nhất định phải là đứa thông minh, sáng dạ, đúng với chữ Trí mà má đặt cho tên con.
Nghe lời má, những năm tháng dài sau đó, tôi sống ít buồn, ít vui. Gần như không đặt nặng chuyện tình cảm ba dành cho mình không nhiều, cứ lo chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn yên phận. Năm vừa rồi vừa thi xong tú tài hai, anh hai nói nếu muốn đi sang nước ngoài học tiếp thì anh sẽ thu xếp cho đi. Tôi cũng đã đồng ý việc này, hiện chỉ chờ anh lo mớ thủ tục, giấy tờ với mấy người bạn quan chức là xong. Nhưng rồi năm ngoái do có biến động chánh trị, việc đi ra nước ngoài của tôi cũng vì vậy mà chậm trễ, nên hiện tại chỉ ở nhà, loanh quanh ra vô phụ chút việc ngoài hiệu buôn để khỏi nhàm chán.
Với ba, tôi cũng tránh tiếp xúc nhiều, phần vì chẳng muốn ba cứ thấy mình lại dằn vặt chuyện năm xưa, phần vì đã quen việc im lặng, nên giờ có phải nói chuyện, tôi cũng không biết nên nói gì cho phải phép ngoài những câu xã giao thông thường. Giữa chúng tôi vẫn tồn tại một khoảng cách vô hình, không thể nào xóa mờ để gần gũi nhau.
Cứ tưởng cuộc sống đều đều nhàn nhạt như vậy cho đến ngày đi tới một phương trời mới, nhưng từ khi Lan đến, cuộc sống tôi như bừng lên một niềm vui mới.
Ngày đầu gặp, thấy dung mạo và cách nói chuyện từ tốn, học thức của Lan, tôi đã đem lòng mên mến. Rồi sau Lan ra hiệu buôn phụ việc, tôi cũng ra đấy đặng phụ giúp, nhưng, cốt yếu là để được gặp mặt, trò chuyện cùng Lan nhiều hơn. Thi thoảng thấy ánh mắt Lan len lén nhìn, tôi cũng hiểu đã vào hoàn cảnh như cụ Nguyễn Du từng nói đến,"tình trong như đã, mặt ngoài còn e", nhưng lại chẳng biết tìm cách ngỏ lời thế nào cho lễ độ, không quá sỗ sàng làm Lan kinh sợ.
Định bụng mãi, cuối cùng tôi mới dám đánh liều mời Lan đi ăn buổi tối cùng mình tại Restaurant La Rose trong quận Nhất. Cả hai cũng chỉ là chuyện vãn về việc hiệu buôn, việc gần đây ở đâu coi hát có tuồng hay, chứ vẫn còn ngại ngần, chẳng dám đề cập chuyện ái tình nam nữ. Trong buổi hẹn hò, đôi lần Lan nghiêng đầu vuốt mái tóc dài mượt, bắt gặp cảnh đấy khiến lòng tôi thật xao xuyến. Cuối buổi ra về, tôi cũng ý tứ gọi xe đưa Lan về trước, còn mình đánh vòng ngắm đường sá một hồi mới dám về nhà, bởi sợ gia đình thấy hai người về chung lại sanh điều dị nghị không hay.
Rồi mãi đến hai ba tuần lễ sau đó, tôi mới lại dám ngỏ lời mời Lan đi coi chớp bóng cùng mình, nghe nói ngoài cinéma người ta đang có "Autant en emporte le vent"(1), phim về tình cảm nam nữ của Hoa Kỳ rất đáng xem. Tôi cũng đã định nhân dịp này thổ lộ chân tình của mình cùng Lan, dò xem ý Lan thế nào để còn biết đường mà định sự.
Cuối buổi chớp bóng, hai mắt Lan đỏ hoe vì ban nãy khóc theo chuyện phim. Tôi đưa Lan cái mouchoir(2) vẫn để trong túi quần đặng lau nước mắt, rồi nhanh tay nắm chặt tay Lan.
- Lan à... tôi thực tình thương Lan. Như anh chàng Rhett yêu thương nàng Scarlett trong bộ phim ban nãy vậy.
Lan rụt rè thu tay lại, giọng lúng túng.
- Cậu... cậu nói ra vậy đặng làm chi?
- Bởi tôi muốn Lan hiểu cho lòng mình, chứ không khéo, kết cục lại chẳng đi đến đâu như trong chuyện phim, tôi không muốn như vậy.
- Nhưng mà, tôi với cậu, kẻ làm công, người là chủ, cách biệt vai vế như vậy, làm sao tôi dám đèo bồng, đũa mốc mà đòi chòi mâm son.
- Tôi chẳng thiết cái câu môn đăng hộ đối, lòng tôi thương ai thì tôi đến với người đó. Thời nay đã đổi mới, nam nữ đã có thể tự do đi tìm ái tình cho bản thân mình. C'est la vie, đó mới là cuộc sống Lan ạ.
- Nhưng đâu phải mình sống ở đời chỉ biết nghĩ đến bản thân, còn gia đình, còn ông Thành, còn cậu hai, biết họ có thông thoáng tư tưởng được như cậu để chấp nhận tôi không.
Tôi cúi đầu im lặng, đúng như lời Lan nói, đương lúc ái tình dâng cao thì mạnh miệng như vậy, nhưng ngẫm lại còn ba, còn anh hai và gia đình, biết nói làm sao để người ta ưng thuận. Anh hai cũng là người cách tân, lại thương tôi nên việc nói cùng anh không khó. Khó là chỉ có ba, tính ông trước giờ đã cứng nhắc, cổ hủ, lại vốn không ưa thích gì tôi, làm sao bắt ông đồng ý.
Suy nghĩ tận bốn năm ngày trời, tôi mới quyết định sẽ lên thưa chuyện cùng ba trước tiên. Nếu ba đã chấp nhận cho tôi và Lan được tìm hiểu nhau, thì chẳng có lý do gì để anh hai và cả nhà phản đối. Dầu gì, trong tâm tưởng của mọi người, ba vẫn luôn là chủ gia đình.
- Bây kiếm ba có việc gì không? Lâu quá mới nghe giọng bây, tưởng bây quên ba luôn rồi.
- Mấy bận con lên nhưng thấy ba đang ngủ nên không dám phiền. Còn hôm nay thì... con muốn xin ý ba về việc của Lan.
- Con Lan có việc gì, sao không tự lên mà bây lên nói?
- Chuyện này có liên quan đến cả con. Con muốn được tìm hiểu, đặng có thể thì thương yêu Lan. Nhưng Lan ngại rằng xuất thân mình không phải con nhà quyền uy, không môn đăng hộ đối với nhà ta...
Ông Thành ngồi im lặng lắng nghe, rồi chợt bật cười, giọng ra chiều vui vẻ, hài lòng :
- Ra là cậu út nhà tôi cũng đã lớn, đến tuổi biết chuyện gái trai rồi, thời gian trôi qua nhanh quá. - Ông thở dài, tiếp. - Xưa, ba với má bây cũng đâu có môn đăng hộ đối gì, ba là thằng làm công, má là tiểu thơ đài các, nhưng rồi cũng dám thương, dám yêu, dám sống với nhau để tụi bây chào đời. Huống hồ chi, nhà con Lan hồi trước có ơn cứu ba, nó lại là đứa có ăn học, bây có thương thì cũng đâu có gì lạ. Ba nhớ người Tàu có câu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu, cũng là hàm ý chỉ việc trai tài gái sắc nên kết duyên cùng nhau.
- Vậy... vậy ba không phản đối chuyện của con và Lan?
- Cấm đoán bây rồi biết đâu bây dắt díu nó bỏ trốn như trước tao làm, lúc đó lại khổ. Nhưng hai đứa có yêu thương gì nhau thì cũng phải giữ cho đúng lễ giáo, gia phong, đừng để tai tiếng. Nhất là mấy chuyện trai gái, cưới hỏi xong thì muốn ra sao cũng được, lúc này còn nhỏ, ráng mà gìn giữ cho nhau.
- Dạ, dạ... con cảm ơn ba.
Tôi bước ra khỏi phòng ba mà cứ như vừa thức tỉnh khỏi cơn mơ. Chẳng ngờ rằng ba lại đồng ý dễ dàng như vậy. Phải chăng sau nhiều biến cố ở đời, ba đã thay đổi tâm tính. Hay vì câu chuyện không môn đăng hộ đối ngày xưa của ba và má cũng phần nào khiến ba cảm thông hơn cho chúng tôi. Nhưng nói sao thì cũng được, miễn là ba đã ưng thuận thì đã là điều đáng mừng.
Tôi mau chóng báo tin cho Lan biết, Lan chẳng nói gì, chỉ bẽn lẽn cúi đầu cười, rồi nhẹ nhàng gật đầu khi nghe tôi hỏi, "Lan đừng từ chối tình cảm của tôi nữa nghen". Nhưng Lan suy nghĩ hồi lâu rồi bảo:
- Nhưng cậu đừng nói chuyện này với nhiều người, Lan không muốn người ta nghĩ rằng vào làm cho nhà giàu để tán tỉnh cậu chủ, cứ để hữu xạ tự nhiên hương, khi nào tới lúc tự khắc người ta biết. Cậu hứa với Lan nghen.
- Tôi chẳng hứa, Lan còn gọi tôi là cậu thì tôi không hứa đâu. Từ giờ, Lan cứ gọi tôi là anh Trí được rồi.
- Dạ... Lan biết rồi... anh Trí.
Tôi nắm tay Lan, suy nghĩ đến viễn cảnh tương lai tươi đẹp của cả hai rồi thầm mừng vì chuyện tình ái của mình lại thuận chèo đến thế. Cảm thấy cuộc đời này thật đáng sống. Il vaut la peine de jouir cette vie.(3)
Nhưng đấy chỉ là thời điểm trước khi gia đình bắt đầu xảy ra bao nhiêu biến cố. Đầu tiên là cái chết của Sen, chuyện anh ba bị tâm thần, rồi đến anh hai cũng bị hại qua đời. Chuyện tình cảm của tôi và Lan cũng do bị những việc đó ảnh hưởng nên chỉ là thỉnh thoảng chuyện vãn vài ba câu, chẳng còn thời gian, tâm trí đâu để hò hẹn tìm hiểu. Nhưng cũng may, Lan là người hiểu chuyện nên chẳng nặng nhẹ việc này, mà còn xông xáo nhiệt tình cùng tôi tìm hiểu nguyên nhân.
Qua những chuyện xảy ra, mọi người đều cho rằng là hồn ma của má hiện về giết người. Nhưng phương Tây người ta đã nói, trên đời làm gì có ma quỷ, ấy vậy mà tôi cũng chẳng tin những gì người khác đồn đại. Nếu có ma thật, chính mắt tôi phải thực mục sở thị thì họa hoằn mới tin tưởng.
Còn nếu không, tất cả mọi chuyện đều do chính con người bày ra, nhằm mục đích che đậy cho âm mưu xấu xa của họ. Tin vào điều đó, nên nhiều ngày qua, tôi cùng Lan dò hỏi thằng Tâm, dì Linh, anh Tài để tìm thêm những manh mối liên quan tới cái chết của Sen. Ban đầu, chẳng có gì đáng chú ý, vì bà Linh hôm đó đã ngất lên ngất xuống, chẳng nhìn kịp thứ gì cho ra hồn. Anh Tài thì vẫn cứ lầm lì như mọi hôm, hỏi đến gì cũng lắc đầu không biết, ra chiều chẳng muốn hợp tác cùng tôi. Chỉ có thằng Tâm là mồm miệng liến thoắng kể lại những gì mắt thấy tai nghe trong sáng hôm ấy. Và nó cũng tiết lộ cho tôi biết về cây trâm ngọc trên xác Sen bỗng dưng biến mất.
Cây trâm này tôi đã từng biết đến.
Có lần lên thăm ba cách đây vài năm, thấy ba ngồi trầm ngâm bên tách trà còn bốc khói, tay run rẩy vuốt trên cây trâm ngọc trắng như đang chậm rãi nhớ lại chuyện xưa, tôi hỏi, ba trả lời rằng đây là quà tặng má ngày trước, giờ trở thành kỷ vật để mỗi lần nhớ lại lấy xuống cầm trên tay mà buồn. Đến nay, nghe thằng Tâm nhắc đến cây trâm tôi mới nhớ về lần gặp ba trước đó, bèn tìm lý do để lên phòng ba, xem thử cây trâm có còn ở đó không.
Lấy cớ lên nói chuyện cùng ba rồi lau bàn thờ cho má, tôi nhìn sơ qua đã thấy cây trâm ngọc vẫn còn nằm tại đó. Tôi hỏi ba:
- Cây trâm ngọc của má lúc nào cũng đặt ở đây phải không ba?
- Thì lúc nào nó cũng nằm ở đó. Bây hỏi lạ!
- Mấy lần má về, má có lấy xuống không?
- Có chứ, má bây hay hỏi về cây trâm. Còn nói ba lấy xuống để cài vào tóc, có khi giữ lại đến lần gặp sau mới trả.
Tôi chào ba rồi ra ngoài, vậy là cây trâm ngọc đã có lúc rời khỏi phòng, hung khí giết người chắc chắn là nó. Chuyện có con ma đi mượn món đồ rồi đến lần sau đem trả, nói ra ai mà tin cho được. Thế nên tôi càng quả quyết rằng đang có người giả thần lộng quỷ trong căn nhà này. Người đó phải liên quan đến anh hai rất nhiều. Và hiện tại, hai người đáng khả nghi chỉ có chị ba và má nhỏ.
***
Sớm hôm đó, cậu tư đánh dây thép sang nhà thầy Long, cảnh ty trưởng, hỏi thăm xem việc điều tra cái chết của anh hai mình đã có tiến triển gì hơn chưa.
- Cậu Nghĩa thông cảm, tôi cũng đã cho lính đi tra hỏi khắp nơi, nhưng không có manh mối hay bằng cớ gì hết. Hỏi mấy nhà chung quanh người ta cũng nói tối đó im lặng như tờ, chẳng thấy bóng người lai vãng gần nhà cậu. Tôi e rằng... có thể kẻ giết người là kẻ ở trong nhà.
- Vậy chứ hôm thẩm vấn, thầy Long hỏi người nhà tôi rồi có manh mối chi không?
- Cũng đã hỏi đủ, nhưng người nào cũng nói ở trong phòng riêng, chẳng ai làm chứng. Phía bên này thì cũng chưa tìm ra manh mối nào để buộc tội cụ thể ai. Cậu cho thêm vài ngày để bọn lính tôi kiểm tra rồi sẽ báo cậu ngay khi có tin.
- Ừ thì ông tranh thủ giúp tôi. Cầu mong cho sớm tìm ra được hung thủ để linh hồn anh hai an nghỉ nơi chín suối.
Thầy Long dập máy, ngồi xuống bàn giấy, thở phào một tiếng nhẹ nhõm. Cái chết của cậu hai Nhân nhà ông Thành, ai buồn thì buồn, chứ riêng thầy Long đây lại có chút an tâm trong đó.
Chuyện là, cả khu Chợ Lớn ai mà chẳng biết thầy Long, trưởng ty cảnh sát quận Năm là kẻ đức độ, đường hoàng. Tỷ như đi ngoài lộ, thấy có hai con chó đang phối ngẫu cũng sẽ chạy đến mà can ngăn, bắt bớ, phạt chủ chó vì dám để cho phường súc vật có hành vi đồi trụy giữa lộ, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thành. Ấy thế mà đùng một cái, người ta hỉ hả cười khi kể nhau nghe câu chuyện thầy Long bị bà vợ đánh ghen cùng cô nhơn tình nhỏ hơn mình chừng hai, ba con giáp.
Lần đó phu nhân thầy Long làm hơi mạnh tay, khiến ông chồng mặc độc chiếc quần lót lao ra khỏi hôtel thoát thân, trông buồn cười vô cùng. Lúc đấy mọi người mới biết hóa ra cái kẻ tưởng đứng đắn đường hoàng kia thì khi cần cũng đứng đái như bao thằng đàn ông khác.
Sự vụ đến tai các quan trên tổng nha, người ta bắt đầu có cái nhìn không thiện cảm lắm về tư cách đạo đức của thầy Long, việc tiến thân hay giữ chức chắc khó mà đảm bảo. May thầy Long lanh trí, nhớ đến cậu hai Nhân nhà ông Thành vốn có qua lại với vài quan chức cấp cao của tổng nha, bèn qua cậy nhờ. Cậu Nhân là người hiệp nghĩa, coi trọng câu tứ hải giai huynh đệ nên cũng nhiệt lòng mà giúp. Các quan trên nhận xong lễ lộc, nghĩ lại, nó ngủ với nhơn tình của nó, chớ có phải ngủ với gái của mình đâu mà lo, nhờ vậy mà thầy Long thoát nạn. Từ đó thầy lúc nào cũng cung cúc nghe theo lời cậu Nhân.
Nhưng bị người ta nắm thóp, cảm giác ấy khó chịu vô cùng. Biết đâu khi chè chén, cậu Nhân chẳng buột miệng mà kể lại việc ấy trong lúc chuyện vãn thì có mà đội quần ra đường. Nên bí mật kia phải giữ càng kín càng tốt, mà chỉ có người chết mới là người giữ được bí mật tuyệt vời nhất, thế nên...
Thôi thì vụ này cứ mắt nhắm mắt mở cho xong, điều tra sít sao quá, khéo chừng sự vụ của bản thân bung bét ra thì có mà mang nhục vào thân. Nghĩ vậy, thầy Long đánh dây thép cho vài ông trưởng ty khác, hẹn chiều nay ra vũ trường Tour d'lvoire ngoài đại lộ Trần Hưng Đạo mà vui chơi, tiện tay vứt luôn tệp hồ sơ vụ nhà ông Thành vào ngăn tủ.
***
Bên nhà ông Thành, hôm nay cúng chung thất cho cậu hai. Dì Linh đọc xong bài kinh Hồi hướng thì xuống bếp, bưng mâm cơm đã chuẩn bị sẵn lên nhà trên, không quên đặt thêm một chén cơm trắng rồi gác trên đôi đũa, giọng ngậm ngùi:
- Sao mà cậu hai vắn số... để người đầu bạc giờ phải khóc kẻ đầu xanh.
Hôm nay lại ngày trăng tròn, nếu đúng như cái thông lệ của mấy năm qua, thể nào tối nay trên phòng ông Thành sẽ có tiếng nhạc đặng hạnh ngộ cùng hồn ma bà Dung.
Ông Thành cũng đang ngồi chờ đợi người vợ mà ông hết lòng thương yêu. Ông nhớ lần đầu tiên gặp lại bà sau khi bà mất, lần đó ông nằm mê man trên giường bệnh, mắt đã chẳng còn nhìn tỏ tường mọi việc. Bà hiện về trong làn khói sương mờ ảo, ngồi xuống bên cạnh giường ông, khẽ hỏi, ông muốn đi cùng bà không?
Ông Thành mừng như bắt được vàng vì cuối cùng cũng gặp lại vợ, ông gật đầu đồng ý, rồi bà hẹn lần sau sẽ ghé đến đưa ông cùng đi. Biết mình sắp lìa xa các con và gia đình, ông Thành gọi cậu Nhân vào dặn việc, trăng trối, kể luôn chuyện gặp lại bà Dung trong giấc mộng chập chờn rồi lời hứa cùng bà đi đến miền vĩnh hằng. Dặn dò xong, ông an tâm chờ đợi.
Nhưng lần sau, khi bà Dung xuất hiện, bà lại nắm tay ông, nói khác. Bà bảo mấy đứa con còn thương yêu ba lắm, nên ngày ngày thắp hương khấn nguyện trời Phật xin cho ông ở lại với chúng thêm một thời gian nữa. Thôi thì người làm mẹ sao có thể nhìn thấy con mình đau lòng, bà Dung cũng bảo ông Thành cứ sống với các con thêm vài năm nữa, còn bà sẽ về thăm ông hàng tháng nhằm ngày trăng rằm, coi như vẹn nghĩa tình đôi đường. Nghe theo lời bà Dung, ông Thành mới chịu thuốc thang đầy đủ, vượt qua cơn thập tử nhất sinh đó, chỉ tiếc cái đôi mắt tổn hại nghiêm trọng nên gần như mù lòa.
Mới đó mà đã mấy năm trôi qua ông sống được nhờ niềm tin vào việc bà sẽ về thăm.
Hôm nay cũng vậy, ông Thành đã dặn bà Linh làm những món ăn mà bà Dung rất thích, để sẵn trên bàn. Ông bước đến bên cạnh giường, lấy cái đĩa than bỏ lên máy hát rồi đặt cây kim vào và bật nút. Chiếc đĩa than quay vòng, phát ra tiếng nhạc quen thuộc. Ông Thành lại bước đến bên bàn thờ, lần tay lấy ra ba cây nhang trầm rồi châm lửa, đặt vào lư hương. Mặc dù mắt đã không còn nhìn rõ, nhưng vị trí từng món đồ vật trong phòng này ông đã thuộc nằm lòng, dù có nhắm tịt mắt cũng có thể lấy đúng món mình cần.
Sao giờ này bà Dung vẫn chưa về gặp ông?
Có bao giờ về trễ vậy đâu? Hôm nay, ông có biết bao nhiêu chuyện để nói cùng bà, nhất là về cái chết của cậu hai. Ông Thành ngồi chờ mãi, bản nhạc cứ vang lên rồi kết thúc, lại bắt đầu từ đầu.
Ở một nơi khác trong nhà, có một người cũng đang lắng nghe bản nhạc.
Đó là mợ ba Nguyệt.
Mợ ba ngồi bất động trên cái bàn nhỏ trong phòng mình, lắng nghe từng nốt nhạc chậm rãi phát ra. Cảm giác khó tả xâm chiếm mợ. Là cảm giác sợ. Mợ ba sợ bản nhạc đó, mỗi lần nó cất lên, lại thấy lòng thấp thỏm, không yên, cảm xúc đong đưa, dao động.
Một nỗi sợ vô hình không biết làm sao để giải thích.
Mợ ba đưa mắt, vô hồn nhìn quanh phòng đã sống mấy năm qua. Từ ngày cậu ba lên Biên Hòa, căn phòng càng trở nên lạnh lẽo hơn. Chợt, một cơn gió thổi vào phòng, cánh cửa sổ kêu lên kẽo kẹt rồi hé mở. Mợ ba thấy ớn lạnh, vội đứng dậy đến bên cửa sổ khép lại, kéo luôn tấm màn che ngang. Nhưng sao cửa đã đóng chặt mà mợ ba vẫn thấy cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng.
Quay người lại nhìn, mợ thấy dưới khe cửa ra vào có làn khói trắng tràn vào phòng. Chẳng lẽ cháy nhà. Khói càng lúc càng nhiều, mới đó mà đã mờ mịt cả căn phòng. Mợ ba vội vàng chạy ra mở cửa, tính thoát thân, nhưng thứ xuất hiện làm mợ giật bắn người, thụt lùi mấy bước rồi ngã khuỵu xuống phòng.
Trong làn khói mờ ảo, một bóng đàn bà mặc áo sườn xám trắng hiện ra, mái tóc bới cao để lộ cái cổ trắng ngần. Khuôn mặt không nhìn rõ đường nét chỉ nổi bật đôi quầng mắt và đôi môi đỏ quạch như máu. Bà Dung, là bà Dung xuất hiện. Mợ ba ngồi bệt trên sàn, đẩy tay lê người hòng lùi lại thoát thân. Bóng trắng vẫn đứng im, rồi đưa tay lên đầu, nhẹ nhàng rút cây trâm ngọc ra, nắm chặt trong tay như thể đang cầm một con dao nhọn. Mái tóc xõa tung trong gió.
- Tha cho tôi, tha cho tôi... Tôi lạy bà, tha cho tôi. - Mợ ba vừa run sợ nói, vừa sì sụp lạy.
Từ sau lưng bà Dung, thêm một bóng trắng nữa bước ra. Kẻ vừa hiện hình bộ dạng thê lương hơn, cái áo bà ba trắng đương mặc bê bết máu, mái tóc dài rối mù, che phủ cả khuôn mặt. Trên tóc, từng mảng bệt lại, nhìn kỹ mới thấy là máu đã đông cứng. Khi nó bước tới gần, mợ ba kinh hoàng nhận ra con Sen.
- Không, không. Tha cho tao, tha cho tao đi, Sen ơi... Tao... tao không muốn giết mày đâu. Tao lạy mày!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro