T138-144
Chuyện gì đến cũng phải đến, một ngày đẹp trời, tôi cắt đứt liên lạc với gia đình.
Sau khi ra viện, tôi trở về Việt Nam với một cảm giác thất bại đến cùng cực. Tôi hét lên với tất cả mọi người, tôi bảo là tôi muốn bỏ học, tôi không thể chịu được nữa, tôi không biết là tôi còn sống được bao lâu, thế thì cái bằng đại học để làm gì? Tôi cần được chữa bệnh, tôi cần được để yên, sự căng thẳng đang giết chết tôi. Tôi không muốn quay lại ngôi trường mà tôi chán ghét nó đến nỗi trong bốn năm liền, nơi tôi chỉ nhận diện các bạn học bằng cái gáy, đến lớp đầu tiên và ra về cuối cùng chỉ để không phải nói chuyện với ai. Nếu tôi nói chuyện với ai, tôi sợ tôi sẽ đánh nát đứa đấy ra mất, tôi cả ngày chỉ hình dung ra được cách giết tôi hoặc giết người xung quanh như thế nào.
Mẹ tôi nói: "Mất nhiều tiền lắm rồi, đi học nốt đi."
Tôi gọi Thảo, Thủy, Nam, Dương đến nhà để khóc với chúng nó, Mẹ tôi đuổi chúng nó về với lý do: "Bọn mày không xứng đáng chơi với con tao"
Bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu năm rồi, không có một cái gì thay đổi. Đơn giản là nó chuyển từ dạng chó chết này sang dạng chó chết khác. Thế là tôi tự mua vé quay lại Singapore ngay hôm đó, cắt đứt mọi liên lạc với gia đình, đồng nghĩa với việc đang sống một cuộc sống được chu cấp đầy đủ, tôi tay trắng. Tất cả mọi việc thay đổi chóng vánh giống như những quân bài domino, các sự việc cứ đổ ập xuống liên tục và đều đặn, y như thể tôi xếp đặt toàn bộ cuộc đời ra chỉ để búng nó xuống vậy.
Vào một ngày đẹp trời cuối năm 2013, tôi quyết định bắt đầu điều trị bulimia. Ngần ấy năm liền, bao nhiêu cơn đau, bao nhiêu lần nghĩ rằng mình không qua khỏi, tôi tảng lờ nó đi như lờ một bóng ma lang thang trong khóe mắt. Thế mà, đúng là giọt nước làm tràn ly, câu chuyện tôi bắt đầu nhập viện bắt đầu rất đơn giản: Trong một lần đi uống trà đá với Thảo, Thủy, Nam và Dương, tôi không thể ngồi trên cái ghế nhựa được vì mông quá đau. Xương hông không có gì để chống, chọc vào miếng nhựa cứng, tôi loay hoay, xoay đi xoay lại, và cái sự khó chịu đơn giản ấy làm tôi nhận ra tôi không còn khả năng làm cả những việc bình thường như uống trà đá nữa. Thế là ngay ngày đầu quay trở lại Singapore, tôi cắn răng lấy hết số tiền tiết kiệm ra để đi gặp bác sĩ.
Phòng bệnh rối loạn ăn uống cũng như trường quay một bộ phim hài. Toàn những em gái trẻ măng, người mỏng đến nỗi chỉ nhìn họ là bạn sẽ hiểu được nỗi đau, và hầu hết là bị bắt ép nhập viện do gia đình, bố mẹ. Các cô ngồi trong phòng, uống nước ừng ực, giấu cục nặng vào túi để cân. Chương trình chữa bệnh của viện là kê thuốc trầm cảm, khám bác sĩ tâm lý và cân hàng tuần, và các cô phải đạt chỉ tiêu tăng cân mỗi tuần theo như bác sĩ yêu cầu. Tôi đi vào khám, bác sĩ lôi cái đĩa đặt lên bàn, và hỏi tôi là em có biết khẩu phần ăn của một người bình thường trông như thế nào không? Tôi lắc đầu. Bác sĩ lắc đầu. Bác sĩ lôi ra những món ăn bằng nhựa như đồ chơi đồ hàng trẻ con, đặt lên một cái đĩa: "Đây này, ngần này thịt, ngần này rau, ngần này cơm." Tôi nhìn và nghĩ, nó bằng khẩu phần tôi ăn trong cả tuần.
Cứ thế, tôi chấp hành, không tranh cãi bất kỳ điều gì bác sĩ nói. Đều đặn, mỗi tuần tôi lên nửa cân, mỗi tuần tôi muốn chết hơn gấp đôi. Mỗi bữa ăn là một cực hình, tôi quá quen với việc ăn đồ ăn trẻ em sơ sinh, uống chỉ nước hoa quả xay cả tuần, chỉ một tí đường hay tinh bột cũng làm da tôi đau điếng mỗi lần chạm vào. Đi tắm là một trải nghiệm cực hình: Tôi bật khóc mỗi lần sờ vào lớp mỡ dần dần dày lên và nhắm mắt hầu hết thời gian ở trong nhà tắm vì sợ bắt gặp hình ảnh mình trong gương. Nhưng tôi vẫn làm. Tôi đã không còn hi vọng, tôi không biết điều gì là đúng, điều gì là sai cho tôi nữa, thì có lẽ tôi phải nghe người có khả năng hiểu biết nhất. Điều đau đớn nhất ở đây, là việc tôi lo lắng nhất lại không phải là việc tăng cân, mà là hóa đơn đi viện, nó cứ dày dày lên cùng cân nặng, cùng nỗi đau.
Tôi bắt đầu đi làm thêm giờ để trang trải tiền sinh hoạt, sau khi cả đời chưa bao giờ phải lo nghĩ đến tiền nong dù chỉ một lần. Học sinh ở Singapore thì đâu có được đi làm thêm đâu, thậm chí nếu bị phát hiện là sẽ bị đuổi cổ về nước ngay lập tức không có đường quay lại. Chính vì thế, những công việc duy nhất mà tôi có thể làm là những thứ kém đến nỗi không ai cần kiểm tra giấy tờ và tên tuổi. Bán tào phớ ở khu phố Tàu, đi dọn nhà thuê, đăng bài trên Craglist, rửa bát đĩa và phục vụ cho đám cưới, vân vân và vân vân. Tôi làm tất mà thậm chí còn không có giây phút nào để nghĩ xem làm những việc này thì có hạ thấp bản thân quá không. Từ một đứa đang nằm ăn mà điều khiển tivi rơi xuống đất cũng phải gọi ô sin ra nhặt chứ không thèm nhấc cái mông sang chảnh dậy, tôi thành một cái bàn di động, hàng đêm cầm một cái khay to gấp ba lần người đi loanh quanh cho khách V.I.P ăn những thứ bé tí xiên trên que tăm, nhặt cốc thừa và dọn bãi nôn say rượu. Có lẽ do tiếng Anh không đến nỗi và cũng "dễ bảo", tôi giữ được việc lâu nhất là làm bồi bàn chạy vặt cho các loại tiệc tùng ở một khách sạn bốn sao, mười đô một tiếng. Cứ đi học về là đi làm, tôi bắt đầu từ ba rưỡi chiều đến bốn giờ sáng hôm sau, rồi bảy rưỡi lại dậy đến trường.
Lúc ấy tôi không thể ngờ được tôi là đứa đứng bên lề, trong khoảng tối, nhìn ngắm "bọn nhà giàu" ôm nhau nhảy "sì lâu" sau những buổi đấu giá mệt nghỉ. Tôi tự hỏi, không biết ngày xưa có ai đứng ở nơi tôi đang đứng, nhìn tôi của ngày xưa với ánh mắt y hệt thế này không? Một bữa ăn tối lãng mạn trên du thuyền trị giá 10.000, 20.000, 30.000 đô, một cái bánh xe cổ đắt hơn cả cái xe năm 2015, những con cá tiệc cưới đặc biệt trị giá hơn tiền học một khóa, chắc một cái vảy của nó cũng đủ tiền mua sách giáo khoa, trong khi chi phí bữa tiệc đủ xây cả một cơ ngơi cho bất kỳ người xấu số nào mà chương trình đấu giá từ thiện này đang quyên góp cho. Buồn ở chỗ, tôi nghĩ thế nhưng tôi cũng hiểu ngay là mình đơn giản đang ghen ăn tức ở, tôi vẫn nghĩ được theo cái kiểu có tiền ngày xưa và tôi biết thừa nếu tôi đang ngồi bên kia phòng giơ cao bảng giá thì tôi chả bao giờ thèm liếc mắt sang đây. Khổ lắm, bạn vẫn hoang tưởng bạn là ai đó trong khi người ta chỉ biết gọi bạn là "em nhân viên phục vụ ơi" thôi.
Tôi học được thêm tên hai chục loại phô mai mới cho mỗi buổi buffet của các công ty truyền thông, suýt nữa thì thông thạo thêm cả tiếng Pháp, Nhật, Hàn trong cách chỉ đường cho khách ra toilet. Thỉnh thoảng nhìn thấy một đứa trẻ con xách túi Miu Miu ngồi trên ghế, chân không chạm đất, tôi lại tự hỏi không biết lớn lên nó có phải đi cao gót bảy phân đánh son đỏ để cọ sàn toilet hay không?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro