Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Thiên đàng

    Có một điều chưa từng nảy ra trong đầu tôi. Một người khác sống chung nhà, chơi bài với mẹ tôi, dùng điểm tâm và bữa khuya ở bàn chúng tôi, đọc kinh Do Thái vào các thứ sáu chỉ để cho vui, ngủ trên một trong những chiếc giường của chúng tôi, dùng khăn tắm của chúng tôi, chia sẻ bè bạn của chúng tôi, xem ti-vi với chúng tôi vào những ngày mưa trong phòng khách trong cùng tấm chăn bởi vì trời lạnh và chúng tôi thấy rất đỗi ấm áp ở hết bên nhau trong khi nghe tiếng mưa lộp độp trên cửa sổ. Người khác đó ngay trong thế giới gần gũi của tôi có thể thích cái tôi thích, muốn cái tôi muốn, là người giống như tôi. Điều này chưa từng nảy ra trong đầu tôi vì tôi vẫn bị cái ảo tưởng, trừ những gì tôi đọc trong nhiều quyển sách, phỏng đoán dựa theo lời đồn đại, và nghe lõm bõm những chuyện vãn tục tĩu đây đó, không có ai ở tuổi tôi từng muốn làm vừa đàn ông, vừa đàn bà – cùng với những đàn ông và đàn bà.

     Nhưng trước khi chị bước khỏi chiếc taxi rồi bước vào ngôi nhà của chúng tôi, khó mà có vẻ khả dĩ rằng có người quá ổn thỏa với chính mình có thể muốn tôi chia sẻ thân thể của chị ta nhiều như tôi khao khát hiến dâng thân thể mình.

    Và vậy mà chừng hai tuần sau khi chị đến, hàng đêm tôi đều muốn chị rời phòng, không phải bằng cửa phòng, mà là qua cửa sổ hai cánh trên ban công. Tôi muốn nghe tiếng cửa sổ của chị mở ra, tiếng giày vải của chị trên ban công, và rồi tiếng cửa sổ phòng tôi, nơi chẳng bao giờ khóa, được đẩy mở ra khi chị bước vào lúc mọi người đã đi ngủ hết, lẻn vào dưới chăn của tôi, cởi đồ tôi mà không hỏi, rồi sau khi khiến tôi muốn chị nhiều hơn mức tôi có thể muốn bất kỳ một linh hồn nào, nhẹ nhàng, êm ái, và khoan hòa một người Do Thái dành cho kẻ đồng đạo khác, đi vào trong thân thể tôi, nhẹ nhàng và êm ái, sau khi lắng nghe những chữ tôi đã dợt nhiều ngày rồi, Xin đừng làm tôi đau, có nghĩa là, Cứ cho tôi đau như chị muốn.

    Ban ngày, tôi hiếm khi ở trong phòng mình. Thay vào đó, vài mùa hè qua tôi đã chiếm riêng cái bàn tròn có dù che ở sân sau cạnh bể bơi. Pavel, một khách trú mùa hè trước, thích làm việc trong phòng, thi thoảng bước ra ban công để thoáng nhìn biển hay hút một điếu thuốc. Trước cậu ta, Maynard cũng làm việc trong phòng đó. Lalisa cần bầu bạn. Chị bắt đầu với việc cùng ngồi ở cái bàn của tôi, nhưng sau lại thích tung một tấm trải lớn xuống mặt cỏ rồi nằm, tựa vào những trang rời bản thảo và cái mà chị gọi là "đồ lề": nước chanh, kem rám nắng, sách, giày vải, kính râm, bút màu, và nhạc mà chị nghe bằng tai đeo, cho nên ta không thể nói gì với chị trừ khi chị nói với ta trước.

     Thi thoảng khi tôi xuống lầu với cuốn sổ ghi điểm thể thao hay sách khác vào buổi sáng, chị đã nằm ườn ra, trên người là quần bơi màu đỏ hoặc vàng cùng áo phông, và mồ hôi. Chúng tôi sẽ chạy bộ hay bơi, rồi về thì thấy bữa sáng đã sẵn. Rồi chị có thói quen để lại "đồ lề" trên cỏ và nằm trên mép lát gạch của bể bơi – chỗ gọi là "thiên đàng," rút gọn của câu "Nơi này là thiên đàng," như chị hay nói sau bữa ăn trưa.

"Giờ tôi tới thiên đàng đây,"

rồi nói thêm như một kiểu đùa chỉ người nghiên cứu tiếng Latinh hiểu, "để sưởi nắng." Chúng tôi trêu đùa chị chuyện bôi đầy kem rám nắng rồi nằm chính xác ở một vị trí dọc bể bơi vô khối tiếng đồng hồ.

"Sáng nay cậu ở thiên đàng  bao lâu?" mẹ tôi sẽ hỏi vậy.

"Hai giờ liền. Nhưng tôi định về sớm chiều nay để sưởi nắng lâu hơn nhiều."

Đi tới góc nhỏ thiên đàng cũng có nghĩa là nằm ngửa dọc rìa bể bơi, một chân đong đưa dưới nước, đeo tai nghe và chụp cái nón rơm trên mặt.

    Đây là người chẳng thiếu một thứ gì. Tôi không hiểu được cảm giác này. Tôi ghen tị với chị ta.

"Lalisa, chị đang ngủ à?"

Khi không khí bên bể bơi trở nên tĩnh mịch, yên ả đến mức gây mê mụ.

Lặng thinh.

Rồi lời đáp của chị sẽ đến, gần như tiếng thở dài, người chị không nhúc nhích một cơ nào.

"Tôi đã."

"Xin lỗi."

Bàn chân dưới nước kia – tôi có thể hôn lên từng ngón một. Rồi hôn mắt cá và đầu gối chị. Tôi đã nhìn chằm chằm vào chiếc quần bơi của chị bao lần những khi cái nón che mặt chị? Chị đâu thể biết tôi đã nhìn cái gì.

Hoặc:

"Lalisa, chị đang ngủ à?"

Im lặng hồi lâu.

"Không. Đang nghĩ."

"Về điều gì?"

Ngón chân chị búng nước.

"Về một đoạn Heidegger diễn dịch Heraclitus."

Hoặc khi tôi không tập đàn guitar và chị không đeo tai nghe, vẫn nón rơm đậy mặt, chị sẽ thình lình phá vỡ im lặng:

"Jisoo ơi?"

"Sao?"

"Cậu đang làm gì vậy?"

"Đọc."

"Làm gì có."

"Vậy thì đang nghĩ."

"Nghĩ gì?"

Tôi muốn nói với chị chết đi được.

"Bí mật," tôi đáp.

"Vậy là cậu không kể à?"

"Vậy là tôi sẽ không kể."

"Vậy là người đó sẽ không kể," chị lặp lại một cách trầm ngâm, như thể đang giải thích với ai đó về tôi.

Tôi rất thích cách chị lặp lại điều tôi vừa lặp lại. Nó khiến tôi nghĩ tới sự mơn trớn, hoặc một cử chỉ xảy ra hoàn toàn tình cờ lần đầu nhưng đến lần thứ hai là cố ý, lần thứ ba càng cố ý hơn. Nó làm tôi nhớ tới cách dì Mafalda chuẩn bị giường cho tôi mỗi đêm, đầu tiên là xếp tấm đắp lên trên chăn, rồi xếp tấm ga phủ gối trên chăn, rồi một lần nữa dì gấp tất cả lên khung giường – gấp qua gấp lại cho tới khi tôi biết rằng gói giữa nhiều lớp gấp kia là những kỷ vật của điều gì đó thành kính và khoan dung, giống như sự nhu thuận đáp lại một khoảnh khắc yêu thương.

Những buổi chiều ấy luôn tĩnh mịch một cách êm đềm và khẽ khàng.

"Tôi không nói đâu," tôi đáp.

"Vậy thì tôi ngủ lại đây," chị sẽ đáp.

Tim tôi đập dồn. Hẳn chị đã biết.

Lại im phắc. Lát sau:

"Đây là thiên đàng"

Và tôi sẽ không nghe chị nói chữ nào suốt ít nhất là một giờ nữa.

Tôi thích nhất trên đời là được ngồi cạnh bàn, nghiền ngẫm bản chuyển biên nhạc trong khi chị nằm úp bụng, đánh dấu những trang chị lấy mỗi sáng từ Signora(1) Milani, người biên dịch của chị ở B.

"Nghe này,"

thi thoảng chị nói vậy, gỡ tai nghe ra, phá vỡ bầu im lặng ngột ngạt của những buổi sáng dài oi ả.

"Nghe thử đoạn ngớ ngẩn này xem."

Rồi chị sẽ đọc to gì đó mà chị tin là chị đã viết vài tháng trước.

"Cậu có hiểu ra ý nghĩa gì không? Tôi thì không."

"Có lẽ lúc chị viết nó thì có," tôi đáp.

Chị ngẫm ngợi một lúc như đang cân nhắc lời tôi.

"Mấy tháng rồi mới được nghe một câu tử tế như vậy" – câu này được thốt lên thành khẩn, cứ như chị vừa đạt tới một huyền ngộ nào đó và nghĩ lời tôi hàm ngôn hơn tôi tưởng. Tôi thấy dễ chịu, nhìn chỗ khác, rồi sau cùng
khẽ nói điều đầu tiên hiện ra trong trí:

"Tử tế sao?" Tôi hỏi.

"Ừ, tử tế."

Tôi không hiểu tử tế thì liên quan gì. Hoặc có lẽ tôi không rõ câu chuyện sẽ dẫn tới đâu và muốn bỏ qua nó. Lại im lặng. Tới lần tiếp theo chị nói.

Tôi thích những lúc chị phá vỡ bầu im lặng giữa chúng tôi để nói gì đó–bất cứ gì–hoặc hỏi tôi nghĩ gì về X, hoặc có từng nghe tới Y chưa. Chưa từng có ai trong số người nhà hỏi ý kiến tôi về bất cứ điều gì. Nếu chị vẫn chưa nghĩ ra tại sao, thì chị sẽ biết sớm thôi – không sớm thì muộn chị cũng sẽ theo quan điểm mọi người rằng tôi là đứa trẻ nít trong gia đình. Vậy mà đây, tuần thứ ba chị ở cùng chúng tôi rồi, hỏi tôi tôi có từng nghe tới Athanasius Kircher, Giuseppe Belli, và Paul Celan.

"Có nghe."

"Tôi già hơn cậu gần một con giáp, vậy mà mới vài ngày trước tôi mới nghe tới tên họ. Tôi không hiểu."

"Có gì khó hiểu? Ông già làm giáo sư đại học. Tôi lớn lên không có ti-vi. Hiểu rồi chứ?"

"Thôi trở lại với tiếng đàn tưng tưng của cậu đi!" Chị nói cứ như đang cuộn một cái khăn rồi ném đùa mặt tôi.

Tôi cũng thích cả cách chị bảo tôi thôi đi.
–––––––––––––––

1 Signora: tiếng gọi trang trọng một phụ nữ Ý

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro