T46-50
Khi mà ai đấy nói là họ không còn gì cả, họ chỉ nói thế thôi! Ai mà chả còn cái gì đấy: còn cái giường ấm, còn cái kẹo thay cho tiền trả lại ở siêu thị, còn cái mũi vẫn đang dính ở trên mặt. Ý họ thật sự muốn nói ở đây là họ cảm thấy như họ không là gì cả. Tôi thì không biết cái nào tệ hơn, không còn gì hay không là gì, nhưng mà những người không còn gì thì có khi vẫn sẽ cố để có gì đó, còn một khi họ đã cảm thấy họ không là gì, thì chỉ có tuột dốc đi xuống mà thôi.
Không còn gì thì vẫn còn ít nhất sự đồng cảm, vì người ta chỉ hiểu được những thứ thật như thế thôi. Vậy nên mới có những ví dụ thiết thực như: "Con nhà người ta còn không có cái mà ăn kia kìa", hay "Mày còn sướng chán, trên đời thiếu gì người khổ hơn", mặc dù không ai nêu ra được tên những nhân vật bí ẩn chắc chắn khổ hơn là ai, ngoại trừ trẻ em châu Phi hay nhìn thấy trên tivi.
Những người không là gì cả còn có những cái tên thân thương khác như chảnh chọe, có phúc mà không biết hưởng hay đơn giản hơn là bị điên. Thay mặt cho tầng lớp này, tôi cũng xin nói luôn là cảm ơn các bạn làm cho chúng tôi cảm thấy số 0 thành luôn số âm. Chúng tôi không sinh ra ở châu Phi nên chúng tôi không được khổ à? Bây giờ mới biết khổ cũng là một cái quyền. Chúng tôi không được chọn địa điểm và nơi chốn chúng tôi sinh ra, cũng như chúng tôi không chủ động chọn khổ sở. Chúng tôi bị như thế đấy, và việc có người khác khổ hơn không làm chúng tôi bớt khổ đâu. Nói thế khác gì việc bảo chúng tôi không được sướng vì chắc chắn có người khác đang sướng hơn?
Vậy nên thỉnh thoảng tôi ước tôi bị bệnh ung thư để cho mọi người nhìn thấy việc tôi bệnh như thế nào.
Đấy hoàn toàn không phải là lý do tôi bắt đầu cắt, nhưng một phần rất lớn tôi rạch tay chân hàng ngày là để tự làm cho bản thân nhìn cũng bệnh như trong suy nghĩ của tôi vậy. Rạch tay không phải là sự lựa chọn đầu tiên của tôi trong việc self-harm. Nó bắt đầu bằng việc tôi có những cơn tức giận không thể kiềm chế được, và tôi hay đấm tường, đập đầu, đá vào bất kể cái gì vướng chân. Dần dần tôi nhận ra tôi thấy nguôi ngoai không phải vì được đá đấm, mà là vì trẹo vài thứ trên người làm cho cơ thể của tôi duỗi ra. Sự đau đớn làm cho đầu óc tôi tỉnh táo lên nhiều, và nó cũng làm cho cơ thể tôi chìm xuống cùng tông độ với cái đầu mệt mỏi, thế là tôi thoải mái được một lúc. Xong, cái sự hành hạ bản thân trở thành nhiều dạng với rất nhiều lý do, nó thành một cơn nghiện. Tôi thấy tôi béo quá nên thử xem có lôi được ít mỡ ra không. Tôi lo lắng run rẩy quá cho những kỳ thi đến nên tôi muốn chứng minh cho bản thân thấy là chẳng còn gì có thể tệ hơn cơn ngất trong nhà tắm khi mất máu cả, việc gì phải sợ. Tôi nhìn vào gương và thấy cái cơ thể này lạ lẫm quá, sao tôi lại ở đây, sao tôi lại là tôi? Tôi không thể chịu được ngần ấy câu hỏi trong đầu nên tôi cố gắng tách phần hồn ra khỏi phần xác, chui ra ngoài và về nơi tôi đáng nhẽ ra phải ở. Ở đâu, hay làm thế nào để về, tôi cũng không biết, tôi chỉ biết chắc chắn, khẳng định, kiên quyết: Nó không phải ở đây.
Tôi rất thích câu chuyện kể về cậu bé chăn cừu và đàn sói. Câu chuyện về cậu bé hay nói dối, hay chạy về làng và kêu lên "Sói tới rồi", rồi cười phá lên khi dân làng chạy ra thì thấy đã bị cậu lừa phỉnh và chả có con sói nào cả. Cậu làm như thế ba, bốn lần, và một ngày có đàn sói đến thật thì cậu kêu lên, không có ai tới cứu, kết quả là đàn cừu của cậu bị sói ăn thịt.
Lúc nào tôi cũng nghĩ mình sẽ chết như thế.
Bao nhiêu đơn thuốc, bao nhiêu hóa đơn nhập viện, bao nhiêu năm sống trong sự ghét bỏ bản thân tột cùng và tôi vẫn nghĩ tôi chẳng làm sao cả, tôi chỉ hay làm quá lên thôi. Cứ mỗi lần tôi gọi với ra cầu cứu, tôi lại thấy như tôi đang làm phiền mọi người và thà tôi ngồi đây chịu cơn co giật, mồ hôi lạnh toát còn hơn là điện thoại rủ bạn đi cà phê. Tôi là một gánh nặng. Tôi là một gánh nặng quá lớn so với những người xung quanh và luôn luôn tự hỏi: "Vì sao chúng nó vẫn chơi với mình?" Bạn bè nhờ vả gì, tôi chìa tay, chìa lưng, chìa tất cả cái gì chìa được ra giúp. Bạn bè cảm ơn gì, tôi chỉ thầm nghĩ rằng trời ơi, cho tao xin lỗi, cho tao xin lỗi, tao có làm bao nhiêu cũng không bù đắp được cho những thứ mày sắp phải làm cho tao đâu. Nó là một sự ích kỷ, là một cách khiến tôi nguôi ngoai, để tôi cảm thấy rằng ít ra tôi còn có ích phần nào.
Điểm khác nhau duy nhất của tôi và cậu bé chăn cừu kia, đó là lần nào tôi bảo: "Em/chị/tao chết mất", tôi tin chắc tôi sẽ chết thật. Tôi phát rồ và suy sụp ít nhất ba lần một tuần, nhưng chẳng có lần nào đỡ hơn lần nào cả. Bạn nghĩ lâu rồi cũng quen đúng không? Không phải đâu. Trầm cảm hay ở chỗ đó đó. Mọi người hay bảo là "Rồi mọi chuyện sẽ khá hơn", và đúng như thế thật, nó có khá hơn, không phải lúc nào nó cũng tồi tệ. Nhưng nó khá hơn rồi nó sẽ tệ hơn, và nó sẽ tệ nhất, và lần tệ nhất nào cũng là nhất thật. Bạn không bao giờ quen được với cái cảm giác vực thẳm ấy đâu, mặc dù bạn biết rằng ngày mai có thể trời lại sáng. Cái sự tệ hại ấy như mây mù phủ cả lên ngày trời nắng, dẫu không dông tố mịt mù vẫn cứ âm u.
Ngày mai sẽ là một ngày mới. OK, rồi sao nữa?
Tuấn Jun có một lần đã gọi trường hợp này của tôi là: "Lần nào cũng là lần cuối của lần đấy."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro