Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Zhihu Ask: Bài văn thi Đại học hay nhất mà bạn từng đọc?

[WALL OF TEXT]
Ask: Bài văn thi Đại học hay nhất mà bạn từng đọc?

1. [+23429 likes]

Bài văn thi Đại học năm 2006 của Bát Nguyệt Trường An.
Đề bài: "Số người đọc sách giấy ở nước ta càng ngày càng ít, năm 1999, có 60% dân số đọc sách, đến năm 2001 chỉ còn 52%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Tại sao người thời nay không đọc sách? Kẻ trung niên bảo không có thời gian, người trẻ bảo không có thói quen ấy, còn có kẻ nói không có tiền mua. Mặt khác, số người đọc sách trên mạng ngày càng gia tăng. Năm 1999 là 3.7%, đến năm 2003 đã đạt 18.3%. Nắm rõ mọi mặt của tư liệu, sau đó đưa ra một khía cạnh cùng một góc độ, thí sinh tự quyết định tên bài và câu hỏi đặt ra."

Lắng nghe câu chuyện của tôi, đừng cất bước.

Tôi đứng trong tủ, nhìn bạn sau lớp kính thuỷ tinh, bạn cầm theo chiếc walkman (đài cát sét nhỏ để nghe nhạc), chân đặt trên chiếc ván trượt, vội vã lướt qua. Tôi mỉm cười, ngóng theo bạn, bạn thắt cà vạt, tay xách chiếc cặp công sở, bóng hình của bạn dần dần bị biển người kia che khuất. Tôi hỏi bạn, có thể lắng nghe câu chuyện của tôi không? Bạn xua tay rồi nói, xin lỗi, tôi không có thời gian. Nhưng thật sự là thế ư? Vậy tại sao tôi lại thấy sự hài hước đầy dung tục của chương trình giải trí chiếu tối qua trong đôi mắt bạn, ngửi được vị tanh còn sót lại trong những cuộc nhậu say xỉn? Xin bạn đừng nói dối, bạn đã lãng phí sinh mệnh này vào những việc vô bổ rồi mà.

Có lẽ bạn không hiểu, người ta bảo cái hồn của dân tộc được khắc lại bằng từng con chữ trên sống lưng của tôi, để rồi truyền hết đời này sang đời khác. Đúng vậy, tôi là phương tiện truyền tải, chở theo những cuộc chinh phạt của Hoàng đế La Mã, chở theo sự cứu rỗi của Chúa Jesus. Tôi mang trên mình dòng máu chảy dọc suốt năm nghìn năm lịch sử của Hoa Hạ, bước về phía bạn, nói cho bạn biết sao giờ lại phải vùi đầu cực khổ để múa bút thành văn, nói cho bạn biết bằng cách nào mà mảnh đất dưới chân bạn lại vùng dậy để trở thành phương Đông của thế giới. Mà chẳng phải mặc kệ bạn, nhìn bạn đi về phía sương xám mịt mờ.

Có người nói, sự bao la hùng vĩ của sinh mệnh được hoà tan vào trong máu của tôi, từng trang giấy dày nặng xoa dịu những vội vàng, nóng nảy. Đúng vậy, tôi là nơi dốc hết bầu tâm sự, tôi kể cho bạn nghe về chuyện sống lại của Cachiusa, những đau thương của ruồi trâu. Tôi đưa bạn đi phá bỏ lời nguyền đầy hèn mọn cùng với Jane Eyre, đưa bạn giương buồm ra khơi cùng với Hag Belly. Tôi hiểu bạn, có lẽ bạn cũng sợ hãi đêm tối như Jane Eyre, cũng mong ngóng phương xa như Hag Belly, thậm chí bạn còn đam mê tiền bạc như lão Grandet. Tôi chỉ muốn được đồng hành cùng bạn dưới ngọn đèn đặt đầu giường, để câu chuyện nơi tôi vẽ nên giấc mơ của bạn, đêm này qua đêm khác, một ngày kia, bạn tỉnh giấc, giật mình nhận ra mình đã có đôi cánh bay lượn khắp trời cao.

Bạn quay người bỏ đi, bạn không hiểu, nhưng có người hiểu được. Người ấy chinh chiến vất vả từ Nam ra Bắc, nhưng người ấy vẫn mượn chút ánh nến bập bùng trong lầu tám góc để tường tận từng đốm lửa tri thức nơi tôi. Bạn có biết những đốm lửa ấy đã cháy lan ra thế nào, đã góp công cho đất nước ta ra sao không? Giữa thời loạn lạc, ba nước phân tranh, người ấy dù bận trăm công nghìn việc, nhưng vẫn làm gương đọc ngàn chữ một ngày để khuyên răn kẻ dưới. Bạn có biết giai thoại thiên cổ "Kẻ sĩ ba ngày không gặp đã phải nhìn bằng con mắt khác" về người được khuyên răn ấy không? Còn có vị tiên sinh nọ, người ấy chỉ để lại mỗi chữ Hồ rồi trao tôi cho một cậu thanh niên thời đại mới, khi mà cả hai chẳng quen biết gì. Tôi chỉ nghe thấy người ấy nói: "Vì hi vọng, vì tương lai."

Tôi vẫn đang kể, nhưng tôi không níu được bước chân của mọi người.

Có người khẽ nói với tôi: "Bạn đừng buồn." Tôi nhìn thấy thân xác của mình bay lên, rời bỏ trang giấy, rồi toả sáng trên những màn hình quang phổ. Tôi nhìn thấy ánh mắt chăm chú của một người, và rồi nhiều hơn, nhiều hơn nữa... Tôi mỉm cười, đây là một cách thức cho và nhận hoàn toàn khác của thời đại này. Nếu vậy có thể khiến bạn, kẻ hối hả kia xoay người lại, thì tôi cam lòng bỏ qua hương sách thấm đượm ngàn năm. Nếu câu chuyện của tôi có thể truyền lại đời đời, tôi sẽ chẳng để ý thân phận của người kể lại.

Chỉ cần bạn lắng nghe câu chuyện của tôi, đừng rời khỏi.
____________________

2. [+29308 likes]

Đề bài: Tuổi xuân sống mãi.

Tuổi xuân vội qua, tuổi xuân còn mãi.

Tôi nghĩ, có lẽ tuổi xuân của chiếc gối đầu ủ hạt cỏ khô, tuổi xuân của bà cô họ, cùng với tuổi xuân của ngôi làng này, chúng đang vội vã lướt qua.

Chẳng hạn như khi chiếc răng đầu tiên của bà cô họ rụng xuống, như khi căn nhà cũ nằm đầu thôn chẳng ai sửa chữa, đổ sụp xuống, rồi cả khi chiếc gối đầu nhét đầy hạt cỏ khô chả ai đoái hoài kia bục ra thành từng mảnh bé con con bởi bàn tay vân vê chẳng ngớt của bà cô họ, người trong làng đổ xô ra tựa như những hạt cỏ khô ấy vậy, tản khắp bốn phương trời.

Nếu chúng ta gọi quá trình ấy là già đi, vậy thì cái gì mới được gọi là tuổi xuân?

Là khi hàm răng đều tăm tắp, chắc khoẻ của bà cô họ có thể linh hoạt cắn đứt nhánh cỏ, tôi nghĩ ấy là lúc bà còn trẻ. Là khi bà có thể thức dậy vào lúc bốn giờ rưỡi sáng, rồi cười nói ríu rít, khoác tay những người phụ nữ khác trong thôn ra đồng thu hoạch hạt cỏ, tôi nghĩ ấy là khi bà còn trẻ. Là khi năm nào tôi cũng được đổi một chiếc gối đầu mới tinh, trong ấy đựng đầy những hạt cỏ vừa phơi khô thấm đượm chút hương đất nồng nàn, tươi mát, tôi nghĩ ấy là khi chiếc gối còn trẻ. Là khi khắp làng rộn rã tiếng trò chuyện, tiếng gà gáy mỗi sớm hôm, rồi tiếng chó sủa ngân vọng nữa, tôi nghĩ ấy là khi ngôi làng này còn trẻ...

Hình ảnh sống động nhất trong trí nhớ của tôi có lẽ bóng lưng của bà cô họ lúc bước ra cửa mỗi sớm mai. Lúc đó bà còn trẻ như vậy, tràn trề sức sống như vậy, bà rón ra rón rén đẩy cánh cửa gỗ cũ, bám đầy bụi thời gian kia. Dù vậy, tôi vẫn tỉnh lại ngay khi tiếng cửa kẽo kẹt vang lên, tôi đưa mắt nhìn bóng lưng nhỏ nhắn của bà ẩn hiện giữa những tia nắng mai nhảy nhót lọt qua khe cửa, cái bóng ấy thẳng tắp, phe phẩy chiếc đuôi sam dài. Từ đầu hạ đến cuối đông, chùm nắng hôm ấy cũng chuyển từ màu đỏ phớt sang tím đậm, từ tuổi hai mươi đến bốn chục, bóng lưng thẳng tắp của bà dần dần khọm xuống...

Tôi vẩy một nắm hạt cỏ khô thơm mùi nắng khi đứng trước mộ của bà cô họ. Ung thư gan cướp đi tính mạng chẳng già dặn gì nhiều của bà. Nhưng tôi biết, khi hầu hết người trong làng đều vội cất bước xa quê, nghĩ trăm phương nghìn kế để đặt chân chốn thị thành, để có được chiếc gối đầu lông vịt, thì bà đã chẳng thể trở về với tuổi xuân của mình.

Quay đầu nhìn lại, con đường mòn ướt nhẹp, mọc đầy cỏ dại ngày nào giờ đã cuồn cuộn bụi từ xe ô tô. Dọc nẻo đường xi măng rộng thênh thang ấy, là những căn nhà hai ba tầng vừa mới xây, còn những con người giữa cái làng lạ lẫm, mà đâu, là những con người giữa cái đất nửa tỉnh nửa quê này, họ lái xe hơi, gối đầu lên chiếc gối chứa đầy lông vịt, sống một thời trẻ hoàn toàn khác biệt.

Lòng này tự nhiên lại thấy thoải mái đến lạ.

Chẳng có ai sẽ mãi mãi không già, nhưng vĩnh viễn có người đang sống thời xuân trẻ. Tôi cũng từng cố chấp muốn níu giữ, nhưng thứ tôi muốn níu giữ ấy là tuổi xuân của bà cô họ, là tuổi xuân của ngôi làng này. Tuổi xuân đó vội vụt qua, nhưng vẫn sống mãi trong lòng tôi. Còn những người khác, họ cũng đang nối tiếp một tuổi xuân đầy mới mẻ của họ, của ngôi làng này.

Gối lên chiếc gối đầy hạt cỏ khô mà bà cô họ để lại, bên tai là từng tiếng va chạm sột soạt, tưởng như đám cây cỏ kia đang vội vã đâm chồi, nảy lộc bên trong chiếc gối đầu này. Hết đông rồi lại về với xuân, bên trong chiếc gối kia lưu giữ cả một khoảng năm dài tháng rộng, chúng chẳng bao giờ già đi. Lớp vải bông cũ khẽ chạm vào mặt tôi, nó ấm áp tựa như bàn tay của bà cô họ vậy. Tiếng còi ô tô từ ngoài đường truyền lại, cả tiếng ầm ì của máy thu hoạch nông sản kiểu mới nữa, lạ lùng thay, tôi lại chẳng thấy chói tai.
______________________

3. [+5689 likes]

Đề bài: Tuổi xuân sống mãi.

Thanh xuân vạn tuế.

Hôm chuyển nhà, cứ mỗi lần dọn xong một rương quần áo là ba tôi lại ngồi trên mép giường một lúc, chẳng nói chẳng rằng gì cả. Mẹ tôi có tật viễn thị, hễ đụng vào mấy thứ nhỏ nhỏ là mẹ phải đưa ra xa rồi híp mắt lại thì mới thấy rõ, nào là cúc áo, dây thắt nút, cái gì cũng gom lại, mẹ chậm rãi xếp chúng vào một cái túi vải nhỏ nhìn khá mộc mạc.

Già hết rồi... Tôi chống nạnh đứng giữa phòng, lòng này lại thấy man mác đến lạ: Cuối cùng, tuổi trẻ cũng chẳng chiến thắng được cuộc sống, vở kịch ấy rồi sẽ đến lúc kết thúc, ảnh chụp rồi sẽ phai màu, thời gian tựa như cơn lũ cuồn cuồn cuốn trôi...

Đã xảy ra chuyện gì vậy? Nhìn hai chồng sách "Giáo trình sơ cấp tiếng Nhật" có bìa ngoài màu xanh nước biển, góc hơi quăn y đúc nhau, tôi thấy xúc động vô cùng, lồng ngực như muốn vỡ oà ra vậy. Tôi mở trang đầu, chữ ký xinh đẹp của mẹ cùng nét bút hào phóng của ba vẫn hoài hiển hiện nơi ấy.

Tôi cầm sách, chạy vội vào phòng khoe với ba mẹ. Tôi tưởng như có thể nhìn thấy đôi mắt của họ "kẽo kẹt" ngay tắp lự, kia chính là tiếng mở cửa về với những kí ức xưa.

"Hồi ấy 'Moero Attack' nổi lắm!" Ba xỏ chân vào đôi dép lê cũ, đứng dậy cầm lấy cuốn sách, vuốt ve gáy sách tựa như chào hỏi một người bạn đã lâu không gặp.

"Kojika Jyun chuẩn 'nữ thần' thời giờ ấy, chứ hồi ấy người ta gọi cổ là 'Tình đầu quốc dân'." Mẹ cười, nói chêm vào.

Ngọn lửa thanh xuân của mười mấy năm về trước giờ lại ủ ấm không khí gia đình, ôi thanh xuân, sao mà hấp dẫn, sao mà diệu kỳ.

Khi lửa đã bùng lên rồi thì chẳng thể dập tắt được. Chồng sách cũ kia tựa như một cái hang thỏ, thanh xuân của ba mẹ lại tựa như dòng nước lũ từ trong cái hang đó ồ ạt tuôn ra, đê cao đến mấy cũng chịu bó tay.

Nào là cuốn "Núi sông quê nhà thay đổi thật nhiều", "Hoạt động biến thành dáng vẻ con người" của ba, rồi nào là những nữ văn sĩ như Trì Lỵ, Vương An Ức, Trần Đan Yến của mẹ, cả những chiếc nhãn đánh dấu chủ quyền được kẹp trong sách nữa.

"Thâý rồi!" Ba cầm quyển sổ ghi thời khoá biểu to bằng lòng bàn tay đã ố vàng, sao mà giống như đang nâng niu một chú bướm nhỏ bé, yếu ớt, vội dang cánh bay đi vậy.

Ấy là một quyển tuyển tập thơ chép tay, ấy cũng là giấc mộng thời tuổi trẻ.

"Đêm tối cho tôi đôi mắt đen láy, tôi dùng nó để đi tìm... Tìm ánh sáng!" Giọng ba vang dội vô cùng, tôi đoán cả dãy hành lang này đều nghe thấy.

Khung cảnh ấy mới xúc động làm sao: Từng trang sách vụn được lật giở, che khuất ánh sáng chói loà. Ba chẳng biết mỏi mệt, tựa như một cậu thanh niên đứng trên bục diễn thuyết, ba cứ đọc hết bài này đến bài khác, bài nào cũng mông lung, cũng mơ hồ, để người ta phải tự tìm hiểu ngụ ý ẩn sâu trong đó. Mẹ ngồi bó gối, nhìn ba không chớp mắt, sao giống một cô gái đôi mươi chăm chú lắng nghe người thương đàn khúc guitar.

Từng thửa mở cùng nếp nhăn của ba mẹ đều bị lu mờ trong cái ánh sáng ấy, tôi chỉ nhìn thấy đôi con ngươi sáng trong của họ. Căn phòng này không bó buộc được họ, cái cuộc sống đầy ắp những chuyện lông gà vỏ tỏi này không bó buộc được họ, ánh mắt ngạc nhiên, tò mò của hàng xóm tạt ngang qua cửa cũng không bó buộc được họ.

Ngọn lửa trong lòng ba mẹ còn chưa dập tắt, lý tưởng của họ chưa từng bị cuộc sống mài mòn.

Nếu thời gian không thể đảo ngược, vậy thì khoảnh khắc này đây có thể chứng minh rằng thanh xuân vạn tuế, thanh xuân sống mãi.

Ba thở phì phò, ngồi xuống nghỉ ngơi trên mép giường, chiếc áo sơ mi kiểu cũ của ba thấm đẫm mồ hôi.

Còn trong đôi mắt ba đọng lại giọt nước mắt.
____________________

4. [+13608 likes]

Đề bài: Trí tuệ là một loại kinh nghiệm, là một loại khả năng, cũng là một loại cảnh giới. Trí tuệ tựa như thế giới tự nhiên vậy, nó cũng có bản sắc của riêng mình. Nắm bắt mạch đề, thú sinh tự chọn thể loại văn học để thể hiện.

Trí thông minh trong việc viết văn.

Đây có lẽ là lần cuối cùng tôi viết một bài văn được quy định số từ trên tờ giấy kẻ ô vuông.

Đã từ rất lâu rồi, tôi chẳng còn viết đôi ba dòng cảm xúc hoặc hứng lên thì lại tràng giang đại hải vài trang nhật kí trên cuốn sổ kẻ ngang nữa.

Tôi nhớ trước khi thi, thầy dạy Văn lấy đồ bôi bảng đập ầm ầm lên tấm bảng đen, lặp đi lặp lại những mấy lần liền nhằm nhấn mạnh cách thông minh để viết văn được điểm cao, chẳng qua chỉ là mấy cái mẹo thường thấy như phần mở bài dẫn lời của một vị danh nhân, rồi quan điểm rõ ràng, ví dụ tỉ mỉ, chính xác, v.v...

Đúng vậy, tôi hiểu những cách "thông minh" ấy, ta cũng không nên bài xích những cách thông minh để có bài văn được điểm cao làm gì. Dù sao thì kinh nghiệm cùng khả năng đều là điểm  khởi nguồn của trí tuệ.

Nhưng tôi vẫn luôn xem thường chúng. Những khuôn mẫu chẳng có cảm xúc chân thực, chẳng có ý tưởng mới mẻ và sáng tạo, ta chỉ cần thuộc nằm lòng những áng văn của các bậc danh nhân như Vương Khai Lĩnh, Sử Thiết Sinh, Châu Quốc Bình, rồi đóng đinh chúng vào một vị trí đánh dấu sẵn là được, vậy là ta có một binh đoàn nhân bản mà ai cũng khoác lên mình một bộ đồng phục giống hệt nhau. Đây quả là chất bài tiết tập thể trong thi cử giáo dục.

Trên mặt giấy thi này đây, Solzhenitsyn từng lên án quần đảo ngục tù Gulag hàng ngàn lần, "lớp sương mù đẹp nhất nước Nga" đã đọng thành một bãi nôn màu trắng, khiến người người ghê rợn. Khuất Nguyên đã từ chối trầm mình xuống sông, Hải Tử đang suy nghĩ xem mình còn phải nằm trên đường ray tự sát bao nhiêu lần nữa.

Loại trí tuệ này, không cần cũng được!

Sự thông minh, trí tuệ chân chính trong việc viết văn, nên chứa đựng khung cảnh vốn có của những gì thiên nhiên nhất, là sự thăng hoa vượt qua những khả năng cùng kinh nghiệm tích luỹ, là cảnh giới sáng tỏ trong việc "bàn tay tôi viết nên suy nghĩ lòng tôi". Trí tuệ này là "ý nhị của kẽ sĩ phu" theo lời Uông Tằng Kỳ, là "những câu nói dông dài của kẻ sống nơi phố thị" mà Trương Ái Linh thể hiện, là sự tinh vi, tráng lệ của Dư Quang Trung, là cái thần thái bóng bẩy, tính tình bộc trực của kẻ hay chữ ẩn hiện trong từng câu văn tuyệt đẹp.

Thời gian chẳng còn nhiều nữa. Có lẽ những thí sinh ngồi xung quanh tôi đang viết đến phần chỉ rõ đạo lý của đề bài rồi nhỉ? Nếu tôi lựa chọn viết một bài văn nghị luận theo khuôn ngay từ đầu thì giờ khắc này, tôi đang hoạt động như một cỗ máy móc được lập trình sẵn vậy, tôi sẽ lấy một ví dụ chứng minh đặt ở cuối bài...

Nhưng thật đáng tiếc, hôm nay, trong phòng thi THPT này, tôi đã chẳng làm vậy.

Tôi không hối hận. Tôi muốn viết về người bạn chơi cùng lúc ấu thơ, về giấc mộng thuở thiếu thời trong tiếng ngân ca của chú ve sầu mùa hạ, về những thấp thỏm, lo âu của thanh xuân khi khoác lên mình tà áo trắng học sinh, về đôi lần nản lòng thoái chí bởi gánh chịu áp lực của kì thi quan trọng này, về cả nụ cười kiên cường chứa chan nước mắt nữa. Tôi muốn viết về những điều cảm động bé nhỏ ẩn giấu giữa cuộc sống đời thường này. Mà cho dù tôi có viết một bài văn nghị luận đi nữa thì tôi cũng sẽ chối từ những câu danh ngôn cùng ví dụ cao sang, loè mắt người xem, tôi sẽ lẳng lặng dùng con chữ đầy mộc mạc để kể rõ về tất cả những suy nghĩ cùng trăn trở chốn lòng này.

Con xin lỗi thầy! Hôm nay con chẳng dùng một món bảo vật gói trọn trí tuệ nào mà thầy dạy cả.

Bởi con đã hiểu trí tuệ chân chính trong viết văn là gì rồi thầy ạ.

Một bài văn chân chính là sự can đảm mở đầu đầy tự hào dấy lên trong lòng, để rồi dấn thân vào một con đường chẳng có đường lui giữa trường thi hôm nay.

Một bài văn chân chính, là phá vỡ những lối mòn mang nặng tính quy củ, ta viết văn bằng sự chân thành, khiến người người cảm động bằng sự thực theo cảm giác của riêng ta.

Một bài văn chân chính, là tài hoa đầy chân chất "tưởng như đêm qua gió xuân chợt ghé ngang".

Một bài văn chân chính, là chẳng đánh mất trái tim thuở ấu thơ, ấp ủ trong mình sự chân thành, thuần khiết.

Cảm ơn bạn, cảm ơn khung cảnh đầy hùng vĩ về bản chất thực sự của trí tuệ. Cuối cùng, tôi cũng chẳng bỏ lỡ bạn trong bài văn hơn 800 chữ cuối cùng này. Và giờ, nộp bài.
__________________
Link: https://www.zhihu.com/question/302922944
Ảnh: Jungho Lee
Dịch: Linh Lung Tháp

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #anything