Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 79+80+81+82+83

CHƯƠNG 79: CÁI TĂNG

NHÀ SƯ ĂN MÀY

Tụng Kinh Lược Kiến Phàn Tu Khổ
Chí Nhận Vô Ưng Giải Thoát Trì
Mạc Quái Lão Tăng Như Thử Hóa
Lão Tăng Nguyên Bất Dục Nhân Tri

Dịch:

Tụng Kinh Cảm Thấy Tu Hành Khổ
Dao Cấm Không Nên Giải Thoát Chày
Đừng Lạ Lão Tăng Như Vậy Hóa
Lão Tăng Nguyên Chẳng Muốn Ai Hay

Ở Tế Nam (tỉnh thành Hà Nam) có một nhà sư, không rõ gốc gác ở đâu. Hàng ngày đi chân đất mặc áo vá, lê la trước các hàng quán bên hồ Phù Dung tụng kinh khuyến hóa, song ai cho cơm rượu tiền gạo gì đều không nhận, hỏi có cần gì khác không thì không đáp, thường cả ngày không thấy ăn uống. Có người khuyên nói:

- Sư đã không ăn rau lại chẳng uống rượu thì đi khuyến hóa trong thôn cùng ngõ vắng cũng được, cần gì phải mỗi ngày mỗi tới nơi ồn ào náo nhiệt như thế này?

Sư cứ chắp tay tụng kinh, rủ đôi lông mi dài một tấc xuống như không hề nghe thấy. Lại hỏi nữa, sư mới mở mắt lớn tiếng đáp:

- Ta muốn khuyến hóa như vậy.

Rồi tiếp tục tụng kinh, hồi lâu mới bỏ đi. 

Có người đuổi theo, hỏi tại sao phải khuyến hóa như vậy, sư cứ đi không đáp. Hỏi ba bốn lần, lại lớn tiếng nói:

- Ngươi không biết được đâu, lão tăng muốn khuyến hóa như vậy.

Mấy hôm sau chợt ra ngoài phía nam thành, nằm dài như xác chết ở cạnh đường ba ngày không động đậy. Dân ở đó sợ sư chết đói thì liên lụy tới thôn xóm, họp nhau kéo tới khuyên nên đi chỗ khác nằm, muốn cơm sẽ cho cơm, muốn tiền sẽ cho tiền. Sư cứ nhắm mắt không lên tiếng, mọi người bèn lay gọi. Sư giận, rút trong áo ra một lưỡi đao ngắn tự rạch bụng, thò tay vào kéo ruột ra bày lên đường rồi đứt hơi chết. Mọi người khiếp sợ báo lên quan rồi đem chôn qua loa. Ngày khác chỗ ấy bị chó moi lên lộ manh chiếu bó thây ra, đạp lên thấy như không có gì, mở ra xem thì manh chiếu vẫn gói kín như cũ nhưng chỉ như cái kén rỗng. 

____________________________________

CHƯƠNG 80: TẬP LONG

RỒNG ẨN

Bất Du Hải Quốc Khốn Thư Thành
Khởi Thị Giao Long Tập Vị Kinh
Nhất Đán Xuất Vi Thiên Hạ Vọng
Chung Giao Lâm Vũ Úy Thương Sinh

Dịch:

Biển Chẳng Vẫy Vùng Nằm Kê Sách
Rồng Còn Lẩn Dấu Chứa Dương Vây
Ngày Kia Lúa Cạn Làm Mưa Lớn
Thiên Hạ Trông Mong Đội Đức Dầy

Quan Thông chính sứ họ Khúc ở đất U Lục (thuộc tỉnh Sơn Đông) đọc sách trên lầu, gặp lúc trời mưa mù mịt, thấy một con dời nhỏ sáng như đom đóm cựa quậy trên bàn, bò qua khỏi chỗ nào thì chỗ ấy cháy đen. Dần dần bò lên quyển sách, quyển sách cũng bị cháy. Ông nghĩ là rồng bèn bưng quyển sách lên tiễn đi, nhưng ra tới ngoài cửa đứng chờ hồi lâu vẫn thấy nằm bất động bèn nói:

- Hay là cho rằng ta không cung kính?

Bèn bưng quyển sách trở vào đặt lại lên bàn, đội mũ mặc áo vái dài rồi lại bưng ra. Vừa tới ngoài thềm thì con dời ngẩng đầu duỗi thân rời quyển sách bay lên, rít gió thành tiếng thành một đạo ánh sáng kéo dài. Ra được vài bước thì quay nhìn lại ông, đầu như cái vò, dài mấy mươi vây. Lại uốn lộn một hồi thì có tiếng sét nổ ầm ầm, vọt thẳng lên mây đi mất. Quay vào nhìn chỗ nó vừa bò qua thì thấy từng đoạn từng đoạn như tre bị đốt vậy. 

__________________________________

CHƯƠNG 81: TIỂU KẾ

TÚM TÓC NHỎ

Bằng Thành Huyệt Xã Kế Cầu An
Thủ Thử Tương Tao Cánh Thoát Quan
Kỷ Hử Đầu Lư Không Tụ Tránh
Linh Nhân Tiếu Tác Mộc Hầu Quan

Dịch:

Đục Thành Khoét Xã Kế Cầu Yên
Chuột Thập Thò Ra Trụt Mũ Liền
Lố Nhố Đầu Lâu Xô Tán Loạn
Khéo Trò Tắm Khủ Mũ Gia Lên

Huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) có người dân là Mỗ đang ngồi chơi thì có người khách thấp lùn tới, ngước mặt trò chuyện hồi lâu, thấy bình sinh không hề quen biết, cố nhớ lại. Khách nói:

- Ba bốn hôm nữa sẽ dời tới đây làm láng giềng.

Qua bốn năm hôm lại tới nói:

- Hôm nay đã là cùng làng, xin được sớm tối dạy bảo cho.

Mỗ hỏi ngụ ở đâu, người ấy không nói rõ, chỉ lấy tay chỉ về phía bắc. Từ đó ngày nào cũng tới, có khi hỏi mượn vật dùng chén bát, nếu có ai bủn xỉn không cho thì tự nhiên bị mất, mọi người cùng nghi là hồ. 

Phía bắc thôn có ngôi mộ cổ, sâu không biết là bao nhiêu, mọi người ngờ hồ ở đó, cùng nhau vác gậy gộc khí giới tới nằm rình, hồi lâu không thấy gì lạ. Đến hết canh một thì nghe dưới mộ có tiếng lào xào như hàng trăm hàng ngàn người trò chuyện, mọi người im lặng không động đậy. Giây lát có đám người lùn khoảng hơn một thước lũ lượt kéo ra, đông không biết bao nhiêu mà kể. Mọi người cùng quát tháo vùng dậy xô vào đánh túi bụi, đánh trúng thì trên gậy lửa bắn tứ tung, trong chớp mắt bọn kia chạy tứ tán. Chỉ còn lại một cái búi tóc nhỏ bằng trái hồ đào bọc lụa buộc dây kim tuyến, ngửi thử thì hôi tanh vô cùng. 

____________________________________

CHƯƠNG 82: HOẮC SINH

Tài Nhân Kết Tập Hảo Khinh Huyên
Huống Thiệp Hiềm Nghi Họa Dị Điên
Ân Giám Bất Đao Quân Tỉnh Phủ
Song Vưu Đảo Trí Tại Thần Biên

Dịch:

Ba Hoa Xúm Tụ Khéo Hư Đời
Huống Dính Hiềm Nghi Họa Kéo Dài
Trước Mắt Gương Soi Nhìn Rõ Chửa
Hai Bìu Mọc Ngược Ở Bên Môi

Hoắc sinh và Nghiêm sinh ở huyện Văn Đăng (tỉnh Sơn Đông) lúc nhỏ vẫn đùa giỡn với nhau, lớn lên cũng hay chọc ghẹo nhau, lấy miệng lưỡi hơn thua, chỉ sợ không bằng đối thủ. Hoắc có bà già láng giềng từng đỡ đẻ cho vợ Nghiêm, ngẫu nhiên trò chuyện với vợ Hoắc, nói rằng chỗ kín của vợ Nghiêm có hai mụn cóc, vợ bèn kể lại cho Hoắc. Hoắc bèn cùng chúng bạn bàn tính, rình lúc Nghiêm vừa tới, cố ý nói thầm với nhau rằng:

- Ta quá rành vợ y!

Chúng bạn làm ra vẻ không tin, Hoắc bèn bịa đặt đủ cả đầu đuôi rồi nói:

- Nếu không tin, thì chỗ kín của vợ y có hai cái mụn cóc.

Nghiêm dừng lại ngoài cửa sổ nghe thấy hết bèn không vào, quay về nhà chửi mắng đánh đập vợ. Người vợ không chịu nhận, Nghiêm đánh đập càng tàn nhẫn, vợ không chịu nổi treo cổ tự tử. 

Hoắc vô cùng hối hận nhưng không dám nói thật với Nghiêm là mình bịa đặt. Vợ Nghiêm chết rồi, đêm đêm cứ hiện hồn về khóc lóc, cả nhà không sao ở yên. Không bao lâu Nghiêm bị bạo bệnh mà chết, hồn ma mới không khóc nữa. Vợ Hoắc nằm mơ thấy vợ Nghiêm xõa tóc gào lớn rằng:

- Ta chết rất khổ, vợ chồng người lại muốn yên vui à?

Tỉnh dậy mắc bệnh vài ngày thì chết. Hoắc cũng nằm mơ thấy vợ Nghiêm xỉa xói chửi mắng, lấy tay vả vào miệng mình, hoảng sợ tỉnh dậy thấy trên môi dau nhức, cứ sưng to dần, ba ngày thì biến ra hai cục thịt thừa thành tật luôn, không dám cười nói lớn tiếng vì há mồm to thì đau không chịu nổi. 

___________________________________

CHƯƠNG 83: HỒ HÀI

HỒ LY HÀI HƯỚC

Đồng Thị Bình Phiêu Nhứ Bạc Trung
Tiếu Hi Nộ Mạ Các Xưng Hùng
Khôi Hài Thiệp Khẩu Giai Thành Thú
Khả Sử Tề Khôn Bái Hạ Phong

Dịch:

Cùng Trong Bèo Dạt Cánh Hoa Trôi
Giận Mắng Đùa Vui Thảy Tuyệt Vời
Mở Miệng Khôi Hài Đều Lý Thú
Tề Khôn Cũng Phải Chịu Thua Tài

Vạn Phúc tự Tử Tường là người huyện Bác Hưng (tỉnh Sơn Đông). Từ nhỏ theo đòi nghiệp nho, nhà cũng hơi khá giả nhưng thi cử lận đận, hơn hai mươi tuổi vẫn không đỗ đạt gì. Ở quê có lệ xấu là bắt các nhà giàu ra làm lý dịch, có người phải khuynh gia bại sản. Vạn bị ép làm chức ấy, sợ quá trốn tới Tế Nam (tỉnh thành Sơn Đông) vào nhà trọ ở. Đêm có cô gái tới khêu gợi, cũng khá xinh đẹp, Vạn thích bèn giao hoan. Hỏi họ tên, cô gái nói:

- Nói thật ta là hồ, nhưng không làm hại chàng đâu.

Vạn mừng rỡ không ngờ vực gì, nàng dặn đừng ở chung với ai, từ đó ngày nào cũng tới ăn ở cùng phòng, phàm mọi chi dùng hàng ngày đều do hồ chu cấp. 

Không bao lâu có vài người quen tới thăm chơi, thường ngủ lại không về. Vạn chán ghét nhưng không nỡ cự tuyệt, bất đắc dĩ phải nói thật. Khách xin được chiêm ngưỡng dung nhan người tiên một lần, Vạn nói với hồ, hồ nói với khách:

- Gặp ta làm gì? Ta cũng như mọi người thôi.

Nghe tiếng nói rõ ràng trước mắt, nhưng nhìn quanh thì không thấy đâu. Khách có người tên Tôn Đắc Ngôn giỏi khôi hài, cố xin được thấy mặt, lại nói được nghe giọng oanh, thần hồn điên đảo, sao lại tiếc không cho thấy dung nhan khiến người ta nghe tiếng mà tương tư. Hồ cười đáp:

- Cháu hiền muốn vẽ bức tranh hành lạc cho bà cố à?

Khách khứa đều cười. 

*[Bức tranh hành lạc: nguyên văn là "hành lạc đồ", vẽ những hình ảnh trai gái giao hoan, đại khái là loại tranh ảnh khiêu dâm].

Hồ nói:

- Ta là hồ, xin kể chuyện hồ cho khách nghe, chịu không?

Mọi người đều ừ, hồ kể:

- Xưa ở quán trọ làng nọ có nhiều hồ, thường ra quấy phá khách trọ.

Khách khứa qua lại biết được, dặn nhau đừng trọ ở đó. Nửa năm sau hàng quán vắng vẻ, chủ trọ lo lắm, rất kiêng nói tới hồ. Chợt có người khách từ xa tới, tự nói là người nước ngoài, thấy quán trọ nên vào nghỉ. Chủ trọ mừng lắm mời vào, liền có người đi đường lén nói với khách rằng:

- Nhà này có hồ!

Khách sợ, nói rõ với chủ trọ rồi định qua trọ chỗ khác, chủ trọ ra sức phân trần rằng đó là lời bịa đặt. 

Khách bèn ở lại, vào phòng vừa nằm xuống thì thấy bầy chuột từ gầm giường chạy ra, khiếp đảm nhào ra ngoài la hoảng:

- Có hồ!

Chủ nhân sợ hãi hỏi han, khách oán trách nói:

- Hồ làm hang ở đây, sao nói dối ta là không có.

Chủ nhân lại hỏi thấy hình thù nó thế nào, khách đáp:

- Ta nay mới thấy, nó ngắn ngắn nhỏ nhỏ, không phải hồ con ắt là hồ cháu.

Vừa dứt lời thì khách khứa đều cười ầm. Tôn nói:

- Nếu không cho thấy mặt thì bọn ta sẽ ngủ lại, mà ai đó cũng đừng đi mà bỏ lỡ giấc mộng Dương Đài.

Hồ cười đáp:

- Cứ ngủ lại không sao, nếu có hơi xúc phạm thì xin đừng để bụng.

Khách sợ bị chơi ác bèn cùng tan về. 

*[Giấc mộng Dương Đài: bài tựa Cao Đường phú của Tống Ngọc viết vua Sở ra chơi đầm Vân Mộng, đêm mộng thấy một người con gái tới xin hầu chăn gối, khi chia tay nàng ấy nói "Thiếp là thần nữ ở núi Vu Sơn sớm làm mây, tối làm mưa, sáng sáng chiều chiều ở dưới Dương Đài”, sau người ta thường dùng tích này để chỉ việc ái ân trai gái].

Kế cứ vài ngày lại tới, đòi hồ trêu cợt. Hồ rất giỏi khôi hài, cứ lên tiếng là khách cười nghiêng ngửa, nhưng kẻ có tài hoạt kê cũng không thể hơn được, mọi người đùa gọi là Hồ nương tử. Một hôm bày tiệc họp mặt, Vạn ngồi ghế chủ, Tôn và hai người khách nữa chia ngồi hai bên, đặt một cái giường phía sau mời hồ, hồ từ chối là không hay rượu. Có người xin cứ ngồi nói chuyện, hồ ưng thuận. Rượu được vài tuần, mọi người bày trò gieo xúc xắc làm tửu lệnh "qua man, khách trúng mặt dưa bị phạt, đùa đưa chén qua giường nói:

- Hồ nương tử là bậc đại tỉnh, xin uống giùm một chén.

Hồ cười đáp:

- Ta vốn không uống được, xin kể một câu chuyện góp vui với các vị.

Tôn bịt tai ra vẻ không muốn nghe, mọi người đều nói:

- Nếu chửi xỏ người thì phải chịu phạt đấy.

Hồ cười hỏi:

- Thế ta chửi xỏ hồ được không?

Mọi người đáp:

- Được!

Rồi lắng tai nghe. 

 *["Qua man": nghĩa đen là dây dưa bò lan, chưa rõ thể thức luật chơi cụ thể].

Hồ kể:

- Xưa có một ông quan lớn đi sứ nước Hồng Mao đội mũ lông hồ vào yết kiến quốc vương nước ấy. Quốc vương thấy cái mũ lạ, hỏi lông gì mà vừa dày vừa mềm như thế. Ông quan lớn ấy thưa là lông hồ. Quốc vương nói bình sinh chưa từng nghe nói tới, vậy chữ “hồ" viết ra sao? Ông quan lớn bèn lấy tay vạch lên không, tâu “Bên phải là một qua lớn, bên trái là một khuyển nhỏ.

Chủ khách lại cười ầm. 

*[Nước Hồng Mao: tức Anh].

*[Bên phải là một qua lớn, bên trái là một khuyển nhỏ nhỏ: đây là theo lối chiết tự trong chữ Hán, hồ có ý nói xỏ người khách ngồi bên trái Vạn tức Tôn là “khuyển” (chó), vì người bên phải đã gieo trúng mặt “qua" (dưa)].

Hai người khách kia là hai anh em họ Trần, một tên Sở Kiến, một tên Sở Văn, thấy Tôn bị áp đảo quá bèn nói:

- Hồ đực đâu mà để hồ cái ác hại thế này?

Hồ nói:

- Có một câu chuyện kể chưa xong đã bị sủa loạn làm ngắt quãng, xin kể nốt. Quốc vương Hồng Mao thấy sứ thần cưỡi một con la, rất lạ lùng. Sứ thần thưa "Đây là do con ngựa đẻ ra” quốc vương lại càng lấy làm lạ. Sứ thần nói ở Trung Quốc thì con ngựa đẻ ra con la, con la đẻ ra con ngựa choai”. Quốc vương hỏi kỹ hình dạng, sứ thần đáp "Ngựa đẻ ra la là thần sở kiến, la đẻ ngựa choai là thần sở văn.

Cả tọa lại cười ầm. 

*[Ngựa đẻ ra la là thần sở kiến, la đẻ ngựa choai là thần sở văn: sở kiến nghĩa đen là "vốn thấy", sở văn nghĩa đen là “vốn nghe", nhưng cũng là tên hai anh em họ Trần, nên câu này có ý nói xỏ hai người là la và ngựa choai].

Mọi người biết không địch nổi mồm mép của hồ, liền giao hẹn trở đi nếu ai khơi chuyện ngạo ngược thì phải đứng ra làm chủ, bỏ tiền mua rượu. Giây lát rượu ngà ngà, Tôn nói đùa với Vạn:

- Có vế đối thách ông đối lại.

Vạn hỏi câu gì, Tôn đọc:

- Kỹ nữ xuất môn phỏng tình nhân, lai thời vạn phúc, khứ thời vạn phúc.

Cả bàn nghĩ mãi không ai đối được. 

*[câu trên có nghĩa đen là "Kỹ nữ ra cửa thăm tình nhân, lúc tới thưa vạn phúc, lúc đi thưa vạn phúc", “vạn phúc" là lời chúc tụng nhưng cũng là tên của Vạn Phúc, nên đoạn sau còn có thể hiểu là "tới cũng Vạn Phúc, đi cũng Vạn Phúc", có ý đùa là Vạn Phúc chuyên tới kỹ viện chơi bời].

Hồ cười nói:

- Ta có câu rồi đây!

Mọi người lắng tai nghe, hồ đọc:

- Long vương hạ chiếu cầu trực gián, miết dã đắc ngôn, quy dã đắc ngôn.

Tất cả lại cười bò ra.

*[Câu trên có nghĩa đen là “Long vương xuống chiếu cầu lời thẳng, vích cũng được nói, rùa cũng được nói", “được nói” (đắc ngôn) cũng là tên của Đắc Ngôn, nên đoạn sau còn có thể hiểu là “... vích là Đắc Ngôn, rùa là Đắc Ngôn", có ý nói xỏ Tôn Đắc Ngôn là con rùa. Rùa là một giống vật được người Trung Hoa ví với kẻ hạ tiện dâm đãng].

Tôn bực lắm, nói:

- Đã giao hẹn rồi, sao lại phạm?

Hồ cười đáp:

- Đúng là ta có lỗi, nhưng nếu không thế thì không đối cho sát được. Sáng mai xin đặt tiệc để chuộc lỗi.

Chủ khách cùng cười rồi chia tay. Hồ khôi hài đại loại như thế, không sao kể hết được. 

Được vài tháng, hồ cùng Vạn về quê. Tới địa giới Bác Hưng, hồ nói với Vạn:

- Ở đây ta có người họ hàng xa, đã lâu không qua lại, không thể không ghé thăm. Vả lại trời cũng đã tối, chàng cứ đi cùng tới đó ngủ lại, sáng mai đi cũng được.

Vạn hỏi ở đâu, hồ chỉ nói không xa. Vạn ngờ vì trước nay khu này vốn không có làng xóm gì, nhưng cũng đi theo. Khoảng hai dặm quả thấy một gia trang, bình sinh chưa đi ngang lần nào. Hồ gõ cổng thì có một người hầu ra mở, vào trong thấy cửa liền gác nối, rõ ràng là nhà thế gia. Giây lát tới chỗ chủ nhân, có hai ông bà già, vái chào Vạn rồi mời ngồi, bày tiệc linh đình tiếp đãi như con rể, kế hai người nghỉ lại đó. 

Sáng sớm hồ nói:

- Ta về ngay cùng chàng, sợ người nhà sợ hãi. Chàng cứ về trước, ta sẽ theo tới ngay!

Vạn theo lời về trước nói rõ với gia nhân. Không bao lâu hồ tới, nói cười với Vạn, mọi người đều nghe rõ nhưng không nhìn thấy người. Năm sau Vạn lại có việc đi Tế Nam, hồ cũng đi cùng. Chợt có mấy người tới, hồ theo ra trò chuyện thăm hỏi rồi nói với Vạn:

- Ta vốn gốc gác ở Thiểm Trung (tỉnh Thiểm Tây), cùng chàng có mối túc duyên nên theo nhau bấy lâu, nay anh em ta đã tới, ta phải theo về, không theo hầu chàng trọn đời được.

Vạn cố giữ lại không được, hồ cứ bỏ đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro