Một * Khúc tình ca đường dài
Đài tưởng niệm nâng đỡ vầng thái dương, ngày hè Nam bán cầu rực rỡ xán lạn. Vô số cờ xí xanh trắng tung bay rợp trời, mỗi một lá cờ đều chan chứa hi vọng.
Đó là những ngày giữa tháng 12. Một năm sắp đi qua, nhưng kết cục quan trọng nhất vẫn chưa hạ màn. Có một con người, nơi gửi gắm của mọi niềm hi vọng.
Yêu hận bao năm chẳng qua là luân phiên bên tăng bên giảm. Mọi người gắng sức nghển cổ chỉ để chiêm ngưỡng thời khắc lưỡi kiếm chém xuống - thờ phụng hay phán xét, hân hoan hay sầu khổ, tất cả sẽ được quyết định sau vài ngày tới.
Cả đất nước dường như tê liệt theo một phương thức điên rồ. Ngay cả ban ngày, quán bar cũng chật kín. Cụ già râu tóc bạc phơ, thần thái sáng láng, thao thao bất tuyệt kể lại kì tích năm xưa - 36 năm giai thoại lưu truyền, cũng là 36 năm niềm tin chưa bao giờ tắt.
Thời gian trôi qua vội vã, hồi tưởng lại, 1 năm 5 tháng trước, La Bombonera (Boca Juniors) giương cao biểu ngữ -- "Messi là cầu thủ vĩ đại nhất thế giới"; hai tháng sau, El Monumental (River Plate) chào đón lần tập hợp đầu tiên của đội tuyển Argentina sau khi giành chức vô địch Copa America, 70 ngàn người đồng thanh hô vang một cái tên, "Messi". Không câu chữ nào diễn tả được hết.
Boca hay River, bình dân hay thượng lưu, đều có thể bởi vì một người mà tạm thời xóa bỏ thù hằn, chung sống hòa thuận, vui vẻ và hạnh phúc, ôm trong lòng chung một niềm hi vọng.
Tiếp tục ngược dòng thời gian, hai năm trước, ở bán kết Copa America, Argentina bị Brazil đánh bại với tỉ số 2 - 0. Sau chiến thắng 2 - 1 trước Chile trong trận đấu tranh huy chương đồng, Messi từ chối nhận huy chương, lên án thẳng mặt những sai phạm của Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ ngay trước ống kính phóng viên với thái độ quyết liệt hiếm thấy. Có người đồng tình, có kẻ tiếc hận, mà số đông tiếp tục chỉ trích thế hệ đội tuyển đã nhiều lần gục ngã ngay trước ngưỡng cửa thiên đường này. Bấy nhiêu năm qua, bọn họ thậm chí không có lấy dù chỉ một danh hiệu - một sự vô duyên gần như không thể lí giải.
Theo dòng hồi tưởng, ba năm trước, Copa America kỉ niệm 100 năm trên đất Mĩ, Argentina chịu thua trước Chile sau loạt sút luân lưu, ba năm liên tiếp thất bại ở các trận chung kết. Kết thúc giải đấu, Messi tuyên bố rời khỏi đội tuyển quốc gia, cho rằng đó là dấu chấm hết cho sự nghiệp thi đấu quốc tế của mình. Nhưng tất cả vẫn chưa dừng lại. Làn sóng chỉ trích dâng cao, tích tụ thành oán hận, mỗi cầu thủ đều trở thành tấm bia trút giận của các cổ động viên không có mặt trên sân bóng. Công kích gia đình, thậm chí đe dọa tính mạng cũng gặp mãi thành quen. Bầu không khí u ám tuyệt vọng bao trùm lấy mảnh đất này.
Lùi lại thêm 6 năm, trong trận tứ kết World Cup, Argentina do Maradona lãnh đạo thảm bại 0 - 4 trước Đức. Tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, Messi nhào vào vòng tay Maradona bật khóc, mà khi tiến vào đường hầm, Diego cũng bị các cổ động viên River lẫn trong đông đảo cổ động viên Đức lớn tiếng nhục mạ. Trong khi đó, Buenos Aires xảy ra bạo động nghiêm trọng, cảnh sát đã phải vào cuộc để trấn áp phần tử cực đoan, dẹp yên tình hình.
4 năm trước, cũng là một trận tứ kết đối đầu với Đức. Phút thứ 72, Riquelme đã xuống sức được cho ra nghỉ. Phút thứ 79, Cruz vào sân thay Crespo. Một phút sau, Đức ghi bàn thắng gỡ hòa. Sau 120 phút thi đấu, hai đội hòa 1 - 1, Argentina bị loại ở loạt sút luân lưu với tỉ số 2 - 4. Messi khi ấy còn mang áo số 19 đã theo dõi toàn bộ trận đấu từ băng ghế dự bị. Trước đó, trong trận đấu vòng bảng với Serbia & Montenegro, anh được đưa vào sân ở phút thứ 75, ghi 1 bàn thắng và đóng góp 1 đường kiến tạo chỉ trong 15 phút, hoàn thành màn chào sân tuyệt vời tại giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh. Argentina bị loại, huấn luyện viên Pekerman bị cổ động viên đội nhà chỉ trích dữ dội vì quyết định thay người sai lầm dẫn đến bàn thua. Bọn họ cho rằng Messi nên được trao cơ hội vào sân thi đấu - anh mới là tương lai của Argentina.
Bóng đá rất quan trọng với đất nước này. Họ dành cho nó một niềm đam mê hoang đường đến khó hiểu. Borges từng bày tỏ thái độ chê trách với "thứ mỹ học xấu xí" này - sự mù quáng và ngu xuẩn của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, qua bóng đá, càng trở nên quá quắt gấp trăm ngàn lần. Dù thắng dù thua, bóng đá cũng không thể cứu vớt nền kinh tế Argentina đang trượt dài trên bờ vực suy thoái. Tỉ lệ lạm phát gần 100% cùng sự chiếm ưu thế của chủ nghĩa dân túy đã tạo ra thứ áp lực vô hình đè nặng lên cả dân tộc. Mà bóng đá, một cách hợp tình hợp lí, trở thành công cụ phát tiết cảm xúc hữu hiệu nhất.
Crespo từng nói: "Chiếc áo đội tuyển Argentina nặng nề vô cùng. Mọi người khó mà tưởng tượng được cả đội bóng phải gồng gánh trên lưng áp lực lớn đến mức nào."
Mà nặng nề nhất, có lẽ là chiếc áo số 10 Maradona đã từng khoác lên. Từ Ortega đến Riquelme, danh xưng "Truyền nhân của Maradona" chẳng khác nào một lời nguyền. Từ năm 1986 tới nay, người dân Argentina đau đáu tìm kiếm một "Diego mới" - một thiên tài, một lãnh tụ, và quan trọng nhất - một biểu tượng.
Khát khao biến thành nỗi sợ, cuồng nhiệt nảy sinh chấp niệm. Mấy thập niên đằng đẵng xây đắp nên một thứ ảo giác. Dần dà, Maradona hóa thành một hình tượng hoàn mỹ không tì vết trong tâm thức của người dân Argentina. Mỗi khi có một tân binh xuất hiện, họ vội vã huyễn hoặc chính mình bằng những viễn cảnh tươi đẹp, để rồi khi nhận ra người đó chẳng thể đạt đến đỉnh cao mà họ mong muốn, họ lập tức vứt bỏ và thóa mạ không thương tiếc.
Trong cái vòng luẩn quẩn ấy, linh hồn hao mòn thành bột mịn, sinh mệnh tan nát hóa bụi tro. Bóng đá lụn bại, đất nước chông chênh, tất cả khuất lấp trong khói bụi mịt mù, cuối cùng chẳng thể nhìn rõ nguyên trạng.
Có lẽ đến tận lúc Maradona giã từ cõi thế vào năm 2020, người dân Argentina chưa bao giờ thực sự để bất cứ một "Diego mới" nào vào trong mắt. Nỗi đau mất mát nguôi ngoai, khói bụi dần tản mác, gương mặt của một người cũng ngày một rõ nét...
Năm 2005, là tài năng trẻ kiệt xuất vừa bước ra ánh sáng ở World Cup U-20. Năm 2014, là vị vua không ngai lỡ hẹn với cúp vàng vốn tưởng đã gần ngay trước mắt. Năm 2018, một lần nữa là kẻ chiến bại tại World Cup, trở thành mục tiêu của trăm ngàn mũi dùi công kích. Và còn, cuối năm 2021, mang trên tay tấm băng đội trưởng, dẫn dắt đội tuyển Argentina chiến thắng danh hiệu lớn đầu tiên sau 28 năm chờ đợi.
Ngày 13 tháng 12 năm 2022, vòng bán kết giải bóng đá Vô địch Thế giới tại Qatar. Argentina đánh bại Croatia với tỉ số 3 - 0, sau 8 năm, lần nữa tiến vào trận chung kết một mất một còn.
Dostoyevsky từng nói: "Con người sở dĩ bất hạnh, là bởi họ không biết chính mình hạnh phúc."
Có lẽ đến khoảnh khắc ấy, người Argentina mới nhận ra rằng: bất luận thế nào, có Messi quả thực là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Câu chuyện cần được kể lại một lần nữa.
TBC
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro