Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 50+51

CHƯƠNG 50: HƯƠNG NGỌC

Hoa Nhân Tình Tử Hoa Đương Khốc
Hoa Vị Tình Sinh Hoa Dũ Hương
Khả Tích Ái Hoa Nhân Khứ Hậu
Đố Hoa Phong Vũ Tiện Xương Cuồng

Dịch:

Hoa Chết Vì Tình Hoa Đáng Xót
Hoa Vì Tình Nở Đượm Mùi Hương
Người Yêu Hoa Mới Vừa Đi Khỏi
Mưa Gió Ghen Hoa Lại Phũ Phàng

Cung Hạ Thanh núi Lao có cây nại đông cao hai trượng, to mấy mươi chét tay và cây mẫu đơn cao hơn trượng, khi trổ hoa thì rực rỡ như gấm. Hoàng sinh người Mục Châu (tỉnh Sơn Đông) làm nhà ở đó đọc sách. Một hôm ngồi trong cửa sổ nhìn ra thấy một cô gái áo trắng thấp thoáng trong đám hoa, nghi là trong đạo quán sao lại có con gái, bước mau ra thì đã trốn mất. Từ đó thường thấy nàng, bèn núp trong bụi cây rậm để đợi. Chẳng bao lâu cô gái lại cùng một người mặc xiêm hồng tới, từ xa thấy cả hai tuyệt đẹp, tới gần thì nàng mặc xiêm hồng hoảng sợ lui lại nói:

- Ở đây có người!

Sinh đứng bật dậy, hai nàng sợ hãi bỏ chạy, áo xiêm phấp phới, thoang thoảng mùi thơm. Đuổi theo qua bức tường thấp thì đã biến mất. Sinh vô cùng hâm mộ, nhân đề bài thơ lên thân cây rằng:

Vô hạn tương tư khổ,
Hàm tình đối đoản song
Khủng quy Sa Trá Lợi,
Hà xứ mịch Vô Song.

Dịch:

[Tưởng nhớ bao đau khổ
Tần ngần ngóng trước sau
Sợ vào tay Trá Lợi
Đâu kiếm thấy Vô Song?]

Sa Trá Lợi, Cổ Áp Nha: xem hai truyện phụ lục. Hai câu thơ trên nguyên văn là “Giai nhân dĩ thuộc Sa Trá Lợi, Nghĩa sĩ kim vô Cổ Áp Nha”, chưa rõ tác giả.

Về phòng học ngồi mơ tưởng, chợt cô gái bước vào. Sinh giật mình mừng rỡ đón chào, nàng cười nói:

- Chàng hùng hổ như ăn cướp làm người ta hoảng sợ, không ngờ cũng là người tao nhã, có gần cũng không sao.

Sinh hỏi qua thân thế, nàng đáp:

- Thiếp tiểu tự là Hương Ngọc, người chốn bình khang, bị đạo sĩ nhốt trong núi, thật không phải ý nguyện.

Sinh hỏi:

- Đạo sĩ tên gì? Ta sẽ rửa hờn cho nàng.

Cô gái nói:

- Không cần! Y cũng chưa dám ép buộc gì, cứ mượn nơi này cùng khách phong lưu làm chỗ gặp gỡ kín đáo cũng hay.

Sinh hỏi:

- Nàng mặc áo hồng là ai?

Nàng đáp:

- Đó là Giáng Tuyết, chị kết nghĩa của thiếp.

Rồi cùng nhau đi ngủ. Tỉnh giấc thì trời đã rạng, cô gái vội trở dậy nói:

- Ham vui quên cả trời đã sáng.

Mặc áo đi giày xong, lại nói:

- Thiếp xin khẩu chiếm họa lại bài thơ, chàng chớ cười.

Thơ rằng:

Lương dạ canh vị tận
Triều đôn dĩ thượng song.
Nguyện như lương thượng yến
Thê xứ tự thành song.

Dịch:

[Dễ hết đêm vui nhỉ?
Vừng đông đã rọi song
Mong như đội én nọ
Cũng chỗ đậu song song]

Sinh nắm cổ tay nàng nói:

- Nàng đã đẹp lại thông minh, khiến người ta yêu quên chết. Một ngày xa nhau như xa cách ngàn dặm, lúc nào nàng rảnh thì tới, đừng đợi đến đêm.

Cô gái nhận lời, từ đó sớm tối thường tới, sinh thường bảo mời Giáng Tuyết mà không thấy tới nên lấy làm hận. Nàng nói:

- Chị Giáng tính rất lạnh lùng, không như thiếp si tình, cứ để thiếp từ từ khuyên nhủ, không cần nóng nảy.

Một đêm nàng buồn rầu bước vào nói:

- Chàng không giữ được đất Lũng mà còn mong lấy Thục ư? Từ nay thì vĩnh biệt nhau rồi.

Sinh hỏi đi đâu, nàng lấy tay áo lau nước mắt nói:

- Đây là định số, khó nói với chàng được. Câu thơ ngày trước nay thành lời sấm rồi. Người đẹp đã về Sa Trá Lợi, nghĩa sĩ nay không Cổ Áp Nha, có thể nói là vịnh cảnh ngộ của thiếp đấy.

Sinh gạn hỏi thì nàng không đáp, chỉ nức nở khóc, suốt đêm không ngủ, sáng ra đi ngay.

Sinh lấy làm lạ, hôm sau có họ Lam ở Túc Mặc vào cung quán vãn cảnh, thấy cây bạch mẫu đơn thích lắm bèn đào lên mang về. Sinh mới hiểu ra Hương Ngọc là tinh hoa, buồn rầu không thôi. Qua vài hôm nghe nói cây hoa họ Lam đem về nhà trồng ngày càng khô héo, sinh rất hận, làm năm mươi bài thơ khóc hoa, ngày ngày tới chỗ cây bạch mẫu đơn cũ, nước mắt ròng ròng nhỏ xuống cái hố. Một hôm sinh ra đó, từ xa thấy cô gái mặc xiêm hồng đứng khóc cạnh hố, thong thả tới gần nàng cũng không tránh mặt, nhân kéo vạt áo nàng sa nước mắt, kế mời vào nhà.

Nàng cũng theo vào, than rằng:

- Chị em với nhau từ thuở nhỏ, một sớm chia lìa, thấy chàng thương cảm thiếp cũng mủi lòng, nước mắt rơi xuống suối vàng may ra cảm thấu lòng thành mà tái sinh. Nhưng người chết thần khí đã tan, trong giây lát làm sao có thể cùng nhau cười nói được?

Sinh nói:

- Tiểu sinh phận bạc làm hại người tình, quả không có phúc được cả hai người đẹp. Trước từng nhiều lần nhờ Hương Ngọc bày tỏ lòng thành, sao không chịu tới?

Nàng nói:

- Thiếp cho rằng bọn học trò trẻ tuổi mười người thì tám chín là kẻ bạc hãnh, không biết chàng là kẻ chí tình. Nhưng thiếp cùng chàng giao hảo vì tình nghĩa chứ không vì chăn gối, nếu đêm ngày ôm ấp thì thiếp không làm được.

Nói xong cáo biệt, sinh nói:

- Hương Ngọc mất đi làm ta bỏ cả ăn ngủ, muốn cậy nàng ở lại một lúc cho khuây nỗi nhớ, sao lại dứt khoát về như vậy?

Cô gái bèn ở lại, hết đêm ra về, mấy ngày liền không tới. Một hôm mưa lạnh rả rích ngoài song, sinh nhớ thương Hương Ngọc, trằn trọc trên giường, lệ ướt đẫm gối, xốc áo trở dậy khêu đèn cầm bút theo vần trước viết một bài thơ:

Sơn viện hoàng hôn vũ
Thùy liêm tọa tiểu song
Tương tư nhân bất kiến
Trung dạ lệ song song.

Dịch:

[Sơn viện chiều mưa lạnh
Buông rèm tựa trước song
Người tương tư chẳng thấy
Đêm nhỏ lệ song song.]

Viết xong đọc lên, chợt có tiếng người ngoài cửa sổ nói:

- Có xướng không thể không có họa.

Nghe thì là tiếng Giáng Tuyết. Sinh mở cửa mời vào, nàng xem thơ xong lập tức viết ngay phía sau một bài:

Liên khuyết nhân hà xứ?
Cô đăng chiếu vãn song
Không sơn nhân nhất cá
Đối ảnh tự thành song.

Dịch:

[Chung gối người đâu tả
Đèn le lói rọi song
Phòng văn ngồi đối bóng
Đơn chiếc tựa thanh song.]

Sinh đọc xong sa nước mắt, nhân trách nàng ít tới. Nàng nói:

- Thiếp không thể nồng nàn như Hương Ngọc được, chỉ có thể an ủi cho chàng ít nhiều khuây cảnh tịch mịch thôi.

Sinh muốn ngủ chung, nàng nói:

- Gặp nhau là vui, cần gì phải thế?

Từ đó lúc nào sinh thấy cô quạnh thì nàng lại tới. Tới thì yến ẩm xướng họa, có khi không ngủ lại, tan tiệc là về, sinh cũng chiều ý, nói với nàng:

- Hương Ngọc là vợ yêu của ta, Giáng Tuyết là bạn tốt của ta.

Thường hỏi:

- Nàng là cây thứ mấy trong viện xin nói cho biết, ta sẽ mang trồng trong nhà, khỏi bị bọn ác cướp đi mất như Hương Ngọc, để hận lại suốt đời.

Nàng đáp:

- Chốn cũ khó dời, nói cho chàng biết cũng vô ích. Vợ còn chẳng theo nhau trọn đời được, huống là bạn ư.

Sinh không nghe, kéo tay cùng ra, tới mỗi cây mẫu đơn lại hỏi:

- Có phải là nàng không?

Cô gái không nói chỉ che miệng cười.

Gặp lúc sinh về quê ăn tết, qua tháng hai chợt mơ thấy Giáng Tuyết tới buồn rầu nói:

- Thiếp gặp nạn lớn, chàng tới mau thì may ra còn gặp được nhau, chậm là không kịp đâu.

Sinh tỉnh dậy lấy làm lạ, vội sai người nhà thắng ngựa lên núi ngay, tới nơi thấy đạo sĩ sắp làm nhà, có một cây nại đông vướng chỗ, đám thợ sắp đốn đi. Sinh biết đó là ứng với giấc mơ vội vàng cản lại. Đến đêm Giáng Tuyết tới tạ ơn, sinh cười nói:

- Trước không nói thật nên gặp nạn này. Từ nay đã biết rõ nàng rồi, nếu không tới ta sẽ lấy ngải cứu đốt cho xem.

Nàng đáp:

- Thiếp vốn biết chàng như thế nên trước kia mới không dám nói.

Ngồi một lát, sinh nói:

- Nay ngồi với bạn tốt lại thêm nhớ vợ đẹp. Lâu không viếng Hương Ngọc, nàng có thể đi với ta không?

Hai người bèn tới hố đất mà khóc, gần hết canh một Giáng Tuyết lau nước mắt khuyên giải sinh rồi ra về.

Vài ngày sau, sinh đang ngồi một mình buồn bã, Giáng Tuyết tươi cười bước vào nói:

- Có tin mừng báo cho chàng hay. Thần hoa cảm lòng chí tình của chàng, cho Hương Ngọc tái sinh ở cung này.

Sinh mừng hỏi đến lúc nào, nàng đáp:

- Không rõ nhưng chắc không bao lâu nữa.

Trời sáng trở dậy, sinh nói:

- Ta vì nàng mà tới đây, đừng để người ta chịu hiu quạnh mãi đấy.

Nàng cười gật đầu. Hai đêm nàng không tới sinh bèn tới ôm lấy cây, vuốt ve rung lắc gọi tên Giáng Tuyết mấy lần mà không nghe đáp lại. Liền về ngồi dưới đèn vê mồi ngải định tới đốt cây. Cô gái vội chạy vào, giật mồi ngải ném đi, nói:

- Chàng hay đùa ác khiến người ta bị đau, phải đoạn tuyệt với chàng thôi.

Sinh cười ôm lấy nàng, vừa ngồi chưa yên thì Hương Ngọc lững thững bước vào.

Sinh trông thấy mừng sa nước mắt, vội đứng lên đỡ nàng. Hương Ngọc giơ một tay kéo Giáng Tuyết, nhìn nhau sụt sùi, kế cùng ngồi xuống than thở chuyện xa cách. Sinh cầm tay Hương Ngọc thấy trống không như tự nắm tay mình, kinh ngạc cho là khác với ngày trước. Hương Ngọc ứa nước mắt nói:

- Thiếp trước là thần hoa nên thể chất ngưng tụ, nay là ma hoa nên thể chất hư tán, nay tuy gặp nhau nhưng chàng đừng coi là thật, chỉ là như gặp nhau trong mộng thôi.

Giáng Tuyết nói:

- Em tới hay lắm, chị bị chồng em quấy rối muốn chết.

Rồi lập tức cáo biệt. Hương Ngọc vẫn âu yếm như xưa, song lúc tựa kề nhau, phảng phất như một mình tựa bóng. Sinh buồn bực không vui, Hương Ngọc cũng áy náy tủi hận, nói:

- Chàng lấy bột bạch liễm trộn với ít lưu hoàng pha nước mỗi ngày tưới cho thiếp một chén, ngày này sang năm xin đền ơn chàng.

Rồi cũng từ biệt đi.

Hôm sau sinh ra chỗ cũ thì có mầm cây mẫu đơn mới nảy bèn làm theo lời, hàng ngày chăm bón, lại rào chung quanh để giữ gìn, Hương Ngọc tới rất cảm kích. Sinh bàn dời cây mang về nhà, nàng không chịu, nói:

- Thiếp vốn thể chất yếu đuối, không chịu nổi việc đào lên trồng xuống. Vả lại mọi vật sinh ra đều có nơi nhất định, thiếp từ trước vốn không định sinh ở nhà chàng, làm trái đi sẽ giảm thọ, chỉ cần yêu thương nhau thì ắt có ngày sum họp thôi.

Sinh hận Giáng Tuyết không tới, Hương Ngọc nói:

- Nếu muốn ép chị ấy tới thì thiếp có thể làm được.

Bèn cùng sinh thắp đèn ra dưới gốc cây, lấy một cọng cỏ đo vào xiêm mình làm cữ rồi đo gốc cây từ dưới lên trên bốn thước sáu tấc thì đánh dấu vào, bảo sinh lấy hai móng tay gãi. Giây lát Giáng Tuyết từ sau thân cây đi ra, mắng:

- Con nhãi tới giúp Kiệt làm điều bạo ngược à?

Rồi dắt tay nhau cùng về.

Hương Ngọc nói:

- Chị đừng trách, phiền chị tạm làm bạn với chàng, một năm sau em không dám quấy quả nữa.

Từ đó Giáng Tuyết lại tới thường. Sinh thấy mầm cây ngày càng tươi tốt, cuối xuân đã cao gần hai thước, trước khi về nhà đưa tiền tặng đạo sĩ nhờ tưới bón giúp. Tháng tư năm sau trở lại cung quán thấy có một nụ hoa chưa nở, đang còn tần ngần thì hoa bỗng lay động như muốn gãy, giây lát thì nở, đóa to như cái mâm, có một người đẹp nghiễm nhiên ngồi trong nhụy hoa, chỉ cao ba bốn đốt tay, trong chớp mắt nhẹ nhàng bước xuống, chính là Hương Ngọc. Nàng cười nói:

- Thiếp chịu gió mưa để đợi chàng, sao chàng tới muộn thế?

Rồi cùng vào nhà thì Giáng Tuyết đã tới, cười nói:

- Ngày ngày làm vợ thay người, bây giờ may mắn lại được lui về làm bạn.

Rồi cùng nhau chuyện trò xướng họa, nửa đêm Giáng Tuyết ra về, hai người cùng đi nằm, lại mặn nồng như trước.

Sau vợ sinh chết, sinh vào trong núi ở luôn không về nhà nữa, lúc ấy cây mẫu đơn đã to bằng cánh tay. Sinh thường chỉ cây nói:

- Sau này ta sẽ gửi hồn ở đó, mọc bên trái nàng.

Hai cô gái cười nói:

- Chàng đừng quên đấy!

Hơn mười năm sau sinh chợt mắc bệnh, con trai tới thăm, nhìn cha đau xót, sinh cười nói:

- Đây là ngày ta sinh chứ không phải ngày ta chết, đau xót làm gì?

Rồi nói với đạo sĩ:

- Sau này dưới gốc mẫu đơn có một mầm đỏ chợt nảy ra, một lúc trổ năm lá chính là ta đấy.

Rồi không nói gì nữa. Con trai sinh chở về, tới nhà thì sinh chết. Năm sau quả có cái mầm lớn chợt nảy ra, trổ đủ năm lá, đạo sĩ lấy làm lạ càng năng vun tưới. Ba năm sau thì cao mấy thước, to một ôm nhưng không trổ hoa. Đạo sĩ già mất đi, các đệ tử không biết, thấy cây không trổ hoa nên đốn bỏ. Cây bạch mẫu đơn cũng héo đi rồi chết, không bao lâu cây nại đông cũng chết.

___________________________________

CHƯƠNG 51: ĐẠI NAM

Muộn Muộn Tầm Thân Vạn Lý Hành
Bàng Nhân Môn Hộ Đắc Công Danh
Mẫu Hiền Tử Hiếu Chung Đoàn Tụ
Hãn Phụ Môn Tâm Tổng Bất Bình

Dịch:

Tìm Cha Muôn Dặm Huống Cheo Leo
Gặp Vận Công Danh Cũng Khéo Chiều
Xum Họp Mẹ Hiền Con Hiếu Thảo
Đàn Bà Cay Nghiệt Trái Oan Nhiều

Hề Thành Liệt là sĩ nhân ở Thành Đô (tỉnh thành Tứ Xuyên), có một vợ một thiếp, người thiếp họ Hà, tiểu tự là Chiêu Dung. Vợ chết sớm, Hề lấy vợ kế họ Thân nhưng không tử tế được với nhau, ngược đãi Hà làm khổ lây cả Hề, cả ngày cãi vã ầm ĩ không sao sống nổi, Hề tức giận bỏ đi. Sau khi chồng đi, Hà sinh được một trai đặt tên là Đại Nam. Lâu ngày Hề không trở về, Thân gạt Hà ra không cho ăn cơm chung, cứ tính ngày đong gạo cấp cho.

Đại Nam lớn dần, Hà không dám xin cấp nhiều hơn, phải dệt vải để kiếm thêm. Đại Nam thấy trẻ con ở trường ngâm nga đọc sách thích lắm nói với mẹ muốn đi học, mẹ thấy còn nhỏ quá nên tạm đưa tới trường cho học thử để làm khó. Nhưng Đại Nam thông minh, học mau gấp đôi các trẻ khác. Thầy lấy làm lạ, tình nguyện dạy không lấy tiền, Hà bèn cho con theo học, thù tạ chút ít cho thầy. Được hai ba năm Đại Nam đã đọc thông kinh sử, một hôm về nói với mẹ:

- Trong trường có năm sáu đứa đều xin tiền cha mua quà bánh, sao con không có cha?

Mẹ nói:

- Lúc nào con lớn mẹ sẽ cho biết!

Đại Nam hỏi:

- Con mới bảy tám tuổi, lúc nào mới là lớn?

Mẹ đáp:

- Con tới trường đi ngang miếu Quan Đế thì nên vào lạy, người sẽ phù hộ cho mau lớn.

Đại Nam tin lời, ngày hai buổi đi qua đều vào miếu lạy. Mẹ biết, hỏi con cầu xin chuyện gì thì đáp:

- Chỉ xin người sang năm cho con lớn như mười lăm mười sáu tuổi.

Mẹ cười, nhưng Đại Nam sức học và vóc dáng đều tăng nhanh, đến năm mười tuổi đã như mười ba mười bốn, làm văn thì thầy học cũng không thể thêm bớt sửa đổi. Một hôm nói với mẹ:

- Trước mẹ nói lúc nào con lớn mẹ sẽ cho biết cha ở đâu, nay đã đến lúc rồi!

Mẹ nói:

- Chưa đâu, chưa đâu!

Lại hơn một năm nữa, đã như người lớn hẳn hoi, càng gặng hỏi luôn luôn. Mẹ bèn thuật lại ngành ngọn. Đại Nam nghe kể vô cùng thương cảm, muốn đi tìm cha. Mẹ nói:

- Con còn nhỏ lắm, mà cha con sống chết ra sao chưa rõ, làm sao tìm được?

Đại Nam không đáp đi ra, đến trưa không về, mẹ tới trường hỏi thì thầy nói sau giờ cơm sớm chưa trở lại trường. Mẹ cả kinh, thuê người đi tìm kiếm khắp nơi mà không thấy tung tích. Đại Nam ra cửa, không biết nên đi đâu, cứ theo đường mà đi. Gặp một người đang đi Quỳ Châu (huyện thuộc Tứ Xuyên), tự nói là họ Tiền, bèn xin đi theo. Tiền thấy đi chậm chán quá, thuê cho con lừa đỡ chân, tiền lưng cạn hết. Tới Quỳ Châu cùng ăn cơm, Tiền ngầm bỏ thuốc mê vào, Đại Nam mê man bất tỉnh. Tiền chở tới một chùa lớn nói là con mình, đi đường bị ốm hết cả tiền ăn, muốn bán cho sư. Các sư thấy mặt mũi khôi ngô tranh nhau mua, Tiền được vàng ra đi.

Các sư đổ nước cho, Đại Nam dần tỉnh lại, sư ông mới biết bèn tới xem, thấy tướng mạo lấy làm lạ, hỏi biết được ngọn ngành càng thương, trách phạt các sư rồi cho Đại Nam tiền bảo đi. Có Tú tài họ Tưởng ở huyện Lô Châu (tỉnh Tứ Xuyên) thi trượt trở về trên đường gặp hỏi biết chuyện khen là hiếu, bèn dắt cùng đi. Tới Lô Châu ở lại nhà Tưởng hơn một tháng, tìm hỏi khắp nơi. Có người nói trong các thương nhân đất Mân (tỉnh Phúc Kiến) có người họ Hề, bèn chào Tưởng để đi Mân. Tưởng tặng tiền áo giày, làng xóm cũng góp tiền giúp đỡ.

Trên đường có hai khách buôn vải đi Phúc Thanh (tỉnh thành Phúc Kiến) rủ đi cùng. Đi được vài ngày, họ nhìn thấy tiền trong túi Đại Nam bèn đưa tới chỗ vắng trói tay chân cướp sạch rồi bỏ đi. Gặp lúc có ông Trần người huyện Vĩnh Phúc (tỉnh Tứ Xuyên) đi ngang đó cởi trói cho chở về nhà. Nhà Trần giàu có, khách buôn các trấn trong vùng phần lớn đều xuất thân từ nhà ông. Ông dặn các khách buôn Nam Bắc hỏi giùm tin Hề, giữ Đại Nam lại cho học với các con mình. Đại Nam bèn ở lại không đi đâu nữa, nên quê càng xa, tin nhà càng vắng.

Hà Chiêu Dung sống cô đơn ba bốn năm, Thân thị chu cấp ít đi, ép phải tái giá nhưng Hà tự làm lụng mà sống, không chịu đổi lòng. Thân bán bừa cho một khách buôn ở Trùng Khánh (tỉnh Tứ Xuyên), người ấy bắt cóc Hà mang đi. Đến đêm Hà lấy dao tự cứa cổ, người khách buôn không dám ép, chờ vết thương lành bán lại cho một khách buôn ở Diêm Đình. Tới Diêm Đình, Hà tự rạch bụng thấy cả ruột gan, người khách buôn sợ bó thuốc cho, khi lành rồi Hà chỉ xin cho làm ni cô. Người khách buôn nói:

- Ta có người bạn buôn không có ngọc hành thường muốn tìm một người để may vá, ở với y cũng như làm ni cô, mà cũng có thể bù lại cho ta ít tiền.

Hà nghe theo. Người khách buôn cho kiệu đưa đi, tới cửa chủ nhân bước ra thì là Hề sinh. Nguyên Hề đã bỏ nghiệp nho đi buôn, người khách buôn thấy không có vợ nên đem Hà tặng cho. Hai người gặp nhau kinh ngạc đau xót, cùng kể nỗi khổ, Hề mới biết là có con trai đi tìm cha chưa về. Hề bèn nhờ các quán trọ dò hỏi tin tức Đại Nam, còn Chiêu Dung từ chỗ là thiếp trở thành chính thất.

Nhưng nàng trải nhiều tai nạn nên đau yếu lắm bệnh không làm được việc nhà, bèn khuyên chồng lấy vợ lẽ. Hề nhớ lại tai họa trước đây nên không nghe, Hà nói:

- Nếu thiếp là kẻ tranh giành nơi giường chiếu thì mấy năm nay đã theo người sinh con rồi, làm sao còn đoàn tụ với chàng như hôm nay! Vả lại việc người ta đối xử với mình nay còn thầm đau trong lòng, lẽ nào mình lại đối xử như thế với người khác.

Hề bèn dặn bạn khách buôn mua cho một người thiếp già hơn ba mươi tuổi. Qua nửa năm, khách quả mua được người về, vào tới cửa thì ra là Thân thị, ai cũng lạ lùng kinh sợ. Trước đó Thân thị ở một mình thêm được hơn năm thì anh là Bao khuyên tái giá. Thân nghe theo, duy ruộng nương thì bị họ hàng nhà chồng cản trở không cho bán, liền bán các vật dùng được mấy trăm lượng vàng về nhà anh ở. Có người khách buôn ở huyện Bảo Ninh (tỉnh Tứ Xuyên) nghe nói có nhiều của hồi môn bèn đút lót nhiều tiền cho Bao để lừa cưới. Nhưng người khách buôn già nua không còn sức làm đàn ông, Thân oán anh không chịu ở yên, hết thắt cổ lại nhảy xuống giếng, phiền nhiễu không chịu nổi. Người khách buôn giận, lục soát tiền bạc lấy hết, định đem bán làm thiếp, nhưng ai nghe cũng chê đã quá ba mươi rồi.

Người khách buôn đi Quỳ Châu đưa Thân cùng đi, người bạn buôn với Hề gặp bèn mua về. Thân gặp mặt Hề thì vừa thẹn thùng sợ sệt không nói một câu. Hề hỏi người bạn buôn biết rõ đầu đuôi bèn nói:

- Nếu gặp được người đàn ông mạnh khỏe thì đã ở lại Bảo Ninh, đâu có gặp nhau ở đây, cũng là số trời. Nhưng nay ta mua thiếp chứ không phải cưới vợ, nên cứ vào lạy Chiêu Dung cho đúng lễ vợ cả vợ bé đã.

Thân lấy làm nhục, Hề nói:

- Trước kia ngươi làm vợ cả thì sao?

Hà khuyên thôi nhưng Hề không chịu, cầm gậy đe dọa cưỡng ép, Thân bất đắc dĩ phải lạy, nhưng trước sau vẫn không chịu hầu hạ, chỉ làm lụng ở phòng khác. Hà đều bỏ qua hết, cũng không nỡ xét nét siêng năng hay lười biếng. Hề cứ chuyện trò yến ẩm với Chiêu Dung là gọi Thân thị tới hầu hạ bên cạnh, Hà muốn sai tỳ nữ thay nhưng không nghe. Gặp lúc ông Trần Tự Tông tới làm Huyện lệnh Diêm Đình, Hề có việc tranh chấp nhỏ với người làng, họ bèn kiện Hề tội bắt vợ cả làm vợ lẽ, Trần thét đuổi ra.

Hề mừng ca ngợi ông với Hà. Một đêm đã khuya, đứa hầu nhỏ gõ cửa vào bẩm quan huyện tới. Hề hoảng sợ vội tìm áo mũ thì quan đã tới cửa phòng, lại càng sợ không biết làm gì. Hà nhìn kỹ, vội bước ra nói:

- Con ta đây mà!

Rồi bật khóc, Trần bèn lạy phục xuống đất khóc nức nở, té ra Đại Nam lấy họ ông Trần nay đã làm quan. Lúc trước từ kinh tới đi vòng qua quê cũ mới biết hai mẹ đều đã cải giá, trong lòng đau xót. Họ hàng biết Đại Nam đã làm quan liền trả lại ruộng vườn nhà cửa, Đại Nam cho đầy tớ ở lại sửa sang xây cất đợi ngày cha về. Kế được bổ nhiệm ở Diêm Đình, lại muốn bỏ quan tìm cha, ông Trần hết sức khuyên can. Vừa gặp lúc có người thầy bói bèn xin một quẻ, thầy bói nói:

- Nhỏ làm lớn, dưới thành trên, tìm trống được mái, tìm một được hai, làm quan rất tốt.

Trần bèn đi nhậm chức, vì không tìm được cha nên làm quan không uống rượu ăn mặn.

Hôm ấy nhận được đơn kiện của người làng thấy nói đến họ Hề có ý ngờ, ngầm sai tớ gái dò hỏi thì quả là cha. Bèn nhân lúc đêm tối vi hành, gặp mẹ càng tin thầy bói tài giỏi. Lúc ra về dặn đừng tiết lộ, đưa ra hai trăm lượng vàng, bảo cha sửa soạn về quê. Cha về tới nơi thì nhà cửa mới mẻ, nuôi thêm người hầu ngựa cưỡi, nghiễm nhiên là một đại gia. Thân thị thấy Đại Nam sang giàu càng hổ thẹn, anh là Bao biết được, kiện lên quan giành lại ngôi vợ cả cho em. Quan xét được sự thật, giận nói:

- Đã tham của khuyên em tái giá, bỏ Hề lấy chồng hai lần rồi, lại còn mặt mũi tranh giành cả lẽ như xưa à?

Rồi sai đánh Bao thật đau. Từ đó danh phận rõ ràng, Thân coi Hà như em, Hà cũng coi Thân như chị, thức ăn cái mặc đều chia cho. Thân lúc đầu vẫn sợ Hà trả thù, đến lúc ấy càng thẹn thùng hối hận. Hề cũng bỏ qua lỗi trước, cho người nhà gọi Thân là Thái mẫu, chỉ không được phong tặng thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro