Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

--CHƯƠNG 12--

Thư của Ái Quân cuối cùng cũng viết xong, nhưng cậu chẳng kịp gửi nó đi.

Một mặt là cậu còn do dự, mặt khác bởi cậu nhận được một bức thư.

Không phải từ Giải Phóng, mà là từ một người không ngờ tới.

Là thư của mẹ Giải Phóng.

Trong thư bà nói với Ái Quân rằng mấy năm cậu rời đi này, sức khỏe mẹ Tưởng xấu đi nhanh chóng.

Không lâu sau khi Ái Quân đi, mẹ Tưởng lao lực quá mực và nhịn ăn kiệm uống, bà từng bị viêm gan cấp tính một lần, đến khi mặt vàng như nghệ mới bị mẹ Giải Phóng thuyết phục vào viện, tình trạng không chuyển biến tốt nên bà lại xuất viện. Bắt đầu từ năm ngoái, mắt bà ngày càng kém, nhìn thứ gì cũng mờ mờ không rõ. Mẹ Giải Phóng từng đón bà đến nhà ở nửa tháng, nhưng bà nhất quyết đòi về nhà mình, bảo rằng sợ Ái Quân đột ngột trở về không thấy mẹ sẽ lo lắng.

Mẹ Tưởng nói: “Bao nhiêu đứa trẻ đi Bắc Đại Hoang, đi Thiểm Tây rồi viết thư về bảo muốn cắm rễ ở nông thôn cả đời, Ái Quân cũng từng nói qua mấy lời như vậy trong thư. Thế nhưng mà…em vẫn mong nó trở về, bác đừng cười em lạc hậu, bác ạ.”

Trong thư mẹ Giải Phóng còn nói với Ái Quân, bà cùng bố Giải Phóng đang tìm cách đưa cậu về Bắc Kinh.

Tin tức này đột ngột quá, bất ngờ quá, Ái Quân hoàn toàn mất đi chủ kiến ban đầu.

Không lâu sau, quả nhiên họ làm xong thủ tục cho Ái Quân về Bắc Kinh.

Tối cuối cùng ngủ lại nhà hầm, Ái Quân gần như không chợp mắt.

Ở tại nơi này năm năm, những tháng ngày gian khổ dài đằng đẵng, nhưng khi quay đầu nhìn lại, nào có phải chẳng có niềm vui. Cậu cùng mọi người làm ruộng, lao động, cùng nhau nhịn đói, thậm chí là đi xin ăn; cùng nhau reo rắc từng chút thanh xuân xuống đất vàng, cùng với đó là chôn vùi những hy vọng.

Hơn nữa, vì có Giải Phóng mà trong những ngày tháng này vẫn còn một thứ gọi là hạnh phúc. Họ đã từng trải qua rất nhiều quãng thời gian trong căn nhà hầm này, còn cả con đường dẫn ra ngoài thôn kia bọn họ đã đi tới đi lui không biết bao nhiêu lần, từng tắm sông, từng nướng ngô trên đồng, từng đạp trên trên con dốc nhỏ.

Lần này rời đi, phải rất nhiều năm, thậm chí cả đời đều không thể quay lại, không thể nhìn lại nơi đây.

Thụy Lâm thở dài vì ghen tị, hắn đã sớm đi nằm mặc kệ mọi người, Thụy Lâm cũng buồn bã thở dài: "Lại một người nữa đi". Từ Viện Triều nói: "Đi đi thôi, đi được thì đi hết đi. Trở về nơi của mình, dẫu sao vẫn tốt hơn".

Bố Từ Viện Triều cuối cùng cũng được ‘giải phóng’, nhưng ông đã mất hết niềm tin trong phong trào vận động, chẳng còn là nhà cách mạng kiên định ngoan cố như trước nữa mà trở thành một người theo phái tự do, tâm nguyện duy nhất của ông là đưa con trai về thành phố nên đang bỏ xuống mặt mũi chạy vạy khắp nơi tìm cách, có lẽ hắn cũng sắp về Bắc Kinh rồi. Ấy thế nhưng có thể bạn gái của hắn không có hy vọng về lại thành phố, hắn cũng có khổ não của hắn.

Lúc rời đi, tất cả mọi người vẫn ra tiễn.

Vẫn là chú Thuyên Trụ lái xe, chiếc xe lớn của chú đã rách nát đến chẳng ra hình ra dáng, thế mà người trông lại già cỗi hơn cả xe.

Mãi cho tới khi rời khỏi thôn Khuê Thạch, Ái Quân vẫn chẳng nhận được chút tin tức gì từ Giải Phóng.

Sau một chặng đường dài vất vả, cuối cùng Ái Quân cũng về lại Bắc Kinh.

Lại được thấy những gạch xanh ngói bích, tháp chuông tháp trống, Thiên An Môn, đường Trường An, những con ngõ hẹp dài, những khu phố quen thuộc.

Thấy căn nhà đã cũ hơn, thấy mẹ già đón đứa con lâu ngày trở về.

Mà mẹ nào có biết, đó là đứa trẻ đã đánh mất trái tim.

Ái Quân nghe mẹ nhắc đến Giải Phóng, thì ra hắn vẫn ở phía bắc Thiểm Tây.

Mẹ lại nói với Ái Quân, sợ rằng Giải Phóng cũng sắp phải về Bắc Kinh rồi.

Ái Quân kinh ngạc vô cùng: “Anh ấy không làm bộ đội nữa ư? Chẳng phải nói muốn ở trong quân đội cả đời, trở thành đại tướng ư?”

Mẹ Tưởng bảo: “Mẹ cũng không rõ, chỉ nghe mẹ Giải Phóng nói rằng sợ thằng bé không ở được nữa. Mẹ muốn hỏi thêm nhưng mẹ Giải Phóng ậm ừ không nói, mặt trông cũng u sầu. Haiz!”

Ái Quân không gửi bức thư kia cho Giải Phóng, cậu gửi một bức thư khác, bên trong chỉ có đơn giải mấy câu, hỏi hắn: “Anh vẫn ổn chứ? Đã xảy ra chuyện gì à?”

Giải Phóng vẫn không trả lời.

Ái Quân cũng qua nhà mẹ nuôi nghe ngóng tin tức, mẹ nuôi chỉ nói vẫn muốn Giải Phóng về Bắc Kinh. Ở trong quân đội cả năm trời đều phải phiêu bạt khắp nơi, khi còn trẻ bà đã từng trải qua cảm giác này, giờ có tuổi rồi, chỉ muốn con cái ở bên.

Ái Quân hỏi khi nào thì Giải Phóng về?

Mẹ nuôi nói với Ái Quân rằng trong vòng một năm rưỡi sẽ về.

Giải Phóng sắp về rồi ư? Trong lòng Ái Quân lại nhen nhóm ngọn lửa hy vọng.

Sau hai tháng chờ đợi ở nhà, Ái Quân được phân đến một công xưởng học việc.

Đó là một công xưởng quân đội chuyên sản xuất vật tư quân dụng, tất nhiên vẫn là nhờ bố Giải Phóng giúp đỡ.

So với những đồng bạn còn ở nông thôn hay mới về thành phố và thất nghiệp thì Ái Quân cảm thấy bản thân may mắn hơn rất nhiều.

Nhà xưởng sắp xếp cho Ái Quân một thợ cả.

Là một người lớn hơn Ái Quân mấy tuổi, người gầy gầy, ít nói, trông hơi u ám, thế nhưng lại chỉ dạy cho Ái Quân rất tận tình. Anh ấy họ Thái, và có một cái tên rất thường thấy với thanh niên Trung Quốc thời bấy giờ – Vệ Đông.

Công việc khá bận rộn, nhưng đối với Ái Quân đã từng về nông thôn sản xuất mà thời điểm ấy, mọi người đều lấy việc tăng ca làm vinh dự, chẳng ai nghĩ tới mấy việc như lương làm thêm giờ hay tiền thưởng gì đó.

Từ ngày Ái Quân trở lại, tinh thần của mẹ tốt hơn rất nhiều, mỗi tháng khi Ái Quân mang tiền lương về thì mẹ đều rất vui. Thật ra lương của thợ học việc ít đến đáng thương.

Mẹ bí ẩn đóng cửa lại rồi kéo Ái Quân vào phòng, lấy từ trong tủ ra một hộp gỗ nhỏ được khóa cẩn thận, đoạn mẹ lấy một chiếc chìa khóa nhỏ ra khỏi vạt áo rồi mở chiếc hộp kia.

Bên trong toàn là tiền giấy.

Ái Quân nhìn những tờ tiết cũ nhàu nát ấy, hầu hết đều có mệnh giá rất lớn, cậu hỏi: “Mẹ à, mẹ có tiền sao không đem gửi ngân hàng?”

Mẹ Tưởng nói: “Tự mình giữ vẫn an tâm hơn. Ái Quân, con đoán xem chỗ này là bao nhiêu?”

Ái Quân lắc đầu.

Mẹ Tưởng đắc ý giơ ngón tay ra hiệu một con số.

Ái Quân kinh ngạc vô cùng. Cái xưởng nước tương nhỏ kia của mẹ một tháng kiếm được bao nhiêu chứ? Chắc chắn là buổi tối lại kiếm thêm việc để làm.

Ái Quân nói: “Mẹ à, mẹ để dành nhiều tiền thế này làm gì? Bản thân lại chẳng nỡ ăn, chẳng nỡ mặc. Về sau con nuôi mẹ, mẹ mau mau đem tiền đi gửi ngân hàng đi.”

Mẹ Tưởng bật cười bảo: “Đứa ngốc này, con không biết mẹ để dành tiền làm gì thật ư?”

Ái Quân cũng cười: “Con không biết thật.”

Mẹ Tưởng nói: “Con trai à, để cho con lấy vợ đó. Mẹ muốn bế cháu rồi.”

Trong đầu Ái Quân nổ cái ầm: “Mẹ à!"

Ái Quân nói: “Mẹ ơi, tiền mẹ để khám mắt đi.”

Mẹ bảo: “Có tuổi rồi, mắt mũi không tốt là chuyện bình thường. Giờ chữa khỏi mắt thì lỡ dở chuyện chung thân đại sự của con, mẹ gấp đến mờ cả mắt ấy chứ.”

Mẹ muốn Ái Quân đi xem mắt.

Mẹ kể phía nữ là con gái đồng nghiệp trong xưởng của mẹ, ngang tuổi Ái Quân, anh chị cô bé đều đã về nông thôn, còn cô bé bởi là con út, mẹ không nỡ rời xa nên giữ lại thành phố. Bây giờ đang làm y tá, công việc tốt, tướng mạo cũng ổn, đã hẹn chủ nhật này gặp mặt nhau.

Ái Quân nắm chặt đôi bàn tay đã đổ đầy mồ hôi lạnh, nói với mẹ: “Mẹ à, con còn nhỏ mà, đợi thêm thời gian nữa cũng được.”

Mẹ Tưởng cười bảo: “Nhỏ gì mà nhỏ, lúc bố con bằng tuổi con là đã làm bố được ba năm rồi. Ái Quân, nghe lời mẹ, nhé? Nhân lúc mẹ vẫn còn nhìn được, để mẹ nhìn con dâu với cháu nội.”

Ái Quân chỉ cảm thấy lòng mình như bị nhúng trong chảo dầu sôi, một gáo dầu sôi do chính tay mẹ đổ. Nghĩ tới cảnh mẹ chắt chiu từng đồng từng cắc, làm sao cậu có thể cất ra từ ‘không’ đây?

Một gáo dầu sôi là Giải Phóng dội, hắn dùng sự im lặng của mình để che đậy tất cả quá khứ.

Ái Quân lại viết thư cho Giải Phóng.

Cậu nói với hắn: Giải Phóng, mẹ em bảo em đi xem mắt rồi.

Địa điểm là bên bờ hồ trong công viên nhỏ.

Thời ấy, đám thanh niên đi xem mắt tựa như đặc vụ gặp mặt.

Ái Quân mặc chiếc áo khoác màu xanh mới mà mẹ nhất quyết bảo cậu mặc, áo được mẹ ủi phẳng phiu, cổ áo cứng ngắc cọ vào cổ cậu, cả người Ái Quân cứng đờ tựa con rối.

Lúc cô gái đến đeo khẩu trang, trên tay cầm ký hiệu đã ước định sẵn: một tờ nhật báo nhân dân.

Ái Quân tiến lên đón.

Cô gái nhìn cậu cùng tờ báo trong tay, đoạn tháo khẩu trang xuống.

Đó là một cô gái thanh tú, đôi mắt nhân hậu, tóc ngắn, lời lẽ nhẹ nhàng.

Ái Quân vốn có thể cùng cô ấy cử án tề mi (*)

(*) Cử án tề mi: Câu thành ngữ này có ý là chỉ người vợ kính yêu chồng, hoặc vợ chồng cùng kính trọng và thương yêu lẫn nhau

Nếu như không có Giải Phóng.

Nhưng ‘nếu như’ này nào có tồn tại.

Đầy ắp trong lòng Ái Quân đều là Giải Phóng.

Mà Giải Phóng vẫn chẳng có hồi âm.

Ái Quân lại gửi thư cho hắn, hết bức này tới bức khác.

Cậu viết: Giải Phóng, mẹ em muốn nhanh chóng kết hôn. Có lẽ là trong năm nay. Giải Phóng, khi nào thì anh về?

Cô gái cùng gia đình rất vừa ý Ái Quân, bệnh viện của cô cách đơn vị Ái Quân không xa, có hai lần cô mang cơm nhà làm đến công xưởng gọi Ái Quân ra, nhét hộp cơm vào ngực cậu rồi chạy mất.

Cô gái đơn thuần, khiến cõi lòng Ái Quân tràn ngập cảm giác tội lỗi.

Mấy hồi dằn vặt như thế, Ái Quân sinh bệnh, đến chiều thì phát sốt, cả người đổ đầy mồ hôi lạnh, nhưng cậu không nói với ai.

Thỉnh thoảng khi làm việc cũng bắt đầu quên trước quên sau.

Thợ cả Thái Vệ Đông phát hiện cậu hồn bay phách lạc, lúc rảnh rỗi hỏi cậu: “Nghe nói em có người yêu rồi?”

Ái Quân vô thức đáp: “Không, không có.”

Thái Vệ Đông khẽ cười: “Có gì đâu. Đến tuổi rồi, có người yêu là chuyện rất bình thường.”

Ái Quân ậm ừ, không đáp lời.

Cậu không quá thích nụ cười của Thái Vệ Đông.

Người thầy này tính tình không tệ, làm việc cũng tốt, lại cẩn thận chỉ bảo cậu, thế nhưng cậu vẫn không thích nụ cười của anh ta. Trông chẳng vui vẻ gì, ngoài thì cười đấy, nhưng trong mắt lại tràn ngập sương mù.

Thái Vệ Đông cũng chẳng nói gì nữa, nhướn mày nhìn Ái Quân rồi đột nhiên lại khẽ cười.

Ái Quân rùng mình một cái, dưới ánh nhìn của anh ta cậu cảm thấy một nỗi hoảng sợ tựa như không còn nơi nào để trốn.

Giải Phóng vẫn không có tin tức gì. Ái Quân cũng không viết thư nữa.

Hôm nay khi tan làm, lúc đi ngang qua một quán ăn, cậu thấy một đám người đang hội đồng một người đàn ông.

Người đàn ông kia bị đánh đến lăn lộn trên mặt đất, ấy thế nhưng lại phát ra tiếng cười khàn kỳ quái, không ngừng kêu to: “Thoải mái! Chao ôi, thoải mái lắm!”

Khi người này lăn đến bên chân Ái Quân, cậu nhìn thấy khuôn mặt máu me cùng nụ cười đẫm máu của hắn ta, đó là gương mặt mà Ái Quân quen thuộc.

Ái Quân gắng hết sức thay hắn cản những cú đấm đá: “Xin thứ lỗi, xin thứ lỗi. Các vị xin hãy dừng tay lại, kẻo đánh chết người ta. Anh ấy là bạn tôi, có chỗ nào không đúng tôi xin thay mặt anh ấy tạ tội.”

Một người đàn ông tức giận nói: “Bọn tao đang ăn thì thằng này rượu say lao lên gây hấn. Quần áo tao bị nó xé rách rồi.”

Ái Quân móc tiền ra, nhét vào tay người nọ: “Tôi đền. Xin bỏ qua cho anh ấy, ngài đây đại lượng đừng tính toán với kẻ say.”

Nhóm người kia rời đi.

Đám đông cũng từ từ tản ra.

Ái Quân đỡ người trên mặt đất dậy: “Viện Triều, Viện Triều, nào, đứng dậy, còn đi được không? Về với tôi.”

Ái Quân đưa Từ Viện Triều về nhà mình.

Mẹ Tưởng nheo mắt nhìn một hồi mới rõ người đến, vội đi rót nước tìm thuốc.

Ái Quân giúp Viện Triều lau rửa.

Mẹ Tưởng nói: “Mới nãy mẹ nhìn nhầm, còn tưởng là Giải Phóng cơ. Thằng bé ấy hồi nhỏ cũng hay đánh nhau với người ta sưng cả mặt rồi chạy đến chỗ mẹ.”

Người nói vô tâm, người nghe hữu ý, tay Ái Quân khẽ dừng, mí mắt run run.

À, Giải Phóng, Giải Phóng lỗ mãng liều lĩnh, khắp mặt đầy vết thương nhưng vẫn lộ ra nụ cười chẳng sao cả.

Viện Triều vẫn chưa tỉnh lại.

Mẹ Tưởng lại nói: “Tụi trẻ bọn con, có gì mà không từ từ nói được, lại đánh nhau thành thế này, bố mẹ đau lòng biết bao.”

Viện Triều ngẩn người nhìn mẹ Tưởng một hồi, bỗng nhiên kéo tay Ái Quân mà khóc lớn.

Ái Quân chưa từng thấy người đàn ông trưởng thành nào khóc thảm thiết như vậy. Trong ký ức của cậu, Viện Triều thành thục, ổn trọng, có thể dựa vào, trước giờ cậu chưa từng nghĩ hắn sẽ khóc như một đứa trẻ bất lực thế này.

Ái Quân vỗ vai hắn: “Viện Triều, Viện Triều, đã xảy ra chuyện gì? Anh về thành phố từ bao giờ?”

Viện Triều nức nở nói: “Mới về được một tháng. Mới một tháng thôi, mà mày nói xem, tại sao Hồng Anh lại không còn nữa rồi?”

Hồng Anh là bạn gái của Viện Triều, vẫn ở lại Thiểm Tây.

Ái Quân có dự cảm không tốt: “Chị Hồng Anh làm sao vậy? Không còn tức là sao?”

Viện Triều nắm chặt tay Ái Quân, ngước đôi mắt đỏ hoe lên nhìn cậu: “Hồng Anh nhảy sông rồi! Nửa đường tao trở về Bắc Kinh thì có chuyện, khi tao quay trở lại thì chỉ thấy mộ của cô ấy.”

Nhất lời trong đầu Ái Quân vang lên những tiếng vang lớn. Hồng Anh, cô gái trầm tĩnh với khuôn mặt tròn luôn nở nụ cười dịu dàng lại bình thản ấy, trong những tháng ngày gian khổ nhất cũng chẳng thấy cô oán thán bao giờ. Mấy năm này, quần áo của cậu cùng Dược Tiến, Viện Triều đều do cô ấy vá cho.

Ấy thế mà người lại bỗng nhiên chẳng còn nữa.

Viện Triều nói: “Ái Quân, tao muốn quay về đó, tao muốn làm rõ tại sao cô ấy lại nhảy sông. Không ai nói với tao. Không ai chịu nói với tao sự thật.”

Ái Quân bảo: “Được rồi, tôi hiểu. Nhưng hiện tại anh thế này thì không thể về được. Chờ anh bình tĩnh lại đã. Rồi sẽ làm rõ ràng thôi, một người đang yên ổn, không thể nào vô duyên vô cớ mà chết thế được.”

Tối hôm ấy, Ái Quân giữ Viện Triều ở lại.

Trong cơn mơ, Viện Triều vô thức gọi tên Hồng Anh.

Ái Quân lay tỉnh hắn, rót nước cho hắn uống.

Viện Triều đột nhiên hỏi: “Ái Quân, Giải Phóng không có tin tức gì à?”

Ái Quân lắc đầu.

Viện Triều im lặng một lát lại nói: “Ái Quân này, tụi mình sao vậy nhỉ? Tại sao bỗng nhiên lại chẳng còn gì thế này?”

Ái Quân đáp: “Tôi không biết. Tôi không biết.”

Thật vậy, tại sao bỗng nhiên, lại chẳng còn lại gì thế nhỉ?

Dưới sự thúc giục của mẹ, Ái Quân cứ thế kết thân với cô y tá tên Cổ Lan kia.

Cuối tuần, hai người cùng nhau ra ngoài, chầm chậm đi dọc con hào. Cả hai chẳng nói quá nhiều, ở giữa cách nhau một thước. Cũng không tính là không vui. Cổ Lan không phải kiểu con gái khiến người ta ghét. Cô an tĩnh biết điều, Ái Quân cũng chẳng phải kẻ ngốc, cậu có thể nhìn ra Cổ Lan đang vui vẻ, có một chút niềm vui thoát ra khỏi vẻ dè dặt của cô gái, tựa như tín hiệu của đầu xuân e ấp từ những chồi non xanh mướt trên cành.

Cổ Lan tất nhiên là vui rồi, Tưởng Ái Quân dáng người thon dài, mặt mũi sạch sẽ, tuy xuất thân bình dân nhưng lại vô cùng đoan trang đứng đắn, không có thói hư tật xấu; lại từng về nông thôn, chịu thương chịu khó, biết tốt xấu, hơn nữa còn làm trong công xưởng quân đội, là người yêu lý tưởng trong lòng các cô gái. Gia cảnh tuy không khá giả, nhưng thế có làm sao? Nhà mình chẳng phải cũng vậy ư? Gả chồng xem nhân phẩm, không xem gia thế, Cổ Lan cũng đâu sợ nghèo khó.

Thế nhưng Ái Quân biết rằng, đây chẳng phải hạnh phúc mà cậu muốn.

Không phải.

Hạnh phúc của cậu, tất cả gắn với nụ cười của một người tên Giải Phóng, gắn với gần hai mươi năm cậu cùng hắn san sẻ.

Thế nhưng hạnh phúc của cậu, nay đã biệt vô âm tín.

Đã bao lâu không nhìn thấy Giải Phóng rồi nhỉ?

Đếm bằng đầu ngón tay thì cũng được hơn nửa năm rồi.

Mẹ của Cổ Lan từng là thầy của mẹ Ái Quân, từ đầu năm bắt đầu mắc trọng bệnh, sắp không xong rồi. Bà nói rằng trước khi qua đời, một là muốn gặp con trai và con gái lớn đã về nông thôn, hai là muốn thấy con gái út thành gia.

Mẹ Tưởng cũng có ý này, bà đóng cửa lại nói cho Ái Quân nghe.

Không phải Ái Quân chưa từng nghĩ tới ngày này, chỉ là nó tới sớm quá.

Ái Quân nói với mẹ, cậu muốn nghĩ một chút.

Cậu vẫn muốn cố gắng lần cuối cùng.

Ái Quân viết bức thư cuối cùng cho Giải Phóng. Cậu nói với chính mình rằng, nếu như lần này vẫn không có hồi âm thì cậu sẽ buông tay.

Trong thư Ái Quân viết: Giải Phóng, em phải kết hôn rồi. Định vào cuối năm nay. Giải Phóng ơi, em phải làm sao đây?

Giải Phóng ngồi trên xe lửa về Bắc Kinh.

Trong khoang chật ních người.

Phần lớn là những người quần áo xộc xệch, sắc mặt vàng vọt; chất đầy giá hành lý là túi lớn túi nhỏ cùng hành lý và chăn bông cũ; dưới ghế ngồi nhét kín những giỏ cùng hàng hóa. Thỉnh thoảng sẽ có người mặc quần áo cán bộ màu xanh lam, xách túi da nhân tạo chen qua dòng người, và còn có những người lính như Giải Phóng.

Trong đám đông, chiếm số lượng nhiều nhất là những thanh niên trạc tuổi Giải Phóng, trông họ mệt mỏi, giữa hàng lông mày đẩy vẻ chán nản cùng oán giận, và cả những nghi ngờ, lo lắng về tương lai.

Giải Phóng có thể nhìn ra đó đều là những thanh niên về nông thôn sản xuất, có người chắc là về lại thành phố, nhưng cũng có người xem chừng xin nghỉ ốm, tính về Bắc Kinh rồi ở lì lại chẳng quay lại nông thôn nữa, hoặc là để chạy vạy tìm cách xin về thành phố.

Bản thân Giải Phóng thì chỉ mang theo một chiếc cặp quân dụng bên mình.

Trong cặp đầy ắp thư của Ái Quân.

Nếu như mở ra xem thì có thể nhận ra cạnh tất cả các lá thư đều bị mòn hết cả, rõ ràng là đã được đọc vô số lần.

Giải Phóng ôm cặp vào trước ngực.

Từng câu từng chữ trong thư của Ái Quân, hắn gần như có thể thuộc vanh vách. Mỗi lần đọc đều như thể Ái Quân đang thì thầm bên tai, giọng Ái Quân rất nhẹ, nhưng nỗi thất vọng và bi thương trong đó thì nồng đậm đến mức chẳng thể nào xua tan nổi.

Ngày ấy bỏ chạy từ thôn về doanh trại, hôm sau Giải Phóng bị giam lại.

Giải Phóng vốn đã có mâu thuẫn nhỏ với trung đội phó, nay bởi trong lòng nôn nóng không yên nên một lời không hợp liền ra tay động thủ.

Mà một số cán bộ xuất thân nông thôn và bình dân vốn không ưa đám con ông cháu cha như Giải Phóng. Thân là một cán bộ mà Giải Phóng lại động thủ đánh người, ảnh hưởng phải nói là vô cùng xấu. Ba ngày sau, Giải Phóng mới được thả ra khỏi phòng giam.

Cấp trên của Giải Phóng là đồng đội cũ của bố hắn, ông tạm thời cách chức hắn rồi điều đến bên cạnh mình.

Không bao lâu sau, từng lá thư của Ái Quân được gửi đến.

Có rất nhiều lần, Giải Phóng nhấc bút lên nhưng chỉ viết hai chữ ‘Ái Quân’ lên giấy là không sao viết tiếp được nữa.

Giải Phóng cảm thấy mình như thể bị chia làm đôi, một người muốn bay về thôn tìm Ái Quân, ôm cậu vào lòng không bao giờ buông tay. Còn người kia vẻ mặt u ám, ngồi trên mảnh đất trong lòng, tựa như đã bén rễ ở đó, sợi rễ đó chính là nỗi sợ hãi. Nỗi sợ với chính sự việc này và với tương lai.

Giải Phóng bắt đầu thích uống rượu.

Giải Phóng của hiện tại gần như là một kẻ nhàn rỗi. Khi rảnh rỗi thì có quá nhiều thứ ập vào tâm trí, giống như sóng lớn va vào bãi đá, Giải Phóng không thể chịu được cơn chấn động hết ngày này đến ngày khác ấy nên hắn thường mua rượu rồi tối đến uống ngà ngà say.

Cuối cùng vào một tối nọ, hắn uống quá nhiều rồi ngủ gục trên bàn trong ký túc xá. Hắn đột nhiên bị một chậu nước lạnh đánh thức, lúc này mới phát hiện ra thủ trưởng đang ngồi trước mặt.

Thủ trưởng nói: “Đi rửa mặt sạch sẽ cho tôi, đừng để tôi thấy cái bộ dạng chẳng ra sao thế này.”

Chờ Giải Phóng quay lại, thủ trưởng đập một phong thư trước mặt hắn.

Đó là thư của Ái Quân, ban nãy Giải Phóng vừa đọc trước khi say.

“Ái Quân là ai?”

Cơn say của Giải Phóng lập tức bay biến.

“Nói!”

“Là…một người bạn học.”

“Người này hiện đang ở Bắc Thiểm Tây?”

“Vâng.”

“Úc Giải Phóng! Anh sống hồ đồ rồi, muốn đi vào đường chết phải không?”

“Tôi…”

“Anh có biết người không được mắc sai lầm trong chuyện gì nhất không?”

“Thưa, có biết ạ. Vấn đề tác phong.”

“Anh cũng biết vậy?!” Thủ trưởng đánh một cái vào đầu Giải Phóng: “Tôi thay bố anh đánh chết anh! Chuyện của anh chẳng là gì với vấn đề tác phong anh biết không? Anh đây là làm càn! Đó là tội đáng xấu hổ nhất, không thể nhắc đến nhất trên đời anh hiểu không?”

Trước mắt Giải Phóng lóe qua buổi tối hôm ấy, khoái cảm sục sôi, hai người đàn ông làm tình, một tội lỗi còn đáng xấu hổ hơn loạn luân.

Thủ trưởng nói tiếp: “Tôi sẽ không nói với bố mẹ anh. Nhưng nơi này, anh không thể ở lại nữa. Tôi sẽ nhẹ nhàng nói chuyện với họ, để họ đưa anh về Bắc Kinh. Anh thu tâm lại cho tôi. Chuyện này, cứ để nó mục nát trong lòng anh và tôi đi.”

Từ đó về sau, Giải Phóng không nhận được thư của Ái Quân nữa.

Nhưng thư của mẹ thì hắn vẫn nhận được.

Mẹ nói với hắn, Ái Quân sắp về Bắc Kinh rồi.

Giải Phóng không báo lại với thủ trưởng tin này.

Đúng vậy, tại nơi sâu nhất trong trái tim hắn vẫn nhen nhóm chút hy vọng.

Đôi khi, Giải Phóng sẽ nghĩ, Ái Quân sao có thể là một kẻ vô liêm sỉ chứ? Có đánh chết thì Úc Giải Phóng hắn cũng không thừa nhận điều này.

Vậy Úc Giải Phóng có phải kẻ vô sỉ không? Một kẻ đi ngược lại luân thường đạo lí? Không, cũng không phải.

Vậy rốt cuộc là vấn đề ở đâu?

Tại sao đến giờ phút này rồi mà trong lòng hắn vẫn nhớ thương Ái Quân? Nhớ khuôn mặt tươi cười, giọng điệu vui vẻ của cậu, nhớ những tháng ngày cùng cậu trải qua, niềm vui ấy không phải giả, cũng chẳng hề xấu xa.

Sau đó, trong thư mẹ nói với Giải Phóng rằng Ái Quân đã về Bắc Kinh rồi.

Cho nên qua một thời gian, Giải Phóng nói với thủ trưởng hắn muốn về Bắc Kinh một chuyến, vừa hay thương lượng với người nhà chuyện chuyển đơn vị.

Thủ trưởng đồng ý.

Ngày Giải Phóng xuất phát, hắn lại nhận được thư của mẹ, mẹ nói Ái Quân sắp kết hôn rồi.

Giải Phóng vẫn muốn về thăm Ái Quân.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #dammy