Lời xin lỗi cho những giọt nước mắt của mẹ
Mẹ tôi khóc. Những giọt nước từ đôi mắt sâu vốn đã rượi buồn của mẹ chảy trên gương mặt khắc khổ mang dấu vết của sương gió và thời gian, lặng lẽ rơi xuống khiến lòng tôi đau thắt. Trong khoảnh khắc, tôi thấy mình vô cùng có lỗi. Tôi thi đại học lần thứ ba, và lại trượt...
Khi những đứa con trai con gái cùng tuổi ở trong xóm tung tăng nhảy chân sáo trên đường làng trong niềm hân hoan khi sắp được khoác lên mình danh hiệu “tân sinh viên” của một trường đại học; khi gia đình các cô các bác là bạn của bố mẹ tôi mở tiệc ăn mừng trước ngày con cái họ nhập học trên thành phố… thì tôi lặng lẽ giấu mình trong căn phòng nhỏ và tối, không cửa sổ, không ánh đèn điện, lặng lẽ chạy trốn, giấu mình sau những giọt nước mắt trong ý nghĩ của một kẻ bại trận.
Hôm ấy trời đổ mưa. Mưa dữ lắm. Tôi lao mình chạy dầm trong mưa cho đến khi rã rời, ngã sóng soài trên cát. Cát ráp nhọn sát vào da thịt. Chỉ nghe đau nhói ở sâu mãi trong lòng.
Nửa điểm thôi, nửa điểm thi nhỏ nhoi nhưng chênh vênh giữa hai bờ Đỗ và Trượt, đủ để tất cả hy vọng của mọi người trong gia đình dành cho tôi sụp đổ.
Nửa điểm hằn lên trong khói thuốc của cha thao thức, đốt trắng đêm ngày biết tin tôi - một học sinh trường chuyên của tỉnh, niềm hy vọng của gia đình, của cả cái xóm nhỏ này thi trượt đại học. Nửa điểm hoen đỏ trong ánh mắt buồn rưng rưng, trong điệu bộ cúi mặt, thở dài của mẹ mỗi khi có ai đó hỏi thăm về tình hình thi của tôi. Những câu hỏi vô tình khứa sâu, khơi thêm nỗi buồn mênh mang trong lòng tôi và bố mẹ…
Tôi quyết định rời khỏi nhà để tránh sức ép cùng không khí nặng nề bao trùm trong gia đình. Tôi sợ phải gặp mẹ, thấy đôi mắt buồn và sâu của mẹ đăm đắm dõi nhìn về mãi xa phía thành phố... Và tôi tìm đến với rượu, theo đám bạn học cùng lớp ngày xưa, tụ tập đàn đúm, cho quên đi những muộn phiền trong cơn say… Tôi mất đi khái niệm thời gian, cứ để mặc cho mỗi ngày mới lặng lẽ đến, lặng lẽ trôi đi như thế cùng những nỗi chán chường mệt mỏi tự tôi gây nên.
Lần ấy, sau khi uống mừng sinh nhật một gã bạn trong nhóm, tôi loạng choạng bước ra khỏi quán, va phải một đứa con gái đang đạp xe ngược chiều khiến nó ngã lăn ra đất. Ngước nhìn lại, tôi giật mình… Là Nam Anh - cô em út của tôi.
Con bé lồm cồm bò dậy. Trông thấy bộ dạng tiều tụy, mái tóc dài che khuất nửa khuôn mặt cùng đôi mắt ngầu đỏ của tôi, nó ngồi co rúm lại một góc, môi ấp úng muốn gọi tên tôi mà nước mắt cứ tự dưng chảy ra, ràn rụa... "Mày mà nói cho mẹ biết thì cứ liệu hồn!" - Tôi buông một câu hù dọa rồi bước đi.
Trưa hôm sau, tôi lại ra quán, gọi một bát mì tôm ăn cho đỡ đói. Bà chủ quán đưa cho tôi một cái làn nhỏ, bảo có đứa con gái nào đó gửi cho tôi. Tôi chầm chậm mở ra. Là năm chiếc bánh mì, bên trong mỗi chiếc kẹp hai cái chả nem còn ấm…
Tôi mở mẩu giấy nhỏ gấp tư gài bên cạnh ra đọc: "Anh trai à, em là Nam Anh đây. Tại sao anh lại phải hành hạ mình như thế? Trông anh hôm qua thật sợ, không giống với hình ảnh một người anh trai yêu quý của em như trước đây. Anh về nhà đi. Mọi người lo lắng cho anh nhiều lắm! Mẹ đêm nào cũng thao thức suốt, nghe tiếng gió động lạch cạch ngoài then cửa là lại vội vàng trở dậy, tưởng anh về... Hôm nay em không đi học thêm, nghỉ ở nhà làm mấy cái nem cho anh ăn. Anh cố gắng ăn hết nhé”.
Bức thư run rẩy trên tay tôi, và những dòng chữ tròn trĩnh kia của em gái tôi đang nhòe đi trong mắt. Tôi cầm chiếc bánh lên ăn. Miếng bánh mì kẹp nem ấy ứ lại, nghẹn đắng nơi cổ họng tôi… Linh tính mách bảo dường như có ai đó đang chăm chú nhìn mình, tôi vội ngoảnh ra. Một cái đầu vội thụt vào sau gốc cây gạo, rồi quay lưng chạy vội đi, dáng nhỏ chênh chao trên con đường đầy nắng chói chang của một trưa tháng Tám...
Tôi đã không biết một điều, đêm nào mẹ cũng thao thức. Chỉ cần nghe có tiếng gió, tiếng động lạch cạch ngoài then cửa, là mẹ lại vội vàng trở dậy tưởng con về. Tôi không biết cả nhà đã lo lắng cho tôi vô cùng. Tối nào, mọi người cũng phần cơm tôi, ngong ngóng, tuy không ai dám nói ra, có lẽ vì sợ mẹ đau lòng.
Chiều hôm ấy, tôi men theo con đường sỏi đá trở về, nhưng không rẽ về nhà ngay mà tạt qua khu chợ chiều. Một ngọn gió nóng lùa qua làm lá khô và bụi đất bay lên, cuộn thành những vòng xoáy nhỏ. Tôi đưa mắt kiếm tìm…
Kia rồi, dưới mái lá của một quán nhỏ liêu xiêu, mẹ tôi đang ngồi đó với gánh hàng xén của mình. Chiếc nón trắng lụp xụp che khuất gần hết khuôn mặt của mẹ. Rồi mẹ ngước nhìn lên mời khách. Mấy sợi tóc muối tiêu lòa xòa trên trán đầy những nếp gấp thời gian. Vẫn đôi mắt ấy, đôi mắt buồn và sâu, có những quầng thâm sạm lại. Tôi rùng mình… bởi chưa bao giờ thấy mẹ tiều tụy đến như vậy.
Và bước chân đưa tôi đến đứng trước gánh hàng của mẹ lúc nào không hay. Mẹ bỏ nón ra, nhìn tôi không chớp. Hai bên má mẹ co lại, giật giật... Rồi tự dưng nước mắt mẹ trào ra, những giọt nước mắt yêu thương, xót xa. Tôi bỗng thấy hối hận, day dứt vô cùng.
Sinh nhật năm đó, tôi trốn biệt ở nhà, không đi chơi cùng đám bạn thân như mọi khi. Món quà duy nhất tôi nhận được là của cô em gái, một chiếc mũ và một cây bút. “Chiếc mũ này để anh đội đầu cho đỡ nắng. Còn cây bút này là mong anh cố gắng, thử sức một lần nữa trong kỳ thi sắp tới. Chúc anh thành công”.
Tôi miệt mài ôn thi gần như thức trắng đêm... Có một điều mà tự thẳm sâu trong cõi lòng tôi vẫn còn canh cánh. Ấy là muốn nói với mẹ một lời xin lỗi mà không đủ can đảm và tự tin. Bao lần ngượng ngùng, ngập ngừng định nói rồi lại thôi... Cho mãi đến tận hôm lên tàu đi thi, tôi định nói lời xin lỗi với mẹ mà vẫn không thể thốt ra lời, cứ lên tàu, lại chạy xuống, rồi lại chạy lên... Các anh chị thì ngơ ngác: "Cái thằng này hôm nay nó bị làm sao ấy nhỉ?", còn mẹ chỉ mỉm cười giục: "Thôi, lên ngồi ổn định đi, tàu sắp chạy rồi đấy con!"
Bây giờ tôi đã là sinh viên năm thứ tư của một trường đại học. Tôi sống trong ký túc xá của trường. Hằng đêm, bên trang giấy trắng để viết tiếp lên đó những dự định, những con đường mà tôi sẽ đi qua, sẽ vươn tới, những lúc mệt mỏi, tôi lại lấy bức ảnh của gia đình ra ngắm. Bố mẹ tôi ngồi giữa, anh chị em chúng tôi quây quần xung quanh. Vẫn cái dáng người gầy gầy nhỏ bé, chiếc áo sờn vai cùng đôi mắt sâu và lúc nào cũng rượi buồn như chất chứa bên trong một nỗi u hoài. Đôi mắt ấy làm tôi day dứt, trăn trở bao lần.
Chợt nhớ những lời răn dạy của Đức Phật sáng nay đọc được trong cuốn sổ nhỏ của cậu bạn ngồi cùng bàn: "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha...", tôi lại càng cảm thấy nôn nao, nhớ nhà da diết.
Nhất định kỳ nghỉ tới đây, tôi sẽ về - về thăm mẹ, để nói với mẹ một lời xin lỗi dẫu đã muộn màng, cho những giọt nước mắt đã rơi của mẹ... Mẹ ơi!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro